Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, May 14, 2013

TÁC GIẢ TÂY NINH TRONG BỘ SÁCH “VĂN HỌC MIỀN NAM LỤC TỈNH” - Phan Kỷ Sửu

  

    Bộ sách  “Văn học Miền Nam lục tỉnh”  (VHMNLT) của tác giả Nguyễn Văn Hầu đã xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1974 gồm 4 tập. Quý I năm 2012, Nhà xuất bản Trẻ  đã mua bản quyền và tái bản gồm 3 tập. Tập I: Miền Nam và Văn học dân gian địa phương, tập II : Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất nước, tập III : Văn học Hán Nôm thời kháng Pháp và thuộc Pháp.

    Ông Nguyễn Văn Hầu là một tác giả uy tín ở miền Nam trước năm 1975 với hơn 20 tác phẩm giá trị trên nhiều kỉnh vực văn học, sử học, tôn giáo, du ký. Ông hiệu Bút Trạch, sinh năm 1922 tại An Giang. Thông thạo Pháp và Hán Văn, ông viết báo, viết sách, diễn thuyết dạy văn, sử tại nhiều trường trung và đại học ở Sài Gòn. Ông là một học giả có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử khai phá và phát triển miền châu thổ Hậu Giang của đất nước cùng nhiều tác phẩm nghiên cứu về nền văn minh cổ đại tại các nước châu Á. Ông mất ngày 12/3/1995.

   Đây là một bộ sách khảo cứu văn học quan trọng cho tất cả những ai có nhu cầu nghiên cưu tìm hiệu về diện mạo, tiến trình và tính chất của nến văn học trên vùng đất mới miền Nam.Theo tác giả Nguyễn Văn Hầu thì: "Có hơn một ý kiến phát biểu rằng văn học miền Nam không có quá khứ gì đáng kể” và ông đã khẳng định mạnh mẽ “Ai cũng biết ý kiến đó ngang xương và hời hợt, tuy nhiên, nếu chỉ nhìn lướt qua trên mặt tầng, hoặc cứ nhầm tìm hiểu những tác phẩm lớn như một nhà văn Pháp chỉ truyện Kiều, thì quả tình bất cứ ai cũng lâm vấp như vậy ..(sách VHMNLT trang 34). Ông Hầu còn nói rõ hơn : “Nhưng văn học phải đâu chỉ đòi hỏi rặt những tác phẩm lớn như truyện Kiều, cũng như muốn đánh giá một nền văn minh đâu phải chỉ tìm thấy thể hiện nơi một ông Jésus, một ông Khổng hay một ông Phật! Và ông đúc kết lại: “Văn học miền Nam gồm các tác giả vô danh và hữu danh, các tác phẩm lớn nhỏ với nhiều bộ môn gộp lại như bất cứ thành phần văn học ở đâu”  (VHMNLT trang 34).

   Bên cạnh các tác giả tác giả tên tuổi của nền văn học Hán Nôm thời mở đất và xây dựng vùng đất mới Lục tỉnh miền Nam này như Mạc Thiên Tích, Võ Trường Toản, Trịnh Hòai Đức, Đòan Minh Huyên, Phan Thanh Giản, Bùi Hữi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Hùynh Mẩn Đạt, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Thông, Nguyễn Hữu Quân, Nguyễn Văn Lạc, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Quang Diêu…, đất Tây Ninh vẫn có vài gương mặt tiêu biểu đã đóng góp nhiều tác phẩm mà tác giả Nguyễn Văn Hầu đã sử dụng để biên soạn bộ sách như các cụ Võ Văn Sâm, Tô Ngọc Đường, Hi Đạm.

Cụ Võ Văn Sâm sinh năm 1868 tại làng Thái Bình, quận Châu Thành (Tây Ninh nay là Phường I Thị xã Tây Ninh). Năm 1891, cụ  đi dạy học ở Tây Ninh rồi làm thư ký tại Ty Công chánh Tây Ninh. Chỉ một thời gian ngắn cụ xin nghĩ việc và tham gia làng báo Sài Gòn, cụ viết cho các báo Nông Cổ Mím Đàm,Gia Định Báo.Lục Tỉnh Tân Văn. Cụ còn là một nhà thơ tài hoa với nhiều áng thơ bày tõ tấm lòng yêu nước, thương dân. Cụ là thành viên trong thi đàn Quốc Biểu, nhóm thi văn đầu tiên ở Tây Ninh ra đời tại Gò Chẹt, một địa diểm ven rạch Tây Ninh thuộc tỉnh lỵ Tây Ninh ngày trước nay là Khu phố 2 Phường I Thị xã Tây Ninh. Cụ cũng là tác giả tập thơ “Thi Phú Văn Từ” xuất bản năm 1912 tập hợp nhiều tác phẩm hay của các các giả nỗi tiếng ở miền Nam và nhiểu bài thơ ca ngơi các danh lam, thắng cảnh của quê hương Tây Ninh. Trong bộ sách VHMNLT có sử dụng một số tác phẩm do cụ Sâm sưu tập.Thế nhưng đề cụ là Vỏ Sâm là chưa chính xác mà tên đầy đủ của cụ là Võ Văn Sâm.

   Cụ Tô Ngọc Đường sinh năm 1880 tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, quận Thái Bình (nay là Phường 3 Thị xã Tây Ninh). Cụ mất năm 1956, hiện tro cốt được con cháu thờ tại chùa Linh Quang (Phường 3 Thị xã) .Vốn là một Đốc phủ sứ nhưng rất yêu thích thơ ca và  cũng là thành viên  của Thi đàn Quốc Biểu, là một trong những nhà thơ tiền bối từng tham gia ngâm vịnh, thưởng hoa mai trắng trên Núi Bà Đen cùng nữ sĩ Sương Nguyệt Anh năm Tân Sửu 1901. Cụ là tác giả  tập “Thi Phú Văn Đàn”. Đây là một tuyển thơ  nhiều trang,khổ lớn do chính cụ thực hiện từ năm 1905 đến năm 1962, trong đó có thơ do cụ sáng tác và  nhiều tác giả ở Nam Bộ. Các tác phẩm do cụ viết tay và đánh máy bên cạnh nhiều tác phầm được cụ sưu tầm và cắt ra từ nhiều sách báo cũ và dán vào. Cho đến khi cụ mất sách cũng chưa xuất bản. Trước năm 1975 cụ Hi Đạm Nguyễn Hữu Trí sống tại Thị xã Tây Ninh bảo quản  và đã cho ông Nguyễn Văn Hầu mượn để trích dẩn nhiều tác phẩm trong bộ sách của ông.

    Cụ Tô Ngọc Đường có làm một thể thơ gọi là thơ rơi. Một thể thơ đặc biệt ở miền Nam viết theo lọai văn truyền khẩu nhằm mô tả những nổi uất ức trong lòng mà không thể bày tỏ được bằng lời. Cụ Đường có bài thơ rơi "Vợ khuyên chồng đừng điếm đàng,cờ bạc” với nhiều ý tưởng khá mới mẽ, lên án  kiều sống trụy lạc của thanh niên thời ấy:

“Đạo tam cương chàng chẳng đủ ba
  Câu tứ đức thiếp xin dâng bốn
  Cuộc cờ bạc làm thêm hao tốn
  Thiếp ở nhà nhọc sức tảo tần
  Sách có chữ rằng “Đổ bác môn trung mạc khứ thân
  Năng sử anh hùng phi hạ tiện  ..”* 

(*Trong chỗ cờ bạc chớ đến gần, vì nó làm cho người anh hùng trở nên đứa hạ tiện).

   Trong tuyển tập của cụ Đường còn có nhiều bào thơ sưu tập  giá trị như bài “Vè Gái chửa hoang”, “ Vè Giết Đốc phủ Ca” một bài vè dân gian ca ngợi chiến công của ông Phan Công Hớn cùng nhân dân 18 thôn Vườn Trầu trừng trị tên tay sai tàn ác Trần Tử Ca vào năm 1885.

    Cụ Hi Đạm vốn là một học học giả, một dịch giả tài hoa về dịch thuật thơ Hán Nôm. Cụ còn là một tác giả thơ Đường luật tiêu biểu trong tỉnh. Trong bộ sách VHMNLT có sử dụng các bản dịch của cụ từ chữ Hán của nhà thơ Trịnh Hòai Đức, một trong “Gia Định tam gia” tử tập “Cấn Trai thi tập" như Trở về sau cơn lọan, Qua biển linh đinh cảm tác, Bông trang cùng bài thơ Thưởng Bạch mai của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh…

    Nói chung dù chỉ có 3 gương mặt góp tác phầm vào bộ sách quý VHMNLT của ông Nguyễn Văn Hầu nhưng vẫn là một niềm tự hào  lớn đối với người Tây Ninh hôm nay.


                                                                       PHAN KỶ SỪU
READ MORE - TÁC GIẢ TÂY NINH TRONG BỘ SÁCH “VĂN HỌC MIỀN NAM LỤC TỈNH” - Phan Kỷ Sửu

GIÁ NHƯ - Hoàng Thế Bình họa thơ Vân Trinh



GIÁ NHƯ
Họa bài thơ "NÓI VỚI PHƯỢNG" của Vân Trinh

Đã mấy mùa rồi cánh phượng rơi
Sân trường hoa đỏ mãi trong tôi
Dù bao năm tháng không hề úa
Kỷ niệm cùng nhau một quảng đời
Nhớ gửi em thư trên chiếc lá
Kim châm vài chữ ý xa xôi
Giá như quay lại ngày xưa nhỉ
Anh quyết tỏ tình - Phải thế thôi.

Hoàng Thế Bình
Hưng Lộc-TP Vinh-Nghệ An
binhhoang340@gmail.com



NÓI VỚI PHƯỢNG 

Mãi gọi phượng mà phượng cứ rơi
Biết chăng lặng lẽ một mình tôi?
Cố tìm mùa cũ hoen màu úa
Mà tiếc ngày xưa nhuộm sắc phai
Kỷ niệm còn in trên tán lá
Ân tình có đọng phía xa xôi?
Sao hoa không hiểu lòng người nhỉ ?
Thầm gọi tên ai, chỉ vậy thôi!

                                     Vân Trinh

READ MORE - GIÁ NHƯ - Hoàng Thế Bình họa thơ Vân Trinh

MƠ TƯƠNG PHÙNG – Thơ xướng họa - Châu Thạch và thi hữu


Bài Xướng
MƠ TƯƠNG PHÙNG
Châu Thạch

1-
Thuở ấy tình như hoa tả tơi
Chia tay, đau đớn cả khung trời
Em như mây xám bay về núi
Ta tựa thuyền nan vượt bể khơi
Bảy nổi lênh đênh đi vạn dặm
Ba chìm lặn ngụp đến muôn nơi
Con tim rỉ máu theo năm tháng
Gánh chịu đau thương suốt một đời.

2-
Gánh chịu đau thương suốt một đời
Cạn nguồn lệ thảm có đâu rơi
Tin yêu biền biệt thêm dằn vặt
Nỗi nhớ triền miên chẳng dịu vơi
Hẹn cũ phôi pha đành lỗi ước
Nguyền xưa đồng vọng vẫn y lời
Còn trong mộ ái em nhan sắc
Để cả linh hồn ánh lửa trơi.

3-
Để cả linh hồn ánh lửa trơi
Giấc mơ hồ điệp giữa đêm đời
Hoài mong nhịp Thước liền đôi bến
Vọng tưởng cầu Ô nối đất trời
Bầu túi Ngưu Lang qua nguyệt sáng
Xiêm y Chức Nữ lướt sao ngời
Tương phùng một phút trên cao ấy
Bằng dưới trần gian vạn thảnh thơi.

4-
Bằng dưới trần gian vạn thảnh thơi
Chỉ là ảo mị đó em ơi!
Nhưng thà đoàn tụ niềm vui giả
Hơn phải lìa xa thật cuộc chơi
Cuối biển người đi luôn vọng tưởng
Đầu non kẻ ở có trông vời ?
Nguyền khi ta chết xin an táng
Ở chốn cùng em đã một thời ./.

                                        CT

Các Bài họa

ẢO GIÁC
Sông Thu
                  
1-
Nhớ thuở trùm chung chiếc áo tơi
Trong mưa mờ mịt, sét ngang trời
Khẽ khàng ta ủ bàn tay lạnh
Run rẩy em tuôn mạch lệ khơi
Nhắm mắt, tìm môi - không đúng chỗ
Kề tai, nghe thở - chẳng gần nơi !
Thế rồi trời tạnh, lời chưa ngỏ
Luyến tiếc trong tim suốt một đời !

2-
Luyến tiếc trong tim suốt một đời
Nỗi sầu dâng ngập lúc mưa rơi
Bàn tay run rẩy nay còn lạnh ?
Dòng lệ ngây thơ chắc sắp vơi ?
Kỷ niệm ngày nào còn đậm nét ?
Tình yêu thuở ấy vẫn im lời?
Gọi em , chỉ gặp qua mộng ảo
Giữa bập bùng đêm ma quỉ trơi !

3-
Giữa bập bùng đêm ma quỉ trơi
Trong cơn chuếnh choáng rượu men đời
Giơ tay  níu kéo thân ngà ngọc
Dụi mắt trông ra lỗ hổng trời !
Trăng vỡ tan tành muôn mảnh sáng
Sao rơi tung tóe vạn tia ngời
Trong vùng rực rỡ lung linh ấy
Anh với em hoan lạc giếng thơi !

4-
Anh với em hoan lạc giếng thơi
Kề tai âu yếm gọi: "Mình ơi!"
Mắt nhìn vào mắt, trao thề ước
Tay nắm chặt tay, dạo cuộc chơi
Khoảnh khắc tương giao hồn đắm đuối
Phút giây hạnh phúc mộng cao vời
Gió mưa sầm sập, ta choàng tỉnh
Tình đẹp- chao ôi, chỉ một thời!
                                         ST
                          
NGẬM NGÙI
Thy Lệ Trang

1-
Nhớ hoài sắc tím mực mồng tơi
Xen lẫn hồng tươi ánh mặt trời
Lãng mạn, em mơ đời họa sĩ
Giang hồ, người mộng kiếp ngàn khơi
Trăng vàng lang bạt... đi muôn lối
Hoa lạnh ngậm ngùi ... rụng khắp nơi
Sao chẳng cùng chung hòa nhịp điệu
Cung đàn ngày cũ đến muôn đời?

2-     
Cung đàn ngày cũ đến muôn đời
Ngập lối đường về xác lá rơi
Bóng tối chập chùng, mưa ướt đẫm              
Nỗi buồn chất ngất, lệ đầy vơi
Vòng tay buông thõng - sầu thương bóng     
Khóe miệng hằn sâu - tiếc nhớ lời
Muốn gặp người xưa sao chẳng thấy
Chỉ còn quanh quẩn bóng ma trơi

3-
Chỉ còn quanh quẩn bóng ma trơi
Khoắc khoải năm canh tiếc mộng đời
Rượu đắng mềm môi, quên cả đất
Tình sầu rát mặt, nhớ chi trời
Chập chờn Hồ Điệp... vầng mây sáng
Thấp thoáng Nam Kha... bóng nắng ngời
Tỉnh giấc xót thương mình quá đỗi                      
Ngậm ngùi tự hỏi lúc nào thơi?

4-
Ngậm ngùi tự hỏi lúc nào thơi?
Một kiếp tình si đã hỡi ơi!
Trí quẫn cùng đường, cờ lạc bước
Tâm cuồng lún gót, nhạc ngừng chơi        
Trần gian tục lụy còn say đắm
Tiên cảnh bồng lai có tuyệt vời?
Gương lược ngỡ ngàng nhan sắc ấy
Ngàn năm nuối tiếc cũng xa thời!
         
                                       TLT


MONG HỘI NGỘ
Võ Làng Trâm

1-
Nhớ thời nghèo khổ rớt mồng tơi
Đi học bao năm chỉ đội trời
Lúc bé đã đành sao cũng đươc
Khi khôn ai nở cứ khơi khơi
Xuân qua tới lớp không rời ghế
Hè đến về làng bám một nơi
Rồi thế lớn dần theo xóm lá
Thân côi len lỏi bước vào đời.

 2-
Thân côi  len lỏi bước vào đời
Bạn cũ cùng quê thi lại rơi
Đứa trốn lên rừng ngày ít  lại
Thằng đi võ bị cứ  dần vơi
Sinh viên trốn lính hay e ấp
Chiến sĩ xông pha lại mạnh lời
Em cảm “người hùng” dù sớm tắt
Nên đành đêm lặng ngắm ma trơi.

3-
Nên đành đêm lặng ngắm ma trơi.
Trào lệ thương thân  tiếc phận đời
Ngày ấy dằn lòng đừng mến lính
Hôm nay yên dạ chẳng than trời
Cố quên hình cũ xua tăm tối
Nhưng bóng người xưa đến sáng ngời
Buồn quá thi đàn tìm xướng họa
Nhưng sao tâm trí chẳng hề thơi.

4-
Nhưng sao tâm trí chẳng hề thơi
Câu chữ loạn xà chẳng chịu ơi
Mạch sống mong khơi – nguồn cạn hứng
Sầu đời cố lấp – cứ  trêu chơi
Thi nhân lưu luyến đừng thêm thắt
Bằng hữu mến thương chớ vẽ vời
Mong được một lần về xóm nhỏ
Tìm thăm người cũ sống cùng thời.

                                         VLT
                           

ƯỚC TRÙNG PHÙNG
Thanh Trương

1-  
Nhớ mãi một chiều hoa lá rơi
Mắt em lệ ướt mịt chân trời
Người đi sầu đọng màu lam khói
Kẻ ở buồn vương ngọn sóng khơi
Tử biệt bao trùm lên mọi nẻo
Sanh ly phủ kín khắp cùng nơi
Thái lai bỉ cực bao năm tháng
Ký ức còn đây suốt cuộc đời

2-
Ký ức còn đây suốt cuộc đời
Lẽ loi thân phận, lá vàng rơi
Người nơi xứ lạ vui khôn tả
Kẻ ở quê nhà buồn chẳng vơi
Nhớ bạn trong hình, đành lặng tiếng
Ngắm ai qua ảnh, chẳng nên lời
Biết làm sao được khi dang dở
Mong mỏi chiều tàn chút nắng trơi

3-
Mong mỏi chiều tàn chút nắng trơi
Miền xa lữ khách thấy yêu đời
Người xưa ngóng đợi bên lầu cổ
Hoàng hạc bay xa phía góc trời
Giấc mộng Hồng Lâu còn luyến tiếc
Mối tình Châu Ngọc vẫn trong ngời
Cuộc đời mộng ảo trên trần thế
Bầu rượu túi thơ sẽ thảnh thơi

4-
Bầu rượu túi thơ sẽ thảnh thơi
Nơi nào em ở, hỡi em ơi!
Ta mơ hồi ức, thương đêm mộng
Nàng đã quay về, bỏ cuộc chơi
Khoảng cách lâu nay thêm gắn bó
Cuộc tình ngày ấy chẳng xa vời
Mơ hoa một giấc, đời đen bạc!
Mái tóc màu bông, đã hết thời...

                                          TT


KHẮC HỌA THỜI GIAN
Ngọc Ẩn Nhi Huyền

 1-
Tình xưa tan vở lệ buồn tơi
Định số đổi thay ý đất trời
Loan đã bay về nơi biển thẳm
Phụng còn ở lại chốn non khơi
Căn duyên tiền định người đôi ngã
Số phận an bài  kẻ mỗi nơi
Gãy gánh cang thường cam ngấn lệ
Từ đây dong rủi bước trường đời.

2-
Từ đây rong ruổi bước trường đời
Chiến họa quê nhà bom đạn rơi
Cất bước xa quê lòng chẳng dứt                    
Dấn thân viễn xứ dạ nào vơi
“Đổi vùng” đạp sỏi không nao ý              
“Thay dạng” gian truân vẫn giữ lời
Cát bụi phong trần ngày lụn tháng
Đêm ngày né tránh, bọn ma trơi.

3-
Đêm ngày né tránh, bọn  ma trơi
Đất khách cơ duyên tiếp bước đời    
Cùng xứ đồng hương chung nợ đất                        
Tâm đầu ý hiệp, kết duyên trời
Ông Tơ cám cảnh vầy tình rạng
Bà Nguyệt thương tâm kết nghĩa ngời
Chồng vợ thuận hòa xây tổ ấm                            
Gia đình sum họp tạm thanh thơi.

4-
Gia đình sum họp tạm thanh thơi
Lại phải đổi dời thế bạn ơi!
Rời chốn Sài Thành tìm lẻ sống
Đến nơi Phố Biển dể xem chơi
Đất lành chim đậu. mầm ươm tốt                         
Bén rể xanh cây, dáng tuyệt vời
“Khắc họa thời gian” bao lận đận
Lão lai “Ôn - Cố” buổi xuân thời.

                   Nha Trang 14-4-2013
                              N.A.N.H
                   


LIÊN HOÀN TỨ HẢI
Võ sĩ Quý

I.
Hoa màu cây cỏ vẫn bồng tơi
Bốn biển mong gom lại đất trời
Ảo vọng thương yêu về một mối
Niềm tin hy vọng tủa ngàn khơi
Bao giờ gió nước đùa cùng chốn
Đến lúc trăng sao hiện khắp nơi
Hỏi thử khi nào ngưng bão tố
Anh em huynh đệ nhởn nhơ đời
II.
Anh em huynh đệ nhởn nhơ đời
Chia sẻ khổ đau bớt lệ rơi
Giải tỏa oán hờn tiêu tán cạn
Tháo bung thù hận triệt mòn  vơi
Tư duy dân chủ đừng buông lỏng
Chính kiến tự do chẳng để lơi
Độc lập sức mình là tự chủ
Tình yêu mạng sống chớ trêu trơi
III.
Tình yêu mạng sống chớ trêu trơi
Cộng khổ chia vui ấy nghiệp đời
Tránh ác diệt tham buông tuột đất
Làm lành vun phúc xả tuôn trời
Vô vi phiền não u minh tắt
Tự tại an tâm trí huệ ngời
Bình tỉnh kiên trì qua khổ nạn
Kiếp người chung nghiệp hưởng nhàn thơi
IV.
Kiếp người chung nghiệp hưởng  nhàn thơi
Ước nguyện truyền đời các bạn ơi
Hạnh phúc gái trai mơ đượcsống
Tình yêu  già trẻ cứ theo chơi
Một Nhà Hoàn Vũ vui ăm ắp
Nửa Quả Địa Cầu buồn vợi vời
Cứ để giấc mơ thành sự thật
Hòa Bình Nhân Loại mọi kỳ thời

                 Nha Trang, 14.05.2013
                              VSQ
                            


Châu Thạch biên tập


READ MORE - MƠ TƯƠNG PHÙNG – Thơ xướng họa - Châu Thạch và thi hữu

CON HEO ĐẤT - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước




   Không biết nó tên thật là gì nhưng đã bị dính chắc nịch cái tên Tý Lé vì một mắt nó bị lé và người thì nhỏ thó đen đúa như một nông dân quanh năm dãi nắng dầm mưa. Có lẻ nó thừa hưởng cái gien nông dân của bố nó nên trông vậy thôi chứ người ta trông thấy nó ở này phố lâu rồi. 

   Vì dáng dấp nhỏ thó nên không ai biết đích xác tuổi Tý Lé là bao nhiêu nhưng nó là một thanh niên còn trẻ, chưa đến tuổi lập gia đình. Ở tuổi nó, nhiều thanh niên trong thị xã theo nghề thợ nề dù nghề này vất vả nhưng lương khá cao và thường xuyên có việc làm vì quanh năm bao giờ cũng có nhà bị giải tỏa và phải xây nhà mới. Thế nhưng nó không được khỏe nên chọn cái nghề buôn bán, mà có phải bán hàng hóa gì cho sang trọng đâu, chỉ là những con heo đất để người ta bỏ tiền tiết kiệm.

   “Cửa hàng” của Tý Lé là một tấm bạt trải trên lề đường phía trước căn nhà của hai ông bà lão tốt bụng, bên cạnh một cửa hàng xe máy có nhiều người vào ra. Không phải nó định bán cho những người mua xe máy vì đa số đều là thanh niên mà vì chỗ đó nằm trên đường mấy bà đi chợ về, thường còn vài ngàn tiền lẻ  cầm trong tay rất dễ rơi, tiện thể mua con heo đất để dành tiền cho con học thêm.

   Tý Lé dọn hàng kiểu đó là xâm phạm lề đường nhưng chẳng thấy mấy ông dân phòng nhắc nhở gì, có lẻ vì thấy nó nghèo khổ, chỉ lâu lâu bị thằng con trai ông chủ tiệm xe máy gây gổ một cách vô lý, có lẻ vì thua độ bóng đá nên muốn trút hết bực dọc vào nó.

   Tý Lé gần như không nghỉ ngày nào. Vào những dịp Trung Thu hay Tết, hàng của nó bán chạy hơn nhờ có thêm khách hàng trẻ con nên nó phải nhờ em gái nó phụ giúp.

   Một hôm ông chủ cửa hàng xe máy thấy Tý Lé bước vào cửa hàng ông, đi quanh nhìn xe này xe rồi xe khác tựa như một người muốn mua xe máy, ông bước ra quát:

- Mầy không lo bán heo đất của mầy mà vào đây làm gì? Định thăm dò để tối này cạy cửa hả?

- Dạ cháu xem xe nào hợp với túi tiền…

- Nghèo mạt kiếp như mầy thì tiền đâu mà mua xe máy? Thôi thôi, bước ra khỏi cửa hàng của tao nhanh lên không thì thằng con tao sẽ cho mầy ăn đòn…

   Tý Lé lặng lẽ bước ra khỏi cửa hàng xe máy, không dám nói năng gì.

   Chuyện Tý Lé vào cửa hàng xe máy không phải là chuyện lớn nên không nghe thấy ai đồn đãi gì. Một sáng, người ta không thấy nó đến bán hàng mà là em gái nó bán thay.  Vào khoảng chín giờ, ông chủ cửa hàng xe máy ngó ra đường và thấy một thanh niên ăn mặc bảnh bao, dựng chiếc Dream mới cóng trước hàng heo đất, vào nói gì đó với cô em thằng Tý Lé rồi đi ra, ông nhìn kỹ, hóa ra là Tý Lé. Quá ngạc nhiên, ông gọi:

- Này Tý Lé, đi đâu mà ăn mặc đàng hoàng vậy mầy? Lại còn xe Dream nữa chớ? Ai mà dám cho mầy mượn đó?

- Dạ cháu đi hỏi vợ. Đây là xe cháu mới mua.

- Giỡn hay thiệt đó mầy? Tiền đâu mà mầy hỏi vợ lại còn mua xe?

   Hồi đó vào khoảng cuối thập niên 1990, một chiếc xe máy Dream là một tài sản lớn.

- Da, thiệt chớ bác.

- Vậy mầy đưa “cạt-vẹt” tau coi?

   Tý Lé rút túi đưa ông chủ hàng xe máy xem cái “cạt-vẹt” mới cứng. Ông chủ cửa hàng xe máy vừa đưa trả “cạt-vẹt” cho Tý Lé vừa hỏi:

- Sao mầy không mua ở cửa hàng tao cho rẻ mà đi mua chỗ khác?

- Dạ, cháu đã định mua ở cửa hàng bác cho rẻ nhưng hôm cháu vào chưa xem gì được thì đã bị bác đuổi ra.

   Không cần phân bua về lý do đuổi Tý Lé ra, ông phang một câu:

- Thứ như mầy mà cũng đòi đi xe Dream!

  Rồi ông ta hậm hực đi vào.

   Không phải chỉ có ông chủ cửa hàng xe máy ngạc nhiên mà hai ông bà lão cho Tý Lé dọn hàng trước nhà mình cũng lấy làm lạ. Được hỏi thì Tý Lé trả lời đơn giản:

- Như cha con, ngày xưa ông dữ lắm, nhưng nhờ ở gần chùa, ngày nào cũng nghe câu kinh tiếng kệ, theo người ta đi chùa, tự nhiên lần hồi ông hiền khô. Con cũng nhờ khách hàng ngày nào cũng có người mua heo đất, nhắc nhở cho mình cần phải tiết kiệm mỗi ngày một ít, lâu dần rồi có đủ tiền mua xe.

   Chừng nửa năm sau, Tý Lé chuẩn bị cưới vợ. Nó phải nghỉ bán một tuần để sửa nhà. Khi mang thiệp đến báo tin và mời bà con trên đường phố nó bán hàng, ngang qua cửa hàng xe máy thấy đóng cửa, nó hỏi đi đâu thì bà con lối xóm nói đã bán nhà và dọn đi rồi, nghe nói để trả nợ cá độ bóng đá cho thằng con vì hắn mới thua cả chục tỷ và đang bị bọn xã hội đen hăm dọa.

NKP
READ MORE - CON HEO ĐẤT - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

PLEIKU THÁNG 5 - Huy Uyên

Nguyễn Thị Bích Trâm , con gái Pleiku.
Hình từ trang Diễn đàn Sinh viên Đại học Duy Tân

Pleiku, ngày ấy

Hai mắt quạnh hiu chiều mưa núi
thôi ngày xưa đã vĩnh biệt chia xa
tôi nợ tình em mà không hề nói
Pleiku mịt mù sương pha.

Tôi mang mây trôi tận cuối lòng
rừng xưa không trở lại
vĩnh viễn phố buồn tê tái
vĩnh viễn chiều ai một mình chờ mong.

Mãi đợi em về bên đồi Đức Mẹ
ở đây thương gió lạnh mưa mùa
rồi ai đứng lặng trong mưa
để tôi dỗ lòng sầu chi đến thế.

Những bước người xa cuối dặm mù
cơn say quên phút giây tình ái
trời đất bỏ lại buồn mà đi mãi
rượu uống lưng đồi từ hạ sang thu.

Đời chìm say ngập lòng theo quán rượu
Pleiku không đủ ấm đường về
bóng đàn bà sâu thẳm cuối cơn mê
nợ tình người để con tim rỉ máu.

Những đêm trăng bãng lãng Biển Hồ
thoáng nhìn tóc người đã hóa bạc
thương lắm Pleiku núi đồi chất ngất
đã đi, ở lại và đã quay về.

Giữa phố xanh xao em còn nhớ Hàm Rồng
tội cho Phước An mây trôi lẻ bóng
góc phố lên cao lưng trời xa rộng
Đã xa rồi hỏi người có chờ trông.

Pleiku bạc lòng tình con gái
chiều lên buốt lạnh pha sương
mắt em thẫm trời miền hoang dại
rót chi dòng lệ quá buồn.

Tôi bơ vơ theo mây trời
phố núi đi về mãi mãi
tội cho hai ta từ đó
để Pleiku và thơ người xa trôi.

Có mĩm môi cười với cố nhân mắt đỏ
có nói lời chia biệt đời nhau
tháng năm qua mà lòng cứ ngỡ
mà lòng sầu.

Em Pleiku bờ vai tóc thả
giọt tình dấu lệ để đời vui
em của tôi ơi rồi cũng một thời
qua đi và quên tất cả.

Môi em xưa ai tô thắm
bao ngày vui đi chưa trọn cuối đường
bông Pơ Lang giữ tình mê đắm
một người đi cho chết tơ vương.

Hoa phố núi sắc chiều tím nở
sương tan thoáng bóng xa rừng
dốc lên hẹn hò còn dở
tiếng ai thoáng giọng rưng rưng.

Hỏi em còn có buồn không?
tôi cầm đời ở lại
núi xưa bạc màu bối rối
tình treo đầu dốc đắng lòng.

Xa rồi người ơi phố núi
lệ mờ mấy lối pha sương
em ở lại sao tôi rong ruổi
tội cho em, Pleiku và những con đường . . .

Huy Uyên

READ MORE - PLEIKU THÁNG 5 - Huy Uyên

Thơ Hoàng Đình Chiến - CỎ MAY - CHỐN BỒNG LAI - NUỐI TIẾC

Hoàng Đình Chiến

CỎ MAY

Cỏ may níu bước chân quê
Hồn quê vấn vít triền đê cuối chiều
Gửi người năng gánh thương yêu
Bước chân vạn nẻo trăm điều dở dang
Cỏ khâu nghĩa xóm tình làng
Mà sao đến nhẹ đến nhàng. Cỏ May.

Cỏ may níu bước chân ta
Hồn quê vấn vít cành đa mỗi chiều
Vi vu gió níu cánh diều
Nhấp nhô sóng níu mái chèo sang ngang
Ta đi để lại lỡ làng
Em về nhặt cánh, bẽ bàng cỏ may

Cỏ khâu tình nghĩa nặng dày
Cỏ may   muối mặn gừng cay tình người

                                                        Tháng 1 - 2011



CHỐN BỒNG LAI

Cơm huyết rồng hồng đôi gò má
Cá nướng trui, ly cạn đậm đà say
Mái dầm em đo con nước vơi đầy
Hương tràm ngất ngây: Gáo Rồng – Đồng Tháp

Em tặng tôi đôi môi ấm áp
Mềm mại vai gầy vành nón nghiêng nghiêng
Làm duyên ơi! cái cười nửa miệng
Ao bà ba lộng cả gió chín rồng

Nâng bước chân chim tràm đước mênh mông
Cồng cộc, nhan sen về đây tổ
Chao chớp trắng cò, lả trong nỗi nhớ
Ngẩn ngơ cánh vạc lạc vào ca dao
Anh chê phố thị chen chúc ồn ào
Em cười: Gáo Rồng, Bồng Lai quê ngoại.

Đồng Tháp 25 - 11 - 2006


NUỐI TIẾC

(Tặng T.C nhân ngày gia đình Việt Nam 28 – 6)

Thôi còn tiếc nuối làm chi
Chén tình uống cạn còn gì nữa đâu
Cau mong chi gặp lại trầu
Lặng trong ánh mắt nhìn nhau khát thèm
Bên nhau tưởng đến cũ mèm
Vẫn như trướng rủ buông rèm chi chi
Tái hồi tái cái vân y
Lời ân nét ái có gì xót xa
Nghĩ rằng tình cũ mặn mà
Mới hay con tạo những là trêu ngươi
Tình dở khóc, nghĩa dở cười
Thoáng trong nuối tiếc một thời tình si.

Ngày 28 - 6 - 2012

Hoàng Đình Chiến


READ MORE - Thơ Hoàng Đình Chiến - CỎ MAY - CHỐN BỒNG LAI - NUỐI TIẾC

BÀI THƠ VIẾT CHO CON - Đình Thu

ĐÌNH THU

                              
                                             Viết cho hai con: Hiệp Phố & Hoàng Phố
                             
Đời người ai cũng có quê hương
Ai cũng có nơi sinh ra để yêu thương và để nhớ
Dẫu  xa xôi muôn vàn trắc trở
Vẫn đêm ngày mơ về  lại chốn xưa
Cội nguồn  là nơi bắt đầu tất cả
Nếu quên đi phải trăn trở suốt đời
Khi hạnh phúc, khi khổ đau, khi tận cùng tuyệt vọng
Ai cũng đều cất tiếng gọi Mẹ ơi !
                
***

Cuộc đời ba cũng như vậy đó con yêu
Cũng có quê hương cũng có giống nòi
Cũng đã nhiều lần gọi Mẹ ơi trong cuộc sống
Khi vấp ngã, khi đau buồn, thất vọng
Muốn được sẻ chia an ủi phần nào
Nhưng cuộc đời luôn cứ hỏi vì sao?
Khát vọng sống mang sắc màu hồ hởi
Đem mơ ước trải lên đường đi tới
Chí làm trai muốn vùng vẫy bốn phương trời
Bước lãng tử dẫm lên đời viễn xứ
Sướng, khổ, buồn, vui nhọc nhằn đủ thứ
Vẫn sống vô tư trước sự dè bĩu của muôn người
Mượn đất khách quê người làm điểm tựa
Làm nơi  xuất phát cuộc hành trình
Sự khởi đầu chính là con !
Niềm tin yêu lớn nhất mà ba hằng khao khát
Trong dòng máu của con là sự hài hòa, kết hợp
Một nửa cần cù, thông minh, chịu khó
                           còn nửa kia phóng khoáng, bao dung.



Ba sợ lắm ngày mai đây nơi mình đang sống
Sẽ trở thành phố thị ồn ào
Người ta sửa sang, nâng cấp, đặt thêm tên đường, tên phố
Khoe những gam màu lỗ loang
Đường sá chật hẹp, nặng oằn, dòng người vội vã
Gương mặt hăm hở, toan tính đủ điều


Cuộc sống căng thẳng như những kỳ thi sát hạch
Nước uống, thức ăn bày bán đầy siêu thị
Trả tiền, đóng gói mang về.
Được rất ít nhưng mất đi nhiều lắm
Mà hôm nay con chẳng hiểu gì đâu ?
                   
***

Con sẽ thấy thiếu và khát thèm nhiều thứ
Những tinh hoa bản sắc của giống nòi
Con sẽ thèm ánh trăng, thèm cánh đồng và dòng sông
Thèm những cánh diều, thèm đàn cò
                                    bay ngang qua bầu trời cổ tích
Thèm sắc cầu vồng đủ màu xanh đỏ
Thèm tiếng ầu ơ mẹ hát thuở nào
Thèm nhiều thứ  mà con quên lưu giữ
Để ngày sau lại cố công tìm.
             
***

Bài thơ này ba viết cho con
Không dám viết nhiều
Sợ con đọc không hết
Đọc qua thôi không cần con học thuộc
Chỉ cầu mong con hiểu đôi điều
Biết làm người và biết thương yêu
Phải biết quê hương để không quên nguồn cội
Mai này khi con khôn lớn
Đừng để đời mình có một nỗi đau riêng 

ĐÌNH THU
dinhthubank@yahoo.com.vn                                                                              
READ MORE - BÀI THƠ VIẾT CHO CON - Đình Thu