Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 19, 2012

NGHE HÁT - Thơ Châu Thạch


(Tặng cô ca sĩ quán Cội Nguồn)

Bạn đưa đến quán Cội Nguồn
Ngồi nghe em hát nhạc buồn thời xưa
Giọng trầm để nắng để mưa
Giọng thanh trăng nước, gió đưa mây vàng
Cho anh hồn đắm mơ màng
Nghe câu ca, tiếng thời gian quay về
Dậy lòng lại những đam mê
Bỗng dưng anh thấy tràn trề hồn yêu
Cảm ơn em, rất diễm kiều
Cho anh xuân ấm một chiều tàn đông .


Bạn đưa đến quán Cội Nguồn
Một chiều gió lạnh mưa phùn miền nam
Anh từ ở chốn xa xăm
Áo xanh đã bạc tháng năm với đời
Hồn mang bao nỗi đầy vơi
Đến nghe em hát tuyệt vời, nhẹ đau
Nhẹ từ vùi dập vàng thau
Nhẹ trong ký ức dãi dầu gió mưa
Nhạc vàng vừa dứt đong đưa
Nhẹ lời em đến chào thưa tiếng vàng.


À qua câu chuyện miên man
Hai hồn, hai nẻo, muôn ngàn nổi trôi
Em từ đũa gảy duyên đôi
Người nam nằm lại núi đồi quê anh
Để sầu vào cọ vẽ  tranh
Cầm ca không dỗ được lành niềm đau
Anh từ thời thế qua mau
Cũng tan ước vọng, cũng nhàu kiếp thơ
Cánh bèo không bến không bờ
Thân tằm quằn quại nhả tơ cho đời .


Mưa còn bay mãi ngoài trời
Hai hồn cùng lạnh, một lời chia tay
Hẹn nhau, hẹn sẽ một ngày…
Nhưng chia ly biết phút nầy đã xa
Mắt ai như có lệ nhòa
Quay lưng, trời bỗng đổ òa mưa tuôn.

                                                 Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com


READ MORE - NGHE HÁT - Thơ Châu Thạch

SỢI REN LỤA MÀU XANH - Truyện ngắn của Ngô Diệu Hằng



 
   Ngày ngày nhìn qua cửa sổ, thấy bạn bè tung tăng đến trường, những tà áo trắng bay thướt tha trên đôi bánh xe đạp xinh xinh tôi lại ngồi co rúm mình vào góc phòng.

    
     Đưa tay nhặt những sợi tóc. Nhặt rồi đếm. Càng đếm càng nhiều, những sợi tóc mỏng manh, yếu ớt. Rồi một cơn gió giật mạnh cánh cửa sổ lùa vào phòng, mang theo vị mặn nồng của biển. Gió thổi những sợi tóc bay đi. Tôi vội vàng chồm dậy, khua mạnh hai tay xuống giường hòng có thể giành giật với thần gió. Nước mắt ướt đẫm mớ tóc nâu vàng.

     Cơn bão đêm hôm đó đã đưa anh đến với bố con tôi. Mảng ký ức trong anh đã bị biển đen cướp mất rồi thì phải. Bố tôi cấp cứu rồi đưa anh về nhà. Tôi chỉ đứng nấp ở cánh cửa nhìn ra. Tôi thấy ghét những người vây quanh anh, cố dò hỏi anh. Tất nhiên, lúc ấy, tôi chỉ mong rằng anh không nhớ gì cả.

     Hai ngày liền anh chẳng nói một câu nào. Cả ngày chỉ ngồi nhìn ra biển. Tôi chẳng thể nhìn rõ mặt anh để đoán biết ánh mắt anh đang suy nghĩ điều gì. Bố bảo đừng ai quấy rầy để anh ấy bình tâm lại.

