Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 24, 2018

CHÙM THƠ THIỀN 20 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN




     
ĐỜI NGƯỜI

gừng ớt vẫn cay
càphê vẫn đắng
ăm làm gì
uống làm gì
mà đắng với cay
đường quá ngọt
ăn quá nhiều
bệnh đái đường
đái cho đến chết
đời là vậy
đời là như thế
than củi làm gì
than thở mà chi
đến rồi đi
cùng bắt đầu từ một chỗ
chiếc giường
cay với đắng
ong với bướm
làm đẹp vườn hoa
làm đẹp người ta
buổi sáng chiều tà


BẰNG HỮU

thư không bao giờ viết
vì mắt mờ mắt kém
mà lạc hậu mất rồi
phôn không bao giờ gọi
vì cũng không muốn nói
vì phôn không có người bắt máy
mà có nói chỉ chừng đó thôi
email thì không
vì máy điện toán
không biết xài


MẦN THƠ

ngồi không mang giấy bút mần thơ
luẩn quẩn loanh quanh chỉ hết giờ
câu đầu câu giữa và câu cuối
giống y con nhái nhẩy xuống hồ

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ THIỀN 20 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN

MỘT CHUYẾN RA NAM DU - Bút ký - Chế Cẩm Đình

MỘT CHUYẾN RA NAM DU


Chế Cẩm Đình


Thứ bảy cuối tuần, một mình tận cuối trời Nam, tôi quyết định xuống tàu từ Rạch Giá ra khơi một chặng trong hành trình tẩu quốc thoát khỏi sự truy sát bởi quân Tây Sơn của ngài Nguyễn Vương năm xưa trên vùng biển phía Tây đất nước.
Bước xuống tàu, ngó ngàng ra chung quanh thấy chỉ có bờ chứ không có bãi, nước biển gần bờ thì ngầu đục một màu phù sa đổ ra từ cửa sông Kiên, trên mặt chỉ gợn từng lát sóng bằng cỡ cái thớt, không cuộn trào ồ ạt như biển ngoài miền Trung.
Từ Rạch Giá ra Nam Du 48 lý, tức gần cả trăm cây số. Ngày nay đi hết hai tiếng ba mươi phút bằng cao tốc của hãng tàu du lịch Superdong. Hoặc đi bằng tàu tải Hòa Hợp thì mất 5 giờ đồng hồ. Trên đường đi tàu có ghé qua hòn Sơn, hòn Ngang trước khi cập bến hòn Củ Tron.

Xưa chưa có la bàn đi biển ban ngày phải men theo hướng mặt trời, căn lối gió và nhìn mặt sóng để xác định hướng, đêm thì lấy sao trên trời làm phương mà đi, nếu gặp sương mù thì phải neo lại, dây neo đánh bằng rơm hoặc xơ dừa. Chặng đường này nếu đi buồm với chèo tay, gặp lúc thuận gió thì mất khoảng ba đêm hai ngày sẽ tới nơi.
Mười hai rưỡi, con tàu nổ máy gầm gừ tiến ra biển khơi với tốc độ 29 lý/giờ. Đứng trên boong tàu lộng gió và nắng, tôi cứ mãi hình dung về đội binh thuyền mấy chục tàn quân năm xưa vượt trùng khơi rước Ngài tránh họa. Những quan quân ấy, bằng lòng tận trung với Vương đã ngày đêm dong buồm vặn lái, một khắc cũng không ngơi tay mà cật chèo giữa biển trời mênh mông để mau thoát khỏi kẻ thù. 
Trên chuyến chạy trốn của Vương ở biển này, vì không kịp chuẩn bị nên trên thuyền không đủ nước ngọt và quân lương cho mọi người dùng. Đến khi khát quá mà trời không đổ cho giọt mưa, thì phải vục nước biển mà nhấp, ai dè gặp dòng nước ngọt ngay giữa biển, có lẽ là dòng chảy phù sa từ cửa sông trong bờ tông thẳng ra khơi xa, nên giúp Ngài thoát khỏi chết khát. Đi trên tàu, tôi quan sát tìm kiếm dấu vết này trên mặt biển, thấy có một đường răn nước kéo dài theo tầm mắt, không chừng chính là dòng cam lộ thủy năm xưa Ngài từng gặp cũng nên.
Gần 3h chiều tàu đến nơi, tôi lên đảo vào một nhà dân ở lại theo kiểu "home stay". Nghỉ ngơi tắm rửa thoải mái rồi đi ăn hải sản thật là ngon, toàn là đồ tươi đánh lên chế biến ăn ngay, mà lại rẻ. Nào mực, nào cá xương xanh, ốc, hàu đủ loại, và cả nhum, mũ ni cũng đều được dọn ra cho khách bình dân. Ăn xong thì dạo khu chợ dọc theo con đường bê tông rộng chưa tới 2m dài chừng cây rưởi số, hai bên nhà ở ken kín với một cuộc sống thảnh thơi nhưng khá giả nhờ nguồn lợi từ biển đem lại.
Dạo chơi chán rồi về, nằm võng nói chuyện với dì Hai chủ nhà, hỏi dì có biết chi về vua Gia Long xưa từng qua đây không, thì được nghe dì kể cho mấy tích của người xưa truyền lại qua má dì. Bà ngoại tụi bây kể lại khi vua ta bị Tây Sơn đuổi chạy trên biển, có hai con rái cá bắt mồi bơi theo mạn dâng cho Ngài có thứ đặng ăn để cầm hơi. Ngài cảm tạ và phong cho chúng là Lang Lại nhị Đại tướng quân. 
Chạy mấy ngày mấy đêm thì ra đến Hòn Sơn, Ngài cho cập đảo lên trú lại để tìm nước ngọt và lương ăn. Rồi khi quân Tây Sơn khảo các ngư phủ đánh cá biết Ngài ra đó thì cho thủy binh ra vây bắt. Lính canh quan sát báo Vương biết thấy có thuyền từ xa kéo lại, biết là địch quân đến nên cho dấu thuyền vào khe núi rồi trốn lên trên đó. Từ hẻm núi trông xuống, Ngài và quan quân thấy các Lang Lại nhị Đại tướng Quân bò lên bãi cằn tới cằn lui xóa dấu chân người. Thuyền Tây Sơn cập bãi tìm không ra dấu vết của Ngài và quan quân nên bỏ đi. Từ tích đó, người ta kêu đảo đó là hòn Sơn rái.
Cảm giác không an tâm, sợ quân Tây Sơn lại ra lần nữa, Ngài lịnh rút đi, lại xuống thuyền dong buồm đi tiếp ra khơi xa mấy ngày mấy đêm thì tới hòn Củ Tron thuộc quần đảo Nam Du. Ở đây Ngài chọn điểm đóng quân ở một bãi cát trắng, sau được gọi là bãi Ngự, tức nơi vua từng ở. Trên đảo này không có suối nước ngọt như bên hòn Sơn, vua ta phải làm lễ cúi xin trời đất, xong thì phóng kiếm ra xa, quân sĩ đào ngay dưới mũi kiếm vừa cắm xuống thì có cột nước ngọt vọt lên, rồi đào chổ đó ra thành giếng nay vẫn còn, có viên đá khắc chữ tích này nghe nói khi làm đường bị ủi mất.
Ở chừng lâu lâu, để an toàn Ngài lại kêu rút qua Phú Quốc. Lúc mới qua nghe là dân Khơ Me ở đó không cho ngài ngự, nên phải vào trú trong hang. Vì điều kiện khắc khổ như vậy nên một công chúa phải bịnh mà mất tại đây khiến Đức vua trong tương lai hết sức đau buồn. Bữa nọ nhìn lên trần hang thấy có hai bầu vú đá nhỏ từng giọt nước xuống rất lạ, Ngài tò mò đưa một tay vịn vào thì cái vú xấu hổ nín đến tận giờ, chỉ còn một cái nay vẫn nhễu. Bận khác ngài thấy con cua đực canh hốc đá cho cua cái lột vỏ, đến lúc cứng cáp thì đổi cua đực vô thay, cua cái dẫn các cua đực khác vào ăn thịt cua đực. Lại quan sát núi và biển chung quanh, ngẫm chuyện con cua cái, chuyện người dân ở đó đối xử không tốt với mình, Ngài cảm thán và cho khắc vào đá mấy câu "Núi bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm", tỏ là nơi này không tốt rồi cho ngự quân và gia quyến quay lại vào đất liền.
Kể từ khi xuống thuyền cùng các vương tôn và gia quyến ở Quảng Nam nhằm tránh sự kìm kẹp của Tây Sơn và Bắc Hà, hăm mấy năm trời đằng đẵng lặn lội khắp gầm trời mặt bể miền Nam để phục binh chống Tây Sơn mưu giành lại thế nghiệp của cha ông Ngài, thì bao phen tưởng đã bỏ xác cho thù hoặc làm mồi cho cá sấu, có khi chỉ còn lại đúng một tiền binh tên Đức cùng Vương chui nhủi trong rừng trốn sự truy sát của địch quân, vậy mà vẫn thoát được nhờ sự mưu trí hô to tiến binh như là đang phục kích, làm cho quân binh đối phương khiếp sợ tháo lui. Nhớ chuyện xưa hơn, thủy tổ của Vương là Nguyễn Kim mang mạng tướng, có công chinh Ai Lao phạt Mạc lấy lại cơ đồ cho vua Lê. Sau cậy quyền ức hiếp vua, bè với họ Trịnh cũng là công thần tiếm thế lập phủ Chúa, việc chưa thành thì mất nên họ Trịnh thủ
 đắc cơ hội này đẩy con cả của Kim là Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng. Dận công là người uy dũng không kém cha nhưng có đức độ hơn người nên mới khởi được nghiệp vương trên đất mới với công lao khai phá tạo giang san, tục gọi là Chúa Tiên. Có lẽ ân hưởng được mạng đế vương đó nên Nguyễn Ánh mới năm phen bảy bận thoát nhiều khổ nạn cho đến ngày phục quốc. Nhưng ngoài bản mệnh đó, với một phần tư thế kỷ nhọc sức kiệt cùng cho cơ đồ, phải nói Ngài là một tấm gương về sự bền gan bĩ chí cho tất cả chúng ta phải noi muốn làm việc lớn ngoài áo cơm.
18/6/2016














