Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 14, 2012

HỌA SĨ TRẺ VỚI NỖI NIỀM TRANH LỤA

  "Hương sen" - Tranh lụa của họa sĩ Lê Thị Hải


Tranh Lụa Việt Nam cũng đã từng có những khoảng thời gian làm cho nền Mỹ thuật nước nhà vươn lên sánh vai cùng với các nền Mỹ thuật có tiếng về tranh Lụa như: Trung Quốc, Nhật Bản… Khi nói đến tranh Lụa không ai quên được ông tổ của Tranh Lụa là Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984), người Họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã đưa tranh Lụa Việt Nam đến với nghệ thuật Phương tây. Vậy mà giờ đây tranh Lụa đã vắng bóng trên các Gallery Nghệ thuật ở Việt Nam.


Tranh Lụa với người thưởng Họa


Khi được hỏi về tranh Lụa, phải tìm rất nhiều người mới có số ít biết về tranh Lụa Việt Nam, họ biết đến tranh Lụa truyền thống chỉ qua các bài viết, các tư liệu sách báo và mặc nhiên họ cũng không biết đến các tác phẩm với chất liệu Lụa hiện tại. Những cuộc triển lãm lớn nhỏ cũng vắng các bức tranh Lụa với nội dung truyền thống mà thay vào đó là các tác phẩm Sơn dầu, sơn mài, đồ họa…người thưởng lãm giờ cũng không quan tâm đến thể loại tranh này. Phải chăng tranh Lụa đã bị mai một với thời gian, cùng sự trỗi dậy của các phong trào nghệ thuật mới như: Body art, video art, nghệ thuật trình diễn, garafifty…


Trong cuộc triển lãm trưng bày Hội chợ du lịch Quốc tế ITE tại khách sạn Kumho InterContinental Asiana Saigon (13/9/2011), tình cờ tôi bắt gặp được một số ít tác phẩm với thể loại tranh Lụa truyền thống này. Tác giả còn đeo đuổi với nó là một nữ Họa sĩ trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên tại Gio Linh – Quảng Trị vùng đất bom đạn thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họa sĩ Lê Thị Hải tốt nghiệp chuyên ngành Lụa trường Mỹ thuật Huế, cô có một nỗi niềm sâu kín và tình yêu với tranh Lụa. Các tác phẩm mới của Họa sĩ Hải hướng đến chủ đề đời thường giản dị, với lối vẽ truyền thống cộng với sự sáng tạo trong phong cách mới Họa sĩ đã tạo nên những đặc trưng riêng của mình. Bước qua gian trưng bày tác phẩm Lụa, người xem dường như không ai biết về thể loại tranh này. Với ánh mắt trầm ngâm Họa sĩ Hải kể: “…Buồn cho tranh Lụa Việt Nam lắm. Khi tôi trưng bày tranh ở đây, phần lớn số người xem đều không biết đến tranh Lụa, người này đoán tranh in, nhiều người lại cho rằng là tranh thêu tay. Họ khen tranh đẹp nhưng họ khẳng định đây là lần đầu tiên họ được thấy dòng tranh này. Tôi không mong gì bán được tranh, nhưng tôi hy vọng người xem đừng quên và đừng thờ ơ với tranh Lụa Việt Nam,…”. Thiết nghĩ trong một xã hội phát triển về nghệ thuật, chẳng lẽ không có con đường cho tranh Lụa phát triển và đến với công chúng.


Nỗi niềm người họa sĩ trẻ 


Trò chuyện với Họa sĩ Lê Thị Hải một hồi lâu, tôi mới bắt đầu hỏi về tâm tư nguyện vọng của cô về tranh Lụa. Họa sĩ nói: “…Mình cũng mới bước chân vào với nghiệp vẽ, với sức trẻ năng động và sáng tạo, mình muốn giới thưởng họa biết nhiều hơn về dòng tranh Lụa Việt Nam, để cho những người sáng tác như mình và bao Họa sĩ trẻ khác đang sống với tranh Lụa không cảm thấy sự cô độc của dòng tranh mà mình nguyện gắn bó suốt đời nghiệp vẽ của mình. Hy vọng các nhà sưu tầm tranh tìm hiểu thêm về chất liệu tranh Lụa, để trong bộ sưu tập tranh của họ đừng có thiếu dòng tranh này, như tác phẩm Chơi ăn ô ăn quan của Cố Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh để người sưu tầm nước ngoài sở hữu. Mình cũng mong sao có thể sống và sáng tác được cùng tranh Lụa mãi suốt đời làm Họa sĩ của mình…”. Có phải chăng tranh Lụa đang bị mai một dần trong các cuộc triển lãm lớn nhỏ,Họa sĩ Lê Thị Hải đã đưa tranh Lụa của mình đi triển lãm rất nhiều nơi, gần đây nhất là: Triển lãm Festival làng nghề Huế 2011, triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền trung 2011, triển lãm Hội chợ du lịch Quốc tế ITE, triển lãm chương trình Sen và triển lãm kỷ niệm 50 năm Nhà hát Bông Sen tại Nhà hát Bông Sen Thành phố Hồ Chí Minh….Họa sĩ Lê Thị Hải cũng đang nuôi ước mộng tổ chức một buổi triển lãm chuyên về tranh Lụa cùng với Họa sĩ Dương Kính trong thời gian gần nhất.


Thay cho lời kết 


Nghệ thuật tạo hình Việt Nam đang ngày một hòa nhập với nền Nghệ thuật thế giới cùng với các danh họa như: Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái…đã để lại các kiệt tác cho thế hệ sau, nhưng cũng có một số tác phẩm được các nhà sưu tầm tranh nước ngoài sở hữu, phải chăng thị trường trong nước đang vô tình đánh mất đi những thứ quý báu cho thế hệ sau thưởng lãm, cũng như đang vô tình làm giảm đi niềm đam mê sáng tác của các Họa sĩ trẻ đang gắn bó với nghệ thuật truyền thống như tranh Lụa Việt Nam.


(Ghi lời: Văn Toản)

Bài và tranh do họa sĩ Lê Thị Hải gởi tặng
lehaiartist@gmail.com
Điện thoại: +84.988.53.30.30

website: http://duongkinhart.com

No comments: