Dạ, thưa Mẹ, chúng con đây!
Thơ Vũ Miên Thảo
Giờ xa lắm tuổi mười lăm
chạm mây trắng
tóc lâm râm màu chiều
buổi về, lay dấu chân xiêu
thềm xưa mẹ đợi
gió liu riu mùa
thương nhiều lắm những thiệt
thua
còng lưng gánh sống
chợ trưa – vườn chiều
cho trăng sáng mắt tin yêu
cho hoa rạng má môi điều ngây
thơ
chòng chành suốt chặng đường
mơ
áo sương, khăn gió
làm ngơ cuộc tình
têm trầu
thêm nữa linh đinh
cau thâm môi
chát chữ tình trăm năm
trắng tinh ly ngọc âm thầm
sợ giao bôi rượu
rót lầm đắng cay
mẹ cười
lời gió trăng bay
chiều ba mươi tết
vui vầy đón xuân
lá mai mẹ lặt hôm rằm
đếm ngày hoa nở cuối năm
con về
Dạ thưa Mẹ!
chúng con đây
hoa vườn nở cánh
môi đầy nụ xuân!
Vũ Miên Thảo
Lời Bình của Lê Liên
Ngay tựa đề bài thơ tác giả
như ngầm chia sẻ với chúng ta về người Mẹ của ông. Cho nên, chúng ta chẳng dại
gì mà không nhận đó là Mẹ chung của chúng ta kia chứ! Và tôi viết bài này như
một tâm tình chung của con về Mẹ - Mẹ của tất cả chúng ta.
Thật vậy, tạo hóa ban cho chúng
ta kỳ quan vỹ đại nhất đó là TRÁI TIM NGƯỜI MẸ.
Cho dù tâm hồn ta cằn cỗi, trái tim ta chai
sạn thì ta cũng không bao giờ vô cảm trước tấm lòng của Mẹ. Trong suốt cuộc đời
mình có biết bao lần chúng ta quay về ẩn náu trong trái tim của Mẹ? Tác giả VMT
cũng thế, khi mệt mõi với thế sự, thì tóc đã điểm hoa râm, sự dày dạn của một
người từng trãi cũng phải có lúc quay về
nương bóng Mẹ hiền. Như Chế Lan Viên đã từng nói thay cho Mẹ, mà đó cũng
là tiếng lòng của ông :
Con dù lớn vẫn là con
của Mẹ
Đi hết đời, lòng Mẹ vẫn theo con
Nhưng VMT không phải tìm về Mẹ của thời thơ dại, cứ
thích là sà ngay vào lòng Mẹ ngay, bất kể lúc nào, bất kỳ ở đâu, như Nguyễn Duy:
Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
(Í chà! Lúc đó, nhỏ tí xíu, chỉ
biết nuốt cơm theo phản xạ tự nhiên, như đón nhận tình yêu của Mẹ mớm cho, rồi
cứ thế là lớn)
Mẹ
của của VMT là Mẹ dạo tác giả ở tuổi mười lăm, cái tuổi quá lứa của trẻ con,
nhưng cũng chưa được công nhận là người lớn. Ương ương, ngạnh ngạnh, thích tự
khẳng định mình, thích làm người lớn, cho nên chỉ chực thoát ly ra khỏi cung
lòng của Mẹ!
Giờ xa lắm tuổi mười
lăm
chạm mây trắng
tóc lâm râm màu chiều
buổi về, lay dấu chân
xiêu
Ở tuổi mười lăm có rất nhiều ấn
tích mâu thuẫn nội tâm khi hướng về Mẹ. Bỗng dưng tôi yêu âm thanh ồm ồm của
mấy cậu con trai khi bể tiếng gọi "Mẹ Ơi ", Mẹ ơi chi lạ.
buổi về, lay dấu chân
xiêu
thềm xưa Mẹ đợi
gió liu riu mùa
"Gió liu riu .... "
nghe sao chạnh lòng ... cứ như nỗi buồn tẩm quất vào lòng triền miên vậy! Lại kèm theo " ... mùa". Câu thơ đó
làm ta liên tưởng đến sự mặc nhiên lập lại theo chu kỳ, cho ta hiểu sự nín
chịu, dẻo dai của Mẹ. Và tác giả thốt lên:
Thương nhiều lắm những thiệt thua
còng lưng gánh sống
chợ trưa-vườn chiều
(Tự nhiên tôi nhớ tới hai câu
thơ được nhiều nhà Thư Pháp viết bằng cả lòng thành tín khi phóng nét son:
Cánh Cò cõng nắng cõng mưa,
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương)
“Chợ trưa”: không gian yên ắng, quạnh
quẽ khi chợ đã tàn, dẫu chỉ biết họa hoằn lắm mới có khách vãng lai, nhưng Mẹ
cũng nán lại, cố vớt vát xem có kiếm thêm được gì không? Mẹ là thế! Ngày ngày
tần tảo, bòn mót, chắt chiu từng chút một.