READ MORE - MỘT CHUYẾN RA NAM DU - Bút ký - Chế Cẩm Đình

ĐỪNG ĐI - Thơ Đặng Xuân Xuyến





ĐỪNG ĐI

Ở lại đi
Một đêm thôi
Một đêm thôi, ở lạ
Ta xin người ở lại, chỉ một đêm
Ngoài kia trời lướt khướt sũng đêm
Ta tí tách trong này mơ hồ từng giọt rỏ

Ta nào khóc. Chỉ là ta quá nhớ
Những chiều Thu ai tết tóc bên thềm
Rãi trăng vàng ai ríu rít hằng đêm
Và ai nữa khiến ta từng ngộp thở.

Ta xin đấy. Ngoài kia là những gió
Hun hút đêm, hun hút ánh đèn mờ
Người ở lại.
Đừng đi!
Đừng đi!
Ta sợ
Bảy năm trời thoáng chốc chỉ là mơ.

Làng Đá, đêm 29.09.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐỪNG ĐI - Thơ Đặng Xuân Xuyến

Chùm ảnh LAN ÚC - Chu Vương Miện






READ MORE - Chùm ảnh LAN ÚC - Chu Vương Miện

EM VÀ NỖI NHỚ - Thơ Tịnh Đàm

       
        
                            Nhà thơ Tịnh Đàm



EM VÀ NỖI NHỚ
(Gởi Kim Chi, Gò Công Tây, Gò Gừa)

Em
Và nỗi nhớ
Trào dâng...
Tình đi
Những bước lâng lâng...
Vào hồn !

Mắt nào ?
Đọng
Bóng hoàng hôn
Nghe trong hoài vọng
Sóng dồn...
Mênh mang !

Câu thề xưa
Hẹn đá vàng
Cớ gì quên ?
Để lỡ làng duyên nhau !

Tóc xanh
Giờ đã úa màu
Môi thơm sớm lạnh
Tàn mau
Nụ tình !

Tay ôm sợi nhớ
Ru mình...
Hương yêu ngày cũ
Vương hình dáng xưa !

Người còn đợi ?
Dưới hiên mưa
Áo hoa ướt mộng
Thấm vừa vai ngoan.

Đời vui,
Được mấy vẹn toàn ?
Khi con tim
Mải
Đa đoan cuộc tình !

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - EM VÀ NỖI NHỚ - Thơ Tịnh Đàm

Chùm ảnh HOA TÍM - Chu Vương Miện






READ MORE - Chùm ảnh HOA TÍM - Chu Vương Miện

TRÚC THANH VỚI BẢN TÌNH CA XÔ-NÁT - Phạm Ngọc Thái


  TRÚC THANH VỚI BẢN TÌNH CA XÔ-NÁT

                                                     PHẠM NGỌC THÁI





            Nhà thơ Trúc Thanh

     Trúc Thanh có không ít những tình thơ tâm huyết, có thể làm rung cảm trái tim đời. Trong số những bài tôi thích ở thơ em: “Mong manh” là một áng thi huyền ảo và thật xúc động.

     Tình thi nói về sự đa sầu, đa cảm của một cô thôn nữ, gửi niềm tâm tư tới người yêu tận phương trời. Em muốn tin mà chưa dám tin ? Em yêu… lại sợ tình yêu rồi sẽ tan ? vào một đêm trường, lòng em cồn cào tha thiết mà thổ lộ. Ta hãy nghe Trúc Thanh mở đầu trang thơ:

                   Đời sập tối mây che vầng tinh tú

                   Có cơn sầu gầm rú giữa đêm đen

     Đêm của thời gian cũng là đêm cuộc đời - Cái khoảng không gian “đời sập tối…” - Bóng đêm ấy đang bao trùm lên em với một nỗi buồn tràn ngập. Ta muốn hỏi: vì sao lòng em lại đến mức tối tăm đến vậy ? Ta không rõ và cũng không thể trả lời. Chỉ biết rằng, cả tâm hồn và trí não em là một “cơn sầu gầm rú…” với nỗi đau vô tận.

     Nhưng trong cái đêm tối cuộc đời ấy lại có ngọn lửa tình mới đang le lói, nhen lên ! Đó là mối tình của em với một chàng từ miền xa xôi nào đó ? Trái tim em khao khát, đợi chờ:

      Em lặng im thắp nỗi nhớ làm đèn

      Tình cậy cửa tim, hoen mờ lý trí…



     Tình yêu chàng tràn vào soi sáng cái “đêm đen” của đời em. Người thôn nữ bàng hoàng nghe “tình cậy cửa tim” mình - Có lẽ, vì từng chịu đựng một cuộc tình duyên đau đớn ? nên em sợ. Em không dám… hay không còn muốn yêu nữa chăng ? nhưng rồi lý trí cũng phải “hoen mờ…” mà lùi bước, trước tiếng gọi mãnh liệt của trái tim em đang bùng cháy.

     Hình ảnh tượng trưng của hai câu thơ rất hay: Em lặng im thắp nỗi nhớ làm đèn / Tình cậy cửa tim, hoen mờ lý trí…/ - Đây là hình tượng theo thi pháp dòng thơ tượng trưng châu Âu nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX - Theo thuyết “tương ứng cảm quan” do Charles Baudelaire (1821- 1867), thi nhân thuộc bậc thầy của văn học hiện đại Pháp thời đó khởi xướng. Ông từng định nghĩa về thuyết “tương ứng cảm quan” như sau:

          Thiên nhiên là một ngôi đền mà trong đó

                                                     những cột sinh linh

          Thỉnh thoảng phát ra những ngôn ngữ mơ hồ

          Con người đi trong thiên nhiên

                                            qua những rừng biểu tượng

          … Hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng

     Nghĩa là: giữa vật này với vật khác, giữa con người – cuộc sống với thiên nhiên, đều có thể thay thế nhau bằng hình tượng. Phản ảnh một cách tương ứng, nhưng dựa vào cảm thụ được phát ra từ các giác quan (gọi là cảm quan), hay từ trong tâm linh. Cho nên thỉnh thoảng ngôn ngữ mơ hồ...


     Có thể nàng thi sĩ Trúc Thanh của chúng ta, chưa được biết về trường phái dòng thơ tượng trưng hiện đại châu Âu này ? song do quá trình đọc và cảm thụ thi ca thế giới – Những sáng tác gần đây, có một số bài em đã ảnh hưởng khá sâu đậm thi pháp của dòng thơ tượng trưng “tương ứng cảm quan” ấy.

     Trở lại với hai câu thơ trên của Trúc Thanh – Đó là ngọn đèn của tình yêu thắp sáng những đêm đêm, lòng em thổn thức. Tiếng gọi của trái tim còn mạnh hơn lý trí ! Đó là nguồn sống, niềm tin và hy vọng… giúp em vượt qua những buồn tủi cuộc đời, đang phải gánh chịu kia.

     Tôi phân tích đoạn thơ tiếp theo:

     Đêm ảo ảnh gối đầu lên mộng mị

     Dệt yêu thương kỳ vĩ chốn mơ hồ

     Mai cuộc đời có cành trúc ngây ngô

     Đứng xõa tóc bên nấm mồ kỷ niệm

    Thơ đưa ta đi tới miền kí ức của một viễn cảnh xa - Phải chăng như người thiếu nữ hoài cảm theo bóng người yêu, trong bài thơ “Hai sắc hoa ti- gôn” của T.T.KH đã viết:

                   Từ đấy thu rồi thu lại thu

                   Lòng tôi còn giá đến bao giờ

                   ……..

                   Mà từng thu chết, từng thu chết

                   Vẫn giấu trong tim bóng một người

 

   Hoặc là Trúc Thanh muốn nói về cảnh một mai đây… như nữ sĩ Mai Đình – Khi bà đã bước vào tuổi tám mươi, nhưng mối tình với thi nhân Hàn Mặc Tử trong bà vẫn:

                   Tóc trắng, tình xanh mộng chửa tàn

                                                        (thơ Mai Đình)

     Bà đã đến Gành Ráng, Qui Nhơn một lần nữa để thăm mộ cố nhân. Một lần nữa, những giòng lệ tiếc thương lại chảy tràn trên đôi mắt bà như thưở còn con gái.

     Trong bài thơ “Mong manh” - Trúc Thanh cũng đã nghĩ đến cái ngày ấy, khi nàng đến bên mộ của người tình xưa và:

                   Đứng xõa tóc bên nấm mồ kỷ niệm

     Tên em là Trúc Thanh, nên em mượn bóng cây trúc rũ xuống như mái tóc để ví về mình. Hình ảnh “cành trúc ngây ngô…” - Cũng có nghĩa là sự thẫn thờ, thao thiết ở trong em, qua bao tháng ngày sống trong niềm khát vọng, đắm đuối với tình nhân:

                   Đêm ảo ảnh gối đầu lên mộng mị

     Đoạn thơ được đan dệt giữa tình yêu trong thực tại và hoài cảm về xa xăm. Nó tích tụ lại trong một câu thơ, thổ lộ nỗi lòng thầm kín của em:

                   Dệt yêu thương kỳ vĩ chốn mơ hồ



     Cũng với thi pháp thể hiện giữa thực tại và viễn cảnh, trong tâm thức người thôn nữ đang yêu – Trúc Thanh viết tiếp đoạn ba:

                   Nay tháng mấy lá vàng lưa thưa điểm
                   Bóng thời gian phủ tím chốn đợi chờ

      Phải chăng cái mùa lá vàng vẫn còn thưa thớt rụng, chính là vào cuối mùa thu ? Lòng người thôn nữ ngơ ngác hỏi. Nếu cảnh đêm tối ở khúc thơ đầu, ngoài (nghĩa đen) nói về trời đất – còn để phản ánh đến sự u sầu, buồn thảm đang sập xuống cuộc đời em (nghĩa bóng). Nhưng cảnh trí lá vàng rơi lác đác của thiên nhiên trong đoạn thơ này, chỉ thuần túy khắc họa lên khoảng không gian, thời gian bao quát tình thơ… có hình hài em trong đó: Bóng thời gian phủ tím chốn đợi chờ /- Nghĩa là, năm tháng lòng nàng vẫn son sắt, thủy chung, mặc cho giòng lệ chảy: 

                    Mai anh về em gửi tặng bài thơ
                    Có giọt lệ thấm mờ đi một nửa

     Em khắc khoải chờ mong ngày người yêu trở về. Ôi ! Đọc những lời thơ tha thiết ấy, ta bỗng nhớ tới hình bóng chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”, thổn thức ngóng trông người chinh phu ở nơi phương trời xa:

                   Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
                   Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây



    Tôi bình sang đoạn thứ tư:

     Xin đừng gió thổi tình không điểm tựa

     Xin đừng mưa gội rửa mấy câu thề

     Xin cuộc đời dừng lại cảnh nhiêu khê

     Cho anh khỏi bộn bề trăm phương gió


     Thi nhân Nguyễn Bính từng cảm thán rằng:

                   Gió mưa là bệnh của trời

                   Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng


     Trúc Thanh thì viết:

                   Xin đừng gió….

                   Xin đừng mưa…

     “cuộc tình không điểm tựa” kia chính là một cuộc tình sấm sét, choáng ngợp tâm hồn em. Tình yêu ào ạt đến… làm trái tim em thổn thức mà run rẩy…Em bàng hoàng đón nhận rồi tha thiết yêu ! Bởi vậy, lòng em thảng thốt lo âu khi nghĩ đến một mai… tình yêu có thể sẽ lại tan ? Hình ảnh “gió và mưa” trong bài thơ của Trúc Thanh là biểu tượng về thiên thai… để em cầu nguyện, mong trời đất phù hộ cho cuộc tình của em được vững bền – giông tố đừng thổi mạnh cho mối tình của em với chàng khỏi tan !? Mưa bão cũng đừng xả xuống cuốn trôi đi, những lời hứa của chàng đã từng thề non, hẹn biển cùng em !? Em cầu mong những cảnh đời vẫn thường ngang trái, đừng phá mất cuộc tình em tha thiết !? Đó là tiếng nói từ trong tâm linh và trái tim nàng thi sĩ Trúc Thanh vọt trào ra, làm cho bài thơ đậm thêm màu sắc của một bản tình ca xô-nát.

 

     Tôi nhấn mạnh, phân tích về câu thứ tư của đoạn - Cái nỗi lòng chênh vênh, so đo, lo sợ anh sẽ thay lòng, đổi dạ ? Chính là hình ảnh câu:

       Cho anh khỏi bộn bề trăm phương gió

      Trong đôi bài thơ khác, Trúc Thanh cũng đã từng thổ lộ tâm trạng này. Thí dụ:

                    Em có buồn... Một chút xíu so đo

     Lòng anh sâu nên em dò chẳng được

     Người ta đẹp, người hương trời sắc nước

     Em quê mùa chẳng gương lược phấn son


     Và nàng tưởng tượng:

     Em có buồn... Anh an ủi người ta

     Trong vai phụ em là người thay thế

     Nhiều đêm thức một mình em nuốt lệ

     Hứa không buồn có dễ chút nào đâu

                      (Em có buồn… nhưng…)



    Vậy là “trăm phương gió” ở đây là trăm phương gió “tình” ? Em mong đời dừng lại những “cảnh nhiêu khê” quyến rũ tình trai gái đó… mà cám dỗ anh của nàng ? để anh khỏi rối lòng, ngả nghiêng theo gái này, gái khác… cuộc tình này, tình nọ… rồi bỏ rơi nàng - Đây là nỗi lo thường tình của người con gái đang yêu !

     Tôi bình vào đoạn cuối:

     Nếu còn lại một niềm tin bé nhỏ

     Em tin đời vì đời đó có anh

     Nếu tình yêu còn nửa cuối chân thành

     Em ấp ủ dù mong manh ấp ủ

     Nếu như vào đầu bài thơ, Trúc Thanh đã cảm thán về sự đời đen bạc của mình:

                     Đời sập tối mây che vầng tinh tú

                     Có cơn sầu gầm rú giữa đêm đen

     Thì giờ đây, tình yêu đã thắp sáng lên ngọn lửa trái tim em - và, niềm tin vào cuộc đời đã đến với em: Em tin đời vì đời đó có anh /- Tình yêu thương của anh là linh hồn trong cuộc đời em, để dẫn dắt em bước tiếp đi đến ngày mai rộng mở, thênh thang. Niềm hạnh phúc chứa chan ấy, còn được Trúc Thanh thổ lộ ở một số các bài thơ khác:

                     
Ta gặp nhau khi nắng chiều ngả bóng

Anh luống tuổi đời và tóc chẳng còn xanh
  
Tình muộn màng nhưng đẹp đúng không anh

Em sẽ thủy chung dù không thành chồng - vợ


     Hay là:

                     
Em quá yêu anh chứ tim nào bất cẩn

Tình đã trưởng thành trao nhận có sao đâu

Hạt bụi thời gian phủ tuyết trắng trên đầu

Tình yêu muộn là tình sâu... Anh nhỉ!

                           (Thương muộn)

 

     Còn trong bài “Sông thơ”, tình yêu ấy đã nâng bổng tâm hồn em bay cao, hướng về phía chân trời khát vọng:

Cởi não phiền nhân sinh,

     ta khỏa thân dưới dòng sông thơ tắm gội

Thơ quyện hồn con sóng cũng liêu trai

Một phút trải lòng địa ngục hóa thiên thai

Tâm hồn ta chẳng có hình dung,

                    khoác áo thi ca bỗng lầu đài hiển hiện

     Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tình yêu ! Như em nói: Tình yêu đã biến cuộc đời từ địa ngục hóa thiên thai… Em sẽ lại khỏa thân dưới bầu trời trong xanh hạnh phúc với tình anh, mà tắm gội thỏa thuê… Em sẽ mãi mãi tôn thờ, nâng niu tình yêu anh đã dành cho cuộc đời em:  

Em ấp ủ dù mong manh ấp ủ

     Người thôn nữ của chúng ta đã kết bài thơ “Mong manh” này ở đó - và từ trong trái tim nàng, cất vọng lên một bản tình ca xô-nát !



            MONG MANH



Đời sập tối mây che vầng tinh tú

Có cơn sầu gầm rú giữa đêm đen

Em lặng im thắp nỗi nhớ làm đèn

Tình cậy cửa tim, hoen mờ lý trí…



Đêm ảo ảnh gối đầu lên mộng mị

Dệt yêu thương kỳ vĩ chốn mơ hồ

Mai cuộc đời có cành trúc ngây ngô

Đứng xõa tóc bên nấm mồ kỷ niệm



Nay tháng mấy lá vàng lưa thưa điểm

Bóng thời gian phủ tím chốn đợi chờ

Mai anh về em gửi tặng bài thơ

Có giọt lệ thấm mờ đi một nửa



Xin đừng gió thổi tình không điểm tựa

Xin đừng mưa gội rửa mấy câu thề

Xin cuộc đời dừng lại cảnh nhiêu khê

Cho anh khỏi bộn bề trăm phương gió



Nếu còn lại một niềm tin bé nhỏ

Em tin đời vì đời đó có anh

Nếu tình yêu còn nửa cuối chân thành

Em ấp ủ dù mong manh ấp ủ



                       thơ TRÚC THANH

READ MORE - TRÚC THANH VỚI BẢN TÌNH CA XÔ-NÁT - Phạm Ngọc Thái