Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 28, 2012

Vũ Từ Sơn - VỊ THẾ VĂN CHƯƠNG

Tác giả VŨ TỪ SƠN


Những người cầm bút viết văn chương ở mọi chế độ xã hội, mọi thời đại là nhiều vô kể. Họ có thân thế, sự nghiệp rất khác nhau, có vị thế trong xã hội cũng khác nhau. Song văn chương của họ đều có chung một mục đích là khẳng định và vinh danh vị thế văn chương. Tất nhiên tác dụng của tác phẩm với xã hội, với chế độ là hoàn toàn khác nhau, với nhiều cung độ do trình độ, quan điểm, đạo đức và tài ba của người viết.
Tựu chung có hai dạng người viết văn chương: chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Những người viết chuyên nghiệp họ sống được nhờ tác phẩm. Số người này rất ít và đôi khi tác phẩm của họ chạy theo thị hiếu của độc giả để ... kiếm tiền sinh sống, do vậy, phần nào bị thiên lệch, mất tính chân thực, không lương thiện và khó tồn tại lâu dài.
Những người viết văn nghiệp dư thì ở mọi thành phần xã hội. Từ người có cương vị cao: vua, chủ tịch nước, tổng thống, tướng lĩnh, quan lại ... đến thường dân. Ví như ở  nước ta là: Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Hồ Chí Minh ... , Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ ... và lớp dưới thì vô số với nhiều cung bậc.
Có người nói: Nhân loại hạnh phúc vì có  nhà văn! Đúng! Tương tự như vậy, ta có các nhận định với nhà khoa học, nhạc sĩ, kiến trúc ... Song, nếu nói: "Bản chất của nhà văn là cao cả" thì không chính xác. Ở đây ta phải xét đến nhà văn chân chính và không chân chính.
Vậy bản chất của họ là gì ? Nếu dùng từ cao cả thì chỉ có thể nói: Nhà văn là người có trách nhiệm cao cả, góp phần tích cực trong việc xây dựng và cải tạo xã hội. Nhà văn cao cả tự nguyện dâng hiến sự nghiệp văn chương của mình cho nhân loại, cho đất nước, cho xã hội. Tầm ảnh hưởng của nhà văn phụ thuộc vào tác phẩm của họ. Tác phẩm có "đứng" được không, có tồn tại lâu dài với độc giả hay không? Những tác phẩm kinh điển thì tồn tại mãi mãi với dân tộc, với đất nước, với loài người, như là: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Thủy hử của Thị Nại Am, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Chiến tranh hòa bình của Lev Nikolayevich Tolstoy...
Đại cương khảo sát hai vấn đề: Bản chất của nhà văn và vị thế văn chương. 

Bản chất của nhà văn  
Để rõ thêm về hai từ "bản chất " ta phải nói đến "hiện tượng". Xét một người A, bắt đầu có hiện tượng ăn cắp, sau đó hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại ... nhiều lần, dẫn đến bản chất A là kẻ ăn cắp. Mặt khác, nói đến bản chất là nói đến căn cốt. Thí dụ nói: Bản chất của đế quốc là xâm lược. Từ "cao cả "được dùng để chỉ những gì thuộc về tinh thần. Nhà văn đứng trên phương diện cao cả là dùng văn chương để góp phần phê phán, cải tạo, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Họ tự nguyện dâng hiến trí tuệ, công sức của mình cho xã hội. Vậy không thể nói: "Bản chất của nhà văn là cao cả" được!
Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" hoàn toàn do tự nguyện và trên tinh thần cao cả, như ông đã viết: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Xuân Diệu cũng nói một câu rất hay: Cơm áo không đùa với khách thơ.
Vậy, bản chất của nhà văn là nhân văn, nhân bản; là khám phá, phát hiện, phản ánh, cải tạo; là hy sinh, dâng hiến; là  không màng danh lợi; là trung thực và lương thiện. 

Vị thế văn chương 
Trước hết nêu quan điểm của văn chương.Thời kỳ văn học Việt Nam (1930 - 1960) có sự tranh luận giữa hai quan điểm: Nghệ thuật vị nghệ  thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Chính vì hạn chế của mình về nghệ thuật, về văn chương nên chúng ta đã xử sự sai lầm với một số văn nghệ sĩ. Sau này đã có sự sửa sai, các tác phẩm của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hữu Loan ... mới lại được lưu hành. Chúng ta đã cởi mở lên rất nhiều, đã tiệm cận đến gốc của vấn đề. Rõ ràng là nghệ thuật phải "vị" nó (nghệ thuật) và cũng "vị" xã hội, chế độ (nhân sinh).
Vậy vị thế văn chương là gì? Có thể định nghĩa như sau: Vị thế văn chương là vị trí của văn chương trong chế độ xã hội, tư thế và thế đứng của văn chương trong xã hội ấy. Do vậy văn chương được xếp ở vị trí hàng đầu trong xã hội. Đây là vị trí đúng đắn và thích đáng cho văn chương. Tư thế của văn chương là chững chạc, nghiêm cẩn, đàng hoàng, cao sang.
Văn chương có thế đứng vững chãi, bề thế, có tác động sâu sắc đến xã hội, góp phần đắc lực trong cải tạo xã hội, tích cực phục vụ hay phê phán xã hội đương thời.

***

           Bàn luận về hai vấn đề nêu trên là tương đối mênh mông. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết bài này cũng chỉ  khai mở khái quát, định hình. Hi vọng mong nhận được những ý kiến của các bậc trí giả và độc giả trên tinh thần xây dựng, mở mang ... tiến đến hoàn thiện về quan điểm, nhận thức.

Tháng 12-2012 
VŨ TỪ SƠN
Năm sinh: 1949
Quê: Minh Đức, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Hiện sống và viết tại Thành phố Bắc Giang.
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Giang.
vutuson01@gmail.com

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
Một chặng đường , thơ, (2006)
Hương sắc thiên nhiên, thơ (2007)
Gửi gió, thơ (2008)…
READ MORE - Vũ Từ Sơn - VỊ THẾ VĂN CHƯƠNG

“ĐỂ MÀ ĐI…” VIẾT NHỮNG TRANG ĐỜI - Võ Quê


                                                                                      
         Một ban mai bình yên, từ Huế vui mừng nhận tập sách “Bên triền sông Ô Lâu”, tản văn của nhà báo Hồ Sĩ Bình, NXB Hội Nhà Văn (10.2012).

     “Cảo thơm lần giở” từng trang… mới hay đây là 39 bài viết được chia làm 2 phần: Tạp bút – Tản văn (30 bài) và Những trang rời (9 bài), đã được đăng trên các báo Tuổi Trẻ cuối tuần, Tuổi Trẻ Chủ nhật, Cửa Việt, Thanh Niên, Thanh Niên Chủ nhật, Tuyển tập nhà văn Việt Nam thế kỷ XX-NXB Hội Nhà Văn, VNtimes, baodulich.net.vn, Doanh nhân cuối tuần, Đà Nẵng cuối tuần, Tạp chí Nhà Đẹp, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Tạp chí Văn hóa Phật Giáo… Sở dĩ tôi kê đầy đủ tên các báo trên là muốn nói lên rằng với bút lực sung mãn, giàu sức sống Hồ Sĩ Bình đã tạo cho mình một chỗ đứng đầy uy tín đáng trân trọng trên làng báo chí trong cả nước.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận và nhà báo Hồ Sĩ Bình. Ảnh NKP
     Sinh trưởng từ Võ Thuận, một ngôi làng ở Triệu Phong, Quảng Trị, Hồ Sĩ Bình đã được tưới tắm biết bao nhiêu tình tự quê nhà dấu yêu một thuở; thấm đượm hồn phù sa chơn chất nhân văn dân dã từ mạch nguồn sông Hãn non Mai để từ ấy thành chất liệu sống linh hoạt, phong quang cho những trang đời anh thể hiện rất vi tế, giàu cảm xúc. Từng mảng hồi quang lung linh đa sắc từ thiên nhiên, cây cỏ, lá hoa, từng buồn vui phận người đất Quảng đều được Hồ Sĩ Bình chắt chiu, trân trọng trong từng trang viết, các tản văn sau đây đã phản ảnh trung thực hồn văn của Hồ Sĩ Bình: “Phố cây bàng”, “Hoang hoải chạt chìu”, “Lão mai của nội”, “Bên triền sông Ô Lâu”, “Sông hoa thành cổ”, “Những người sống với thủy thần”, “Nơi miền đất cù lao”… Và cũng chính từ chốn cũ thân quen mộc mạc ruộng đồng ấy mà khi trở về Hồ Sĩ Bình đã cảm nhận được nguồn thương cảm, sâu sắc, lắng đọng trong đời  rồi tiếc nuối: “cuộc sống đô thị quen cân đong đo đếm nên khi cận kề với nỗi lòng dân dã chân thật đến kỳ lạ mới ngộ ra rằng: ta đã đánh mất nhiều thứ tình cảm quý giá trong đời.”

“Quê quán ơi!
Bao lần trở lại
Trở lại bao lần
Cũng chỉ để mà đi”
   (Hồ Sĩ Bình)

     “Để mà đi…” Nhưng những cuộc đi của Hồ Sĩ Bình không phải là hành trình vô định. Vốn sống thực tế qua các lần lang bạt kỳ hồ đến nhiều miền, nhiều xứ từ đô thị phù hoa đến nông thôn hẻo lánh trên quê Việt trong tư thế một nhà báo, Hồ Sĩ Bình đã lần lượt gởi đến bạn đọc muôn phương những tản văn lôi cuốn, sinh động với đầy đủ vị, sắc, thanh, hương… Mỗi địa danh Hồ Sĩ Bình nhắc đến trong tập sách “Bên triền sông Ô Lâu”đều gợi lên trong người đọc một cảm giác chung nhất là rất sống động, đầy tình, giàu hình ảnh cùng những nhận định tinh ý có triết lý về người, về đời, có phản biện trước các vấn đề xã hôi đang quan tâm, chú ý; giúp người đọc hiểu, cảm và mong một lần tìm đến từng địa danh kia để cùng chan hòa mạch sống, để cùng được trải nghiệm, thưởng thức, đồng cảm với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được định hình từ quá khứ cũng như đang được gieo hạt, ươm mầm từ hiện tại này. Các tản văn “Ký ức xe ngựa”, “Đảo chuông Bà Nà”, “Bụi phấn Đắc Nông”, “Đau với sông Hoài”, “ Ngọn đèn năm cũ”, “Tiếng gọi đò Ca Cút”, “Tâm cảm với rượu cần”, “Đường xưa áo lụa”, “Nỗi nhớ hoa hồng”, “Hẹn mùa hoa gạo đỏ”, “Dinh trấn Ái Tử và Trấn Đàng Trong, “Nếp làng xưa ở hạ nguồn Hương Giang”, “Miếng ngon ở hè phố Hội An”… với bút pháp tài hoa của Hồ Sĩ Bình đã thành những bức tranh đẹp, chân thực có sự tương phản sáng, tối của cảnh; có trong, đục, buồn, vui, cảm hoài, khát vọng của người ở nơi chốn anh qua.

Nhà báo Hồ Sĩ Bình và Võ Quê
Do có mối quan hệ chân thành, mật thiết trải lòng với bạn bè thân hữu thuộc giới văn nghệ sĩ trong quá trình sống, đi và viết, Hồ Sĩ Bình đã làm cho người đọc thấy sự trang trọng, trìu ái, đồng điệu, thâm tình của anh khi viết về các tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Hoàng Phủ Ngọc Tường và nỗi đam mê phiêu lãng”, Nguyễn Ngọc Hưng: “Vịn câu thơ đứng dậy”, Đinh Tấn Phước: “Thơ nhặt vội trên đường”, Hoàng Đặng: “Họa sĩ Hoàng Đặng – Đời vẽ tôi , tên mục đồng”,  Phan Ngọc Minh: “Huế và Minh”,  Đông Trình: “Những bài thơ viết dưới giàn hoa giấy”… Sáu nhân vật tài danh trên đã được anh tái hiện một cách trung thực, thành tâm giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về nhân thân, tính cách, tài hoa của từng nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Tôi tâm đắc với Hồ Sĩ Bình khi đọc những dòng anh viết về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng quê Quảng Trị với tôi, từng có lần tâm sự rằng: “Đất Quảng Trị mình lạ lắm, Hồi mình làm Cửa Việt, người Huế thường về ven thành cổ để mua chanh trong khi Huế không thiếu chanh vì chanh ở mình chua lắm. Tiêu Khe Sanh thì cay và thơm nổi tiếng, ớt thì thuộc loại cay nhất nước ở Triệu Phong, Cam Lộ, còn thơm không đâu ngọt bằng Tân Lâm. Mình là người đã lớn lên, bản chất đã mang nặng tận cùng cái cay đắng, ngọt bùi của quê hương, đã sống thì phải sống đến cùng”. Và cũng nói theo ngôn ngữ của anh. Nỗi buồn là mái nhà nơi mà thi sĩ cư ngụ, có lẽ đằng sau mọi cái làm nên con người anh còn phải kể đến là nỗi buồn vạn cổ”.

     Một ban mai bình yên, từ Huế đọc tập sách “Bên triền sông Ô Lâu”, tản văn của nhà báo Hồ Sĩ Bình. Đọc xong, tôi thầm hẹn: “Ô Lâu, mai mốt tôi về! Thời niên thiếu, mình đã từng là học trò đất Quảng…”

VÕ QUÊ
Huế, Noel 2012
voque_hue@yahoo.com.vn

READ MORE - “ĐỂ MÀ ĐI…” VIẾT NHỮNG TRANG ĐỜI - Võ Quê

NHÀ GIÁO TRONG TÁC PHẨM HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - Phạm Xuân Dũng

