Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 18, 2016

RĂNG CHƯA VỀ QUẢNG TRỊ?- Thơ: Andy Nguyễn - Nhạc: Trần Kiềm - Ca sĩ : Bảo Yến

READ MORE - RĂNG CHƯA VỀ QUẢNG TRỊ?- Thơ: Andy Nguyễn - Nhạc: Trần Kiềm - Ca sĩ : Bảo Yến

XUÂN THAO “NGẬP NGỪNG” TỪNG NHỊP THỜI GIAN - Phan Nam

 
Nhà thơ Xuân Thao

Phan Nam

XUÂN THAO “NGẬP NGỪNG” TỪNG NHỊP THỜI GIAN


 Hôm đi dự buổi nói chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc về giải thưởng nobel văn học 2015 tại trụ sở liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng, tôi được tặng tập thơ “Ngập Ngừng” của Xuân Thao xuất bản vào tháng 8.2015. Tập thơ mỏng mỏng với 32 bài thơ được làm chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2015. Qua lời giới thiệu trong tập thơ thì Xuân Thao tên thật là Lê Văn Thí, sinh năm 1944, sinh quán Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng, sinh hoạt văn nghệ báo chí từ năm 1962. Không hiểu sao khi tập thơ lên tôi có cảm giác buồn buồn, những lát cắt của thơ Xuân Thao thật bình yên, thật giản dị khiến cho lòng tôi nôn nao, khó tả. 32 bài thơ là 32 cảm xúc khác nhau qua từng nhịp chậm rãi, khiến cho dòng thời gian như ngừng lại qua từng con chữ. Hình ảnh thơ không mới: vẫn sương, vẫn khói, vẫn đêm, vẫn ngày, vẫn nắng, vẫn mưa, vẫn trăng… nhưng sao mỗi khi đọc tôi như chìm vào thế giới có thể lắng nghe nhịp thời gian vỡ trên từng con chữ, những vần thơ len lỏi như chiếm trọn tâm can con người. Mở đầu bài thơ, nhà thơ Xuân Thao khẳng định tiếng lòng của mình:

Huống rằng ta chẳng phải tài hoa
Thơ viết không được mong rao bán
(Ta sợ quá rồi chuyện “hệ lụy văn chương)
Thơ chỉ làm vui qua tuần rượu
(Lên Nguồn)

Quả đúng như vậy, Xuân Thao sáng tác rất nhiều nhưng ít khi xuất hiện trên báo hay tạp chí. Tôi lên mạng tìm mãi cũng chỉ thấy Xuân Thao xuất hiện trên trang web văn chương việt, vuông chiếu Luân Hoán và một số blog của thi hữu. Nhà thơ Phạm Ngọc Lư, thân hữu của Xuân Thao chia sẻ trong bài viết của mình: “Anh sống gần như khép kín, thầm lặng, ít giao du. Thơ anh ít người biết, ngay trong thời kỳ viết “tới” nhất khi ở Quảng Ngãi, bởi anh không chịu gởi đăng báo nầy báo nọ..”. Cầm tập thơ “Ngập Ngừng” trên tay tôi mới thấy hết giá trị của một nhà giáo già muốn để lại cho con cháu, bởi vì trong tập thơ đầu tay “Sóng Mòn” (2009) và tập thơ này Xuân Thao luôn đề: “Kính dâng Tứ thân phụ mẫu/ Thân tặng Hiền thê và các con”. Xuân Thao chắt chiu con chữ, chạm vào từng hình ảnh quê hương thật cụ thể mà cũng thật trừu tượng, giọng thơ khoáng đạt ẩn chứa trong đó bao tâm tư của một đời người:

Thời gian dần tát cạn đêm
Giờ này biết còn ai còn nấn ná trong quán trọ
Vọng về cố hương
Buồn...
Còn ai nơi quan tái
Nhớ nhà
Muốn cưỡi trăng sao mà về
Bước chân ai sấn sướt trên cát?
Trường sa hành
(Đêm trừ tịch)



Hình ảnh “đêm” hiện hình trong thơ Xuân Thao bằng một giọng buồn man mác nhưng cũng lắm ưu tư về nhân thế, về cuộc đời, có lẽ nào tác giả muốn thoát khỏi đời sống thực tại bằng cách “cưỡi trăng sao” để quay về nguồn cội. Nhớ quê hương, về quê hương, đó là tâm lý rất đỗi bình thường của mỗi người, và trong những cơn lũ nhà thơ đã thốt lên những tâm tư thống thiết:

Sáng nay, có một cành mai vừa gãy bên trời     
Cành mai được sóng nước cuốn trôi đi
Trôi lênh đênh
Trôi bàng hoàng
Và âm thầm nở hoa...
(Nước chảy hoa trôi)

Hay:

Tiếng ai hát dưới ngàn dâu
Mà nay lay động mối sầu tư – tương
Buồn mong manh, nhớ mênh mông
Màu xanh của lá bềnh bồng trong tôi
(Ngàn dâu xanh ngắt)

Những tình cảm của thi sĩ gửi gắm quê hương thật tha thiết bằng một giọng thơ tự do nhưng lại rất đau xót, ngập ngừng. Phải chăng trông về quê nhà qua những mùa lũ mà Xuân Thao có một giọng thơ đong đầy tình cảm một cách rất mộc mạc, chân tình, không phù phiếm, hoa mỹ. Những đêm đông cũng mang lại cho thơ Xuân Thao một cảm giác bình yên đến lạ kỳ, sự đồng cảm cho những khoảnh khắc, những số phận đau đáu qua từng câu chữ:

Có tiếng rao hàng đêm khuya
Của kiếp người cơ cực
Đang lướt thướt đi dưới mưa
Với ngọn đèn hột vịt hắt bóng tù mù
Tiếng rao như chất chứa nỗi buồn
của hàng mấy trăm năm về trước
(Những ngày mùa đông)

Về với âm thanh thiên nhiên, thơ Xuân Thao lại mang một hơi hướm khác, cảm giác thanh bình cho ta cảm nhận từng hơi thở gõ nhịp thời gian. Sự đặc sắc trong thơ chính là những nốt lặng để ta cảm nhận mọi ngóc ngách thời gian thấm vào thanh âm của không gian:

Đêm yên lặng vô cùng
Nghe rõ tiếng chuột tha cắn giấy trong ống tre
Sột soạt, sột soạt
Kiên nhẫn... miệt mài...
Tiếng con sâu tường kêu văng vẳng đâu đây
Tỉ tê... dai dẳng...
(Lặng lẽ đêm đông)




Những địa danh nơi chôn nhau cắt rốn hiện lên trong tâm tưởng của người thi sĩ già cũng rất đầy đủ in dấu từng bước chân:

Núi Cùng nằm gọn lỏn trong lòng những làng xã kế cận
Xuân Đán, Phục Đán, An Khê, Xuân Hòa...
Hà Khê, Thanh Khê, Thạch Thang, Thạc Gián...
Những tên làng cũ bây giờ chỉ còn trong trí nhớ
(Nhớ Quê)

Hay:

Tìm ở phố không xong, anh quay về quê kiểng
Nhà em đâu, để anh về cùng ăn mít chín?
Ở chợ Phú Bông hay Hà Mật, Thi Lai?
Anh chạy một vòng qua Kỳ Lam, Gò Nổi
(Anh vẫn chờ em ở cuối cuộc đời)

Với tình yêu, Xuân Thao có một giọng thơ không trộn lẫn, vừa nặng tình vừa vương mang cảm giác thi vị đường trần: Người đi như sông trôi:/ Những bãi bờ hiu quạnh/ Những phá phách cuồng lưu/ Còn mình ta ngồi lại/ Mình ta... với bóng mình...”. Tiếng lòng của tác giả phảng phất những nỗi buồn được chắt chiu và khám phá qua từng giây, từng phút... Ngôn ngữ không cường điệu với những hình ảnh so sánh, liệt kê một cách đầy đủ, chân thực, không trừu tượng, dễ hình dung, dễ hiểu, đó là phong cách thơ mộc mạc chân tình của Xuân Thao.

Thi nhãn qua từng vần thơ trải dài trong không gian, đứt đoạn qua từng nhịp thời gian: Những ân tình đứt đoạn/ Những tình nghĩa cũ càng/ Nằm nhìn qua khung cửa/ Vẫn màu mây bạc màu. Qua 32 bài thơ, Xuân Thao đã phác họa cho người đọc bao xúc cảm tốt đẹp, lắng đọng qua một giọng thơ đặc biệt, đầy hiện hữu, không xa hoa màu mè, không phá cách nhưng đầy nghĩa tình, chất chứa cái tình vô hạn với cuộc sống, với chữ nhân. Đọc toàn bộ tập thơ, có cảm giác như thi sĩ muốn kể chuyện qua một giọng trầm tư để ngắm nhìn khoảnh khắc của thiên nhiên, tiếng nấc của lòng mình. Những cách kể chuyện của Xuân Thao làm người khác phải lắng lặng nghe, cảm nhận và thấu hiểu tiếng nói trong từng nút thắt thời gian.

                                                                                                 PHAN NAM

                                                                                      (Đà Nẵng, đầu năm 2016)
READ MORE - XUÂN THAO “NGẬP NGỪNG” TỪNG NHỊP THỜI GIAN - Phan Nam

Thơ Trương Thị Thanh Tâm: THƯƠNG CÁNH LÁ SẦU ĐÔNG, TRỞ VỀ ĐẤT MẸ




 Thơ Trương Thị Thanh Tâm

THƯƠNG CÁNH LÁ SẦU ĐÔNG 
                              
Cơn mưa nhỏ buổi chiều chưa thấm đất 
Hàng me xanh đơm trái nặng oằn cây 
Bầu trời như xuống thấp gió theo mây 
Tháng mười,một đêm dài ngày ngủ sớm 
                             ***
Tiếng thu muộn như tiếc mùa trái chín 
Đàn sẽ đâu sao chưa thấy quay về?
Hơi thu còn lởn vởn phía trời quê 
Một chút bấc thập thò đêm se lạnh 
                           ***
Chợt trở giấc nghe lòng mình hiu quạnh 
Gối đợi chờ héo hắt bước thời gian 
Mười năm trôi nuối tiếc tuổi xuân tàn 
Vòng tay ấm còn đây trong mộng mị 
                            ***
Đêm vẫn đến bên nỗi buồn hoang phế 
Người xa xôi nên tình mãi chưa quên 
Đến rồi đi thương nhớ cũng nhiều thêm 
Trái tim khóc với suối nguồn lệ nóng 
                              ***
Thu sẽ đi mang nỗi buồn trống rỗng 
Chăn gối hững hờ tóc nhuộm hoàng hôn 
Cho xin chút nắng vàng hong bờ tóc 
Ngẩn ngơ buồn thương lá úa sầu đông.

                                       TTTT 


NỖI NHỚ VÀO XUÂN 

            
Nắng lên óng ánh mai vàng
Bướm bay chấp chới ngỡ ngàng gót xuân
Bên sông thuyền nhỏ bâng khuâng
Chèo ai gát mái nước dâng bãi bờ
                          ***
Nắng hong bờ tóc mượt tơ
Gái xuân má thắm lượn lờ ngược xuôi
Tô hồng thêm chút bờ môi
Trời xuân hoa nở nụ cười làm duyên
                          ***
Nắng rơi tàn lá dừa nghiêng
Tóc ai để xõa qua miền xanh xao
Ao Trường Đua nhớ thưở nào
Dấu chân kỷ niệm tươi màu mắt xưa
                           ***
Gò Công với những ngày mưa
Áo bà ba nét ngây thơ dịu dàng
Xuôi dòng cửa Tiểu nặng thuyền
Mảng Cầu ngọt lịm qua miền chợ xa
                            ***
Gò Công nỗi nhớ trong ta
Đâu còn nhịp võng tiếng gà gáy trưa
Xuân về nắng nhẹ đu đưa
Tình quê nỗi nhớ người chưa quay về.

                                      TTTT



TRỞ VỀ ĐẤT MẸ 
                        (tặng Nhã My)
                       
     Khi xa trần thế ta về
Mênh mông cõi lạ dựa kề u minh
     Kiếp đời sinh tử,tử sinh
Không mong trở lại,thất tình đọa thân
                        ***
     Lỡ sinh trong kiếp hồng trần
Bao nhiêu tội lỗi gánh phần nợ xưa
     Đời người dầu dãi nắng mưa
Lìa xa cõi tạm,ai đưa xác nào?
                         ***
      Một đời trĩu nặng nỗi đau
Biết bao cay đắng đơn sầu lẽ loi
      Trăm năm thân phận con người
Tủi cho số kiếp,nụ cười ngủ quên
                          ***
       Bụi trần vướng bận chưa yên
Làm sao tránh khỏi lụy phiền quẩn quanh
       Thuyền trôi sóng vỗ chòng chành
Cơn giông lật úp mảnh tình vỡ tan
                          ***
       Mai nầy rời bỏ thế gian
Trở về đất mẹ,ủ an suối vàng
       Mong sao thiền cảnh gọi sang
Thấy ao sen nở,trắng ngần hương thơm.

                                   TTTT  (Mỹ Tho)
     



READ MORE - Thơ Trương Thị Thanh Tâm: THƯƠNG CÁNH LÁ SẦU ĐÔNG, TRỞ VỀ ĐẤT MẸ

MÙA BÀNG LÁ ĐỎ - Tản văn Lê Lam Hồng





TẢN VĂN
                                                MÙA BÀNG LÁ ĐỎ

1.     Tôi mãi  ngẩn ngơ với màu đỏ lá bàng trong sân trường vào những ngày nắng nóng. Cả một vòm lá xanh hôm nào, trải qua những cơn gió biển; qua những ngày nắng gắt, rồi một sáng mai từng chiếc lá chợt ửng vàng. Cành lá nhuộm bao đêm với sương lạnh, với ngọn gió nhẹ rì rào điều chi chẳng rõ. Để rồi sáng nay, cả một góc sân trường ngập trong màu đỏ của lá bàng rơi đầy lối đi…

2.     Lá bàng nhỏ chở tâm trí tôi ngược dòng bến nhớ. Buổi giao mùa, những chiếc thiệp hồng xinh xăn gởi về đất mẹ như nhắn nhủ bao điều… Trên cành khẳng khiu, một lớp chồi lá non mơn mởn chào đời, vẫy vẫy chào ánh nắng ban mai. Bàng xoè rộng tầng tầng lớp lớp cái ô xanh, che nắng che mưa cho lũ học trò quê chơi trò nhảy dây, chơi “ô ăn quan” với những tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo. Hoa bàng nhỏ xíu, những chiếc nhuỵ bé tý rơi rơi đầy cả mái tóc lúc nào không hay. Những chùm trái xanh lấp ló, đung đưa sau từng chùm lá… Những chiếc rễ bàng to bằng cổ tay, chạy ngoằn ngoèo trên mặt đất. Qua mùa mưa, mùa bàng chín thơm lừng. Trái bàng chín ăn vỏ ngoài hơi chua và chát. Nhưng ruột của nó ẩn sâu trong lớp vỏ cứng thì ăn béo ngậy, khó quên !

3.     Từng đợt gió lồng lộng từ biển đưa về. Từng đợt lá bàng thi nhau trút xuống; bay ào ào, lả tả trong nắng chiều quê. Có những chiếc là rơi thẳng xuống một hơi về ngay gốc. Có những chiếc lá dường như còn luyến tiếc với cành, xoay xoay mấy vòng rồi mới chịu đáp xuống. Có những chiếc lá nhỏ, gió thổi bay một quãng xa. Nó cố ngoái nhìn lại rồi mới rơi nhẹ xuống đám cỏ gà… Lá rụng về gốc, về cội; hoá thành đất mỡ màu, tiếp thêm sự sống  cho những mầm xanh. Lá lặng im bởi đã làm tròn phận sự. Chắc nó chẳng ân hận điều gì ! Khi còn sắc xanh, là bàng  đưa bàn tay che nắng. Khi đỏ thắm sắc hồng, lá bàng thầm lặng nằm bên gốc cội ngày xưa…

4.     Mùa bàng lá đỏ !
Buổi giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Màu nắng chốn quê minh nồng nàn đến lạ ! Lá bàng đỏ thẫm như màu của hoàng hôn thuở nào khi “thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Dọc con đường viếng mộ mùa này, những chiếc lá bàng rơi rơi, xào xạc. Có ai nghe thấy không; vọng lời của người xưa nhắc nhở. “Con người có Tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”. Cỏ cây, hoa lá cũng có nguồn, có gốc, có cội.

 Mùa bàng lá đỏ, mùa của những tiếng lòng hướng về gốc cội quê hương…

                                                       LÊ LAM HỒNG
                                                           
………………………………………………………….
Lê Đức Đồng
Trường THPT Chuyên NT Minh Khai- Sóc Trăng


READ MORE - MÙA BÀNG LÁ ĐỎ - Tản văn Lê Lam Hồng

Thơ Trúc Thanh Tâm: ANH VÀ EM - VỀ PHÍA MÙA XUÂN - HOA VÚ SỮA




Thơ Trúc Thanh Tâm

ANH VÀ EM

Anh dòng sông êm ả
Em con thuyền về xuôi
Thời gian chờ ở bến
Anh và em ngỏ lời!

Tóc dài làn sóng lượn
Mắt ướt với ngàn xưa
Ướp tình anh hương gió
Em nói gì trong mưa!

Anh treo hoài nỗi nhớ
Khi thành phố lên đèn
Hoa nhà ai hương thoảng
Tương tư anh và em!

Bờ mi em khép lại
Là lúc anh mở lòng
Là lúc ta đắm đuối
Không gian và hư không!

Lại hương mùa hoa nở
Sương đọng lá đời xanh
Nhịp tim hòa nhịp thở
Mắt em cười mắt anh!

Đất trời như gần lại
Anh và em cũng gần
Ngoài kia đời rất trẻ
Anh cho em mùa xuân!

TTT



VỀ PHÍA MÙA XUÂN

          - Tặng chị Lộc Tưởng và anh Lương Thư Trung

Ta về quê chuyến đò trưa
Nghe sông hát những lời chưa muộn phiền
Tóc dài nón lá che nghiêng
Yêu người từ độ hẹn nguyền tóc tơ

Ta về viết tiếp bài thơ
Áo thơm hơi ấm mắt ngơ ngẩn tình
Ráng chiều đỏ phía bình minh
Ước mơ nỗi khổ cứ rình rập nhau

Ta về đêm chạm chiêm bao
Nên cho và nhận xé rào nhân duyên
Trần gian từ lúc đảo điên
Trăng treo đầu núi một tiền kiếp mưa

Ta về tìm lại ngày xưa
Bốn phương lạ lẫm gió vừa thổi lên
Lục bình tím khúc sông quen
Mùa xuân năm cũ nhớ quên bây giờ !

15.01.2016
TTT



HOA VÚ SỮA

Nắng sáng nay theo anh đi chợ sớm
Ngang nhà em hoa vú sữa đong đưa
Em nhìn ra thấy anh cười chúm chím
Có phải chăng tình đã gieo mùa !

Em hãy để những mùi thơm quen thuộc
Bay ngập ngừng khoảng sân cuối nhà em
Hương người, hương đất bay quấn quýt
Đếm bao giờ cho hết dấu chân quen !

Gió vẫn thổi, biết lấy gì nhốt nổi
Tình cho đi không hẹn dịp lấy về
Bên cửa sổ anh treo hồn đôi mắt
Thật bình thường mơ mộng những giấc mê !

Lá cũng có linh hồn riêng của lá
Tình yêu là sợi chỉ mong manh
Em chớ vội khép đời sau cánh cửa
Mở ân tình góc nhỏ phía tim anh !

