Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 16, 2010

VÕ VĂN LUYẾN - CHẾ LAN VIÊN: " NGƯỜI BẮN PHÁO HOA TRÍ TUỆ" Ở THỂ TỨ TUYỆT

Nhà thơ Võ Văn Luyến ( đứng giữa) đang tham gia buổi Giao lưu nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Chế Lan Viên và Hội nghị Trù bị CLB Thơ Huyện Cam Lộ - 23/10/2010.


Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan. Quê Cam Lộ, Quảng Trị. Xuất hiện từ phong trào Thơ mới, Chế Lan Viên tự mình làm nên một cái đỉnh trong làng thơ Việt hiện đại, không lẫn với bất kì ai khác.

Nói đến Chế Lan Viên là nói đến thơ tứ tuyệt. Hình như cụm từ "tứ tuyệt Chế Lan Viên" trở thành một định ngữ khó thay đổi, bởi thơ ông đơm hoa kết trái ở thể tứ tuyệt. Không một ai cùng thời sánh bằng, trên cả hai mặt số lượng và chất lượng. "Cái lớn của một nhà thơ là khả năng tự mình trở thành đối tượng", câu nói của Johan Becher vận vào Chế Lan Viên rất đúng. Ông nổi tiếng bằng sự xuất hiện như một bất ngờ, đột biến trong cả ba giai đoạn. Từ buổi đầu có mặt "như một niềm kinh dị" (Hoài Thanh) đến giữa giai đoạn được đánh giá là một trong hai nhà thơ trữ tình chính trị (cùng với Tố Hữu) vào loại tiêu biểu nhất của nền văn học mới. Giai đọan thứ 3, giai đoạn cuối đời lại tụ kết "hóa nên trầm" trong thể tứ tuyệt.

Đấy là nhìn bao quát và chia cắt theo lối cơ học. Còn trong thực tế có trên bốn mươi năm đắm mình trong sáng tạo, ông ưu tiên đáng kể cho tứ tuyệt bằng tâm huyết và trí tuệ tài hoa của mình. Theo thống kê của PGS. TS Hồ Thế Hà, chỉ tính trong các tập: Ánh sáng và phù sa (36/69 bài), Đối thoại mới (45/68 bài) Hái theo mùa (44/76 bài), Hoa trên đá (32/86 bài) Ta gửi cho mình (17/39 bài)...Những con số biết nói trên chứng minh điều tâm đắc, kỳ duyên của nhà thơ họ Chế đối với thể tứ tuyệt.

Có lẽ từ trong trăn trở lột xác, tìm đường cho thơ tứ tuyệt, Chế Lan Viên đã mách bảo cái bí quyết làm nên thể thơ này. Theo ông, tứ tuyệt không chỉ là thơ 4 câu mà phải có cái "thế võ" của nó. Đấy chẳng phải gì khác ngoài cái tứ - một đặc điểm trường tồn của sáng tạo thơ. Có điều, "cái tứ trong tứ tuyệt phải nén chặt và bật ra tức thời như nguyên tắc sức bật của lò xo: Độ nén càng cao sức bật càng lớn, càng đẩy vấn đề trong thơ đi xa hơn" (Hoài Anh).

Lại nữa, có tứ nhưng phải có sự bồi đắp của tình cảm, không có chất men tình cảm không thơ được. Ở tứ tuyệt, chất men ấy thấm thật sâu vào trong suy nghĩ mới khởi động ra thơ. Sở dĩ chất trí tuệ trong tứ tuyệt của ông không khô khan nhờ ở cách của những chú "Ong triết học":


Những chú ong triết học

Không biết say hoa người

Làm nên mật đạo đức

Chả hút gì ở môi


(Ong triết học)


Tứ tuyệt Chế Lan Viên là một cái nhìn đa diện về thế giới và con người trong lối khắc phục hạn chế về hình thức nhỏ của thể loại bằng cách "mở rộng hiện thực bằng đề tài, sự chiếm lĩnh chiều sâu hiện thực bằng cách tăng tính triết lý khái quát ở chủ đề và sự thể hiện con người nhiều chiều". Nói khắc phục hạn chế hình thức là so với các thể thơ dài. Còn bản thân tứ tuyệt không thể không thay đổi, điều mà ông quan niệm "Nội dung phải đâu muôn đời vẫn thế. Thay hình thức của thuyền đi, sẽ hiểu bể thôi mà !", nhưng cũng nên thận trọng, vì "Tự do quá cũng giết chết thơ như gò bó" (Nghĩ về thơ).

Có người sẽ bảo: Nước một đại dương không thể đựng trong một cái chén. Quả thực, cái cách thức thơ muốn đạt đến là "đo" chứ không phải "đựng": "Cái tội của muôn đời thi sĩ. Đem hồn đo cho trời bể thêm sâu" (Đo). Vì lẽ đó, hình thức tứ tuyệt đã được hiện đại hóa rất nhiều. Cái tài của tác giả Điêu tàn là phá vỡ cấu trúc tứ tuyệt cổ điển để tái thiết nên tứ tuyệt mới nhưng không những không làm giảm giá trị mà còn tăng cường sức mạnh và sự đa dạng hình thức thể hiện: Từ tiết tấu, vần điệu (có khi bỏ vần) đến việc huy động tối đa các phương thức tu từ, tạo đà, tạo thế cho tứ tuyệt phát triển. Có thể nói, thế giới qua cái nhìn của Chế Lan Viên bỗng trở nên lung linh sinh động. Tả một vầng trăng đẹp trong tự nhiên, thiên nhiên không giàu trí tưởng tượng, sáng tạo nghệ thuật sẽ không gieo được ấn tượng mạnh như thế này:


Giữa hai cây, lại đôi mắt em nhìn

Anh đến suối, mặt em cười dưới suối

Lòng anh chạy cho lòng em theo đuổi

Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng em

(Trăng)


Từ tứ tuyệt và bằng tứ tuyệt, bài học kinh nghiệm quý giá không riêng cho một ai quan tâm đến sáng tác và tiếp nhận được Chế Lan Viên tượng hình trong một cấu trúc thơ độc đáo:


Những lá thơm hái lúc về già

Hái những lá có hương tư tưởng

Khi cây đã hóa trầm trong ruột

Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa

(Nội dung và hình thức)


Có người cho rằng, "nếu triết học và tôn giáo hỏi tồn tại là gì, thì thi ca cho ta một trải nghiệm về tồn tại". Với tứ tuyệt, đấy là sự trải nghiệm trong một khoảnh khắc của tồn tại, vì thế thơ tứ tuyệt thích hợp với giọng triết lý, cảm hứng triết lý. Khảo sát các tập thơ tiêu biểu của Chế Lan Viên, số lượng thơ tứ tuyệt chiếm tỉ lệ không nhỏ (xấp xỉ 50%). Đủ thấy, thơ tứ tuyệt luôn thường trực trong cảm hứng sáng tạo mãnh liệt của ông, " người bắn pháo hoa trí tuệ" ở thể này. Có thể nói không quá rằng, một mình Chế Lan Viên đã dựng nên một đài tháp riêng về thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại đậm phong cách tác giả. Ngẫm ra, hầu như ông khai thác và phát huy khá đầy đủ những đặc điểm nội dung và nghệ thuật thơ tứ tuyệt Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.


VÕ VĂN LUYẾN




Nhà thơ Võ Văn Luyến (thứ ba từ trái sang) chụp chung với toàn thể hội viên CLB Thơ Cam Lộ
READ MORE - VÕ VĂN LUYẾN - CHẾ LAN VIÊN: " NGƯỜI BẮN PHÁO HOA TRÍ TUỆ" Ở THỂ TỨ TUYỆT

PHẠM HÒA VIỆT - THƠ VÀ ĐƯỜNG BAY NGHỆ THUẬT




Thơ là một bộ môn văn học - nghệ thuật hoàn hảo nhất bao gồm những khía cạnh thẩm mỹ: nhạc, họa, điêu khắc và ẩn chứa cả thời tính, sử tính…

Hiện hữu trên một bình diện ưu việt, ngôn ngữ thơ ẩn tàng một chiều cao, sâu, rộng, tác động thăm thẳm vào hồn người những tình cảm dạt dào, dẫn dắt trí tưởng tượng ta bay cao và kích thích hành động vươn tới của con người ở một mức độ tinh vi nào đó…

Thơ, nói theo một nghĩa nào đó, chưa hẳn là đời sống của tác giả nhưng bắt nguồn từ cuộc sống, mà cuộc sống lại chuyển động trong một vận hành toàn bộ vũ trụ thiên nhiên cũng như vũ trụ con người. Do đó, dù muốn ruồng bỏ hoặc khinh rẻ đời sống đi nữa thì thời tính và sử tính vẫn hiện hữu trong thơ, trong những đường bay nghệ thuật một cách khá trọn vẹn …

Trái với nghệ thuật tạo hình, trí tưởng tượng sáng tạo nên thơ khi hoạt động không cho thấy hẳn sự vật dưới hình dạng vẫn có ở bên ngoài - dù sự vật đó đã được nghệ thuật khoác thêm một lớp áo - mà chỉ cho ta thấy nhận thức bằng một trực giác và một nội cảm thuần túy. Nó phản ánh…, nhưng không phải vẽ lại lập khuôn , mà chủ quan của nhà thơ là yếu tố hệ trọng hơn cả trong hoạt động sáng tác của mình, dù ở những tác phẩm thể hiện mức phản ánh có tính chất cụ thể nhất.

Sự sắp đặt thành một bài thơ phần lớn bao gồm cả hành động được nhận thức và suy tính của tác giả với hình ảnh bên ngoài được nhà thơ cụ thể hoá. Goethe khẳng định : “Thơ nào chỉ biểu lộ được những thực trạng nội tâm mà không cụ thể hoá bằng những vật ngoại giới, hoặc nếu không cho thấy được những vật cụ thể qua tính chất nội hàm của ý tưởng thì cả hai trường hợp đều xuống mức thấp nhất để rơi ngay vào thực tế tầm thường” . Chính thế, nhà thơ chẳng những là con người của sự đẹp (Les hommes du beau) mà còn là con người của sự thật (les hommes du vrai) , sự thật có thể chưa từng ai khám phá ra , thậm chí là sự ngạc nhiên hay bất ngờ …

Nhưng đâu là mảnh đất của thơ, đâu là đường bay của thơ ?

Mảnh đất cho thơ cư ngụ không phải là những mộng mơ ảo tưởng siêu hình mà chính là cái thực tế thiêng liêng. Thơ chắp cánh bay cao từ trong đó . Thơ ở khắp mọi nơi trên cõi đời này nhất là trên mảnh đất ta đang sống. Thơ xuất hiện dần trên mỗi bước ta đi nếu trong mỗi bước đi đó nhà thơ có ý thức khám phá. Nhưng cái tài của người làm thơ ở chỗ không phải sao chép thực tế – thực tế chỉ khơi mào gợi ý – mà làm sao tạo được một toàn thể đẹp , sống động. Goethe nói một cách chí lý: “Muốn trở thành nhà thơ hay, họa sĩ giỏi phải có thiên tài, một sự không thể thiếu được”.

Chúng ta có thể khẳng định một điều: Làm nghệ thuật không thể bao giờ cũng có nghệ thuật ( art và antiart ); thơ không phải bao giờ cũng xuất hiện dạt dào trên từng mảnh đất nào đó. Chính sự chọn lọc và nguồn cảm hứng của nhà thơ là điều hệ trọng . Không phải nguồn cảm hứng ở đâu và lúc nào cũng như nhau mà tùy theo tác động và sự nhìn nhận vươn tới của cuộc sống trước mắt nhà thơ đối với nhà thơ. Với thời gian, tác động đó có thể là qúa khứ hoặc hiện tại nhưng phải là tác động có thực, rõ hơn, đó là sự gắn bó mật thiết giữa nhà thơ và cuộc sống. Cũng với thời gian, mức thể hiện và yêu cầu của một bài thơ từng lúc khác nhau. Cùng với một đề tài chiến tranh, trong chiến tranh “ ta nhìn kẻ thù rất rõ ” (*) với những sự “ mất mát”(*) thì tình yêu trong thơ chính là sự chất chứa hận thù; sau chiến tranh, khi “đất thôi chảy na-pan” (*)thì tình yêu trong thơ chính là những lo toan và xây dựng với những niềm vui mới “và công việc bộn bề”(*) . Không phải chiến tranh qua rồi , nhà thơ chỉ biết miên tưởng về qúa khứ, bằng lòng với hiện tại mà quên đi “kẻ địch lẫn trong ta mang cả dáng thiên thần” (*)

Giá trị đích thực của một bài thơ chính là đường bay của thơ rực cháy ngọn lửa lòng và trí tụê của tác giả trước hiện thực cuộc sống, không giới hạn bởi không gian, với nét độc đáo của mức thể hiện nghệ thuật trong tác phẩm. Không có gì mâu thuẫn giữa giới hạn và vô hạn của không gian. Nhịp sống mới trong xí nghiệp, trong nông trường, công trường... ở một địa phương có thể hòa trong nhịp sống mới trên đất nước, thì mức thể hiện riêng nầy trong một bài thơ cũng có thể là mức thể hiện chung toàn vẹn.

Đọc bài “Em ơi…Balan…” của Tố Hữu, trước hết ta liên tưởng đến xứ sở Balan với những bông tuyết trắng xóa bám đầy thân bạch dương, những đôi ủng đỏ của các chiến sĩ vệ quốc quân đang đi trên tuyết và trước mắt ta bỗng hiện ra cả những vùng trời quê hương yêu dấu. “Em ơi..Balan mùa tuyết tan…”, âm tỏa tràn, ta đang liên tưởng đến cảnh giao thoa giữa hai mùa . “Balan…tuyết tan…”gieo vần bằng trong cùng một câu đã tạo ra tiếng nhạc; nhạc của Chopin đầy tình cảm thắm đượm đang được cất lên. Trái tim chứa chan bao nỗi cảm xúc không thể vùi tan trong tuyết Pháp , không thể bị nát tan giữa bàn tay tàn bạo của phát xít Đức. Trái tim Chopin được đặt nguyên vẹn trong nhà thờ khi Balan được giải phóng. Trái tim huyền bí đang được các cô gái Balan nâng niu, đang sống lại từng điệu đàn khúc ca. Chopin đang đi khắp thế giới, phá mọi thành trì để góp tiếng nói nhân đạo với loài người.

Không phải cố ý đem những hình ảnh của quê hương Việt Nam ra so sánh, nhưng biết làm sao hơn ! Bài thơ đã khơi dậy trong ta một mạch sống, hiện ra trước mắt ta những sắc trời xuân, hạ, thu, đông, những anh giải phóng quân, những chẽn lúa vàng… Đó chính là sự xúc động liên tưởng, đó chính là nhịp cầu giao cảm; thời tính và sử tính rõ nét trong thơ.

Thơ – một chỉnh thể – bao giờ cũng thể hiện niềm khát vọng và không bao giờ thỏa mãn với chính sự hiện hữu của mình. Bởi hướng vọng đi lên là ý đồ cuối cùng của nhà thơ trong việc tạo ra tác phẩm mới.

Trong thư gửi cho E.A.Tsermuskina ngày 9-8-1912, Korôlencô có viết: “… ở đó lại sẽ bắt đầu một trạm đường mới. Cuộc sống chính là sự khát vọng thường xuyên, sự thành đạt và lại khát vọng mới”. Đó cũng là khát vọng của người làm thơ ?

Thơ. Thơ…, nó vẫn hiện hữu thường xuyên, hiện hữu trong đường bay nghệ thuật, tại sao ta lại khó kiếm tìm nó ?

Phải chăng , ở bình diện nào đó ta có thể thờ ơ, bắt gặp nó như sự thể hiện của một tính cách, của một ánh sáng, của một sự sắp xếp chữ nghĩa …; nhưng ở bình diện cao hơn, nó có thể vượt ra ngoài phạm vi đó để hòa đồng với cái toàn thể, đòi hỏi ở ta một công phu rèn luyện kiếm tìm ?

P.H.V.

READ MORE - PHẠM HÒA VIỆT - THƠ VÀ ĐƯỜNG BAY NGHỆ THUẬT

TỪ DẠ THẢO - CHÙM THƠ




THƠ NGÀY CUỐI ĐÔNG


Rồi như chiếc lá cuối đông
Thả đường bay trọn một vòng nhân sinh
Thưa rằng dạo ấy mùa xuân
Có con chim hót tưng bừng suối khe
Rễ ngầm đan những tái tê
Đất sâu thả hết bùa mê lên trời

Lá xanh hoa thắm tươi cười
Yêu thương là chín là mười phụ nhau
Thì xin cứ nõn nà lâu
Để cho dải yếm bắc cầu tìm sang

Mùa thu chớm độ hoa vàng
Ai đi như thể bóng hoàng hạc bay
Cầu dải yếm ngã mà đau
Đau từ buổi dưới đất sâu lên trời

Rồi như tàn hết cuộc chơi
Vòng quay chiếc lá giữa trời cuối đông.







LỜI CHIA TAY MÙA XUÂN


Anh gửi lại nụ hôn ngủ vùi trong cỏ
Em khuất xa rồi buổi ấy giêng hai
Chỉ còn lại thoáng tầm xuân muộn nở
Biếc thắt lòng câu hát dỗi hờn ai

Chia tay nhé mùa xuân không nói trước
Cuối con đường mùa hạ đứng trầm tư
Phượng đốt lửa trong mắt người day dứt
Ve giăng buồn giăng kín mảnh tình xưa

Chia tay nhé mùa xuân không hẹn ước
Ta - gã si tình xuôi ngược thời gian
Tóc chấm bạc mới hay mình đánh mất
Dấu thiên đường chỉ còn lại tro than

Bao nhiêu nắng cũng không vừa buốt giá
Mùa hạ ơi thương nhớ đến khôn cùng
Bao nhiêu gió để ta về hóa đá
Ngẩn ngơ nhìn hoa rụng tím triền sông...

Không quên được nhưng làm sao nỡ trách
Phút giao mùa òa nghẹn tiếng chia ly
Như ánh chớp ngang trời chưa kịp hỏi
Đã em về đưa tiễn bước xuân đi

Vời vợi thế làm sao anh giấu hết
Những vui buồn bất chợt hóa mồ côi
Dịu ngọt đấy bây giờ thành cay nghiệt
Hóa sắc trời mùa hạ cháy không nguôi...





ĐIỆP KHÚC THÁNG SÁU


Tháng sáu mang trên vai những cành phượng đỏ. Những con đường và những cơn mưa. Vòm trời xanh mắt em bỏ ngỏ. Cứ trống hoài một khoảng không anh. Tháng sáu xa vời tháng sáu mỏng manh. Chợt nhớ chợt quên điều mình chưa nói. Xin đừng trách chuyến tàu đi vội. Trái buồn se thắt từ lâu.

Tháng sáu vo tròn ném xuống hồ sâu. Ném vào lòng ta từng viên sỏi nhỏ. Con thuyền lá khô không nơi nương tựa. Em đừng lầm với mảnh trăng non. Tháng sáu chạnh lòng những vết môi hôn. Em thôi qua cầu gió thôi bay áo. Nhói xót lòng mình thời thơ dại. Trót để tình yêu thành ảo niệm trong đời.

Tháng sáu trầm tư tháng sáu chơi vơi. Cành phượng cháy lòng vòm xanh hút mắt. Dẫu thương nhớ em làm sao khóc được. Giọt nước mắt này cũng của xa xưa. Tháng sáu trời nắng tháng sáu trời mưa. Em giữ riêng em khoảng trời màu tím. Anh có trở về bước chân xin tìm đến.

Có một khoảng trời tháng sáu của riêng anh....



CHO EM VÀO HẠ

Hình như bên kia là mùa thu
Ngàn lá rụng mang theo lời tiễn biệt
Nơi ký ức hóa vầng trăng đẫm ướt
Con dế buồn rũ cỏ hát tình ca

Bên kia là năm tháng đi qua
Còn gặp lại cũng vô tình ánh mắt
Bông hồng ấy cuối chân trời tít tắp
Dẫu muộn phiện từng cánh mỏng manh rơi

Bên kia là còn lại mình tôi
Mùa hạ và em xa vời ảo ảnh
Hoa cúc cháy trong nỗi niềm đa cảm
Thuở yêu em trong trắng vô ngần

Bên kia là còn lại dòng sông
Cánh buồn anh nửa đời đi không hết
Em xa quá, mùa thu thì chẳng biết
Có người úp mặt khóc hoàng hôn

Lẽ nào em không nhớ, lẽ nào quên
Giọt nước mắt đã tan thành hoài niệm
Thành muối mặn thành vô tư sóng biển
Để vơi đầy cùng năm tháng vì nhau

Bên kia là còn lại nỗi đau
Khao khát ấy của một trời hoa phượng
Lẽ nào em, lẽ nào tôi hoang tưởng
Lá vàng thu tiếc nối giữa tay người

Bên kia là day dứt khôn nguôi
Đồng vọng mãi lời chia tay thầm lặng
Phải mùa hạ dâng hết mình cho nắng
Nên mùa thu chớm lạnh đã se long

Thì đừng buồn bốn phía mưa giăng
Bong bóng vỡ theo về nguồn cội
Ngắt cánh phù dung ngồi đếm tuổi
Thấy trong hư vô khuôn mặt của mình
.
Thì ta quay về tìm lại dòng sông
Tìm lại xác thân phiêu bồng một thuở
Để thấp thoáng em hiện về đâu đó
Mùa hạ ấy xa như có thật trong đời.


READ MORE - TỪ DẠ THẢO - CHÙM THƠ