Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 14, 2012

HỌA SĨ TRẺ VỚI NỖI NIỀM TRANH LỤA

  "Hương sen" - Tranh lụa của họa sĩ Lê Thị Hải


Tranh Lụa Việt Nam cũng đã từng có những khoảng thời gian làm cho nền Mỹ thuật nước nhà vươn lên sánh vai cùng với các nền Mỹ thuật có tiếng về tranh Lụa như: Trung Quốc, Nhật Bản… Khi nói đến tranh Lụa không ai quên được ông tổ của Tranh Lụa là Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984), người Họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã đưa tranh Lụa Việt Nam đến với nghệ thuật Phương tây. Vậy mà giờ đây tranh Lụa đã vắng bóng trên các Gallery Nghệ thuật ở Việt Nam.


Tranh Lụa với người thưởng Họa


Khi được hỏi về tranh Lụa, phải tìm rất nhiều người mới có số ít biết về tranh Lụa Việt Nam, họ biết đến tranh Lụa truyền thống chỉ qua các bài viết, các tư liệu sách báo và mặc nhiên họ cũng không biết đến các tác phẩm với chất liệu Lụa hiện tại. Những cuộc triển lãm lớn nhỏ cũng vắng các bức tranh Lụa với nội dung truyền thống mà thay vào đó là các tác phẩm Sơn dầu, sơn mài, đồ họa…người thưởng lãm giờ cũng không quan tâm đến thể loại tranh này. Phải chăng tranh Lụa đã bị mai một với thời gian, cùng sự trỗi dậy của các phong trào nghệ thuật mới như: Body art, video art, nghệ thuật trình diễn, garafifty…


Trong cuộc triển lãm trưng bày Hội chợ du lịch Quốc tế ITE tại khách sạn Kumho InterContinental Asiana Saigon (13/9/2011), tình cờ tôi bắt gặp được một số ít tác phẩm với thể loại tranh Lụa truyền thống này. Tác giả còn đeo đuổi với nó là một nữ Họa sĩ trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên tại Gio Linh – Quảng Trị vùng đất bom đạn thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họa sĩ Lê Thị Hải tốt nghiệp chuyên ngành Lụa trường Mỹ thuật Huế, cô có một nỗi niềm sâu kín và tình yêu với tranh Lụa. Các tác phẩm mới của Họa sĩ Hải hướng đến chủ đề đời thường giản dị, với lối vẽ truyền thống cộng với sự sáng tạo trong phong cách mới Họa sĩ đã tạo nên những đặc trưng riêng của mình. Bước qua gian trưng bày tác phẩm Lụa, người xem dường như không ai biết về thể loại tranh này. Với ánh mắt trầm ngâm Họa sĩ Hải kể: “…Buồn cho tranh Lụa Việt Nam lắm. Khi tôi trưng bày tranh ở đây, phần lớn số người xem đều không biết đến tranh Lụa, người này đoán tranh in, nhiều người lại cho rằng là tranh thêu tay. Họ khen tranh đẹp nhưng họ khẳng định đây là lần đầu tiên họ được thấy dòng tranh này. Tôi không mong gì bán được tranh, nhưng tôi hy vọng người xem đừng quên và đừng thờ ơ với tranh Lụa Việt Nam,…”. Thiết nghĩ trong một xã hội phát triển về nghệ thuật, chẳng lẽ không có con đường cho tranh Lụa phát triển và đến với công chúng.


Nỗi niềm người họa sĩ trẻ 


Trò chuyện với Họa sĩ Lê Thị Hải một hồi lâu, tôi mới bắt đầu hỏi về tâm tư nguyện vọng của cô về tranh Lụa. Họa sĩ nói: “…Mình cũng mới bước chân vào với nghiệp vẽ, với sức trẻ năng động và sáng tạo, mình muốn giới thưởng họa biết nhiều hơn về dòng tranh Lụa Việt Nam, để cho những người sáng tác như mình và bao Họa sĩ trẻ khác đang sống với tranh Lụa không cảm thấy sự cô độc của dòng tranh mà mình nguyện gắn bó suốt đời nghiệp vẽ của mình. Hy vọng các nhà sưu tầm tranh tìm hiểu thêm về chất liệu tranh Lụa, để trong bộ sưu tập tranh của họ đừng có thiếu dòng tranh này, như tác phẩm Chơi ăn ô ăn quan của Cố Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh để người sưu tầm nước ngoài sở hữu. Mình cũng mong sao có thể sống và sáng tác được cùng tranh Lụa mãi suốt đời làm Họa sĩ của mình…”. Có phải chăng tranh Lụa đang bị mai một dần trong các cuộc triển lãm lớn nhỏ,Họa sĩ Lê Thị Hải đã đưa tranh Lụa của mình đi triển lãm rất nhiều nơi, gần đây nhất là: Triển lãm Festival làng nghề Huế 2011, triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền trung 2011, triển lãm Hội chợ du lịch Quốc tế ITE, triển lãm chương trình Sen và triển lãm kỷ niệm 50 năm Nhà hát Bông Sen tại Nhà hát Bông Sen Thành phố Hồ Chí Minh….Họa sĩ Lê Thị Hải cũng đang nuôi ước mộng tổ chức một buổi triển lãm chuyên về tranh Lụa cùng với Họa sĩ Dương Kính trong thời gian gần nhất.


Thay cho lời kết 


Nghệ thuật tạo hình Việt Nam đang ngày một hòa nhập với nền Nghệ thuật thế giới cùng với các danh họa như: Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái…đã để lại các kiệt tác cho thế hệ sau, nhưng cũng có một số tác phẩm được các nhà sưu tầm tranh nước ngoài sở hữu, phải chăng thị trường trong nước đang vô tình đánh mất đi những thứ quý báu cho thế hệ sau thưởng lãm, cũng như đang vô tình làm giảm đi niềm đam mê sáng tác của các Họa sĩ trẻ đang gắn bó với nghệ thuật truyền thống như tranh Lụa Việt Nam.


(Ghi lời: Văn Toản)

Bài và tranh do họa sĩ Lê Thị Hải gởi tặng
lehaiartist@gmail.com
Điện thoại: +84.988.53.30.30

website: http://duongkinhart.com
READ MORE - HỌA SĨ TRẺ VỚI NỖI NIỀM TRANH LỤA

THƠ VĂN CỦA THẦY CÔ GIÁO TRƯỜNG THPT NAM HẢI LĂNG - Nguyễn Điền tuyển chọn



 NGÀY VÀO TRƯỜNG - Nguyễn Thị Huyền

Mưa ! Những cơn mưa tầm tả, rả rích suốt cả ngày một chặng đường dài. Ngày hôm nay, là ngày đầu tiên tôi bứơc vào nghề. Bao nhiêu nỗi lo lắng, sự bỡ ngỡ cứ nối tiếp theo nhau đến trong tâm trạng tôi. Dường như những cơn mưa đầu mùa đông cũng hiểu được tâm trạng ấy nên đã bớt nặng hạt hơn. Trên đường vào trường là những sự suy tư, những điều tưởng tượng cứ xen lẫn trong đầu của tôi. Thế là, 4 năm học đại học đầy vất vả bây giờ tôi đã được đền đáp xứng đáng. Quả thật, đây là niềm vui ngoài sự mong đợi của tôi nhưng xen lẫn vào đó là một tâm trạng khó mà diễn tả được. Tôi bây giờ đã trở thành một giáo viên thực sự, sẽ đứng trên bục giảng, trước những người học trò thân yêu. Rồi ! không biết tôi sẽ như thế nào nhĩ ? câu hỏi đó cứ theo tôi suốt cả chặng đường dài gần 70 km.

Và cuối cùng, tôi đã đến nơi ngôi trường nơi tôi nhận công tác cũng đã hiện ra trước mắt mình. Tôi nhìn ngắm ngôi trường với cái tên thật trìu mến trường THPT Nam Hải Lăng “mà trong tôi không khỏi bâng khuâng trong đầu tôi lại vang lên bài thơ mà tôi không nhớ mình đã đọc được ở đâu đó.

Một đời người-một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trong bến bờ
Muốn ai qua sông phải luỵ đò “
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa...

Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương
Con đò mộc-mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...

Bỗng ! tiếng trống trường làm tôi giật mình. Ừ nhỉ, sáng nay tôi phải lên lớp tiết 1.

(Nguyễn Thị Huyền)



THẦY - Nguyễn Tiến Dũng

Thầy không phải dòng suối vậy mà
Ngọt hương thơm như cả trái hoa bốn mùa
Thầy không là ngọn gió lùa
Thổi qua cửa lớp về xuôi nắng vàng
Cũng không là đất mở màng
Mà sao ươm lớn bên hàng cây xanh
Với viên phấn trắng bảng đen
Thầy gieo bao hạt góp thêm cho đời

(Nguyễn Tiến Dũng)




NƠI TÔI Ở - Võ Đình Hiệp

Nơi tôi ở, có bao trò nhỉ
Với ánh mắt, hồn nhiên vô tư
Ngày từng ngày, lật từng trang vở
Viết tiếp vào, những trang vỡ tương lai...

Nơi tôi ở có bao đồng nhiệp
Đoàn kết, chung tay xây dựng mái trường
Cùng nghĩ suy, từng trang giáo án
Để tháng ngày, tiếng bài giảng ngân xa...

Nơi tôi ở, Nam Hải Lăng yêu dấu
Bên dòng Ô lâu, nặng nghĩa tình
Cùng tiến sĩ đầu tiên, xứ đàng trong
Bùi Dục Tài, tấm gương mãi sáng ngời

Nơi tôi ở, có bao kỷ niệm
Những buồn vui mỗi khi lũ về
Nơi tôi ở có nhiều điều để nhớ
Có mái trường ấm áp tình thân.

( Võ Đình Hiệp )




CON SÓNG NHỎ - Nguyễn Thị Thanh Uyên

Này con sóng nhỏ
Có tỏ lòng em
Dạt dào bao phen
Cho trò em nghĩ

Sóng dâng tràn bờ
Làm em trăn trở
Trắng xoá ngày đông
Bài học dang dở

Rồi mai nắng lên
Sóng hãy dịu êm
Vỡ bờ mãi miết
Em thôi da diết




  GIÓ

Gió nhẹ lay tà áo
Cho lòng anh ngẩn ngơ
Gió lại mang vần thơ
Vương vào trong suối tóc

Gió cho anh gặp em
Vòm cây xao động lạ
Nắng rải trên màu lá
Tình ta thuở ban sơ

Gió buồn qua mắt biếc
Tha thiết với trời xanh
Gió lại đến bên anh
Kể về em rất khẽ

Về cuộc sống tình yêu
Những điều anh chưa biết
Con đường ta sẽ đi
Trong những ngày lộng gió.

( Nguyễn Thị Thanh Uyên )




KHÔNG ĐỀ - Nguyễn Điền

Tôi lại về Nam Hải Lăng
Giữa mùa hoa sen nỡ
Cũng cái nắng suốt đời căng mình trăn trở
Nhưng mà sao rất lạ trưa này
Nắng bây giờ như có cánh bay
Rất có thể dưới cây phượng già thầm lặng
Chổ tôi ngồi có dấu chân em ...
Con bướm vàng bất giác chao nhanh
Thả giọt nắng ngoài kia núp vào bóng lá
Tôi chợt hiểu trưa này
Nắng sao bổng lạ...
Nữa vỗ từ trời- nữa ngã từ em.

        
        VỀ VỚI HẢI LĂNG – Nguyễn Điền

Nắng rủ nhau về ươm cỏ cây
Gió reo lồng lộng, bóng cây gầy
Đất trời thanh thản xanh không tưởng
Ngờ chỉ mình riêng một cõi này

Lá đàn, gió hát, tâm hồn say
Lời thơ ấp ủ, bấy nhiêu ngày
Bâng khuâng bướm lẽ, chiều thơ thẩn
Tiïm trời hoang - nhớ thoáng vơi đầy

Hải Lăng!Hải Lăng ! gió với mây
Hàng cây xanh lặng chút nghe này
Lời thơ xin nối ngày gặp lại
Riêng gửi về đây một thoáng say

( Nguyễn Điền )



THĂM TRƯỜNG XƯA - Hoàng Văn Dựng

Em về thăm lại trường xưa
Phượng hồng thắm giữa nắng trưa em đến
Bâng khuâng rạo rực nỗi niềm
Nhớ thầy cũ, nhớ bạn hiền ngày xưa

Nhớ ngày đến lớp trong mưa
Nhớ mùa thi đến mà chưa thuộc bài
Nhớ sân trường bước chân ai
Với đôi guốc nhỏ, áo dài thướt tha

Ngày mai chắp cánh vươn xa
Thầy cô vẫn mãi như là quê hương
Dù mai đi khắp muôn phương
Xin đừng quên nhé mái trường dấu yêu.

( Hoàng Văn Dựng )



        ÂN TÌNH QUÊ HƯƠNG - Lê Văn Niệm

Cho con trở lại với tháng năm
Nơi ấy ngày xưa một thời con khôn lớn
Với dáng mẹ tảo tần hôm sớm
Mái đầu cha nặng trĩu những gió sương
Cho con trở về với quê hương
Với những giọt mồ hôi mẹ cha mang hình giọt nắng
Với “gió lào cát trắng” phủ lên bao mảnh đời mặn đắng
Nhưng vẫn hát câu ân tình “ muối mặn gừng cay”
Cho con trở về với lời giảng của thầy một thời con mê say
Có cô Kiều với tiếng đàn nức nở
Phận má hồng truân chuyên, duyên tình giang dở
Nhưng vẫn nặng “ Hiếu -Tình “ với thiên lương
Có chị Dậu, Chí Phèo, anh Pha, Lão Hạc...
Những mãnh đời tận khổ giữa nhân gian
Nhưng chính họ dạy cho con cách sống
Giữ lấy chữ “ Người “ trong nhân phẩm, lương tâm
Có “ hai đứa trẻ“ nghèo vẫn luôn nuôi khát vọng
Qua những chuyến tàu chở quá khứ xa xăm...
Những lời giảng của thầy cho con bao trăn trở
Bao khó khăn khi viết một chữ “Người”
Ôi! Quê hương đã nuôi tôi khôn lớn
Con sẽ trở về góp phù sa đắp những bãi bờ quê...

(Lê Văn Niệm)




        HẠNH PHÚC LÀM CÔ GIÁO - Thanh Hà

Làm cô giáo...giấc mơ thời vụng dại.
Lén theo tôi từng bước đến trường
Lớp học thân thương thành miền cổ tích
Cô giáo là tôi, lũ bạn- học trò

Quá khứ ngọt ngào nuôi lớn khôn tôi.
Hạnh phúc vỡ oà...lần đầu tiên bục giảng
Những nghĩ suy, những đam mê một thuở
Tôi góp nhặt trong những vần thơ.

Chở những ước mơ, lay động tâm hồn
Giáo án hay _ đọc ngàn trang sách
Cháy hết mình , thổi bùng ngọn lửa
Tình thương cho đi...thấy mình nhận rất nhiều!

(Thanh Hà)


        BIỂN CHIỀU NHỚ - Quốc Hùng

Biển dạt dào ru bờ cát ngủ
Biển ồn ào dữ dội mỗi lúc sóng bờ ghen
Chiều nay một mình tôi trước biển
Biển vô tình xoá hết dấu chân tôi

Vẫn biết rằng trời xanh là muôn thuở
Nhưng người xưa không thấy bóng đi về
Dẫu biết rằng không có gì toàn vẹn
Sao lòng tôi lại trĩu nặng gánh thời gian


        NHẬT KÝ - Quốc Hùng

Em lên ba
Bố mẹ tập i tờ
Em lên sáu
Bước chân vào lớp một
Tuổi thần tiên với trang sách đầu tiên
Từng nét chữ vòng theo cô giáo chỉ
Viết vào đời những con chữ trẻ thơ
Tuổi mười lăm em trở thành thiếu nữ
Aïo thiên thanh che đậy tấm thân ngà
Để anh đến gieo vào em nỗi nhớ
Lần đầu tiên em tập nói tiếng yêu
Ba mươi tuổi em lại thành goá phụ
Anh lại về xây lại tình xưa
Gửi vào em chút hi vọng vào đời
Rồi anh đi lại không hẹn ngày về
Để em lại bên đời ghẻ lạnh
Nước mắt buồn khô lạnh vướng vành mi
Năm mươi tuổi anh lại về chốn cũ
Tìm người xưa mang trả lại nợ tình
Nhưng anh ơi em đã vào xứ lạnh
Phía bên kia với một nỗi đau đời..

(Quốc Hùng)