TRÚC THANH TÂM

(Châu Đốc)
READ MORE - Thơ Trúc Thanh Tâm: ANH VÀ EM - VỀ PHÍA MÙA XUÂN - HOA VÚ SỮA

PHÚT GIAO MÙA - Bản nhạc của Trầm Thiên Thu




READ MORE - PHÚT GIAO MÙA - Bản nhạc của Trầm Thiên Thu

TÌNH XUÂN - Chùm thơ Phạm Phan Hòa




TÌNH XUÂN

              * Dành tặng TM.

Trưa Hè... Xuân gửi gió
Qua cánh đồng cháy đỏ!
Bác nông phu xới cày.
Chiều Hè, Xuân hòa tiếng
Vút sáo dều tuổi thơ
Vang cánh đồng ước mơ!
Lá vàng rơi ngày nhớ
Mặt hồ xanh lặng lờ
Xuân cùng em ở lại..
Nhuộm màu say trời Thơ
... Người xa từ mấy độ,
Mưa trơn trợt nẻo về!
Xuân và hoa nỡ giữa
Rét- Đông dài lê thê.
Anh vời xa vạn lối..
Ngõ hẹp loang ước thề
Tình em.. Xuân đơn sắc,
Thắm giữa đời đê mê.


QN- 11/01/2016.



XUÂN NỒNG

        * Gửi hương về TM Thúy của ngày xưa.

Ngấm trong lòng mắt
Mi xanh,
Ngủ vùi giữa giấc
Mộng lành
Gối
Tay.
... Nắng vàng say
Má đỏ hây!
Men nồng lan tỏa khắp
Ngày đượm hương
- Người về ngan ngát
Mùa thương?.
Nồng bay theo mỗi
Dặm trường

Nhân

Gian.


QN- 13/01/2016.




XUÂN QUA


               * Đợi Thúy xưa.

Gửi em mầu thắm Xuân hồng
Rạng.. thuyền tách bến theo chồng sang ngang,
Gửi ngày sao quá vội vàng!.
Bỏ ta gom nhặt nắng tàn chiều vương?
... Cuối mùa rơi rụng sầu, thương,
Mà ta mãi đợi - bên đường Xuân qua.

Phạm Phan Hòa
QN- 14/01/2016
READ MORE - TÌNH XUÂN - Chùm thơ Phạm Phan Hòa

Truyện ngắn NGƯỜI CÕNG CUỘC ĐỜI - Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



Lê Hứa Huyền Trân

NGƯỜI CÕNG CUỘC ĐỜI

Truyện ngắn

            Chắc ít có nhà nào Tết sang lại như nhà tôi, khi xuân về cũng là lúc mỗi người đắm chìm trong những guồng quay công việc riêng, khi kế sinh nhai lên ngôi cũng là lúc những nỗi nhớ người thân trong những ngày lẽ tất nhiên phải hội tụ càng trở nên bồi hồi da diết. Tết này em tôi lại lên phố, ba lại dong ruồi theo những chuyến hàng xa, nước mắt của mẹ rơi suốt trong những ngày ba dài mình đi bám biển. Còn tôi, chỉ biết quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, đi ra đi vào, thương em, nhớ ba, lại cảm thấy rưng rưng và lòng dấy lên cả cơn sóng trào xúc động khi nhìn chậu mai trước nhà bắt đầu chớm nở, ươm những nụ mầm đầu tiên, chỉ chực Tết đến là vươn cánh xòe. Tết này ba lại ra biển, cứ luôn chắc mẩm này sẽ là lần cuối. Má khóc hết nước mắt vì ba, vì lắng lo, vì tuổi tác ba ngày một cao, nhưng cứ lăn lộn ngoài gió nắng để đồi bữa ăn cho cả gia đình. Nhìn người đàn ông đang lững thững đi về phía biển, làn da sạm đen vì nắng gió, bàn tay chai qua những lần kéo lưới nhưng bờ vai vẫn rộng như ngày nào, như đang gánh vác cả cuộc đời trên vai, mắt tôi rướm lệ.
           
