VẲNG LẠI ÂM BUỒN
Có người bảo thời trang là con cháu mặc lại trang phục của ông
bà tổ tiên. Lúc dài quá gót, lúc lại cũn cỡn khoe rún khoe mông, trở về thời
mặc áo lá cây. Ôi thôi muôn hình muôn vẻ. Trên báo chí, nếu có một thống kê,
chắc từ thời trang phải đứng hàng top ten. Chị em sính thời trang hơn giới mày
râu. Cũng phải thôi, phái đẹp mà!
Có lần về Huế trong mùa Phật Đản, ngồi ở quán cà phê thư
viện ngắm những cô gái Huế áo dài tha
thướt trên đường Lê Lợi. Màu tím màu vàng như những cánh bướm chao liệng trên
đường, quý mày râu về thăm nhớ xa xăm về
những tà áo xưa. Lại có đoàn thanh niên Phật tử mặc áo dài màu lam hiền như
Huế, có cả nón lá che nghiêng. Có người nhận xét, “ Mặc áo dài mà đi nhanh quá,
mất đi vẻ yểu điệu thục nữ’. Anh T ở bên Tây về thăm lại bảo, “Nhìn tốc độ đi
bộ của phụ nữ sẽ biết được văn minh tiến bộ của một nước, người mình đi chậm
quá. Nhưng mặc áo dài là phải đi chậm, để hai vạt áo có đủ thời gian mà… bay với
gió”. Có một đoàn tang tình con gái
không biết của nước châu Á nào, mặc đủ loại sắc phục, từ đầm dài đầm ngắn, quần
Tây áo thun đi… như chạy. Anh T ra câu
đố: “Nhìn một phụ nữ châu Á đi một mình trên đường, các bạn làm sao phân biệt
được cô ta là người Việt hay không”. Rất nhiều câu trả lời đều… trật lất. Cuối cùng anh bạn giải thích: “Cô gái
Việt Nam, lớn lên và đang ở Việt Nam rất dễ nhận ra: Cô ta đi vài bước sẽ đưa
tay vuốt tóc, vài bước nữa sẽ nhìn xuống áo, nơi chỗ hông đang hở để kéo áo thun xuống”. Cả
bàn cười ồ, ai hằng ngày cũng thấy mà không ai trả lời được.
Có hai áo dài, một vàng mơ, một tím Huế yểu điệu bước vào,
ngồi ở bàn đối diện. Cả bàn im lặng, không ai bình phẩm chi, chỉ những đôi mắt
thỉnh thoảng nhìn lén qua phía vàng mơ tím Huế. Một chàng thủng thẳng đọc:
Áo tím vàng ơi, nắng gió ơi
Mênh mông là chỗ có em ngồi
Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi.
( Thơ Trần
Mạnh Hảo, chàng sửa chữ chiều thành vàng)
Bạn bè nhắc lại cái thuở đi chợ, đi bán chè, cũng mặc áo
dài. Ai lỡ mặc đồ bộ đi đâu đó là bị chọc ăn mặc chi như gái dưới đò mới lên.
Vậy mà, trừ những ngày lễ hội, phụ nữ Huế bây giờ ít ai mặc áo dài. Muốn coi áo
dài chỉ có cách chờ nữ sinh tan trường. Từng vạt trắng trôi nhẹ trên xe đạp
dưới những con đường rợp bóng cây. Lẻ loi đây đó đôi tà trắng đi bộ, các cô
cũng đi nhanh hơn ngày xưa, như cuộc sống ngày một gấp gáp.
Vàng mơ và tím huế hướng qua bàn chúng tôi chào bằng mắt và
gật đầu. Hai tấm lưng ong đi rồi, mang theo
hai chấm trời đất khuất ở cầu thang. Cả bàn tiếc ngẩn ngơ.
Chị L đến, cả bàn
đứng dậy chào. Cô giáo dạy triết Quốc Học ngày xưa cũng ở bên Tây về, mà sao
kiếm đâu ra một áo dài màu hoàng cung quý phái thế. Anh Tr. bảo: “Từ nay ở Huế
có thêm một Thái Thị Vàng”. Chị cho biết chiếc áo chị đang mặc có tuổi trên một
trăm năm. Chiếc áo bằng vải lương, một
loại lụa chỉ dành cho giới quý tộc xưa. Trong chiếc áo dài kiểu xưa đó, giáo sư
triết như trẻ lại với những ngày…
Câu chuyện xoay quanh
chiếc áo dài qua các thời đại.
Anh T buồn rầu nói về áo dài: Mỗi lần về quê, đi trên những chuyến bay nội
địa, điều làm anh xúc động nhất là những chiếc áo dài màu xanh da trời của các
cô tiếp viên hàng không. Anh thấy lại trong đó hình ảnh ngày xưa của các em các
chị Huế, nền nã nên thơ biết mấy. Bước lên cầu thang được các cô tiếp viên lịch
sự thân thiện chào, anh cảm tưởng như đang bước vào nhà mình. Mỗi lần thoáng áo
dài đi ngang hoặc đưa khăn lạnh, thức ăn là cảm động lắm. Nhất là lúc các cô
thao tác minh họa về sử dụng những phương tiện cần thiết, cách thoát hiểm…
những đôi mắt vừa nghiêm trang vừa thân thiện cho cho anh nhiều cảm giác thú
vị, để rồi khi xuống cầu thang máy bay nhìn lui, lại tiếc một giờ bay ngắn ngủi. Chuyến rồi từ
TPHCM ra sân bay Tân Sơn Nhất anh cũng mong được gặp những chiếc áo màu da trời
như những lần trước. Vậy mà lần này anh xui: Trang phục các cô tiếp viên đổi hẳn. Thay chiếc áo dài đúng chuẩn bằng
những chiếc áo màu đỏ như màu của hàng không Ấn Độ. Chiếc áo dài ngắn hơn,
những đường viền trên bâu áo thoạt nhìn như
xường xám của hàng không Đài Loan, Trung Quốc. Đành rằng thời trang là
cần thiết trong cuộc sống hiện đại, nhưng cái gì đã trở thành truyền thống tốt
đẹp sao lại thay đi.
Ngày lễ, rất nhiều áo dài của khách thập phương đi chùa, đi
dạo. Những con đường Huế như sống lại
những ngày xưa. Xa xăm đâu đó giọng hát người xưa :” Người tình quê ơi ngươi
tình quê, có nhớ xin trở về…” . Dạ, chúng tôi đã trở về với nỗi nhớ cồn cào
tháng ngày xa Huế. Xin mượn mấy câu thơ của Nguyễn Duy để nói hộ tâm tình những
người xa quê mỗi lần về Huế:
Gió ù ù ngang họng
súng thần công
Tiếng chuông chùa đi thủng thỉnh trong không
Áo trắng em đi từ xa vẳng lại
Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng.
Vâng, thời gian Huế đi chậm trong tiếng chuông chùa, chiếc
áo dài Huế đi chậm như âm thanh tiếng chuông trầm mặc đó, vẳng lại một âm buồn.
NĐM
* Đã đăng trên Báo Du lịch