Ảnh tác giả Nhã My
Đôi mắt là bộ phận quan trọng của con người. Nhờ có mắt chúng ta mới có được cuộc sống hoàn mỹ. Đã từ lâu trong văn chương sách vở đôi mắt được ví như cửa sổ tâm hồn. Tả đôi mắt của người đẹp thì "làn thu thủy, nét xuân sơn", "mắt em là cả dòng sông". Nào là mắt nai, mắt ngọc, mắt ướt, mắt biếc, mắt mơ màng, mắt đen lánh (nhánh) hạt huyền, mắt …mơ huyền (vừa đen vừa mơ mộng chứ không phải …huyền …mờ!)
Tác giả của bài này hôm nay không miêu tả về con mắt mà chủ ý nói về những hoạt động của đôi mắt (đương nhiên không phải là khép và mở mắt tức ngủ và thức) đúng hơn là … kết quả có được do mắt làm việc .
"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy ."
"Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ."
Vâng! Nguyễn Du và Đoàn thị Điểm qua thơ văn đã cho chúng ta biết hai động từ trông và thấy. Trông tức là nhận xét bằng mắt trông qua cửa sổ, trông về quê mẹ (quê cũ). Người con gái đêm khuya ra đứng bờ ao.
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ.
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai.
Buồn trông chênh chếch sao mai.
Sao ơi sao hởi nhớ ai sao mờ.
(Ca dao)
Trông cũng có nghĩa là chăm sóc, giữ gìn: trông nhà, trông cửa trông em bé (trông trẻ), trông quán, trông (cửa) hàng. Trông cũng có nghĩa là mong chờ trong ngóng. Thiếu phụ trông chồng, mẹ trông (tin) con.
Thấy cũng là nhận xét được bằng mắt thấy mờ mờ, thấy rõ ràng, mắt thấy tai nghe. Nhận biết được bằng giác quan nói chung như sờ thấy, ngửi thấy, nếm thấy ... Nhận biết bằng nhận thức cảm thấy, thấy vui, thấy buồn, thấy chán nản , thấy tức ... Thấy không chỉ khi mở mắt mà nhắm mắt cũng thấy một chân trời tím ngắt (?) Thấy ngay cả trong lúc ngủ như mơ thấy mộng thấy.
Lạy trời đêm nay mằm mộng thấy.
Mộng thấy người cho đỡ nhớ thương
(Thơ của bạn LCV)
Thấy còn để diễn tả một cảm xúc như thấy thương, thấy ghét. Hay để diển tả một sự quá độ (mệt , buồn , nhớ ...) thấy bà, thấy trời, thấy mồ tổ. Thấy được ghép với động từ cũng chỉ sự nhìn như trông thấy, nhìn thấy, dòm thấy, ngó thấy, xem thấy. Thấy là kết quả hiển nhiên của sự nhìn.
"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu.
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai."
Đoàn thị Điểm đã khéo léo dùng hai từ trông và thấy để diễn tả liên hoàn một tâm trạng (bi ai) của chinh phu và chinh phụ lúc biệt ly.
Vương Xương Linh, một tác giả Trung Quốc viết bài Khuê oán:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu .
Xuân nhựt hương trang thượng thúy lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc.
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Và kẻ hậu sinh này cũng bắt chước dịch như sau:
Trong cung thiếu phụ không sầu.
Ngày xuân trang điểm lên lầu nhìn quanh.
Giật mình thấy sắc liễu xanh.
Tiếc chồng vạn dặm công danh chưa về.
(Lời than khuê phụ, Nhã My dịch)
Thấy còn được "phóng tầm" ra không gian xa như nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan đã viết:
Xế thu người thấy xế thu chưa.
Sương trắng dồn lên khắp lối về.
Bây giờ xin mạn bàn tới chữ ngó và coi.
Ngó là động từ cũng chỉ sự nhìn, để ý tới như ngó chừng, ngó xem, ngó thấy. Bà con với ngó là ngắm như ngắm cảnh (kiểng), ngắm hoa, ngắm núi, ngắm biển. Còn có nghía như ngắm nghía (từ đôi), nghía hàng (tiếng lóng). Ngắm nghía được ghép chung thành động từ kép chỉ sự chăm chú kỹ lưỡng khi nhìn hay lựa chọn. Ngó cũng dùng như từ trên cao nhìn xuống. Người đàn bà vô phước bất lực trước cảnh chồng đi nhậu nhẹt say sưa hay đánh bài phá của, mèo chuột nhăng nhít đã phải kêu lên ''Trời ơi ngó xuống mà coi ''. Nguyễn Du (Cầm diễn giả ) đã thốt lên khi gặp lại người xưa mà nhan sắc bây giờ đã tàn phai theo thời gian năm tháng.'' Đưa con mắt ngó mà mơ. Người xưa thế ấy ai ngờ đổi thay ''(NM dịch).Và đây là một chàng trai nhớ người yêu nhưng chỉ dám'' ngó em chẳng dám ngó lâu. Ngó qua một cái đỡ sầu mà thôi'' (vì quá bận hay vì sợ người khác ... ngó thấy ?)
Coi là xem đi coi hát, coi bói, coi tướng, coi tay, coi trời, coi ngày, coi bộ, coi kìa, coi chừng, coi nhà, coi cửa, coi mạch, coi quẻ, coi sóc, coi thường, coi như là, coi mặt đặt tên, coi kiếng (soi gương) và … coi mắt (coi vợ, coi dâu), coi cọp (cọp dê tức copier ngày trước khi gánh hát về làng thường hát ở sân chợ, sân banh sân khấu lộ thiên khan giả ngồi trong sân chỉ được che chắn sơ sài những ai không có tiền mua vé thì thường leo lên cây hoặc mái nhà gần sân khấu để coi hát cọp)
Dòm tự điển tiếng Việt giải nghĩa là nhìn qua khe hở, hé cửa dòm vào . Dòm là … dò xét, tìm kiếm, dòm trước ngó sau, trông một cách chú ý , để tâm theo dỏi. Dòm ngó là tò mò chuyện riêng tư của thiên hạ (ý không được tốt). Mới đây ở trong nước có scandal ''người đẹp dòm ngực'' khi một cô người mẫu tuyên bố là ngực của cô người mẫu khác là ngực thiệt sau khi cô này đã dòm được lúc bạn đang tắm!
Liếc giải thích theo từ điển là đưa mắt nhìn chếch sang một bên, rảo tròng mắt qua một bên để trông xéo mặt vẩn ngó ngay phía trước liếc trộm, liếc xéo, liếc liếc. Cử chỉ đưa mắt liếc ngay mặt người nào đó rồi liếc trở lai liền được coi như ghét bỏ người đó hoặc tỏ ý hằn học không thân thiện. Liếc cũng là nhìn sơ qua như liếc qua trang sách, liếc mắt nhìn trộm, liếc mắt đưa tình (đá lông nheo). Phan Khôi trong" Tình già" tả cảnh:
Hai mươi bốn năm sau .
Tình cờ đất khách gặp nhau .
Cả hai mái đầu đều bạc .
Liếc mắt đưa nhau rồi .
Con mắt còn có đuôi
(đừng nhìn nhau nữa ai ơi .Tuyệt!)
Còn Nguyễn công Trứ thì cứ … ung dung
Liếc mắt xem chơi người lớn bé .
Ngoảnh lưng bàn phiếm chuyện xưa nay .
Nhìn là động từ có nghĩa là chú ý trông như nhìn sửng, nhìn chòng chọc, nhìn trố mắt (giương mắt ra để nhìn cho rõ), nhìn trân trân, nhìn trừng trừng, nhìn trối chết.'' Mẹ già trông con nhìn lá thu rơi.'' ''Nhìn nhau mà lệ ứa .'' Nhìn cũng có nghĩa là thừa nhận nhìn bà con, bạn bè, nhìn … con rơi.
Gặp nhau cũng chẳng dám nhìn.
Cứ xem như thể là mình chưa quen.
(Thơ Nhã My)
Xem: nhìn để biết. Xem cảnh, xem sách, xem hát, xem hội, xem đời, xem truyện.
Xem là xét lại, xét kỹ như xem sổ sách, xem thiên văn, xem tử vi, xem lại.
Xem như là so sánh xem như, xem tợ, xem xem, xem ra
Trên đây chúng ta đã đảo qua một số động từ có dính líu tới đôi mắt. Phải nói là từ ngữ tiếng Việt vô cùng phong phú và sâu sắc. Đó là những từ thuần Việt. Để diễn tả tới những … hệ lụy có liên quan đến đôi mắt người Tàu dùng từ khán, kiến. Ta không dùng những từ này như động từ mà ghép với một danh từ Hán Việt khác thành danh từ kép để diễn tả sự việc có liên quan tới sự nhìn như là khán giả, khán đài, khán phòng, khán thính giả ... Tuy là những từ được ghép bằng chữ Hán Việt nhưng cũng là từ thuần Việt (nếu tìm trong từ điển tiếng Hoa sẽ được trả lời không thấy vì người họ không xài những từ này)
Ông cha chúng ta đã dày công vun đắp nên một nền văn hóa VN tuyệt vời đầy màu sắc mà mỗi con cháu chúng ta có bổn phận phải trân trong, giữ gìn .
Tiếng Việt còn người Việt còn. Mong lắm thay.(Phạm Quỳnh)
SƯƠNG LAM
( Trích Tôi yêu tiếng nước tôi )
******************************************************
TẢN MẠN VỀ ĐÔI MẮT
(Bài 2)
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như
(Nguyễn Du –Độc Tiểu Thanh ký )
Tạm dịch:
Ba trăm năm nữa về sau
Biết ai là kẻ khóc sầu Tố Như
Đôi mắt ngoài nhiệm vụ để xem và thấy thì còn có một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng là dùng để... khóc.Nếu con người không ai ...biết khóc thì thế gian này chắc sẽ là chốn thiên đường còn cặp mắt và tuyến lệ kia sẽ bị ...thất nghiệp .
Đứa bé lần đầu tiên đến trình diện cuộc đời bằng ...tiếng khóc (và nếu nó không khóc được thì nguy to vì có thể là nó không muốn ... gia nhập vào cộng đồng nhân thế nhiều phiền lụy này). Ai mà dám chắc rằng trong suốt cuộc đời mình chưa một lần đã khóc.
Vui khóc, buồn khóc, tức khóc, giận khóc, sướng khóc, khổ khóc.
Khóc từ Hán Việt là khốc (có dấu ô) có nghĩa là khóc thành tiếng và khấp(chữ â) là khóc không (ra) nước mắt, không thành tiếng, khóc ở trong lòng.
Để diễn tả cách khóc từ ngữ VN ta cũng có rất nhiều. Khóc sướt mướt, khóc nức nở, khóc thảm thương, khóc thê thảm, khóc thảm thiết, khóc thê lương, la khóc, gào khóc, kêu khóc, khóc hu hu.
Ở cấp độ nhẹ hơn thì khóc rưng rức, khóc rưng rưng, khóc...sơ sơ. Và còn có khóc thầm, khóc dối, khóc …giả đò.
Khóc là phản ứng của con người khi tình cảm xáo trộn thất thường mà chưa có sự can thiệp kịp thời của lý trí. Khóc cũng có khi vô duyên vô cớ “bỗng dưng muốn khóc’’. Khóc vì vòi vĩnh vì không được thỏa mãn đòi hỏi như trường hợp của trẻ con.
Khóc không chỉ cho riêng mình mà còn khóc ... cho thiên hạ .
Khóc than chi xiết sự tình.
Khéo vô duyên bấy là mình với ta
(Kiều )
Thông thường thì khi khóc phải chảy (ra) nước mắt. Từ lệ trong tiếng Tàu là chữ mục (có nghĩa là con mắt) có bộ thủy (là nước ). Không nói thẳng từ khóc mà chỉ nói lệ rơi (hay rơi lệ ) lệ ứa (ứa lệ ) nước mắt tuôn rơi, nước mắt rơi sợi vắn sợi dài hoặc đơn giản bình dân hơn chảy nước mắt là ta sẽ hiểu.
" Lau mắt đi em lệ ướt vai rồi ..."
(Sang ngang - Đỗ Lễ)
Chữ lệ còn có thêm nghĩa khác (viết khác) là xinh đẹp mỹ miều. Do đó Lệ - tên lót của những người con gái - cũng thường có hai nghĩa. Thường thì ta dùng chữ lệ là đẹp, tránh chữ lệ là nước mắt vì sợ cuộc đời của những người mang tên này sẽ không được vui vẻ.
Tôi có một người bạn có cái tên đẹp mà cũng buồn Đỗ Lệ Hoài Thu. Họ Đỗ đi với Lệ đọc ra âm Việt thì cũng giống như là đổ lệ (khóc). Những ngày còn nhỏ tôi cũng thường hay thắc mắc về cái tên của bạn. Tôi nghĩ là hẳn bố mẹ của cô ấy chắc cũng có ... máu nghệ sĩ nên đặt tên con ... sướt mướt như vậy. Rồi một hôm hỏi bạn thì được biết ... y chang như vậy. Cô ấy sinh ra vào mùa thu khi người cha “theo tiếng gọi của núi sông” đi mất và người mẹ nhớ hoài mùa thu chia ly mà khóc! Về sau không biết có phải vì cuộc đời của cô ấy có thật sự không vui hay không mà khi làm lại giấy tờ bạn tôi bỏ đi chữ Lệ.
(Nói chuyện bên lề )
Nói về khóc thì có lẽ người Tàu ... ham (mê) khóc nhứt. Trong phim ảnh của Tàu chắc chắn là sẽ có vài cảnh khóc. Diễn viên khóc chưa đủ (đã) họ còn viết thêm tiểu thuyết tình cảm lâm ly bi đát để lấy thêm nước mắt của người đời. Trong đám tang ngoài thân nhân khóc lại còn thuê mướn thêm người ngoài vô khóc (khóc để diễn tả nỗi buồn hay khóc cho người chết được ...vui vì thấy con hiếu thảo,’’bàn dân thiên hạ ‘’tiếc thương!?)
Chiến tranh loạn lạc, chết chóc tang thương đã xô dân tộc VN xa dần với những nụ cười.
Những giọt nước mắt đắng cay khóc cho số phận, khóc cảnh chia ly, khóc vì mất mát tủi nhục cay đắng khổ đau.
Và đêm nay ở nơi cái xứ sở tuyết phủ sương giăng này cũng có một người xa xứ cũng đang ... đổ lệ hoài hương.
SƯƠNG LAM