Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 27, 2014

Huỳnh Xuân Sơn - CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐAU THƯƠNG” CỦA NHÀ THƠ TRÀ THANH LAM

Tác giả Huỳnh Xuân Sơn. Ảnh từ trang Dungho's Blog


Những ngày đầu hạ 2014 thời tiết nắng nóng bất thường. Cùng với cái nóng của thời sự, nóng bởi sự an nguy của nước nhà, nóng theo từng con sóng biển Đông và nóng theo từng diễn biến trên bàn ngoại giao của lãnh đạo Đảng và nhà nước. Nóng nhất có lẽ là cái nóng từ trong lòng của hơn chín chục triệu người dân trên khắp mọi miền của tổ quốc…
Già trẻ gái trai mỗi người có cách bày tỏ tình yêu tổ quốc khác nhau… bày tỏ sự lo ngại  cho việc Trung Quốc cắm giàn khoan 981 trên thềm lục địa của chúng ta cũng khác nhau…
Tôi đã gặp một sự trăn trở, một sự lo lắng rất đặc biệt của tác giả Trà Thanh Lam khi ông ngược dòng lịch sử để so sánh với hoàn cảnh hiện giờ của dân tộc. Để rồi gói gọn trong bài thơ mang tựa đề: 
Đau Thương
Một thời đất nước tang thương 
Mất cảnh giác!  
An Dương Vương lụi tàn   
Loa Thành chết chóc, khóc than…  
Thủy triều đỏ… 
ngỡ máu tan…
Biển sầu!  
Hồn Trọng Thủy - xác Mỵ Châu 
Đất rung chuyển …
biển bạc đầu…
Vì ai?
Ngọc trong đau đớn lòng trai 
Vua ôm mối hận, đã vài ngàn năm… 
Kim Quy buồn bã bặt tăm... 
Triều thần tù tội, nát tan cửa nhà ...  
Đau thương còn mãi trong ta... 
Bài học ngày ấy...  
nước nhà hôm nay!

Bài thơ lục bát biến thể  ngắn gọn với những câu thơ được ngắt nhịp dài, ngắn khác nhau theo một nhịp thơ trầm lắng xuyên suốt một thời gian dài tính bằng đơn vị Ngàn năm… Với một cột mốc lịch sử cụ thể là
Một thời đất nước tang thương 
Mất cảnh giác!  
An Dương Vương lụi tàn   
Loa Thành chết chóc, khóc than…  
Ngày Triệu Đà mang quân đánh chiếm đất nước Âu Lạc. Nhưng phải chịu rút lui trước sự kiên cường chống trả của quân tướng tổ tiên nước ta lúc bấy giờ…
Sau đó, có lẽ đã “ngủ quên trên chiến thắng”, vua  An Dương Vương mất cảnh giác đã kết tình thông gia với Triệu Đà cho Trọng Thuỷ ở rể vì hết mực yêu thương con gái là Mỵ Châu… Truyền thuyết thành Cổ Loa và chiếc nỏ thần lưu truyền mấy ngàn năm nay hẳn mỗi người dân Việt từ khi nằm nôi đến lúc trưởng thành ai cũng tường tận…
Hậu quả của sự mất cảnh giác ấy dẫn đến mất nước. Màu tang tóc đầu rơi máu chảy  bao trùm lên khắp các gia đình người dân…. Hạnh phúc của con gái cũng tan theo và một kết cục bi thảm Vua cha rút gươm báu chém chết con gái… rồi tự vẫn. Mọi sự ân hận đều đã muộn và hậu quả thì vô cùng tàn khốc để đến hôm nay sau hơn hai ngàn năm tác giả đã viết:
Thủy triều đỏ… 
ngỡ máu tan…
Biển sầu!  
Hồn Trọng Thủy - xác Mỵ Châu 
Trọng Thuỷ vì chung tình mà chết đó là cái tình riêng..
Hàng triệu oan hồn người dân chết thảm theo cái chết bởi ân hận mình  mất cảnh giác với người đã từng là kẻ thù cướp nước của nhà vua là nỗi đau của cả dân tộc... là bài học mà mỗi vị lãnh đạo cấp cao cho tới người dân thường cần ghi nhớ…
Tác giả hẳn đã đau với nỗi đau chung của cả dân tộc, từng phải “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu..” Nhiều trở trăn, nhiều suy nghĩ có trách nhiệm với danh phận một người dân yêu nước… Ông đã bật lên thành câu thơ và cũng là câu hỏi nhức nhối người đọc khi không dễ tìm câu trả lời:
Đất rung chuyển…
biển bạc đầu…
Vì ai?
Mất nước, vương triều sụp đổ… cả dân tộc chịu ách nô lệ nhiều đời… câu trả lời đã có!
Đất vì ai mà rung chuyển? Biển vì ai  mà bạc đầu? Vài ngàn năm vẫn là câu hỏi thật dễ mà lại vô cùng khó trả lời…
Dòng trăn trở của tác giả còn nối tiếp. Vẫn biết để có viên ngọc trai sáng trắng phải trải qua đau đớn trong lòng con trai mới kết thành…
Ngọc trong đau đớn lòng trai 
Vua ôm mối hận, đã vài ngàn năm… 
Kim Quy buồn bã bặt tăm... 
Triều thần tù tội, nát tan cửa nhà ...
Truyền thuyết tổ tiên ta để lại có phần ưu ái cho mối tình của hai kẻ tiếp sức cho Triệu Đà thôn tính Âu Lạc. Lẽ nào nước mắt xót thương vợ của một kẻ hãm hại cả một dân tộc rơi vào “Nát tan cửa nhà” lại hoá thành những viên ngọc trai ... và khi được rửa ở nước giếng mà hắn gieo mình tự vẫn lại sáng đẹp... hậu thế hôm nay dẫu có thắc mắc thì cũng chẳng tìm ra được câu trả lời...
Nhưng việc mà vua mất cảnh giác, thì hậu quả thảm khốc đến sẽ là tất yếu… Bởi khi ấy ngay cả thần Kim Quy cũng không thể cứu vãn… chỉ có thể chỉ ra kẻ thù rồi “buồn bã lặn bặt tăm…”
Phải chăng ở đây tác giả muốn mượn hình ảnh viên ngọc trai quý nhất, chính là nền hoà bình cho một dân tộc mà xương máu lớp lớp tổ tiên đã đổ ra ... Đơn cử chỉ một trận đánh Gò Đống Đa của Vua Quang Trung năm 1789 mà đã
Thánh Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến điệu anh hùng đại võ công (Loa Sơn Điếu Cổ- Ngô Ngọc Du)
Dịch là:
Thánh Nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công
Hoặc:
“Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò”.
Đó mới chỉ là máu xương của quân địch….ai có thể đong đếm nổi “lòng trai mẹ” Việt Nam trải qua bao nhiêu đời với triệu triệu anh hùng ngã xuống để có cuộc sống hôm nay…
Ngoài biển khơi kia sử sách chẳng ghi nổi có bao nhiêu người đã ra đi làm nhiệm vụ giữ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không trở về… Chỉ biết ngay tại điểm xuất phát những chuyến đi ấy là Đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cho tới tận ngày hôm nay vẫn còn giữ phong tục cúng tế “Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa” (Tế người sống - tiễn người sống ra đi mà ai cũng xác định sẽ không trở về). Theo sự phỏng đoán của các sử gia thì chỉ tạm tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng trong thì những người lính được gọi là Hùng Binh, đã vượt biển ra đảo Hoàng Sa và sau này thêm Trường Sa từ Lý Sơn không dưới Vạn người. Mấy ai trong số đó trở về đâu… bởi vậy nay trong dân chúng vùng này vẫn lưu truyền câu ca
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa (ca dao)..
Xưa tổ tiên ta tế sống những thanh niên trai tráng ra đảo bảo vệ chủ quyền bằng lễ “khao lề thế lính Hoàng Sa”….
Thời hiện đại nay vẫn còn 75 người con nước việt nằm lại biển khơi trong  trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với quân Trung Quốc… và gần nhất là trận Gạc Ma với 64 người con nước Việt nữa đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi…
Còn Đất rung chuyển nào đâu chỉ có xa xưa..
Gần đây ngay những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Mới “Hảo Hảo” ngày nào… Lập tức lật mặt ngay. Chúng mang quân sang xâm lược năm 1979 những câu hát “Quân xâm lược bành trướng dã man. Đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương” (Chiến đấu vì độc lập tự do -Phạm Tuyên) đã phần nào nói lên bản chất của quân xâm lược… và cuối cùng chúng phải bỏ lại xác hơn ba vạn quân… rồi rút lui…
Viên ngọc hoà bình hôm nay quả thật được hình thành từ Đau Thương…
Những “Đau thương còn mãi trong ta...” lời nhắc nhở đầy trách nhiệm của một công dân yêu nước Trà Thanh Lam vẫn còn tiếp tục:
Bài học ngày ấy...
nước nhà hôm nay!
Vâng nước nhà đang lâm nguy, bởi kẻ thù đã vào tới cửa ngõ, chúng cắm giàn khoan, mang theo một lực lượng hùng hậu tàu chiến, máy bay, tàu cá trá hình gây hấn trên biển Đông… Trong nước chúng cho thương lái đi thu gom hết móng trâu bò, rễ tiêu, lá cà phê.. đỉa và vô vàn những chiêu trò hại dân ta…
Việt Nam ơi! Cần lắm. Rất cần những cái đầu tỉnh táo cảnh giác với “phường quay lưng” ngàn đời nay lăm le cướp nước… Để sự ân hận muộn màng của An Dương Vương không bao giờ lặp lại…
Và chắc chắn một điều, lòng dân đoàn kết, lãnh đạo sáng suốt. Sẽ không có kẻ thù nào bước vào dẫu chỉ một tấc đất hay một ngọn sóng ngoài biển khơi được.
Tôi xin mượn một đoạn ca từ trong ca khúc “Chiến đầu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên để kết thúc cho bài viết cảm nhận Đau Thương này:
Ôi đất nước của ngàn chiến công
Vẫn sục sôi khí thế hào hung
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa vẫn gọi tiếp những bản hùng ca
Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương
Lịch sử đã trao cho người một sứ mệnh thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương Người vẫn hiên ngang ra chiến trường
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người
Độc Lập- Tự Do!

Sài Gòn 6/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn



Thông tin cá nhân:
Tác giả Huỳnh Xuân Sơn  
Tên thật Cao Thị Phương Lan 
hiện ở Thủ Đức, Tp HCM. 
Email: huynhphuvang@gmail.com  

***
Trà Thanh Lam gởi đăng qua email: vovansuu@tckt.edu.vn


READ MORE - Huỳnh Xuân Sơn - CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐAU THƯƠNG” CỦA NHÀ THƠ TRÀ THANH LAM

Thơ Phạm Bá Nhơn - NÉT HUẾ, ĐÊM RU XỨ HUẾ, HẸN CÙNG VỚI HUẾ



NÉT HUẾ

Huế vẫn vô tình ngủ trong mơ
Đã quên hay Huế cố hững hờ
Để chiều viễn xứ người nhung nhớ
Áo tím qua cầu khách ngẩn ngơ

Dịu dàng tay ngã nón bài thơ
Bao năm cách trở vẫn mong chờ
Bên bờ lặng lẽ người đứng đợi
Xao xuyến dòng hương nước lửng lờ

Nhắn vạt bên trời qua bên nớ
Thuyền ai đang đậu bến đò ngang
Hãy sang chở nốt chàng lãng tử
Về với ngày xưa mộng lỡ làng

Ơi huế ngọt ngào bao duyên dáng
Vầng trăng sáng tỏa mắt em xinh
Lung linh mái tóc chiều Vĩ Dạ
Kẻ khóc đường xa một mối tình./.


ĐÊM RU XỨ HUẾ

Đêm nay ôm Huế mơ màng
Sông Hương quạnh vắng ai ngồi chờ ai
Tràng tiền nối nhịp khoan thai
Cớ sao ước mộng trải dài lê thê
Bây chừ huế đón ta về
Giữa lòng phố cũ bốn bề lặng yên
Dường như cảnh mộng thần tiên
Dành riêng một cõi dịu hiền là đây
Tay ôm gối ngủ giấc đầy
Trong mơ thổn thức đêm nầy cùng ai
                                                14/12/2012


HẸN CÙNG VỚI HUẾ

Tôi sẽ quay về, thăm lại Cố đô
Ngắm bóng trăng thanh, nghe khúc Nam bằng
Tiếng sáo quyện, bên dòng Hương da diết
Bao ngày xa, phố cũ dáng mơ màng

Tạm biệt Huế, giữa mùa thu tuổi mộng
Suốt nữa đời lạc bước chốn ngàn phương
Lòng ôm ấp, hoài mong về cố xứ
Nhớ một người từ dạo mới yêu đương

Tôi sẽ trở về, tìm kỷ niệm xưa
Vỹ Dạ Đông Ba, qua những chiều mưa
Bên Đập Đá, Vân lâu hay Bến Ngự
Em ở nơi mô, từ đó đến chừ

Thương lắm con đò, neo đậu bến sông
Mãi ngóng chờ ai, trên nước phiêu bồng
Bóng dáng mẹ ngồi, ru đàn em nhỏ
Bao tháng ngày qua, lòng mỏi mòn trông

Huế ở lại, ôm đất trời thơ mộng
Để người đi, xao xuyến cố hương ơi
Em giọng nói, trên làn môi dịu ngọt
Chẳng nơi mô có được ở trên đời

Xin thầm hẹn, một ngày mai với Huế
Tôi sẽ về, ấp ủ mối tình quê
Bên bếp lửa, có cô em người chị
Huế yêu ơi! Vẫn còn đó câu thề.

                             Phạm Bá Nhơn
READ MORE - Thơ Phạm Bá Nhơn - NÉT HUẾ, ĐÊM RU XỨ HUẾ, HẸN CÙNG VỚI HUẾ

CÁI THẬT, ĐIỀU KHÔNG LẦM LẪN - thơ Trúc Thanh Tâm

 (Tặng: Ngô Nguyên Nghiễm, Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thành Xuân)



Sài Gòn, tôi về nắng trưa
Cầu Chữ Y, nỗi buồn gió táp
Cái đầu tiên mà tôi bắt gặp
Là sự nhỏ nhoi, nỗi khổ riêng mình !

Đèn Sài Gòn ngọn đỏ, ngọn xanh
Đâu đủ sáng cho mình mơ ước
Mưa, là cái khôn tắm mát
Nhưng con người, đôi lúc lại sợ mưa !

Mắt, bị che chiếc lá sái mùa
Đường thẳng cứ lờ mờ, quanh quẩn
Tôi thấy bước chân mình khá nặng
Mang trên vai một túi nghiệp văn chương !

Bạn bè, ly rượu tứ phương
Ở quán cóc, góc vỉa hè tận hưởng
Là sự thật, là tận cùng ham muốn
Là trái tim còn nét thật con người !

   Sài Gòn, 1990

TRÚC THANH TÂM
READ MORE - CÁI THẬT, ĐIỀU KHÔNG LẦM LẪN - thơ Trúc Thanh Tâm

VỀ ĐI EM - thơ Thúy Ngân



Tình yêu theo gió bay đi
Để lại tim ta bao khắc khoải
Để đêm đêm anh thầm gọi
Về đi em

Về đi em
Mùa xuân đang mời gọi
Về đi em...
Tình yêu đang chờ đợi...
Về đi em...

Em biết chăng ?
Đêm về tiếp nối từng đêm...
Môi em dịu mềm
Lướt trên từng miền khao khát
Hương tình yêu nồng nàn, ngọt ngào, dịu êm

Anh ước thu gió heo may
Anh mong có em trong vòng tay
Anh mơ em về trong đêm nay
Anh nguyện yêu em hết kiếp này
Về đi em ... Về đi em ... Về đi


                      Thúy Ngân
READ MORE - VỀ ĐI EM - thơ Thúy Ngân

THÁNG 7 EM VỀ - thơ Thy Lệ Trang




Tháng 7 em về lòng mở hội
Ngỡ như bàn tay anh vẩy mời
Không hẹn mà chung lòng ngóng đợi
Cali nắng vàng trong mắt, trên môi...

Tháng 7 em về bao thương nhớ
Á́o trắng tung bay rợp cổng trường
Mắt anh len lén sau hàng phượng...
Chỉ trộm nhìn thôi... cũng vấn vương...

Tháng 7 em về chân bước nhẹ
Sợ làm xao động giấc mơ hoa
Có anh nâng phím đàn năm cũ
Một thủa Dư Âm chẳng nhạt nhòa

Tháng 7 em về xao xuyến quá
Bạn cũ, thày cô... phút rộn ràng...
Nhớ vòm trời xanh... khung cửa sổ...
Cho hồn thơ lạc... bước... lang thang...

Tháng 7 em về anh có đến?
Dù nhớ hay quên em vẫn chờ
Hãy giữ dùm em tia mắt ấm
Và tiếng hát buồn... sâu lắng... xưa!

THY LỆ TRANG

MASSACHUSETTS
READ MORE - THÁNG 7 EM VỀ - thơ Thy Lệ Trang

Văn chương ngoài lề: THƠ TẬP THỂ - phiếm luận Chu Vương Miện



Thơ tập thể là thơ thường được nhiều người làm, ít nhất là hai người trở lên, nhưng toàn bộ cùng một đề tai [và nội dung] trước sau thuần nhất như một. Trước khi giới thiệu bài thơ [công trình tập thể], sau đây, chúng tôi xin được trích dẫn một bài thơ Đường luật bát cú của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bài thơ này có nhan đề là: Kiếp Lấy Chồng Chung.

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Năm thì mười hoạ chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Có một gia đình đa thê, một chồng hai vợ [một ông chồng, một bà vợ lớn và một bà vợ nhỏ], nếu họ ở trong tình trạng bình thuờng thì không nói làm gì, đằng này họ lại là một gia đình làm thơ [có chút hư danh], ông chồng làm thơ, bà vợ lớn làm thơ và bà vợ nhỏ cũng làm thơ nốt. Làm thơ này là làm ở nhà quê, làm cho nó vui nó khuây khỏa, chứ hoàn tòan không phải làm ra để đăng báo chợ như bây giờ.

Tình trạng đa thê thì cũng là một tệ trạng xã hội dễ thương của cái thời phong kiến thủa bấy giờ, nhưng cái tiểu gia đình nhà thơ thường xuyên thất nghiệp thì nó trở thành dễ ghét chi lạ. Thường xuyên thất nghiệp thì không có tiền, thì cái chuyện nhịn ăn nhịn uống, nhịn đói nó cũng là cái chuyện thường ngày ở huyện nhà, mà đã thiếu ăn thì cái [chuyện kia] cũng kể như thiếu thốn dữ lắm.

Xin mô tả là gia đình của đại thi sĩ được sắp xếp bài bản như sau: căn nhà lá ba gian ọp ẹp, bà nhỏ được bố trí một gian bên góc, gian giữa là bàn thờ và chỗ tiếp khách. Ông chồng và bà cả nằm chung một phòng đối diện bà hai, nhưng bà cả không nằm chung giường với ông, mà căng một chiếc võng ngay cái cửa ra vào phòng ông chồng  mà nằm, có nghĩa ông chồng đi ra hoặc đi vào đều phải bước qua cái võng của bà vợ cả, ngày cũng như đêm, cái vị trí chiến lưọc này không bao giờ thay đổi.

Vị trí chiến lưọc thì bất di bất dịch, nhưng còn về phần đài phát thanh thì tự do, tùy tiện muốn thu muốn phát lúc nào cũng đặng, vì âm thanh là vô biên giới, cứ bắt đúng tần số là no nói, nó hát, nó ngâm thơ, nó bình lụân....

Một đêm trăng sáng vào lúc giờ Tý, canh ba, bà thi sĩ vợ nhỏ, nhìn trời nhìn đất, ngán ngẫm về cái thân phận làm nhỏ của mình, trằn trọc lăn qua lăn lại, cố nhắm mắt nhưng không làm sao ngủ được, bèn xúc cảnh sinh tình mà ngậm tướng lên, giọng sa mạc :

Bây giờ sông lặng sóng yên
Sào ơi nhớ bến chống thuyền lại chơi?

Bà ngâm lại một lần nữa nhấn mạnh vào bốn chữ đầu của câu dưới "Sào ơi nhớ bến".

Ông chồng thi sĩ, nhiều tháng bị lay off, cũng nằm thao thức mà không ngủ được, ba miệng ăn đã thường xuyên đói, mà cứ [sào ơi nhớ bến] đẻ đều đều dài dài thì lại càng khổ hơn nữa, nên thường xuyên là mũ ni che tai, tu là cõi phúc, tình là dây oan. Nhưng cuộc đời nó cứ như là một món nợ, cái gì thì có thể im được chớ cái MỤC thơ thẩn thì làm sao mà im cho nổi, thế là thi sĩ chồng bèn hắng giọng ho to lên một tiếng trổi giọng âm ấm ngâm:

Sào thì nhớ bến ai ơi
Cách đồn quan phủ không xuôi được đò

Hai câu lục bát của thi sĩ chồng được ngâm theo điệu đò đưa, hơi vẻ vẻ đau khổ, trên cạn thời có quan ải, dưới sông thì có trạm hải quan của quan phủ, ngươì ta chứ có đâu là chim trời [mây trên trời] muốn bay qua bay lại dễ ợt, cai hay và thâmthúy của câu thơ này nghe qua rất là khách quan, lạc quan, nhưng lắng nghe thật kỹ, hình như ngâm xong có kèm theo một tíếng thở dài não nuột, y như tâm trạng của các bộ lạc thiểu số Mông Cổ muốn vào trung thổ lắm lắm, nhưng làm sao mà vượt qua được vạn lý trường thành.

Nằm một lúc tưởng như đã ngủ, chỉ còn chiếc đồng hồ thỉnh thoảng rơi vài giọt nước lỏm bỏm, bà cả đâu có thể im lìm bỏ qua, đâu có thể im ru bà rù cho nổi, thế là hồn thơ nhập vào bà, bà bèn hắng giọng ngâm theo thể ru em:

Sông kia ai cấm ai dò?
Muốn xuôi chịu nộp thuế đò mà xuôi.

Nghe xong câu thơ này, bà hai kéo chiếu lên cổ nằm ngủ thẳng cẳng, không còn tơ vương tha thiết một ly ông cụ nào.  Hai câu thơ của bà cả vừa rồi mang theo tính hiện thực phê phán xã hội, thực tế phũ phàng, không một chút tế nhị tình cảm. Nghe xong, đối tượng choáng váng cả mặt mày. Hai cậu thơ này đọc tướng lên cho cả hai người [là ông chồng và bà hai nghe] nhưng chủ đề nghiêng về phía ông chồng nhiều hơn. Cái câu thơ này nó đánh ngay vào chỗ sâu thẳm của ông chồng, thường xuyên nghèo mà ham, tuy nhiên gừng càng già càng cay, điếc không sợ súng, ông chồng cũng gắng sức pháo lại:

Chẳng buôn chẳng bán thì thôi
Nộp quan hết vốn còn xuôi nỗi gì.

Thế là từ lúc đó mội chuyện đều im lặng, mạnh ai nấy ngủ, hôm sau gia đình nhà thơ ba người ai cũng dậy muộn cả. 


                                                             Chu Vương Miện
READ MORE - Văn chương ngoài lề: THƠ TẬP THỂ - phiếm luận Chu Vương Miện