Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 1, 2020

NHỮNG NGƯỜI NHẢY TÀU - Trần Duệ


                Nhà văn Trần Duệ


NHỮNG NGƯỜI NHẢY TÀU
                                                                     Trần Duệ
                                                                         
Đêm. Rừng cao su u tịch. Bóng đen phủ kín cả vùng trời. Cố nhướng mắt nhìn nhưng tôi không thể nào thấy được những hàng cây cao su đứng thẳng tắp trước mặt; chỉ thi thoảng vài tiếng tắc kè kêu và đôi tiếng lào xào của vòm cây tối thẫm. Trời như chuẩn bị đổ mưa, những ánh chớp lóe lên ở phía xa xa cũng đủ soi chiếu tới ngôi mộ được quét vôi trắng nằm ở giữa vườn. Người chủ trang trại đang nằm cái võng kế bên tôi cho biết, đó là mộ của một thanh niên bị voi đạp chết, nhưng không có thân nhân nên dân địa phương chôn ngay tại nơi thọ nạn. Sau khi mua lại mảnh đất này thì anh xây mộ, hàng đêm đều cho công nhân thắp nhang và thành tâm cầu mong người đã khuất phù hộ cho mình được yên ổn làm ăn. Đó quả là một cảnh tượng rùng rợn, ma quái, nhất là đối với những người chưa quen ngủ trong rừng cao su vào ban đêm như tôi.
Anh chủ vườn nói, trước lúc anh đến nơi này thì đây là một vùng rừng núi rộng lớn. Ở đó có đường tàu Bắc Nam đi qua và có một ga nhỏ, chủ yếu là để tránh tàu lúc cần thiết và cũng là nơi trú ngụ của công nhân đi tuần đường. Mọi chuyến tàu vào ga đều giảm tốc độ, và đây chính là điều kiện để người ta tuồn gỗ lên tàu. Ga xép vì vậy trở thành nơi cưu mang, nơi nương tựa cho những mảnh đời, những phận người tứ cố vô thân... Anh về đây mua gần 30 hecta đất để trồng cao su. Lúc đó rừng không còn, và đàn voi vốn gieo rắc kinh hoàng bằng việc phá phách và đạp chết gần chục người đã được chính phủ bắt về nuôi ở rừng Tây Nguyên. Nông trường cao su quốc doanh được thành lập, kéo theo vài ngàn công nhân tụ về, khiến cái ga xép ngày xưa cũng bớt đi phần nào quạnh quẽ. Rừng xưa không còn, nhưng vẫn còn đó những câu chuyện đau thương của những người khai cơ dựng nghiệp, những thợ rừng, những người “rớt tàu”, vẫn được mang ra kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu. Tôi nằm im trên võng giữa đêm khuya ở vườn cao su đang khai thác hơn 10 năm để nghe người bảo vệ già của nhà anh bạn, và cũng là người sống lâu năm ở địa phương này, kể về những người “rớt tàu”. Tôi chợt hiểu ra sự thành công nào cũng kết tinh bằng cái vinh, cái nhục của con người, bất luận cao sang hay thấp hèn. Người bảo vệ già kể về nhiều người ở địa phương, nhưng sao tôi vẫn không quên được một người có tên là Trung
Câu chuyện như thế này…
Tiếng còi tàu nghe càng to dần. Mọi người đều hiểu lái tàu chỉ báo là tàu chạy chậm vào ga chứ không dừng. Một người lao ra khỏi tàu. Đoàn tàu vô tư chạy vào cánh rừng trước mặt. Ga nhỏ chìm vào bóng đêm. Tất cả trở lại không khí rờn rợn của vùng rừng núi. Trung liêu xiêu đi dọc đường sắt. Đá lởm chởm dưới chân hắn. Chiều nay hắn uống hơi nhiều. Hết thằng thợ rừng này tới thằng thợ rừng khác mời hắn uống rượu. Tụi nó mới bán được mấy mét khối gỗ. Trung bực bội khi thằng nào đó dám nằm ngáng đường đi của hắn. Khuya rồi mà mầy còn nằm ngủ đây hả? Hắn càu nhàu. Mày biết tao là ai không, hả? Hắn đá mấy đá lách nhách vào lưng cái thằng đang nằm ngáng trên đường sắt. Thằng ngáng đường vẫn nằm im. Mày không sợ tao thì thôi. Tao ngủ luôn đây cho vui. Chỉ có trời đất mới nghe được giọng lè nhè của thằng say rượu. Trời chưa mờ sáng. Anh tuần đường bắt đầu đi làm. Anh nghĩ, may mà không có tàu chạy qua. Nếu có chắc tụi mày chết từ lâu rồi. Kéo hai tên vi phạm luật an toàn giao thông ra khỏi đường sắt, anh tiếp tục đi tuần. Trời sáng trợt, Trung giật mình thức giấc. Không hiểu sao mình lại ngủ đây. Thằng nằm với mình sao bị dính nhiều máu như vậy? Trung lật đật chạy về nhà. Nhà hắn cách nơi đó cũng không xa. Mấy hôm trước, con bò kéo xe vẫn ăn cỏ ở quanh đây, vậy mà hắn tìm mãi mới ra. Con bò chẳng buồn nhìn hắn.
Chiếc xe bò cọc cạch đi về huyện. Thằng nhảy tàu vẫn nằm im. Máu ở mũi đã ngưng chảy. Trung quất roi thật mạnh để con bò đi nhanh hơn, nhưng cũng phải đến gần trưa thì mới tới được bệnh viện huyện. Bác sĩ và cô y tá lau máu trên mặt rồi hỏi tên bệnh nhân. Lỳ - Trần Đình Lỳ, Trung dõng dạc, dù Trần Đình chính là họ và chữ lót của Trung, còn Lỳ là…lỳ, vậy đi! Vợ Trung thuê xe ôm chạy lên bệnh viện, nhăn nhó nhìn Trung, “đúng là thứ người thích rước họa vào thân”. Trung chẳng buồn cãi. Vợ hắn đưa cho hắn một cọc tiền và chiếc khoen vàng vừa tháo ở ngón tay rồi lại quày quả về. Ngày hôm sau, thằng Lỳ tỉnh. Nó nhướng mắt nhìn Trung. Trung mừng trong bụng. Nhà ở gần đường sắt nên hắn hiểu rằng những thằng nhảy tàu không đúng cách hay rớt tàu đều khó mà tỉnh lại. Trung bưng ly nước cho thằng Lỳ uống. Nó nhếch môi, “cho em xin ly rượu”. Trung nghĩ trong đầu, đời tao uống rượu đã hơn hai chục năm, nhưng bệnh mà cũng đòi rượu thì đúng là sư phụ của tao rồi. Miễn! Bắt gặp ánh nhìn khó chịu của Trung, thằng nhỏ vừa đang muốn nói gì bỗng ngưng lại, nuốt nước bọt nhìn lơ chỗ khác. Trung nghĩ, dù gì thì mình vẫn còn hên hơn thằng nhỏ này. Mình cũng nhảy tàu xuống đây vào ban đêm nhưng thân thể lành lặn. Không biết thằng nhỏ này tìm đến đây vì lý do gì, còn riêng Trung chỉ đơn giản tìm đến đây để làm ăn và cầu mong một sự đổi đời vì quê hương bản quán của Trung làm ăn khó khăn quá. Rồi Trung gặp được vợ cũng hạng dân tha phương cầu thực như mình. Vậy là hai mảnh đời rách nát ráp lại với nhau để mong một sự đổi đời trên vùng đất mới. Gần 6 năm sống chung, tài sản của họ là chiếc xe và con bò kéo, cùng ngôi nhà lá nho nhỏ.
Trung tiếp tục làm nghề đánh xe bò chở gỗ thuê. Ngày nào thằng Lỳ cũng theo hắn bốc gỗ lên xe. Nó không đòi tiền công, không đòi ăn ngon. Nó chỉ thích ngủ ngoài hiên nhà. Hằng ngày nó chỉ thích uống rượu thay nước. Vợ Trung nhẩm tính. Mới mấy tháng mà thằng Lỳ đã làm lợi gấp mấy lần số tiền bỏ ra nuôi nó nằm bệnh viện. Lỳ không quan hệ với người khác, buổi chiều ngồi ở nhà uống rượu với Trung. Không hiểu hai người này hợp nhau ở điểm nào nữa? Vợ Trung cứ phân vân.
Đường rừng. Trời tối nhá nhem. Một người đàn ông đi làm về. Dáng hắn tỏ ra mệt mỏi. Ba người đàn ông nhảy trong bụi cây ra đứng ngáng giữa đường. Một tên dí dao vào cổ người đi đường.
-       Đứng im.
Người đàn ông chậm rãi trả lời:
- Có chuyện gì không ?
- Có bao nhiêu tiền bỏ ra hết.
- Có đồng nào đâu mà bỏ ra.
- Mày cương hả ?
- Các ông cứ lục soát đi.
Người đi đường vẫn thái độ chậm rãi. Một tên lục tìm trong túi áo và túi quần và cái bao cát đeo sau lưng nhưng chẳng tìm ra được một đồng tiền lẻ hay một vật dụng nào đáng giá cả.
- Rách việc.
- Mấy ông “chơi” lộn người rồi.
Một tên trong bọn quát lớn:
- Biến
- Để từ từ người ta đi
Tiếng một tên có dáng cao to nhất trong bọn:
- Thằng này ngon nhỉ?
Vẫn giọng nói chậm rãi:
- Mấy ông có gấp thì cứ đi đi. Tôi chẵng có chuyện gì mà vội.
- Mày có biết tao là ai không ?
- Không biết?
- Đồ điên. Mày mà không đi thì tao cho một dao bây giờ.
- Các ông cứ cho một dao để tôi thoát khỏi cuộc đời chó ỉa này.
Ba cái đầu chụm lại bàn bạc:
- Tụi mình gặp thằng điên rồi.
- Tao thấy nó đâu có điên
- Tao thấy nó quen quen.
Và hắn nói nhỏ đủ cho ba tên cùng nghe:
- Hình như thằng rớt tàu.
- Có phải thằng rớt tàu mà ông Trung xe bò lượm được.
- Ừ
- Thôi, thôi. Đụng vào ông Trung xe bò đó là phiền lắm.
Ba tên cướp im lặng rút vào rừng.
Người đàn ông đứng nhìn theo rồi lẩm nhẩm: “ Bọn này cũng sợ ở tù như tao”. Người vừa nói đó chính là thằng Lỳ. Trời tối hẳn.
Thằng Lỳ không uống cà phê buổi sáng. Thật ra là nó đi nếm thịt chó thuê ở một quán phía trước ga. Nghe nói chủ quán thịt chó là người luyện một loại bùa phép nào đó? Ông ta chỉ dám chế biến chứ không dám nếm. Nếu nó chê nhạt thì thêm muối, chê mặn thì thêm nước vô cho nhạt. Sáng nào thằng Lỳ cũng ăn một chén thịt chó và uống một xị rượu tiền công. Buổi sáng Lỳ đến quán thịt chó thật sớm để “ làm công” và hắn về nhà lúc chưa có khách đến ăn sáng. Sau đó nhiều thợ rừng vào nhậu, họ đến từng tốp, từng tốp rồi uống rượu, ăn thịt chó cho tới chiều. Những cuộc chửi lộn, đánh lộn diễn ra thường xuyên. Chủ quán không thèm can.
Lỳ không thích quan hệ với nhiều người nhưng không hiểu sao nó lại thích thằng Hoà đến như vậy ?! Vợ Trung càu nhàu cho cái tính tào lao của chồng mình. Người gì mà cứ thích rước ba thứ người cù bất, cù bơ ở đâu đâu về nhà mình. Ngôi nhà lợp lá của vợ chồng Trung vốn đã nhỏ nay có thêm một người vào ở chung nữa, đó là Hòa. Ngày nào Hoà cũng đi bốc củi thuê còn Trung và Lỳ đánh xe bò chở gỗ. Cứ chiều chiều, ba người lại ngồi uống rượu. Có hôm không biết họ nói với nhau những chuyện gì mà vợ Trung thấy Hoà khóc tại bàn nhậu. Có hôm vợ Trung nghe thằng Lỳ nói với Hoà “ Đời mày sao buồn như cóc cắn vậy?”. Lúc rảnh rỗi vợ Trung hỏi lý do thì Trung chỉ trả lời “ Ai mà biết cho được”. Nói vậy nhưng Trung biết rất rõ hoàn cảnh của thằng Hoà. Trung kể hoàn cảnh của Hòa để vợ biết. Gia đình thằng Hoà ở cái tỉnh nào đó tận ngoài miền trung và giàu có lắm, nhưng nó bỏ nhà đi chứ không ở chung với cha mẹ. Hoà có 4 chị em gồm hai trai và hai gái, Hòa con út. Ai cũng chí thú làm ăn, riêng Hoà thích đờn địch cả ngày nên cha mẹ nó không thích. Việc không thích đó được phơi bày rõ nhất là khi cha mẹ Hoà tự thấy mình đã già nên viết di chúc chia tài sản cho các con. Ai cũng có phần nhưng riêng Hoà thì không. Lý do cha mẹ của Hoà đưa ra là “ Giao của cải cho thằng mê ca hát thì nó không giữ được”. Hòa bỏ nhà ra đi với những suy nghĩ đến cháy lòng. Hắn lên chuyến tàu xuôi Nam với ý nghĩ bất định. Không biết ai trên cùng chuyến tàu đã chỉ cho hắn nơi dung thân. Hắn “rớt” xuống đây. Vậy là nơi này sẵn sàng dung nạp hắn nhưng với điều kiện là siêng làm, chịu cực và có đủ sức chịu đựng những cơn sốt rét rừng. Trong cơn đói khát đến tận cùng, người đầu tiên mà Hòa gặp ở đây chính là Trung. Trung đưa Hòa về nhà của mình, rồi họ gắn kết cuộc đời với nhau. Không biết đây là điều rủi hay may trong cuộc đời của nhau. Điều mà nhiều người ở đây không ngờ là Hòa đánh biết chơi đàn và cũng là người duy nhất ở đây biết chơi đàn. Nhìn bàn tay của Hòa lướt trên cây Guitar và những âm thanh lả lướt phát ra từ đó, làm cho những khuôn mặt đen đúa, dữ dằn, chai sạn trước cái đẹp của những người đàn ông đang sống và làm nghề rừng ở đây đều dừng lại để chiêm nghiệm về cuộc đời mình. Hình như lúc đó con người của họ hiền ra. Từ tân nhạc cho đến cổ nhạc Hòa đều chơi được nên nhiều người từ đàn ông, đàn bà, con nít trong xóm rừng cùng tìm đến để nghe Hòa đánh đàn rồi họ cùng hát theo. Vậy là Hòa trở thành của quý ở cái xóm này.
Không hiểu Trung nói sao đó mà Hòa lại đi phát rẫy rồi làm một cái chòi bằng gỗ, lợp lá cho riêng mình. Trong đó Trung và Lỳ cùng phụ với Hòa tất cả các công việc. Hồi đó việc đi phát rừng làm rẫy không bị chính quyền ngăn cấm, vậy là trên trái đất mênh mông này đã ưu ái dành cho Hòa một mảnh đất, một tài sản nho nhỏ.
Người đàn bà chuyên đi mua gỗ về bán cho các nhà máy chế biến gỗ ở trên thành phố đã phát hiện ra thằng Lỳ ở quán thịt chó. Bà tìm gặp Trung nói nhỏ: “Cái thằng ông đang nuôi là một tên cướp nổi tiếng. Nó cướp của, giết người rồi bị Công an bắt. Lợi dụng sơ hở nên nó nhảy tàu trốn thoát”. Trung im lặng. Đêm hôm đó, không hiểu Trung nói gì với Lỳ mà thấy nó càng lầm lì hơn. Và kể từ đêm hôm đó, thằng Lỳ vô ngủ ở nhà của Hòa ở trong rẫy, còn ban ngày cả Hòa và Lỳ đều đi bốc gỗ và đánh xe bò cho Trung. Tiền công của cả hai đều được vợ chồng Trung cất giữ riêng nhưng chẳng bao giờ thấy họ yêu cầu trả công. Đêm đêm trong căn chòi nằm sâu trong rẫy phát lên những âm thanh nghe vang vang, réo rắt bằng tiếng đàn guitar và một giọng ca cổ nhạc đầy ai oán, bi thương... Trong mênh mông của núi rừng chỉ có một người đàn và một người hát.
Rồi cái đêm định mệnh đã đến. Trong ánh trăng mờ mờ, có một đàn voi không biết từ đâu nó đi lạc về đây. Thực ra đàn voi không đi lạc mà đây là một cuộc di cư để tìm đất sống, bởi vì những cánh rừng nơi chúng cư ngụ từ ngàn đời đã bị tàn phá đến cạn kiệt. Chúng tìm đến nơi đây dù gỗ quý không còn nhiều nhưng vẫn còn cây cao, bóng mát cho chúng nương thân. Đàn voi kéo nhau đi trong sự căm hận loài người đã cướp đi đại ngàn của chúng. Con voi đầu đàn tìm đến chòi rẫy nơi Hòa và Lỳ đang ngủ, nó rống lên một tiếng thật to để báo hiệu cho đồng loại. Hòa và Lỳ bật dậy nhưng chưa hiểu điều gì vừa xảy ra. Theo bản năng, cả hai người cùng bỏ chạy ra khỏi chòi. Lỳ may mắn chạy thoát, riêng Hòa vấp phải gốc cây té xuống. Vậy là Hòa đã chết dưới lòng căm hận đến tột cùng của đàn voi hung dữ. Căn chòi cũng bị chúng đạp nát, cây đàn guitar bị chúng hất văng lên và treo lơ lửng trên ngọn cây.
Hòa được chôn ngay vào buổi chiều hôm đó bằng những tấm ván được tháo ra từ vách nhà của Trung. Huyệt mộ cũng được đào ngay nơi Hòa đã chết. Đám tang chỉ có vài chục thợ rừng đến chứng kiến, không vui không buồn, không có nước mắt rơi, chỉ có những cái cổ nhướn lên nốc rượu đến say mèm. Trung nói nhỏ với Lỳ: “Hãy để cho gia đình thằng Hòa nghĩ là nó chỉ bỏ đi vài ba năm rồi cũng phải tìm về nhà”.
Đêm đêm, trong nhà Trung vang lên tiếng bài kinh Lạy Cha cùng những lời nguyện “...Lạy chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng chúa thương xót hơn.”
Những con người trong câu chuyện mà tôi đã kể không còn sống ở đây nữa. Sau đám tang của Hòa, thằng Lỳ được Trung đưa về huyện để đầu thú theo lệnh truy nã được ban hành từ nhiều năm trước. Tòa án ở thành phố xử nó vì tội tham gia giết người với mức án là 12 năm tù giam. Ra tù, Lỳ về lại nhà của cha mẹ ruột của mình ở trên thành phố và chăm chỉ làm ăn chứ không lấy vợ. Lỳ nhận nuôi nhiều đứa trẻ mồ côi cha mẹ ăn học đến thành tài, trong đó có 3 đứa ở địa òaphương này. Vợ chồng Trung cũng qua đời vì bệnh sốt ác tính ít năm sau cái chết của Hòa; hai đứa con gái của vợ chồng Trung đi lấy chồng xa và lâu lâu mới về thắp nhang cho cha mẹ một lần; khu đất của gia đình Trung đã được nhà nước thu hồi để xây dựng trường học. Thôi. Vậy cũng hết một kiếp người!
Mãi với suy nghĩ mông lung, tôi giật mình khi nghe tiếng xe máy chạy vào. Tiếng một phụ nữ nói lớn: “Dậy cạo mủ đi”. Tiếng trở mình và ngồi bật dậy của những công nhân cạo mủ cao su trong lán trại. Họ đang chuẩn bị cho công việc của một ngày mới. Tôi liếc nhìn đồng hồ, lúc đó là hai giờ sáng.  
                                                                           Trần Duệ                       

READ MORE - NHỮNG NGƯỜI NHẢY TÀU - Trần Duệ

CÒN THƯƠNG ÁO TRẮNG MỘNG MƠ - Thơ Nhật Quang

Ảnh minh họa: Người mẫu Tô Loan.

CÒN THƯƠNG ÁO TRẮNG MỘNG MƠ

Nhớ thời áo trắng mộng mơ…
Nghiêng che vành nón bài thơ dịu dàng
Bâng khuâng kỷ niệm…Hè sang
Còn vương ký ức rộn ràng đầy vơi

Thương sao xe đạp một thời
Con đường đến lớp phương rơi thắm hồng
Tóc mây gió nhẹ bềnh bồng
Theo sau bao gã trong lòng thầm yêu…

Nắng thơm vai lụa mỹ miều
Tuổi hoa đèn sách những chiều trường tan
Đùa vui bắt bướm, hoa ngàn
Giờ nghe nuối tiếc thời gian qua rồi

Luyến lưu lắm xe đạp ơi!
Còn trong giấc mộng bồi hồi…vấn vương
Nhớ thời áo trắng mà thương
Giỏ xe đạp chở ngát hương phượng buồn.

                                          Nhật Quang







READ MORE - CÒN THƯƠNG ÁO TRẮNG MỘNG MƠ - Thơ Nhật Quang