Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 24, 2018

MỘT CHUYẾN RA NAM DU - Bút ký - Chế Cẩm Đình

MỘT CHUYẾN RA NAM DU


Chế Cẩm Đình


Thứ bảy cuối tuần, một mình tận cuối trời Nam, tôi quyết định xuống tàu từ Rạch Giá ra khơi một chặng trong hành trình tẩu quốc thoát khỏi sự truy sát bởi quân Tây Sơn của ngài Nguyễn Vương năm xưa trên vùng biển phía Tây đất nước.
Bước xuống tàu, ngó ngàng ra chung quanh thấy chỉ có bờ chứ không có bãi, nước biển gần bờ thì ngầu đục một màu phù sa đổ ra từ cửa sông Kiên, trên mặt chỉ gợn từng lát sóng bằng cỡ cái thớt, không cuộn trào ồ ạt như biển ngoài miền Trung.
Từ Rạch Giá ra Nam Du 48 lý, tức gần cả trăm cây số. Ngày nay đi hết hai tiếng ba mươi phút bằng cao tốc của hãng tàu du lịch Superdong. Hoặc đi bằng tàu tải Hòa Hợp thì mất 5 giờ đồng hồ. Trên đường đi tàu có ghé qua hòn Sơn, hòn Ngang trước khi cập bến hòn Củ Tron.

Xưa chưa có la bàn đi biển ban ngày phải men theo hướng mặt trời, căn lối gió và nhìn mặt sóng để xác định hướng, đêm thì lấy sao trên trời làm phương mà đi, nếu gặp sương mù thì phải neo lại, dây neo đánh bằng rơm hoặc xơ dừa. Chặng đường này nếu đi buồm với chèo tay, gặp lúc thuận gió thì mất khoảng ba đêm hai ngày sẽ tới nơi.
Mười hai rưỡi, con tàu nổ máy gầm gừ tiến ra biển khơi với tốc độ 29 lý/giờ. Đứng trên boong tàu lộng gió và nắng, tôi cứ mãi hình dung về đội binh thuyền mấy chục tàn quân năm xưa vượt trùng khơi rước Ngài tránh họa. Những quan quân ấy, bằng lòng tận trung với Vương đã ngày đêm dong buồm vặn lái, một khắc cũng không ngơi tay mà cật chèo giữa biển trời mênh mông để mau thoát khỏi kẻ thù. 
Trên chuyến chạy trốn của Vương ở biển này, vì không kịp chuẩn bị nên trên thuyền không đủ nước ngọt và quân lương cho mọi người dùng. Đến khi khát quá mà trời không đổ cho giọt mưa, thì phải vục nước biển mà nhấp, ai dè gặp dòng nước ngọt ngay giữa biển, có lẽ là dòng chảy phù sa từ cửa sông trong bờ tông thẳng ra khơi xa, nên giúp Ngài thoát khỏi chết khát. Đi trên tàu, tôi quan sát tìm kiếm dấu vết này trên mặt biển, thấy có một đường răn nước kéo dài theo tầm mắt, không chừng chính là dòng cam lộ thủy năm xưa Ngài từng gặp cũng nên.
Gần 3h chiều tàu đến nơi, tôi lên đảo vào một nhà dân ở lại theo kiểu "home stay". Nghỉ ngơi tắm rửa thoải mái rồi đi ăn hải sản thật là ngon, toàn là đồ tươi đánh lên chế biến ăn ngay, mà lại rẻ. Nào mực, nào cá xương xanh, ốc, hàu đủ loại, và cả nhum, mũ ni cũng đều được dọn ra cho khách bình dân. Ăn xong thì dạo khu chợ dọc theo con đường bê tông rộng chưa tới 2m dài chừng cây rưởi số, hai bên nhà ở ken kín với một cuộc sống thảnh thơi nhưng khá giả nhờ nguồn lợi từ biển đem lại.
Dạo chơi chán rồi về, nằm võng nói chuyện với dì Hai chủ nhà, hỏi dì có biết chi về vua Gia Long xưa từng qua đây không, thì được nghe dì kể cho mấy tích của người xưa truyền lại qua má dì. Bà ngoại tụi bây kể lại khi vua ta bị Tây Sơn đuổi chạy trên biển, có hai con rái cá bắt mồi bơi theo mạn dâng cho Ngài có thứ đặng ăn để cầm hơi. Ngài cảm tạ và phong cho chúng là Lang Lại nhị Đại tướng quân. 
Chạy mấy ngày mấy đêm thì ra đến Hòn Sơn, Ngài cho cập đảo lên trú lại để tìm nước ngọt và lương ăn. Rồi khi quân Tây Sơn khảo các ngư phủ đánh cá biết Ngài ra đó thì cho thủy binh ra vây bắt. Lính canh quan sát báo Vương biết thấy có thuyền từ xa kéo lại, biết là địch quân đến nên cho dấu thuyền vào khe núi rồi trốn lên trên đó. Từ hẻm núi trông xuống, Ngài và quan quân thấy các Lang Lại nhị Đại tướng Quân bò lên bãi cằn tới cằn lui xóa dấu chân người. Thuyền Tây Sơn cập bãi tìm không ra dấu vết của Ngài và quan quân nên bỏ đi. Từ tích đó, người ta kêu đảo đó là hòn Sơn rái.
Cảm giác không an tâm, sợ quân Tây Sơn lại ra lần nữa, Ngài lịnh rút đi, lại xuống thuyền dong buồm đi tiếp ra khơi xa mấy ngày mấy đêm thì tới hòn Củ Tron thuộc quần đảo Nam Du. Ở đây Ngài chọn điểm đóng quân ở một bãi cát trắng, sau được gọi là bãi Ngự, tức nơi vua từng ở. Trên đảo này không có suối nước ngọt như bên hòn Sơn, vua ta phải làm lễ cúi xin trời đất, xong thì phóng kiếm ra xa, quân sĩ đào ngay dưới mũi kiếm vừa cắm xuống thì có cột nước ngọt vọt lên, rồi đào chổ đó ra thành giếng nay vẫn còn, có viên đá khắc chữ tích này nghe nói khi làm đường bị ủi mất.
Ở chừng lâu lâu, để an toàn Ngài lại kêu rút qua Phú Quốc. Lúc mới qua nghe là dân Khơ Me ở đó không cho ngài ngự, nên phải vào trú trong hang. Vì điều kiện khắc khổ như vậy nên một công chúa phải bịnh mà mất tại đây khiến Đức vua trong tương lai hết sức đau buồn. Bữa nọ nhìn lên trần hang thấy có hai bầu vú đá nhỏ từng giọt nước xuống rất lạ, Ngài tò mò đưa một tay vịn vào thì cái vú xấu hổ nín đến tận giờ, chỉ còn một cái nay vẫn nhễu. Bận khác ngài thấy con cua đực canh hốc đá cho cua cái lột vỏ, đến lúc cứng cáp thì đổi cua đực vô thay, cua cái dẫn các cua đực khác vào ăn thịt cua đực. Lại quan sát núi và biển chung quanh, ngẫm chuyện con cua cái, chuyện người dân ở đó đối xử không tốt với mình, Ngài cảm thán và cho khắc vào đá mấy câu "Núi bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm", tỏ là nơi này không tốt rồi cho ngự quân và gia quyến quay lại vào đất liền.
Kể từ khi xuống thuyền cùng các vương tôn và gia quyến ở Quảng Nam nhằm tránh sự kìm kẹp của Tây Sơn và Bắc Hà, hăm mấy năm trời đằng đẵng lặn lội khắp gầm trời mặt bể miền Nam để phục binh chống Tây Sơn mưu giành lại thế nghiệp của cha ông Ngài, thì bao phen tưởng đã bỏ xác cho thù hoặc làm mồi cho cá sấu, có khi chỉ còn lại đúng một tiền binh tên Đức cùng Vương chui nhủi trong rừng trốn sự truy sát của địch quân, vậy mà vẫn thoát được nhờ sự mưu trí hô to tiến binh như là đang phục kích, làm cho quân binh đối phương khiếp sợ tháo lui. Nhớ chuyện xưa hơn, thủy tổ của Vương là Nguyễn Kim mang mạng tướng, có công chinh Ai Lao phạt Mạc lấy lại cơ đồ cho vua Lê. Sau cậy quyền ức hiếp vua, bè với họ Trịnh cũng là công thần tiếm thế lập phủ Chúa, việc chưa thành thì mất nên họ Trịnh thủ
 đắc cơ hội này đẩy con cả của Kim là Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng. Dận công là người uy dũng không kém cha nhưng có đức độ hơn người nên mới khởi được nghiệp vương trên đất mới với công lao khai phá tạo giang san, tục gọi là Chúa Tiên. Có lẽ ân hưởng được mạng đế vương đó nên Nguyễn Ánh mới năm phen bảy bận thoát nhiều khổ nạn cho đến ngày phục quốc. Nhưng ngoài bản mệnh đó, với một phần tư thế kỷ nhọc sức kiệt cùng cho cơ đồ, phải nói Ngài là một tấm gương về sự bền gan bĩ chí cho tất cả chúng ta phải noi muốn làm việc lớn ngoài áo cơm.
18/6/2016














No comments: