Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 19, 2011

LA THỤY - CẢM XÚC CÀNH CỦI MỤC

Có lẽ Xuân Ly Băng là nhà thơ công giáo được người yêu thơ biết đến nhiều nhất, sau Hàn Mặc Tử . Xin giới thiệu bài thơ CÀNH CỦI MỤC của nhà thơ Xuân Ly Băng ( tức Đức Ông Linh Mục J.B.Lê Xuân Hoa ) qua cảm nhận của La Thuỵ

CẢM XÚC CÀNH CỦI MỤC

(Thơ Xuân Ly Băng)

Mấy hôm nay đang bâng khuâng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết (đang rét căm căm đó, thoắt cái đã hừng hừng lên lửa nóng) chợt đọc bài “ CÀNH CỦI MỤC ” của nhà thơ Xuân Ly Băng , in trong tập thơ “KINH SẦU TRÊN QUÊ HƯƠNG” , lòng tôi càng bâng khuâng hơn với sự biến ảo vô thường của nhân sinh, được thi nhân cảm hoài qua những dòng thơ mượt mà, êm dịu nhưng thật đậm nét suy tư triết học.

Vâng, chỉ một một cành củi mục đang bập bềnh trên sóng nước được vớt lên; chỉ một chiếc lá úa vàng lơ lửng vô định theo dòng được bắt về ; chỉ những sự việc bình thường như muôn vàn sự việc bình thường khác, nhưng bằng sự rung cảm thật tinh tế, thi nhân như lắng nghe, như chiêm niệm được bao tiếng khóc than bi ai của lá cành u uất:

Ta sẽ nghe tiếng hồn ai thổn thức

Lệ trào tuôn than khóc ngậm ngùi

Cành củi mục, chiếc lá úa của giây phút bắt gặp, lại trào dâng trong hồn thi nhân một nỗi sầu thăm thẳm, một niềm cảm khái mênh mang. Với thi nhân, cành củi mục, chiếc lá tàn úa không như chúng đang hiện hữu một cách khốn khổ, mà là đã là hóa thân của một thời dĩ vãng rực rỡ, của một tiền kiếp vàng son. Những “rác rưởi” này, phải chăng tiền thân của chúng đã có lúc là “cành vàng lá ngọc”, từng được nâng niu trân trọng, từng được sùng bái suy tôn, từng một thời hãnh tiến ngạo nghễ:

Phải chăng xưa một cành đào diễm lệ

Chỗ vương môn mơn trớn vạn bàn tay

Phải chăng xưa một bông hồng ão não

Che mặt người hoa đẹp chồn lầu tây

Chiếc lá trôi phải chăng là ngọc diệp

Đã từng nghe chuyện tài tử giai nhân

Đã từng nghe những lời tình thống thiết

Chỗ sang giàu của những Mạnh Thường Quân

Nhưng than ôi! Đời thực vô thường, ngày vui qua nhanh, hạnh phúc rồi vụt biến như bóng câu qua cửa sổ. Ai vương hầu khanh tướng, quyền uy một thời nghiêng trời lệch đất; ai lầu son gác tía tài hoa sực nức phương danh… Bây giờ trôi dạt về đâu ? Liệu còn sót chăng được nắm xương tàn vùi trong cỏ đất, hay rồi cũng tan theo bụi cát phù vân.

Nhưng than ôi gió thời gian quét sạch

Hồn thảo thu man mác bóng tà dương

Khiến bao nhiêu cành vàng cùng lá ngọc

Dạt về đâu trên mảnh đất vô thường

Xác thân, chỗ ẩn náu xưa, giờ đã thành tro bụi; không nơi sở trú linh hồn có tan biến, rữa nát theo chăng? Không! “sống gởi thác về!” . Nhưng về đâu hỡi những vong hồn than khóc kia:

“Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Đã đẩy phong yên lộng bốn trời”

Nguyễn Bính

Về cõi vĩnh hằng chăng ? Làm sao đặng, chốn cực lạc thiên đường chỉ dành cho những linh hồn được siêu thoát, vinh thăng. Hỡi những oan hồn, làm sao mà siêu thoát, mà nhẹ bay về nơi vĩnh cửu, khi mà đang tại thế, ta không dọn kỹ đường về. Phải chăng vì thế nên những oan hồn vất vưởng nhập vào sông nước mênh mang, phơ phất theo bờ lau bụi cỏ, rền rĩ cùng côn trùng đêm vắng , tỉ tê theo nhịp chèo khua sóng dậy ; làm não lòng người nghệ sĩ đa cảm khi ngắm bóng non xa - những chiều hôm ; càng não lòng hơn , nếu là nghệ sĩ già đang thổn thức trước hoàng hôn xế bóng đời người

Hình hài có biến hồn không tan

Khắp mặt đất này đi lang thang

Vướng vào cây cỏ, vào sông nước

Khiến tiếng chèo khua nghe bẽ bàng

Và người nghệ sĩ những chiều hôm

Ngắm bóng non xa bỗng thấy buồn

Trời không mưa gió không tiễn biệt

Mà thấy trong lòng giọt lệ tuôn

Hỡi vong linh cành lá u uẩn ! Hỡi hồn tài tử giai nhân phiêu bạt! Chưa bị vào hoả ngục đọa đày thì đường về chưa tuyệt bóng mù khơi đâu nhé! Tạm phiêu phiêu phưởng phưởng trong chốn luyện hình bao la này, có hoài niệm quá khứ cũng là lẽ thường. Nhưng xin đừng chỉ nuối tiếc, than khóc cho “ một thời vang bóng” đã mù xa. Khóc than mãi cũng chỉ phí hoài. Quá vãng tuy lộng lẫy thật, nhưng chắc gì những bậc thang vàng son mình từng leo lên đó, đã không từng bắc chồng trên sự khổ đau, tủi nhục của kẻ khác “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”! Thôi ngàn xưa đang sừng sững bóng lũy sầu chắn ngang , ngàn sau đang vẫy gọi, đang độ lượng chờ mong. Xin hoài niệm dĩ vãng bằng quỳ gối suy gẫm, bằng hối tiếc, ăn năn …

Thôi đừng khóc nữa lá cành ơi

Có khóc đời cũng thế mà thôi

……………………………………………..

……………………………………………..

Không gian tuy mênh mông vô tận, thời gian tuy hun hút vô cùng, nhưng trong sự vô cùng vô tận đó vẫn hiện hữu sự vĩnh hằng sáng chói. Trong ly rượu nồng thơm ngọt ngào, vẫn còn có dư vị đắng cay, hăng hắc mùi ngãi cứu. Mâu thuẫn và nghịch lý thay! Nhưng cũng thật kỳ diệu và chân lý thay! Vị đắng để đời như một thiên ân trìu mến dịu nhắc thế gian rằng đừng quên cội nguồn chính mình, và lầm lỗi tổ tông còn đang hằn dấu trong thân phận làm người:

Vì trong thời gian có vĩnh cửu

Trong ly rượu nồng có mùi ngãi cứu

Vị đắng đót sẽ còn lại muôn năm

Là lộc trời để nhắc nhở xa xăm

Cành củi mục kia ơi ! Đừng bi lụy nữa, hãy hiến chút thân tàn, cố bừng lên đóm lửa để soi sáng sưởi ấm cho đời. Chiếc là vàng khô này hỡi, cứ nhịn nhục ép mình trong trang giấy làm tiêu bản kỷ niệm đẹp nét đan thanh hay phân huỷ đi biến thành dưỡng chất , bón cho cây đời được xanh tươi.

LA THUỴ

READ MORE - LA THỤY - CẢM XÚC CÀNH CỦI MỤC

TẠ NGHI LỄ - ANH ĐƯA EM VỀ QUẢNG TRỊ



Anh đưa em về Quảng Trị

Biền biệt bao năm chưa biết quê chồng

Đã qua rồi thời cách trở đò sông

Vất vả, lo toan, cơ cầu cuộc sống.


Anh đưa em về, mùa xuân nắng ấm

Tiếng chim gù rậm rịch bờ xa

Khói chiều lên thơm hương vị quê nhà

Gây mùi nhớ anh trong thời thơ dại.


Anh đưa em tìm con ốc gạo

Giữa bãi bờ Thạch Hãn xanh tươi

Con ốc ngọt từ mồ hôi đá

Thấm lòng ai cơ cực bao đời.


Anh lại đưa em về Mai Xá

Con chắt chắt nước lợ nước ròng

Thổi hồn anh rát trưa hè nóng bỏng

Lưng chén canh mát rượi cả lòng.


Cùng em ra ngã tư Sòng

Con bún sống đời quê thầm lặng

Con bún trắng thấm bao vị mặn

Cho ai no những buổi đói lòng.


"À ơi!...

Nỏ lo bún ế chợ Sòng

Đi ra buổi chợ mặc lòng mà ăn..."

Cùng em đi chợ Do

Tìm tuổi thơ xâu bánh vòng bánh sắn

Trưa Cửa Tùng, mát lành con sứa, nuốt

Mặn mòi chi một mùi ruốc quê mình.


Anh đưa em ăn cháo "vạc giường"

Chiều Hải Lăng mưa chừng xuống thấp

Hương gạo của đồng, cá ngọt của đất

Quán tranh nghèo níu mãi một mùi hương.

"À ơi!...

Đi mô cũng nhớ cháo "vạc giường"

Đứng nghe mùi nén, ngồi thương mùi hành..."


Không quên đưa em về Phương Lang

Dĩa bánh ướt xao lòng anh tuổi nhỏ

Ngọt bùi chi mà lọn nem chợ Sãi

Nhức nhối hoài mùi vị quê hương.


Anh đưa em ngược đất Cùa

Những đồi sim cỗi cằn nắng cháy

Trái mít non ai vừa mới hái

Đủ xé lòng với hạt tiêu cay.


Anh đưa em về quê mẹ

Lưu luyến lòng vị ngọt quê hương

Dù anh đi đâu: Bốn bể, mười phương

Vẫn da diết một mùi hương Quảng Trị.


TNL

READ MORE - TẠ NGHI LỄ - ANH ĐƯA EM VỀ QUẢNG TRỊ