Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 24, 2018

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ BÀ HUYỆN THANH QUAN





QUA ĐƯỜNG

đi mãi đường cũng mòn

phá mãi núi cũng lở

đốt mãi rừng cũng tan

tù mãi thân cũng khỏ

phụ nhau lòng không nỡ

nhưng không thể không làm

ăn mãi nhà cũng lở

nghèo mãi vẫn còn ham

sừng sững núi Hồng Lĩnh

ngoằn nghoèo giải sông Lam

một vùng muối biển trắng

kéo lê kiếp cơ hàn

đang nghèo qua đèo Ngang

đọc Bà Huyện Thanh Quan

nhà rợ chênh vênh núi

khói cơm bốc lưng ngàn

cô hồn bao lam lũ

thơ thẩn nơi hoàng thành

tà dương nơi điếm cỏ

cung miếu tiếng đàn tranh

những tích xưa điển cũ

nhắc nhủ lúc lâm hành



mây trắng ngàn năm mây trắng bay

đèo Dọc rồi Ngang lẩn vào mây

thời trước thì chiến tranh Chiêm Việt

Trịnh Nguyễn tiền oan ở chốn này

Tây Sơn Gia Long vừa chấm dứt

một chốn Hoành Sơn mảnh đất gầy

lác đác sườn non vài dã thú

lềnh bềnh ven biển chiếc thuyền cây

ta là phu tử đi qua đó

Đồng Hới Động Hời bóng xế tây

biên giới xa xưa chừ xóa bỏ

không Chàm chi nữa một trời mây



THĂNG LONG HOÀI CỔ

Ngàn mai lác đác chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà
                   (Bà Huyện Thanh Quan)

trấn bắc hành cung gạch dãi dầu
đi bộ suốt đời chân mỏi đau ?
hồi chuông kim cổ vang đáy ruột
lớp sóng phế hưng ngói uá màu ?
cảnh cũ người xưa tàn mây khói
ngẩn ngơ biển rộng rẫy nương dâu ?
đầm đầm ngọn lá đầu thu muộn
ô toả non tây ? bạc mấy đầu ?
dặm liễu phất phơ miền hoang dã
lòng quê chậm bước bước về đâu ?


NHỚ NƯỚC ĐAU LÒNG

nhớ nước con quốc kêu cuốc cuốc
nhớ nhà con chim gia kêu gia gia
ta đứng chốn này khóc khô nước mắt
nhìn hoài hòai nơi đất mẹ quê cha
bà Huyện đi dăm ngày về co quóc
qua đèo Ngang qua Thuận Hóa thời xưa
đất nước khó khăn toàn thung với lũng
toàn núi cùng đồi vươn ra đảo Hoàng Sa
kinh thành cổ vẫn mái nhà ngói đỏ
vẫn nội thành cây cỏ lá chen hoa
cung miếu triều xưa giờ đổi khác
thời gian ơi xóa mất mấy canh gà ?
cỏ dại che mờ đường quan lộ
chiều tà bóng núi ngả xa xa
thương nước cũng đành dằn nơi bụng
thương nhà toàn bão táp phong ba
hờn thiêng sông núi vang đâu đó
một dãyTrường Sơn bụi bay nhòa
dừng chân góc núi nhìn ra biển
sóng ba đào vỗ mãi Khúc Hận Ca


ĐÈO NGANG

cả tháng nay trời chớm vào hè
hương đồng mưa lệch dưới lùm tre
người đang nằm khểnh nơi hẻm núi
chan hòa gió thổi 1 giòng khe
bước tới đèo Ngang bóng xế tà
ngươi về bà Huyện bước trong mưa
dặm hòe cô lẻ nơi Thuận Hóa
rải rác đồi nghiêng rợ mấy nhà
thôi đành mỏi miệng con quốc quốc
chuông sớm mủi lòng cái gia gia
người về hay người còn nán lại
cõi ngoài rêu đã phủ phên thưa
đèo Ngang chắn nẻo Hoành Sơn cũ
bà Huyện đương tim dấu vết xưa
cảnh cũ liu điu thung với lũng
cố nhân giờ đã tếch trong mù
khách đi qua đó chồn chân lại
chạnh niềm cố quận buổi can qua
niềm đau còn nặng trong tỳ phế
ngẩn ngơ bảng lảng mấy canh gà?
mình cây nắng nhuộm ở phương mô
bà Huyện ngó hoài rặng liễu đưa
cung miếu triều xưa hồn thu thảo
hồn thiêng sông núi ở phương nào ?
-
bây giờ thiên hạ đang ngủ cả
Bà Huyện nhớ quê thức trên đèo
1 giải Hoành Sơn chia thiên hạ
thảo nào khúc khủyu lắm gien nan
nghe hoài o thấy chi cuốc cuốc
tìm hoài chả thấy cái gia gia
cung miếu triều xưa hoang cùng phế
lay lắt ven sông mấy rặng dừa


BA HUYỆN THANH QUAN

con chim quốc nhớ nước kêu cuốc cuốc
con chim da da nhớ nhà kêu gia gia
ta nhòm bờ bãi đông tây nam bắc
chả chốn nào quê hương ? chả chốn nào nhà ?
nơi đèo Ngang (đang nghèo) bà Huyện đi qua
chôn Động Hời xưa mồ mả Chămpa
giờ hiu quạnh lờ mờ toàn sương khói
nhà rợ nghiêng nghiêng bóng xế tà
bà Huyện trên quan lộ về Thuận Hóa
cung miếu triều xưa rủ bòng cờ
lau sậy mọc hoang ven đường quan tái
chung nỗi lòng người với xót xa
lác đác nom sông thuyền vài lá
sóng lan man vỗ mãi lên bờ
người xưa giờ đã về qui ẩn
gió lào thổi mãi nỗi can qua
-
mỗi năm Bà Huyện về thăm nhà
nơi này đang nghèo nghèo xót xa
qua Quảng Bình Đèo Ngang rồi Hà Tĩnh
núi sông thấm mệt nét can qua
bà ra rồi bà lại vào
Hoành Sơn Nhất Đới tự thủa nào
thiên thư để sẵn cho nhà Nguyễn
xưa rầy chừ ? chỉ thế sao ?


LẠC ĐƯỜNG (BHTQ)


lạc đường theo chó
lạc ngõ theo trâu
con chó có bờ hè để ngủ
con trâu có chuồng tới tối về
bao năm ta có quê để ra đi
có nước thì ra khỏi nước
Thục đế thác đi hoá thành chim quốc
kêu suốt ngày suốt tháng suốt năm
bây giờ ta có nhiều thứ hồi âm
mà cầm bút chống cằm viết chả nổi
cũng chả còn nhìn thấy con thuyền
dong buồm về Pắc Hổi
phiá đông biển Hai Nàm
ta vẫn chiều chiều ngó mãi về trung
bên kia Thái Bình Dương rặng dừa vẫy gọi
chả lẽ làm mỏm nuí phiá tây đứng đợi
bụi tàn canh gió lốc cuối trời
quê hương chừ 1 chốn đôi nơi
đất mầu mỡ để cho ngươi chia cắt
nay phần đất phần núi đồi phần thác
sông liền sông liền giải giả từ ta ?
những miền đồng rừng đất mẹ quê cha
nay được chuyển tên nhập vào Trung Quốc
tỉnh Lạng Sơn đâu còn thác Bản Giốc
thác quanh năm đổ nước xuống nuôi ngươì
ta chốn này gọi lớn Việt Nam ơi ?


bước tới Đèo Ngang đã hết ngày
Hoành Sơn Quan trụ ở nơi này
ngày xưa biên giới Chăm-  Đại Việt
bây chừ tảng đá vẫn còn đây ?
ngó quanh nào thấy gia gia cuốc
mà khói cùng mây vẫn toả đầy
Trịnh Nguyễn còn ghi dầy dấu tích
hương trầm hương quế thoảng đâu đây


CHIM VIỆT

mặt phàm giọng hát nam bình
thâm khuê công chuá Huyền Trân thở dài
cơ trần giọng hát nam ai ?
Chế Mân trăn trở về hai cõi bờ
nước non nghìn dặm lờ đờ ?
tình yêu đích thực! nhấp nhô tuyệt vời !
một năm cưả bể ngọt bùi ?
tây phương cực lạc canh dài đa mang
Việt Chàm một chiếc thuyền nan


LUNG LAY 

lung lay là bệnh của trời
mịt mờ mê gái bệnh ngườ mần thơ ?
thiên san úp xuống cái lờ ?
bắt con cá nghạnh lên bờ nấu chua
mây qua rặng núi đã trưa ?
bệnh thi nhân lắm bệnh chùa bà đanh
yêu nhau cũng để hành thân ?


                          Chu Vương Miện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ BÀ HUYỆN THANH QUAN

ĐỌC BA BÀI THƠ NGẮN CỦA ĐÌNH ĐĂNG - Châu Thạch



                          Nhà thơ Trương Đình Đăng


ĐỌC BA BÀI THƠ NGẮN CỦA ĐÌNH ĐĂNG 


Nhà thơ Đình Đăng tên thật Trương Đình Đăng,  còn có bút danh Đăng Sơn, Phương Ngữ.  Ông sinh năm 1933 quê ở Triệu Phong Quảng Trị. Hiện trú tại Đà Nẵng. Đình  Đăng là một thi hữu huynh trưởng. Huynh trưởng về hai phương diện. Nhà thơ đang ở độ tuổi bát tuần, phong cách sống và phong cách thơ được văn thi hữu mến phục và  văn thi đàn mến mộ nhiều. Thơ của ông suy nghiệm sâu xa về tình yêu và triết lý  sống, có cái nhìn tỉnh táo  và công bình để phán xét những sự kiện xảy ra giữa đời thường. Tài sản thơ của ông rất đồ sộ nhưng phần công bố trên báo chí thì ít, vì bản tính nhà thơ thích nhàn hạ tiêu dao, vui với mình với đời bằng vần thơ thanh nghị hơn là xông xáo trên diễn đàn vì cái danh vọng. Để viết tường tận về thơ Đình Đăng thì không thể nghiên cứu ngắn ngày và viết trên một vài trang giấy mà được. Châu Thạch tôi vốn là cây bút nghiệp dư và viết cảm nhận thơ tùy hứng, nên trong khuôn khổ bài viết nầy, chỉ  xin đề cập đến ba bài thơ chữ ngắn của ông. Chữ ngắn nghĩa là câu thơ  ít chữ và bài thơ cũng ngắn.
Bài thơ thứ nhất:

TÌM
Thế gian
ai khóc
ai cười
Ta ngồi đây
với quanh đời
nhiễu nhương.
Từ em
lạc giữa vô thường
Ta như cỏ dại
gió sương
võ vàng.
Đâu trần tục
đâu thiên đàng
Biết tìm đâu
giữa dối gian
cõi người ?
       7/2011

Đọc “Tìm” ta thấy nhà thơ không chỉ cô đơn vì vắng em mà còn mang một nỗi cô đơn lớn hơn nữa, đó là nỗi cô đơn giữa “cõi người”. Bài thơ dễ dàng cho ta hiểu cái ý của nó nhưng khó khăn cho ta đồng cảm với niềm đau tình yêu và niềm đau nhân thế ở một tâm hồn lớn đang sống giữa hiện thực. Những ai thấy đồng cảm, lòng xót xa vì tiếng thơ nầy thì người đó cũng mang chung với tác giả một tâm sự buồn tình và buồn đời. Tình trong “Tìm” của tác giả Đình Đăng không chỉ là thứ tình nam nữ hay vợ chồng đơn thuần mà còn một thứ  tình  đồng điệu của hai người tri kỷ sống giữa cuộc đời biến động.  Bởi thế, khi nhà thơ ngồi nhìn “ai khóc/ ai cười/Ta ngồi đây/với quanh đời/nhiễu nhương” thì ông không nhớ đến bạn bè, đồng đội hay đồng chí mà ông lại nhớ người phối ngẫu của mình trước hết. Tôi biết “em” ở đây là người vợ thân yêu của nhà thơ. Bởi vì ai gần gủi với tác giả đều cảm phục một giai thoại tình yêu tuyệt vời của vợ chồng ông. Bài thơ cho ta thấy rõ ràng tác giả là người bất đắc chí. Nhà thơ đã ngồi đó,  nhìn biến động quanh mình một cách vô vọng, đến nỗi dễ dàng nhầm lẩn vì không biết “Đâu trần tục/ đâu thiên đàng/ Biết tìm đâu/ giữa dối gian/ cõi người?” “Cõi người” đánh dấu hỏi có nghĩa là “có phải cõi người hay không?”, hay đó là cõi ma, cõi quỹ. Đọc bài thơ “Tìm” ta thấy ở đó một tiếng thở dài. Tiếng thở dài đó không phải chỉ của một người nhớ vợ, không phải của chỉ một nhà thơ tức cảnh sinh tình, mà đó là một tiếng thở dài của một bậc trí giả với hai nỗi đau chất chứa trong lòng, nỗi đau cô đơn vì người vợ thân yêu, người tri kỷ duy nhất trong đời đã mất, và nỗi đau lạc lõng trước bao nhiêu biến động dối dang và nghịch lý xảy ra quanh ông. Đọc “Tìm” của Đình Đăng không hiểu vì sao, tự  nhiên tôi nhớ đến cụ Phan Bội Châu thả đò một mình trên sông Hương của xứ Huế đất thần kinh!!!
Bài thơ thứ hai:

TƠ CHIỀU
Cố gỡ
sao lòng mãi rối tơ
Bờ mê
bến giác
trắng sương mờ
Nằm nghe
âm vọng ngoài vô tận
Lắng tiếng ru đời
đắng giọt thơ !

Đọc bài “Tơ Chiều” ta hiểu thêm tâm trạng của nhà thơ và ta dễ dàng sâu nhiệm thêm với những gì chất chứa trong bài thơ “Tìm” ở trên. “Tơ chiều” là nỗi niềm rối ren chất chứa trong lòng tác giả, nhưng lòng tác giả và vũ trụ đồng nhất thể nên tơ chiều ấy cũng trùm lên cả vũ trụ. Bài thơ có nhưng từ “Bờ mê”, “bến giác” nhưng chắc chắn không phải là một bài thơ Thiền hay bài thơ về triết lý nhà Phật. Bài thơ cũng  không phải để bày tỏ sự rối ren trong cuộc sống giao tiếp xã hội. Đây là sự bâng khuâng của một kiếp con tằm giăng tơ, của một tâm hồn thi sĩ mà Thương Đế ban cho ân tứ ấy để làm thơ cho đời. Không Tử nói “Ngũ thập tri thiên mệnh” nghĩa là người có tuổi từ 50 trở lên thì có thể biết được đạo lý, nhận ra giá trị của cuộc sống và phân biệt được đúng, sai trong cuộc sống nhở tri được cái luật của Tạo Hóa. Nhà thơ Đình Đăng đã quá tuổi tri thiên mệnh trên ba mươi năm, không lý gì ông còn rối ren về đạo lý, về sự đúng sự sai ở đời. Vậy mà ông “Cố gỡ/ Sao lòng mãi rối tơ”. Vậy mà ông không phân biệt được “Bờ mê/ bến giác” để thấy nó như trong “trăng sương mờ’ nghĩa là như một bầu trời trong ảo giác . Ông gọi sự rối rối đó là “Tơ chiều”. Vậy “Tơ chiều” là gì? không gì khác là câu hỏi to tướng về cái xấu diễn ra trước mắt. Nhà thơ Đình Đăng thấy được cái xấu, phân biệt được cái xấu đó nhưng không hiẻu vì sao khi nhìn ra xã hội, ông thấy con người không từ bỏ nó mà đam mê như một con thiêu thân lao vào lửa. Ở tuổi về chiều nhà thơ càng sâu nhiệm thêm về đạo làm Người được viết bằng chữ hoa, thì ông lại ngao ngán trước sự lọc lừa, đổi trắng thay đen, vô đạo lý mà ông thấy được. Nhà thơ “Nằm nghe/ Âm vọng ngoài vô tận” nghĩa là nghe được tiếng của thiên nhiên, của vũ trụ, của Thượng Đế hay đúng ra là am hiểu tiếng của chân lý dội trong linh hồn mình. Và khi nghe được tiếng chân lý đó, nhà thơ đem nó so sánh với đời thì đành cay đắng mà thốt kêu lên “lắng tiếng ru đời/ đắng giọt thơ!   
Bài thơ tuy ngắn nhưng chất chứa một nan đề của loài người, nó là một suy tư nằm ngoài các con đường mòn của các triết lý các tôn giáo, nêu lên một sự thật dối gian, ngụy tạo, lẩn lộn giữa chính và tà, giữa sa-tan và thần thánh trong kiếp nhân sinh, làm cho thơ vốn là nguồn chân lý trong sáng vô biên cũng phải đắng cay.
Bài thơ thứ ba:

TRƯỚC BIỂN
Nắng rang
cát bỏng trưa hè
Dã tràng xe
dã tràng xe...
sóng dồi
Gẫm mình
rồi cũng thế thôi
Bao năm xe cát
để rồi cát chôn .
Xác thân
lại trả càn khôn
Bao la vũ trụ
rong hồn phiêu du !
                7/1011

Chuyện Dã Tràng xe cát là chuyện cổ tích ngụ ngôn, mục đích để răn dạy người đời không làm những việc vô ích, không có kết quả gì. Tác giả đứng trước biển bao la, nhìn con Dã Tràng xe cát mà liên nghĩ đén thân phận con người cũng phù phiếm như con Dã Tràng kia, gian lao khổ cực bao năm rồi cũng ra đi, tan vào trong cõi hư không. Đây là một suy tư yếm thế về thân phận con người mà không ai tránh được khi đứng trước sự bao la của vũ trụ thấy mình nhỏ bé và ngắn ngủi đời người. Nhà thơ Đình Đăng tuổi đã cao, suy nghiệm của ông về lẽ thường tình mà thế gian đã thấy có chiều hướng tích cực hơn trong sự yếm thế đó. Nhà thơ cho rằng xác thân ta sẽ trả lại càn khôn nghĩa là trở về với bụi đất vô tri nhưng linh hồn thì phiêu du trong cõi bao la vũ trụ. Quan niệm này gần với Lão giáo, lắng đọng linh hồn con người vào cõi thanh tịnh thật của nó, hòa nhập với thiên nhiên , vô vi cùng trời đất, không cần phải tu tập, cầu nguyện tôn vinh ai vì tất cả đó chỉ là động mà thôi, mà động là đi ngược lại lẽ huyền vi có sẳn, tồn tại giữa thiên nhiên.
Đọc ba bài thơ ngắn của Đình Đăng, tâm hồn ta không thấy ủy mị bởi niềm đau “khổ đế”, không thấy chán đời bởi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc thế, mà cũng không cảm thấy cần phải có một niềm tin tôn giáo cho đời. Thơ ông chất chứa một sự suy tư của chính ông, trình bày những rối ren thực tế trong cõi người, đặt vào tâm hồn mỗi người đọc thơ sự cảm nhận những phủ phàng không phải không lý giải được trước cuộc đời, trước xã hôi thực tại và nhìn nó, chấp nhận sự rối ren của nó,than van thì có nhưng oán trách thì không . Thơ ấy không làm cho tâm hồn ta rung động trong cảm thức khoái lạc nhưng làm cho ta cảm thấy mình lớn hơn, cao hơn và sâu sắc hơn trong cuộc làm Người.

                                                                Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC BA BÀI THƠ NGẮN CỦA ĐÌNH ĐĂNG - Châu Thạch

HÉ MỞ CÁNH CỬA BẾN ĐỖ CỦA TỨ THƠ - Phạm Đức Nhì

     
             Tác giả Phạm Đức Nhì



HÉ MỞ CÁNH CỬA BẾN ĐỖ CỦA TỨ THƠ


Được Mời Đọc Bài Thơ

Tôi kết bạn FB với Hà Ngọc đã khá lâu, biết cháu còn độc thân, làm việc ở Hà Nội, gia đình ở Yên Bái.
Cách đây vài tuần tôi đọc một bài thơ khá hay của cháu và có trao đổi góp ý với cháu qua hộp nhắn tin, đại ý tin nhắn là: Vần liên tiếp là ưu điểm lớn nhưng số chữ trong câu nên thay đổi với biên độ rộng hơn, sẽ dẫn đến sự thay đổi nhịp điệu của bài thơ, độ ngọt sẽ ở mức thoang thoảng, vừa phải, bài thơ đọc lên nghe “đã” hơn.
Hà Ngọc lắng nghe và vui vẻ chấp nhận ý kiến của tôi. 

Nhân tiện nói về sự thay đổi biên độ của số chữ trong câu của bài thơ, cháu mời tôi đọc bài thơ Thơ Không – Không Thơ cháu vừa viết khuya hôm trước.
Xin được trích dẫn trọn vẹn bài thơ tại đây:

THƠ KHÔNG- KHÔNG THƠ.

Hà Nội đổi trời.
Lá lạnh
Gió bay

Yên Bái mưa, cả tuần chưa tạnh
Đường nằm trên cổ đồi,
Xe máy muốn đi phải cài số một
Cổng nhà ai, đón dâu, trấu phải rắc dày

Hà Nội căm căm
Cuồng thổi
Người bay
Phố quanh co, phố đầy mưa bụi
Nhiệt độ giảm sâu.
Quê mình đêm nay rét xói
Lưỡi giá khùa vào gậm sàn, khùa qua vách liếp
Vật chết trâu, dê.
Hà Nội
Khuya
Đèn màu
Ai co ro mái hiên,
Ai lụi cụi vỉa hè

Yên Bái
Tinh mơ
Người thay trâu phì phò kéo bễ
Bắc mạ

Có một vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa
Những biệt phủ đèn giăng trong mưa
Như những con mắt mù màu
Chớp
Chớp.
Hà Ngọc 8.1.2018.

Đi Tìm “Cái Gì Đó” Của Bài Thơ

THƠ KHÔNG- KHÔNG THƠ của Hà Ngọc có vóc dáng dễ thương, sáng sủa mạch lạc, số chữ trong câu đổi thay tùy tiện, chứng tỏ tác giả rất ung dung thoải mái bày tỏ ý nghĩ, tâm trạng của mình. Vần liên tiếp, gieo không theo một lề luật nào nhưng vị ngọt của thơ rất “vừa miệng”, câu thơ, đoạn thơ liền mạch, tứ thơ và cảm xúc chảy thành dòng.
Đọc xong đoạn cuối của bài thơ, tôi đoán tác giả sử dụng thủ pháp Show, Not Tell để ám chỉ “cái gì đó” nhưng đã không cung cấp (Show) đủ dữ kiện và người đọc đã không thể men theo đó để tới “cái gì đó” được.

Tôi nhắn tin hỏi thì được cháu trả lời:

“Có một vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa

là cháu nói đến một quan chức vừa phạm tội. Đã phạm tội, thì phàm là quan chức hay dân thường đều phải chịu tội trước pháp luật, nhưng nhờ vị quan chức này mà Yên Bái cháu mới có đường cao tốc, cháu mới được đi về với mẹ thường xuyên, người dân đỡ khổ, nên cháu xót.”

Có câu trả lời này tôi quay lại bài thơ và thấy quả thật tác giả đã chuẩn bị thế trận để giới thiệu “đường cao tốc” Hà Nội – Yên Bái, dĩ nhiên có bóng hình của vị quan chức đó ẩn hiện ở phía sau con đường. Bài thơ có 5 đoạn thì ngoại trừ đoạn kết, 4 đoạn đầu cứ liên tục “chạy” Hà Nội – Yên Bái – Hà Nội – Yên Bái. Rất tiếc sự nối kết ấy còn quá mờ nhạt để dẫn người đọc đến chỗ tác giả mong muốn.

Tôi góp ý: (Câu nhát gừng kiểu nhắn tin Facebook):

Không có dữ kiện để người đọc liên tưởng
Cho họ một chút manh mối
Đó là bổn phận của tác giả.

Hà Ngọc trả lời:

Cháu chỉ cần sửa cho rõ ý hơn chỗ “vì sao rơi” thôi chú ạ.

Nhưng sau đó không thấy cháu sửa; bài thơ trên trang FB của cháu vẫn còn nguyên hình hài cũ. Và với cái hình hài ấy thì những người đọc khác dù có giỏi đoán cũng khó mà biết được tác giả đề cập đến ai và về vấn đề gì.

Ở đây tôi không bình thơ mà chỉ bàn đến quan hệ giữa thi sĩ và người đọc. Thi sĩ trước tiên có bổn phận phải hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ, phải dẫn người đọc đến tứ thơ. Trong trường hợp Thơ Không – Không Thơ chức năng truyền thông của bài thơ đã thất bại.
Với thế trận ấy nếu cánh cửa đến với tứ thơ được hé mở thêm tý nữa để người viết và người đọc có sự giao cảm, tôi tin bài thơ của Hà Ngọc sẽ được nhiều người yêu thích, đặc biệt là cư dân Yên Bái.

Đi Thẳng Hay Đi Vòng?

Làm thơ có 2 đường: Đi thẳng và đi vòng. Đi thẳng là nói thẳng vào điều muốn nói, có nghĩa là Tứ với Ý là một. Đi vòng có 2 cách:

1/ Ẩn dụ: Nói cái này mà ngụ ý cái kia - Tứ là cái này, Ý là cái kia.
2/ Show, Not Tell: Không nói thẳng mà cung cấp thông tin để người đọc dựa vào đó, nương theo đó hiểu được ý mình muốn nói.

Dĩ nhiên, đi thẳng dễ hơn đi vòng. Đi thẳng giống như đánh bài cào, ngửa mặt nút lớn, nút nhỏ là biết ăn thua. Đi vòng - giống như chơi xì phé, phải để ý, theo dõi con bài tẩy và phải chờ khi lật con bài tẩy lên thì mới biết kết quả. Đi vòng có cái lợi là làm cho người đọc khoái hơn, đọc hứng thú hơn nên thi sĩ có tay nghề kha khá thường chọn cách này.

Kết Luận

Người thưởng thức thơ sành điệu đều biết ẩn dụ càng kín bài thơ càng hay; với Show, Not Tell dữ kiện cung cấp càng ít lúc hiểu ra niềm sảng khoái càng cao. Nhưng coi chừng “già néo đứt dây”. Ẩn dụ kín quá đến mức người đọc lắc đầu là bài thơ thất bại. Thi sĩ áp dụng Show, Not Tell mà Show “kẹo” quá khiến người đọc giơ tay đầu hàng vì không thể Tell được thì bài thơ cũng vứt đi.

Làm thơ, tâm trạng là của mình, chỉ cần biết đến mình. Nhưng bày tỏ tâm trạng để người đọc hiểu mình, (có thể) đồng cảm với mình thi sĩ phải hé mở cánh cửa đến bến đỗ của tứ thơ. Đó là chức năng truyền thông của thơ. Không có nó bài thơ sẽ chết.

Phạm Đức Nhì

READ MORE - HÉ MỞ CÁNH CỬA BẾN ĐỖ CỦA TỨ THƠ - Phạm Đức Nhì

MỘT CÁCH BÌNH THƠ, THẨM THƠ NGY LỘC "CHÉN THƯƠNG ĐAU" - Nguyên Lạc


        
                   Tác giả Nguyên Lạc



MỘT CÁCH BÌNH THƠ
THẨM THƠ NGY LỘC - CHÉN THƯƠNG ĐAU 
*
 VÀI Ý NGHĨ VỀ BÌNH THƠ

- Muốn phê bình sâu sắc một bài thơ thường ta nên tìm hiểu rõ cuộc đời của tác giả qua lý lịch, qua cảc bài viết, hồi ức, các bài thơ đã đăng. 
- Là thơ Việt, người bình phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, "ý tại ngôn ngoại" của bài thơ
- Người bình thơ cũng nên học hỏi thêm để biết vài thủ pháp về thơ, biết sơ lược về cách phân tách ngôn ngữ cần thiết cho sự bình thơ; vì nếu chỉ bình theo cảm tính thì e bài bình không được chính xác, đầy chủ quan và có nhiều khi vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực đến bài thơ. 
- Bình mà chưa gì người đọc đã đoán trước nhà binh thơ sẽ khen bài thơ thì không nên. Phải bình như thế nào để tránh cho người đọc phát biểu:  - Chưa đọc bài bình cũng biết trước bài thơ này sẽ được khen thôi!
- Người bình thơ nên nhớ rằng không cứ phải giới thiệu bài thơ  nào cũng khen 100%. Một bài thơ hay như thế nào đi nữa cũng phải có một khuyết điểm nhỏ cần nêu ra cho chính xác, cho cân bằng giữa ưu và khuyết. 
Bình bài thơ nào cũng  khen đôi khi đưa đến phản ứng nghịch (side effects) đối với những độc giả khó tính:  _ Chê độc giả NGU, không biết thưởng thức, phải cần nhà bình thơ lựa thơ và giải nghĩa giùm. Hãy để độc giả tự tìm và tự thưởng lãm, đừng chỉ dạy!
- Cách cảm nhận của người bình vẫn chủ quan, chưa chắc hoàn toàn đúng. Đừng như nhà khoa học sau đây nghiên cứu về con cào cào (châu chấu):

"Nhà khoa học  bắt con cào cào bỏ lên bàn rồi vỗ bàn một cái, con cào cào phóng đi. Ông vội vàng gục gật đầu,ghi ghi...
Lần kế, ông ngắt râu cào cào và vỗ bàn, cào cào phóng đi. Ông lại ghi ghi, nhíu mày suy tư...
Hôm nọ nhà khoa học ngắt 2 càng (chân lớn) con cào cào rồi cũng vỗ bàn một cái: Con cào cào vẫn nằm tại chỗ. Ông vỗ thêm một lần nữa, cào cào vẫn nằm im...
Ông với la to lên:
- Tìm ra rồi, tìm ra rồi...
Đây là PHÁT KIẾN VĨ ĐẠI của ông ta:
"Con cào cào trở nên ĐIẾC khi bị mất hai càng"

Nhà bình thơ đừng nên cho rằng chủ kiến riêng mình là luôn đúng.
- Cũng đừng đóng "hòm" trước rồi chặt chân xác chết cho vừa cái "hòm". Có nghĩa là đừng đưa ra tiêu chí chủ quan riêng mình rồi ép bài thơ được bình phải hợp theo. Không nên áp đặt như vậy

THỬ BÌNH MỘT BÀI THƠ

Xin được áp dụng những ý nghĩ trên bình thử  bài thơ sau đây để làm rõ ý.
Xin các bạn xem đây như  là "Bài tập làm văn" với đề tài đưa ra: -"Cách binh một bài thơ cho chính xác". Chuyện kết luận bài thơ hay / dở trong bài viết không quan trọng, chỉ là "dẫn dụ"
Đây là bài thơ: CHÉN THƯƠNG ĐAU của tác giả Ngy Lộc đăng trên Facebook. 

CHÉN THƯƠNG ĐAU

1.CHIỀU MƯA PHỐ VẮNG

Mưa!  
Mưa! 
lạnh buốt phố người!
Giọt rơi theo giọt
buồn trôi thành dòng!
Ngày qua.  cùng sợi sầu tuôn
Trong tôi còn lại 
 nỗi buồn này đây!


2.TIẾNG MƯA

Tiếng than?
Mưa lạnh réo tình! 
Mơ ơi phố ấy
nhớ mình điếng tâm!
Thoảng  hương xưa
nhớ thịt nồng!
Rên tình đêm đó 
long đong đời này!
Nhớ ai 
kéo đám mây trời
Một màu xám xịt!
hồng tôi đâu rồi?

3. CHÉN THƯƠNG ĐAU

Phù vân?!
Ừ 
Mặc
Nắng tan!
Rượu đầy cứ uống! 
ngày tàn có sao?

Bể dâu!
Nầy chén đắng trào
Uống đi! 
uống cả thương đau
 nhe người?!
(Thơ NGY LỘC )
*
BÌNH THƠ
Đọc được một bài thơ hay như gặp được một giai nhân; thưởng thức được nó giống như ôm ấp được người đẹp vào lòng, rất "khoái lạc". 
Sau khi tìm biết (qua điện thư) về lý lịch trích ngang, tâm tư của tác giả, đọc một số bài viết, hồi ức và thơ của Ngy Lộc, tôi thử bình bài thơ CHÉN THƯƠNG ĐAU của ông theo cách bình của riêng mình. Việc bình bài thơ khiến nó hay thêm hay dở đi không đặt nặng; cái quan trọng là cách thức bình thơ. Xin độc giả góp ý để cùng nhau tiền bộ.
1.  
Điều đầu tiên có thể nói  bài thơ thuộc loại thơ truyền thống, hội đủ ba điều kiện vần- nhạc- họa  được trình bày mới mẻ về hình thức: "Lục bát ngắt dòng"
"Ngắt dòng”, là ngắt những câu lục bát truyền thống ra thành nhiều dòng thơ ngắn, rồi xuống hàng theo nhịp thơ, theo nhịp nhạc hoặc theo dòng suy tưởng, cảm xúc của tác giả bài thơ
“Ngắt dòng” trong bài còn có tác dụng nhấn mạnh, làm rõ ý  thêm
Mỗi dấu chấm (.) là một nhịp nhạc
2.
Bài thơ (bài lớn) gồm 3 khổ, mỗi khổ có một tên riêng (bài nhỏ). Ba khổ nầy liên hoàn nhau giống như ba mắt của một chuỗi xích
Ta hãy lần lượt xét từng mắt xích, từng khổ (bài nhỏ) của bài thơ (bài lớn)

. KHỔ 1

Mưa! 
Mưa! 
lạnh buốt phố người!
Giọt rơi theo giọt
buồn trôi thành dòng!
Ngày qua.  cùng sợi sầu tuôn
Trong tôi còn lại 
 nỗi buồn này đây!

Cơn mưa chiều trong phố làm động tâm tư tác giả. Buồn!
 Khổ này giống như dẫn nhập, không mấy quan trọng. Chỉ là nguyên nhân đưa đến nỗi buồn, nỗi nhớ của khổ sau.

. KHỔ 2

Tiếng than?
Mưa lạnh réo tình! 
Mơ ơi phố ấy
nhớ mình điếng tâm!
Thoảng  hương xưa
nhớ thịt nồng!
Rên tình đêm đó 
long đong đời này!
Nhớ ai 
kéo đám mây trời
Một màu xám xịt!
hồng tôi đâu rồi?

Tiếng mưa lạnh rơi như tiếng than thở, tiếng réo gọi khiến tác giả nhớ đến đêm mưa năm nào. Ở đây tác giả muốn nhắn người đọc nhớ đến những câu thơ :
  "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách / Sắc bất ba đào dị nịch nhân"[Mưa không có then khoá mà giữ được khách / Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta.(Ðàm Thận Huy - Nguyễn Giản Thanh)]
Từ đó dẫn đến các câu thơ diễm tuyệt của Nguyên Sa: "Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt /Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa /Anh lạy trời mưa phong toả đường về / Và đêm ơi xin cứ dài vô tận".
Đêm đó vì mưa người tình ở lại, cuộc tình đi "tới bến" như lời thơ của Lính Phuơng mô tả

Búp sen hai đóa nằm trên ngực
Quỳnh hương em ẩm ướt đợi chờ
Vạt cỏ non tơ mùa hạnh phúc
Thất tiết đêm nằm ủ giấc mơ
(Về Trường An gặp Đoàn Phu Nhơn- Linh Phương)

Tác giả không giải thích rõ (don't Tell) chỉ biểu hiện ra (Show) những từ: thịt nồng, rên tình. để độc giả tự đoán, tự đưa ra kết luận, đúng theo thủ pháp Show do not Tell (Biểu hiện, không giải thích dài dòng)(1)
Chính kỷ niệm đêm đó đã theo đuổi mãi tác giả suốt cuộc đời luân lạc; buồn xa quê hương, buồn mất người thương. 
Muốn hiểu rõ những điều này, ta phải nhớ lại những bài thơ tâm đắc của tác giả như đã đăng

Tháng tư muôn mảnh đời tan vỡ
Khóc hận tình nhau cuộc bể dâu
Biệt ly. ừ đã. còn đâu nữa!
Tóc xõa. ngực ngoan. chăn chiếu nhầu 
(Bài tình buồn tháng tư - Ngy Lộc)

Người đi. không lời từ biệt
Buồn ơi. tím biếc dòng sông!
...
Quê hương ta ơi. thôi nhé!
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!
Rặng cây quê hương. mờ bóng
Có còn gặp lại được không?
(Quê Hương thương nhớ - Ngy Lộc)

Em đứng đó bóng rầu dáng mỏng
Thuyền ra khơi ... chắc mãi không về!
...
Xác em nhỏ trôi theo dòng bão lũ
Được tin người ... tim nhé ... cố yên!
Và đêm dài ... đêm nhé ... hãy ngoan!
(Chuyện dòng sông quê tôi - Ngy Lộc)

Khổ 2 này cũng chưa phải là điều tác giả muốn nói; nó chỉ giải thích nỗi buồn nhớ của khổ 1 . Tổng hợp hai khổ này có công dụng đưa đến phần quan trọng nhất của bài thơ (bài lớn): Khổ 3

. KHỔ 3
Khổ này quan trọng nhất và cũng là lý do tác giả lấy tên khổ nầy đặt tên cho toàn bài thơ liên hoàn (bài lớn). Cái "hồn thơ" nằm tại khổ này

Phù vân?!
Ừ 
Mặc
Nắng tan!
Rượu đầy cứ uống! 
ngày tàn có sao?

Bể dâu!
Nầy chén đắng trào
Uống đi! 
uống cả thương đau
 nhe người?!

Sự đau khổ do cuộc dâu bể (thương hải tang bồng) mùa xuân năm nao, sự khốc hận do việc chia lìa đã tạo cho tác giả tình cảm dửng dưng, "bất cần". Sự "bất cần" mà thi nhân cố tạo ra để mong quên đi việc khổ đau. 
Được không? 
Bất cần về không gian (Phù vân, bể dâu), bất cần về thời gian (nắng tan, ngày tàn, đêm đến). Mặc tất cả, rượu hãy uống đi người.
Trong khổ 3 này, nếu ta chú ý thì sẽ thấy tác giả cũng lại sử dụng thủ pháp "Show do not Tell" (Biểu hiện, không giải thích dài dòng)  mà tác giả triển khai thông qua: Thơ nén , thơ mở  và "Do not Tell"  

 . THƠ NÉN
- Phù vân: Đám mây thoáng nổi lên rồi tan ngay, thường dùng để ví cái không lâu bền, có được rồi lại mất đi ngay. Nhà Phật thường nhắc đến bằng hai chữ "vô thường"
Hai chữ này khiến ta nhớ đến thơ Đổ Phủ: “Thiên thượng phù vân như bạch y / Tu du hốt biến vi thương cẩu…” (Mây nổi trên trời như áo trắng.  Thoắt biến thành hình con chó xanh).   Bạch vân – Thương cẩu là  Thực và Hư tương tác, tương sinh.  Thực đến từ hư và hư đến từ thực. 
- Bể dâu: Từ điển tích "Thương hải tang bồng": - Bãi biển biến thành ruộng dâu; dùng để ví sự thay đổi của cuộc đời. Hai chữ này khiến ta nhớ đến thơ Nguyễn Du: "Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"  (Truyện Kiều)
Hoặc bài thơ SÔNG LẤP của cụ Tú Xương:
Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(SÔNG LẤP - Tú Xương) 
. DO NOT TELL
Do not Tell = không giải thích, để tự độc giả đoán
- Nắng tan, ngày tàn; Người đọc sẽ tự đoán biết mưa gây nỗi sầu; mưa xong, tác giả buồn nhớ, uống rượu từ chiều đến đêm.
- Uống cả thương đau: Người đọc sẽ đoán ra uống rượu càng làm  đau thương thêm, chứ không giảm

@ VỀ HAI CHỮ: NGƯỜI VÀ NHE
 Theo tôi, hai chữ: NGƯỜI và NHE là quan trọng nhất, nó là "con bài tẩy"
- VỀ CHỮ NGƯỜI  
Chữ NGƯỜI  đầy "ấn tượng", có thể là tha nhân nhưng cũng có thể là tôi ơi (tự thân tác giả)
Tha nhân có thề là người bạn, người tình đã xa khuất, đã mất. Bằng chứng là trong bài thơ: "Chiều nghiêng chén" tác giả đổ rượu để khóc người bạn mất tích sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 

Ước có bạn. cùng nhau đối ẩm
Rượu ly tràn. đủ ấm đời nhau!
Bốn mươi năm. mây tan mất dấu
Nghiêng chén này. hận cuộc bể dâu!
(Chiều nghiêng chén - Ngy Lộc)

Và trong bài "Chuyên dòng sông quê tôi" để thương nhớ người tình bị vùi xác trong sông nước (do mong vượt thoát?) với các câu thơ:

Xác em nhỏ trôi theo dòng bão lũ
Được tin người ... tim nhé ... cố yên!
Và đêm dài ... đêm nhé ... hãy ngoan!
( Chuyện dòng sông quê tôi - Ngy Lộc)

Vậy chữ NGƯỜI ở đây mà tác giả uống rượu với có thể là người bạn thật, người bạn "ảo" đã mất, hay cái "tôi ơi" của tác giả. 
Người bạn thật có thể than: _Đời phù vân, bể dâu, và nhắc đêm đến rồi. Tác giả trả lời:_ Mặc, cứ uống . 
Cũng có thề là bạn ảo, là tác giả tự than, tự nhắc rồi tự trả lời.
- VỀ CHỮ NHE
Đây là chữ "đắc địa"
NHE:  Từ đặt ở cuối câu để:
- dặn dò, ra lệnh giao hẹn : uống đi nhe, quên đi nhe!
- hỏi (nghi vấn)  : uống nhe? ăn nhe?
Cụm từ:
--  "uống cả thương đau" là đau khổ thêm chứ không phải giảm, hết.
-- "uống cả thương đau nhe người": vừa có nghĩa:
.  người (anh / mầy, ta / tôi) hãy uống, đau khổ thêm đi.
. tôi uống cả thương đau (đau khổ thêm) _nhe em ? (người tình đã khuất); _ nhe anh? (người bạn khuất bóng);_ nhe  ta? (tự thân).
Theo tôi nghĩ đây là "độc ẩm" (uống rượu một mình với bóng hình trong tâm), quên đất trời (mặc tất cả) và tác giả hỏi (trong tâm)  đến người tình đã xa khuất:_"Anh uống để thêm thương đau nhe em?"
Như ta biết, nét độc của bài THƠ HAY là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: _Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải cách nào để đến câu cuối cùng, điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn,  ngược lại với những đoán định, thì sức lay động càng mãnh liệt.(2)
Trong bài thơ này, đến mãi câu cuối (hai chữ cuối) "con bài tẩy" mới đuoc lật ra:  "Độc ẩm với người tình đã khuất" làm độc giả bất ngờ:_ Nó đã đảm bảo được nguyên tắc "mạch kỵ lộ" của thi pháp thơ Đường.

ƯU VÀ KHUYẾT ĐIỂM
Qua những nhận xét trên, ta có thể tóm tắc ưu va khuyết điểm của bài thơ như sau

1.Ưu điểm
- Thơ sử dụng từ ngữ hàm súc, kiệm lời, ý tại ngôn ngoại, lưng lửng không nói hết.
 - Đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường
- Bài thơ đã khiến độc giả dự phần vào chứ không thụ động thưởng lãm nhờ thủ phap sử dụng thủ pháp Show do not Tell
2. Khuyết điểm
Đối với thiểu số  người khó tính, cái gọi là tri thức hiện đại, hoặc hậu hiện đại thì thơ hay đối với họ phải có những đặc điểm sau đây:
- Phải có tính Ẩn dụ ( Phúng dụ), Ngụ ngôn ...
- Phải khai thác hoặc sử dụng thủ pháp lạ hóa của lối viết tiểu thuyết phương Tây( Ví dụ phong cách nhà văn Kafka...)
- Phải mở ra cho trí tưởng tượng những vấn đề thú vị về văn chương và ma thuật của ngôn ngữ. (Gs Dương Diên Hồng -Tây Ninh)
Bài thơ này không có được những đặc điểm đó, chỉ dùng những từ giản dị, ai cũng hiểu.  Đó là khuyết điểm.(?!)

KẾT LUẬN
Đây là một bài thơ (liên hoàn) làm "buốt tim" người !

LỜI CUỐI
Qua trên, đó là cách bình một bài thơ theo ý kiến riêng tôi, có gì xin các cao nhân góp ý để cùng nhau tiến bộ. 
Xin được thưa lại một lần nữa: _ Các bạn nên xem đây như  là"Bài tập làm văn" với đề tài đưa ra: -"Cách binh một bài thơ cho chính xác". Chuyện kết luận bài thơ hay / dở trong bài viết không quan trọng, chỉ là "dẫn dụ", chủ ý là "gợi ý cách bình thơ". 
Trân trọng ! 
                                                               Nguyên Lạc    
                                                                   01/2018

-----------

Ghi chú:

(1) BÀN VỀ THỦ PHÁP SHOW, DO NOT TELL - Nguyên Lạc: 
http://t-van.net/?p=32285
(2) THƠ HAY TỨ TUYỆT - Nguyên Lạc:
http://vannghequangtri.blogspot.com/2017/09/tho-hay-tu-tuyet-nguyen-lac_8.html

READ MORE - MỘT CÁCH BÌNH THƠ, THẨM THƠ NGY LỘC "CHÉN THƯƠNG ĐAU" - Nguyên Lạc