“Vườn chiều”: nghe sao hoang
vắng quá! Cuối một ngày lao nhọc thân thể
rã rời, Mẹ vẫn mỗi ngày bươn chải, lam lũ, chịu thương chịu khó, không tính
thiệt thua với gia đình miễn là các con trưởng thành:
Cho
trăng sáng mắt tin yêu
cho
hoa rạng sáng môi điều ngây thơ
(Đọc tới đây, tôi nhớ câu ca dao:
Mẹ già hết gạo treo niu
Mà anh khăn đỏ, khăn điều vắt vai)
Mẹ là vậy! Bao giờ cũng muốn chăm
chút cho con những gì tốt đẹp nhất, bởi vì mỗi chúng ta đều là báu vật của Mẹ.
“Cho hoa” , “cho trăng”: đây là ẩn dụ, cho ta biết đó là các con của Mẹ. Và Mẹ cho con hết cả nhựa sống Mẹ có.
"Môi điều ngây thơ": hình
ảnh đôi môi đỏ thắm, khuôn mặt sáng ngời tin yêu, hồn nhiên, vô tư của con cũng
là động lực cho Mẹ vượt qua những lao đao của cuộc đời không chỉ vật chất, mà
ngay cả trong nỗi niềm thầm kín, Mẹ cũng không dám đón nhận chút hạnh phúc cho riêng mình. Mẹ thức khuya dậy sớm (“áo sương, khăn gió”),
đối phó lặng thầm, đơn độc trước sóng gió cuộc đời, và hy sinh cả tình cảm
riêng.
chòng chành suốt chặng đường mơ
áo sương, khăn gió
làm ngơ cuộc tình
Bởi Mẹ sợ khi bước thêm bước nữa,
sẽ có những biến động trong cuộc sống làm tổn thương người thân, gây ra khó xử
cho nhau:
Cau
thâm môi, chát chữ tình trăm năm
Mẹ hy
sinh giữ cho: "Trắng tinh Ly Ngọc âm thầm", mà tự an ủi:
sợ giao bôi rượu
rót nhầm đắng cay
Bà Mẹ nào cũng thế! Con cái là ưu tiên số một của Mẹ,
chúng chi phối mọi cảm xúc của Mẹ, cho nên, cái gì liên quan đến con cái luôn
có sức bật kỳ diệu của tình mẫu tử. Còn riêng đối với Mẹ thì nó chỉ là sự từ ái :
Mẹ cười
lời gió trăng bay
rất mỏng mảnh phiêu diêu, mà
tấm lòng thì bao dung quảng đại. Và ta thấy Mẹ chẳng dành gì cho Mẹ cả.
Mai Mẹ lặt hôm rằm
đến
ngày mai nở cuối năm
con về.
Những nhà chăm sóc Hoa Mai cho kịp đón tết
thường lặt lá trước đó hai tuần, để cây mai tập trung sức nẩy lộc, đâm chồi rồi
dưỡng hoa, chứ không nuôi lá.
Mẹ cũng thế. Có lẽ trong hai tuần cuối cùng
này, Mẹ ở trong trạng thái nôn nao, mong
đợi các con của Mẹ trở về. Sức sống này thật là mãnh liệt.
Dạ thưa Mẹ!
Chúng con đây
Hoa vườn nở cánh
Môi đầy nụ xuân!
Đọc đến đây sao tôi thấy hạnh phúc
lâng lâng trong lòng. Ai cũng rạng rỡ niềm vui trao ban cho nhau. Hai câu thơ
cuối là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn ngữ. Hoa vườn là kết quả của nổ lực yêu thương
đã hình thanh nên con cái, “nở cánh” để lớn lên mạnh mẽ. "Nụ xuân" của tác giả làm tôi hình
dung đến nụ cười móm mém, tràn đầy yêu thương, mãn nguyện và rất đổi mộc mạc của
Mẹ.
Cảm ơn nhà thơ Vũ Miên Thảo đã cho mỗi chúng
ta biết yêu chiếc bóng lặng thầm của Mẹ.
Mẹ chỉ
biết hành động theo mệnh lệnh của trái
tim luôn quy hướng về con cái.
Cảm ơn
Mẹ - Mẹ hiền của chúng con.
Phải
chăng, tựa đề bài thơ “Dạ, thưa mẹ, chúng con đây!” nhắc cho chúng ta mấy câu
ca dao thay cho lời kết :
Mẹ già bất khả viễn du
anh đi chơi cho cách mấy
tối công phu anh cũng phải về.
LÊ LIÊN
tuongphuc4758@yahoo.com