Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 5, 2013

LỜI QUÊ - thơ Lê Đăng Mành

Gởi eng TRƯƠNG THÚC

Tranh vẽ bằng máy tính của Lê Đăng Mành


Đọc thơ Eng dạ cứ quay quắt
Lụt bạo quất chà quét rạ rời
Quảng Trị miềng- cực Eng ơi !
Nhớ lúc đói đèng nón tơi lên đàng…

Nghe troong nớ chừ sướng sung quá
Điều,cà phê hái thả tràn dà
Mụ tui nghe kể xuýt xoa
Răng khôông dây thép* ít quà “sầu riêng”

Vọng về Quê vấn vương troong rọt
Troong nớ tin Hot chia sẻ dùm !
Xóm côi thôn đưới ưng hung
Đội ơn đón dận riêng chung tình người !

Nhớ câu : méng khi đói bằng đọi…
“Nhiễu điều phủ giúp” người co ro
Mì tôm gạo muối gởi cho
Cặp sách trường lớp chăm lo út mờng

Dà cựa phên liếp ngả nghiêng
Hoa sen tôn lắng** đừng quên Bọ miềng…
Họ làng nguồn cội linh thiêng
Khai ân phò hộ quý eng muôn đời.


Lê Đăng Mành (Hải Lăng)
*bưu điện
** tôn lạnh


READ MORE - LỜI QUÊ - thơ Lê Đăng Mành

NGƯỜI VIẾT SỬ ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ - Trường Hải

(Kính dâng anh linh 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp)



Lịch sử Việt Nam lưu tờ lịch đỏ,
Ngày ra đi của một bậc nhân tài!
Người thầy giáo dạy học trò lịch sử,
Thành tướng quân viết lịch sử oai hùng!

Quê hương nghèo lam lũ của miền trung,
Lệ Thủy-Quảng Bình sinh người trung hiếu!
Làm trí thức trong thời thuộc Pháp,
Truyền sử cha ông, viết sử đời mình!

Giá như cuộc đời chỉ có yên bình,
Người sẽ mãi là người thầy dạy sử.
Đất nước chiến tranh, buộc người cầm súng,
Trở thành người anh Cả của đoàn quân!

Hơn ba mươi năm đánh Pháp, Mỹ sen đầm,
Đại tướng nhân dân dõi từng trận đánh.
Từ não, từ tim, người truyền quân lệnh,
Tài dụng binh, bớt đổ máu dân binh!

Ngôi sao sáng hóa thân vào vũ trụ,
ánh hào quang để lại với nhân gian.
Người viết sử đã đi vào lịch sử,
Võ Nguyên Giáp  – người thuộc về nhân dân!

Đỉnh Sơn, 5/10/2013
Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - NGƯỜI VIẾT SỬ ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ - Trường Hải

BỜ VAI - Truyện ngắn Hải Đăng




           Nhận được giấy mời của trại sáng tác, tôi khệ nệ xách hành lí ra đi từ giã dòng sông Hinh lấp lánh ánh bạc để đến với phố biển Nha Trang xinh đẹp khi trời vừa hửng sáng. Ánh nắng nhạt của buổi sớm chớm hè hòa cùng với những làn sương mỏng tạo nên bức mành mành đầy sức sống. Xa  xa từng đồi sắn bạc đầu xếp tiếp nhau dích dắc cao dần lên. Ẩn hiện dưới từng chân đồi bạt ngàn ấy là những ngôi nhà đang ngẩng đầu trong làn nắng mới. Dòng sông, bãi sắn, núi đồi, làn sương mỏng … đã tô điểm cho bức tranh quê lãng mạn.
             Chuyến ra đi lần này không như những lần khác. Tôi ra đi để gặt gái những đứa con tinh thần ở  trại sáng tác. Ra đi để rũ bỏ sau lưng những điều đã ám ảnh tôi ngần mấy năm trời. Ra đi để lãng quên quá khứ đau buồn và hiện tại nghiệt ngã. Điều đó có nghĩa là ra đi để quên anh - một con người mà tôi đã từng hiến dâng tất cả, một con người đã từng làm tôi sống dở, chết dở.Tôi tự nhủ: “Phải vứt bỏ những cái chết tiệt đã qua, những gì liên quan đến con người khốn nạn kia thì mình mới có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc mới, bởi “Khi cánh cửa hạnh phúc đóng lại, cái khác sẽ mở ra. Nhưng chúng ta lại thường nhìn quá lâu vào cánh cửa đã đóng thì không thể nhìn thấy cánh cửa nào đang mở sẵn cho ta”. Đúng thật, hai năm rồi, từ ngày cánh cửa hạnh phúc bị đóng lại, tôi đã nhìn quá lâu vào cánh cửa ấy nên  vô tình lãng quên cánh cửa khác đang chờ sẵn mình.
          Sáu năm, từ ngày lấy anh, sinh con, tôi thực sự chạm mạnh vào hạnh phúc chưa? Hạnh phúc là gì? Với tôi, điều ấy thật xa vời. Có người bảo: “Để có được hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải có sự hy sinh, phải biết đấu tranh bởi hạnh phúc luôn náu mình trong vỏ bọc của cuộc sống”. Ba mươi hai tuổi, cái tuổi coi là đã sang “Triền dốc bên kia của cuộc đời”, tôi chạm vào đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc, buồn nhiều hơn vui, nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn. Hạnh phúc ư? Hy sinh ư? Đấu tranh ư? Hy sinh, tôi hy sinh quá nhiều. Đấu tranh, tôi đấu tranh không ít. Tôi là người con gái thị thành, mang vẻ đẹp sang trọng của thành phố. Khi gặp anh, người đàn ông mà tôi coi là lịch lãm, phong trần, nhẹ nhàng đến phát sợ, tôi chấp nhận từ bỏ tất cả. Gia đình, sự nghiệp, tương lai … đều bị tôi đẩy lùi phía sau. Anh có biết, đến với anh tôi chấp nhận từ bỏ cuộc sống tốt đẹp ở chốn đô thị phồn hoa, từ bỏ một tương lai xán lạn. Đến với anh, tôi từ bỏ sau lưng những mối tình đầy lãng mạn. Đến với anh, tôi phải chấp nhận là đứa con bất hiếu, dẫu biết rằng bất hiếu là tội không thể dung tha …
          Ngày tôi xách túi theo anh, mẹ tôi nghẹn trong tiếng nấc. Mặc cho mẹ già can ngăn tôi cũng chẳng bận lòng. Ngày tôi về nhà anh, anh có biết tôi buồn đến độ nào. Bỏ phố thị lên làng quê nghèo trong sự lạc lõng, không bạn, không bè, không người thân thích. Rồi khi làm vợ anh, tôi hy sinh rất nhiều. Ngoài việc cơ quan, tôi lao vào công việc của một người nội trợ thực thụ mặc dù trước đây tôi không biết nội trợ là gì. Có những lúc tôi vô cùng thèm bộ quần áo mới để đi chơi cùng đồng nghiệp trong những ngày lễ nhưng cũng đành bỏ mặc.Từ ngày lấy anh, son phấn tôi không màng đến.Tôi chấp nhận “Được chồng con thì trôi nhan sắc”. Rồi những cuộc chơi của cơ quan,tôi luôn khước từ. Tôi luôn nhủ mình là hãy hy sinh để cố gắng vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình. Thử hỏi sự hy sinh của tôi đã được đền đáp xứng đáng chưa hay chỉ là ảo ảnh? Một người phụ nữ bị bỏ rơi, một thể xác tàn tạ, một tinh thần đầy vết sẹo … đó là sự bù đắp xứng đáng cho sự hy sinh của tôi ư? Nếu như trước đây, tôi luôn tự tin về nhan sắc của mình bao nhiêu thì bây giờ tôi tự ti, mặc cảm về nó bấy nhiêu. Anh có biết, từ hai năm nay tôi sợ chiếc gương soi đến độ nào. Một quai hàm méo mó, một vết sẹo dài cũng đủ làm tôi đau đớn đến điên dại.Vì ai gây nên nông nổi? Anh, chính anh. Nếu ngày trước, anh nghe tôi, anh không điều khiển xe trong hơi men thì thể xác tôi không ra nông nổi như thế?
          Nỗi đau thể xác chưa kịp lạnh, nỗi đau tinh thần lại nóng lên.
         Từ sau khi bị tai nạn, sắc đẹp tôi bị thu hồi, càng ngày tôi phát hiện anh càng khác. Anh không thèm nhìn tôi một cách trực diện, anh không vuốt ve, âu yếm và không dám trao cho tôi nụ hôn nồng ấm mà trước đây anh đã từng trao. Sinh nhật tôi, anh bỏ mặc. Không lời chúc, không bó hoa. Nhớ lại những ngày mới cưới nhau, đến sinh nhật, anh vất vả xuống tận thành phố, mua đóa hoa cẩm chướng để tặng tôi. Tôi cảm động đến rơi nước mắt. Rồi anh đi sớm về khuya trong hơi men, bữa cơm tối anh thường bỏ mặc, mặc dù trước đây anh luôn miệng: “Anh rất thích sum họp với gia đình bên bữa cơm chiều”. Rồi một hôm, tôi nghe người ta thơn thớt giữa chợ: “Sau tai nạn, sắc đẹp con Hiền xuống cấp, chồng theo bà giá, tội nghiệp ghê”. Tôi phớt lờ, chống chế: “Họ nới bậy, họ nhầm rồi” vì tôi luôn tin tưởng anh. Dần dần tôi phát hiện anh cáu gắt tôi một cách vô cớ. Anh hay khua nồi, đá chảo.Thậm tệ hơn, anh tát tôi, một cái tát mà có nằm mộng tôi cũng không ngờ tới, bởi cứ mỗi lần thấy anh hàng xóm đánh vợ, anh luôn miệng nói: “Không đánh phụ nữ dù chỉ là một cành hoa”.Vào lúc ấy, tôi cố gắng chịu đựng để bảo toàn hạnh phúc. Thế nhưng sự chịu đựng của tôi đặt không đúng chỗ. Càng ngày anh càng lạnh nhạt với tôi. Anh tăng dần số lần đi sớm về khuya. Có lần tôi phát hiện anh trở về nhà từ lúc lờ mờ đất với lời biện minh đầy giả dối: “Hôm nay xã có việc, anh trực ca ba”. Một tuần trực ca ba, một tháng trực ca ba … rồi anh ở luôn ở ca ba, tôi đợi anh, tôi chờ anh, mòn mỏi trong bóng đêm, lạnh lẽo trong căn phòng trống hươ trống hoắc, bên chiếc giường từng gọi là hạnh phúc … Cảm giác chờ đợi của đôi càng ngày càng mất dần và có những lúc tưởng chừng như anh không có mặt trong gia đình. Rồi một buổi tối, trở về trong hơi men, anh hơi gằn giọng: “Chúng ta giải thoát cho nhau đi. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Tôi xin lỗi”. Dẫu biết rằng lời nói trong hơi men không biết thật hay dối nhưng nó như hàng triệu cây kim nhỏ đâm vào trái tim tôi.Tôi không trách anh vì tôi mong rằng đó là lời nói đùa. Rồi một hôm từ cơ quan về, anh yêu cầu tôi kí vào tờ “Đơn xin ly hôn”. Tôi không kí mà yêu cầu anh đưa ra lí do chia tay. Giọng anh lạnh tanh: “Không hợp nhau”. Tôi cố van nài anh trong nước mắt, nhưng anh vẫn giữ thái độ cương quyết. Anh đẫy mạnh cái tay tôi đang đặt trên vạt áo anh rồi mất hút trong bóng đêm, mặc cho tiếng gào thét, mặc cho con thơ đòi bố, mặc cho nước mắt tôi chảy thành dòng.
          Thế rồi một tháng, hai tháng, ba tháng … tôi không gặp anh. Sáu tháng sau, tôi gặp anh lần cuối cùng ở Tòa cùng với một người phụ nữ có thân hình đầy gợi cảm, làn da trắng nõn nà  … Nhìn cảnh ấy, tim tôi tê cứng, nước mắt tôi đọng thành cục. Tôi chợt hiểu ra: “Sự bắt đầu bao giờ cũng là kết thúc rồi”. Một kết thúc thật nghiệt ngã và đầy ngang trái. Một tờ đơn, một nhát dao chia đôi một mối tình, cắt đứt nghĩa vợ chồng từ bao mấy năm trời.
             Hai năm rồi, từ ngày anh ra đi, tôi tự khép kín cuộc sống của mình.Tôi không bạn, không bè, không tụ  tập. Tôi chây lì trước cảm xúc. Mỗi lần đến cơ quan, tôi tự thấy mình lẻ loi, lạc lõng. Để vơi buồn, tôi tìm đến với thú vui thường nhật. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường trồng hoa. Loài hoa tôi trồng nhiều nhất đó là hoa xương rồng - loài hoa kiên cường, dũng mãnh, dẫu có thời tiết khắc nghiệt đến đâu thì nó vẫn sống tốt. Tôi tìm đến với cà phê, với văn chương, với nhạc. Sáng, một ly cà phê đặc quánh cùng với bản nhạc không lời. Dứt bản nhạc, tôi đến trường làm bạn cùng học sinh, rồi lại đón con.Tối, một ly cà phê cùng với chiếc laptop.Tôi lao vào con chữ, những trang viết chi chít đem lại cho tôi những niềm vui và sự thu nhập nho nhỏ. Người đồng nghiệp khuyên: “Mắt em yếu, viết nhiều sẽ ảnh hưởng”. Tôi cười méo mó: “Nếu em không viết thì em sẽ chết vì đau buồn. Em viết để tìm lại chính mình”. May mắn thay! Trời lấy đi của tôi cái này nhưng lại mang đến cho tôi cái khác. Hai năm rồi, từ ngày tôi cày trên con chữ, tôi cũng nhận khá nhiều món quà, nhận được nhiều lời chúc mà nó mang lại,
             Khép lại kí ức về anh, nước mắt tôi chảy dài trên gò má đầy xương xẩu và hốc hác.  Khép lại những kí ức về anh, tôi gẩng đầu hướng về phía trước. Bầu trời trong xanh, từng đám mây xốp nhẹ đang chầm chậm bước từng bước. Nắng ấm rải nhẹ cả một vùng trời. Nha Trang hiện ra trước mắt. Chiếc xe 24 chỗ ngồi đưa chúng tôi về với biển. Biển mùa này đẹp thật. Buổi sáng, mặt trời hồng hào chạm nhẹ vào những con sóng cũng hồng hào, lăn tăn. Xa xa từng con thuyền lênh đênh trên sóng nước mênh mông. Đoàn chúng tôi dừng chân bên một cái quán nhỏ xinh xắn, đầu đội chiếc nón bằng tranh đã nhuốm màu rêu phong để nghỉ ngơi trong chốc lát.
               Buổi chiều của ngày đầu tiên trên hố biển, chúng tôi được anh Vinh-dân bản địa-thành viên của Hội nhà văn tỉnh Khánh Hòa dạo quanh thành phố. Nha Trang đẹp và bình yên thật. Những con đường rộng thênh thang, biển xanh thẳm,trời xanh thẳm, chợ Đầm xoay tròn, tháp bà Ponagar huyền bí … như dang tay đón chào chúng tôi. Tối đến, chúng tôi quây quần bên nhau trong căn nhà của anh Vinh ở đường Trần Cao Vân thật vui vẻ và ấm áp. Ở đây, chúng tôi được anh chiêu đãi những đặc sản từ biển mang lại và được nghe anh giới thiệu từng ngõ ngách của thành phố xinh đẹp này. 
           Anh Vinh là người đàn ông phong trần, lịch lãm.Từ khi tôi gặp tai nạn, từ khi gia đình tôi rạn nứt, buồn bã, đau khổ, tôi tìm đến văn chương thế là tôi quen anh. Anh với tôi thường trao đổi văn chương trên blog.
          Anh là người dễ thông cảm và dễ sẻ chia. Những lúc tôi có chuyện buồn, bế tắc thì tôi lại tìm đến anh. Hay những lúc có chuyện vui tôi cũng thường sẻ chia với anh, lâu dần trở thành thân. Anh là người hẩm hiu trong chuyện đàn bà. Anh li hôn đã năm năm. Năm năm nay anh chưa tìm được người phụ nào thực sự hợp với mình. Anh thường bảo với tôi: “Tìm người bạn đời  không khó nhưng tìm người bạn đời đúng nghĩa thì không dễ chút nào”.
           Anh Vinh là người rất lãng mạng và giàu tình cảm. Từ  ngày là bạn văn chương với anh, không lúc nào anh quên tặng quà cho mẹ con tôi trong ngày lễ và ngày Tết cùng với lời chúc mừng thật sự ý nghĩa. Mỗi lần nhận quà anh, tôi thấy rất vui.
           Buổi sáng hôm sau, nỗi buồn chợt len lõi trong tôi. Mặc cho mọi người trong trại sáng tác nói cười vui vẻ bên những món đặc sản của biển, tôi dạo bộ trên bờ cát. Biển đẹp thật. Bình minh hiện nguyên hình trên sóng nước, hồng hào, đường bệ, phản chiếu xuống dòng nước tạo nên một bức tranh đầy nhựa sống.Tôi thả hồn theo những con sóng,nỗi buồn chợt mênh mang. Đúng lúc ấy, anh Vinh xuất hiện,giọng anh nhỏ nhẹ, trầm ấm:
           -Sao em không sum họp với các anh chị trong trại?
           -Em muốn hóng gió biển. Hóng gió biển vào buổi sáng tốt lắm anh à.
           -Vậy còn anh?
           -Anh cũng thích hóng gió biển bởi gió biển rất tốt cho sức khỏe.
          Vậy em cũng thích biển à?
           - Em thích những con sóng lăn tăn, thích những chiếc tàu xa xa.Tôi cười nhẹ nhàng.
              Mặt trời bắt đầu nhô lên cao khoảng nửa con sào, ánh nắng vàng chói quyện cùng vị mặn chát của gió biển, chạm vào khuôn mặt rát bỏng.Tôi và anh sãi từng bước dài trên bãi cát trở về sum họp cùng các anh chị trong tại sáng tác.
              Chiều hôm sau trên biển Nha Trang, tôi rảo bước chân nặng trĩu trên bãi cát chảy dài để ngắm biển. Buổi chiều ngày hè, biển đẹp thật. Mặt sóng, bãi cát, chiếc thuyền tất cả nhuộm một màu thật lãng mạn. Trước biển, tôi trầm mặc. Đúng lúc ấy, anh lại xuất hiện nhẹ nhàng như một làn gió biển.
              -Em nhớ nhà và nhớ con à?
              -Sao anh biết?
              -Linh cảm mách bảo anh biết được điều đó. Làm bạn em bao nhiêu năm sao anh lại không biết.Vả lại nỗi nhớ hiện rõ trên khuôn mặt em đấy. Anh cười ha ha.
              -Đúng, em buồn vì nhớ con nhưng ít thôi.
               -Vậy buồn vì lí do gì nhiều hơn?
            Tôi giả vờ đánh trống lảng:
               -Buồn vì những chiếc thuyền lênh đênh chưa tìm  được bến đổ. Tôi vừa nói vừa chỉ về hướng những chiếc thuyền.
               -Trời! Vậy mà anh cứ tưởng … Đúng là dân văn có khác.
               -Vậy còn anh là dân gì?
               -Ừ thì  … ừ thì … cũng như em thôi.
          Trước sóng nước mênh mông, anh chợt đọc những câu thơ tình rất hay của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh:
                   Chỉ có thuyền mới hiểu
                      Biển mênh mông nhường nào
                      Chỉ có biển mới biết
                      Thuyền đi đâu, về đâu

                      Những ngày không gặp nhau
                      Biển bạc đầu thương nhớ
                      Những ngày không gặp nhau
                      Lòng thuyền đau rạn vỡ …

              -Bộ anh cũng thích bài thơ này à?
              -Không những thích mà rất thích là đằng khác. Một bài thơ tình thật lãng mạng và ý nghĩa. Nó phù hợp với anh trong lúc này. “Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ / Những ngày không gặp nhau / Lòng thuyền đau rạn vỡ”
            -Anh đọc những câu thơ chất chứa đầy tâm trạng của một người đang yêu, đang nhớ nhung …  Anh đang yêu ai à? Nói cho em biết với!
         Anh cười nhẹ nhàng:
             -Khó nói lắm. Bí mật.
             -Anh hứa là không bao giờ giấu em chuyện gì  mà? Sao bây giờ…
         Giọng anh trầm trầm:
             - Xa trong gang tấc, gần ngay trước mặt.
           Tôi chợt quay người nhìn sang hai trái để tìm xem người mà anh cho là gần ngay trước mặt, ngay lúc ấy anh choàng tay qua vai tôi. Bờ vai tôi và bờ vai anh nghiêng nghiêng, mái tóc tôi chảy dài hết cả sang anh. Tim tôi đập xốn xang. Ánh trăng mười nhăm tròn trịa đang lững thững nhô lên khỏi mặt biển lấp lánh. Xa xa từng vì sao nhấp nháy giũa bầu trời. Bản nhạc giao hưởng của những con sóng cất lên rì rào vỗ nhẹ dưới chân chúng tôi.
                                          Hải Đăng


*****
                                                                                   
       Trần Thị Hằng, 
Giáo viên trường THCS và THPT Sơn Giang, 
Sông Hinh, Phú Yên
                           SĐT:01658559298
phunghang1@yahoo.com.vn



READ MORE - BỜ VAI - Truyện ngắn Hải Đăng

CHIỀU GHỀNH RÁNG MƯA BAY - thơ Nguyễn An Bình





Chiều Ghềnh Ráng mưa bay mù phố biển
Em chờ ai trên đồi cỏ Thi Nhân
Chiếc lá rơi nhẹ bước tưởng như gần
Tôi cứ ngỡ ai cười trong tiếng gió.

Bãi Hoàng Hậu mênh mang vờn sóng vỗ
Mãi thì thầm ru giấc ngủ nhà thơ
Trăng ngàn năm sao trăng quá hững hờ
Tình say đắm trong tim Hàn Mặc Tử.

Lầu Ông Hoàng một thời thành muôn thuở
Tiếng thơ còn vương bút điện Dzũ Kha
Khẻ chạm tay từng nét phiến thông già
Nghe hơi thở nhà thơ còn quanh quẩn.

Mười mấy năm không về qua Ghềnh Ráng
Biết có còn mưa trên mộ họ Hàn
Biết có còn lá rơi dốc Thi Nhân
Đôi mắt biếc vai mềm người con gái?

Đường thiên lý đâu xuôi về nơi ấy
Chờ đợi chi trăng đã rụng lâu rồi
Chờ đợi chi kẻ góc biển chân trời
Chỉ còn lại vầng trăng Hàn Mặc Tử.

Tháng 10/2013

Nguyễn An Bình

luongmanh2106@gmail.com
READ MORE - CHIỀU GHỀNH RÁNG MƯA BAY - thơ Nguyễn An Bình

HƯƠNG HỒN NGƯỜI VỀ ĐẤT TỔ KIÊN TRUNG - Phan Minh Châu

( Nhân ngày mất của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp)




Con ở miền Nam chưa một lần ra Bắc
Chỉ biết người qua chiến thắng Điện Biên
Ba bảy tuổi đã làm nên Đại Tướng
Lưu tên người vào trang sử Thiên Niên
Người là một học trò ngoan của Bác
Là tấm gương tỏa sáng đến muôn đời
Theo chân Bác buổi đầu đi cứu nước
Chiến công nào cũng rực cả quê hương
Là danh tướng đỏ trong lòng Tổ Quốc
Giặc chưa tan người xẻ núi mở đường
Những trận đánh tưởng chừng không tin nỗi
Tên của người rực rỡ khắp muôn phương
Người tỏa sáng từ gương Sen của Bác
Tổ Quốc đau người cũng muốn đau cùng
Trung với Hiếu  người làm nền đi trước
Lấy cam go gian khổ để an lòng
Điện Biên đó đoàn quân lên Tây Bắc
Nơi núi rừng khoanh trận địa gieo neo
Chiến thắng đó đã đi vào lịch sữ
Để đất trời sông núi cũng hòa theo
Đuổi giặc Pháp tiếp theo là đuổi Mỷ
Giãi phóng Miền Nam gian khổ cả đời
Một danh tướng tưởng chừng không có tuổi
Sao trên đầu năm tháng vẫn không phai
Người nằm xuống Tổ Quốc này thương tiếc
Bốn Bể,Năm Châu một thuở đã đi cùng…
Con khấn nguyện xin cúi đầu đưa tiễn
Hương hồn người về đất tổ KIÊN TRUNG


           PHAN MINH CHÂU
                   xua_roidiem@yahoo.com
READ MORE - HƯƠNG HỒN NGƯỜI VỀ ĐẤT TỔ KIÊN TRUNG - Phan Minh Châu

Tưởng niệm một năm vắng bóng nhà thơ Nguyễn Văn Đắc: VỌNG BÁI ANH - Lê Đăng Mành




VỌNG BÁI ANH ! 

Biết là sanh ký tử quy
Sao cay đắng vỗ từ ly biệt lời
Dòng Sông Tuổi Mẹ * muôn đời
Nâng niu Cái Rốn * ngang trời Thái không
Mẹ ơi ! Bồ Tát viên thông
Dẫn anh qua chốn thường quang nhiệm huyền
Đến –đi ; về- ở mặc nhiên
Hoa khai thường lạc tịnh yên cõi về !
Thu xưa mây bủa sông quê
Thu nay sương khói vọng về giỗ Anh.. !!


Lê Đăng Mành vọng bái

* Chữ in đậm là nhan đề thơ anh. 
READ MORE - Tưởng niệm một năm vắng bóng nhà thơ Nguyễn Văn Đắc: VỌNG BÁI ANH - Lê Đăng Mành

TÂY NINH NỖI NHỚ - Chùm thơ Trúc Thanh Tâm





1. XIN THƯA

Mắt cay khói thuốc nổi trôi
Đêm Tây Ninh nóng như mời mọc mưa
Bạn bè chí cốt, xin thưa
Còn em, còn rượu vẫn chưa chán đời !

2000



2. NGƯỜI CON GÁI TRẢNG BÀNG

Bỗng dưng cơn mưa ập đến
Ta tấp vào trú mái hiên
Mời anh, vào nhà uống nước
Cám ơn em, sợ làm phiền !

Anh cứ tự nhiên, đừng ngại
Mẹ em dễ lắm, anh ơi
Ta nghe lòng mình phơi phới
Mưa như thơm cả đất trời !

Em đưa bàn tay vuốt tóc
Ta nhìn em gặp mắt buồn
Con gái Trảng Bàng, có khác
Áo bà ba quá dễ thương !

Mưa tạnh, anh xin tạm biệt
Có dịp, anh ghé nhà chơi
Nụ cười em còn đọng lại
Theo ta trên bước đường đời !

Năm sau, ta về chốn cũ
Không em, đời bỗng xa hơn
Ta nghe hồn mình mất ngủ
Cơn mưa ngày đó, đâu còn !

1972



3. TÂY NINH NỖI NHỚ

Anh ôm những buồn, vui lẫn lộn
Tháng ngày trôi, quên, nhớ không rời
Những góc phố, con đường đã khác
Tòa Thánh vàng vạt nắng chiều rơi !
Qua Bàu Năng, ngày cơn mưa muộn
Gặp lại em mà ngỡ trong mơ
Mấy mươi năm, mắt buồn vẫn thế
Tân Uyên xưa, đất khách bây giờ !
Em Dầu Tiếng theo chồng xa xứ
Bạn bè anh già khú hết rồi
Đêm nay trăng xuống, Hòa Thành đẹp
Rượu tình, rượu nghĩa đã mềm môi !
Anh nhớ lại, thời làm văn nghệ
Bạn Củ Chi, Định Quán gặp hoài
Con thuyền cũ trôi vào quá khứ
Nay đếm hoài chưa giáp bàn tay !
Núi Bà Đen, Trảng Bàng thêm nhớ
Vắt hồn anh chảy xuống khổ thơ
Xin quá giang đường xuân lụa nắng
Còn em yêu, đứng nép cửa chờ !

1998
TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )

TRÚC THANH TÂM
287 đường Louis Pasteur, khóm Vĩnh Phú, phường Châu Phú A, Châu Đốc (An Giang)
Điện thoại : 0903 643751
READ MORE - TÂY NINH NỖI NHỚ - Chùm thơ Trúc Thanh Tâm

CAM LỘ MẾN YÊU - Thái Tăng Phôi



                                   “ Nước Cam-lộ vừa trong vừa mát
                          Đường Cam-lộ nhỏ cát dễ đi…”

Tiếng hò của cô lái cất lên khi con đò ngang vừa tách khỏi bến hòa theo nhịp của mái chèo lúc nhặt lúc khoan, đưa nào khách lạ người quen từ bên này sông qua bên kia sông và ngược lại. Đó là hình ảnh đầu tiên của quê hương tôi: Cam Lộ.
Thật vậy, nói đến Cam Lộ không thể không nói đến dòng sông Hiếu Giang hiền hòa xuôi chảy với những chuyến đò dọc đò ngang dập dìu khách thương xuôi ngược và những con đường làng rợp bóng cây che, đất cát mịn màng.
Xin mời bạn hãy theo tôi về thăm Cam Lộ một chuyến.
Trước hết, dù là đi một mình hay với tôi chăng nữa bạn cũng cần phải biết qua đường nào về Cam Lộ nhanh, đường nào về Cam Lộ chậm để bạn khỏi ngỡ ngàng hay thắc mắc nôn nóng phải không?
Cam Lộ, bạn có thể về Cam Lộ bằng rất nhiều ngả và ngả nào cũng không mấy khó khăn. Nếu bạn đang là Việt kiều ở Vương quốc Ai Lao chăng? Bạn có thể đi bằng đường bộ theo Quốc lộ số 9 qua ngả Khe Sanh. Từ đây bạn đi khoảng chưa đầy 70 cây số đường về hướng đông, bạn đã đến Cam Lộ. Nếu bạn đang ở quốc nội Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang chăng? Xin bạn phiền lòng chút đỉnh. Bằng đường hàng không hay đường bộ bạn phải đến Huế trước đã và từ Huế bạn theo quốc lộ 1 đi về hướng bắc bạn sẽ ra Thị xã Quảng Trị, tỉnh lị địa đầu, rồi đến thị trấn Đông Hà. Vừa đến ngoại ô Thị trấn Đông Hà bạn đã thấy ngay tấm bảng chỉ đường đúc bằng xi măng hẵn hòi ghi: Vinh 4…trăm cây số, Hà Nội 6…trăm, Khe Sanh, Lao Bảo, Savannakhet v.v… Nếu bạn từ miền bắc vào và đi bằng đường bộ, bạn phải qua chiếc cầu bắt qua dòng sông Bến Hải (Hiền Lương) nơi làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam Bắc Quốc -  Cọng sau cuộc chiến tranh Pháp Việt từ năm 1945 đến năm 1954 và đến Đông Hà. Đến đây bạn đừng cho xe chạy thẳng mà phải rẽ trái, nếu bạn từ miền nam ra hoặc rẽ phải nếu bạn từ miền bắc vào, vì đây là điểm khởi đầu của quốc lộ số 9, con đường nối liền hai quốc gia Lào Việt và là con đường dẫn lối về quê tôi. Vừa rẽ trái là chúng ta đã ở ngay trên quốc lộ số 9 và xe chỉ chạy non trăm mét nữa là chúng ta đã có mặt ở trung tâm thị trấn nhỏ bé Đông Hà. Bây giờ mời bạn hãy ghé Đông Hà đã vì đường còn xa, hơn nữa nếu tôi đoán không lầm thì bạn cũng đã thấm mệt sau khi vượt qua  đoạn đường khá xa. Xin mời bạn vào Hai Ký hoặc Đường Ký của Đông Hà dùng một tô phở hay uống một ly nước trái cây hầu lấy lại sức để chúng ta còn đi tiếp.
 Muốn về Cam Lộ bạn phải đi qua Đông Hà và chúng ta còn những 12 cây số đường nữa mới đến Cam Lộ. Ở đây bạn cũng có thể về Cam Lộ bằng đường thủy do ngả con sông Hiếu Giang. Vâng, nếu bạn muốn đi bằng đường thủy thì thật là thích thú tuyệt vời. Bạn cứ thử tưởng tượng đi, tưởng tượng những con đò – không phải đò có gắn động cơ  – mà đò chèo bằng những mái chèo khoan thai, nhịp nhàng lướt nhẹ trên sông sẽ đưa bạn về một vùng quê hương xa lạ mà bạn sắp sửa đến đó. Bạn có thể ngồi nhìn dòng nước trong xanh chiều thu gợn sóng và thả hồn theo mây gió để mộng, để mơ. Bạn cũng có thể thưởng thức tiếng hò chèo đò ngọt ngào êm ái của cô lái mà bạn không thể chê vào đâu đuợc. Hay hơn nữa, bạn nằm trong khoang đò nghe tiếng đẩy của mái chèo lúc nhặt lúc khoan để ru hồn mình vào giấc ngủ. Những chuyến đò như thế góp đủ mặt khách thương cùng với hàng hóa từ những nơi xa đến và dĩ nhiên trên đó không thiếu gì những bông hoa biết nói mà  với khách mày râu khó có thể không say mê để rồi quên đi cả đất trời và thế sự. Nhưng những dịp tuyệt vời và lý tưởng ấy không phải lúc nào cũng có được, trái lại bạn phải đi đúng vào dịp trước ngày nhóm chợ phiên -  năm ngày một lần – (Tôi sẽ mời bạn đi thăm chợ phiên này sau).
Bây giờ thì có lẽ bạn đã lấy lại sức và đã thấy một cách tổng quát  về Đông Hà cũng như biết rõ đường về Cam Lộ. Thôi mời bạn lên xe, chúng ta bắt đầu tiếp tục cuộc hành trình.
Chúng ta vừa ra khỏi thị trấn Đông Hà và bây giờ đang đi vào phần đất Cam Lộ. Vâng, đây là Cam Lộ. Cam Lộ là một trong chín quận của tỉnh Quảng Trị. Tôi có thể giới thiệu sơ qua các quận khác trước khi chính thức về thăm Cam Lộ, như thế bạn sẽ khỏi phải thắc mắc và ấm ức là đến thăm Cam Lộ mà không được biết những quận hạt anh em của quận này.
 Như đã nói ở trên, tỉnh Quảng Trị gồm có chín quận tất cả, đó là quận Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Trung Lương (một phần của huyện Vĩnh Linh cũ), Hướng Hóa, Ba Lòng, Đông Hà, Mai Lỉnh.
Trước hết là quận Hải Lăng. Quận Hải Lăng với những bãi cát trắng phau và rừng phi lao chạy dài ngút ngàn; nơi bãi biển Mỹ Thủy đêm ngày sóng vổ rạt rào thu hút du khách; nơi đồng lúa mênh mông nuôi sống dân lành quanh năm cày sâu cuốc bẩm. Từ quận Hải Lăng chúng ta qua quận Triệu Phong nơi sinh trưởng của những bậc anh hào giàu lòng yêu nước. Rồi đến Gio Linh với Cữa Việt dậy sóng mùa đông đưa tàu bè cập bến Đông Hà. Quận Trung Lương, một phần của huyện Vĩnh Linh ngày trước, nơi dòng sông Bến Hải lịch sử ngăn cách đôi bờ nam bắc Việt Nam thù nghịch sau hiệp định đình chiến Genève 1954 giữa Pháp và Việt Minh. Tiếp theo là quận vùng cao Hướng Hóa quận giáp ranh với Vương quốc Ai Lao (Lào) nơi những đồn điền Cà phê của mấy ông Tây ngày trước còn lại và những buôn làng người Thượng cheo leo âm thầm sống với nghề nương rẫy lấy trầm. Và cuối cùng là quận Ba Lòng. Quận Ba Lòng được thành lập sau năm 1954. Đây là chiến khu chống Pháp nỗi tiếng của quân dân tỉnh Quảng Trị trong thời kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là nơi hùng cứ của các chiến sĩ đảng Cách Mạng Đại Việt chống lại chế độ Ngô Đình Diệm  vào những năm 1954 – 1955. À! Còn quận Đông Hà nữa, may không thì quên. Nhưng quận này thì chúng ta đã ghé ngay lúc đầu khi từ Quảng Trị đến. Quận Đông Hà được thành lập vào những năm 1966 – 1967 gồm thị xã Đông Hà cùng với một số các xã của quận Triệu Phong và quận Cam Lộ gộp lại. Quận lỵ Đông Hà (hay thị trấn ĐôngHà) tọa lạc ngay ngả ba đường đi bắc nam theo quốc lộ số 1 và đường đi Ai Lao (Lào) bằng ngả quốc lộ số 9 và đứng bên bờ Hiếu giang. Còn một quận sinh sau đẻ muộn nữa là Mai Lỉnh mà chúng tôi không khéo cũng quên. Quận này gồm thị xã Quảng Trị và một số các xã của quận Triệu Phong và Hải Lăng nằm ven ngọai ô thị xã họp lại. Quận được thành lập vào năm 1968.
            Thế là chúng tôi đã giới thiệu lược qua một cách khái quát về các quận hạt anh em của quận Cam Lộ để bạn yên lòng. Bây giờ chúng ta có thể về Cam Lộ mà lòng không có sự ấm ức hay thắc mắc gì cả.
Về Cam Lộ trước hết xin mời bạn đi một vòng qua các xã để thăm cho biết sự tình.
 Quận Cam Lộ được chia thành 10 xã tất cả, gồm 9 xã người Kinh và một xã người Thượng. Chín xã Kinh gồm Cam Hưng, Cam Thái, Cam Hiếu, Cam Hòa, Cam Xuân, Cam Phong, Cam Thạnh, Cam Chính và Cam Nghĩa. Một xã Thượng là Cam Phú. Xã này nói thì xã Thượng nhưng ở đây đồng bào Kinh sinh sống cũng chiếm hơn một nửa dân số trong xã. Thời chiến tranh Pháp Việt và dưới sự kiểm soát của Việt Minh, quận được chia làm sáu xã. Đó là xã Cam Mỹ (bây giờ là hai xã Cam Hưng, Cam Thái), xã Cam Thủy (gồm hai xã Cam Hiếu, Cam Hòa), xã Cam Giang và xã Cam Thanh (tức ba xã Cam Xuân, Cam Phong, Cam Thạnh), Cam Lộc ( gồm hai xã Cam  Chính và Cam Nghĩa) và xã Cam Nguyên (tức xã Cam Phú bây giờ).
Cam Lộ là một quận trung du, do đó du khách sẽ không ngạc nhiên khi vừa đi vào phần đất Cam Lộ đã thấy bên những đồng lúa là những dảy đồi lúp xúp chạy dài xa tít. Thật vậy, nơi mà rừng núi chiếm có đến hai phần ba diện tích của toàn quận, Cam Lộ là một trong những quận cung cấp lâm sản nói chung và gỗ nói riêng cho nhu cầu của quận hạt và một phần cho tỉnh nhà Quảng Trị. Tuy nhiên đa số dân chúng vẫn sống về nghề nông là chính, một phần sống về nghề buôn bán, số còn lại sống về những nghề khác không quan trọng lắm.
Về gỗ, Cam Lộ có gỏ, huện là những loại gỗ quý dùng để làm nhà, đóng tủ, bàn, ghế; nhất là dùng để ghép những bộ phản để nằm ngủ mà bề dày có khi đến trên 10 phân tây. Những bộ phản này thường thường người ta ghép từ hai đến ba tấm, cũng có khi chỉ có một tấm nếu bề mặt của gỗ có bề ngang rộng và thường là dùng  loại gỏ nhiều hơn các loại gỗ khác. Mùa hạ nắng nóng, sau khi từ đồng ruộng hay đi xa về, sau khi dùng bữa trưa và uống xong bát nước chè tươi, được ngã lưng trên bộ phản gỏ láng bóng mát dượi này, người nông dân chất phác hiền lành sẽ tìm đến giấc ngủ trưa của họ thật là dễ dàng và thoải mái.

Ngoài các loại gỗ quý ra, Cam Lộ còn có trầm hương, quế chi,  măng khô, nấm tai mèo của đồng bào Thượng khai thác, chè xanh, hồ tiêu nỗi tiếng của Cùa (Xã Cam Chính, Cam Nghĩa) Tân Lâm (xã Cam Phú), cam, bưởi, thơm dứa Quật Xá, Ba Thung (Xã Cam Hưng). Về các xã đồng bằng thì luá gạo, cá tôm. Nhưng nếu chỉ mời bạn đi thăm để biết có chừng đó thôi chắc bạn sẽ buồn chết được. Vì đến Cam Lộ nhìn đâu bạn cũng thấy núi đồi, một cảnh tượng dễ gây cho bạn có cảm giác buồn bã, chán nản; khác với một bãi cát trắng phau, những hàng phi lao rì rào của bãi biển Mỹ Thủy thơ mộng, hay một cố đô Huế với những lăng tẩm và Chùa Tháp tuyệt vời. Tuy nhiên, xin bạn hãy đừng vội buồn chán, chúng ta cứ tiếp tục đi và nhất định bạn sẽ không thất vọng đâu.
Trước hết mời bạn ghé vào trường Trung học  của quận nhà dù rằng đây không phải là một thắng tích, bạn không phiền lòng chứ? Ngày xưa trong thời Pháp thuộc, Cam Lộ chỉ có duy nhất ngôi trường Tiểu học cho toàn quận. Đây là ngọn đèn mà thực dân Pháp thắp lên để gọi là công trình khai hóa dân tộc Việt Nam của mẫu quốc dành cho dân thuộc địa thuộc phạm vi quận hạt này. Đến thời Đệ nhất Cọng Hòa, trong chiều hướng phát triển nền giáo dục nước nhà, chính phủ Ngô Đình Diệm, ngoài việc mở mang các trường Tiểu học, một ngôi trường Trung học Bán công đầu tiên cũng được xây dựng. Từ tính cách bán công vào những niên học đầu tiên (1960 – 1961), trường đã chính thức công lập hóa vào niên học 1964 – 1965. Lúc đầu trường chỉ thu nhận học sinh lớp sáu, rồi lớp bảy, lớp tám  gồm khoảng 6 lớp tối đa, nhưng dần dần trường đã mở đến lớp 11 vào niên học 1971 – 1972, gồm 15 lớp và trường cũng đã mở mang theo chiều hướng gia tăng của học sinh ngày một đông thêm. Trường được xây cất trên một khu đất khá rộng rãi và cao ráo cách quận lỵ khoảng 500 mét về phía đông nam, cạnh quốc lộ số 9 về phía bắc. Kinh phí xây dựng một phần do ngân sách quốc gia đài thọ, phần khác do quân đội đồng minh Hoa Kỳ hỗ trợ. Nếu đi từ Đông Hà lên, bạn sẽ thấy trước tiên là ngôi trường Trung học này. Ở đây bạn sẽ gặp những đội mắt ngây thơ trong sáng của các em học sinh lễ phép đón chào. Ở đây bạn cũng có thể gặp những giáo sư rất trẻ và phần nhiều không phải là người địa phương, họ đến từ Huế, Quảng Trị với một tấm lòng hăng say tận tụy sẵn sàng cống hiến cho đời bằng tất cả sức trẻ của mình.
Bây giờ chúng ta có thể từ giả ngôi trường Trung học để đi thăm Cổ thành, nơi đặt cơ quan chính quyền quận. Cổ thành nầy cũng giống như cổ thành Đinh Công Tráng của thị xã Quảng Trị, và được xây dựng từ năm nào không ai nhớ rõ, nhưng có thể trong thời điểm vua Hàm Nghi đến Cam Lộ rồi Cùa (Tân sở) lập sơn phòng chống Pháp sau khi kinh đô Huế thất thủ vào năm 1885. Thành được xây bằng đất, hình vuông, chiều cao khoảng 3 mét, dày 3 mét, bốn mặt đều có cữa, xung quanh có đào hào, chiều rộng khoảng 4 mét và chiều sâu khoảng 3 mét. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, các cữa thành đều bị bom đạn làm hư hại. Trong các quận huyện của tỉnh Quảng Trị thì chỉ có quận Cam Lộ mới có thành nầy. Điều nầy có thể minh chứng cho thời điểm xây dựng thành nói trên là đúng.


