Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, February 8, 2017

RẰM... - thơ Mai Thanh Tịnh





RẰM...

Mấy năm rồi trăng trốn riêng ta
Câu thơ đau nên chẳng còn nhạc điệu
Ý tứ đóng băng nhịp phách lạc loài
Mặc rằm cũ tiếng đàn bầu nắn nót
Hồn lãng du vùi năm tháng rong rêu
Nay phố nhỏ ngồi nghe rằm thỏ thẻ
Ta giật mình! ừ tiếng nấc nguyên tiêu

                        MAI THANH TỊNH
READ MORE - RẰM... - thơ Mai Thanh Tịnh

VÀI LỜI VỚI ÔNG PHẠM ĐỨC NHÌ ... - Nguyễn Bàng + Phụ lục: Thư của Ô. Nguyễn Khôi gởi Ô. Lai Quảng Nam



VÀI LỜI VỚI ÔNG PHẠM ĐỨC NHÌ TRONG ĐỐI THOẠI CỦA ÔNG VỀ HAI ĐIỂM Ở NGOẠI BIÊN BÀI VIẾT CỦA TÔI 
Nguyễn Bàng

Tôi nhận được bài “XIN HÒA NHÃ TRONG TRANH LUẬN THƠ CA” của ông Phạm Đức Nhì không trực tiếp từ gmail của ông mà được chuyển tiếp từ  Phu Đoan phudoan223@yahoo.com.vn
 Trong thư (bài), ông Phạm đức Nhì viết:
Nhận thấy cuộc đối thoại này đề cập đến một số điểm khá quan trọng của việc Bình Thơ tôi đã muốn góp vài lời bàn luận nhưng thú thật còn phân vân chưa biết “tiếp cận vấn đề” thế nào cho hợp lý và hiệu quả nhất”, tôi đã toan không nói gì. Nhưng đọC kỹ thì thấy ông Phạm Đức Nhì bảo: “Cuối cùng không biết trời xui đất khiến thế nào tôi lại chọn đối thoại với bác Nguyễn Bàng về hai điểm ở ngoại biên”, tôi cũng thấy mình như “trời xui đất khiến” cần phải đáp lại lời đối thoại với ông PĐ Nhì về hai diểm mà ông gọi là ở ngoại biên ấy.”
Về cái điểm ngoại biên thứ nhất, ông PĐ Nhì viết:

Để mở đầu thư của mình bác Nguyễn Bàng viết:
Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’”.

ông nói xéo luôn: “Trước hết, bác Nguyễn Bàng không nên “xách mé” cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK như thế.”

Thế nào là xách mé, thưa ông PĐ Nhì?
Theo từ điển Tiếng Việt thì: xách mé: Tính từ  
(cách nói năng) xấc xược, thiếu lịch sự, thiếu lễ phép
Theo cách hiểu của đa số người Việt thì cách nói năng xách mé thường là cách nói năng xấc xược ở người dưới với người trên, người ít tuổi nói với người trên tuổi, em nhỏ nói với anh chị lớn, con cái nói với cha mẹ ông bà…hay xách mé với những vấn đề trọng đại chung của nhiều người, như một số người Việt ở trong nước gọi cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH xưa là cờ ba que hay cờ ba que xỏ lá, ngược lại một số người Việt ở Hải ngoại gọi cờ đỏ sao vàng hiện nay là cờ máu.

Vậy ông PĐ Nhì bảo tôi là đã xấc xược , thiếu lịch sự thiếu lễ phép với ai? Với ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên hay với ông nhà thơ Phạm Đức Nhì ở Hoa Kỳ?

Với cái nhan đề “XIN HÒA NHÃ TRONG TRANH LUẬN THƠ CA”, thoạt nghe có cảm giác đây là một lời trang nhã của một bậc chính nhân quân tử. Mà người quân tử thường quan niệm "tri hành hợp nhất", lời nói phải đi đôi với việc làm và phải tôn trọng lời nói "quân tử nhất ngôn” . Nhưng ngay khi vào cuộc trao đổi, ta thấy bậc chính nhân quân tử ấy đã hiện nguyên hình là một kẻ ăn nói hàm hồ. Chửi xéo người khác là đồ xách mé nhưng chính mình lại  ăn nói mách qué hơn. Thật đúng là:
Chân mình thì lấm lê mê,
Lại cầm bó đuốc đi rê chân người.

Còn về cái bằng tiến sĩ ngữ văn của ông Nguyễn Ngọc Kiên thì tôi đâu dám xấc xược. Tôi chỉ nói “Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ” 

Ông PĐ Nhì nhấn mạnh: “Hơn nữa, đề tài chính của cuộc tranh luận này là nội dung bài viết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi chứ không phải mảnh bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông Nguyễn Ngọc Kiên.”

Thưa ông, không liên quan đến cái mảnh bằng tiến sĩ ấy thì ông Nguyễn Ngọc Kiên cần gì phải danh xưng trong bài viết là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên mà chỉ cần đề Nguyễn Ngọc Kiên hay tác giả Nguyễn Ngọc Kiên là đủ.

Khi tên người kèm theo danh hiệu Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS), và nhất là khi những danh hiệu này đi kèm nhau: GS.TS, PGS.TS, BS.TST như vậy trên một bài viết hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thử hỏi có  liên hệ gì đến học thuật, đến cuộc trao đổi không? Trong khi, thực tế thì bằng tiến sĩ chỉ là một tấm vé để bước chân vào ngưỡng cửa của cộng đồng trong nghề nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học.  Một bài viết hay một người có thực tài, ai nhìn cũng thấy ngay, thì không cần bằng cấp đi theo tên người viết

Một bạn có mail là Doan Tran trankiemdoan@gmail.com USA đã viết:
Nhưng tại sao sao phải bắt thi ca dính chùm lấm lem với những mảnh bằng TIÊN SĨ MADE IN VIETNAM nhỉ?!
Mảnh bằng chỉ là chút phương tiện câu cơm trong một số hoàn cảnh nào đó; thơ mới là tiếng vọng của tâm và cảm dạt dào, mênh mông không biên giới.
Thật tội tình cho thơ khi bị dính chùm với chữ nghĩa quan trường hay hè phố!”

Điểm ngoại biên thứ hai “trời xui đất khiến” ông Phạm Đức Nhì chọn để đối thoại là đoạn ông trích lời viết sau của tôi:
Rồi bác Nguyễn Bàng kết thúc thư của mình bằng đoạn “… xin ông (Nguyễn Ngọc Kiên) hãy nhớ cho, ông còn trẻ hơn nhà thơ Nguyễn Khôi rất nhiều và ông đã là Tiến sĩ Ngữ Văn chắc ông thừa biết câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ”. Nếu còn thì thầm với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, xin ông Nên hãy (thì) thầm những lời đúng và đẹp như hoa Xuân thì hay hơn, ông Tiến sĩ Ngữ Văn à!”

Và ông đối thoại như sau:

Bước vào sân chơi Bình Luận Thơ Ca dĩ nhiên phải có thái độ lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, xưng hô cho phải phép. Nhưng những người trẻ, như ông Nguyễn Ngọc Kiên, vẫn có quyền bày tỏ ý kiến của mình, trao đổi thẳng thắn và bình đẳng với các bậc lão thành về các vấn đề Thơ Ca đang tranh luận. Trong bài ĐXTTVNTNK ông NNK đã có cách xưng hô đúng mực, ngôn ngữ hòa nhã, theo tôi, không thể chê trách. Nếu trong bài viết ấy ông NNK có chỗ nào không đúng thì cứ thoải mái vạch ra phê bình, chỉ trích. Xin đừng bắt ông ta vì câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” mà phải thì thầm vào tai nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi những lời “đẹp như hoa xuân” khi tâm ý của ông không muốn như vậy. Thi sĩ nếu muốn được nghe những lời “đẹp như hoa xuân” của người phê bình thì phải thai nghén, phải ủ tứ thơ cho chín, cho lên men, rồi chờ lúc cao hứng dùng kỹ thuật thơ điêu luyện của mình viết lên những vần thơ dạt dào cảm xúc. Xin đừng mang tuổi già ra hù dọa lớp trẻ để làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.   Đàn để cùng trao đổi, luận bàn một cách thoải mái về cái hay, cái đẹp của thơ ca.

Phải thừa nhận ngay là ông PĐ Nhì nói nhiều lời rất đúng nhưng có lời này:

Xin đừng bắt ông ta vì câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” mà phải thì thầm vào tai nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi những lời “đẹp như hoa xuân” khi tâm ý của ông không muốn như vậy

Thì tôi xin thưa lại cùng ông:
Bài viết của ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên với cái tên: "Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi”
Ai cũng hiểu thì thầm là  nói thầm với nhau, không để người ngoài nghe thấy. Nhưng ông Nguyễn Ngọc Kiên đâu có thì thầm riêng với nhà thơ Nguyễn Khôi mà ông đã nói cho cả bàn dân thiên hạ được nghe thấy. Trong cuộc sống hàng ngày, thường là bà hay mẹ thì thầm với con hay cháu còn nhỏ hay cháu bé thì thầm với bà với mẹ; đôi tình nhân thì thầm bên nhau, đôi bạn thân thì thầm bên nhau. Mà tất cả những gì tốt đẹp nhất cũng đều bắt đầu từ nhỏ bé. Vậy thì những lời thì thầm suy ra thường là những lời tốt đẹp.  Nhưng khi thì thầm với nhà thơ Nguyễn Khôi, ông Nguyễn Ngọc Kiên đã bảo nhà thơ rằng:
Gần đây thơ Nguyễn Khôi xuất hiện khá nhiều và đều đặn trên các trang báo mạng. Phần lớn thơ anh là những bài thế sự, thời sự, chính trị mang tính ứng tác về cuộc sống diễn ra quanh ta”
Và :
Nhà thơ Lê Mai thẳng thắn cho rằng: Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng! Nhưng thơ Nguyễn Khôi cuốn hút rất nhiều người đọc.Từ nam phụ, lão ấu. Từ những vị ni cô, sư nữ ở chùa tận Bình Dương và Huế cho đến những phụ nữ có học vấn, học hàm học vị cao ở trường ĐH Quốc Gia. Có người kín đáo thư từ cho Nguyễn Khôi, có người thì công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà thơ  trên facebook. Nó có sức ma mị”
Thì thầm mà như thế thì nghe xem có tốt đẹp gì không?

Tôi chợt nhớ trong Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932  của tác giả Thanh Lãng đã nêu một sự việc. Ấy là khi cụ Phan Khôi (sinh năm 1887) trình làng  bài thơ Tình già thì liền bị một tác giả tên là Vân Bằng trẻ hơn cụ Phan, trong bài " Tôi thất vọng vì Phan Khôi ", nhân trách Phan Khôi thất lễ với Nguyễn Tiến Lãng, đã mô tả Phan Khôi như là con người ưa lập dị, việc gì cũng muốn làm khác người. Vân Bằng đã có những mỉa mai sau đây về Phan Khôi  tác giả một lối thơ mới. " Vừa đây, ông lại ra công " sáng chế " ra một lối thơ " tân thời " tự  tự do, đặc biệt, không cần niêm luật, tự ý vắn dài làm cho nhiều người " hoài cổ " phải ngậm ngùi thương tiếc. Tám vế " luật đường " có lẽ vì sự phát minh lối thơ mới này mà phải mai một đi chăng?

Vân Bằng là người đầu tiên chống lại nhà thơ mới Phan Khôi. Có điều là những điều nói mỉa mai của Vân Bằng về Phan Khôi  chẳng dè lại hoá thành lời tiên tri. Quả thực là tám vế luật Đường sẽ vì sự phát minh của Phan Khôi  mà bị mai một, và quả thực Phan Khôi  đã làm một công trình vĩ đại.

Từ chuyện trên, tôi nghĩ, ngày nay, nếu thơ Nguyễn Khôi phần lớn là những bài thế sự, thời sự, chính trị mang tính ứng tác về cuộc sống diễn ra quanh ta thì biết đâu ông là người có tư tưởng rất mới. Ông muốn với những bài thơ thế sự thời sự ấy sẽ góp phần làm cho xã hội Việt Nam không còn như thế nữa mà sẽ phải đổi mới.

Một bạn đọc có mail: TranVanMau <tran.vanmau@yahoo.de> cũng đồng quan điểm ấy với tôi:
Bác đã nhìn thấy bao hiểm nguy trước mắt cũng như bao người khác đang thấy. Nhưng bác còn mạnh dạng, dám nói lên sự thật hầu mọi người sửa sai được phần nào thì sửa. Chủ yếu cho cuộc sống càng ngày càng văn minh và tốt đẹp hơn. Còn bao người khác có thể họ mặc xác hay không dám nói đó là một chuyện khác.

Vì những lẽ đó, lại thêm, văn hóa kính trọng người lớn tuổi luôn là nét đẹp của dân tộc Việt Nam, tôi mới mong ông Nguyễn Ngọc Kiên nếu còn thì thầm với nhà thơ Nguyễn Khôi thì sẽ là những lời thì thầm đẹp như hoa xuân chứ tôi đâu dám bắt ông ấy, hay “mang tuổi già ra hù dọa lớp trẻ để làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.”  

Rất mong ông PĐ Nhì hiểu cho tôi về cái điểm ngoại biên thứ hai này!
 NGUYỄN BÀNG
<bnguyen37@gmail.com>

THƯ CỦA ÔNG NGUYỄN KHÔI GỞI ÔNG LAI QUẢNG NAM

Thân gửi: anh Lai Quang Nam & các Bạn Thơ,
Qua xem cuộc trao đổi/ tranh luận ở diện "nhỏ/ hẹp" về Thơ Nguyễn Khôi của mấy người bạn mà NK rất yêu quý/ kính trọng... NK rất cảm động (Thơ mình còn có người đọc & cho cảm nghĩ... thế là hạnh phúc lắm rồi.) Thơ, xưa nay, thường trước tiên là "viết cho mình" để giãi bày "nỗi niềm" tâm sự bức xúc / xả Stress , rồi thì "Tặng 1 người"... sau đó mới "trình làng"... NK xin có đôi vần cảm tác :
  Cũng là "thiện ý" cả thôi
Khen chê/ bình phẩm ... những lời ruột gan
  Mỗi người/ một ý... lẽ thường
"Phân tích" thì được, xin đừng "mắng/ chê" (1)
  Cảm lời tâm đắc sẻ chia
Mới hay Kiến thức bề bề... khéo "phiêu"
  Nỗi lòng "tỏ" biết bao nhiêu
"Tấn trò đời" diễn để yêu thêm Đời.
---
(1) cụ Lê Quý Đôn đã dạy :
" Văn thơ là của chung thiên hạ
Mối người một ý
Phân tích thì được
Chứ không nên chê mắng"
              *
TB : Xưa nay hình như mọi cuộc tranh luận Văn chương, chợt tưởng là "có ích" tìm ra lẽ phải / chân lý ?... nhưng, than ôi, "mưu sự tại nhân/ thành sự tại thiên..". kết cục thường là vô lý/ vô nghĩa. Xin dẫn chứng:
 *-1- Cuộc tranh luận về Truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế + Huỳnh Thúc Kháng với "đại Việt gian" Phạm Quỳnh? nhưng nay thì lại thấy cái "đúng" thuộc về cụ Thượng Chi "Truyện Kiều còn/ tiếng ta còn..."
*2- Cuộc tranh luận Văn Nghệ ở Việt Bắc 1948: Tố Hữu và các Đồng chí của ông đã "phê phán / bài xích thơ không vần của Nguyễn Đình Thi", thậm chí Lưu Trọng Lư còn đòi đuổi NĐT ra khỏi Hội Văn Nghệ ?...nay thì lại thấy NĐT là "đúng"...
*3- Cuộc đấu tranh chống bọn phản động Nhân văn- Giai Phẩm 1956... phần thắng thuộc về Tố Hữu & các Đồng chí... nhưng nay thì xã hội lại tôn vinh / kính phục các vị Nhân Văn - giai phẩm...
  Qua các cuộc tranh luận xưa nay hình như lẽ phải/ chân lý không thuộc về "bên thắng cuộc" ?
Chao ôi, Thơ là Thơ... chỉ có Con tim người được tặng và Thượng Đế mới hiểu thấu Nó thì phải ?
    Phố Hoàng Đạo Thúy/ phường Nhân Chính (làng Nhân Mục (Mọc) xưa- quê Thi hào  Đặng Trần Côn / văn hào Nguyễn Tuân)
     Sớm 9-2-2017

    Kính: Nguyễn Khôi
READ MORE - VÀI LỜI VỚI ÔNG PHẠM ĐỨC NHÌ ... - Nguyễn Bàng + Phụ lục: Thư của Ô. Nguyễn Khôi gởi Ô. Lai Quảng Nam

DỰNG ĐU TẾT - Tạp bút của Ugno. Vn





DỰNG ĐU TẾT

Nói đến thú chơi đu thì không ai không biết bài thơ “Đánh đu” của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: “…Bốn mảnh quần hồng bay phất phới/Hai hàng chân ngọc duỗi song song…”. Thứ đu đó thường gọi là đu tiên. Ở làng tôi* thì gọi là đu chùa. Đu tiên để chỉ một thứ đu khác, chỉ dành cho trẻ nít. 
Tết năm nào, làng tôi cũng có dựng đu chùa. Gọi là đu chùa chỉ vì một lý do đơn giản là đu được dựng lên trước chùa, ngoài cổng tam quan. Theo các cụ già ngày xưa tôi nghe được, tục dựng đu chùa có từ thời làng tôi là phủ Chúa, do Đức Ông (Đào Duy Từ 1572-1634) dạy dân làm ra để cổ xúy cho một trò chơi thượng võ trong dịp Tết. Khi còn bé, sáng 30 Tết, tôi thường ra chùa xem các cụ già cùng mấy trai tráng trong làng dựng đu. Sáu cây tre là ngà thật to, thân dài và có chiều thẳng nghiêng đều nhau dùng làm trụ. Hai cây tre đực dài, thân nhỏ vừa tay nắm, chắc bền dùng làm thanh gióng đu. Tất cả được xếp ngay ngắn, xoay gốc vào chùa. Các đòn tre, thớt gỗ và nhiều cây tre khác đã đầy đủ, chuẩn bị cho buổi dựng đu. Sau lễ cúng thổ thần bằng hương hoa, trà bánh, một bô lão xuống nhát rựa khởi đầu cho đám trai tráng bắt tay vào việc. Kẻ đào hố, người chẻ lạt cật tre, người chún lạt cho dẻo; người chuẩn bị gióng đu, lèo đu (trục quay), đòn đu… làm việc rập ràng đến gần trưa thì cây đu đã sừng sững áng ngữ ngang lối vào chùa. Mấy cụ đẩy thử đu vài lần trước khi ông chủ lễ bái tạ, đốt giấy cúng, treo đu lên cột. 
Sáng mồng một Tết là lễ cúng khai trương. Lễ tổ chức từ rất sớm, trẻ con ít có đứa chứng kiến được. Xong lễ ấy, hai vị bô lão lên đu, đẩy vài vòng tượng trưng, sau đó mấy cụ chọn một đôi thanh niên đứng đắn lên đánh đu, mở màn cho hội đu chùa làng. 
Theo lệ làng tôi, đu chùa chỉ dành cho đàn ông. Tuần tự, từng cặp hai người nhảy lên đánh đu. Số còn lại đứng xem, chờ đến lượt mình. Tay người đánh đu nắm chặt thanh gióng đu ở một vị trí thích hợp để khi đứng thẳng người hay ngồi xuống đòn đu theo nhịp nhún, không phải xê dịch tay nắm. Mặt quay vào nhau, hai người ngồi xuống, đứng nhổm lên nhịp nhàng theo đà nhún thân mình uyển chuyển để đưa đu lên cao dần. Nhịp nhún phát ra khi đu đang từ vòng xuống để lấy đà cho vòng đu đi lên phía bên kia. Nguyên tắc nhún đu là khi đu xuống, hai người đu ngồi xuống, hạ độ cao trọng lượng thân thể nhanh hơn vòng đu, kéo nhanh chiều đu xuống. Khi đu lên, hai người đu đứng lên, nâng độ cao trọng lượng thân thể nhanh hơn vòng đu, kéo đu lên cao hơn. Cứ rập ràng như thế, đu cứ lên, lên mãi. Vòng đu mỗi lúc mỗi cao hơn, người đứng dưới trông rất đẹp mắt.
Một cặp đánh đu bình thường chỉ nhún đưa đu lên chừng nửa đường, lúc đó góc của con lắc do thanh gióng đu tạo ra ở lèo đu chỉ trên dưới 45 độ (Vòng quay của đu trên dưới 90 độ). Có những cặp trai tráng lực lưỡng, gan dạ, hai chàng cứ cố nhún mãi, có khi đưa đu vòng lên gần ngang lèo đu. Bên dưới, những người xem hồi hộp, yên lặng ngước nhìn lên vừa lo sợ, vừa thích thú, thán phục. Có nhiều cặp thích quá cứ nhún mãi trên đu, không chịu xuống, nhường đu lại cho người khác. Cũng có người thích đu, nhảy lên thử nhún vài vòng. Khi đu lên cao dần, sợ quá, chỉ việc đứng thẳng người, mắt nhắm ghiền, hai cánh tay vòng lại ôm chặt gióng đu. Người bạn cùng cặp đu tha hồ cố sức mà nhún. Các cặp đu ấy thế nào cũng bị bên dưới la ó chê bai.
Tôi tập đánh đu từ những ngày vừa quá tuổi thiếu niên. Khi lớn lên, nhiều năm ăn Tết xa quê, tôi cảm thấy nhớ hương vị đu chùa đến cồn cào. Một lần Tết về quê, gặp lại người bạn học năm xưa, tôi cùng anh ấy nhảy lên thử vài vòng đu ngày Tết quê hương. Vòng đu chập chờn khi mới bước lên rồi cũng được ổn định sau vài nhịp nhún theo đà lên cao. Gió mát xé hai bên tai mỗi lúc mỗi mạnh thêm. Thú nhất là từ trên cao theo vòng xuống, đu tăng tốc nhanh kéo theo tiếng gió vù vù rất mạnh. Tôi cố sức nhún mạnh, cong rập toàn thân, tạo sức cho vòng lên phía bên kia. Hai đứa chúng tôi nhún đu qua lại mấy vòng, muốn lên cao nữa nhưng nhìn xuống bên dưới thấy sợ, đành thôi.
Đánh đu là một trò chơi thượng võ nhưng cũng không kém nguy hiểm. Khi đu lên cao, thanh gióng đu quay quanh lèo đu tạo sức ly tâm lớn, đẩy người chơi đu bắn ra xa. Đu lên càng cao, hai người đánh đu như chuyển từ tư thế đứng trên đòn đu sang tư thế nằm giữa không trung. Nắm tay giữ chặt hai thanh gióng đu, đôi bàn chân trần bám chắc đòn đu là cách cần thiết người đánh đu phải giữ bằng được, nếu không, tai nạn sẽ xảy ra ngay. Ngoài ra, tai nạn cũng có thể xảy ra khi lèo đu có sự cố như lơi lỏng các sợi lạt buộc, trục quay thiếu chính xác… Cũng có trường hợp đòn đu va chạm người bên dưới xem đu, đứng áp sát đường đi của vòng đu. 
Nói thế nhưng theo lời các cụ bô lão, từ khi làng tôi có lệ đu chùa, chưa có năm nào xảy ra tai nạn vì đánh đu. Điều này tạo thêm một xác tín cho dân làng, củng cố nghi thức cúng bái thành kính khi dựng đu và tạ đu hàng năm thêm trang trọng. 
Mấy chục năm chiến tranh và thời bao cấp, làng tôi không tổ chức đu chùa trong dịp Tết. Mười mấy năm gần đây, tục này đã được phục hồi nhưng không bằng xưa. Đu dựng thấp hơn. Lớp trẻ không còn hào hứng đánh đu. Thời gian hội đu chùa rút xuống còn 3 ngày (từ mồng 1 đến mồng 3 Tết). Nhưng thiết nghĩ đây cũng là cách duy trì một nét văn hóa làng quê cần khuyến khích, cổ vũ. Mấy cụ bô lão làng tôi còn có niềm tin là năm nào tổ chức được đu chùa vui vẻ, hào hứng thì năm đó dân làng an lạc, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Hội đu chùa là thú chơi lành mạnh của các nam nhi gan dạ, là một tục lệ lâu đời ờ làng tôi. Mỗi kỳ Tết đến, trai tráng ai cũng thử đánh một vài vòng đu. Hội đu kéo dài suốt tuần Tết nhưng không lúc nào vắng người. Khi cao hứng, có các bô lão còn đặt giải cho các cặp đánh đu lên cao và nhún đẹp. Hội đu càng thêm hào hứng khi “ban giám khảo” chính là những người dự giải đã hoặc chưa nhập cuộc, cùng người treo giải chấm các cặp khác đánh đu và cùng bình phẩm, tuyển chọn. Không khí ngày Tết cổ kính trang nghiêm trước cổng tam quan chùa có cặp sanh già cổ thụ hòa quyện âm thanh của thú chơi đầy sức sống, hướng thiện của hội đu chùa, làm gần gũi và kết nối chan hòa giữa chốn tâm linh vào cõi trần thế nơi vùng quê yên ả bao đời tôi từng gắn bó. 
Ngày hạ nêu làng, các cụ bô lão có một lễ cúng tạ đu trang trọng. Đu được hạ xuống, trai tráng san lấp các hố, làm vệ sinh môi trường trả lại không gian trang nghiêm cho con đường trước cổng tam quan chùa làng có ngã tư hai trục đường chính ngang qua.
Đánh đu trở thành nét văn hóa làng ăn sâu vào tiềm thức người dân quê tôi từ ngày thơ bé cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Hội đu năm này kết thúc, người người chia tay ra về, hẹn hội đu sang năm gặp lại.


                                                                                  Ugno Vn     

READ MORE - DỰNG ĐU TẾT - Tạp bút của Ugno. Vn

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Nguyễn Thanh Lâm


      
                  Nguyễn Thanh Lâm




ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Trong không khí mùa xuân Đinh Dậu, mọi người của thế kỷ 21 này đón xuân, đón tết cổ truyền không còn thèm khát ở sự ăn mà ở sự chơi, hưởng thú vui tinh thần, không màng đến “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Nhưng tìm thú vui tinh thần đâu phải dễ dàng, bởi xã hội tình người vô cảm, âu lo và bất an nhiễm vào hồn người như một căn bệnh - căn bệnh của loài người.
May mắn thay tôi đọc được bài thơ “Thiếu nữ” của Đặng Xuân Xuyến. Bài thơ cho tâm hồn thư giãn, quên hết những bất trắc âu lo trong cõi tục trần, bài thơ như bức tranh không phải để ngắm bằng mắt mà ngắm bằng hồn. Ru hồn trong từng câu chữ và từng câu chữ hiện lên bóng hình của người đẹp - người ngọc. Ôi đã là đàn ông không biết thưởng thức vẻ đẹp của “Thiếu nữ” chẳng đáng buồn sao!
Đầu đề bài thơ là “Thiếu nữ” nghĩa là tuổi còn tơ non như hoa đương nụ, như trăng mới nhú, gái ở tuổi dậy thì. Tàng ẩn những điều kỳ diệu cho hồn tha hồ tưởng tượng, sự tưởng tượng đến bến bờ yêu say đắm và dịu ngọt trong hồn không thể cưỡng được. Đến nổi nhà thơ phải thốt lên: “Ô kìa” - “Ô kìa người ngọc giữa sớm mai”. Chữ “Ô kìa” như sự thảng thốt bất ngờ ngoài ý tưởng. Có gì khác thường, khác với thông lệ, khác với nếp nghĩ của nhà thơ. Chắc nhà thơ nghĩ rằng người đẹp sẽ phải đoan trang e lệ, “Dín gió e sương”, nhất là giữa sớm mai càng phải kín đáo hơn. Chữ sớm mai biểu thị thời gian tươi mới nõn nà của thiếu nữ. Thế mà thiếu nữ ấy: “Áo xiêm trễ nải chả chịu cài”. Một bức tranh nude cho người xem tưởng đến trường phái hội họa thời phục hưng rất gợi cảm và gợi dục. Xưa ở Việt Nam nữ sỹ Xuân Hương đã vẽ bức tranh thiếu nữ ngủ ngày rất phồn thực: “Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/… Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong”.
Bức tranh thơ của Đặng Xuân Xuyến chỉ là bức tranh phồn thực mờ, đòi hỏi sức tưởng tượng, nude nhưng mờ ảo. “Chả chịu cài” có nghĩa là có phần kín có phần hở và phải có phẩn hở phần kín mới nên thơ. Gợi giác quan cảm xúc. Chất thi sỹ cũng là ở đây, nếu hở quá lộ quá sẽ không còn thơ nữa, chính vì vậy: “Ngực nõn phập phồng ru hồn gió”. Gió bị ru hồn hay thi nhân bị thôi miên, thiếu chữ “ru hồn gió” sẽ mất thiêng, gió còn bị ru hồn thì người còn bị ru hồn hơn. Nếu nói ngôn ngữ của tuổi trẻ thì còn bị “Phê” hơn.
Nếu đổi lại câu thơ “Phập phồng ngực nõn” thì sẽ bị giảm cái hay cái thực của chủ thể “Ngực nõn”. Chẳng khác gì nói:“Hồng thắm làn môi” mà phải nói “làn môi hồng thắm” mới chính xác. Thế mới biết làm thơ như đánh cờ, như sự sắp đặt cuộc đời vậy. Đánh cờ quân nào đi trước, đứng trước, quân nào đi sau, ván cờ tình yêu - cuộc sống cũng vậy, cũng phải có luật chơi và phải hiểu luật mới chơi được. Chữ “Ru hồn gió” tạo chất say của câu thơ, tài của nhà thơ là biết điều khiển câu chữ cho hợp với đạo thơ. “Bồng đảo in hồng trong mắt ai” hay ở chữ “in hồng”. Trong mắt như có lửa - lửa của đắm say, nhưng chỉ hồng thôi mà không chói, sự đam mê vừa tới, vừa đủ. Chói quá - nhìn kỹ quá sợ làm đau bồng đảo. Cách thưởng thức vẻ đẹp bằng sức cảm của tâm hồn không trần tục thì mới là thơ.
“Trong mắt ai” nhà thơ nhìn thấy mà lại “trong mắt ai”. Lòng thi sỹ cảm giác vẻ đẹp ấy là của trời, không phải của mình, có chút gì đấy như sự “ghen”, ghen với đời, bâng quơ ghen với ai, sự ghen đáng yêu của tuổi 50 tự biết mình, tiếc cho mình!
Ôi. Trong mùa xuân khao khát niềm vui tinh thần hơn vật chất này, được thưởng một bài thơ “Thiếu nữ” - Nude như xem bức tranh bằng hồn thật đáng quý biết bao!
*
NGUYỄN THANH LÂM
Địa chỉ: Số 4, ngõ 179 Minh Khai
quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com
Điện thoại: 0984787426




THIẾU NỮ

Ô kìa người ngọc giữa sớm mai
Áo xiêm trễ nải chả chịu cài
Ngực nõn phập phồng ru hồn gió
Bồng đảo in hồng trong mắt ai.

Hà Nội, ngày 05/02/2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Nguyễn Thanh Lâm

NHƯ ĐÃ VỜI XA… - thơ Hoài Huyền Thanh

Hoài Huyền Thanh


NHƯ ĐÃ VỜI XA…

Như một thói quen
Được gặt từ năm tháng
Trên chiếc xe quèn ương bướng
Mớ thịt cá tươi xanh roi rói
Trái khổ qua đắng đót lòng tôi
Mà nào có thôi
Thêm chùm thiên lý
ớt hành ngò rí
Tôi
Một bà nội trợ chăm chỉ
tất bật làm cơm
Tay rửa sạch thơm
Lôi từ trong tủ bộ quần áo phẳng phiu
Chiếc khăn to
Chiếc khăn nhỏ
Rồi dọn bàn so đủa
Chén đã hong khô
Ngồi chờ… đứng đợi…ngồi chờ
Một tiếng còi xe quen thuộc vang xa
Thời gian đằng đẳng trôi qua
Kim đồng hồ nhích dần mỏi mệt
Đêm đã dần khuya
Khăn to khăn nhỏ ngủ gà ngủ gật
Nào ai rửa mặt lau mình
Cơm canh lạnh tanh cá kho ráo mặt
Tôi! Sao vậy tôi ơi!
Còn đâu lối về mà mong đợi mỏi mê
Đã khuất xa rồi thời thiếu nữ tươi xanh
Hơ lửa làm chi chiếc áo cũ mong manh*
Cho mắt ướt
Chạnh lòng hoa cải úa!
                 HOÀI HUYỀN THANH
                   Thềm xuân 2017

*Người phụ nữ ngày xưa hay đem áo ra hong nắng
hay hơ lửa để người đi xa nóng ruột mà trở về.


READ MORE - NHƯ ĐÃ VỜI XA… - thơ Hoài Huyền Thanh

NHẮN GỞI NGƯỜI THƯƠNG - thơ Hương Lan




NHẮN GỞI NGƯỜI THƯƠNG

Nhà em cách xa mấy dặm
Thương thì vượt núi băng đèo
Chưa chi mà anh dò dẫm
Sợ rằng sông thẳm...  cầu treo.

Quê em chốn nghèo đồng ruộng
Quanh năm suốt tháng phơi lưng
Biết rồi xin đừng chạy trốn
Hỡi trai... mang tiếng anh hùng.

Xưa nay câu truyền đã rõ
Con gái như trái cấm vườn
Cha Mạ thường hay làm khó
Quyết hái thì chớ lươn ươn.

Đến mùa hương hoa ướm mật
Thường nhật ong bướm tranh đua
Cơ duyên đến đừng đánh mất
Giận chi ai oán hơn thua.

Thời gian thêu thùa mơn mỡn
Nụ chớm ngọt ngào xuân tươi
Nhắn anh chớ đừng đùa giỡn
Trắng tay để yếm tuột rơi.

HƯƠNG LAN
(Đài Loan)  
READ MORE - NHẮN GỞI NGƯỜI THƯƠNG - thơ Hương Lan

NGÃ RẼ CỦA SÔNG / NGƯỜI BẠN MỚI QUEN - thơ Phan Minh Châu


NGÃ RẼ CỦA SÔNG
(Viết tặng thành phố Tuy Hoà mỗi lần xuân đến.)

Hơn tháng nữa thì bắt đầu giáp tết
Trời còn Đông nên cái lạnh se lòng
Anh mấy bận lại quay về chốn cũ
Hoa cải vàng rộ trắng cả bến sông
Anh từ độ tìm vào nơi đất khách
Thành phố xanh thành phố thật yên bình
Một thành phố ngày đêm nghe biển hát
Bỗng chạnh lòng khi nghĩ đến quê em
Nơi chốn cũ một thời anh đã sống
Đã lớn lên từ miếng đất khô cằn
Đất với ruộng trập trùng bao sóng lúa
Đêm với ngày nghe tiếng giục cầm canh
Đất vực dậy bao mảnh đời khốn khó
Biết đi lên bằng chính trái tim mình
Bao cần mẫn cả đời mình với đất
Hạt lúa vùng đất bổi lại hồi sinh
Bao ấm áp bao tình yêu bỏng cháy
Niềm tin yêu kiêu hãnh lạ kỳ
Không son phấn thành phố mình vẫn đẹp
Chưa kịp mời vẫn có dấu chân quen
Chiều tháng chạp mưa phùn gieo lất phất
Những làng hoa trăm sắc đuổi nhau về
Tiếng chào bán tiếng gọi mời thân thiện
Cả núi rừng sống lại một màu quê
Đêm lể hội sáng ngời ba bửa tết
Tháng giêng xanh xanh nõn trái trăng rằm
Đêm Nguyên Tiêu dòng người chen đỉnh Tháp
Tìm cho mình một góc nhỏ tham lam.
Còn tháng nữa thì bắt đầu giáp tết
Hạt nếp thơm hạt gạo dẻo Tuy Hòa
Một miếng đất bình yên và trù phú
Những niềm đau năm cũ đã đi xa
Qua năm mới… chờ tới năm mới nữa
Ta mong sao chốn cũ thật yên bình
Cành mai nõn cả đời mang lộc biếc
Lên Tuy Hòa mảnh đất đã hồi sinh.

PHAN MINH CHÂU


NGƯỜI BẠN MỚI QUEN

Hôm nay đã là mồng mười tết
Hoa đã tàn hương nhuỵ thẫn thờ đi
Bao ấp ủ cả năm trời xứ bạn
Đến hôm nay coi lại chẳng ra gì
Ba ngày tết hết đau rồi lại bịnh
Huyết áp cao chóng mặt với đau đầu
Con với cái cũng về quê chúc tết
Còn vợ thì... Bỏ đó một mình tôi
Toi lạc lõng một mình tôi muốn khóc
Nằm chèo queo như lữ khách không nhà
Trưa đói bụng tìm đường ra quán chợ
Kiếm chút gì để lót dạ cầm hơi
May tôi cũng vừa quen người bạn tốt
Đang ấm lòng trên miếng đất Caly
Người ấy cũng đã một thời lận đận
Chuyện chồng con có đó... Chẳng ra gì
Cứ rãnh rỗi tôi vào phây thăm hỏi
Hoặc chuyện trò bất kể sớm hay đêm
Bạn đem nốt nỗi buồn ra rao bán
Mình tôi mua giấu kỷ ở phương này
Đôi lúc nhớ về mùa xuân cố quận
Nhớ con đường một xóm nhỏ mưa rây
Ba ngày tết năm nay buồn thấy lạ
Nằm trùm mền thưởng thức hạt mưa bay
Xuan đất mỹ hay là xuân đất việt
Buồn hay vui cũng đó trái tim mình
Cảm ơn bạn cho những lần thăm hỏi
Khi nằm đâu đó đợi hồi sinh
Thôi chúc bạn hôm nay Đà hết tết
Ga ngoài kia đã rục rịch còi tàu
Thiên hạ lại tháng năm dài bận rộn
Kiếm ít đồng vui tiếp cái xuan sau
Chợt nhớ bạn viết đôi dòng thăm tết
Bên này trưa bên đó chắc khuya rồi
Thôi chúc bạn đêm này đừng trỡ giấc
Nụ hoa vàng cứ ngát buổi đầu xuân
            Phan Minh Châu
             Nha Trang
            0911731270



READ MORE - NGÃ RẼ CỦA SÔNG / NGƯỜI BẠN MỚI QUEN - thơ Phan Minh Châu

THÁNG GIÊNG VỚI HUẾ / MẸ ƠI! - Thơ Đoàn Vũ

Ảnh tác giả



Đoàn Vũ


THÁNG GIÊNG VỚI HUẾ


Ngày về với Huế… như mơ!
Trăng còn dan díu bên bờ*… với ai?
Dòng sông đằm thắm giêng, hai
Chạnh lòng hoài cổ đền đài Kinh đô



Vịn thời gian, níu tuổi thơ
Cũng may mai nụ đứng chờ hiên xuân
Trông vào cỏ giấu bâng khuâng
Giêng**… ai khe khẽ gót chân phiêu bồng?



Tựa vào cỏ chạm hư không
Dốc chiều đứng đụng mênh mông hơi chiều
Tháng giêng dáng Huế yêu kiều
Ngọc lan mướt nụ chắt chiu hương thầm



Ta người lữ khách trầm ngâm
Ngập lòng hoài cổ… phù vân nỗi chờ?
Nghiêng chiều rót nắng vào thơ
Tím màu thương nhớ mờ mờ nẻo xa…



Cút côi mình mỗi mình ta
Ráng chiều nấn ná la đà sắc không
Chuông chùa ngân … rát cõi lòng
Tháng giêng với Huế… còn không?... một người!



*: Bờ sông Hương.
**: Tháng Giêng.



MẸ ƠI!


Ngỡ gần… ngày con về quê
Hóa ra xa vắng tứ bề quạnh hiu
Nén nhang run lạnh bên chiều
Mẹ ơi!... biết gọi bao nhiêu cho vừa?!








Đoàn Vũ: Hội viên Hội Văn Nghệ Bình Thuận.
Đ/C: 48 Trần Hưng Đạo, thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận.
ĐT: 0915748434.


Email: vudoan0102@gmail.com.




READ MORE - THÁNG GIÊNG VỚI HUẾ / MẸ ƠI! - Thơ Đoàn Vũ

LỤC BÁT THÁNG GIÊNG - Thơ Nhật Quang



                        Nhật Quang


LỤC BÁT THÁNG GIÊNG

Cánh mai rơi xuống bên thềm
Năng vàng vạt mỏng nghiêng mềm tóc thơm
Xuân còn vương nhánh hoa đơm
Nguyên tiêu dệt mộng tình ươm đắm nồng

Giêng hai trời dải mây hồng
Tình thơ vương vấn, ru lòng ngát say
Hoa xoan tím nhẹ gió lay
Trăng xuân man mác, ủ đầy hương xưa

Dìu vần Lục bát đong đưa
Bên nhau đêm hội say sưa men tình
Xuân rằm soi dáng lung linh
Tháng giêng quyện bóng với hình đôi ta

Em ngâm một khúc ngân nga
Thơ anh bỗng hóa lời ca diệu vời
Đoan trang, em đóa hoa ngời
Cho anh ngây ngất giữa trời xuân say

Hồn thơ em thả vào mây
Nguyên tiêu anh nhặt gom đầy ứơc mơ...
                    
                                      Nhật Quang
                                        (Sài Gòn)

READ MORE - LỤC BÁT THÁNG GIÊNG - Thơ Nhật Quang

VỀ TRƯỜNG XƯA - Thơ Sĩ Chương



             Tác giả Sĩ Chương



VỀ TRƯỜNG XƯA

Nhiều lần ta tự hỏi
Bạn Bè giờ ở đâu
Ngày chia tay Duy Hiệu
Lưu luyến như tình đầu

Bạn về quê Đại Lộc
Bạn xuống nơi Cẩm Hà
Qua rồi mùa chinh chiến
Còn ai Người nhớ Ta

Bao nhiêu năm xa cách
Mỗi người đi một phương
Dù dòng đời mưa bão
Vẫn không quên tên trường 

Có lần về Vĩnh Điện
Ghé thăm mái trường xưa
Ngỡ rằng rong rêu phủ
Không ngờ mới hơn xưa

Cây phượng già còn đó
Cành lá vẫn đong đưa
Bạn bè không một đứa
Để Ta buồn dưới mưa

Bước chân qua cầu Vĩnh
Dòng nước trôi lững lờ
Trống tan trường lên tiếng
Tà áo dài lơ ngơ
Bay bay chiều mây tím
Phố Vĩnh chìm vào thơ.

                 Sĩ Chương

READ MORE - VỀ TRƯỜNG XƯA - Thơ Sĩ Chương