KỶ NIỆM TRƯỜNG XƯA - Phạm Thị Thu Thảo

Thấm thoát 4 năm đại học trôi qua, tôi ra trường với bao hi vọng sẽ được trở về công tác nơi tôi đã từng một thời gắn bó. Nhưng dường như số phận không mấy khi theo ý muốn của con người, tôi đã được nhận công tác tại trường Nam Hải Lăng- ngôi trường nằm gần con sông Mỹ chánh. Những ngày đầu tiên đến trường, khi nghe học trò xì xào với nhau rằng : “ Có cô Anh văn trẻ mới về bọn bay ơi”, trong tôi bổng dưng cảm thấy vừa vui sướng vừa lo sợ. Nhìn những nhóm học sinh cười đùa dưới bóng cây xà cừ tôi lại bâng khuâng nhớ về tuổi học trò của mình, nhớ về mái trường Hải Lăng thân yêu ngày nào tôi cùng bạn bè tụm năm tụm bảy chuyện trò. Hồi đó tôi có biệt danh là “ Oliverboy” vì tôi sở hữu một thân hình “ cây sậy” giống như một nhân vật trong phim hoạt hình Pôpai. Không hiểu sao lúc đó tôi thường nổi cáu và đáp lại bằng những câu chua chát mỗi khi nghe mấy đứa bạn gọi tôi với cái tên hoạt hình đó. Bây giờ dù tôi có muốn nghe cũng không có ai thèm gọi nữa. Những ngày mùa đông trời mưa như trút nước, ngắm nhìn các em học sinh lóp ngóp bước vào lớp với cái quần lận lên tận đầu gối, tôi ngậm ngùi nhớ lại các bạn tôi hồi đó. Có những đứa nhà ở tận xã Hải An, Hải Dương phải đạp xe 15 cây số đi học; khi đến được trường thì áo quần đã bị ướt đẫm vì nước mưa lẫn mồ hôi. Chúng tôi thường trêu Tân- người ở xa trường nhất “ Bọn bay ơi, thằng Tân đái dầm ướt cả ghế rồi nè “. Nói xong chúng tôi cười toáng lên sung sướng còn tân thì đỏ mặt, giận lắm nhưng vì biết bạn mình muốn đùa cho vui nên Tân chỉ ngồi lặng thinh. Thời gian cứ thế trôi đi, chúng tôi gắn bó với nhau biêt bao kỹ niệm buồn vui và ngày thi tốt nghiệp đang đến gần. Lúc đó trong tôi một nổi buồn tiếc nuối khó tả vây kín tâm hồn. Tiếc nuối vì sắp phải chia tay với tuổi học trò hồn nhiên, ngây thơ, tiếc nuối vì phải xa thầy cô. Những khuôn mặt thân quen của bạn bè, ánh mắt dịu dàng đầy tình thương của thầy cô như được chôn chặt vào trong tim tôi. Ước gì cho thời gian quay trở lại để mỗi ngày tôi được cắp sách đến trường, cùng đùa vui với bạn bè và được nghe bài giảng của thầy cô.

( Phạm Thị Thu Thảo )






BA CÁI DUYÊN  - Nguyễn Duy Triệu

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng: Tại sao mình lại học ở lớp này mà không học lớp khác?
Tại sao mình làm chỗ này mà không làm chỗ khác?
Tại sao mình quen người này mà không quen người khác?
Tại sao mình yêu người này mà không yêu người khác?
Tại sao...?
Đó là do duyên! Tôi không mê tín, không tin số phận, nhưng không giải thích được số phận, tôi chỉ viết ra đây để trải lòng mình như một lời cám ơn số phận mà ở đó tôi gọi là duyên!

Thời học cấp III, tôi chẳng nghĩ gì đến cái nghề trong tương lai mà tôi chỉ nghĩ mình học làm sao cho thật tốt để thoát khỏi cái nghề tay lấm chân bùn mà bao đời người dân quê tôi đã lam lủ. Không ai định hướng vẽ vời mà chỉ biết học và học, thấm thoát 3 năm gần trôi qua, đến ngày làm hồ sơ đăng ký thi ĐH tôi mua 01 bộ hồ sơ ghi các mục đầy đủ và đã chọn khối A mà chẳng biết chọn ngành nào nên vẫn bỏ trống, đến hôm nộp hồ sơ thầy phụ trách văn phòng nói sao chưa chọn ngành thi? Lúc đó tôi nhờ thầy tư vấn, thầy chỉ ra một số ngành và thầy nói: “Thôi chọn sư phạm củng được! ngành này sau ra trường dễ xin việc mà nên chọn sư phạm toán còn tính đến chuyện dạy thêm nửa”, thế là tôi nhờ thầy ghi vào. Đó là cái duyên với sư phạm.

Vào học ĐH, năm đó tôi phải học ĐH đại cương, giảng đường ĐH mở ra cho tôi một vùng trời mới lạ, tràn đầy bao cảm xúc lẫn lộn: Tự tin, lo lắng, buồn, vui…Và điều tôi hứng khởi nhất là được học ngoại ngữ (ở cấp 3 tôi không được học nó mà thủa nhỏ tôi thấy những người nói được tiếng nước ngoài thật là oai là giỏi), lo lắng nhất là môn tin học. Nghe nói đến vi tính thì nghĩ ngay đến sự hiện đại, cao siêu và phải có tiền. (Tôi nhớ lại lúc học lớp 11 có người hỏi vì sao trường chưa có máy vi tính, tôi nghe thầy Hiệu trưởng nói trường chúng ta chưa có phòng đạt chuẩn, không có máy điều hoà ...để đặt máy vi tính và vi rút từ môi trường bên ngoài rất dễ lây vào máy vi tính, nghĩ lại thì thời đó chắc nhiều người củng nghĩ vậy thôi). Nhưng thật khác lạ, cái tôi hứng khởi đầu tư thì gặp rất nhiều trân chuyên và có lẻ do bản tính mọc mạc chất phát nói giọng quê Triệu Trạch đặc sệt hay sao mà học ngoại ngữ quá khó. Còn môn tin học, thật tuyệt vời và sau đó thi chuyển giai đoạn tôi đã chọn ngành sư phạm tin học - Đó là cái duyên thứ 2. 

