Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, September 28, 2013

HOA HỌC TRÒ - Truyện ngắn Trần Hữu Thuần - Kỳ 2

Tác giả Trần Hữu Thuần


(Kỳ 2)

Cha tôi mất rồi, tôi lớn thêm và bắt đầu thắc mắc tại sao cha tôi không ở nhà lo lắng cho mạ  và anh em tôi như cha mấy đứa khác mà  đi đâu ở đâu rồi đột ngột quay về  bệnh hoạn liệt giường để chết mấy tuần sau đó. Thêm vào đó, tại sao mỗi khi không vui, mạ tôi  đều nhìn xa xôi về phía đồng bằng, ôm tôi rồi thủ thỉ vào tai tôi rằng An Đôn không phải là  quê hương chúng tôi mà là tận Phúc Lộc  đâu đó ở hướng mặt trời mọc, ở “dưới đó.” Tôi hỏi tại sao lại lên ở đây, mạ tôi nói đã dìu dắt anh chị tôi và bế tôi lên An Đôn này sau trận lụt “Mậu Thìn” khi tôi mới được ba tháng tuổi. Lúc đó, tôi nghĩ lí do đưa chúng tôi đến đây chính tại quê tôi bị lụt tàn phá. Khi lớn hơn một chút, tôi tìm hiểu và biết lụt Mậu Thìn năm 1928 triều Bảo Đại thứ ba, cũng là năm tôi chào đời, chẳng phải là trận lụt gây thiệt hại miền Trung nhiều đến độ cha mạ tôi phải bỏ xứ ra đi. So với các trận lụt năm Thìn trước đó như Giáp Thìn 1844, Giáp Thìn 1904, và sau đó Nhâm Thìn 1952, và Giáp Thìn 1964, lụt Mậu Thìn 1928 tàn phá khủng khiếp ở Miền Nam nhưng vẫn chỉ là trận lụt như bao nhiêu trận lụt khác hàng năm ở quê hương tôi. Vùng đồng bằng miền Trung dọc bờ biển, mỗi năm hứng chịu năm sáu trận bão lụt là chuyện bình thường. Lí do nào ở đàng sau để cha mạ tôi phải bồng bế anh chị em tôi bỏ đồng bằng Phúc Lộc lên đất An Đôn rừng rú này? Mỗi khi tôi hỏi đến, mạ tôi đều tìm cách né tránh không trả lời. Một hôm, dẫn tôi ra đầu hè, chị đầu của tôi bảo tôi:

“Mi muốn biết cha đi mô và tại răng gia đình mình lên chỗ ni lắm, phải không?”

Tôi nhìn chị:

“Bộ chị biết?”

Chị cười:

“Trong nhà ni, tau không biết thì ai biết? Tau lớn hơn mi hơn chục tuổi.”

“Biết răng lâu ni chị không cho em biết?”

Chị  cười:

“Mi nhỏ chút xíu mần răng mà nói cho mi hiểu được?”

“Rứa chừ em hiểu được chưa?”

“Được rồi, mi hiểu răng thì hiểu. Quê mình ở Phúc Lộc, Triệu Phong, mi biết chỗ mô không?”

“Không, răng mà em biết được? Chị biết?”

“Tau biết, tau lớn lên dưới đó.”

Cha tôi gốc Phúc Lộc, mạ tôi gốc Nhu Lí. Cha mạ  tôi sở dĩ bồng bế anh chị tôi và  tôi lên An Đôn này chẳng phải để tránh lụt Mậu Thìn mà chỉ là cái cớ để ra đi không gây chú ý. Cha tôi phải trốn chạy vì đang theo một “hội kín” mà cả mạ cả anh chị tôi đều chẳng biết là hội gì, ngoại trừ đó là một tổ chức chống Tây thời đó. Đến tuổi trưởng thành, tôi nghĩ cha tôi theo Việt Minh. Thời đó, người yêu nước muốn quê hương thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp đều theo một tổ chức chống Pháp nào đó, của Phan Bội Châu, của Cường Để, của Phan Châu Trinh, của Huỳnh Thúc Kháng. Cuối cùng, nhiều người theo Việt Minh vì đó là tổ chức duy nhất có lực lượng vũ trang để chống Pháp. Có người đã tố cáo cha tôi nhưng Pháp chưa bắt mà chỉ cho người theo dõi, có lẽ để tìm đủ bằng chứng hoặc cũng có lẽ để tóm trọn ổ. Thêm vào đó, cha tôi còn “phạm” tội nấu rượu lậu. Thời đó, thực dân Pháp cho phép hãng Sica độc quyền nấu rượu, ai nấu rượu lậu sẽ bị gán tội chính trị, bị tù đày tan nhà nát cửa. Tuần tra lí trưởng chỉ cần bắt được ngoài ruộng ngoài vườn của ai đó một hũ “hèm” tức gạo đang ủ men là đủ bằng chứng buộc chủ ruộng chủ vườn phải chạy chọt tan nhà nát cửa hoặc phải đi tù mọt gông mà chẳng cần xét đến lí lẽ ngoài ruộng ngoài vườn ai vào ai ra cũng được. Biết đã bị lộ, cha tôi muốn đã nuôi ý nghĩ bỏ làng ra đi và trận lụt là lí do chính đáng để cha tôi thực hiện ý định. Sau trận lụt, cha tôi hái các trái bí rất to mà ông đã trồng chia cho bà con, rồi dắt díu vợ con lên An Đôn tá túc gần người chị của mạ tôi, viện cớ An Đôn là vùng rừng núi đất cao không còn sợ lụt lội. Lên An Đôn, gia đình tôi tiếp tục nghề nấu rượu lậu. Tránh bị phát giác, cha mạ tôi nấu rượu ban đêm trong rừng và trữ rượu trong các hang hốc. Chẳng may, không làm sao che đậy hết được ánh lửa bập bùng ban đêm, cha tôi bị phát giác và bị bắt. Tại nhà tù, cha tôi bị phát giác thêm tội đã theo “hội kín” nên bị đày đi Lao Bảo, một trại tù ở ngã ba biên giới, nơi hùm beo và muỗi sốt rét đầy tràn. Cha tôi được tha về để chết mấy tuần sau đó là do đã bị bệnh “nước độc” tức sốt rét rừng, sau thời gian nằm nhà thương điều trị không kết quả.

Cái không may đó của cha tôi và của gia đình tôi lại là cơ duyên đưa tôi đến với Nguyệt, đến với tình bạn và tình cảm thơ dại để lại dấu ấn suốt đời tôi. Vườn nhà tôi liền với vườn nhà Nguyệt. Nói là vườn nhà tôi nhưng không thực sự là của gia đình tôi mà của chủ vườn. Mạ tôi không hề cho tôi biết vì lí do nào, chủ vườn cho gia đình tôi cất một ngôi nhà nhỏ trong vườn để ở tạm với nhiệm vụ trông coi vườn cho ông ấy. Phần vườn mênh mông được trồng đủ loại cây ăn trái mà gia đình tôi được phép ăn hoặc biếu hàng xóm chút ít nhưng không được phép bán. Khi cần, chủ vườn mướn người đến chăm sóc vườn cây. Đến mùa, ông cho người thu hoạch trái đem bán. Phần đất trống chung quanh nhà chúng tôi, mạ và các anh chị lớn của tôi đã trồng thêm rau ráng và vài loại cây quen thuộc mà hầu như bất cứ gia đình thôn quê nào thời đó cũng trồng chung quanh nhà. Bên phải nhà, cạnh bếp là một cây trà. Hàng ngày, mạ hoặc các chị tôi ra hái một nắm lá đem vào rửa sơ rồi khoanh lại cho vào nồi đất nấu sôi thành nước “chè.” Nước mới nấu rót ra tô, loại tô đựng canh hoặc ăn phở bây giờ, màu vàng nhạt đậm một chút hơn màu rượu chát trắng, gần với màu mật ong hoặc màu hổ phách, thơm phưng phức. Có người khi rót nâng cao vòi ấm cho nước chảy mạnh xuống tô sủi bọt, bọt “đứng” càng lâu, nước trà càng đậm càng ngon. Sáng thức dậy, đàn ông thường uống một tô lớn như vậy trước hoặc sau bữa ăn sáng, thêm chút đường phèn là tuyệt vời. Đàn bà, con gái, và trẻ em chỉ uống bằng chén, sau khi ăn cơm, không mấy ai uống sáng sớm như đàn ông. Nước chè nấu đi nấu lại trong nồi không còn màu vàng trong như nước đầu nữa mà đã biến thành màu vàng nâu. Sát bên cây trà là cây chanh cho trái để pha nước mắm, làm nước chanh, cho lá để gói thịt gà khi thích, con gà cục tác lá chanh. Sau nhà là bụi chuối Mốc, chuối Xanh, chuối Sứ. Chuối Sứ trái nhiều hột, chỉ ăn non làm rau ghém với khế, lá dùng gói bánh chưng bánh tét, gói nem, gói tré. Cạnh bụi chuối thế nào cũng phải có mấy luống thơm mà có nơi gọi là dứa hoặc khóm, mấy bụi ớt, mấy bụi rau húng quế, một vạt húng đất, mấy cây cà trắng, cá tím, và cà chua theo mùa.

Nhưng, không cây nào hấp dẫn trẻ con nói chung, Nguyệt và  tôi nói riêng, cho bằng mấy cây ổi. Miền Trung thời  đó chưa thấy có loại ổi xá lị trái to như trái đu đủ ở miền Nam mà  chỉ có loại ổi sẻ, cây mọc cao vút lên với cành tỏa vươn dài ra. Cây ổi sẻ ít lá nhưng sai trái khi đến mùa. Ổi có hai loại, ổi “nếp” và ỏi “tẻ.” Ổi “nếp” vỏ mỏng trơn tru, cơm màu trắng, ít hột. Ổi “tẻ” vỏ sần sù, cơm màu đỏ, nhiều hột. Cả hai loại, hột đều rất cứng, khó tiêu hóa được. Nhiều vườn ổi chẳng do người trồng mà mọc lên từ hột do chim phóng uế ra. Đến mùa, hương ổi chín thơm ngát mời mọc trẻ em và lũ chim chóc dơi chuột. Mùa không trái, cành ổi dẻo dai là nơi cho đám con trai bạo dạn như tôi trèo lên cành làm “xiếc.” Tôi men cành ra chỗ xa nhất, ngồi vắt vẻo đù đưa theo gió, rồi nhún nhẩy cho cành đong đưa “bay” từ phía này sang phía khác giống như loài khỉ loài vượn, chỉ khác không buông cành này bay qua cành khác. Dưới gốc cây, Nguyệt hoảng hốt la lớn:
“Coi chừng anh, gãy cành bây chừ.”

Cành ổi chưa lần nào gảy để gây tai nạn cho tôi, không biết vì may mắn hoặc vì tôi chẳng nặng nề gì đáng kể so với độ dẻo dai của nó. Dẫu vậy, thấy tôi càng “bay” càng hăng, Nguyệt gắt lên:

“Anh có xuống liền không? Em về đây nè.”

Thấy Nguyệt đang long lanh nước mắt, tôi vội vàng tụt cây leo xuống, không phải vì sợ nguy hiểm mà vì không đành lòng nhìn thấy những giọt nước mắt trên đôi mắt Nguyệt. Tôi không hiểu sợi dây vô hình nào cột chặt hai đứa chúng tôi vào nhau như hình với bóng. Vắng tôi, Nguyệt đi tìm. Vắng Nguyệt, tôi buồn chẳng thiết làm điều gì khác kể cả đá dế, trò chơi mà tôi có thể lao theo quên ăn quên ngủ. Bạn gọi đi đá dế, không có Nguyệt, tôi không đi. Bạn gọi đi bắt dế, không có Nguyệt, tôi không đi. Ngược lại, để tôi vui, dù không thích chơi dế, Nguyệt sẵn sàng bắt dế cho tôi vì nhanh nhẹn hơn tôi rất nhiều. Có lần, chẳng biết do ai thách đố, tôi xuống tận thị xã Quảng Trị đá dế thi. Nguyệt theo tôi đi bộ từ An Đôn xuống thị xã. Đường đất xa tít mù. Từ An Đôn, hai đứa lội bộ mấy cây số xuống đến cầu Ga. Quốc lộ 1 lúc đó chưa phát triển vì chưa có nhiều nhu cầu cho xe cộ lưu thông. Xe trên đường phần lớn là “công-voa” nhà binh Pháp, mỗi tháng vài lần xe tải của hãng Trương Công Huynh đệ chở hàng từ Huế ra Quảng Trị Quảng Bình. Vì thế, mặc dù xe vẫn chạy qua cầu Ga, cầu chủ yếu dành cho xe lửa nên ván sàn được lót thưa nhau. Xe đạp phải dắt qua. Đi bộ phải nhìn chằm chặp xuống chân, sợ lọt chân rơi xuống sông. Con trai bặm trợn như tôi không thấy gì, con gái nhát gan như Nguyệt, bước hân lọng cọng, mặt mày tái mét. Qua khỏi cầu rẽ trái lội bộ thêm một đỗi xa nữa là đến thị xã. Tôi tinh nghịch hỏi nguyệt:

“Em theo anh đi xa như ri vì thích đá dế rồi phải không?”

Nguyệt ngúng nguẩy trả lời:

“Không thích, em vẫn không thích.”

“Không thích răng theo anh làm chi cho mỏi chân?”

Nguyệt hứ một tiếng:

“Thì em nói rồi, em muốn gần anh cho anh vui.”

(Còn tiếp)

Trần Hữu Thuần


READ MORE - HOA HỌC TRÒ - Truyện ngắn Trần Hữu Thuần - Kỳ 2