Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 20, 2023

“LÝ THẾ GIÃ, THIÊN GIÔ, TAM QUỐC CHÍ NGOẠI TRUYỆN – Chu Vương Miện



Phục Hoàng hậu (tức Lữ Hậu) vừa dứt lời thì Điều hợp viên Khổng Minh Gia Cát Lượng tiếp theo:
 
- Xin trân trọng hoan hỉ kính mời các vị hào kiệt lên phát biểu cảm tưởng tiếp, nếu trong một phút không có vị nào lên diễn đàn, thì hoạt náo viên là tại hạ sẽ có đôi lời, vì hiện giờ có quá dư thì giờ mà giờ ăn trưa chưa tới, nếu trong các vị có ai lên nói thì tại hạ sẽ nhường ngay micro. Bây giờ để trám chỗ trống tại hạ xin được phép bày tỏ đôi lời “cái Thế và Cơ trong trời đất lúc nào cũng có, kẻ bắt đúng thời cơ là kẻ tuấn kiệt. Bắt hụt, hoặc thời cơ tới, gà mờ để thời cơ xổng vó đi qua mất, thì đúng là chỉ còn có cơ húp “cháo rùa”. 

Đây nói về chữ Thời, thời đây là thời gian, và Cơ là lúc Cơ hội. Cơ hội không phải lúc nào cũng có. Trời đất tạo ra cũng có hoàn cảnh tạo ra cũng có, mà con người tạo ra cũng có. Chả hạn như thời nhà Tây Hán, đánh nhau một số năm, hầu như ai cũng thấm mệt, kể cả ngựa trận, còn trâu bò có mệt hay không thì không thấy ai nói tới bàn tới? Hạng Võ thì khỏi cần phải nói, ai cũng hiểu rất rõ ràng là người học không nổi, chán cả Văn và chán cả Võ, nóng nẩy tính khí hung bạo, tàn nhẫn đa sát nhưng lại Quân Tử Tàu. 


Còn phần Hán Lưu Bang thì sử gia Nguyễn Hiến Lê hạ bút phê nhẹ như sau:
- Cao Tổ (Lưu Bang) vốn là một nông dân vô học, làm đình trưởng (như cai trạm) thời nhà Tần, nhờ bọn mưu sĩ Tiêu Hà, Trương Lương, Hàn Tín, Trần Bình, Anh Bố, Bành Việt... mà thắng được Sở Bá Vương (Hạng Võ) cho đó toàn là công cuả mình, có thể không dùng tới họ nữa có lần mắng Lục Giả rằng:
“Ta ngồi trên mình ngưạ mà được thiên hạ, đâu cần đọc Thi, Thư ‘thậm chí lột mũ của bọn nho sinh, liệng xuống đất rồi đái vào’.”
 
Nhưng rồi ông cũng phải nhận ra rằng có thể ngồi trên lưng ngưạ mà chiếm thiên hạ, chứ không thể ngồi trên lưng ngựa mà trị thiên hạ, nên phải nghe lơì Thúc Tôn Thông, Lục Giả, Lịch Tự Cơ theo phép tắc thời trước mà đặt ra triều nghi, từ đó triều đình mới có trật tự, có vẻ tôn nghiêm.
 
Tuy nhiên ông vẫn cấm đạo Nho, vẫn không bỏ hiệp thư (lệnh đốt sách Nho) mà cũng như Tần Thuỷ Hoàng... (Sử Trung Quốc Nguyễn Hiến Lê trang 184 quyển 1).
 
Tam Tề Vương Hàn Tín

Người thứ ba là Tam Tề Vương Hàn Tín kiếp này là Tào thừa tướng, vị này có học, không rõ học ít hay nhiều, vì ngài có tài làm toán (Hàn Tín Điểm Binh) thì đúng hết xẩy. Không hiểu vì lý do nào mà ngài thường xuyên thất nghiệp, đi câu cá đô nhật, nếu không được cá thì ngài bèn đi ăn bám xin cơm bà Phiếu mẫu (là ngươì đi giặt thuê). Ngày thường ngài vẫn đeo lủng lẳng một thanh kiếm trên vai đi lang thang trong chợ ngoài thành. Thấy tư cách thảm hại cuả ngài như thế lão đồ tể Đỗ Trung bán thịt ở trong chợ không hài lòng bèn vờí ngài tới, nói thẳng với ngài rằng: “Thằng hèn hạ kia! Tư cách như mày mà cũng mang gươm trên vai, không biết thế nào là xấu hổ ư ? Nếu mày ngon thì chém cho tao một nhát đầu lìa khỏi cổ chết đi cho rảnh, còn không làm được điều đó thì vui lòng chui qua háng cuả tao đây! Suy nghĩ một chút Hán Tín khom người bò xuống đất từ từ chui qua háng Đỗ Trung. Từ đó thì Hàn Tín biệt tăm biệt tích giang hồ. Nguyên do là vầy, ngài mua đựợc bộ da thuộc của Dã Nhơn ngoài thị trấn. Ngài mặc vào người rồi trà trộn nhẩy vào chuồng Dã Nhơn trong sở thú. Trong sở thú thì quá nhiều loại thú, và quá nhiều chuồng, lại quá nhiều công việc, có nhiều ca làm việc ca ngày và ca đêm, thành ra không ai biết gì đến sự có mặt cuả ngài. Tuy nhiên, có một vị bác sĩ Thú Y rất quan tâm tới ngài. Lý do ngài mặc bộ da con Dã Nhơn Cái, mà loại Dã Nhơn này hiện nay trên trái đất rất ít coi mòi sắp diệt chủng tới nơi. Thế là ngày ngày con Dã Nhơn Đực cứ làm tình với Ngài hoài. Hành động này lại được sự đồng tình khuyến khích cuả vị đại phu nữa! Lắp đít mãi đau rát quá chiụ không thấu, nhân có nhân viên mở cửa chuồng cho thú ăn. Ngài lanh chân zdoọt chạy tưới hạt sen ra phiá cổng trước vưà chạy vưà kêu S.O.S. Thế là thợ dọn vườn, người canh gác, bảo vệ vội vã chạy theo vồ lấy ngài dẫn vào văn phòng giám đốc để làm việc. Cụ học giả giám đốc (tức Vương tiên sinh) hiểu ngay sự vụ, bèn giữ ngài ở lại làm việc trong Sở Thú. Cụ Vương bèn biếu ngài bộ Binh Thư Võ Học của Tôn Võ Tử thời Chiến Quốc để ngày đêm ngài gối đầu giường nghiền ngẫm, và có một số năm nuôi thú và dậy thú (Thú Sư) ngài rất có kinh nghiệm về thuật dùng người, thuật dùng thú. Còn về chiến thuật chiến lược, binh pháp quân sự tác chiến thì kể như thiên hạ vô địch.  
 
*
Sau khi thắng được bạo Tần Hạng Võ lên ngôi lấy tên là Tây Sở Bá Vương, định đô ở Bành Thành, phong Vương và phong Hầu đủ thứ cho các chư hầu theo mình. Bái Công tức Lưu Bang được phong làm Hán Vương đất phong là Tứ Xuyên (tức Ba Thục). 

Vì không muốn mọc sừng và mọc đuôi chết già trong xứ tù đày đó, thế là qua sự đề bạt cuả Trương Tử Phòng, Hàn Tín một mình một ngưạ vào đất Xuyên, ngàn năm một thủa được đặc cách thăng từ Chấp Kích Lang lên ngay một phát Đại Nguyên Soái phá Sở. Nghe tin Hàn Tín làm tới đại nguyên soái có người vì cười vỡ bụng mà thác, có người cười méo cả quai hàm không bình thường được nưã, có người cười đến nỗi không ngậm mồm lại được, thành ra miệng có tật méo luôn. 

Cũng may là thiên tài quân sự đánh đâu thắng đó, đánh lớn thắng lớn đánh nhỏ thắng nhỏ, không đánh cũng thắng. Giang sơn nhà Sở cuả Hạng Võ teo dần dần, teo đến mực độ không thể chấp nhận được nữa. Hạng Võ mới sai ngươì mang quà cáp vàng bạc đi biếu xén Tam Tề Vương Hàn Tín và đề nghị giải giáp chia đôi thiên hạ (có nghiã là dẹp cha cái thằng Lưu Bang đi chỗ khác chơi) là chủ soái hành binh bố trận bách chiến bách thắng thì có thừa tài ,(chỉ có cái tài cuả thằng người ở, nô tài), chủ sai đâu thì sốt sắng hoàn tất nhiệm vụ, bất thấn Thời Cơ tới tay thì lại không biết xoay sở quyết đoán thế nào. 

Ngay lúc đó tại hạ ở đó khuyên Tam Tề Vương chịụ điều kiện đó đi, vì lúc bấy giờ Hàn Tín ở thế thượng phong, nghiêng về Sở thì Sở thắng, nghiêng về Hán thì Hán thắng, mà chia ba thiên hạ thì cũng chả mèo nào ngán mỉu nào? Đúng là ngàn năm một thủa, cờ đã đến tay. Nhưng lòng dạ cuả Tam Tề Vương quá tủn mủn, y như đàn bà lo việc nội trợ bếp nước, cho rằng Lưu Bang có lòng với mình, có cặp mắt xanh nhìn mình, mà nếu không có Lưu Bang thì mình cũng chỉ làm Chấp Kích Lang suốt đời suốt kiếp. 

Danh vọng như vậy là tuyệt đỉnh rồi, an phận thủ thường. Chuyện chia ba thiên hạ coi như không có. Đúng là như vậy, cây muốn lặng gió chẳng muốn ngừng. Thế là số phận cuả nước Sở như chỉ mành treo chuông? 

Mọi miền đất thu gom vào làm một. Hán Vương khoái quá, bèn bàn riêng với Lã Hậu là chặt đẹp những kẻ công thần, bắt đầu từ Trương Lương, Hàn Tín... Thực ra Hàn Tín không có lòng nào phản lại Lưu Bang, nhưng một khi kẻ trên muốn giết thì kẻ dưới cũng đành dơ đầu ra mà chiụ. Chả hạn tướng nước Sở là Chung Ly Muội, chạy người không đến ở nhờ Hàn Tín, mà cho là âm mưu tạo phản? Nếu muốn phản thì phản từ khuya rồi, đâu phải chờ đến bây giờ, mà Chung Ly Muội không có quân, lấy lực lượng gì mà làm phản. Còn chuyện làm tay trong cho Trần Hy cũng chỉ là gán ghép, Hàn Tín là tù nhân bị giam lỏng, không có một tên quân, ai mà kỳ vọng giao phó trọng trách cho được? Mà làm tay trong cái gì? Chẳng qua là muốn giết thì đẻ ra biết bao nhiêu thứ? 

Tại hạ lúc bấy giờ chán ngán quá, không ngờ bao nhiêu năm mình đi phò một thằng Ngu thằng Khờ làm chủ nhân, nói hết hơi như nước chẩy đầu vịt, thôi cũng đành chờ một ngày nào đó đi nhận xác cuả Hàn Tín về chôn cho nó đủ tình trọn nghĩa!
 
chuvươngmiện

READ MORE - “LÝ THẾ GIÃ, THIÊN GIÔ, TAM QUỐC CHÍ NGOẠI TRUYỆN – Chu Vương Miện

HƯƠNG VỊ TẾT XƯA - Tuỳ bút - Nguyễn Thuỷ

 



HƯƠNG VỊ TẾT XƯA

Nguyễn Thuỷ


Những ngày cuối cùng bận rộn của tháng chạp cũng dần qua để nhường chỗ cho năm mới. 

Cả nhà hôm nay quây quần bên nhau gói bánh tết. Giờ là thời đại mới, rất nhiều nhà họ không còn gói bánh nữa mà chỉ mua vài cặp bánh để thờ tết. Riêng gia đình tôi vẫn giữ gìn theo nếp truyền thống là mỗi năm cứ đều gói và nấu bánh. Có những năm mấy nhà hàng xóm còn đem nếp đến mấy chị em gói chung rồi nấu bánh, hát hò vui lắm. Trong lúc người lớn gói bánh, mấy đứa nhỏ cũng quanh quẩn đòi tập gói và chờ để được để mẹ gói cho những cái bánh nho nhỏ xinh xắn. 

Cứ nhìn bọn trẻ lăng xăng chạy đi chạy lại, bỗng ký ức trong tôi chợt ùa về. Cái thuở đó nhà nghèo lắm, mà cũng không riêng gì nhà tôi, cái nghèo chung của xã hội. Thường ngày bố mẹ phải vất vả ngược xuôi tất bật lắm để kiếm củ khoai, củ sắn độn thêm vào để ăn qua bận, thức ăn thì chỉ họa hoằn lắm mới được  mẹ mua cho một bữa mắm lá cam hay cá hổi, nói đến thịt và cá ngon thì hiếm lắm. Chính vì vậy anh chị em chúng tôi rất mong tết đến bởi chỉ tết đến, dù khó khăn đến đâu, đi vay mượn hay đổi chác, thì bố mẹ cũng cố gắng để có vài cân thịt, trước là để cúng ông bà tổ tiên, sau là con cái và gia đình được thưởng thức, thêm nữa còn được bố mẹ mua cho quần áo mới.  

Nhà tôi đông người, bố rất nghiêm khắc với con cái. Tuy nhiên, những ngày sắp tết trở sang năm mới thì con cái phạm lỗi bố không bao giờ trách phạt mà chỉ nói rằng: Nếu không phải năm hết tết đến thì bố sẽ phạt nặng.    

Vào những ngày cuối năm, bố mẹ luôn bận rộn bởi lo gieo cấy cho kịp vụ, mà cái thời đó còn nuôi trâu hợp tác nên việc cày bừa cũng chia phiên, vì vậy khi được đến lượt mình thì dù rét mướt đến đâu  bố cũng dậy sớm giục trâu ra đồng làm đất cho kịp mùa vụ. Còn mẹ thì sau khi ra đồng lo phát góc đắp bờ cùng bố. Khi về, dù đã chiều muộn, vẫn tranh thủ ra vườn nhổ su hào vào để chuẩn bị hàng bán chợ tết sáng mai.     

Mẹ chọn những củ su hào to tròn nhổ lên cắt bỏ gốc rễ, cắt bỏ lá già chỉ chừa lại hai ba lá non cắt lửng rồi rửa sạch, sao cho nhìn sáng bắt mắt, sau đó sắp xếp cẩn thận vào một góc sân cho ráo nước. Những chiếc lá su hào già thì mẹ đem phơi héo và cho vào muối lên dùng làm thức ăn dự trử cho cả nhà. Phiên chợ cuối năm mẹ thường hay cho chúng tôi đi cùng. Những khi như thế chúng tôi hào hứng lắm. Mặc dù chợ rất xa nhà, phải dậy đi từ mờ đất, nhưng mấy đứa vẫn tích cực dậy sớm cùng mẹ xếp su hào vào gánh, xong xuôi mẹ gánh chạy trước, mấy chị em lon ton chạy theo sau, khi đến nơi thì chợ cũng đã đông kín người, đúng là chợ ngày tết, cái gì cũng có, đặc biệt là hàng hoa quả bánh kẹo rực rỡ đủ sắc màu. 

Chợ ngày càng đông, tiếng người bán kẻ mua, ồn ào hết cả một khảng không gian lớn. Các hàng đồ chơi trẻ nhỏ, quần áo, thịt cá la liệt, các hàng ăn, hàng bánh đua nhau tỏa mùi thơm phức. 

Non trưa, mẹ đã bán hết hàng và mẹ con cùng dạo chợ, mẹ mua một số thứ cần thiết cho ngày tết, còn quần áo cũng có năm thì bố mẹ có tiền mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mặc tết, nhưng đa phần là bố mẹ chỉ mua cho anh chị lớn, còn em nhỏ có thể mặc đồ của anh chị sửa lại. 

Nhưng năm nào cũng vậy, mẹ thường cho mỗi đứa mấy đồng để chúng tôi được mua một vài thứ theo ý thích. Tất nhiên là chỉ những thứ tiền in ít thôi và có một việc không bao giờ thiếu đó là mua bánh về biếu các ông bà cao niên trong dòng họ và láng giềng, không phải là cao sơn mỹ vị mà chỉ mỗi người chục bánh tẻ hay cái bánh gói gọi là vậy để tỏ với lòng hiếu thảo với các bậc bề trên mà thôi. Sau buổi chợ mặc dù mệt lả nhưng vẫn thấy vui.  

 Thả quang gánh mẹ lại tất tả ra đồng, chị được giao nhiệm vụ rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh, còn lại mấy đứa thì quét dọn nhà cửa sân cổng cho sạch sẽ. Tất cả mọi thứ phải được tươm tất để đón một năm mới trọn vẹn, với hy vọng mọi điều sẽ được tốt đẹp hơn. 

