TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Sunday, August 26, 2018
BẠCH VÂN 1 - 2 / Thơ Lê Kim Thượng
Nhà thơ Lê Kim Thượng
BẠCH VÂN 1 – 2
1.
“Trăm năm, nước chảy đá mòn
Dẫu xa muôn dặm... dạ còn nhớ quê”...
Lời ru qua mấy sơn khê
Gọi người viễn xứ trông về Cố Hương
Đêm nay có Kẻ ly hương
Mơ về làng cũ... cuối đường nhân gian...
Bốn mùa Thu Cúc, Xuân Lan
Bằng Lăng Hè đến... hoa Soan Đông về
Bốn mùa hương sắc si mê
Màu hoa luyến nhớ, màu quê say lòng
Vườn xưa... hoa Giấy đỏ hồng
Chen màu tươi thắm cùng bông Lồng Đèn
Đỏ tươi bên giậu Loa Kèn
Hương quê quyện với hương Sen giữa mùa...
Chiều quê rơi giọt chuông chùa
Heo May thổi nhẹ gọi mùa Thu qua
Em còn gánh lúa đường xa
Đồng chiều mây trắng, ngân nga sáo diều
Ngày qua tàn bóng nắng chiều
Trăng - Em mười sáu, dáng kiều ngây thơ
Thềm rêu đọng ánh trăng mơ
Gió lay cành Trúc mờ mờ, xa xa
Tri âm đối ẩm trăng tà
Hàng Cau ngả bóng la đà nhẹ êm
Tiếng gà giục gáy cuối đêm
Sao Hôm đứng đợi bên thềm thủy chung...
2.
Hoàng hôn ký ức mịt mùng
Có người thắp đuốc nhớ nhung bốn mùa
Qua sông bỏ chuyến đò đưa
Người đi giã biệt tiễn đưa dùng dằng
Bây giờ... trăn trở trở trăn
Người còn gánh nặng, nhọc nhằn xứ xa
Ngày mong, tháng nhớ dần qua
Người còn lận đận, bôn ba phương nào
Bây giờ... bầu bạn trăng sao
Cố quên bóng nắng hanh hao cuối đời
Tôi - Quê, cách biệt đôi nơi
Nhớ ai, ai nhớ một thời trẻ trai
Lá vàng hay lá Thu phai
Tiếng rơi ray rứt hiên ngoài buồn tênh
Nhìn trời, mây trắng bồng bềnh
“Bạch vân thiên tải...” chông chênh phận mình
Nửa khuya rơi một cánh Quỳnh
Đèn chong lay lắt, bóng hình biển dâu
Hương Quỳnh bay mãi về đâu
Tắc Kè kêu động canh thâu đoạn trường
Mười năm, viễn xứ tha phương
Đêm mơ Cố Quận... nhớ thương ngập lòng...
Nha Trang, tháng 8. 2018
LÊ KIM THƯỢNG
......
“...” Ca dao
CHÙM THƠ THIỀN 5, CHÙM THƠ THIỀN 6, CHÙM THƠ THIỀN 7 - Chu Vương Miện
CHÙM THƠ THIỀN 5
TRĂNG
trăng lên khỏi núi trăng tà
ta không leo núi ta già hơn trăng ?
một vàm sông, một khúc sông
chân cầu sóng vỗ tình mênh mông dài
NỤ HOA
thôi toàn núi cùng đèo
ở giữa toàn cỏ áy
em có còn trông theo
ngày chiều lên hun hút
hố sâu sâu hông đường
dốc lên vòng khúc khuỷu
bây giờ sao nhớ thêm
chúng mình thân hạt bụi
bay theo ánh thập phương
mấy ngàn năn chưa gặp
gặp rồi chớm hoàng hôn
thôi đường muôn ngả rẽ
gửi nụ hoá trong hồn
THỜI GIAN
bến ô lâu vẫn đó
cây đa bến cộ còn
hai bờ sông vẫn vậy
người chèo đò
trẻ già nam nữ
thay đổi luôn
CON CÓC
đây là con cóc
con cóc trong hang
con cóc nhảy ra
con người ở đâu ?
con người về đó
nhìn quanh một vùng
chốn nào cũng khổ
con cóc nhẩy vào
trong hang toàn đá
con người bước đi
chốn nào cũng lạ
chỉ một sát na
rừng cây trụi hết lá
con cóc nhảy đi
ta đứng nhìn theo
bốn phiá trời nam bắc
chả thấy gì ?
toàn là sương mờ mịt
CHÙM THƠ THIỀN 6
BAY
chim bay trên trời còn chỗ đến
thuyền lênh đênh lại chẳng bến bờ
hai đứa vẫn hai phương trời Phật
nhảm vô cùng vì hai đứa mần thơ
CÁI TA
Chúa vác thập giá trên nóc nhà thờ
Phật tọa tòa sen trong chùa
ta ôm mớ tham sân si
trong bụng
nên chi ? hết ngục lại tù
QUAY ĐI
nói được cứ nói
còn giữ đuợc hay không
thề thốt dăm bữa
bèo dạt cuôí dòng
tóc thề tầm vai đó
quay đi đã thay chồng ?
THIỀN HÀNH
từng bước chân trên đất
miệng lâm râm đọc kinh
chim hót trong bụi rậm
không biết ai ? là mình
người hành giả nhìn xuống
cỏ non một màu xanh
đất truyền thêm hơi ấm
buổi sớm sương trên cành
nam mô bút tha ná
Phật phổ độ chúng sinh
đất trời sao lồng lộng
toàn là mây trắng xanh
người hành thiền đi khuất
khói lam bay chòi tranh
bữa cơm khoai sắn luộc
cho cuộc sống an lành
CHÙM THƠ THIỀN 7
CÕI TA BÀ
một mình trong cõi ta bà
lêu bêu phố xá hàng hoa cũng đành
một mình trong cõi vô minh
năm chìm bẩy nổi lênh đênh lỗ lời
toà sen đức Phật còn ngồi
hoa sen loá rạng thêm chồi an vui
mầy lành bay tơí bay lui
một ngày sáng tối một thời vàng thau
ôi thời ngó tới ngàn sau ?
THU
trận gió thu phong nhuộm núi ngàn
đất trời đỏ ối buổi thu sang
lá trôi lờ lững trong trơì biếc
ngập cả đồi non rặt lá vàng
CÒN MẤT
sóng cứ lùa trên cát
gió vi vút cành thông
ta nhìn ta trên nước
có đó dường như không
NGOÀI
ngồi bên ngoài thạch động
lẩm nhẩm có hoặc không
thạch nhũ buông từng giọt
khiến núi lở non mòn
quanh năm nghe gió thổi
bình minh lại hoàng hôn
có đó rồi không đó
vì vạn sự vô thường
TA
ta từ đâu ? tới đó
đến đó rồi đi đâu ?
vừa loè lên trong trí
tóc bạc hết từ lâu
ta nhìn con thác đổ
mải miết tuôn vực sâu
thân ta là hạt bụi
quay mãi theo địa cầu
chênh chếch vòng nhật nguyệt
thiên hà sao lẫn sao
CHU VƯƠNG MIỆN
TẢN MẠN VỀ CON TRÂU - Nguyễn Khắc Phước
Nguyễn Khắc Phước
Hồi tóc còn để chỏm, tôi đã từng nghêu ngao bài hát "Em bé quê" (Phạm
Duy phổ nhạc từ một bài đọc trong sách Quốc văn Giáo khoa thư): "Ai bảo
chăn trâu là khổ. Không chăn trâu sướng
lắm chứ. Ngồi mình trâu..." gợi hình ảnh chú bé ngồi vắt vẻo thổi sáo trên
mình trâu khi đàn trâu đang tha thẩn trở về chuồng trong buổi chiều hoàng hôn mát rượi. Có lần đang ngồi
trên mình trâu nhưng nghĩ nát óc mà không tìm ra lời giải cho câu đố: Bốn ông
đập đất, một ông phất cờ, một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân, là con gì? Cũng không
phải chỉ một lần ngồi trực bên bên rỗ rơm khi cha đang dắt trâu đạp lúa để chờ nghe
"ỉa ỉa" là xách rỗ đến hứng, bù lại, được nghe mấy ông thợ gặt tán chuyện
mấy o trong làng hoặc được ăn chè đậu sau khi xảy rơm xong.
Đã ngồi trên mình trâu mà không biết gì về con trâu và nhớ ơn đàn trâu đã cùng gia đình lao động vất vả để có cái ăn, cái mặc nên hôm nay tôi tự tìm hiểu về con vật thân yêu này.
Những câu tục ngữ như: "Trâu cột
ghét trâu ăn", "con gái mười bảy bẻ gảy sừng
trâu", "lộn con toán bán con trâu" v.v. xuất hiện thường xuyên trên cửa miệng mọi lứa tuổi trong câu chuyện hằng ngày, kể cả
thị dân, chứng tỏ hình ảnh con trâu có ấn tượng rất sâu đậm trong đời sống
và ngôn ngữ của người Việt.
Quê hương chính của trâu là vùng
Nam Á và vùng Đông Nam Á.
Các nhà khoa học chia loài trâu làm
3 giống.
Giống trâu hoang dã châu Á còn gọi
là arni được xếp vào giống có nguy cơ tuyệt chủng, một số ít được tìm thấy dưới chân rặng
Hymalaya. Một số ít khác được bảo tồn
trong vườn quốc gia Hukuang Mianmar. Vùng Đông nam Á kể cả dãy Trường Sơn có
khoảng chừng 50 con.
Giống trâu sông (river buffalo) có
50 nhiểm sắc thể sống ở độ cao 2.800
mét ở Nepal và vùng Nam Á.
Giống trâu đầm lầy (swamp buffalo)
có 48 nhiểm sắc thể còn gọi là
carabao được nuôi nhiều ở Phi và vùng
Đông Nam Á. Giống carabao nầy còn là con vật biểu tượng quốc gia của
Philippines .
Tháng 9 -2007, các nhà khoa học
Phi tuyên bố đã lai tạo được giống trâu
vô tính đầu tiên. Tháng 1 - 2008, họ lại bắt
đầu lai tạo một giống trâu siêu chủng cho nhiều sữa, đặt tên là Glory, theo tên của
tổng thống Gloria Maccapagal Arroyo.
Giống trâu Murrah ở Ấn Độ nỗi tiếng cho nhiều sữa nhất thế giới. Trâu Murrah có sừng xoắn, khác với
trâu thường có sừng vòng cung. Mỗi năm một con có thể cho đến 3000 lít. Mỗi năm
Ấn độ sản xuất 30 triệu tấn sữa trâu. Phần còn lại của thế giới chỉ bằng một nửa
số lượng ấy. Ấn Độ cũng đã lai tạo được một giống trâu siêu chủng đặt tên là Nili-Ravi.
Truyền thuyết Phật giáo có câu chuyện kể rằng trước khi thành Phật, Đức
Thích Ca đã bỏ ra sáu năm để hành pháp
khổ hạnh đến nỗi thân thể chỉ còn da bọc xương. Về sau thấy phương pháp khổ hạnh
chỉ đem lại đau khổ mà trí tuệ chẳng hề tăng trưởng nên Ngài quyết định dùng lại
thức ăn để có đủ sức hành thiền, quán niệm hơi thở. Trong thời gian 49 ngày thiền
định, ngài được thôn nữ Sujata dâng cúng cháo sữa, và nhờ đó sức khỏe, ngài được hồi
phục nhanh chóng. Theo thiển ý của tôi, chắc chắn trong cháo sữa đó có sữa
trâu, một là vì ở Ân Độ, bò là linh vật nên chẳng mấy ai dùng sữa bò.
Hai là vùng bắc Ấn là nơi có rất nhiều
trâu sinh sống. Ba là sữa trâu bổ dưỡng, rất thích hợp với người suy dinh dưỡng, vì trong sữa trâu giàu chất béo, canxi, năng lượng cao gấp đôi sữa bò. (Trong 100 mg sữa trâu có 110 kcalo, trong khi 100 mg sữa bò chỉ có 66 kcalo).
Ngày nay, sữa trâu còn được chế biến
thành bơ pho-mat hoặc sữa chua.
Sữa trâu nhiều chất béo hơn sữa bò
nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, nhưng lượng sắt có trong thịt trâu lại
cao hơn thịt bò. (Trong thịt trâu nghé chỉ có1,5 - 5,6% mỡ so với thịt bò là 10 - 20%) .Thịt trâu
thích hợp với người làm việc bằng trí
óc, huyết áp cao, xơ vữa động mạch hay có
nhiều cholesterol trong máu. Phụ nữ mập có thể ăn thịt trâu vì nó cung cấp năng lượng mà không làm tăng
cân. Thịt trâu hầm không mất chất lượng thích hợp với người già và trẻ con và
có thể để nhiều ngày không hư. Thịt trâu nghé mềm quá không ngon bằng thịt
trâu choai chừng 2 tuổi. Ở Thốt Nốt có món thịt trâu luộc với nước cơm mẻ. Ở Củ Chi có món phở nghé. Ở Hòa Tiến, Đà Nẵng, có món thịt nghé nướng lá lốt. Ở Quảng Trị có món thịt trâu xào với đọt trơng (phần lá non màu tím, hạt trơng to bằng hạt tiêu dùng làm đạn của súng ống nổ).
Ở Đồ Sơn, người ta giết thịt trâu chọi và bán rất được giá. Ở Sài Gòn, nếu thèm thịt trâu cứ ghé cửa hàng
thực phẩm tươi sống của Vissan trong hệ
thống siêu thị Saigon Coop tìm thử xem. Ở thôn quê vào mùa rét trâu chết hàng loạt, người ta phải
xẻ thịt chia nhau ăn, nhưng khổ nỗi trâu chết thường là trâu già yếu không chống
chọi được với giá rét và bà con lại không biết cách chế biến nên món thịt trâu trở thành món khó nuốt vì mùi thịt và quá dai. Muốn thịt
trâu già hầm mau nhừ và có mùi vị thơm ngon thì buổi tối, trước khi nấu, xoa lên
miếng thịt trâu một lớp bột hạt cải, sáng hôm sau rửa sạch trước khi nấu. Coi chừng
nhiểm bệnh than (Antharax) nếu ăn phải
trâu bệnh.
Tục ngữ có câu: "Trâu bò chết
để da người ta chết để tiếng" . Thế nhưng trâu chết cũng để "tiếng"
nhưng đó là tiếng trống. Da trâu làm trống phải thuộc rất công phu nhưng chỉ có
da trâu cái chưa sanh đẻ mới tốt vì nó rất dai và cho tiếng kêu hay. Da trâu nấu
thành cao gọi là giao để hòa với vôi quét tường, tạo chất kết dính. Ngoài ra, đông y còn dùng da trâu như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Ở
Bảo tàng Quảng Trị có sợi dây da trâu, chiều dài hơn 2m, đường kính 20mm (nguyên thủy dài hơn), trước đây bộ đội dùng để kéo pháo trong chiến dịch giải
phóng miền Nam.
Sừng trâu cũng không phải là thứ bỏ
đi mà được các nghệ nhân của công ty Lý tam Hùng của ông Lý Patrick ở Hà Tiên
chế biến thành các đồ trang sức, từ vòng, nhẫn... cho đến các đồ dùng khác
như lược, gọng kính, đẹp không thua gì sơn mài, được bày bán khắp nơi trên thế giới.
Người dân tộc Tây Nguyên dùng sừng trâu để rót rượu hay làm mõ. Sừng trâu cũng
có thể thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc nam.
Hầu như tất cả các nước vùng Đông
Nam Á đều có lễ hội đua trâu với tay nài ngồi trên lưng trần của trâu nhấp
nhấp nhổm nhổm trông rất hào hứng, song người ta không giết trâu sau lễ hội như ở
Việt Nam. Người Chăm ở Lạc Tánh có lễ Chém
Trâu (Săm lé) diễn ra vào tháng tư Chăm
lịch với thủ tục nghi lễ rất công phu.
Phụ nữ có bầu ở thôn quê rất kị đi
phía sau đít trâu vì lỡ bị trâu đập đuôi thì rất khó sinh (?).
Nuôi trâu không chỉ để kéo cày
nhưng còn để lấy cứt trâu làm phân bón. Cứt trâu còn để trát phên hoặc có nơi
phơi khô để đun nấu. Để chuẩn bị sân đạp lúa, người ta lấy phân trâu hòa với nước
thành chất bùn sền sệt đem quét lên mặt sân để trám chỗ nứt nẻ. Phơi sân 3 nắng
là được. Mùi phân trâu, mùi nước đái trâu hòa với mùi
lúa mới và mùi rơm rạ tạo thành một thứ mùi quê hương đặc trưng khiến bao người xa quê phải
thương nhớ đến ngẩn ngơ. Vào mùa đông giá rét, nếu bạn bị nứt gót chân, thử đạp chân
vào bãi phân trâu mới ỉa còn ấm vài lần, có thế cũng đỡ!
Mười bức tranh trâu, mà người ta thường gọi là "thập mục ngưu đồ", vẽ con trâu và người chăn trâu, mô tả thứ tự quá
trình diễn biến trong tâm thức của người hành thiền, (người sáng tác có lẽ đã liên tưởng đến giai thoại Phật uống sữa nói trên?). Đầu tiên phải đối
trị tâm cho đến lúc hoàn toàn khống chế được tâm. Khi tâm được thuần thục không
còn vọng động, ánh sáng trí tuệ sẽ bùng lên như một mặt trời. Khi đã ngộ, hành giả ung dung nhập thế. Nếu có dịp đến thăm Trúc
Lâm Thiền viện ở Đà lạt, ghé vào thư viện, bạn sẽ thấy 10 bức tranh trâu đang treo trên tường, bạn hãy nhờ thầy phụ trách
thư viện ở đó giải thích thì rõ hơn.
Hồ Tây ở Hà Nội còn có tên là hồ
Kim Ngưu (Trâu Vàng). Truyền thuyết kể rằng ông Khổng Lồ (Không Lộ?) có tài thu hết đồng đen của
phương Bắc đem đúc thành chuông. Chuông đánh lên tiếng vang sang bên Bắc. Vì đồng
đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền chạy đi tìm
mẹ. Tới đây, nó quần thảo mãi khiến chân bị chảy máu thành hồ Tây (theo Wikipedia).
Seagames 2003 tổ
chức tại Viêt Nam lấy con trâu vàng làm biểu tượng là dựa theo truyền thuyết ấy
(?). Hiện nay còn có đường phố tên Kim Ngưu tại quận Hai Bà Trưng Hà Nội.
Đón Tết năm Sửu mà không xem một "quẻ" về tuổi Sửu thì e thiếu
sót. Người ta cho rằng người tuổi trâu tính chậm chạp nhưng chắc chắn, thường là
người khỏe mạnh, độ tin cậy cao, thích
làm lãnh đạo, cần cù, làm việc không biết mệt. Tuy nhiên, họ rất khó thay đổi quan
điểm của mình, đôi khi bảo thủ, cố chấp. Người tuổi trâu ít nói và không thích ở
giữa đám đông. Tuy nhiên, nếu bạn cần lời khuyên chân thật không thiên vị thì cứ
đến hỏi người tuổi trâu.
Phụ nữ sinh năm Dần thường gặp khó khăn về đường gia thất, do đó, có người
dấu béng tuổi thật của mình và chọn tuổi Sửu để dễ có chồng hơn!
Cuối cùng xin kể lại câu chuyện tiếu
lâm mang tựa đề "Ông quan thanh liêm" dính dáng đến con trâu mà có lẽ
ai cũng biết.
Một ông quan huyện nó suốt thời
gian tại chức nổi tiếng là thanh liêm và đức độ, không tơ hào một đồng nào của dân, về hưu sống thanh bạch trong sự cảm mến và luyến tiếc của mọi người.
Một hôm đến ngày giỗ thân phụ, ông ngạc nhiên thấy bà vợ đi chợ mua nào gà, nào heo và nhiều món đắt tiền khác
để làm giỗ rất linh đình, vượt quá sự tưởng tượng của ông. Ông hỏi bà:
- Nè bà, tôi hỏi thật bà điều này.
Bà lấy tiền đâu ra mà làm giỗ linh đình thế?
Bà vợ trả lời:
- Chẳng dấu gì ông, thời ông còn tại
chức có người đến hỏi ông tuổi gì, tôi thực tình nói ông tuổi Tý. Tưởng họ hỏi để
coi tử vi cho ông thôi, ai ngờ một tuần sau họ đem đến biếu một con chuột làm
toàn bằng vàng y. Tôi biết tính ông nên không dám nói cho ông hay. Mình đã được
mời đi ăn giỗ nhà người ta không biết bao lần mà chưa có dịp mời lại . Nay đã đến
lúc phải trả nợ miệng cho rồi. Tôi đành phải xẻo bớt một mẫu nhỏ của con chuột bán đi mới có tiền mua đồ cúng.
Ông quan nghe bà vợ nói xong vỗ đùi
đánh đét một cái rồi nói:
- Trời đất ơi! Tiếc ơi là tiếc! Sao hồi đó bà không nói tôi tuổi sửu!
Đà Nẵng, 2008.
NGUYỄN KHĂC PHƯỚC
ANH THẦY BÓI HẾT THỜI - Thủy Điền
ANH
THẦY BÓI HẾT THỜI
Sau gần 2
năm, kể từ ngày làm nghề bán sách bói. Hắn thấy số sách sao còn đọng quá nhiều,
chẳng ai mua, mà số nợ lớn mượn người quen trước đây để in sách đã sắp đến ngày
phải hoàn lại. Hắn hốt hoảng và chợt nghĩ ra thế là mình đã bị phát hiện vì
Copie ý tưởng của những nhà tiên tri khác nên thiên hạ đã tẩy chay mình một
cách không nuối tiếc.
Hắn là một
người tầm thường, nhưng được cái chịu khó mằn mò. Năm 18 tuổi khi tốt nghiệp bằng
tú tài loại “ Hạng thứ “ Hắn chẳng biết phải thi vào trường nào với trình độ hạn
hẹp cho hợp lý và cuối cùng hắn thi vào trường Văn Khoa. May, hắn đậu và theo học
4 năm. Học xong, hắn được cấp bằng Cử nhân Văn chương. Thời ấy, ai có cái bằng
Cử nhân Văn chương thì nghe cũng ghê gớm đấy, bao người đều cho hắn là một nhà
trí thức to tác. Bởi thế, đi đâu hắn cũng hay vênh vênh cái mặt lên trời.
Đi vòng
quanh làm quen với các nhà báo gần năm trời, hắn xin ông Tổng biên tập một nhật
báo một chân phóng sự. Ông Tổng biên tập thương tình cho hắn vào làm và phân đi
công tác vài, ba nơi. Hắn cũng thế, rất mừng và xông xáo trong công việc, nhưng
sau mấy lượt mang tin tức về, ông Tổng biên tập chê hắn chẳng làm ra chuyện gì
cả và cho thôi việc.
Thất nghiệp,
hắn chẳng biết làm gì cứ mượn danh là Nhà báo rồi tìm tòi những cuốn sách Tử vi
của các nhà Tiên tri tiền bói từ Việt nam đến Trung hoa để copie ý tưởng và viết
lại thành sách của mình. chỉ thế mà hắn đã nhồi qua, xào lại mà đã được gần chục
cuốn. Xong hắn và vợ hắn đi chạy vay tiền bà con khắp nơi để in sách và bán. Hắn
nghĩ chỉ trong vòng 1 năm thôi hắn sẽ bán hết và có một số tiền to tướng. Thật
đúng vậy, chỉ trong vòng mấy tháng đầu hắn bán sạch gần phân nửa cho đám người
mê tính dị đoan. Rồi bỗng dưng sau những tháng ấy người mua bắt đầu giảm dần và
cuối cùng đi đến triệt tiêu và từ đó sách bói của hắn không còn ai chiếu cố nữa.
Mặc dầu hắn đã tìm mọi cách để cứu lấy nó, nhưng cũng bất thành
Con nợ
càng lúc càng siết chặt, hắn xuống giọng nài nỉ và trả dần được một số ít nhờ
bán lúc ban đầu nên tình thế cũng nhẹ nhỏm đi phần nào. Nợ nần hay vay mượn thì
cũng có giới hạn của nó, chỉ trong vòng vài tháng sau thì cơn ấy lại bộc phát
lên và càng dữ tợn hơn, vợ hắn chịu không nỗi làn sóng con nợ đến đòi mỗi ngày,
nên phải đành bỏ hắn và con thơ vác gói ra đi một cách âm thầm. Hắn bây giờ là
gà trống nuôi con, tiệm sách đóng cửa, không thu nhập. Hắn thất sủng, cứ mặc kệ
cho dòng đời. Ngày xưa phải nói hắn rất bô trai, còn hiện tại hắn như là một kẻ
bụi đời, đầu trọc, ăn mặc lôi thôi tỏ vẻ như là một người nghèo túng từ bao kiếp.
Với những ngày tháng sa cơ ấy, tuy vất vả, nhưng nhờ có số vốn văn chương, bói
toán nên thỉnh thoảng cũng có dăm cô thất tình nhờ hắn xem về tình duyên, gia đạo,
tương lai, vận mạng..v...v... nên hắn và thằng bé con cũng đắp đổi qua ngày.
Trong những
lúc buồn, thất vọng, thiếu vắng vợ, bên con thơ, hắn khóc và ngẫm nghĩ về sự việc
của mình đã làm rồi tự trách, mọi chuyện đổ vỡ ra đều cũng tại do mình cả. Trên
đời nầy muốn được tồn tại là phải tự bản thân mình trước đã, phải do bộ óc sáng
tạo riêng của mình, ta không nên vay mượn của kẻ khác, dù ở lĩnh nào cũng thế,
cuối cùng rồi thiên hạ cũng sẽ vạch trần, vì đó là sự thật. Một khi là sự thật
thì không ai có thể chối cải được.
Thủy Điền
26-08-2018
KÝ ỨC MÙA HÈ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm
Tác giả Trương Thị Thanh Tâm
KÝ
ỨC MÙA HÈ
Nắng hạ vàng lá cỏ
Hoa phượng đỏ trên cây
Sân trường giờ im vắng
Nỗi buồn ai có hay
Đâu bàn tay nho nhỏ
Tìm nhặt cánh phượng rơi
Ép vào trong trang sách
Tiếng cười vỡ trên môi
Hạ tô hồng ký ức
Màu nắng sớm lung linh
Vòng tay ấm thân tình
Xa nhau thời thương nhớ
Đâu còn màu áo mới
Bay theo gió hạ buồn
Chỉ còn tiếng ve ngân
Chỉ còn màu phượng đỏ
Rồi hạ cũng ra đi
Một chút thu trên lá
Tiếng trống trường giục giã
Trang giấy mới còn thơm
Mỗi lần qua trường cũ
Lại nhớ gốc phượng già
Bạn bè thân ngày ấy
Còn xuôi ngược bôn ba
Trương Thị Thanh Tâm
(Mytho)
NHỮNG VẦN THƠ CHO MUỘI - Thơ Châu Thạch
MỪNG
EM THÁNG TÁM
(Mến
tặng Du Thụy Khúc)
Tháng 8 về tôi mừng em sinh nhật
Mơ một người em yêu ôm em
Trăng sẽ mơ và đêm sẽ êm đềm
Tháng 8 của em, khúc thụy du tháng tám
Tháng 8 về tôi mừng em tháng 8
Đóa hoa hương nồng đôi môi em
Ai sẽ hôn? tôi nguyện cầu người ấy
Trái tim hồng năm tháng cứ hồng thêm
Tháng tám của em trời không làm gió bão
Để tóc em bồng để mắt em xanh
Mà mùa thu trăng còn ngủ trên cành
Em cứ mộng để thơ tình cứ đẹp
Tháng tám về tôi mơ thấy em đi
Như mây trắng phiêu du cùng bốn biển
Để em thấy bao nhiêu điều hiển hiện
Cho hồn em phong phú viết thơ tình
Tháng tám về em thật là xinh
Hãy nhớ về tôi
Một phút thôi tháng 8 !
Châu
Thạch
HOA
LẠ
(Mến
tặng Đinh Quang Tuyết)
Ngồi bên hồ bán nguyệt
Hoa súng nở bên mình
Phía sau hoa gì xinh?
Mà hương nồng thơm quá!
Hoá ra là hoa lạ
Hoa biết nói, làm thơ
Bổng niềm vui bất ngờ
Vườn tràn lan sinh thái!
Xưa tìm trầm ngậm ngải
Nay tìm ai tìm ai!
Đời đẹp chắc không dài
Thoả vui hồn phút chốc
Mộng như làn khói bốc
Chưa chín đặng nồi kê
Vội vàng quay, quay về
Phút giây thành quá khứ !!!
Châu Thạch
CHUYỆN QUÊ - Thơ Đặng Xuân Xuyến
CHUYỆN
QUÊ
Về quê
Gặp cháu dâu đầu ngõ
Tròm trèm tuổi 90
Móm mém cười:
- Thưa Ông! Em Tuấn Hưng có về lễ Tổ?
Thằng chắt chạy ra hô hố:
- Cụ chả thèm cưới vợ
Cháu chắt mòn răng chờ chén cỗ
Đến chừng nào cụ mới chịu hồi xuân...
Đứng chặn giữa sân
"Ông anh" nhánh trên thò lò mũi dãi
Chả cần e ngại
- Chú về?
Muộn thế?
Cho anh nghìn mua gói bim bim...
“Chị gái” nhành trên vừa tè ướt bỉm
Huơ huơ bàn tay
Nghe chừng muốn lẫy
Chị cười
Tơn tớn hàm răng những lợi
Bà bác năm trước thẹn thùng: - cháu chào chú Xuyến
Năm nay đã dáng bề trên:
- Anh vào lễ Tổ
Rồi sang, bác anh có chuyện.
Về quê
Nếp quê
Khó cho người trẻ
Chuyện quê
Thói quê
Ấm dạ người già.
Hà
Nội, ngày 22.08.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Subscribe to:
Posts (Atom)