 
Sau khi tốt nghiệp ĐH, lúc đó môn tin học chưa được chú trọng nên giáo viên dạy tin tuyển dụng rất ít thế là phải dạy hợp đồng toán tại một trường vùng biển, vào TP Hồ Chí Minh làm ngành du lịch... Nhưng dù làm gì, đi đâu tôi củng khao khát được là một giáo viên đứng trên bục giảng mang những kiến thức tin học cho thế hệ trẻ và điều đó đã trở thành hiện thực khi tôi nhận quyết định về Nam Hải Lăng.

Nam Hải Lăng, ngôi trường tôi chưa hình dung ra nó như thế nào cả, tôi chỉ biết nó gần ngã 3 Mỹ Chánh – nơi thời SV tôi thường đi xe đò qua đó và dừng lại nghe những tiếng rao “Lọc, lọc”, “ nước”, “nước”…Nhưng hôm nay nó đã hiển hiện trước mắt, cảm giác đầu tiên là nhỏ, khiêm nhường, không ồn ào và thân thiện nằm cạnh dòng Ô Lâu hiền hòa, một miền quê chiêm trủng, rặng tre xanh …Một cảm giác gần gủi đến đổi lạ kỳ như chính quê tôi. Nơi đây đã cho tôi những chuỗi ngày trưởng thành, cho tôi biết những gì cần thiết để trở thành một người thầy, những kiến thức học ở ĐH chỉ là một phần của người thầy, cái quan trọng nhất là học ở học sinh để làm thầy. 

 
Nam Hải Lăng là cái duyên thứ 3 và củng tại đây cho tôi nhiều cái duyên khác. Tôi có nghe câu nói “trong cuộc đời có 3 cái quan trọng nhất: đó là có việc để làm, có người để yêu và có điều để suy nghĩ” thì chính nơi đây Nam Hải Lăng đã cho tôi tất cả.

Xin cám ơn đời, cám ơn tất cả cho tôi gặp cái duyên Nam Hải Lăng!

(Nguyễn Duy Triệu)




YÊU CÔ GIÁO - Hồng Minh

Đã từ bao giờ, cô giáo ơi
Thầy đã yêu cô hết thật rồi
Ánh mắt cô cười sao xinh thế
Đánh cắp trái tim bỏ giữa đời

Nhiều năm lên lớp chăm trò học
Cô giáo về trường tiếng trống vui
Các thầy náo nức mong đồng nghiệp
Để được cùng nhau nói mấy lời

Cô giáo đang còn tuổi xuân xanh
Chưa muốn sánh duyên cùng các anh
Ra sức xây dựng trường thân thiện
Thành công cô giáo sẽ yêu anh.

(Hồng Minh)




HẠ TÀN - Lộc

Em đi rồi chùm phượng cuối mùa thi
Đỏ hoe mắt một buổi chiều chớm nắng
Nhấm chùm hoa không chua mà chát đắng
Bước chân tôi khập khiểng trước sân trường
Trước mắt tôi là hoàng hôn
Sau lưng là cánh cửa phòng thi khoá vội
Những bàn ghế, những bảng đen ngập bụi.
Tờ giấy vo tròn ném cuối giờ thi.
Chỗ em ngồi còn kia
Vệt nắng dài hằng in lên ghế
Buổi sáng nào lần đầu đi trễ
Vai run run tay lấm vệt dầu
Em đi rồi! Chùm phượng ở trên cao
Cứ cháy mãi những điều chưa nói hết
Nắng chiều hôm cứ ngời lên nuối tiếc
Giá ngày xưa thôi đừng nhắc! Hạ tàn.

(Lộc)



ĐƯA ĐÒ - Minh Hương

Thuở nào làm khách sang sông
Tôi đâu có hiểu nỗi lòng người đưa
Giữa dòng không chút ưu tư
Mãi mê tìm bến, thẩn thờ đợi trông.
Nay tôi mái tóc hoa râm
Vững vàng tay lái với tầm nhìn xa
Tuổi thơ nào có biết đâu
Sóng lòng động khẽ nao nao lòng người
Gìờ đây cầm lái đêm ngày
Nhìn khách hớn hở lên đầy thuyền mơ
Chạnh lòng-Tôi những suy tư
Sang sông- còn nhớ bến xưa tìm về

(Minh Hương)




TRƯỜNG TÔI - Như Băng

Có ai về, đi ngang qua Mỹ Chánh
Xin hãy dừng chân, ghé lại trường tôi
Nam Hải Lăng- thân thương với bao người
Nơi dìu dắt chăm lo bao thế hệ
Trường tôi đó, bên dòng sông xanh ngắt
Nước hiền hoà, tươi mát cánh đồng xa
Từng lắng nghe tiếng hát, tiếng ca
Tiếng giảng bài, nghe sao ấm lạ

Trường tôi đó, với cây bàng, hàng phượng vĩ
Đứng vững vàng trước gió nét mực soi
Che chỗ em, vào những buổi trưa hè
Toả bóng mát, hàng ngày em đến lớp.

Trường tôi đó với người thầy thầm lặng
Đêm miệt mài trên từng trang sách mở
Để bài giảng mang tình yêu đất nước
Làm hành trang em trên bước đi xa.

(Như Băng)




KHOẢNG LẶNG – Hoàng Tấn Sanh

( Nhân ngày 20.11 viết cho Em - người yêu nhất của đời tôi)

Em đi xa để lại trời thương nhớ
Khoảng lặng trong tôi suốt cuộc đời

Cứ mỗi lần đến thăm em, khoảng lặng trong tôi như thêm chồi thêm lộc. Chiều nay cũng thế nơi em yên nghỉ sao bình yên đến vậy. Khoảng lặng đến. ký ức hiện về. Th?m thoắt đã 10 năm, 10 năm, kể từ ngày 20 tháng 11 đầu tiên tôi có em, ngày đó tôi cùng em dạo quanh thành Huế, tìm mua quà kỷ niệm cho nhau. Tôi dành phần thưởng có được mua tặng em chiếc lọ hoa nhỏ bé bằng thuỷ tinh “chúng mình đều là giáo viên mà “ câu nói đầy cảm thông cũng như nụ cười của em hôm đó tôi nhớ suốt cuộc đời. Bây giờ với tôi, có lẽ suốt cuộc đời làm thầy giáo của mình, ngày 20 tháng 11 năm đó sẽ mãi là dấu ấn không thể nào quên.

Tình yêu - Hạnh phúc. Tôi và Em có nhau từ đó.

Rồi em xa Huế, về đây. Về với tôi, với ngôi trường làng bé nhỏ yêu thương này. Và em đã có những ngày tháng đáng nhớ với trường, lớp, với thầy cô, bạn bè đồng nghiệp thân thương. Những tháng ngày mà có lần em đã nói với tôi rằng đó là những gì của khái niệm hạnh phúc-yêu thương của cuộc đời.


Trường- Tôi và Em có nhau từ đó.

Những năm tháng bình yên, hạnh phúc cùng trường, lớp, bạn bè, học sinh yêu thương đang lớn dần cùng bao kỷ niệm. Quên sao được những dịp 20 tháng 11. Tôi- em - bạn bè cùng những khoá học sinh thân yêu đã có quá nhiều chuyện buồn vui để nhớ.


Thế mà cuộc đời. Có ai nói hết cuộc đời - Em đi xa, xa mãi. Xa trường, xa lớp, xa bạn bè - xa tôi. Một trời thương nhớ tôi ôm một cuộc đời.

Trường - Tôi mất em từ đây.

Đã hai năm. Một 20 tháng 11 nữa không có Em. Cảm giác buồn và đơn độc lại quay về. Biết không em, trường - tôi và bạn bè đang chuẩn bị cho ngày 20 tháng 11 đáng nhớ đó. Tất cả sẽ có một ngày vui vẻ như dạo nào còn có em. Hoa cùng những lời chúc tụng sẽ đến.

Còn em ? Em có về không, về với tôi, với trường, lớp với bạn bè đồng nghiệp yêu thương không ?

Về nghe em ! về để tôi và em có lại những gì mình đã có - về với kỷ niệm, với những gì thân thương nhất của một người giáo viên trong ngày này nghe em.

Trường - Tôi sẽ mãi chờ em.


(Hoàng Tấn Sanh)





MAI XA HUẾ - Hoàng Tấn Sanh

Mai xa Huê
Xa trường
Xa kỷ niệm
Xa ai thương
Tóc xoã chấn vai mềm

Mai xa Huế
Còn không
Ngày gặp lại ?
Hương tóc xưa
Mỡ ngõ trái tim gầy

Mai xa Huế
Tình si
Sao muộn quá !
Chưa ngõ lời
Ve đã hát chia xa

Mai xa Huế
Người ơi
Buồn da diết !
Tim đơn côi
Gởi lại Huế - dáng gầy.

(Hoàng Tấn Sanh)



MỘT CHÚT TẢN MẠN VỀ NGHỀ DẠY HỌC – Thanh Hà

Tôi đã gặp em một chiều mưa, ánh mắt nhìn tôi bối rối, chiếc áo nâu sòng, khuôn mặt buồn rười rượi .... tôi nghẹn lời, thấy mình run run ....

Cậu học trò năm nào của tôi, bị đuổi học vì những lỗi lầm không đáng có. Những giọt nước mắt của em theo tôi trong những giờ lên lớp, lớp học còn đó, trống một chổ ngồi ...

Rồi tôi cũng quên em, giữa bộn bề công việc và những lo toan vặt vãnh đời thường.

Tôi đã gặp em ... vẫn ánh mắt ấy khi chia tay tôi trong sân trường dạo nọ. Tôi chẳng ngờ... em lại cắt tóc quy y !

Em đã trưởng thành hơn, thấy tiếc nuối những gì mình đánh mất. Riêng tôi cảm giác như mình là người có lỗi, đã không gần em để chia sẽ những tâm tình.

Gặp em, để nhìn lại chính mình, thấy nghề giáo cần biết bao một cái tâm trong sáng.

Em đã cho tôi một bài học quý giá, em biết không ?

(Thanh Hà)




TẶNG EM – Hoàng Hữu Quyền

Anh cắm hoa tươi để trên bàn
Mong rằng toán học bớt khô khan
Em ơi ! Toán học nhiều công thức
Cũng đẹp như hoa chẳng phải tàn

(Hoàng Hữu Quyền)



QUÊ TÔI – Nguyễn Hành

Quê hương tôi giữa khúc ruột miền Trung
Gánh trên vai dãi trường sơn hùng vĩ
Tháng năm dài rát bỏng gió từng cơn
Bạc trắng ruộng đồng những mùa nước lũ
Quê hương tôi đi qua chiến tranh
Còn in dấu bao chiến công lẫy lừng
Dòng Thạch Hãn màu đỏ máu các anh
Dốc miếu, Côn Tiên, Khe Sanh, Thành Cổ
Từng một thời khói lửa và tang thương
Hôm nay đây màu xanh của đổi mới
Màu của ấm, màu của sự sống
Xin chỉ một lần đặt chân ghé thăm
Quảng Trị thân thương, sâu nặng ân tình

(Nguyến Hành)




KỶ NIỆM – Lê Chí Hùng

Mười lăm năm đã qua
Vẫn trên con đường ấy
Cùng đàn em thơ ngây
Đến trường lên lớp học

Cũng mười lăm năm ấy
Miệt mài trang giáo án
Và những giờ thao giảng
Ươm mầm xanh cho đời

Kỉ niệm ngày về trường
Tôi vẫn còn nhớ mãi
Lòng sao xao xuyến quá
Ngày đầu tiên về trường

Tần ngần lên bục giảng
Với thầy dạy đầu tiên
Sao vẫn thấy hồn nhiên
Nhìn đàn em hy vọng

Tự hào một đời người
Gieo mầm cho cuộc sống
Chăm sóc những cây đời
Trên chặng đường đi tới

(Lê Chí Hùng)




TRƯỜNG TÔI - Lê Văn Niệm

Mười lăm năm một chặng đường
Phía nam đất Hải ... mái trường thân yêu
Thầy cô vất vả sớm chiều
Phù sa kiến thức nâng niu ươm mầm
Học sinh lặng lẽ âm thầm
Rèn tài luyện đức lẫy lững quê hương
Chim khôn cất cánh bốn phương
Lòng còn hoài niệm mái trường, thầy cô
Mười lăm năm những chuyến đò
Câu Kiều thuở ấy bây giờ ai sang
Trường tôi ngày một khang trang
Vươn lên tầm mới vững vàng dựng xây
Hôm nay tôi đã về đây
Cùng thầy cô cũ chung tay đưa đò.

(Lê Văn Niệm)

Tập thơ văn này do thầy giáo Nguyễn Điền tuyển chọn 
và gởi tặng.



READ MORE - THƠ VĂN CỦA THẦY CÔ GIÁO TRƯỜNG THPT NAM HẢI LĂNG - Nguyễn Điền tuyển chọn