 Ngày đó thịt lợn cũng không có tiền mua mà chủ yếu là vay thịt đổi thóc, cứ đổi một yến hơi thịt là 70 kg thóc đến mùa mí trả. Thường thì nhà tôi hay vay đổi tầm 5kg, tương đương 3,5 kg thịt. Đáng lẽ số thịt này là để đơm tết nhưng do lâu ngày không được ăn thịt nên chúng tôi thèm nhỏ dãi cứ xuýt xoa. Vậy là bố mẹ đành lường đủ thịt làm mâm còn thì bớt ra một ít nấu cho chúng tôi ăn một bữa trước gọi là. 

 Vãn công việc ngoài đồng , bố về lau dọn sửa soạn ban thờ, mẹ vò nếp, chuẩn bị hành thịt gói bánh, cả nhà quây quần cùng làm, mẹ gói bố buộc lạt còn chị em tôi đứa thì tập gói, đứa ngồi xem đứa chạy lăng xăng vậy cái này cái nọ. Bánh gói xong mẹ xếp vào cái nồi lớn nhóm lửa để nấu, ngọn lửa tỏa ra ấm áp cả ngôi nhà, khi bếp than rực đỏ, chị em tôi lại đem khoai lang lùi vào đó ít củ mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể quên được cái hương vị của nó vừa thơm thơm ngòn ngọt và bùi bùi. 

Bánh chin, mẹ vớt ra mâm ép nước sửa sang cẩn thận rồi xếp ra đĩa cặp bánh để lên ban thờ cũng là lúc giao thừa vừa đến, tiếng pháo bắt đầu râm ran xa gần. Hồi đó chưa cấm pháo nên mỗi nhà đều mua vài dây pháo nổ với mong muốn đuổi xua đi cái kém may mắn đón vận đỏ về khi năm mới đến. Đặc biệt nhà nào mà có rể mới thì pháo nổ nhiều phải biết.  Giao thừa đã qua lâu rồi, mà nghĩ đến việc ngày mai được mặc áo đẹp, chị em tôi không thể nào ngủ nổi, cứ thao thức mong cho trời nhanh sáng. 

 Rồi ngày mới, năm mới cũng sang. Hôm nay không phải như mọi ngày, ngủ dậy không phải quét dọn, không phải làm các việc vặt trong nhà như mọi khi vì đã làm trước từ hôm qua và cũng không phải đi học, chỉ việc thay quần áo mới rồi chơi, tết đúng là thích thật vậy mà người lớn cứ không thích tết lạ nhỉ.     

Mẹ đã sắp xếp các phần quà để làm lễ chúc tết cho ông bà nội ngoại và các bậc cao niên hai bên sẵn sàng. Nhưng mẹ dặn mình đi muộn tí để cho mọi nhà có người xông đất trước đã và rồi cũng đến giờ chúng tôi được tung tăng ra khỏi nhà đi chúc tết, phải nói là niềm vui không kể xiết khi đến ông bà và các cô các bác chúc tết được nhận lì xì khi thì cái kẹo khi thì đồng tiền rồi về mấy đứa lại đem ra khoe với nhau…. 

Mọi chuyện về ngày tết thuở còn thơ của chúng tôi cũng như vừa mới đây thôi vậy mà thoắt cái bây giờ đã mấy mươi năm rồi, mỗi mùa tết đến cũng vẫn rất bận rộn vừa việc mùa vụ vừa việc tết núc. Mặc dù thời đại bây giờ đã khác xưa nhiều rồi, cày bừa thì đã có máy lo, lương thực thực phẩm không còn túng thiếu như ngày xưa nữa, thịt cá hằng ngày cũng được ăn thưởng xuyên … . Nhưng mà sao tôi vẫn có cảm giác nhớ hương vị tết của ngày xưa nhiều đến thế, để mỗi khi nghĩ lại thấy vui vui nhưng cũng có một nỗi buồn man mác như đang mất mát hay thiếu đi một thứ gì đó. 

30/12/2022

Nguyễn Thủy

<thuymnmt12@gmail.com>

Nguyễn Thị Thuỷ

Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ an.

READ MORE - HƯƠNG VỊ TẾT XƯA - Tuỳ bút - Nguyễn Thuỷ