     Chiều đến tôi ra chỗ bãi phi lao ngồi ngắm hoàng hôn. Người làng đã quen hình ảnh cô bé đội chiếc mũ tròn, tóc thắt bím buộc chiếc dây màu xanh thường đứng nấp ở gốc phi lao thật to nhìn ra biển. Đó là chỗ ngày xưa hai mẹ con tôi vẫn hay ngồi đợi bố. Những lúc nhớ mẹ tôi lại ra đấy. Nhiều lần thiếp đi tôi thấy mẹ về, đưa tay vẫy tôi đi theo mẹ. Tôi chìa tay ra bước về phía có ánh sáng mờ ảo nhưng đi mãi không thể chạm đến. Rồi có tiếng bố gọi tôi từ sau lưng. Tôi đứng lại, ngập ngừng. Tiếng gió rít lên làm đầu óc tôi quay cuồng. Rồi bóng mẹ dần mờ đi chỉ còn vang vang âm giọng, còn tiếng bố thì mỗi lúc một gần. Mở mắt ra bố đã ở ngay cạnh. Ông cõng tôi về nhà. Cứ đi một lúc tôi ngoái đầu nhìn lại. Mặt trời đã lặn xuống biển sâu.

     Tôi ngồi bệt xuống cát, nhìn những con sóng lúc dịu dàng vuốt ve bờ cát, lúc lại giận dữ cuộn trào. Người sống ở nhà tôi đang đi dạo dọc bờ biển. Anh ta ngồi xuống nhìn về phía khơi xa.

     Hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng vậy. Tôi cứ thế nhìn anh đến rồi dõi theo bước anh đi cùng chiếc bóng in dài trên cát. Vô tình tôi cứ mong ngóng đến chiều để ra biển chẳng phải để ngắm hoàng hôn. Chiều hôm ấy trời đã không nắng, anh cũng không xuất hiện như những ngày qua. Một chút thất vọng tràn xuống lồng ngực.

-           Em gái đợi ai ư? – Tôi giật mình ngoái đầu lại.

-          

-           Gió lắm đấy. Em về thôi. Nào…!

     Lần đầu tiên thế đấy, tôi đứng dậy đi về, còn anh lặng lẽ theo sau. Cảm giác ấy thật kỳ lạ. Ý tôi là cảm giác ngại ngùng và tim thì cứ đập thình thịch khi cùng anh đi trên một con đường. Nếu biết rằng đấy chính là anh, người con trai duy nhất của cuộc đời mình thì khoảnh khắc khi anh chìa tay ra tôi đã không ngần ngại nắm lấy.

     Sáng hôm sau, tôi dậy sớm. Soi gương, thắt lại bím tóc. Mẹ bảo tóc thắt bím thì sẽ nhìn đỡ thưa hơn. Mẹ đã thêu tặng tôi một sợi ren lụa màu xanh ngọc bích. Lúc thêu nó  cây kim đã đâm vào tay bà, mãi lúc sau mới cầm máu được. Sợi ren lụa đối với tôi mà nói là món qùa quý giá nhất đời.

-  Sao mới sáng sớm mà em đã đội mũ? Nắng ban mai rất tốt mà.
         
    Tôi cười:

-   Anh có nhớ được gì không? Tên của anh chẳng hạn?

-   Không em ạ.

     Chúng tôi bắt đầu nói chuyện nhiều hơn từ buổi sáng hôm đó. Bố thích gọi anh là Tú. Anh cũng vui. Ngày ngày chúng tôi vẫn thường đi hái củi hoặc là ra chợ cá. Anh kể rằng mấy đêm liền không sao ngủ được. Bố cười, mang cho anh một cái chăn để trải dưới lưng nhưng anh bảo giờ anh ngủ ngon rồi, anh thành con trai làng chài rồi. Bố con tôi đều không dấu nổi sự vui sướng khi thấy anh đã quen với cuộc sống ở đây. Từ khi có anh căn nhà bỗng trở nên ấm áp.

     Những phút giây hạnh phúc cứ thế trôi. Tôi không còn suốt ngày thu mình trong căn phòng chật hẹp, không còn ngồi đếm những sợi tóc cứ vô tình rời xa mái đầu mình. Tôi hân hoan chờ đón mỗi sớm mai thức dậy để được nhìn thấy anh nở một nụ cười thân thương. Cho đến một ngày, có chiếc xe chở hàng đi qua làng chài, anh chạy đến mua cho tôi rất nhiều kẹo tròn rồi quay lại bảo anh đi với mấy người này một lúc thôi. Tôi đứng thẩn thờ nhìn theo chiếc xe dần mất hút sau hàng phi lao, những cây kẹo tròn rơi tung tóe. Hai ngày liền tôi không chịu ăn, không chịu uống thuốc, tự khoá mình trong phòng. Bố khóc hết nước mắt vì tôi. Ông chẳng biết làm gì hơn là nhặt những chiếc kẹo tròn vào hộp và đặt bên giường. Tối hôm ấy tôi thiếp đi trong tay vẫn ôm hộp kẹo anh tặng.

     Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi thấy tay mình bị nắm chặt. Anh đang gối đầu bên giường. Tôi muốn bật ngay dậy nhưng nhận ra mình không còn chút sức lực nào. Anh đã nhìn thấy hết bộ dạng bệnh tật xấu xí của tôi. Tôi cố sờ soạng tìm chiếc mũ. Anh đỡ tôi dậy, ôm vào lòng. Chẳng bao giờ tôi quên được khoảnh khắc ấy. Từng nhịp đập của con tim, từng chuyển động của cảm xúc trên da thịt, cựa quậy trong hơi ấm tỏa ra từ lồng ngực anh. Anh như chiếc nạng đỡ cho tôi đứng thẳng và dìu tôi bước ra khỏi sự u ám giăng kín tâm hồn mình.

     Sau ngày hôm đó, chúng tôi không còn cười đùa nhiều như trước nữa, nhưng có lẽ sự im lặng nói thay tất cả tình yêu thương chúng tôi dành cho nhau. Tôi cũng không hỏi lý do về sự biến mất của anh cùng chiếc xe chở hàng ngày hôm đó. Có thể anh đã nhớ lại tất cả nhưng quan trọng là anh đang ở bên tôi và chắc chắn một điều anh sẽ không bỏ tôi đi trước.

     Ngày ngày anh bón cháo dỗ dành tôi, đưa tôi đi dạo và bảo tôi kể về ngày xưa thơ bé. Mỗi lúc kể cho anh nghe là mỗi lần tôi được sống lại những kỷ niệm ngọt ngào, đầm ấm có cả bố và mẹ. Anh còn đưa tôi ra chỗ đường lớn nhìn các bạn đạp xe đi học. Những lần bị mệt, anh cõng tôi trên lưng và hát cho tôi nghe. Mỗi đoạn đường, mỗi cảnh vật chúng tôi đi qua giờ đã in đậm biết bao kỷ niệm hạnh phúc.

     Đêm trước ngày tôi chết, ánh sáng mờ ảo lại xuất hiện. Ánh sáng đi lên từ phía biển, đến bên cạnh giường tôi. Tôi cảm thấy như có ai đó vuốt ve mái tóc mình, sờ lên đôi tay mình rất nhẹ như làn gió thoảng qua. Rồi ánh sáng ấy ghé sát vào mặt tôi, một làn hơi lạnh tràn xuống má tôi rợn ngợp.

     Cửa sổ không khép, ánh ban mai chiếu vào phòng nhưng không gắt như mọi hôm. Sợi ren lụa tháo để ở đầu giường giờ bị gió kéo đi một đoạn về phía cửa sổ. Tôi đến ngồi trước gương soi lại khuôn mặt mình. Cô gái mặc chiếc váy màu hồng phấn đang nhìn lại tôi. Đôi môi cô ấy khô ráp, nhợt nhạt. Chỗ da dưới mắt cô ấy chùng xuống. Có vài sợi mạch máu màu xanh bò dưới làn da trắng của cô ấy. Vài sợi tóc lơ thơ chìa ra khỏi vành mũ. Tôi cười. Cô ấy cũng cười, đôi mắt cô ấy dường như rất thanh thản đáp lại tôi. Anh Tú gõ cửa bước vào. Tôi bảo anh thắt sợi ren lụa màu xanh vào cổ tay cho tôi vì giờ chẳng cần dùng đến nó nữa. Anh cầm tay tôi thật lâu rồi dắt tôi ra bàn ăn. Bố đã nấu rất nhiều món ngon, toàn những món ngày xưa tôi rất thích. Suốt bữa ăn bố chỉ mãi gắp thức ăn cho tôi. Tôi sợ bố buồn, cứ cố gắng rồi cố gắng cho đến khi bị sặc thì cũng là lúc nước mắt bố bật ra. Miệng bố mếu máo. Bố trông già đi nhiều.

     Anh Tú đưa tôi đi dạo. Đi được một đoạn thì tôi không bước nổi nữa nhưng vẫn muốn ra bằng được bãi phi lao. Anh cõng tôi đến chỗ gốc cây phi lao già quen thuộc. Tôi tháo sợi ren lụa trên tay và buộc vào đó. Anh bảo tặng sợi ren lụa cho anh nhưng tôi đã không làm vậy. Anh cũng không hỏi lý do. Anh chỉ nói rằng, nếu sau này người ta muốn đốn những cây này đi thì anh sẽ đến mang sợi ren về. Anh lại cõng tôi đi dọc bờ biển và hát. Giọng anh không quá hay nhưng nó đủ ấm áp để ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Tiếng sóng, giọng hát anh dần tan ra và cánh tay tôi từ từ buông khỏi cổ anh rơi thỏng xuống. Anh vẫn hát nhưng tôi không nghe được giọng anh nữa. Những giọt nước mắt của anh nhỏ xuống tay tôi. Tôi đoán rằng da thịt tôi lúc ấy rất lạnh, còn nước mắt anh thì rất nóng. Tôi đã ra khỏi cái thân xác trên lưng anh để cho anh ra đi tìm lại ký ức của mình. Sợi ren lụa màu xanh vẫn ở đó, bay bay trong gió vi vu.


  
NGÔ DIỆU HẰNG

Ngô Diệu Hằng
Giáo viên Anh văn rường THCS TT Bến Quan
Thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh, Quảng Trị
Tel. 0946777494
dieuhang.ngo@gmail.com




READ MORE - SỢI REN LỤA MÀU XANH - Truyện ngắn của Ngô Diệu Hằng

CÓ MỘT LẦN VỀ - Trạch An - Trần Hữu Hội

Ảnh của Nguyễn Thị Hải
                                        
  
Môt lần đợi mưa về phố xưa,
Nghe trong hơi gió chút sa mù ,
Hắt hiu vạt nắng, chiều sắp tắt,
Oi bức không gian, quán khách thưa .

*
Mái ngói bên sông chìm trong lá,
Vài tiếng gà buông nghe rất xa !
Bãng lãng mây mù, đò neo bến ,
Khách sang sông bước, vội vã chưa !
*
Ta nhớ ngày đi cũng ngày mưa,
Cũng mây vần vũ, nắng vàng thưa,
Cũng bờ môi ướm câu thề hẹn,
Giờ ở đâu rồi, neo bến chưa ?
*
Chẳng trách gì nhau, có trách đâu !
Duyên tình như mộng, khó mong cầu,
Mấy khi ngăn cách mà tương ngộ,
Chỉ muốn biết người trôi bến nao ?!


                                  Tháng IX -2011
Trạch An - Trần Hữu Hội
READ MORE - CÓ MỘT LẦN VỀ - Trạch An - Trần Hữu Hội