Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 17, 2019

CẦU - Thơ Chu Vương Miện


CẦU
Chu Vương Miện

Cây cầu kè có lần em qua đó
giòng kinh làng vẫn chẩy quẩn nhà anh
thuyền tam bản thường cột gần đầu ngõ
mười mấy năm tuổi thơ đó để dành
nhà em ở bên này cây cầu
nhà anh ở bên kia khoảng ruộng
hoa tím trắng nhòa sao rau muống
tuy bần hàn mà lại mọc nương dâu
mấy mươi năm hò dí dẩu dí dầu
mà ruột đứt làm dăm ba mớ
vẫn vàm nước đen vẫn đầy buổi chợ
mà thiếu em nên nước chẩy lò cò
cây cầu kè anh có đi qua
đến nhà em cây chùm ruột đổ
căn nhà cũ vẫn thường mở cửa
anh vào rồi anh lại đi ra
giòng thời gian không gần lại hóa xa
cây cầu kè không ai qua nữa
thôn xóm đó làm mồi cho lửa
người bây giờ cầu thực mười phương
mất cây cầu kè [mất cả ruộng nương]
mất cả tuổi thơ trên giòng tam bản
anh đi tìm em [bậu đi tìm bạn]
em em à em ở nơi nao?

CVM

Nguồn: voque.org



READ MORE - CẦU - Thơ Chu Vương Miện

Chùm ảnh HOA LỒNG ĐÈN - Chu vương Miện






READ MORE - Chùm ảnh HOA LỒNG ĐÈN - Chu vương Miện

ĐÁM TANG LÒNG - Thơ Lê Hứa Huyền Trân



ĐÁM TANG LÒNG
Lê Hứa Huyền Trân

Con tim mồ côi hồn hoang chờ đợi
Lỗi tại mình? có phải tại mình đâu!
Đêm tan hoang vắt kiệt sức âu sầu
Để thân tàn quắt queo đi nhỏ lệ
Nấm mộ đơn bên đường thôi kệ!
Có khác chi, cũng chỉ đám tang lòng
Thương thân trinh sống trọn kiếp phòng không
Mang khối óc, trái tim đi chôn giấu
Biết khi nào lệ kia rơi màu máu!
Tới khi nào xương cốt hóa thành tro!
Mang khối tình xoắn lại tròn vo
Đem tặng người ko biết đâu đầu-kết.
Chẳng bao giờ cuộc tình kia màu chết
Cái đám tang cũng chỉ đám tang lòng
Nguyên xác thịt dẫu có hóa hư không
Sống là yêu, cho đến khi được chết

LHHT
READ MORE - ĐÁM TANG LÒNG - Thơ Lê Hứa Huyền Trân

CÀ PHÊ MỘT MÌNH - Thơ Hoảng Yên Linh



Cà Phê Một Mình
            Hoàng Yên Linh
*gởi H,người bạn cố tri
một thời mà cả một đời.

Sáng ra không bè bạn

Cà phê chỉ một mình
Hỏi tình - tình xa vắng
Hỏi đời - đời chông chênh.


Một mình khơi dĩ vãng
Chuyến xe đời sáu mươi
Con chim già mỏi cánh
Giữa biển đời lẻ loi.

Biết phù sinh thế đó
Vẫn ước vọng dâng đời
Trăm năm không bến đổ
Thôi đành bỏ cuộc chơi.

Một mình ừ một bóng
Không bạn - tình cũng không
Sáng buồn ra quán vắng
Lại một mình ngóng trông
Bao giờ đến bao giờ...? 
HYL


READ MORE - CÀ PHÊ MỘT MÌNH - Thơ Hoảng Yên Linh

LỠ HẸN THÁNG BA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng



Lỡ hẹn tháng ba
Trời sắp mưa, lòng ta ướt vội
Gió nam non, riu ríu bãi bờ
Biết chốn cũ, đâu xa mấy đỗi
Mà hẹn lần, hẹn lữa, bâng quơ
                  *
Tiếng sấm xa, vỡ òa giận dỗi
Váng vất tình, khê đọng bao năm
Có gì đâu, sao nghe tồi tội
Một tiếng đàn, lạc nhịp xa xăm ...
                  *
Gió đang mùa tháng ba đến sớm
Tiếng lá khua, gõ nhịp nắng đi
Theo lối cũ, quanh co lởm chởm
Tiếng sóng xa, đổ vọng rầm rì
                  *
Cũng tầm này, nắng rong mùa cũ
Phố ngày xưa, ta đã có nhau
Trúc trắc làm chi, lời ẩn dụ
Thời gian nào, gấp khúc chênh chao
                  *
Rơi đâu đó, nỗi buồn tóc bạc
Trói hồn nhiên, đằng đẵng dấu tình
Sao quanh quất lối mòn khang khác
Giật mình nghe gãy đổ hư linh ...
Lê Thanh Hùng


Chuyện tào lao bên cuộc nhậu
Nếu không sâu sắc thì sẽ không lâu bền
Nhưng chuyện đời đâu cần cái gì cũng sâu sắc
Nên có chuyện nhớ, chuyện quên đan cài thưa nhặt
Và thật thà, dối trá cũng mấp mênh
                            *
Trong góc phẳng cuộc đời tím tái đến xanh xao
Không thể sống bằng kinh nghiệm chỉ có trong sách vở
Với những nỗi buồn và niềm vui tránh trớ
Cứ loay hoay trước câu hỏi, làm gì và phải làm sao?
                            *
Tiếng sương đêm rơi thánh thót, nhịp đời trôi
Sao lãng phí thời gian, để chứng minh điều ta không hề có
Lợn cợn niềm tin những điều bé nhỏ
Xiêu xó bên đời trong tiếng vọng xa xôi
                            *
Khi ta không đòi hỏi cho mình, ở cuộc đời này
Thì có gì đâu mà bất mãn
Cống hiến được bao nhiêu mà lộng ngôn: kiêu mạn
Lẵng lặng cười một mình, những khao khát đắm say
                            *
Đất nước yên bình, rãnh quá rỗi hơi
Ngồi nhậu với bạn bè, thao lao chuyện hồi đó
Chuyện nắng, chuyện mưa thì thời nào cũng có
Mà khi mưa qua, thì nắng mới sẽ xanh ngời ...
Lê Thanh Hùng


Dấu đêm
Đêm trống vắng, ánh sao sa
Khẽ khàng tiếng vọng, là đà sương giăng
Chìm trong vệt nứt, vết hằn
Mờ xưa dấu cũ, cong quăn sợi tình ...
Lê Thanh Hùng

  Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - LỠ HẸN THÁNG BA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

THỜI GIAN GÕ NHỊP - Thơ Trương Thị Thanh Tâm



    Nhà thơ Trương Thị Thanh Tâm 



THỜI GIAN GÕ NHỊP

Gió len vào tận khuê phòng
Bóng nghiêng trên vách nghe lòng buồn tênh
Người đi tình bỗng chênh vênh
Bình Dương có nhớ nắng bên sông Tiền

Mỹ Tho phố cũ người quen
Mênh mông con nước chảy tràn về khơi
Đừng đem lời cợt lã lơi
Cho tim đau nhói, phai phôi nụ cười

Sân ga giờ vắng bóng người
Đèn khêu ngọn gió bóng tôi một mình
Thời gian gõ nhịp thâu canh
Vòng tay ngày đó, để dành chờ ai

Người ơi bến nước vơi đầy
Tình treo ngọn bấc, đêm dài ủ ê
Trăm năm xin chớ lỗi thề
Để cho dòng nhớ... đêm về quạnh hiu

                   Trương Thị Thanh Tâm
                                (Mytho)

READ MORE - THỜI GIAN GÕ NHỊP - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

NHỮNG VẦN THƠ Ở RỪNG - Thơ Hoàng Yên Lynh





XÓT XA
           
Ngóng mãi phương Đông ngóng phương Tây
Sáng chiều hiu quạnh chỉ mình ta
Lửa rừng ai đốt mà cay mắt
Đọng lại trong đời ta với ta.


ĐỜI TA
Từ dạo buông gươm tìm lên núi
Bên đời hiu quạnh một vầng trăng
Thôi chẳng chinh nhân thì tay cuốc
Sơn hà ta lại bước thênh thang.


CA DAO

Ca dao lặng lẽ bên đời
Chiều nay vọng tiếng ru hời cố quê
Nghiêng nghiêng bóng ngã triền đê
Dáng ai như dáng người quê lại về.
                  
                          Hoàng Yên Lynh

READ MORE - NHỮNG VẦN THƠ Ở RỪNG - Thơ Hoàng Yên Lynh

ĐỌC “GIAI ĐIỆU TÌNH SI” THƠ LÊ GIAO VĂN - Châu Thạch


                                             Nhà thơ Lê Giao Văn


GIAI ĐIỆU TÌNH SI
(Riêng tặng những người tình, được tái ngộ sau 1975)

Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Con đường xưa cỏ úa lá rụng đầy
Anh sẽ nói với em là như vậy
Cuộc tình nào không có lúc chua cay

Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Cây khô ran bỗng thức dậy đâm chồi
Anh sẽ nói với em đừng trăn trối
Trái tình yêu cắn ngọt vị đầu môi

Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Phút tái sinh líu lưỡi nỗi oan cừu
Trăng thần thoại nhập hồn bờ ảo giác
Hạt răng cùn- cắn phập tuổi hai mươi

Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Phím tình xưa sụp vỡ hết cung đàn
Anh sẽ đặt lên hai bờ ngực rộng
Một tiếng lòng như tiếng sấm rền vang

Sợi tóc bạc dẫn đường giờ tương ngộ
Phấn hồng nhan lem luốc bụi phong trần
Bờ châu thổ rùng mình hương dạ thảo
Mặt trời xưa ! - sa lệ với giai nhân.

                                Lê giao Văn


    
        Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “GIAI ĐIỆU TÌNH SI” THƠ LÊ GIAO VĂN
                                                                   Châu Thạch

Giai điệu là gì? Giai điệu được giải thích theo nhạc lý thì sâu rộng, được giải thích gọn nhẹ, dề hiểu là chuổi âm thanh hoàn chỉnh góp phần tạo nên bản nhạc. Một bản nhạc có ba phần: nhịp điệu, hòa âm và giai điệu. Giai điệu chính là cá tính của mỗi tác phẩm âm nhạc, cho ta cảm xúc khi thưởng thức cái hay riêng biệt của tác phẩm âm nhạc ấy.
Khi nói “Giai Điệu Tình Si” thì nhà thơ Lê Giao Văn đã hư cấu sự rung động của con tim thành âm thanh và âm thanh đó có tiết tấu hoàn chỉnh. Đầu đề bài thơ như vậy nên tiếng thơ của bài thơ cũng như vậy. Đọc nó ta nghe tiếng lá rụng, tiếng cây khô đâm chồi, tiếng sụp vỡ của cung đàn lỗi nhịp, tiếng sấm vang rền và cuối cùng cả tiếng lệ sa.
Toàn bộ bài thơ chỉ là một hy vọng, một hy vọng có thể gọi là hảo huyền. Nhà thơ luôn luôn mở đầu khổ thơ bằng câu thơ “Cũng có thể khi chúng mình gặp lại”. Đọc liên tiếp câu  thơ nầy ta cảm xúc, bởi một mong ước được nhấn mạnh, một mong ước như đã hằn sâu trong lòng tác giả. Âm thanh của câu thơ như tiếng gọi vang vọng giữa đất trời, lắng vào trong không gian vô hạn. Em có nghe không và em có về không? -“Cũng có thể!”, đó là một niềm tin như ngọn đèn le lói, như người ngồi bên song cửa trăm năm, để ngóng bóng ngựa hồng của người yêu quay lại. 
Ở khổ thơ đầu, khi “chúng mình gặp lại”, cuộc tình như “Con đường xưa cỏ úa rụng đầy”. Khi đó, Lê Giao Văn nói cùng em “Cuộc tình nào không có lúc chua cay”. Đó chính là sự chua cay trong lòng tác giả,  đó chính là sự đớn đau được thốt ra bằng những lời an ủi.
Khổ thư hai của bài thơ, khi “chúng mình gặp lại”, cuộc tình như “Cây khô ran đã thức dậy đâm chồi”.  Khi đó Lê Giao Văn thổn thức “Anh sẽ nói với em đừng trăng trối/ Trái tình yêu cắn ngọt vị đầu môi”.  Thật thì sắp chết mới trăng trối, có bao giờ tình đang nở hoa mà trăng trối đâu. Thật tình cây khô ran mới đâm chồi thì trái tình yêu ở đâu để cắn ngọt vị đầu môi. Thế nhưng tác giả đã nói vậy. Đây cũng chỉ là một ao ước, một câu thơ an ủi khi chúng mình còn quá xa nhau chưa biết ngày gặp lại. Tác giả nhớ lại tình xưa, tự nhủ sẽ nói với em những lời mật ngọt, nhưng tiếng lòng lại quặn thắt trong câu thơ vì sự gặp nhau chỉ là ước mơ vô định.
Rồi thì qua khổ thơ thứ ba, khi “chúng mình quay lại” thì nhà thơ Lê Gíao Văn cũng chỉ đau đớn rên rỉ trong phút tái sinh của cuộc tình đã mất bao năm:

Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Phút tái sinh líu lưỡi nỗi oan cừu
Trăng thần thoại nhập hồn bờ ảo giác
Hạt răng cùn- cắn phập tuổi hai mươi

Răng không còn là hàm mà đã thành “hạt” vì sự ly biệt đã quá lâu. “Hạt” là một tứ thơ hình tượng cho sự mòn mõi. “Cắn phập tuổi hai mươi” vì chiếc răng đã cùn nhưng nỗi rạo rực, đam mê muốn cắn lại cái thời xuân xanh ngày nào, đại khái mong được cảm nhận lại những gì rao rực của năm xưa. Một câu thơ gói trọn cường diệu, nhân hóa và hư cấu thật hay.
Ở khổ thơ thứ tư, nhà thơ đặt hai trái tim yêu trong bộ ngực rộng như biển khơi để nhịp đập trở thành “tiếng sấm rền vang”. Đây là nỗi đau không còn âm ỉ, không còn trầm lắng nữa, mà nó bùng lên như sóng thần, như hỏa diệm sơn khi “Cũng có thể khi chúng mình gặp lại/Phim tình xưa sụp vỡ hết cung đàn”. Ở khổ thơ nầy ta còn thấy tác giả không đè nén tâm tư để ao ước viễn vông. Nhà thơ đã gầm thét nỗi tuyệt vọng của mình, bày tỏ nỗi đau đó như tiếng sấm rền vang.
Qua khổ thơ cuối là sự thất vọng ê chề. Đầu tóc đã bạc, phấn hồng nhan lem luộc, mặt trời sa lệ là nỗi tuyệt vọng để bày tỏ tất cả ước mơ chỉ là ảo vọng, dầu cuộc tình xưa có gặp lại hay không thì nỗi đau vẫn khó vượt qua, cả hai đã già, đã quá tuổi xuân: 

Sợi tóc bạc dẫn đường giờ tương ngộ
Phấn hồng nhan lem luốc bụi phong trần
Bờ châu thổ rùng mình hương dạ thảo
Mặt trời xưa ! - sa lệ với giai nhân .

Quả thật đọc “Giai Điệu Tình Si” của lê Giao Văn ta nghe như có giai điệu buồn của tiếng sóng ầm ầm, vang vọng thê thiết từ ngàn xa liên tục dội vào bờ. Ta như thấy từng con sóng ập đến, con sóng sau to hơn con sóng trước, và cuối cùng nó đều tan tác bên rặng thùy dương. Bài thơ tình tưởng như mang đầy ước vọng đoàn tụ nhưng thực ra nó chất chứa nỗi đau triền miên của năm tháng đợi chờ, mòn mõi và tuyệt vọng nhiều hơn là hy vọng. Tim tôi rung động khi đọc thơ và tôi viết nó vội vàng, rất mau cũng để giải tỏa cho tôi những gì đồng cảm với Lê Giao Văn.

                                                                     Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “GIAI ĐIỆU TÌNH SI” THƠ LÊ GIAO VĂN - Châu Thạch

TRUYỀN THUYẾT NGÔI CHÙA LÀNG ĐÁ - Đặng Xuân Xuyến





TRUYỀN THUYẾT NGÔI CHÙA LÀNG ĐÁ

(Trích trong VÀO CHÙA LỄ PHẬT - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
của Đặng Xuân Xuyến ; Văn Hóa Thông Tin ; 2006)

Cách thị trấn Ân Thi (Hưng Yên) chừng 1km về phía thị trấn Kẻ Sặt (Hải Dương), thuộc thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên có một ngôi chùa được gọi là chùa Đá.
Tương truyền vào thời Lý, có cô thôn nữ đẹp người đẹp nết của làng được hoàng cung tuyển chọn làm thiếp yêu cho vua. Vào ngày cô dời làng lên xa giá về cung, bỗng xuất hiện đám mây ngũ sắc, hình dáng tựa con rồng xanh, như đang ngồi che chở cho cô, theo cô về triều. Dân làng cho đó là điềm lành nên hoan hỷ lắm, liền lấy điềm đó đổi tên làng thành làng Đỗ Xá.
Sau khi sinh cho triều Lý một hoàng tử, cô thôn nữ làng Đỗ Xá không bệnh mà tự dưng hóa. Đêm đó, trời đổ mưa như trút nước. Sáng ra, dân làng thấy trên khúc sông đầu làng nổi lên những phiến đá, cột đá, kèo đá... đủ xây dựng một ngôi chùa. Dân làng cho rằng trời đất cảm thương bà liền dùng những đồ đá đó dựng lên ngôi chùa, để thờ cúng bà, gọi đó là chùa Đá. Và làng Đỗ Xá được triều đình đổi tên là làng Đá từ đó.
Trước kia, khu chùa làng Đá rất rộng. Nhiều gian thờ được xây dựng bằng cột đá, trụ đá, có chạm trổ rồng phượng và những hoa văn tinh tế.
Khuôn viên chùa nằm trên diện tích rộng vài hecta Bắc Bộ nhưng những năm phong trào Cần Vương, ngôi chùa bị thực dân Pháp kéo quân về đốt phá vì chùa Đá là nơi dân làng nuôi giấu các chiến sĩ Cần Vương.
Các cụ bô lão trong làng kể rằng, con sông đầu làng ngày xưa rất rộng, trai tráng khỏe mạnh, bơi giỏi nhất vùng cũng chỉ đủ sức bơi sang bên kia bờ, chứ đâu nhỏ bé như bây giờ, không đủ để tưới tiêu cho một cánh đồng.
Ngày trước, bao quanh khuôn viên chùa là những cây nhãn cổ thụ, đến mùa sai trĩu quả, nay dấu tích nhỏ cũng không còn vì đất của chùa đã dùng xây sân kho, xây nhà văn hóa, làm nhà dân ở...
Ngôi chùa ngày nay rất nhỏ, được dựng lại trên nền gian Cửa Trình của khu chùa ngày trước. Do ngôi chùa bị thực dân Pháp đốt phá nhiều lần nên những dấu tích về ngôi chùa, nhất là sự tích về ngôi chùa không còn.
Dấu tích chùa xưa chỉ còn lưu lại ở một số cột đá, chạm trổ hoa văn và những con rồng đang vươn mình bay lên cao... ở gian chính điện.
Trước cửa chùa là con rùa to bằng đá, đội bát nhang để du khách thập phương thắp hương trước khi vào lễ Phật.
Việc thờ tự ở ngôi chùa Đá cũng giống các ngôi chùa khác ở Bắc Bộ, cũng theo tín ngưỡng tứ phủ.
Gian chính điện thờ Phật. Hai bên chính điện thờ Đức Ông, Đức Thánh Hiền, Thành Hoàng và Hồ Chủ Tịch.
Gian thờ Mẫu nằm bên cạnh, hơi chếch về phía sau chính điện. Ngoài việc thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Quan Ngũ Hổ, gian thờ Mẫu còn thờ Bà Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần Triều...
Những ngày đầu tháng, đầu năm âm lịch, dân trong vùng đến lễ Phật, lễ Mẫu.... để cầu xin tài lộc.
Người dân trong vùng kể nhiều chuyện về sự linh ứng khi thành tâm dâng lễ: Nào là chuyện vợ chồng nhà nọ lấy nhau đã nhiều năm, chữa chạy đã nhiều thầy nhiều thuốc mà vẫn không có con, vậy mà chỉ sau vài tháng năng đến chùa dâng lễ, giờ đã có con nối dõi tông đường; nào là chuyện nhà kia vợ ốm nặng, chạy chữa mãi không khỏi, khi người chồng thành tâm dâng lễ, liền có người “mách” mà gặp được thầy, được thuốc, vài tuần sau khỏi bệnh...
Người dân trong vùng cũng nói rằng: Sự ứng nghiệm chỉ đến với những ai thành tâm, thật lòng hướng thiện, còn những ai sống không có thiện tâm, không thành tâm hướng thiện sẽ không nhận được sự linh ứng, thậm chí còn bị Phật, Mẫu trừng phạt.

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - TRUYỀN THUYẾT NGÔI CHÙA LÀNG ĐÁ - Đặng Xuân Xuyến

MAI EM LẤY CHỒNG - Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc: Nguyễn Hữu Tân, hoà âm Nguyễn Thanh Hùng, ca sĩ: Hà Huệ Mẫn trình bày


             Nhà thơ Quách Như Nguyệt


MAI EM LẤY CHỒNG

Mai em lấy chồng chắc anh buồn lắm!
Mai em lấy chồng hoa thắm tàn phai
Mai em lấy chồng lòng còn vương vấn
Em về với chồng anh chớ bi ai

Mai em lấy chồng anh có buồn không?
Ai bảo yêu em chẳng bao giờ ngỏ
Ai bảo yêu em mà chẳng tỏ tình
Em tưởng tình mình, tình bạn thong dong

Mai em lấy chồng lòng thấy phân vân
Em sắp sang sông bây giờ mới nói
Sao anh không nói thương em lâu rồi?
Để đến bây giờ muộn quá, buồn thôi!

Mai em lấy chồng, muốn khóc, bâng khuân
Đâu ngờ tình mình quá đỗi phù vân
Sao anh không thể vẫn là bạn tốt
Nói chi biệt ly ngớ ngẩn em buồn!

                    Quách Như Nguyệt





Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Nguyễn Hữu Tân
Hoà âm: Nguyễn Thanh Hùng
Ca sĩ: Hà Huệ Mẫn trình bày

READ MORE - MAI EM LẤY CHỒNG - Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc: Nguyễn Hữu Tân, hoà âm Nguyễn Thanh Hùng, ca sĩ: Hà Huệ Mẫn trình bày