Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 13, 2020

ĐÂU CẦN CHỜ ĐÊM GIÁNG SINH ĐẾN PHẢI KHÔNG EM? – Thơ Nguyên Lạc

 



ĐÂU CẦN CHỜ ĐÊM GIÁNG SINH ĐẾN
PHẢI KHÔNG EM?
 
1.
Đêm Giáng Sinh Chúa hiện xuống trần
mang niềm tin mới cho nhân thế: Công bằng. Bác ái
Có ích kỷ không em?
Khi anh không thích em bác ái
Em phải yêu thương riêng chỉ mình anh!
 
Đêm đâu cần vọng về những tiếng chuông ngân
Khi em đến
ngàn tiếng chuông tình vang hồn anh ngây ngất
Đêm ngọt ngào như mật
như chiêm bao
như cổ tích
Đêm khát khao
Em. bãi cát nhung êm đợi chờ
Anh. sóng biển mơn man phủ tràn
những nụ hôn thân trầm hương ngát
 
Đêm. chỉ riêng anh và em
Vòng tay đan nồng ấm
vũ điệu Rumba mê đắm
hai thân người cháy bỏng quyện tan nhau
 
Đêm mang tin vui.
lời tình ca anh hát
Ngợi ca thần tình yêu Cupid
Em. bắn mũi tên vàng ngay tim. anh ngất
Nên suốt đời anh mãi "vọng một phương"
 
2.
Đâu cần chờ đến đêm Giáng Sinh đâu em!
Để chuông ngân vang mang tin mừng mới
Bất cứ đêm nào quắt quay mong đợi
Em đến ...  là đêm Giáng Sinh!
 
Hiện hữu em ... cứu rỗi đời anh!
 
Có tội lỗi lắm không?
Có ích kỷ lắm không?
Khi nghĩ em là Chúa riêng
mang tin mừng chỉ độc nhất anh thôi
 
Cảm ơn em!
suối tóc nhung êm
mật ngot môi cong
Và cảm ơn thân trầm
ngực rằm dâng hiến
 
3.
Đâu cần chờ đến đêm Giáng Sinh đâu em!
Ngàn nến hồng lấp lánh rạng tâm khi em đến
đêm nồng nàn
đêm khát khao
đêm ngọt ngào
đêm mê đắm
Đêm ngất hồn say hương mật tình ta
 
Đâu cần chờ đêm Giáng Sinh đến phải không em?
 
                                                          Nguyên Lạc

READ MORE - ĐÂU CẦN CHỜ ĐÊM GIÁNG SINH ĐẾN PHẢI KHÔNG EM? – Thơ Nguyên Lạc

CHÙM THƠ “CÕI…” CỦA LÊ VĂN TRUNG

 




CÕI ĐI CÕI VỀ
 
Đi là mở những con đường
Về là khép mộng nghìn phương rã rời
Đi là tiếp cuộc rong chơi
Về là gửi lại đất trời vô biên
 
Đi - Về trong cõi tình em
Là đi - về giữa triền miên cõi sầu
Đi là bắc lại nhịp cầu
Về là mấy nhịp gãy vào tai ương
 
Đi là tiếp cuộc vô thường
Là xơ xác mộng là tàn tạ mơ
Về là ngồi lại bên bờ
Ngắm mây phiêu lãng đợi giờ trùng lai.
                                  
 
CÕI ĐỜI TA KHÔNG PHẢI NƠI NÀY
 
Ngày mấy bận ra vào nơi xóm chợ
Em thấy gì trên mỗi dấu chân qua
Em nghe gì trong sâu hút đời ta
Tình mặn nhạt vơi đầy cùng dâu bể
Trước nỗi đau ta vô cùng nhỏ bé
Em làm sao ôm hết phận đời mình
Hạnh phúc nào cũng rất đỗi mong manh
Càng níu giữ càng hụt tầm tay với
Càng réo gọi càng nghe lời vọng lại
Của chính mình lạc lõng giữa nhân gian
Bởi những tây phương cực lạc thiên đàng
Hỡi những thần linh đất trời giáo chủ
 
Vòng hệ lụy mấy ngàn năm mới đủ
Đổi lấy phút giây hoan lạc phù du
Ai khóa đời nhau kín cửa ngục tù
Cứ quanh quẩn trong vòng vây kẻ chợ
Cứ giam hãm trong mưu cầu tạm bợ
Em bước đi chao đảo giữa trời chiều
Áo bạc màu che không ấm lòng yêu
Tình mặn nhạt vơi đầy cho nhận cả
Ta cũng nguyện trải lòng cùng cây cỏ
Em bước qua ướt lạnh giọt sương mềm
Hỡi những thiên thần quỷ dữ hãy nằm yên
Cho em lại là em thuở đất trời nguyên thủy
 
Cho tôi cũng là tôi thuở hồng hoang bừng dậy
Để một giây một phút rất phù du
Mầu nhiệm mở tung cánh cửa ngục tù
Em đứng khóc dưới chân đồi hạnh phúc
Ta viết nốt câu thơ nghìn năm trước
Rồi ra đi chẳng luyến tiếc gì đâu
Mặc cõi nhân gian đổi sắc thay màu
Dù em vẫn ra vào nơi xóm chợ
Ta chỉ mong em khắc lòng ghi dạ
Cõi đời ta không phải ở nơi này.
 
 
CÕI LƯU ĐÀY 1
 
Một nơi không có suối có rừng
Trời đất hoang tàn đến dửng dưng
Con chim rã cánh bay mòn mỏi
Mơ một màu xanh của đại ngàn
 
Nơi đây gió thốc từng đêm hạn
Lòng cháy trơ bầm như cỏ khô
Những con chó đói tru buồn thảm
Hồn ma oan bật khỏi hoang mồ
 
Nơi đây nắng bỏng sương như muối
Và lá cây khô chưa kịp vàng
Nơi đây lòng người như đá cuội
Nứt nẻ nằm trơ không tiếng than
 
Tay rỉ máu bầm bươi trong đất
Vớt từng bụm nước quánh bùn tanh
Và vật với người tranh nhau uống
Phổi bám vàng thâm bụi lưu huỳnh
 
Bổ từng nhát cuốc vào trong đá
Gieo hạt mầm đau lệ ứa khô
Cây chết từ khi chưa kịp mọc
Người sống như hồn ma không mồ
 
Nợ đất nợ trời không trả nổi
Quẩn quanh giữa địa ngục thiên đường
Người đi như bóng ma trên đất
Lưu đày ngay giữa rốn quê hương.
                               
 
CÕI LƯU ĐÀY 2
(Gửi Lại Nghìn Sau)
 
Lũ lũ ma trơi chạy rợp đồng
Đêm khô mà trời lạnh căm căm
Ta cũng nhập đoàn quân ma đói
Lội giữa trời khuya kiếm cái ăn
 
Tay sục vào bùn đau gốc rạ
Như ai cào xé trái tim mình
Trời đất dửng dưng như kẻ lạ
Ta hú gọi người không nhớ tên
 
Rừng lá run trong gió hạ Lào
Nung cho cháy vỡ những vì sao
Ai qua Đường Chín về Lao Bảo
Thấy xác ai nằm dưới vực sâu
 
Thất tán cõi sơn cùng thủy tận
Đốt lòng đau soi lấy đời nhau
Chỉ thấy đá ngàn năm chảy máu
Chỉ nghe rờn rợn gió oan cừu
 
Đốt đuốc soi lòng nhau mòn mỏi
Nước mắt lau bầm vạt áo thô
Ta khắc thơ vào ghềnh đá lở
Gửi lại nghìn sau giọt lệ khô.
                         
 
CÕI LƯU ĐÀY 3
(Nỗi Đau)
 
Giấu mặt nhìn nhau tội nghiệp nhau
Núi xơ xác núi, đồi trơ đồi
Nước xoáy vào tim người xói lở
Nước rỉ vào tim người nỗi đau
 
Cành khô đợi mỏi cánh chim về
Trùng trùng vô tận đá vọng phu
Đá vọng phu hề chinh chiến lụy
Chinh chiến hề thay chốn ngục tù
 
Suối khô đợi mỏi cơn mưa lạ
Đá nứt bày khuôn mặt hãi hùng
Đá cũng kinh hoàng bầy thú dữ
Nhe nanh cắn xé cả linh hồn
 
Người chết quấn hờ manh chiếu rách
Chôn vội vàng dưới lớp cát nông
(Không biết ngày mai trong đáy mộ
Có còn tìm thấy nắm xương không?)
 
Mắt cũng bầm đen dòng lệ máu
Khóc nhau đành nuốt quặn niềm đau
Nằm chung mảnh ván mà câm lặng
Nghi ngờ cả cái lén nhìn nhau.
 
Để nhớ tháng ngày ở núi rừng Trung Việt
                            
 
CÕI MỘNG VÔ BIÊN
 
Tình ngỡ như vàng mùa hương sắc
Lòng ngỡ như phai niềm ái ân
Em rót về đâu dòng lệ ngát
Tôi rót về đâu rượu ướp nồng
 
Trăng thuở mười ba trăng hàm tiếu
Tình cũng rằm ươm tình mãn khai
Gió thổi về đâu hương ảo diệu
Mây trôi về đâu màu chiêm bao
 
Em hỡi mùa xưa xanh mấy độ
Mà đêm tình ái vội phai vàng
Hoa xưa từ buổi mùa trăng nở
Còn nguyên trinh tuyết nụ quỳnh lan
 
Khoảnh khắc trăm năm là hư ảo
Ta còn nghìn cõi mộng vô biên
Tình có vì nhau mà thắm lại
Lòng có vì nhau mà lệ nồng.
                       
 
CÕI NHÂN GIAN
 
Ngoảnh nhìn lại anh đâm đầu bỏ chạy
Mặt trời chiều hấp hối ở sau lưng
Đôi mắt nhắm buổi mù sương có thấy
Đời trần truồng tua tủa những gai chông
                        
 
CÕI NHÂN GIAN
 
Sông chảy về đâu? SÔNG LÃNG QUÊN
Sóng vỗ vào đâu? SÓNG BẠC TÌNH
Đá sỏi còn đau niềm ly tán
Mây trời còn xót nỗi lênh đênh
 
Chim dẫu xa cành thương nhớ cội
Người với người xa chẳng nhớ người
Nước cuốn theo dòng trôi cuốn mãi
Lòng xưa, tình cũ, gửi cho ai?
 
Lá rụng không đành thân lá mục
Vùi thây chôn dưới gốc cây già
Chôn cả niềm đau hòa trong đất
Một sớm mùa xuân cây nở hoa
 
Ai có nghe rền chớp biển Đông
Là khi biển nhớ gọi mưa nguồn
Sao tiếng đời ta rơi lặng lẽ
Lạc loài trong tận cõi hư không
 
Chẳng lẽ đời là SÔNG LÃNG QUÊN
Và sóng đời nhau SÓNG BẠC TÌNH
Ta chợt buồn hơn hồn đá sỏi
Đi hoài. Vô vọng. Cõi nhân gian!
                        
 
CÕI RIÊNG
 
Rồi người đành tiễn tôi đi
Con đường cô quạnh tôi về một tôi
Trăm năm mấy cuộc lỡ bồi
Mỗi vàng phai mỗi ngậm ngùi mỗi riêng.
                                      
 
CÕI VỀ
 
Thế rồi Tôi Đối diện Tôi
Tôi nghe tôi thở Tôi cười Như nhiên
Thở ra một ít ưu phiền
Hít vào một ít uyên nguyên đất trời
 
Cuối cùng Tôi Đối diện Tôi
Bay Từ hữu hạn Tới Ngoài vô biên
Một tôi Không ảnh Không hình
Tôi Trong tịch lặng Cõi hoang vu Về.
                        
 
CÕI VỀ XA LẠ
 
Tôi về lạ cả cơn mơ
Lạ con đường cũ, lạ bờ sông xưa
Lạ từ giọt nắng sợi mưa
Đìu hiu bóng lá rơi mờ bóng tôi
 
Mênh mông lạ cả đất trời
Nghe xa lạ cả chính tôi, bàng hoàng
Câu thơ chợt cũng úa vàng
Rụng buồn giữa cõi nhân gian muộn phiền
 
Tôi về theo nhịp đời quên
Bóng mình lạ với bóng chim bên trời.
     
