Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 28, 2012

NHÀ GIÁO TRONG TÁC PHẨM HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - Phạm Xuân Dũng

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
                                      
          Trước khi trở thành nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường có một thời gian khá dài làm nghề dạy học. Và ngay cả khi không còn đứng trên bục giảng, ngay cả khi phải ngồi trên chiếc xe lăn sau cơn bạo bệnh thì ông vẫn là một người thầy đáng kính hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này.
         Trong bài nhàn đàm "Bài học vỡ lòng của tôi", nhà văn nhắc đến thời thơ ấu được khai tâm từ một ông giáo già nghiêm nghị ở một trường học được gọi là "trường thầy Toại". Hình ảnh người thầy khai tâm khai trí hiện lên trong hồi ức của học trò khi đã cập kề lên lão: "Đó là một cụ già nghiêm nghị mà dịu dàng, và dù môn đồ chỉ vài chục đứa nhóc lên sáu lên bảy, bao giờ thầy cũng mặc áo dài đen, đội khăn đóng và mang giày hạ, khiến bọn trẻ tôi thấy phải tự khép mình vào khuôn phép ngay lập tức."
        Bài học vỡ lòng mà thầy dạy con trẻ không phải là là những chữ cái mà chính là bài học làm người bằng một bài văn vần nôm na có tên gọi "Yêu ai?":
           Trò đi học để yêu ai?
           Thưa tôi đi học để yêu người gần xa
           Gần là yêu mẹ yêu cha
           Trước thì anh chị, sau ra họ hàng
           Sau rồi tới kẻ lân bang
           Tôi yêu, yêu hết kẻ sang người hèn
           Bao nhiêu kẻ là cùng quen
           Cùng nhau đã có mặt trên hoàn cầu
           Là tôi yêu chẳng xiết đâu
           Ấy tôi đi học chỉ cầu thế thôi.
       Bài học đầu đời ở trường chính là tâm nguyện về lòng nhân ái. Nói như Mặc Tử là "kiêm ái" (yêu khắp người). Qủa đúng vậy, phải biết yêu từ những người, những điều thân thương, gần gũi nhất rồi  mới mong yêu đến những gì cao xa, rộng lớn hơn như quê hương, Tổ quốc.Về sau, một nhà thơ cũng đã nhắc lại điều này: "Không yêu nổi họ hàng,yêu chi nổi nhân dân" (thơ Nguyễn Sĩ Đại).
      Đứng trước nhiều thông tin ngày càng nhiều về chiến tranh, bạo lực xảy ra trong quan hệ giữa con người với nhau, lòng nhân bị xâm thực và tình người chao đảo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thiết tha mong mỏi: "Ước chi UNESCO cho dịch bài giáo khoa mộc mạc của thầy tôi ra mọi thứ tiếng để dạy trẻ con trên toàn thế giới."
      Trong bút ký "Rất nhiều ánh lửa", tác giả có đến một đoạn đời dạy học của mình rất đáng nhớ trước năm 1975 ở Huế, tại trường Quốc học trứ danh. Giữa thời thế nhiễu nhương, loạn lạc, nhiều người tử tế chọn nghề thầy giáo không chỉ vì mưu sinh qua ngày, mà còn quan trọng hơn là giữ lấy thiên lương trong bản thân mình, ít nhiều gíup ích cho đời thông qua con đường giáo hóa. Bởi dù thế sự có biến cải đến đâu,những nhà giáo đúng nghĩa ở thời nào cũng được coi là hiện thân của văn hóa và đạo lý. Không tiện nói chính kiến của mình về thời cuộc, trong khi chính mình cũng tâm sự trăm mối ngổn ngang, nên thầy giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ còn biết trăn trở trước các học trò đến tuổi trưởng thành mà gương mặt hiện lên muôn vàn câu hỏi.Thầy nói như một lời nhắc nhở và nhắn nhủ kín đáo trong nỗi âu lo về số phận học trò: "-Dạy học chỉ là cách trình bày lại một số kiến thức cần nhớ,để các anh tự mình chọn lấy. Công việc của tôi chỉ có như thế. Các anh hoàn toàn tự do để trách nhiệm lấy cuộc đời của mình. Không thể trông cậy vào bất cứ ai, kể cả thầy giáo, trong đó có tôi. Tôi sẽ không có trách nhiệm nào khác đối với các anh."
    Đọc lại đoạn này nhớ đến một câu nói nổi tiếng của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, đại ý: Chính kiến có thể thay đổi nhưng đạo lý thì không thể xa rời. Nhất là đạo lý người thầy.

Tác giả Phạm Xuân Dũng
    Trong bài nhàn đàm "Thầy Đào Duy Từ", nhà văn tôn vinh tài năng quân sự và chính trị của danh nhân Đào Duy Từ, tên tuổi ông gắn liền với một công trình quân sự tên gọi "Lũy Thầy" ở Quảng Bình. Ông đúng là nhà quân sự giỏi, là người thầy tài đức của bậc đế vương muốn an dân trị quốc. Ông là trợ thủ đắc lực cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở mang cơ nghiệp xứ Đàng Trong.Tác giả viết về ông: "Điều khiến cho mãi đến ngày nay, chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông, chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua,chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực".Và ông kết luận xác đáng: "Người ta quên đi tước lộc của ông, quên đi cả tài năng quân sự của ông; chỉ nhớ đến ông như một bậc Thầy của mọi người: Thầy Đào Duy Từ."
    Thiên chức người thầy quả thật lớn lao, vai trò người thầy xứng đáng được tôn vinh. Nhưng nhà giáo cũng là con người, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, cũng vui buồn, trăn trở, cũng cơm áo lo toan trong kiếp nhân sinh. Bởi vậy, hễ là người duy vật thì bên cạnh việc đề cao nhà giáo, phải cố gắng tạo điều kiện chính đáng cho họ yên tâm với nghề nghiệp của mình.Vả lại, ngay cả Marx, khi muốn cải biến quan hệ "giữa người với người là chó sói", cũng từng nói phải thay đổi cho hoàn cảnh xã hội nhân đạo hơn. Đó cũng là đạo lý thiết thực đối với người thầy.   


PHẠM XUÂN DŨNG


Đài PT- TH Quảng Trị
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Đt: 0985.972.975 
dpthachthao@gmail.com
   
       

No comments: