Nhà thơ Lê Giao Văn
GIAI
ĐIỆU TÌNH SI
(Riêng
tặng những người tình, được tái ngộ sau 1975)
Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Con đường xưa cỏ úa lá rụng đầy
Anh sẽ nói với em là như vậy
Cuộc tình nào không có lúc chua cay
Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Cây khô ran bỗng thức dậy đâm chồi
Anh sẽ nói với em đừng trăn trối
Trái tình yêu cắn ngọt vị đầu môi
Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Phút tái sinh líu lưỡi nỗi oan cừu
Trăng thần thoại nhập hồn bờ ảo giác
Hạt răng cùn- cắn phập tuổi hai mươi
Cũng có thể khi chúng mình gặp lại
Phím tình xưa sụp vỡ hết cung đàn
Anh sẽ đặt lên hai bờ ngực rộng
Một tiếng lòng như tiếng sấm rền vang
Sợi tóc bạc dẫn đường giờ tương ngộ
Phấn hồng nhan lem luốc bụi phong trần
Bờ châu thổ rùng mình hương dạ thảo
Mặt trời xưa ! - sa lệ với giai nhân.
Lê giao Văn
Nhà bình thơ Châu Thạch
ĐỌC
“GIAI ĐIỆU TÌNH SI” THƠ LÊ GIAO VĂN
Châu Thạch
Giai điệu là gì? Giai điệu được giải thích theo nhạc
lý thì sâu rộng, được giải thích gọn nhẹ, dề hiểu là chuổi âm thanh hoàn chỉnh
góp phần tạo nên bản nhạc. Một bản nhạc có ba phần: nhịp điệu, hòa âm và giai
điệu. Giai điệu chính là cá tính của mỗi tác phẩm âm nhạc, cho ta cảm xúc khi
thưởng thức cái hay riêng biệt của tác phẩm âm nhạc ấy.
Khi nói “Giai Điệu Tình Si” thì nhà thơ Lê Giao Văn đã
hư cấu sự rung động của con tim thành âm thanh và âm thanh đó có tiết tấu hoàn
chỉnh. Đầu đề bài thơ như vậy nên tiếng thơ của bài thơ cũng như vậy. Đọc nó ta
nghe tiếng lá rụng, tiếng cây khô đâm chồi, tiếng sụp vỡ của cung đàn lỗi nhịp,
tiếng sấm vang rền và cuối cùng cả tiếng lệ sa.
Toàn bộ bài thơ chỉ là một hy vọng, một hy vọng có thể
gọi là hảo huyền. Nhà thơ luôn luôn mở đầu khổ thơ bằng câu thơ “Cũng có thể
khi chúng mình gặp lại”. Đọc liên tiếp câu
thơ nầy ta cảm xúc, bởi một mong ước được nhấn mạnh, một mong ước như đã
hằn sâu trong lòng tác giả. Âm thanh của câu thơ như tiếng gọi vang vọng giữa đất
trời, lắng vào trong không gian vô hạn. Em có nghe không và em có về không?
-“Cũng có thể!”, đó là một niềm tin như ngọn đèn le lói, như người ngồi bên
song cửa trăm năm, để ngóng bóng ngựa hồng của người yêu quay lại.
Ở khổ thơ đầu, khi “chúng mình gặp lại”, cuộc tình như
“Con đường xưa cỏ úa rụng đầy”. Khi đó, Lê Giao Văn nói cùng em “Cuộc tình nào
không có lúc chua cay”. Đó chính là sự chua cay trong lòng tác giả, đó chính là sự đớn đau được thốt ra bằng những
lời an ủi.
Khổ thư hai của bài thơ, khi “chúng mình gặp lại”, cuộc
tình như “Cây khô ran đã thức dậy đâm chồi”.