                                     Lê Văn Trung

READ MORE - CHÙM THƠ “CÕI…” CỦA LÊ VĂN TRUNG

TẢN MẠN VỀ TẬP THƠ “VI” CỦA TRẦN HẠ VI - Châu Thạch

 

Nhà thơ Trần Hạ Vi  


Thật ra tôi không hợp mấy với thơ của Trần Hạ Vi. Không hợp vì ở cái tuổi gần bát thập nầy, tôi đã quen thơ của những năm 30, 40 của thế kỷ trước với Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử và những người trong thời đại đó, hoặc thơ của những tác giả ở thời kỳ cuối thế kỷ 20 có vần, có điệu. Thơ ở thời đại trước, dầu khó chi nữa thì tôi cũng có thể suy gẩm mà hiểu thơ được.  

Với thơ của Trần Hạ Vi, có suy gẫm cũng vô ích vì ý thơ, tứ thơ không nằm trong mớ kiến thức mà tôi học một đời. Vậy làm sao để hiểu thơ của tác giả nầy?  Muốn thế thì tôi phải làm cho mình trẻ lại, mà phải trẻ lại ở thời đại nầy kia, thì họa chăng mới cảm thông được. Thế nhưng khi cảm thông được thơ nầy thì thấy tâm hồn mình ngào ngạt thứ hương thơm của những bông hoa vừa nở trong khu vườn xa lạ, khu vườn ấy trồng thứ hoa hiếm có và đắt tiền.
 
Tôi không muốn trích một vài câu thơ của những bài thơ trong “Vi” để bình, vì thơ chị mà trích như thế thì khó thấy cái hay của nó, bởi thơ Trần Hạ Vi không phải là thứ thơ đính chữ hoa, kết chữ ngọc, mài âm sắc như các nhà thơ có khuynh hướng Đường thi hay thơ mới đã sáng tác xưa nay. Vậy, tôi xin trích nguyên môt vài bài thơ trong “VI” để tản mạn về nó như một lão già đa sự. nói bông lông những điều cổ lổ, chẳng hợp với ngày nay, cũng làm vui tai ai đó thích đứng lại nghe đôi phút: 
 
Xin trích bài thơ “Chiếc hộp Pandora”:
 
 Theo chú thích trong sách, “Truyền thuyết Hy lạp: người phụ nữ  đầu tiên đến thế giới đã mở chiếc hộp Pandora của thần Zớt tặng, dẫn đến tai ương tràn ngập thế giới, và con người chỉ còn lại một chút hy vọng”
 
Khổ đầu của bài thơ:
 
em đến                  
mở bung chiếc hộp Pandora                  
anh cảm như chưa bao giờ được cảm                  
anh yêu như chưa bao giờ được yêu                  
anh sợ như chưa bao giờ được sợ
 
Khổ thơ đầu đã nói lên trọn vẹn sự bí ẩn của tâm hồn người con gái. Chiếc hộp Pandora chứa những bí mật, làm tâm hồn anh hứng chịu những tai ương tàn khốc, hậu quả như tất cả cái ác trong hộp Pandora được giải phóng ra ngoài và xuất hiện lan tràn khắp thế giới. Chiếc hộp Pandora chính là em làm cho anh “anh cảm, anh yêu, anh sợ”. 
 
Chiếc hộp Pandora ngày xưa của thần Zớt chứa điều ác, nhưng chiếc hộp Pandora của Trần Hạ Vi ngày nay phải hiểu rằng, nó chỉ chứa tình yêu. Tuy thế quyền lực của chiếc hộp Pandora ngày nay, đối với tác giả, có sức lôi cuốn ngang với quyền lực của cái ác trong chiếc hộp ngày xưa. Tình yêu đựng trong chiếc hộp Pandora ngày nay là xấu hay tốt, là ma qủy hay thần thánh, tùy theo nhịp đập con tim của mỗi người. Ở đây, nhà thơ dùng chiếc hộp Padora chỉ cốt, phác họa rõ nét, em hấp dẫn đến vô cùng, lôi anh trầm luân vào trong biển cuồng si...  
 
Trần Hạ Vi tả phút yêu đầu tiên độc đáo đến sững sờ, em là ma quỷ đã quyến dụ anh như một thiên thần. Đúng vậy, tả tình như thế không phải là hư cấu, không phải là cường diệu, cũng không phải là tả thực, mà là một thi pháp không đặt tên được, truyền thông hết cảm xúc tiềm ẩn trong nội tâm của những tâm hồn yêu đột biến, yêu mất trí trong mọi thời đại.
 
Khổ thơ thứ hai:            
 
đôi mắt em            
chiều dài quá khứ           
nốt ruồi son trên vai            
bóng người phụ nữ mỗi sớm mai            
ngây ngô nguyên vẹn            
chiếc hộp Padora            
hư thực
 
Khổ thơ thứ hai tả người con gái. Đôi mắt em là thời gian quá khứ, là triệu năm, là ngàn năm anh không uống canh Mạnh Bà để đi tìm em, và bây giờ anh vừa gặp em ở đây. 
“nốt ruồi trên vai em” là hiện thân của êm ái, dịu dàng, vị tha và độc ác, của người nữ đầu tiên, là Ê-Va buộc người nam ăn trái cấm trong một buổi sáng, cũng là buổi bình minh của trái đất,  đưa tội ác vào thế gian. Em là chiếc hộp Pandora, chiếc hộp của đắm say, đưa loài người vào mê ly, khoái lạc, mở mắt loài người biết hạnh phúc, biết khổ đau, và đến nay, chiếc hộp đó là em, đã cho anh tình yêu đắm đuối. 
 
Chỉ mấy câu thơ của Trần Hạ Vi ở khổ thứ hai nầy, tôi có thể ngồi viết tôn vinh nó vài trang giấy nữa. Nhưng thôi, xin qua khổ thơ thứ ba:
 
em đi               
vạt áo thơm hương còn phản phất               
mỗi ngày vẫn hai lượt mười hai giờ               
chiếc hộp Pandora               
chiếc hộp Pandora
 
Khổ thơ này nói đến mãnh lực cuốn hút, quyến rũ trong dáng em. Đọc khổ thơ nầy ta nhớ đến câu thơ của Nguyên Sa trong “Áo Lụa Hà Đông, “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/Bài thơ anh vẫn còn nguyên lụa trắng”. 
 
So ra, áo lụa Hà Đông chỉ làm nắng Sài Gòn chợt mát, để Nguyên Sa làm được bài thơ toàn lụa trắng, thì cái yêu không thấm vào đâu, nếu đem so với cái yêu “Vạt áo thơm hương còn phảng phất” của Trần Hạ Vị. Bởi vì “Vạt áo thơm” trong thơ Trần Hạ Vi đã mở bung hộp Pandora để anh yêu, để anh sung sướng, để anh khoái lạc, để anh say, để anh đau khổ, và có thể để anh chết. Hộp Pandora, ngày xưa người phụ nữ đầu tiên mở nó để tai ương lan tràn khắp thế giới. Ngày nay, em là hộp Pandora, chỉ có một mình anh mở nó, và ngược lại, tai ương khắp thế giới tràn vào linh hồn anh, tình yêu và nỗi đau một mình anh gánh hết, anh không cho bất cứ một tha nhân nào gánh thế anh. “Pandora, Pandora” là hai tiếng kêu sung sướng tuyệt đỉnh, cũng là hai tiếng than van đau đớn đến tận cùng. Pandora, nó là thiên đàng hay nó là địa ngục? Không biết nữa, nhưng chính nó truyền nỗi cảm khái đến mọi linh hồn biết yêu và khi yêu thì cao như núi, rộng như sông, êm đềm như trăng mà cuồn nộ như phong ba bão táp. Đó là thứ tình yêu chứa trong hộp Padora! 
 
Xin mời đọc thêm một bài thơ thứ hai có tựa đề “Giá mà anh có thể ôm em”:
 
giá mà anh có thể ôm em          
và ngủ một giấc           
khi dậy thì trăng lên          
những ngọn gió thổi từ phía những sông           
hàng dừa xỏa tóc              
chúng vốn không thẳng hàng            
mặt trăng vàng và sáng           
 
em đánh rơi cái kẹp tóc chung ta đi tìm           
trong bóng tối, dưới bóng dừa, dưới bóng trăng            
 
em cởi chiếc nhẩn cưới ném vào đáy sông            
khi còn trẻ em đã từng            
lặn xuống hôn một nhành rêu 
 
Khổ đầu bài thơ có 3 câu cho ta một giấc mơ tình yêu êm ái mà cô gái ước mơ. Giấc mơ anh ôm nàng ngủ là ôm cả một mối tình rất thiêng liêng, không dục vọng để khi thức dậy trăng  lên. Trăng lên là biểu tượng sự hòa hợp giữa thiên nhiên cùng tình yêu của họ. Họ yêu nhau như người của thế giới vô nhiểm trong khung cảnh của thế giới thần tiên.
 
Khung cảnh của thế giới thần tiên bởi vì qua khổ thơ thứ hai có 3 câu, họ thụ hưởng sự trong trẻo vô biên của trăng, sự tinh khiết vô biên của gió từ dòng sông thổi đến và sự thông cảm vô biên từ những hàng dừa xỏa tóc không thẳng hàng. Dừa xỏa tóc không thẳng hàng cho ta liên nghĩ đến dừa có lịnh hồn, có tư duy từng cá thể, tất cả trong tỉnh lặng chứng kiến, đồng cảm cùng tình yêu của họ.
 
Rồi thì qua khổ thơ thứ ba chỉ có hai câu thơ: “em đánh rơi cái kẹp tóc chúng ta đi tìm/trong bóng tối, dưới bóng dừa, dưới bóng trăng”. Hai câu thơ nói lên tất cả sự hòa nhập nên một của cuộc sống họ, của linh hồn họ, giống lời A-Dam nói cùng Ê-Va trong Kinh Thánh; “Người nầy là xương bởi xương ta, thịt bởi thịt ta/ Cả hai sẽ nên một thịt”. Nàng đánh rơi cái kẹp tóc chỉ là vật trang sức bình thường nhưng họ cùng nhau đi tìm, là hình ảnh của sự nâng niu, âu yếm, giữ gìn từng chi tiết xảy ra trong cuộc tình vô cùng đằm thắm của họ.
 
Cuối cùng người con gái “cởi chiếc nhẩn cưới ném vào đáy sông” bởi nàng muốn gởi vĩnh viễn cuộc tình mình vào sự êm đềm, như chiếc nhẩn nằm trong lòng dòng chảy thiên thu. Vì sao vậy? vì nàng yêu đến từng nhánh rêu dưới đáy sông đó, cho nên nàng nói “khi còn trẻ em đã từng/lặn xuống hôn một nhánh rêu”.
 
Khổ thơ cho ta hiểu người con gái ước mơ tình yêu của mình bình yên vĩnh viễn cùng thời gian, không bị hư hao bởi va chạm cuộc đời, như chiếc nhẩn cưới nằm sâu dưới dòng nước chảy. Chiếc nhẩn cưới tượng trưng cho sự hợp hôn giữa nam và nữ, tình yêu của họ đã thành hôn phối, họ mơ ước được sống với nhau như A-Dam và Ê-Va trong vườn địa đàng, thứ vườn địa đàng mà họ không phải ăn trái cấm bao giờ, ngay đến Thiên Chúa cũng không áp đặt họ được, vì họ đã đem cuộc hôn nhận lặn xuống đáy dòng sông, xa nhân gian và và xa cả thánh thần. 
 
Toàn bô bài thơ “giá mà anh có thể ôm em” là một ước mơ đẹp, là một khúc thụy du tuyệt vời trong dự phóng tình yêu của một cô gái lảng mạn đến vô cùng, là một hồn bướm mơ tiên nhưng không phải thứ tiên ở trên trời, vô cảm với tình yêu nam nữ, mà của thứ giáng tiên đã xuống trần, nhập vào bức tranh của Tú Uyên năm xưa hay nhập vào thi ca của Trần Hạ Vi bây giờ.
 
Tập thơ “Vi” của Trần Hạ Vi có 70 bài thơ, mỗi bài thơ như một thế giới bí ẩn. Tôi còn muốn viết nhiều về tập thơ này nhưng thôi, bởi viết nhiều có thể sai nhiều, như hôm nay, tôi cảm nhận theo chủ quan của mình có thể lệch hướng rất xa với những gì tác giả muốn nói. Tuy thế, người làm thơ cũng giống người làm ra chiếc bánh nhân trái cây nầy, người bình thơ cũng giống như người ăn bánh rồi nói bánh làm ra bởi nhân loại trái cây khác. Thế nhưng dầu nói sai nhân của bánh, bánh ngon thì ai cũng phải công nhận bánh ngon, trừ ra người khó tánh.
 
                                                           Châu Thạch    

READ MORE - TẢN MẠN VỀ TẬP THƠ “VI” CỦA TRẦN HẠ VI - Châu Thạch