Từ bé ba đã luôn là thần tượng của cuộc đời tôi. Hình ảnh một người đàn ông vươn tay ôm cả bầu trời thực sự là hình ảnh kì vĩ nhất mà tôi từng thấy. Lúc ấy khu xóm nhỏ mà tôi ở là làng chài ven biển, ngày nào tôi cũng được ba cõng trên vai ngắm biển. Tất cả cứ như một bức tranh khi tôi hãy còn bé thơ, bàn chân còn in thành những dấu tròn xoe trên cát, lẫm chẫm đi tìm ba. Nhìn từ sau lưng, bóng người đàn ông chạy dài trên cát, bờ lưng rắn chắc để trần và cả người hãy còn tanh nồng mùi biển. Bóng hoàng hôn bao phủ tất cả nhưng chẳng thể bao phủ nổi ba tôi, ngay khi vừa thấy tôi, đôi mắt ông sáng rực cả lên, bế thốc tôi lên đặt trên vai:

- Lại đây với ba nào bé con. Nhìn đi con, đó là nơi nuôi sống chúng ta.

Và ba chẳng nói gì, tôi cũng im lặng, hình hài nhỏ bé yên vị trên những bắp thịt cuồn cuộn. Tôi giãy giua khi ngồi trên lưng ba vì người đàn ông của tôi to lớn quá, bỗng chốc bị đội lên cao, tôi sợ.

- Ba, ba cõng con không thấy nặng hả ba?

- Sao mà nặng được, ba cõng cuộc đời của ba trên vai mà.

Tết bao giờ cũng là lúc người ta thấm thía nhất hoàn cảnh gia đình mình. Mỗi khi Tết về, căn nhà nhỏ lại lao xao đủ thứ. Đám trẻ nít chúng tôi bày ra đủ trò, đủ loại ước mơ, những mong mỏi có thêm cánh áo mới hay dặn mẹ phải mua mứt này mứt kia mà mình thèm. Lúc ấy, tôi thấy ba bắt đầu đi làm nhiều hơn, mịt mờ cả ngày lẫn đêm, mẹ đẩy xe cháo bán cả tối ngày, dẫu những cơn mưa xuân rơi ướt đẫm vai cũng chẳng khi nào thấy ba mẹ ngơi nghỉ. Những đêm xuân, lúc người ta đắm chìm trong giấc ngủ cũng là lúc ba mẹ chong đèn bán tính chi tiêu. Nhiều đêm trong giấc mơ, tôi quay người trở giấc vẫn thấy ba đang chau đôi trán, mẹ đang tính phải mua gì, kiệm gì, bóng ba to lớn bao trùm cả mẹ. Kể từ lúc ấy tôi bắt đầu hiểu cuộc sống khốn khó của mình dẫu ba mẹ luôn lo cho tôi đủ đầy. Nhà người ta có Tết, nhà tôi cũng có Tết. Dẫu cái tết nhà người ta là mâm cao cỗ đầy cũng chẳng thể làm tôi vui được bằng những bát cơm nóng, dăm miếng thịt nhiều hơn mọi khi và những quả trứng cút con con thay cho món thịt kho tàu mà ba mẹ vất vả kiếm được mưu sinh.
           
Tết của khi tôi bước vào cấp hai là cái Tết của khốn khó. Vì Tết sang cũng là lúc bước vào kì mới, việc đến trường trở thành những nỗi lo. Khi học cao dần lên thì tiền học cũng bắt đầu tăng lên, lúc này bệnh của mẹ trở nặng, ba trở thành người lao động chính trong nhà. Sáng sáng ba thay mẹ chở tôi đi học rồi cũng đi làm, lúc thấy ba ở công trường, lúc thấy ba ra biển, lúc thấy ba đan lưới cho mấy cô trong chợ, đủ kế sinh nhai. Có bận đi học về, nhìn thây ba ngồi hút thuốc ngoài hiên, mắt đang dõi ra ngoài khơi xa, tôi lững thững lại ngồi cạnh:

- Ba, ba đã hứa không hút thuốc nữa mà.

- A, ba xin lỗi. Dạo này nhiều chuyện ba nghĩ nhiều – rồi ba dụi thuốc ngay – Không có nữa đâu con.

Tôi ôm lấy ba, ba hỏi tôi:

- Có muốn ba cõng đi dạo biển nữa không?

- Bây giờ con cao lớn hơn rồi, ba có còn cõng nổi không?

Ba cười thật to, tiếng cười át cả tiếng sóng biển xô ngoài kia, bế thốc tôi đặt lên vai:

-Ba cõng cuộc đời của ba thì sao có thể nói nổi hay không nổi hả con.

Lúc người ta bắt đầu đốt những đợt pháo đầu tiên mừng Tết về, cả nhà tôi vẫn còn ngóng ba về, lúc ba về trên tay còn cầm nguyên đòn bánh tét nóng hổi và hai cái bánh chưng và một ít thịt. Tôi chạy ào ra ôm lấy ba nức nở. Ba cười tinh tế:

- Con bé này, thích thịt thế cơ đấy.

Nhưng khóe mắt ba rơi nước mắt cay cay, giọt nước mắt mà cả nhà tôi đều hiểu chứa đựng những gì.

Tôi và em tôi cùng vào đại học, những tưởng đó sẽ là niềm vui thì lại trở thành nỗi lo của ba. Cả khu xóm nhỏ chỉ có hai đứa chúng tôi đậu đại học nên với ba là cả niềm tự hào. Nhưng học đại học xa nhà, mọi khoản tiền đều thành nếp nhăn trên trán ba. Thời gian không chừa cho ai cả, vầng trán người đàn ông bám biển ngày nào bắt đầu có những nếp nhăn, còn chân bắt đầu bị tuổi già hành ngày đêm nhức nhối. Em tôi đưa ra quyết định bước ngoặt của cuộc đời : không học đại học. Mẹ khóc hết nước mắt, ba châm thuốc hút cả đêm nhưng ý em tôi vẫn quyết không thay đổi. Nó quyết định lên phố kiếm tiền, ngày nó đi mẹ dặn dò đủ thứ, còn ba chỉ ngồi một góc nhà không ngoái nhìn. Người ta có thể nghĩ ông giận nó nhưng tôi hiểu ông giận bản thân mình. Nỗi đau không lo cho được cho con cái là nỗi đau vô cùng của người cha. Nó quay đi, ba mới gọi tôi lại:

- Tiễn nó đi đi con. Dặn em nó cẩn thận,

Rồi lại quay đi. Nó đi làm được mấy năm, tiền gửi về đỡ đần cũng đều đặn, chưa bao giờ quên hiếu nghĩa, được thế ba cũng ấm lòng, chấp nhận suy nghĩ con người có thể tiến thân bằng nhiều cách. Tôi cũng tốt nghiệp đại học rồi đi làm nhưng vẫn gắn bó với làng chài nhỏ phụng dưỡng mẹ cha. Ba mẹ đều già hẳn đi, để những cơn đau nhức làm buổi đêm thức trắng. Em tôi lên phố, cuộc sống không tránh khỏi những chông gai, những mùa Tết nó vắng nhà trở thành quen thuộc quá đỗi, chỉ có ba tôi, hôm hai chín nào cũng ngồi ngoài hiên ngóng ra ngõ, cả mẹ và tôi đều biết ông trông em về. Thời gian qua đi chỉ có ông gầy guộc dần theo năm thấng.
           
Em tôi theo guồng quay cuộc sống cứ bận rộn trong công việc của nó rồi vấp ngẫ lại tìm về nhà. Lúc đó khi nhìn thấy ba nó rất sợ, không dám bước vào nhà, ông không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn nó, rồi hắng giọng:

-Vào chuẩn bị tết với má đi con.

Nó bật khóc chạy ào vào ôm lấy ba. Lúc này tôi không còn hỏi ba có còn cõng nổi tôi, cõng nổi em như ngày xưa hay không nữa, vì trong mắt tôi khi ấy, người đàn ông đã dùng cả cuộc đời mình để gánh vác cuộc đời chúng tôi dẫu không còn khỏe mạnh cường tráng như xưa nhưng vẫn là chỗ dựa vững chắc cho chúng tôi tựa vào. 


Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định
phongtruongtu201@gmail.com


READ MORE - Truyện ngắn NGƯỜI CÕNG CUỘC ĐỜI - Lê Hứa Huyền Trân