Từ cổ thành bạn đi theo đường quan 71 về hướng đông chúng ta ghé thăm ngôi Chùa Cam-Lộ nơi sinh hoạt tu học của Phật tử địa phương và là nơi đặt làm trụ sở của Chi hội Phât Giáo quận nhà. Chùa được xây cất vào năm 1960 trên khu đất khá rộng thuộc địa phận xóm Thượng Viên làng Cam Lộ, phía bắc đường quan 71. Cũng nên nhắc lại ở đây về quá trình hình thành ngôi Chùa nầy một tý. Khi phong trào chấn hưng Phật Giáo được phát khởi vào đầu thập niên 1930 tại các tỉnh miền trung nói riêng và cả nước nói chung, ảnh hưởng của nó đến với vùng đất Cam Lộ có vẻ muộn màng. Mải đến năm 1942, Chi hội Phật Giáo đầu tiên mới được thành lập do Cụ Thái Đình Châu làm Chi Hội Trưởng cùng với các ông Lê Đình Oanh và Nguyễn Đức Hinh phụ tá. Niệm Phật đường đầu tiên được đặt tạm thời tại nhà ông Trần Văn Ba thuộc xóm Đông Định. Lễ ra mắt Ban Đại Diện Chi Hội và an vị Phật được tổ chức trọng thể dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu Chùa Linh Mụ Huế. Năm 1951 vì hoàn cảnh chiến tranh nên Niệm Phật Đường được dời về nhà ông Lê Văn Dĩnh thuộc xóm Thượng Viên. Mãi đến năm 1952, trước nhu cầu tu học và sinh hoạt của Phật tử, Chi hội mới tạo dựng được ngôi Niệm Phật Đường chính thức mang tên Chùa Cam Lộ trên khu đất phía nam đường quan 71 cũng thuộc xóm Thượng Viên. Kể từ đây không còn tình trạng mượn nhà Phật tử để đặt làm Niệm Phật Đường nữa. Sau chiến tranh, trước sự phát triễn mạnh mẽ của Phật Giáo quận nhà , đồng bào theo Đạo ngày càng đông. Để đáp ứng nhu cầu trên, năm 1960 một cuộc vận động xây dựng Chùa mới được phát động rộng rãi trong hàng ngũ tín đồ. Sau một thời gian ngắn, ngôi Chùa đã được hình thành với quy mô lớn hơn, đẹp hơn ngôi Chùa cũ nhiều, làm phấn khởi bao tấm lòng của những người con Phật địa phương. Chùa được xây dựng trên quy mô hiện đại, có lầu chuông, lầu trống. Cách bài trí thờ tự đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Trước hết là bái đường, kế tiếp là tòa Tam Bảo thờ tôn tượng đức Bổn Sư Thích Ca, hai bên tả hữu thờ tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Địa Tạng; phía sau chánh điện là bàn thờ Chư Tổ cùng liệt vị tiên linh Phật Tử quá cố.
Thăm thú Chùa xong, mời bạn về thăm chợ phiên Cam Lộ. Chợ phiên cách quận lỵ khoảng 2 cây số về phía đông và tọa lạc ở khu đất cuối làng. Đến đây bạn có thể  không khỏi ngạc nhiên bởi công trình nào cũng mang tên Cam Lộ cả. Trường Trung Học Cam Lộ, Chùa Cam Lộ, bây giờ lại đến chợ phiên Cam Lộ. Vâng đúng vậy, quê tôi là quận Cam Lộ và làng tôi cũng mang tên Cam Lộ, có lẽ do vậy nên cái gì cũng có tên Cam Lộ. Chợ phiên Cam Lộ không như chợ phiên mà người ta thường tổ chức vào những dịp lễ tết hay hội hè và kéo dài một hai ngày hay tuần lễ, một tháng. Trái lại, chợ phiên ở đây là nơi buôn bán trao đổi hàng hóa theo định kỳ năm ngày một lần vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch mỗi tháng. Chợ phiên nầy không những chỉ dành riêng cho đồng bào địa phương mà khách thương từ khắp nơi đến và đủ cả người Kinh lẫn người Thượng. Họ đến từ Khe Sanh, Ba Lòng, Trung Lương, Gio Linh hay từ Huế, Quảng Trị, Hải Lăng, Triệu Phong. Phía người Kinh thì bán đủ thứ sản vật của miền xuôi như gạo, vải, cá, mắm, muối v.v…Đổi lại, người Thượng thì bán trầm, mây, quế và các lọai lâm sản khác. Thường thường chợ đông từ 6, 7 giờ sáng đến khoảng 12 hoặc 13 giờ thì tan.
Sau khi đi một vòng chợ, bây giờ bạn có thể dừng chân mua một kí lô trầm hương đem về xông cúng vào những dịp giổ kỵ hay lễ vía. Bạn cũng có thể mua một chục cam sành để về làm quà cho bè bạn mà khi ra đi chắc hẳn bạn cũng đã tự hỏi không biết là mình sẽ mua thứ gì khi đến Cam Lộ, phải không?
Ngoài chợ phiên đông theo định kỳ nầy, Cam Lộ còn có chợ Mai ở làng Phước Tuyền; chợ Cùa thuộc hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa; chợ Tân Lâm thuộc xã Cam Phú, chợ Sòng thuộc các xã Cam thạnh, Cam Giang, Cam Thanh dành cho đồng bào tại các địa phương ấy và nhóm họp hàng ngày. Những ngôi chợ nầy thì việc buôn bán không lấy gì làm sầm uất lắm mà chỉ là nơi trao đổi mua bán các thức dụng hàng ngày.
Như trên đã nói, bạn có thể đến Cam Lộ ngoài đường bộ ra còn có đường thủy và đường thủy thì không có con đường nào khác hơn là đường do con sông Hiếu Giang xinh xắn, êm đềm bốn mùa đưa đẩy. Từ chợ phiên Cam Lộ, bạn chỉ cần đi bộ khoảng hơn trăm mét về hướng đông bắc là bạn đã đứng ngay bên dòng sông hiền hòa, nước mát trong xanh lững lờ xuôi chảy. Ở đây bạn sẽ gặp chiếc cầu Đuồi bắt ngang dòng sông nối liền con đuờng quan 71 chạy từ quận lỵ về ngả tư Sòng ra quốc lộ số 1. Sông Hiếu Giang phát nguồn từ dãy núi Trường Sơn hùng vĩ qua Cam Lộ, Đông Hà song song với quốc lộ số 9 rồi ra Cữa Việt thuộc quận Triệu Phong trước khi đi vào đại dương. Lòng sông không sâu lắm, có đoạn có thể lội qua được dễ dàng. Những khúc sông còn lại tương đối sâu nên dù là mùa nắng cũng phải dùng đò để nối liền sự sinh hoạt của dân chúng địa phương ở hai bên bờ. Về mùa mưa nước lớn, đò là phương tiện duy nhất làm nhịp cầu qua lại giữa hai vùng bên nầy và bên kia sông.
Đến Cam Lộ mà bạn không tắm nước sông Hiếu Giang là cả một thiếu sót đáng tiếc nếu không muốn nói là một sự thiệt thòi lớn lao, vì bạn đâu còn dịp nào để đến Cam Lộ thường xuyên, ngoại trừ bạn đã lỡ trồng cây “Si” ở đó. Thật vậy, “Nước Cam lộ vừa trong vừa mát, đường Cam Lộ nhỏ cát dễ đi…”, mà bạn! Đứng nhìn dòng nước trong xanh với lòng sông trải đá phẳng lỳ bạn không thể nào không muốn được tắm mình trong dòng nước ấy. Bạn sẽ tha hồ bơi lội. Bạn có thể lặn đuổi theo đàn cá đang lượn lờ nhìn bạn ngơ ngác sợ sệt, vội tụ, vội tan. Bạn cũng có thể mò tìm những viên đá tròn nhẳn hay có hình thù quái dị nhưng đẹp mắt mà bạn không thể không mê thích. Bên kia sông là bãi cát  với màu trắng ngà chạy dài đến tận bờ tre. Xa xa thấp thoáng là ngôi Chùa An Thái uy nghi tọa lạc trên một ngọn đồi cao nhìn xuống dòng sông. Chùa được xây cất đâu từ lâu lắm và nhìn nét rêu phong cổ kính của Chùa không khỏi làm cho du khách xao xuyến, bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn khi muốn dời chân. Chênh chênh phía bên trái Chùa về phía trước mặt là bến đò ngang thường xuyên đưa người qua lại và được gọi tên là “ Bến đò Chùa”. Tương truyền rằng, ngày xưa từ khi có ngôi Chùa An Thái, một xóm nhà của làng Cam Lộ đối diện với Chùa đã phải dời đi nơi khác, vì ở đây dân tình bất ổn, không bịnh tật hiểm nghèo thì cũng có chuyện chẳng lành xẩy đến. Và cho đến bây giờ vùng đất trống ấy vẫn là khỏang chia cách của làng Cam Lộ giữa hai xóm Tây Hòa và Thượng Viên. Năm 1960, một ngôi Chùa của Chi hội Phật Giáo Cam Lộ – như đã nói ở một đọan trên – được xây cất trên khoảng đất trống ấy nhưng chắc rằng vẫn tránh hướng trước mặt từ ngôi chùa An Thái nhìn qua. Nhưng bây giờ thì chúng ta chưa có điều kiện để có thể đến thăm ngôi Chùa ấy được.

Trở về Chùa Cam Lộ hiện nay, đứng từ Chùa nhìn ra xa về phía tây nam, bên kia quốc lộ số 9, bạn sẽ thấy rất rõ ngọn núi “Chóp Đá Bụt”. Tại sao núi có tên là “Chóp Đá Bụt”? Chắc cũng dễ hiểu thôi. Có thể trước thời điểm phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam vào thập niên 1930, Phật Giáo đã có mặt rất sớm tại quê hương Cam Lộ chúng tôi. Dĩ nhiên là có thể từ thời Chúa Nguyễn Hoàng vào trú chân tại Ái Tử trước khi vào Huế đóng đô giữa bán thế kỷ 16 (1558)? Do đó, Phật Giáo phát triễn mạnh ở vùng đất Cam Lộ nầy và cũng vì lý do đó chỗ nào đất lành cảnh trí đẹp đều mang danh Bụt. Núi không cao lắm và cách quận lỵ Cam Lộ khoảng 4, 5 cây số trên đường đi Cùa. Ngày xưa dân trong vùng ít ai dám đến núi nầy dù là để tìm trầm hay lấy gỗ. Theo truyền thuyết, trên núi có loại cam đặc biệt trái nhỏ nhưng lại ngọt tuyệt trần và có lệ là ai đến đó hái thì chỉ để ăn tại chỗ mà không được phép mang về. Cũng theo truyền thuyết, thì trên núi ấy vào những đêm trăng người ta thường thấy xuất hiện một chú cọp trắng mà dân trong vùng thường gọi là Ngài. Ngày nay vì sự tàn phá của chiến tranh, núi chỉ còn trơ trọi những đá và cây cối lúp xúp, sự linh thiêng ngày trước cũng không còn được nhắc nhở tới nữa.
Ngược lên phía tây quận lỵ,  đến xã Cam Hưng chúng ta sẽ gặp ngôi nhà thờ của đạo Thiên Chúa được xây dựng cũng đâu từ lâu lắm và không rõ đạo Thiên Chúa được truyền đến miền đất Cam lộ từ lúc nào - dĩ nhiên là trong thời kỳ người Pháp xâm lăng đô hộ nước ta – chỉ biết hiện tại số tín đồ của đạo nầy chỉ có một nhóm nhỏ ở thôn Phước Tuyền. Thật là tai hại vì chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu cặn kẻ về quá trình hình thành đạo Thiên Chúa và ngôi nhà thờ nầy. Thôi hẹn dịp khác vậy.
Từ giả những cảnh quan gần quận lỵ Cam Lộ như nói ở trên, mời bạn, chúng ta cùng đi Cùa (hay hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa) để thăm thú Tân Sở, nơi ngày xưa Vua Hàm Nghi được ông Tôn Thất Thuyết hộ giá ra đây lập sơn phòng chống lại quân Pháp trong thời kỳ Kinh đô Huế thất thủ vào năm 1885. Từ quận lỵ Cam Lộ đi Cùa, bạn phải qua đọan đường đèo dài ngót 10 cây số. Tuy nhiên bạn không có gì phải lo lắng vì mệt nhọc, bởi ngay khi đặt chân đến Cùa bạn sẽ được đón tiếp trước tiên bằng bát nước chè xanh tươi mát để bù lại những hao hụt khi lên đèo lúc xuống dốc. Thật vậy, Cùa nỗi tiếng với chè xanh và hồ tiêu. Tiêu Cùa được tiếng là cay và thơm. Ở đây thì bạn khỏi phải lo mua lầm tiêu giả tiêu thật. Khác với các xã trong quận, Cùa hoàn toàn là vùng đất đỏ Ba-dzan rất thích hợp cho những vườn chè bát ngát hoặc hồ tiêu, cà phê, nhưng rất tiếc ở đây không thấy dân chúng trồng cà phê. Mải đến năm 1957, 1958, khi ông Nguyễn Văn Đông, hồi đó làm Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Trị đến lập đồn điền, ở đây mới bắt đầu có trồng loại cây nầy. Trước đó, vào thời Pháp thuộc, nguời Pháp cũng có lập đồn điền trồng cà phê tại Tân Lâm thuộc xã Cam Phú bây giờ.
Cùa, như nói ở  đoạn trên, cũng có chợ. Trước khi vào Tân Sở, bạn phải đi qua chợ Cùa và đi khoảng một cây số rưởi về hướng tây nam. Tân Sở bây giờ chỉ là một dấu tích lịch sử. Ngoài thành cổ bằng đất như thành cổ ở quận lỵ Cam Lộ nhưng không còn nguyên vẹn thì không còn gì đặc biệt nữa cả. Thành đã bị hư hoại bởi thời gian và qua bao mùa chinh chiến. Trong cuộc chiến vừa qua, vào những năm mà cuộc chiến trở nên sôi động nhất, Cùa là nơi đón tiếp đồng bào tỵ nạn chiến tranh và Tân Sở được dùng làm nơi đặt cơ quan hành chánh của quận nầy. Tân Sở hiện thuộc ấp Lộc An, xã Cam Chính.
Đến đây thì bạn có thể từ giả Cùa nói riêng và Cam Lộ nói chung, mặc dù còn một thắng cảnh nữa mà chúng tôi chỉ có thể mời bạn viếng thăm vào một dịp khác khi những ngày đông tàn xuân đến, lúc đó đẹp và ý nghĩa hơn: núi Mai Lĩnh.
Thật vậy, núi Mai Lĩnh thật đẹp khi mọi vật sắp cỡi áo từ giả mùa đông với cái lạnh cắt da để bước sang mùa đông ấm áp. Ở đây cả một vùng rừng mai, mai vàng mai bạc đua nhau hé nụ hấp dẫn đón mời khách sành điệu thưởng ngoạn. Hàng năm cứ mỗi lần Tết đến xuân về, người dân trong vùng không ai không đến đó để tìm cho mình những cành mai đắc ý nhất vừa để chưng trong nhà vừa có thể mang ra chợ Tết bán kiếm tiền, mặc dù đường lên núi Mai Lĩnh không phải là không xa.


Thái Tăng Phôi


READ MORE - CAM LỘ MẾN YÊU - Thái Tăng Phôi