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
                                      
          Trước khi trở thành nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường có một thời gian khá dài làm nghề dạy học. Và ngay cả khi không còn đứng trên bục giảng, ngay cả khi phải ngồi trên chiếc xe lăn sau cơn bạo bệnh thì ông vẫn là một người thầy đáng kính hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này.
         Trong bài nhàn đàm "Bài học vỡ lòng của tôi", nhà văn nhắc đến thời thơ ấu được khai tâm từ một ông giáo già nghiêm nghị ở một trường học được gọi là "trường thầy Toại". Hình ảnh người thầy khai tâm khai trí hiện lên trong hồi ức của học trò khi đã cập kề lên lão: "Đó là một cụ già nghiêm nghị mà dịu dàng, và dù môn đồ chỉ vài chục đứa nhóc lên sáu lên bảy, bao giờ thầy cũng mặc áo dài đen, đội khăn đóng và mang giày hạ, khiến bọn trẻ tôi thấy phải tự khép mình vào khuôn phép ngay lập tức."
        Bài học vỡ lòng mà thầy dạy con trẻ không phải là là những chữ cái mà chính là bài học làm người bằng một bài văn vần nôm na có tên gọi "Yêu ai?":
           Trò đi học để yêu ai?
           Thưa tôi đi học để yêu người gần xa
           Gần là yêu mẹ yêu cha
           Trước thì anh chị, sau ra họ hàng
           Sau rồi tới kẻ lân bang
           Tôi yêu, yêu hết kẻ sang người hèn
           Bao nhiêu kẻ là cùng quen
           Cùng nhau đã có mặt trên hoàn cầu
           Là tôi yêu chẳng xiết đâu
           Ấy tôi đi học chỉ cầu thế thôi.
       Bài học đầu đời ở trường chính là tâm nguyện về lòng nhân ái. Nói như Mặc Tử là "kiêm ái" (yêu khắp người). Qủa đúng vậy, phải biết yêu từ những người, những điều thân thương, gần gũi nhất rồi  mới mong yêu đến những gì cao xa, rộng lớn hơn như quê hương, Tổ quốc.Về sau, một nhà thơ cũng đã nhắc lại điều này: "Không yêu nổi họ hàng,yêu chi nổi nhân dân" (thơ Nguyễn Sĩ Đại).
      Đứng trước nhiều thông tin ngày càng nhiều về chiến tranh, bạo lực xảy ra trong quan hệ giữa con người với nhau, lòng nhân bị xâm thực và tình người chao đảo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thiết tha mong mỏi: "Ước chi UNESCO cho dịch bài giáo khoa mộc mạc của thầy tôi ra mọi thứ tiếng để dạy trẻ con trên toàn thế giới."
      Trong bút ký "Rất nhiều ánh lửa", tác giả có đến một đoạn đời dạy học của mình rất đáng nhớ trước năm 1975 ở Huế, tại trường Quốc học trứ danh. Giữa thời thế nhiễu nhương, loạn lạc, nhiều người tử tế chọn nghề thầy giáo không chỉ vì mưu sinh qua ngày, mà còn quan trọng hơn là giữ lấy thiên lương trong bản thân mình, ít nhiều gíup ích cho đời thông qua con đường giáo hóa. Bởi dù thế sự có biến cải đến đâu,những nhà giáo đúng nghĩa ở thời nào cũng được coi là hiện thân của văn hóa và đạo lý. Không tiện nói chính kiến của mình về thời cuộc, trong khi chính mình cũng tâm sự trăm mối ngổn ngang, nên thầy giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ còn biết trăn trở trước các học trò đến tuổi trưởng thành mà gương mặt hiện lên muôn vàn câu hỏi.Thầy nói như một lời nhắc nhở và nhắn nhủ kín đáo trong nỗi âu lo về số phận học trò: "-Dạy học chỉ là cách trình bày lại một số kiến thức cần nhớ,để các anh tự mình chọn lấy. Công việc của tôi chỉ có như thế. Các anh hoàn toàn tự do để trách nhiệm lấy cuộc đời của mình. Không thể trông cậy vào bất cứ ai, kể cả thầy giáo, trong đó có tôi. Tôi sẽ không có trách nhiệm nào khác đối với các anh."
    Đọc lại đoạn này nhớ đến một câu nói nổi tiếng của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, đại ý: Chính kiến có thể thay đổi nhưng đạo lý thì không thể xa rời. Nhất là đạo lý người thầy.

Tác giả Phạm Xuân Dũng
    Trong bài nhàn đàm "Thầy Đào Duy Từ", nhà văn tôn vinh tài năng quân sự và chính trị của danh nhân Đào Duy Từ, tên tuổi ông gắn liền với một công trình quân sự tên gọi "Lũy Thầy" ở Quảng Bình. Ông đúng là nhà quân sự giỏi, là người thầy tài đức của bậc đế vương muốn an dân trị quốc. Ông là trợ thủ đắc lực cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở mang cơ nghiệp xứ Đàng Trong.Tác giả viết về ông: "Điều khiến cho mãi đến ngày nay, chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông, chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua,chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực".Và ông kết luận xác đáng: "Người ta quên đi tước lộc của ông, quên đi cả tài năng quân sự của ông; chỉ nhớ đến ông như một bậc Thầy của mọi người: Thầy Đào Duy Từ."
    Thiên chức người thầy quả thật lớn lao, vai trò người thầy xứng đáng được tôn vinh. Nhưng nhà giáo cũng là con người, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, cũng vui buồn, trăn trở, cũng cơm áo lo toan trong kiếp nhân sinh. Bởi vậy, hễ là người duy vật thì bên cạnh việc đề cao nhà giáo, phải cố gắng tạo điều kiện chính đáng cho họ yên tâm với nghề nghiệp của mình.Vả lại, ngay cả Marx, khi muốn cải biến quan hệ "giữa người với người là chó sói", cũng từng nói phải thay đổi cho hoàn cảnh xã hội nhân đạo hơn. Đó cũng là đạo lý thiết thực đối với người thầy.   


PHẠM XUÂN DŨNG


Đài PT- TH Quảng Trị
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Đt: 0985.972.975 
dpthachthao@gmail.com
   
       
READ MORE - NHÀ GIÁO TRONG TÁC PHẨM HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - Phạm Xuân Dũng

BÕ NGÕ - ANH VỀ - thơ Thế Lộc

Tác giả THẾ LỘC


BÕ NGÕ
gởi Sỹ Chương

Mây u ám hay hồn ta u ám ! 
Trời không mây sao u ám thế nầy
Có phải chăng "Hương thời gian " nặng trĩu
Khiến lòng ta u uất mãi không nguôi
Bước độc hành, ta gặp Người ghé bến
Uống lưng dòng nước bạc chảy về xuôi
Trăng cổ độ một thời chung nguyện ước
Góp trả cho đời Nhật Nguyệt cưu mang
Đời lữ thứ có ai người biết trước
Gãy ngang dòng con nước rẽ lang thang
Ôi bể dâu, ta ngồi ôm nỗi nhớ
Đậu bến tương tư khoắc khoải đôi hàng
Trời vẫn nắng chim muôn về tụ hội
Hoa sữa hiên nhà ru gió mơn man.



ANH VỀ

Anh về cho gió ru mây
Cho con sông nhỏ uống đầy phù sa
Đi đâu trong cõi người ta
Về thăm lại gốc mai già quê hương
Về đây khơi dậy mùa thương
Đón tia nắng ấm bên vườn năm xưa
Về đây nghe tiếng võng đưa
Nghe câu ví dặm hát vừa trao duyên
Anh về cho gió ba miền
Đưa tin Nhạn đến bên hiên đợi chờ.


THẾ LỘC
theloc108@yahoo.com.vn
READ MORE - BÕ NGÕ - ANH VỀ - thơ Thế Lộc

VÔ THƯỜNG ÁO LỤA - thơ Thái Đào

Tác giả THÁI ĐÀO

Quảy một gánh đất trời
tôi đi mãi.
đợi mùa xưa nghe hoa lá rụng đầy
em sương khói đã trở thành cổ tích
sao tôi đau ...
lòng nặng một kiếp người.

Ưu tư nở hằn lên nhan sắc

son phấn tàn tiệc rượu cũng ngã nghiêng
dẫu say khướt
mắt vẫn buồn vô hạn
vẫn trăng tròn vời vợi thuở xa xăm.

Ngữa lòng này

mười phương xin cứu độ
lạc bến bờ trôi dạt kiếp tằm dâu
nhả hết kén
sợi tơ mành đứt đoạn
em bên trời áo lụa cũng tàn phai!

Mười năm nớ ...

không về tình lạc bước
em của người ta
tôi của ai đây
giọt nước mắt
rơi vào ly rượu
có chút nồng lẫn với chua cay
em vẫn tóc dài mùa xưa con gái
cười rất duyên
mà tôi đắng cay.

Quảy một gánh đất trời

tôi đi mãi
một mùa xưa sương khói phai rồi
chiều vãn bóng
vắng câu hò xưa cũ
dáng bên trời
áo lụa đã tàn phai
em bên trời
vô thường áo lụa
mắt cay nồng
tôi với cuộc trần ai ...


THÁI ĐÀO
TX Quảng Trị
ĐT: 01227482544





READ MORE - VÔ THƯỜNG ÁO LỤA - thơ Thái Đào