Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 30, 2014

BỨC TRANH - truyện ngắn Trạch An -Trần Hữu Hội



-Hình như cậu thích tranh ?

Luận nhìn quanh xem câu hỏi ấy phát ra từ đâu, khi biết chắc là từ ông già bất động trên chiếc xe lăn, Luận cúi đầu chào kính rồi nói:

-Vâng, cháu có thích thật, nhưng …chỉ ngắm thôi chứ chưa hề mua một bức nào!

-Tại sao?

-Tranh giống như phụ nữ đẹp nhưng kiêu kỳ, muốn đến với họ thì phải có tiền, mà cháu thì nghèo!

Một tràng cười phát ra từ chiếc xe lăn. Âm thanh dòn dội váo các ngóc ngách của quán vắng, làm Luận thấy  rờn rợn.

-Sao hả Bác?

-Hai mươi hai năm trước tôi cũng nói câu này, nhưng là nói với một người phụ nữ.

Luận rụt rè:

-Dạ…

Lại im lặng, im lặng như mọi khi. Chỉ còn tiếng nhạc nhè nhẹ.
Hơn sáu tháng nay, Kể từ ngày ra tòa chia tay với người vợ gần mười lăm năm chung sống không lấy gì làm hòa thuận, đều đau nhất của anh trong cuộc ly hôn này là không dành được quyền nuôi đứa con ! Anh trở thành một kẻ độc thân ở tuổi bốn mươi ba ! Luận chọn quán cà phê này trú thân, ngoài căn nhà trọ chật hẹp, cũng ấm cúng vì nó thích hợp với mẫu người cô độc như anh. Quán này cũng thế, sâu, hẹp nhưng ấm áp, vắng và nhiều tranh…Chủ quán, một thiếu phụ, chỉ xuất hiện  khi có khách vào, pha cà phê xong là biến mất, còn lại ông già bất động trên chiếc xe lăn, ngồi trầm tư như thế suốt ngày, hiếm khi nghe ông nói gì,  ông ở đó như một pho tượng, khách vào, ra không hề nghỉ đến sự hiện hữu của ông !

Luận cũng quen dần và cảm thấy những bức tranh trên tường ý nghĩa hơn cả sự tồn tại im lìm đó !

Hôm nay, pho tượng ấy đột ngột mở lời khi anh đang lơ đãng ngắm bức tranh chép lại của Levitan “Ngày nắng” treo  gần  cửa ra vào.

-Cậu biết gì về hội họa?

-Dạ hầu như không biết chút gì !

Lại một tràng cười….

Luận bối rồi không vì kiến thức ít ỏi của minh mà vì câu hỏi đến từ một người mà anh vừa mới đây thôi, cảm thấy thú vị, tò mò…

-Tôi cũng đã nói như cậu !

-Với ai ạ?

-Bà ấy! Chủ nhật này cậu có đến đây không ?

-Thưa... ngày mai?

-Ngày mai là chủ nhật rồi à? Tôi quên mất ngày tháng ! Ừ, ngày mai cậu đến chứ?

-Dạ vâng, cháu  đến, buổi chiều được không Bác?

-Được.

Lại im lặng, một khoảng lặng mênh mông….

oOo

Người đàn bà rời mắt khỏi giá vẽ, ngước mắt nhìn người khách vừa vào phòng:

-Ông muốn mua tranh ?

Người khách trung niên bối rối:

-Tôi muốn một bức sơn dầu, khoảng 0m70- 0m90.

-Vậy là ông cần kích cỡ hơn  tác giả và trường phái?!

Người đàn ông  bối rối chưa biết nói gì thì một  câu hỏi tiếp, lạnh lùng:

-Ông không thích hội họa?

-Thời trẻ tôi có thích, nhưng chưa bao giờ có đủ tiên để mua một bức tranh nào!

Một nụ cười  thoảng nhẹ trên đôi môi người phụ nữ:

-Thế sao?!

-Bà hỏi gì ạ?

-Như vậy rồi ông không tìm hiểu gì về  tranh, về hội họa nữa ư?

-Vâng, hoàn toàn không biết gì!

-Tôi không nghỉ thế,  ít ra thì ông biết thích tranh sơn dầu…

Câu nói như khuyến khích người đàn ông mạnh dạn thêm một chút:

-Tôi thích tranh sơn dầu về tỉnh vật hoặc chân dung . Với tôi, màu sắc vẫn là chính.

Người phụ nữ cười thành tiếng:

-Khó cho ông rồi, những phòng chép tranh chỉ chép toàn tranh phong cảnh để dễ bán. Ông có muốn đặt một bức theo ý mình không? Khá lâu mới lấy và giá tiền cũng cao hơn.

-Vâng thế cũng được, tôi không vội, miễn là đẹp.

Người   phụ nữ nhìn vào mắt ông. Đôi mắt buồn của người đàn ông góa vợ mười sáu năm nay bổng xuyến xao pha chút trìu mến,  khiến người đàn bà bối rối, lãng tránh bằng cách lật những bức tranh mẫu trong cuốn album dày cộm…

oOo

-Bức tranh đầu tiên tôi đặt là một giỏ hoa, chép theo mẫu của Rachel Ruysch. Treo đối diện cửa sổ thứ nhất đó.

Luận nhìn theo hướng ông già vừa nói. Bức tranh vẽ giỏ hoa với màu nền tối, nhưng những đóa hoa thì rực rỡ …trắng nhạt và hồng. Mặc dù treo đối diện, ngang với cửa sổ, vẫn không sáng lên được bao nhiêu!

-Rồi những bức kế tiếp…Tôi đến phòng tranh thường hơn.

-Những bức tranh trong quán này đều do bà ấy vẽ, thưa bác?

-Ừ, trong hơn một năm, bà ấy chỉ vẽ cho tôi. Bà ấy tự chọn mẫu, còn  tôi , tôi thì chỉ cần được đến đó, ngồi xem bà ấy vẽ.

-Bác đã trở thành… người giàu ?

-Tiền bán căn nhà của tôi ở Đà Nẵng, Mua lại căn nhà này, mở cái quán cho con gái,  tôi vẫn còn tiền để sống. Những bức tranh chép bây giờ không còn là một cài gì quá cao để tôi không thể mua nổi ! Nhưng cái chính là do… bà ấy vẽ. Ông già khoa tay quanh tường…Được mười một bức thì bà ấy không vẽ nữa !

Luận nhìn ông già định hỏi, nhưng gương mặt của ông già đã chìm trong một nỗi buồn vừa ập đến sau câu nói. Quán như trống trải hơn, tối hơn và im lặng hơn…

Bên ngoài cửa sổ, chiều xuống  trên dàn hoa pháo, nơi  cánh cổng nhà bên cạnh.

Im lặng , Luận nhìn vu vơ  những bức tranh…

-Tôi có chuyện phải về Đà Nẵng, mười hai ngày sau trở lại thì bà ấy đã chết, bà ấy bị Ung thư đại tràng giai đoạn cuối trước khi tôi đến đó. Một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu, nơi đứa con trai  đã có gia đình ở cùng bà ấy. Cậu ta trao cho tôi một bức tranh:

-Mẹ tôi bảo trao lại cho ông và dặn ông thay khung cho bức tranh.
Luận bật hỏi và lập tức đưa mắt nhìn bức “Người đàn bà xa lạ “ của  Kramskoi treo đối diện:

-Bức tranh nào ạ?

-Không có ở đây, “Bà ấy” ở trong phòng của tôi. Khi thay khung, tôi thấy bức thư của bà ấy.

Im lặng lại bao trùm căn phòng, Luận nhìn  những bức tranh giờ như những mảng màu loang lỗ quanh tường, mắt anh không tập trung được vào một chổ nào. Khi  quay lại nhìn  ông già, anh có cảm giác như ông đã ngủ, đầu gục xuống lọt vào đôi vai gầy… Luận rụt rè đến bên tấm thân bất động:

-Bác có … khỏe … không ạ ?

Ông già ngẩng đầu nhìn Luận, gương mặt ông như nhão ra với những giọt nước mắt. Tiếng nói của ông bất ngờ vang lên, rõ ràng, tương phản với vẻ yếu ớt của cơ thể:

-Nếu tôi trao toàn bộ tranh cho cậu, cậu có đồng ý không?
-Sao, Bác không thích nữa à?

-Tôi vẫn quý chúng như những đứa con, nhưng tôi phải vào Viện Dưỡng Lão !

-Ở đâu ạ?

-Ở Long Thành, Tôi có cô em tu ở một ngôi chùa dưới ấy. “Viện mồ côi” thì đúng hơn.

-Thế con gái bác, chị ấy?

-Tôi làm khổ nó đủ rồi. Từ ngày bị tai biến, mười sáu năm nó phải chăm sóc tôi, không nghỉ chi đến chuyện chồng con, nó trở thành gài già khi nào không hay! Giờ nó gặp một Việt kiều góa vợ, tôi muốn nó xuất cảnh theo chồng.

oOo

Cuối cùng thì chiếc xe chở hàng thuê cũng vào được con hẻm chật chội nơi căn phòng trọ. Hai ngày bận rộn với việc tháo gở, đóng gói cẩn thận những bức tranh, Luận ở trong tâm trạng ray rứt, mâu thuẫn. Phần thì xót xa với hoàn cảnh của ông già, đàng khác, anh mừng vì  bổng dung lại có được những bức tranh….Nghỉ đến chuyện phải treo những bức tranh này lên bức tường nham nhở của phòng trọ mà não lòng.

Không nôn nóng với những bức đã thấy hàng ngày trong quán, anh  hồi hộp dặt bức tranh “Người phụ nữ đợi chết” lên bàn. Báu vật của ông già là bức chân dung một người phụ nữ trạc ngoại tứ tuần, chính là người đã chép lại những bức tranh. Bức tranh thật đẹp,  trong không gian dịu dịu của buổi xế  chiêu, một gương  mặt phụ nữ  trong chiếc mủ len màu nâu trùm kín đầu, bên khung cửa sổ, đôi tay khoanh hờ hững, ánh sáng chếch  tôn lên chiếc mũi thanh tú.” Bà ấy đây sao !” Luận buột miệng không hoàn toàn là bởi nét đẹp của người thiếu phụ mà do  đôi mắt buồn , đăm chiêu của người phụ nữ vẫn hài hòa được với đôi môi mỏng, mĩm cười như khinh bạc thách thức.

Một linh cảm nơ hồ đều gì đó thật buồn, thật xót xa ập đến trong tâm hồn Luân làm anh xao xuyến lo âu khi chợt nhớ lại lời ông già:
-Tôi đã “sống” với bà ấy hơn hai mươi năm. Giờ thì tôi không cần gì nữa, Tôi vào viện mồ côi nhưng rồi cũng sẻ không phiền ai… Bức thư vẫn ở đằng sau bức tranh. Cậu cứ giữ lấy tất cả, tôi không nở đốt nó !

Luận run run lật úp bức tranh, mở lưng tìm lá thư.Một  tờ giấy gấp tư, như được dán vào khung vải:


oOo

Ngày … tháng … năm 1993.

Này, người đàn ông vô duyên !

Tôi đã nghĩ như thế từ  khi gặp ông, cho đến lúc này, hơn một năm  và trong những ngày cuối cùng của đời mình, khi những tế bào ung thư đã di căn và hủy hoại hầu hết các bộ phận trong cơ thể, gây nên những cơn đau thật khủng khiếp! Tôi vẫn gọi ông như thế.”người đàn ông vô duyên”.

Trước hết,  tôi cảm ơn ông đã đi xa đúng lúc để tôi không ray rứt vì sao không có ông bên cạnh, không ngóng đợi trông mong như những ngày ông thỉnh thoảng bận việc, không đến phòng vẽ .
Tôi gọi ông là người đàn ông vô duyên bởi: Ông đến và làm tôi xao lòng khi vừa phát hiên ra căn bệnh chết người một tuần lễ. Tôi  quyết định không  phẫu thuật hay đều trị vì  nó  đã ở giai đoạn cuối. có nghĩa  là tôi không còn sống được bao lâu!

Trong đôi mắt ông từ lần gặp đầu tiên ấy, tôi đọc được một đều là Tôi sẽ yêu ông, và ngược lại.

Nhưng ông có thấy vô duyên không khi  không hề có đoạn kết trọn vẹn cho cuộc tình này. Ông vẫn không biết gì, nhưng tôi, tôi biết sẽ phải xa ông khi tình yêu vừa đến! lẽ   ra lúc này chính tôi  phải nhận  lấy hai chữ “vô duyên” nhưng tôi vẫn gọi như vậy, bởi nó mang nghĩa định mệnh cho cả hai chúng ta. Vâng, đó là một định mệnh!

Bức tranh náy tôi vẽ cho người đàn ông vô duyên của tôi, một bức tranh duy nhất tôi vẽ chứ không chép. Hai tháng sau khi đã trải qua lo âu, sợ hải tột cùng… Thật lạ, tôi lại trở nên bình thản, chấp nhận ngày nó đến. Tôi đặt tên cho bức tranh là "Người thiếu phụ đợi chết”. Hãy nhìn màu xám nhạt của bầu trời, ông sẻ thấy… Ông cũng cứ gọi như thế  nhé.

Thông thường, người bị ung thư, đều trị bằng phương pháp Hóa trị đều rụng hết tóc,  tôi không hóa trị, nhưng tôi muốn ở trong tâm trạng thường trực đối mặt với căn bệnh khi vẽ, chiếc mủ len  trùm kín đầu có làm  ông hình dung được đều đó không?!

Không biết lúc nào thì cái chết đến để giải thoát cho tôi khỏi những cơn đau! Ôi. tôi tiếc biết mấy những phút giây gần gũi bên ông, êm đềm quá, yên bình quá… sẽ không bao giờ có được nữa!
Đau quá!  Tôi… tôi… vĩnh biệt ông thôi…!Người đàn ông vô duyên.

Luận vẫn cầm là thư trong tay, với lòng dạ bần thần. Anh muốn nhanh chóng tìm đến ngôi chùa nào đó ở Long Thành, nói với ông già rằng anh sẽ thay con gái ông chăm sóc ông, cùng ông sống với những tháng ngày còn lại với các bức tranh…Nhưng anh vẫn ngồi  bất động hình ảnh ông già ở nơi nào đó gục đầu thì thào :’Tôi…tôi đến với bà đây, chờ nhé.”như rõ mồn một trong dầu anh!

Sài Gòn , ngày 20 tháng 3 năm 2014.
Trạch An –Trần Hữu Hội.

READ MORE - BỨC TRANH - truyện ngắn Trạch An -Trần Hữu Hội

THÁNG TƯ - thơ Trương Đình Đăng






THÁNG TƯ


Tháng Tư - ai khóc, ai cười
Ai son sắt, ai phụ lời nguyền xưa
Ai nằm xuống tuổi măng tơ
Ai còn - chừ đã bạc phơ mái đầu
Nước non thắm sắc tươi màu
Nghe câu bồi lở mà đau nhân tình !



        PN TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
                    Đà Nẵng
READ MORE - THÁNG TƯ - thơ Trương Đình Đăng

DÂNG NÉN HƯƠNG LÒNG - Tuyển tập thơ văn tưởng niệm nhà thơ Đinh Vũ Ngọc - An Phương Thi Hội và Gia Đình thực hiện (phần 3)





DÂNG NÉN HƯƠNG LÒNG
(Kính dâng Hương Linh
nhà thơ Đinh Vũ Ngọc)

An Phương Thi Hội và Gia Đình
thực hiện ngày 16 tháng 2 - Giáp Ngọ 

(16 / 3/ 2014)


TƯỞNG NHỚ
NHÀ THƠ ĐINH VŨ NGỌC
Doãn Lê

      Nhà thơ Đinh Vũ Ngọc trước 1975 là một nhà giáo mẫu mực, tận tụy với nghề mà cho đến ngày nay nhiều thế hệ học sinh vẫn luôn giữ trọn lòng tôn kính. Và cũng như bao nhiêu người khác, anh cũng đã trải qua nhiều gian khó trong cuộc sống suốt một thời gian dài, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước khi chiến tranh chấm dứt. Anh đã phải sống xa gia đình với nhiều nỗi day dứt. Nhưng từ đó anh đã nổi lên như một nhà thơ tài hoa, và trong khung trời Đường Thi anh hiển hiện như một vì sao sáng. Anh đã đến với cuộc đời, trải lòng cùng nhân thế bằng tất cả chân tình của một thi nhân:

     “Tình tôi đó – những vần thơ vụng dại
      Xin tặng người trong cuộc sống trăm năm”
                                           (Vào thơ)

     Tác phẩm Đường Thi Cảm Dịch từ lúc được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000 đã trở thành một sự kiện văn học độc đáo vào thời buổi mà các phong trào thơ trẻ, thơ hiện đại, hậu hiện đại, mang đủ loại danh xưng, đang lớn tiếng hô hào để làm một cuộc thay máu ngoạn mục cho thơ ca Việt Nam mà theo họ đã bị già cỗi. 

     Các thi tập Chiếc Áo Tơ Vàng, Nắng Vườn Xưa và Hoàng Hôn Phố (sắp xuất bản) đến với giới yêu thơ đã khẳng định chỗ đứng của anh trên thi đàn Việt Nam trong lãnh vực Đường Thi. Trong thơ anh, tuy vẫn tôn trọng những niêm luật khắt khe nhưng ta không cảm thấy một sự gò bó nào, mà vẫn thấy sự phóng khoáng trong tư tưởng, sự mới mẻ trong thi tứ, và sự trong sáng về ngôn ngữ, đã làm cho thơ Đinh Vũ Ngọc vượt hẳn lên những người cùng thời để đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Trong cùng nhận thức ấy, nhà thơ, nhà văn Quách Giao, con của nhà thơ Đường Quách Tấn, vốn rất kiệm lời ca ngợi, khi phê bình thơ Đinh Vũ Ngọc đã viết: “Dáng hào hoa trong nếp áo Đường Thi. Tôi dùng từ “dáng hào hoa” để nói lên cái mới và cái đẹp”. 

     Các thi phẩm theo thể Đường luật Thất ngôn bát cú hay Thất ngôn liên khúc như “Chiếc Áo Dài Việt Nam, Nỗi Lòng, Về Thăm Huế, Tặng Vợ, Ngọn Lửa Đầu Tiên” và nhiều thi phẩm khác đầy tính lãng mạn tài hoa ấy đã làm lay động biết bao nhiêu tâm hồn yêu thơ.

     Ngoài sở trường thơ Đường, anh còn làm nhiều bài thơ theo thể tự do (năm chữ, tám chữ, lục bát…). Hầu hết các thi phẩm của anh đều mang đậm triết lí sống lạc quan dù ngay trong những hoàn cảnh khi anh đã cảm thấy mình dường như không còn đủ sức để vượt nổi những nghịch duyên trong cuộc sống:

     “Anh bây giờ như một loài chim biển
     Đôi cánh cùn không đủ sức bay lên
     Nhưng vẫn quyết vượt biển đời giông bão
     Sải cánh chèo lên sóng nước lênh đênh”
                                (Một loài chim biển)

      Với niềm lạc quan đó nên ta vẫn thấy trong các tác phẩm của anh sự nhẹ nhàng như hơi thở và bàng bạc tinh thần thiền học. Phải chăng tư tưởng Bát Nhã đã đi vào tâm thức của thi nhân:

     “Ai hay hạt cát ngoài hoang đảo
       Mang cả ưu phiền của bể dâu”
                                          (Nỗi lòng)

     Khiến ta nhớ lại hai câu thơ bất hủ của Khánh Hỷ thiền sư đời Lý:  

      “Càn khôn tận thị mao đầu thượng
        Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung” 
        (Trời đất nằm trên đầu sợi lông. Mặt trăng, mặt trời nằm trong hạt cải). 

     Ta hãy cùng đến với bài “Nói Chuyện Với Ông Bán Vé Số” để thấy rõ hơn cái nhìn “như thị” của thi nhân về cuộc sống. Toàn bài thấm đẫm tinh thần triết lý Á Đông.  Cuộc sống này là thực hay mơ, như Trang Tử chưa một lần giải xong công án: Ta là bướm, hay bướm hóa ra ta? Cái trò chơi đánh đố hư hư thực thực của đời được anh thi vị hóa qua mấy câu thơ rất thật nhưng đầy chất bi hài:

     “Thôi hãy đưa đây rút một tờ
       Đem đồng bạc thực để mua mơ
       Biết đâu chiều xổ mơ thành thực”…

     Và tính nhân văn sâu sắc đã thể hiện qua cái nhìn nhân bản, đầy tình người khi anh nhận ra cái “nhất thể” trong mọi thân phận của kiếp đời, vượt lên cái nhìn biên kiến của thường tình:

     “Lội phố, ông mòn đôi dép nhựa
      Nghĩ thơ, ta trắng cả chòm râu 
      Thôi hãy lại đây, ngồi xuống đây
      Chia hai ly rượu đế, cùng say
      Thơ và vé số cho vào túi
      Chung hưởng phong lưu một phút này!”. 

     Tôi đã giật mình khi đọc đến bốn câu cuối. Hiện tại là một món quà mà tạo hóa đã ban cho con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh từ “present” vừa có nghĩa là hiện tại, vừa có nghĩa là quà tặng. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, vậy thì hiện tại mới là giây phút ta thực sự sống. Ấy là trong cái ngất ngưởng thần tiên của Đỗ Phủ: “Tạm thời tương thưởng mạc tương vi” (Khúc Giang). Những người luôn hoài niệm về quá khứ, hoặc mơ mộng về tương lai là những người không thật sự sống vì họ đã đánh mất hiện tại, nghĩa là họ đã đánh mất cái thực tại sống động mà họ đang được ban tặng. Chính phút giây này, hiện tại này mới thật sự là giây phút phong lưu cho mỗi phận người. “Chung hưởng phong lưu một phút này” là trở về với “bản lai diện mục” là sống với pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú mà thiền sư Nhất Hạnh đã mang đến như luồng sinh khí mới thổi vào nền văn hóa tây phương vốn đã bị đóng băng trong tư tưởng thần học. 

     Tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại là thực sự sống phong lưu. Ở đó chẳng có thơ, chẳng có vé số, không ta, không người, tất cả là “chung”, là cái nhất thể thường hằng trong mỗi sát na. 
Trong nguồn sống đạo ấy, suốt 10 năm cuối đời anh đã sáng tác nhiều thi phẩm với những suy niệm tâm linh để cộng tác với Nội San Hương Sen, một tập san Phật học do Hòa Thượng Kim Tâm Thích Hạnh Niệm sáng lập và chủ biên.

     Về cá tánh, anh ít nói, luôn khiêm tốn, luôn lắng nghe. Là một người thấm đẫm tinh thần Phật pháp nên anh không hề có tư tưởng bon chen, háo danh vốn đã trở thành một thứ tâm bệnh dễ lây lan ở bao nhiêu người khác luôn thòm thèm, nhí nhố giữa  cái “chợ thơ” ngày nay. Anh sẵn lòng giúp đỡ thế hệ đàn em, luôn giữ đúng phẩm chất của một nhà thơ trí thức. Hữu xạ tự nhiên hương, Đinh Vũ Ngọc là thế! Nhưng chẳng phải ai cũng có “Con Mắt Xanh” để nhìn ra điều đó. Có lẽ khi tôi viết lên những suy nghĩ này, anh đã nhíu mày. Nhưng chẳng hề gì! Với anh, từ khi bước qua ngưỡng cửa “Cổ lai hy”, anh đã tìm đến và thể nhập vào Thế Giới Hoa Nghiêm, với Tư Tưởng Bát Nhã để an lạc ngắm nhìn “Hạo hạo Lăng Già Nguyệt”.

     Nhớ lại trong bài thơ Phù Sinh anh đã trăn trở cho thân phận kiếp người:

    “Bơ vơ ngay thuở còn ôm rốn
      Trăn trở từ khi mới tượng hình
      Xử thế tựa như trò ảo thuật
      Vào đời như nhập cuộc trường chinh”

     Anh đã đến như một trích tiên để làm cuộc rong chơi trong cõi vô thường với nhân thế, góp sức làm cho ánh sao Đường thi thêm sáng chói trên nền trời thi ca Việt Nam. Và bây giờ anh vẫn còn tiếp tục cuộc trường chinh vào nơi miên viễn.

     Vĩnh biệt anh, người anh cả kính mến – nhà thơ Đinh Vũ Ngọc tài hoa! 

     Xin cầu nguyện anh được an vui miền Tịnh Độ, nơi mà những năm cuối đời anh vẫn hằng tâm nguyện được vãng sanh về!

                                 Tuần 49 ngày -16 tháng 2 Giáp Ngọ
                                              (16/ 03/ 2014)
Doãn Lê
                                              

READ MORE - DÂNG NÉN HƯƠNG LÒNG - Tuyển tập thơ văn tưởng niệm nhà thơ Đinh Vũ Ngọc - An Phương Thi Hội và Gia Đình thực hiện (phần 3)