Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 26, 2013

NGHĨ VỀ BÀI THƠ "ĐÂY THÔN VĨ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ - Châu Thạch

Châu Thạch


Nếu người ta tốn rất nhiều giấy mực để viết về Hàn MặcTử thì trong đó một phần không nhỏ đã viết cho bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của ông. 

Trước hết, xin quí vị thưởng thức bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ”.    

Sao anh không về thăm thôn Vỹ                                   
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên             
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc                                   
Lá trúc che ngang mặt chử điền ?                                   
Gió theo lối gió mây đường mây                                   
Dòng nước buồn thiu ,hoa bắp lay                                    
Thuyền ai đổ bến sông trăng đó                                    
Có chở trăng về kịp tối nay?                                    
Mơ khách đường xa khách đường xa                                     
Áo em trắng quá nhìn không ra                            
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh                                     
Ai biết tình ai có đậm đà ?.

Đây là một bài thơ hay, nhưng thật khó dùng lời diễn tả được hết cái hay của nó. Đọc những bài bình thơ trên báo chí,những bài giảng văn trong sách học đường tôi lại càng thấy rối bòng bong thêm vì có nhiều người đã nặn  ra những ý tưởng mà tôi cho là  thiếu chính xác,không đúng với sự thật của bài thơ. 

Trước hết tôi xin điểm qua những nhận xét, những lời bình ấy như sau:

1)         Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ tả về một vùng quê của đất nước Việt Nam.
2)         Nét vẽ “lá trúc che ngang”là nét vẽ thần tình gợi tả vẻ kín đáo, duyên dáng của người em gái thôn Vĩ.
3)         Sự nổi loạn trong thi pháp HMT ở chổ mạch thơ biến đổi bất ngờ qua ba cảnh trong ba khổ thơ.Cảnh và người trong bài thơ chỉ mang một phần hoài niệm về một thời gian quá vãng,còn lại chỉ là những ảo giác siêu hình.
4)         “Đây Thôn Vĩ Dạ”,phải chăng đó là một thế giới mong manh,được thụ cảm bởi một nhà thơ bệnh hoạn.

Còn nhiều và còn nhiều những ý tưởng ,lời bình thơ khác lạ.Nhưng thôi tôi chỉ xin nêu ra bốn lập luận chính và có ý kiến khác với họ ,mong quí vi đọc và thảo luận để cùng nhau sáng tỏ.      
       
1)Tả về một vùng quê Việt Nam:

Quí vị nào đã đi nhiều tất sẽ biết,không có một vùng quê VN nào giống như thôn Vĩ Dạ cả,mà cũng không có một làng quê VN nào giống như thôn Vĩ Dạ cả. Họa chăng ở một thôn một làng nào đó có vài điểm na ná như Vĩ Dạ mà thôi. Thôn Vĩ Dạ giống như một cô gái thuộc dòng tôn thất diểm lệ, yêu kiều, đài các, kiêu sa và thanh nhã, chỉ có ở Huế và  đặc sệt là Huế.Vĩ Dạ xưa kia cũng như ngày nay tuy có người làm nông nhưng đa số là chức sắc của hoàng tộc, nhân viên cao cấp nhà nước cư ngụ, cho nên cách sắp xếp nhà cửa, vườn tược, lối đi hài hòa thanh nhã không giống một làng quê nào của VN . Đó chính là một thôn trong lòng kinh đô xa xưa và trong lòng Thành phố Huế ngày nay. Nếu một nhà văn hay một nhà thơ nào muốn tả cảnh một vùng quê VN thường là đưa ra hình ảnh lũy tre làng, dòng sông xanh, con trâu cái cày, cô thôn nữ gánh lúa về chớ mấy ai lại tả vườn xanh như ngọc, dòng nước buồn thiu, cô gái áo trắng như nhà thơ HMT đã tả. 

Trong “Đây Thôn Vĩ Dạ” theo tôi nhà thơ HMT không tả cảnh một vùng quê Việt Nam tiêu biểu nào . Nhà thơ chỉ tả đích thị thôn Vĩ Dạ là một thắng cảnh cá biệt, có một không hai  ở cố đô Huế mà thôi. Sách giáo khoa ở nhà trường dạy cho học sinh đây là cảnh một vùng quê VN rồi buộc các em phải nặn óc để làm bài tập thì chẳng khác chi chỉ một thư sinh cắp sách đến trường rồi bảo các em tả em bé chăn trâu vậy.       
         
2) Nét vẽ lá trúc che ngang:

Tôi chưa hề đọc sách nào, chưa từng nghe ai cho rằng người con gái đẹp lại có khuôn mặt chữ điền. Đọc trên các sách bói toán, sách tử vi, và các sách nghiên cứu về khuôn mặt thường thấy giải như sau:

a)         Khuôn mặt chử điền thể hiện đúng là một nam nhân, thể hiện người có cá tính trung trực hài hòa và thành đạt.
b)         Người nữ có khuôn mặt chữ điền tánh tình kịch kợm, nóng nảy và nhiều nam tính.
c)         Điền là ruộng. Mặt chử điền là mặt vuông vức như đám ruộng. Đàn bà cần tròn trịa, đàn ông cần vuông vức.

Nếu muốm diển tả một khuôn mắt đẹp bị che bởi lá trúc tại sao HMT không dùng mặt trăng, trái soan , bông hoa để làm hình dung từ như bao người viết khác mà lại dùng một khuôn mặt đàn ông , một khuôn mắt võ tướng, một khuôn mặt như đám ruộng để lồng trong khung cảnh đẹp đẻ thế kia .Nếu tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ lại bức tranh mà HMT đã tả dể dàng:cô gái mặc áo trắng đứng bên khóm trúc, khóm trúc che bớt một phần mãnh vườn có hàng cau, và mãnh vườn thì nằm cạnh dòng sông có nương bắp trên bờ. Theo tôi “lá trúc che ngang” chỉ là che ngang khuôn viên vuông vắn của mãnh vườn mà thôi.  
     
3) Sự nổi loạn và ảo giác trong bài “Đây Thôn Vĩ Dạ”:

Đọc kỷ “Đây Thôn Vĩ Dạ” ta thấy nhà thơ tả ba cảnh khác nhau trong ba khổ thơ. Khổ thứ nhất tả nắng trên hàng cau, vườn xanh như ngọc có lá trúc che ngang. Khổ thứ hai tả dòng sông có con thuyền đậu và có hoa bắp ở trên bờ. Khổ thứ ba không tả, chỉ nói qua về tà áo trăng cô gái và nói cảm nghĩ của mình.

Qua ba khổ thơ HMT viết như một bài luận văn tả cảnh của một học trò,có nhập đề,có thân bài và có kết luận.Câu thơ nầy nối câu thơ kia ăn vận, khổ thơ nầy nối khổ thơ kia hài hòa hiệp ý, chẳng có chổ nào có thể gọi là nổi loạn cả.

Như chúng ta đã biết, sở dĩ “Đây Thôn Vĩ Dạ” hình thành là bởi tác giả cảm hứng khi nhìn thấy bức tranh của cô Hoàng Cúc gởi tặng .

Chắc chắn cảnh hàng cau, vườn xanh, dòng sông, chiếc thuyền, áo trắng đã được chụp vào trong ảnh và hiện trước mắt thi sĩ khi ông ta xem ảnh. Khi nhìn vào bức ảnh HMT đã thấy gì tả nấy, nếu có hư cấu thì ông hư cấu thêm gió và trăng là những hình ảnh mà thi nhân nào cũng thường nghĩ tới khi làm thơ. Có thể nói rằng HMT đã tả thực khi sáng tác bài thơ nầy, nhưng nhờ cái thiên tứ thần thơ ông đã làm cho bức ảnh trở nên linh động có biến, có hiện, có thật , có mơ khác với sự tầm thường của chúng ta mà thôi. Đó không phải là sự nổi loạn, lại càng không phải là là ảo giác siêu hình của nhà thơ. Theo tôi HMT rất tỉnh táo khi nhìn bức ảnh và tả cảnh thôn Vĩ Dạ qua bức ảnh nầy. Ông lại càng tỉnh táo hơn nữa khi viết:   
                           
Gió theo lối gió mây đường mây                              
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay                              
Thuyền ai đỗ bến sông trăng đó                               
Có chở trăng về kịp tối nay?

Hoặc là:   
                            
Mơ khách đường xa khách đường xa                               
Áo em trắng quá nhìn không ra                              
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh                                
Ai biết tình ai có đậm đà?

Tôi không dám luận bàn hai khổ thơ nầy vì nó hay quá , trình độ tôi không bình nó được. Nhưng, hãy đọc đi đọc lại hai khổ thơ nầy thì bất cứ ai, đều có thể cảm nhận được cảnh đẹp của thôn Vĩ Dạ , mà không thấy cái điên, cái bệnh, cái nổi loạn, cái ảo giác siêu hình nằm ở đâu trong thơ .Vậy thì HMT khi sáng tác bài thơ nầy cũng rất tỉnh táo như chúng ta, có chăng là ông đã phát tiết hết được những màu sắc, âm thanh tiềm ẩn trong bức ảnh mà thôi.

5)         “Đây Thôn Vĩ Dạ”là thế giới mong manh được thụ cảm bởi một nhà thơ bệnh hoạn?

Tôi không biết câu hỏi nầy là khen hay chê nhưng rỏ ràng Thôn Vĩ Dạ không phải là một thế giới mong manh , cho nên nhà thơ cũng không phải vì bệnh hoạn mà thụ cảm cái mong manh nầy.Thôn Vĩ  Dạ ngày nay vẫn còn đó, nhà có cao lên,đường có rộng ra nhưng vườn, sông, trăng và con người vẫn tồn tại y nguyên đến bây giờ. Sở dĩ thơ HMT viết “Gió theo lối gió mây đường mây”vì ông đã từng thấy dòng sông và nương bắp khuất dưới vườn cây, ẩn sau lũy tre , do đó khi gió thổi, mây trên cao thì bay mau nhưng nước và hoa bắp dưới thấp thì chỉ xao động nhẹ . Mây bay mau vì ở trên cao chịu gió nhiều. còn dưới thấp thì gió ít hơn nên nước và hoa bắp lay xao động nhẹ mà thôi .Vậy cho nên “Gió theo lối gió mây đường mây” là tả chân, là thấy sao viết vậy, và cũng nhờ sự lạc lỏng nầy mà phong cảnh trở nên trầm buồn, êm ái nhưng bức tranh vẫn là linh hoạt.

Không ai biết bức ảnh mà Hoàng Cúc tặng cho thi sĩ chụp vào buổi sáng hay buổi chiều, nhưng chắc chắn đó là hình ảnh cô gái mặc áo trắng đứng trong vườn. Máy ảnh ngày xưa không rỏ nét bằng bây giờ, ảnh lại chụp một khung cảnh qúa rộng ngoài trời, áo cô gái lại trắng nên “nhìn không ra” là lẽ tự nhiên:    
                               
Mơ khách đường xa khách đường xa       
Áo em trắng quá nhìn không ra

HMT đã tả thực cái thấy trong bức ảnh, đâu phải vì bệnh hoạn mà thụ cảm cái mong manh, mơ hồ như bóng ma đâu. Xem xong bức ảnh, HMT để xuống và thở dài bằng một câu:      
                            
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh                                          
Ai biết tình ai có đậm đà?

Đây là câu thơ mà tác giả tưởng tượng như cô gái nhắn nhủ với mình. Thật là một câu thơ tỉnh táo, hợp lý trong hoàn cảnh đó , không mong manh không thụ cảm như những lời bình thơ suy diễn thêm lên.    
     
Khi thơ quá hay thì khó mà bình, vì tài ta hèn , chữ ta không đủ, thì nên bình yên mà thưởng thức. “Đây Thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ quá hay, cho nên đừng cố hư cấu thêm sẽ làm hư một bài thơ và hư nếp suy tư của học sinh nếu đem vào  dạy ở học đường .                                              
Châu Thạch    



READ MORE - NGHĨ VỀ BÀI THƠ "ĐÂY THÔN VĨ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ - Châu Thạch

Thơ giao lưu của người cao tuổi: Phùng Nguyên, Hồ Trọng Trí, Trương Điện Hòa, Sĩ Chương, Lê Đăng Mành, Thụ Nhân, ĐCBB



Phùng Nguyên
LIÊN KHÚC MẸ

Thương mẹ đêm về ngấn lệ rơi
Trận cuồng phong cũ xót xa thôi
Thân cò viễn xứ buồn hiu hắt
Phận bạc canh khuya luống rã rời
Đâu quản sắc hương nhòa cát bụi
Mong sao con trẻ rạng danh đời
Mẹ ơi lòng mẹ bao la quá
Tợ cái bao la của đất trời.


Trời đất quanh đây cũng ngậm ngùi
Chao ôi nhớ mẹ mãi khôn nguôi
Bôn ba nắng hạ mờ đôi mắt
Vất vả mưa đông héo nụ cười
Ơn nghĩa sinh thành chưa trả hết
Công lao dưỡng dục dễ nào vơi
Thế gian dẫu có ngàn dâu bể
Bóng mẹ thiên thu vẫn rạng ngời.

PN
hoangphung09@yahoo.com.vn

*****

Hồ Trọng Trí
QUỐC NẠN
(Họa bài ĐẠI NẠN của Võ Làng Trâm)

Như mùa lũ lụt nước mưa tuôn
Đất nước kinh qua lắm nỗi buồn
Gió bão tràn về khôn sạ cấy
Doanh nhân tráo trỡ khó đường buôn
Dân tình khốn khổ tìm phương sống
Thầy thợ lao đao cụp cánh chuồn
Tham nhũng kết bè gây đại họa
Thế thời nguy cấp đã khơi nguồn...

HTT
Kim Long, BRVT 

*****

Trương Điện Hòa
Xướng: QUÀ TẶNG

Món cay em gởi phần trao chị
Vị đắng tôi dành để biếu anh
Một chút quà quê từ đất khách
Mang theo là cả vạn chân thành


 Sĩ Chương
 Họa: QUÀ CHIA LỆCH

Đẹp xinh cha mẹ dành cho chị
Xấu xí đất trời để tặng anh
Thiên vị công bằng chưa đúng chỗ
Nên chia cay đắng vẫn không thành

 *****

Lê Đăng Mành
VỀ CHỢ
(Họa bài lục bát: LÊN CHÙA của Nguyễn Văn Gia)

Lắng lòng! có thảnh cùng thơi…
Tâm vô đối đãi như đời nọ kia
Trải tình mình để sẻ chia
Toa đời lắm kẻ sớm khuya đoạn trường
Hiện chơn thường giữa không thường
Thỏng tay vào giữa xóm phường là tu *.

*Trần tục mà nên phúc ấy càng yêu hết tấc Sơn lâm chẳng cốc họa kia thật cả đồ công.
Trần Nhân Tông (cư trần lạc đạo “đệ tam hội”)
“Là người tại gia mà tu học thành công được giải thoát thì phúc ấy thật đáng quý hết sức,còn tu ở núi rừng “ẩn tu”mà vẫn không giác ngộ thì thật là uổng công.”

*****

Chùm thơ 5 bài của Thụ nhân HKV
1. HOÀI NIỆM TRƯỜNG XƯA

Đà lạt ngàn thông vạn sắc thơ
Đất, trời, non, nước ngập màu tơ
Tình yêu thuở ấy nào quên lãng
Kỹ niệm ngày xưa chẳng thể mờ
Sương gió vọng đưa lời tình tự
Hương đời lắng đọng nỗi niềm mơ
Dẫu cho năm tháng phai màu áo
Đà lạt trong ta ! Em mãi thơ…

                    Đà lạt 15-5-2010


2. BẾP CHIỀU

Nhìn nắng hoàng hôn sắp đổi màu
Vết hằn năm tháng đã qua mau
Bên đường khóm liễu vờn mưa bạc
Cuối xóm lều thơ dệt nỗi đau
Một thuở yêu người tình mãi đẹp
Chia xa cách biệt nhớ về nhau
Nay về gom chút hương tình muộn
Sưởi ấm bếp chiều ! giấc ngủ sâu!!!

                  Hạ nắng 2004
                

3. THƠ VÀ TA

Thơ ca làm bạn ngũ cùng ta
Chải chuốt say sưa thú tuổi già
Nén nót điệu vần mơ bất tận
Trau tria cấu tứ mộng vang xa
Giao lưu xướng họa vui bằng hữu
Gặp gỡ ngâm nga quên xế tà
Lắm lúc biếng ăn con cháu giục
Cuối đời thơ nhạc ngát hương hoa .



4. TÍM NGẮT MỘT ĐỜI SÔNG

“Nỗi niềm tâm sự một chiều đông”
Nghe kể đời em chạnh tấc lòng
Ngày vắng mưa sa thương bến đợi
Đêm dài Liễu rũ tội đèn chong
Nuôi con hai gái nên danh phận
Gả cháu mình em chẳng tấm chồng
Trôi nổi dập vùi con sóng đẩy
Lục bình tím ngắt dỗi hờn sông

                Hạ nắng 2004


 5. TÌNH MUỘN

Trời mới lên rồi sợi nắng sa
Ta tin tình muộn được nhân hòa
Anh về lối mộng xinh màu mắt
Em dạo vườn trăng tươi nét hoa
Hớp chút hương nồng nghe gió gọi
Đong đầy môi mộng gọi sương sa
Say sưa uống cạn dòng dư lệ
Men dậy hồng hồng không muốn xa …

                       Hạ nắng 2004
                       Thụ nhân HKV
                       Lê Hoàng gởi đăng

        

Chùm 4 bài họa của Độc cô  Bà Bà

1. CHIỀU MƠ

Nắng nhạt chiều phai gợi ý thơ
Mây sa từng giải lụa buông tơ
Lăn tăn gió gợn dòng sông bạc
Lác đác sương pha đỉnh núi mờ
Ríu rít đàn chim về tổ ấm
Rì rào cụm cỏ khép thềm mơ
Trăng non vừa nhú cười duyên dáng
Xao xuyến hồn ai, mượn túi thơ?


2. BÓNG NGÃ ĐƯỜNG CHIỀU

Nhật nguyệt dần xoay, tóc bạc màu
Chớp mi phút chốc đỗi đời mau
Vui tươi thời trẻ, bao điều thú
Héo hắt thân già, lắm chuyện đau
Thời thế đẩy đưa, xa xứ lạ
Nhân sinh gắn bó, kết tình nhau
Bút nghiên, giấy mực lưu hoài niệm
Dù mốt mai này… mộ lấp sâu!


3. BẠN TRONG THƠ   

Một bút, một đèn ta với ta
Da nhăn, má hóp tuổi thêm già
Phôi pha cốc rượu, thương đời ngắn
Vời vợi chén quỳnh, nhớ bạn xa
Xướng họa giao lưu mừng nắng sớm
Cầm ca hội ngộ ngắm trăng tà
Đời người hối hả luồng mây khói
Thơ nhạc bổng trầm dệt bướm hoa


4. NHẮN GỬI DÒNG SÔNG

Buồn cho thân phận kẻ long đong
Day dứt vì ai chạnh tủi lòng
Lận đận cánh cò chân khập khễnh
Nhọc nhằn tơ nhện bũa chênh chong
Gian nan sớm tối tròn công vợ
Khuất bòng âm dương dứt nghĩa chồng
Trôi nổi dập dùi con sóng đẩy
Lục bình tím ngắt dỗi hờn sông

 ĐCBB (Kính bút)


Lê Hoàng gởi đăng
READ MORE - Thơ giao lưu của người cao tuổi: Phùng Nguyên, Hồ Trọng Trí, Trương Điện Hòa, Sĩ Chương, Lê Đăng Mành, Thụ Nhân, ĐCBB

ƯỚC MONG ĐỜI ĐẸP NHƯ HOA - thơ Trường Hải




Tạo hóa yêu người nên tặng cho,
Muôn vàn hương sắc các loài hoa.
Ví như mặt đất toàn sỏi đá,
Cuộc sống con người hẳn cằn khô ?


Trái đất vườn ươm các loài hoa,
Bướm ong quyến rũ, huống gì ta!
Ngàn vẻ sắc màu, hoa đẹp quá,
Bàn tay tạo hóa diệu kì đa!


Người mến yêu người tặng đóa hoa,
Cho tình nhân loại thêm đậm đà.
Cuộc đời càng đẹp hoa nhân tạo,
Hoa hậu, hoa khôi, hoa học trò…


Hoa trời tươi đẹp, tự nhiên cho,
Hoa người thơm thảo, người chăm lo.
Chắt lọc tinh hoa hồn dân tộc,
Để đời đẹp mãi những mùa hoa.


Đỉnh Sơn, 26/8/2013

Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - ƯỚC MONG ĐỜI ĐẸP NHƯ HOA - thơ Trường Hải