Khi đó Lê Giao Văn thổn thức “Anh sẽ nói với em đừng trăng trối/ Trái
tình yêu cắn ngọt vị đầu môi”. Thật thì
sắp chết mới trăng trối, có bao giờ tình đang nở hoa mà trăng trối đâu. Thật
tình cây khô ran mới đâm chồi thì trái tình yêu ở đâu để cắn ngọt vị đầu môi.
Thế nhưng tác giả đã nói vậy. Đây cũng chỉ là một ao ước, một câu thơ an ủi khi
chúng mình còn quá xa nhau chưa biết ngày gặp lại. Tác giả nhớ lại tình xưa, tự
nhủ sẽ nói với em những lời mật ngọt, nhưng tiếng lòng lại quặn thắt trong câu
thơ vì sự gặp nhau chỉ là ước mơ vô định.
Rồi thì qua khổ thơ thứ ba, khi “chúng mình quay lại”
thì nhà thơ Lê Gíao Văn cũng chỉ đau đớn rên rỉ trong phút tái sinh của cuộc
tình đã mất bao năm:
Cũng
có thể khi chúng mình gặp lại
Phút
tái sinh líu lưỡi nỗi oan cừu
Trăng
thần thoại nhập hồn bờ ảo giác
Hạt
răng cùn- cắn phập tuổi hai mươi
Răng không còn là hàm mà đã thành “hạt” vì sự ly biệt
đã quá lâu. “Hạt” là một tứ thơ hình tượng cho sự mòn mõi. “Cắn phập tuổi hai
mươi” vì chiếc răng đã cùn nhưng nỗi rạo rực, đam mê muốn cắn lại cái thời xuân
xanh ngày nào, đại khái mong được cảm nhận lại những gì rao rực của năm xưa. Một
câu thơ gói trọn cường diệu, nhân hóa và hư cấu thật hay.
Ở khổ thơ thứ tư, nhà thơ đặt hai trái tim yêu trong bộ
ngực rộng như biển khơi để nhịp đập trở thành “tiếng sấm rền vang”. Đây là nỗi
đau không còn âm ỉ, không còn trầm lắng nữa, mà nó bùng lên như sóng thần, như
hỏa diệm sơn khi “Cũng có thể khi chúng mình gặp lại/Phim tình xưa sụp vỡ hết
cung đàn”. Ở khổ thơ nầy ta còn thấy tác giả không đè nén tâm tư để ao ước viễn
vông. Nhà thơ đã gầm thét nỗi tuyệt vọng của mình, bày tỏ nỗi đau đó như tiếng
sấm rền vang.
Qua khổ thơ cuối là sự thất vọng ê chề. Đầu tóc đã bạc,
phấn hồng nhan lem luộc, mặt trời sa lệ là nỗi tuyệt vọng để bày tỏ tất cả ước
mơ chỉ là ảo vọng, dầu cuộc tình xưa có gặp lại hay không thì nỗi đau vẫn khó
vượt qua, cả hai đã già, đã quá tuổi xuân:
Sợi
tóc bạc dẫn đường giờ tương ngộ
Phấn
hồng nhan lem luốc bụi phong trần
Bờ
châu thổ rùng mình hương dạ thảo
Mặt
trời xưa ! - sa lệ với giai nhân .
Quả thật đọc “Giai Điệu Tình Si” của lê Giao Văn ta
nghe như có giai điệu buồn của tiếng sóng ầm ầm, vang vọng thê thiết từ ngàn xa
liên tục dội vào bờ. Ta như thấy từng con sóng ập đến, con sóng sau to hơn con
sóng trước, và cuối cùng nó đều tan tác bên rặng thùy dương. Bài thơ tình tưởng
như mang đầy ước vọng đoàn tụ nhưng thực ra nó chất chứa nỗi đau triền miên của
năm tháng đợi chờ, mòn mõi và tuyệt vọng nhiều hơn là hy vọng. Tim tôi rung động
khi đọc thơ và tôi viết nó vội vàng, rất mau cũng để giải tỏa cho tôi những gì
đồng cảm với Lê Giao Văn.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment