Hai lần gặp nhà thơ HỮU LOAN ở Bà Rịa
LÊ THIÊN MINH KHOA
Phác thảo bìa sách “Lại nghĩ về thơ”. Lê Thiên Minh Khoa.
Tôi gặp nhà thơ Hữu Loan chỉ 2 lần, nhưng lần nào cũng dài ngày.
Lần đầu, vào đầu năm 1988, vào dịp tết Nguyên đán, gia đình tôi được đón tiếp nhà thơ Hữu Loan ở Bà Rịa khi ông du hành phương Nam.
Đây là cuộc hành phương Nam đầu tiên của ông sau ngày 30.4.1975. Sau nhiều năm bị quản thúc tại địa phương, đến năm 1986, ông mới được ra Hà Nội thăm bạn bè và cuối năm 1987, làm một chuyến du hành phương Nam. Trạm dừng chân đầu tiên là Huế, rồi Quảng Ngãi, Nha Trang và cuối cùng là Biên Hòa và Bà Rịa. Đến địa phương nào, ông cũng được giới văn nghệ sĩ đón tiếp nồng hậu. Riêng ở Bà Rịa, ông trú lại suốt tết năm đó, đầu năm 1988, ăn ngủ với chúng tôi, cùng đi chơi hội vui xuân, chụp hình, đàm đạo, dẫn các cháu bé đi dạo, dự các tiệc thơ với Hội thơ Lan Đình, giao lưu với văn nghệ sĩ, trí thức Bà Rịa yêu thơ ông, ngồi làm mẫu cho HS Phạm Hoan ký họa, nhậu “xoay tua” với bợm nhậu đất rượu Hòa Long… Ôi, biết bao là kỷ niệm đẹp với ông, về ông!…
Tác giả Màu tím hoa sim -
Tranh dán giấy của Phạm Hoan
Còn nhớ một buổi tối trong khu tập thể phòng giáo dục huyện Châu Thành, tại Thị trấn Bà Rịa, nơi vợ chồng tôi tạm trú, bên 2 dĩa mồi là cá trich (loại cá rẻ nhất lúc bấy giờ) kho giả cá hộp và ốc sên (bắt trong vườn nữ tu viện Saint Paul) xào lá lốt để đưa cay với "rượu Hoà Long ai đong nấy uống", ông tâm sự với chúng tôi về cuộc đời và nhiều tình cảnh, giại thoại sáng tác của ông, trong đó có hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Màu tím hoa sim". Tiếp ông hôm đó có đông đủ VNS, trí thức Bà Rịa thời đó: Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Lão Nông thi sĩ Linh Đàn Nguyễn Hữu Kiểm, ông Ba Chiêu (người làm đàn và đánh đàn), vợ chồng nhà báo - nhà thơ Phong Hồ Lê Viết Dương _ nhà văn Huyền Anh, vợ chồng HS Phạm Hoan - nhà văn Phạm Thị Nguyệt Cầm, các nhà giáo yêu thơ: Nguyễn Thái Hưng, Nguyễn Thành Nhơn, Trọng Thuỷ (nhạc công)... và vợ chồng tôi. Trong tiếng đàn phong cầm, acmonica và ghita thùng, ông đọc và chép tay cho chúng tôi những bài thơ ông đã viết và dịch, ấn tượng nhất là bản dịch của ông bài "Tương Tiến Tửu" của Lý Bạch. Sau đó, ông đọc bài thơ ông hoạ bài thơ "Vịnh Lan Đình" của Hội thơ Lan Đình Bà Rịa mà ông họa hồi khuya rồi. Khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc hát cho ông nghe 2 bản nhạc phổ bài thơ "Màu tím hoa sim" của ông: bài “Áo em sứt chỉ đường tà” do Phạm Duy phổ thơ và bài "Những đồi hoa sim" do Dũng Chinh phỏng thơ, thì trái với tất cả chúng tôi, những người sống ở miền Nam và tương đối hiểu về âm nhạc, ông lại thích bản nhạc bình dân phỏng thơ ông của Dũng Chinh hơn (trong văn nghệ, sở thích, thẩm mỹ khác nhau cũng là lẽ thường!)
Lần thứ 2 là hè năm 1988, khi ông lại vào Nam tìm thăm người con cả đang làm thợ mộc ở xã Hắc Dịch, một xã vùng sâu của huyện Châu Thành (thị trấn Bà Rịa nơi tôi ở, bấy giờ là huyện lỵ của huyện Châu Thành), tỉnh Đồng Nai (cũ) và trở thành khách mời không chính thức của trại sáng tác do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức ở Long Hải, cách Bà Rịa 12km. Lúc nầy ông sống "ba cùng" với chúng tôi và ông được văn nghệ sĩ trong đoàn đón tiếp nồng hậu "trên mức tình cảm".
Lại nói, khi ở Bà Rịa với anh em chúng tôi, nhà thơ Hữu Loan đêm nào ông cũng thức khuya để viết lách, vẽ vời và chép tay lại những bài thơ của ông, để tặng chúng tôi, trong đó có những bài thơ Đường ông dịch và những bài thơ ông sáng tác chưa bao giờ công bố hoặc là chúng tôi mới đọc lần đầu như: Hoa Lúa, Những tháp chuông giáo đường… Kỷ niệm đáng nhớ nhất về tính thi sĩ của ông là một đêm ông đang ngủ bỗng nhiên bật cười lớn, khoái trá và bật dậy, bật đèn, ghi ghi chép chép. Thì ra ông tìm được những “khoái tự” (hình như là cụm từ “chàng trơ ngọc”!) cho bài họa của bài xướng "Vịnh Lan Đình" của Hội thơ Lan Đình Bà Rịa mà hồi tối, trong tiệc thơ tại sàn thơ của hội thơ Lan Đình ông đã nghe nhà văn Huyền Anh - vợ thủ đình Phong Hồ diễn ngâm và suốt từ đó, ông tìm ý tứ, câu chữ cả trong giấc ngủ:
Họa vui thơ sàn(*)
Lầu cao chưa chắc đã hơn sàn
Sách quý nào ai nỡ gói hàng
Có rượu có cua mà xách đến
Nào thi nào phú hãy mang sang
Văn chương ế ẩm chàng trơ ngọc
Tình tự triền miên thiếp mất vàng
Ý hợp tâm đầu bên Thủy Bạc
Thơ thần sang sảng quát thì tan!
Hữu Loan họa
Hữu Loan học Tây học, nhưng rất giỏi chữ Hán rất thích dịch thơ Đường, mà chỉ dịch bài nào ông thích thôi. Về khoản chữ Hán và dịch thơ Đường thì ông và Lão Nông thi sĩ Linh Đàn, lúc nầy ở Bà Rịa, rất tâm đắc với nhau. Trong những bản dịch Đường thi mà ông để lại, mấy anh chị em văn nghệ sĩ Bà Rịa ấn tượng nhất, thích nhất và thuộc luôn là bài "MỜI RƯỢU" ông dịch bài thơ "Tương Tiến Tửu" của Lý Bạch, dù trước đó đã đọc bản dịch bài thơ nầy của nhiều nhà thơ nổi tiếng khác: Tản Đà, Khương Hữu Dụng, Tchia- Đái Đức Tuấn v.v... Ông đã dùng thứ ngôn ngữ khẩu ngữ tự nhiên, bình dân rất sinh động đời thường mà thể hiện được phong cách thơ rất hào phóng, bay bổng lại rất tự nhiên, tinh tế, giản dị và tình cảm phong phú mãnh liệt của bậc thi tiên nên đọc lên nghe rất “đã đời”:
Người đời ơi đắc chí cứ vui tràn
Chớ để ráo chén vàng khuya trăng ngó
Trời sinh ta tài không để bỏ
Nghìn vàng vung tay trắng xòe lại có
Nướng dê mổ trâu mà thêm vui
Họp uống nài nhau ba trăm chén một hơi
Riêng bài thơ “Vịnh Kiều”, một bài thơ rất nổi tiếng của Phạm Quí Thích mà tác giả PQT tự dịch Nôm rất hay, nhưng Hữu Loan chưa hài lòng với câu cuối bản dịch. Ông cho rằng :“Tân thanh đáo để vị thùy thương" thì là thương ai? Thương Nguyễn Du hay thương nàng Kiều? Hay thương cả hai? Và ông cũng đã dùng nhiều từ ngữ bình dân, đời thường để dịch bài thơ nầy, trong câu cuối ông gọi Kiều bằng em mà sau nầy có người cho rằng ông dịch rất ngông. Còn ông thì cả cười: “Mình là con cháu Nguyễn Du mà gọi Kiều bằng em kể cũng thú vị đấy chứ!”:
Một mảnh tài tình thiên cổ lụy
Khúc này đứt ruột phải vì em
Nhiều bài thơ Đường khác cũng đã có nhiều bậc thâm nho và các nhà thơ đương đại dịch rồi: “TỐNG HỮU NHÂN” của Lý Bạch (Khương Hữu Dụng dịch); “THU HỨNG 1” của ĐỖ PHỦ (Nguyễn Công Trứ dịch); “THU HỨNG 4” của ĐỖ PHỦ (Từ Diễn Đồng dịch); “Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” (**) của Lý Bạch (Ngô Tất Tố, Trần Trọng San, Trần Trọng Kim, Khương Hữu Dụng, rồi sau nầy là Trương Nam Hương, Lê Thiên Minh Khoa dịch…, nhưng bản dịch của ông vẫn có nét độc đáo, ý vị riêng…
Những bài Đường thi ông dịch chép tay để lại được Phong Hồ - Lê Viết Dương, lúc đó là Thủ đình của Hội thơ Lan Đình giữ, còn chúng tôi thì chuyền tay nhau chép tay lại. Phong Hồ sau nầy về Sài Gòn rồi phụ trách Trang Thơ Đường báo Đại Đoàn Kết và các Hội thơ Đường trên toàn quốc của Đại Đoàn Kết. Bây giờ Phong Hồ mất rồi (1953-2001), những di bút thơ dịch của Hữu Loan hồi đó biết có còn chăng? Nhưng may quá, nhờ vợ chồng Nguyệt Cầm - Phạm Hoan còn giữ lại di ảnh, di họa, di bút những bài thơ của ông, trong đó có những bài ngắn ông viết tặng lúc ở Bà Rịa. Lát nữa, mời bạn đọc thưởng lãm vài di ảnh, di họa, di bút trong số đó và cả những bài thơ dịch của Hữu Loan mà chúng tôi chép lại được
NHỮNG BẢN DỊCH THƠ ĐƯỜNG nhà thơ HỮU LOAN chép tay để lại Bà Rịa.
M Ờ I R Ư Ợ U
HỮU LOAN dịch "Tương Tiến Tửu" của Lý Bạch
Thấy chăng ai, nước Hoàng Hà tuôn thác tự trời cao
Cuộn về khơi trái ngược làm sao
Thấy chăng nữa lầu cao trăng sáng thương cho tóc
Sáng mới tơ xanh chiều đà như tuyết
Người đời ơi đắc chí cứ vui tràn
Chớ để ráo chén vàng khuya trăng ngó
Trời sinh ta tài không để bỏ
Nghìn vàng vung tay trắng xòe lại có
Nướng dê mổ trâu mà thêm vui
Họp uống nài nhau ba trăm chén một hơi
Này Sầm Phu Tử, người Đan Khâu ơi
Đã uống thì luôn tay chén chớ rời
Cùng nhau ta hát khúc, nghiêng tai này bác lắng nghe tôi
Thức ngọc, mâm vàng, trống chiêng sao đủ quí
Ai tỉnh ai say suốt đời thề lúy túy
Trần Vương xưa ban yến Bình Lạc
Rượu đong đấu mười nghìn khách mê tơi khướt
Thánh hiền xưa nay các cái thảy đều im lìm
Duy đấng làng say danh lừng để
Như nghe chủ nhân thì thào thiếu tiền
Uống chớ lại vò, dốc nốt ta cùng mời tôi mời bác
Còn áo cừu nghìn vàng, còn ngựa hoa năm sắc
Hò trẻ đem luôn, rượu đậu tăm sang tất
Cùng bác ta tiêu muôn kiếp sầu đời.
Vịnh Kiều
PHẠM QUÍ THÍCH
HỮU LOAN dịch
Giai nhân há phải đến sông Tiền
Nửa kiếp khói hoa nợ chửa đền
Mặt ngọc nhẽ đâu dìm nước vạn
Lòng băng há phụ nghĩa chàng Kim
Đoạn trường tỉnh giấc, căn duyên hết
Bạc mệnh im đàn rú hận lên
Một mảnh tài tình thiên cổ lụy
Khúc này đứt ruột phải vì em
TẠI LẦU HOÀNG HẠC tiễn MẠNH HẠO NHIÊN
đi QUẢNG LĂNG
Hữu Loan dịch Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
của Lý Bạch
Xuôi Dương Châu bỏ tây Hoàng Hạc
Tháng ba mây lũ lại xuôi ơi
Buồm đơn bóng tít bầu xanh thẳm
Chỉ thấy dài sông chảy mãi thôi.
TIỂN BẠN
Hữu Loan dịch TỐNG HỮU NHÂN của Lý Bạch
Non dựng xanh lũy Bắc
Nước lượn phau thành Đông
Biệt nhau non nước ấy
Muôn trùng khơi chiếc bồng
Người đi mây du tử
Tình về chiều chiều trông
Vẫy tay thôi cất bước
Ngựa đi nghe xông xông.
CẢM XÚC MÙA THU 1
Hữu Loan dịch THU HỨNG 1 của ĐỖ PHỦ
Sương bạt rừng phong khua lá cây
Ngàn Vu sương lóa, khí thu dày
Lưng trời tung sóng, triều sông thẵm
Ải khói giăng thành, đất rợp mây
Cúc nở đôi phen, ngày lệ tủi
Vườn xưa thuyền chiếc, buộc niềm tây
Nơi nơi áo rét, rèn dao thớt
Bạch Đế chiều lên, khẩu muộn chày.
CẢM XÚC MÙA THU 4
Hữu Loan dịch THU HỨNG 4 của ĐỖ PHỦ
Dân kháo đua xưa thiếu chuyện gì
Trò đời trâng tráo nút tai đi
Lâu đài sông núi sang tên số
Bôi lọ râu ria đổi nạ hề
Cởi dép xách giày phang mặt trống
Quân đi đội đụn biển đông về
Cá rồng thin thít sông thu lạnh
Nước tổ ai làm đến cảnh kia.
Vài DI BÚT, DI ẢNH, DI HỌA…
của nhà thơ HỮU LOAN cuối thập niên 80 ở Bà Rịa
Nhà thơ Hữu Loan qua ký họa của
HS Phạm Hoan
Nhà văn Phạm Thị Nguyệt Cầm và nhà thơ Hữu Loan
tại Trại sáng tác Long Hải, 1988
Di bút: Trang đầu 2 bài thơ Những tháp chuông giáo đường và Hoa lúa
Hữu Loan vẽ minh họa cho “Ngày hợp hôn anh mặc đồ hành quân”
________________
(*) Bài xướng:
KHAI HỘI
(LAN ĐÌNH THI HỘI)
Bến sông dựng tạm một nhà sàn
Tre nứa đơn sơ buộc mấy hàng
Mượn chữ Lan Đình mừng bạn đến
Nhờ thơ xướng họa gởi tình sang
Dẫu không gác tía không người ngọc
Thì cũng trăng thanh cũng bạn vàng
Núi dựng thành xa bờ lặng sóng
Tiếng thơ đồng vọng mãi không tan
Hội Thơ Lan Đình Bà Rịa
(**) Nguyên văn, phiên âm, dịch nghĩa và các bản dịch bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lý Bạch:
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút,
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.
Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau
Phía tây bạn biệt Hạc lâu
Tháng ba trẩy xuống Dương Châu thuận dòng
Cánh buồm bóng hút màu không
Trông xa trắng xoá nước sông bên trời
Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
Hoàng Hạc lầu xưa bạn cũ rời
Dương Châu hoa khói tháng ba xuôi
Buồm đơn bóng hút vào xanh biếc
Chỉ thấy Trường Giang chảy cuối trời
Bạn cũ rời tây Hoàng Hạc lâu,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Buồm đơn, bóng lẫn vào mây biếc,
Chỉ thấy Trường Giang xuôi mãi đâu...
Bản dịch của Trương Nam Hương:
Từ tây lầu Hạc - người xa
Tháng ba hoa khói xuôi nhòa Dương Châu
Chấm buồm hút thẳm xanh sâu
Thấy Trường Giang vắt ngang bầu trời trôi
Cố nhân xa lầu Hoàng Hạc rồi
Tháng ba hoa khói Dương Châu xuôi
Buồm đơn xa khuất bầu không biếc
Chỉ thấy Trường Giang hút cuối trời.
(Trích trong cuốn sách “Lại Nghĩ Về Thơ” – tiểu luận, phê bình – Lê Thiên Minh Khoa, sắp xuất bản, 2019, trang 32-43)
LTMK