Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 20, 2012

Trần Kiêm Đoàn – CHIỀU THANKSGIVING NGHĨ ĐẾN CUỘC TÌNH CỜ

Bên ngoài một trại Giáo dục Thiếu  niên ở Sacramento


- Tên họ cháu là gì?

- Tony Nguyễn.

- Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ?

- Không, tôi là người Mỹ (American).

- Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi. Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo...

- Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.

- Không thể được. Theo luật pháp, cháu không có quyền chọn lựa mà phải xác nhận mình là người Mỹ gốc Việt.

- Tôi không quan tâm luật pháp gọi tôi là giống dân gì. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ. Chấm hết!

Thằng bé 16 tuổi, nhưng trông tướng mạo già dặn như trên 20 tuổi. Nó nói tiếng Anh, không hề chêm một âm lai Việt, ngay cả khi nói đến họ Nguyễn của mình, nó cũng phát âm “Uyn” theo kiểu người Mỹ phát âm chữ “win”. Nó có vẻ hoàn toàn dị ứng với hết thảy những gì liên quan đến Việt Nam.

Suốt 18 năm làm việc cho chương trình “CPS” (Children’s Protective Services: Bảo Vệ Thiếu Niên) với nhiệm vụ điều tra cho tòa án về hành động phạm pháp ngược đãi con em của cha mẹ hay người nuôi dưỡng – theo luật pháp Mỹ – đây là lần đầu tôi gặp một thiếu niên Việt Nam cứng đầu và bất chấp đến như thế. Theo hồ sơ tòa án mà tôi được phân công điều tra và giải quyết, Tony Nguyễn là một thiếu niên “nạn nhân” của trường hợp bị cha mẹ “hành hạ, ngược đãi”. Đây là một gia đình Việt Nam định cư tại Mỹ đã trên hai mươi năm. Chỉ có Tony sinh tại Mỹ và là con con út trong một gia đình có 5 anh chị em, bốn người con lớn đều thành đạt. Tony muốn tự do cá nhân theo kiểu Mỹ; trong lúc cha mẹ lại muốn giáo dục con cái theo truyền thống Việt Nam bằng cách dùng những biện pháp nghiêm khắc “truyền thống” như la mắng thậm tệ, cấm cản khắt khe, yêu cho roi cho vọt... Sự xung đột văn hóa âm thầm nhưng mãnh liệt đã tạo ra những ngăn cách thế hệ và những khủng hoảng tâm lý. Lăng kính tiêu cực và chối bỏ mỗi ngày một đậm khi nhìn nhau. Cha mẹ kết tội con là “đồ Mỹ hóa”. Trong lúc con cái phản ứng lại, xem cha mẹ như “lỗi thời, còn quá Việt Nam”. Tình cảm kết tụ bằng hiểu nhau và chia sẻ sẽ thành linh động và yêu thương. Cảm xúc chồng chất bằng khước từ và bảo thủ sẽ thành đóng băng và xung đột. Đang giữa năm học lớp mười, Tony bỏ nhà ra đi, gia nhập băng đảng “Asian Blood” và bị bắt khi đang xung trận đấu đá, thanh toán nhau với các băng đảng khác.

Tony bị đưa vào nhà tù thiếu nhi, đợi tòa án thiếu nhi điều tra và chờ ngày xử án.

Theo thủ tục cơ bản, tôi phải tiếp xúc với cả hai phía nạn nhân và can phạm. Thông thường trong một hồ sơ “trẻ em bị ngược đãi” thì cha mẹ hay người nuôi dưỡng là can phạm và đứa trẻ bị hành hạ là nạn nhân. Nhưng trong hồ sơ nầy, Tony vừa là nạn nhân vì bị cha mẹ ngược đãi trong gia đình, vừa là can phạm vì theo băng đảng gây bạo động ngoài xã hội.

Lần đầu tiếp xúc với Tony trong văn phòng phỏng vấn, tôi không ngạc nhiên vì chẳng lạ gì với tính cách thường làm ra vẻ “hảo hớn” của thiếu niên Mỹ vì biết rằng luật pháp xứ nầy bảo vệ thanh thiếu niên quá mức cần thiết. Điều làm tôi băn khoăn là thái độ quay lưng chối bỏ quyết liệt nguồn cội của mình. Với tâm trạng đó, hôm sau tôi đến nhà gặp cha mẹ của Tony. Ông bà Nguyễn ở độ tuổi ngoài năm mươi. Gia đình trên mức trung lưu với nhà cửa khang trang và công việc làm ăn ổn định. Nói về trường hợp cậu con út Tony, ông Nguyễn phản ứng đầy giận dữ. Ông chỉ vào bốn khung ảnh lồng bằng cấp bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư của bốn người con lớn treo ở phòng khách như một bảo chứng điển hình cho khả năng làm cha mẹ đúng đắn của ông bà. Trong lúc bà Nguyễn khóc rấm rức, than thở nhớ thằng con út “đứt ruột đứt gan”!

Nhu cầu công việc và nguyên tắc thu thập dữ kiện không cho phép tôi đi xa hơn những vấn đề cần biết mà chỉ xoáy vào trọng tâm về cách dạy con trong gia đình ông bà Nguyễn có hay không những điều sai trái trên căn bản luật pháp Hoa Kỳ. Ông Nguyễn vẫn khăng khăng cho rằng, cách dạy con “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” áp dụng với đứa con út “Mỹ con” của ông là đúng. Theo ông, nếu cách dạy con của ông sai thì tại sao các con lớn của ông đều thành tài, ra trường là bác sĩ, kỹ sư. Vì không ở trong vị thế tham vấn, nên tôi chỉ ghi nhận lời xác định của ông đối với Tony để cho tòa án xét xử và phán quyết.

Những lần sau gặp và nói chuyện với Tony, tôi biết thêm những điều thú vị rằng, cậu bé nói được tiếng Việt kha khá và thích nhạc Việt vì được bà ngoại chăm sóc và nuôi lớn suốt thời hoa niên trong khi cha mẹ suốt ngày bận bịu với công việc làm ăn. Những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai của những gia đình di dân trên đất Mỹ thường nhìn về quê hương nguồn cội của mình qua hình ảnh cha mẹ. Ông Nguyễn đóng vai trò then chốt trong gia đình là “bóng dáng quê hương” trước mắt đứa con gốc Việt sinh ra trên đất Mỹ. Bởi vậy, khi ông Nguyễn trở thành “kẻ ngược đãi” trước mắt Tony thì phản ứng chống đối và tâm lý chối bỏ người cha đã lan tỏa làm mờ mịt cội nguồn.

Chuyện tòa án, luật pháp, nguyên tắc... là những quy ước xã hội. Nhưng bên cạnh trách nhiệm hành xử một vụ việc theo quy ước như những chuyên viên đồng sự người Mỹ, tình cảm Việt Nam vẫn thường xuyên cựa quậy trong tôi. Tâm hồn người cha Việt Nam nửa đời đất khách và đứa con sinh ra ở Mỹ đều được tưới tẩm trong mỗi nền văn hóa Đông Tây. Muốn chung sống hòa hợp cần mở lòng chấp nhận sự khác biệt của nhau. Tôi đã đem điều tâm cảm nầy làm phương tiện hóa giải sự xung đột giữa ông Nguyễn và Tony.

Lễ Tạ Ân – Thanksgiving, với bốn ngày nghỉ liên tục –  là thời điểm mang ý nghĩa sum họp, đoàn tụ gia đình thiêng liêng nhất trong năm đối với người Mỹ. Trường hợp gia đình ông Nguyễn đã được giải quyết. Ông bà Nguyễn bị phạt theo luật định về tội “ngược đãi” con cái. Tony bị đưa vào trại Giáo dục Thiếu niên (Boys Ranch). Hồ sơ tạm đóng trong hệ thống công quyền Mỹ nhưng vẫn còn mở trong lòng tôi, tấm lòng của một người Việt Nam sống xa quê hương nhưng không xa tình tự dân tộc.Tôi đã chọn thời điểm nầy làm chiếc cầu nối giữa hai cha con ông Nguyễn.

Chiều Thanksgiving trời lạnh và mưa phùn lất phất, tôi lái xe chở bà ngoại của Tony đến Boys Ranch cách Sacramento chừng 50 cây số. Khu trại nằm lặng lẽ trong mưa ẩn sau rừng sồi già cỗi. Toàn cảnh vắng vẻ vì hầu hết các thiếu niên trại viên đã được gia đình bảo lãnh về nhà ăn lễ Tạ Ân. Người quản đốc trại, cũng là bạn quen lâu ngày trong công việc, đưa chúng tôi vào khu nhà ngủ của trại viên. Cuối hành lang xa hun hút là phòng của Tony. Tiếng nhạc Việt “Xuân nầy con không về” vẳng ra từ căn phòng nhỏ nghe như âm hưởng lạc loài từ một không gian quá khứ. Từ bên ngoài khung cửa nhìn vào, hình ảnh Tony ngồi gục đầu trên chiếc bàn nhỏ cạnh cái Ipod đang phát ra lời hát Việt làm tôi nao nao. Từ phía sau, bỗng vang lên tiếng kêu thảng thốt đầy xót xa và thương cảm của bà ngoại lâu ngày không gặp cháu:

- Tony, con ơi! Ngoại đây nì!

Thằng bé ngạc nhiên đứng lên, quay đầu ra và bắt gặp ngay bà ngoại đang dang tay ùa tới ôm cháu. Tiếng kêu mừng rỡ và cảm xúc không còn khoảng trống cho một sự đắn đo ngăn trở. Tên du đảng hè phố Mỹ chợt hiện nguyên hình là đứa bé Việt Nam cả một thời thơ ấu được thấm đẫm tình yêu gia đình trong tiếng ru của bà ngoại. Nước mắt lưng tròng, nó thốt lên bằng tín hiệu trái tim:

- Ngoại!

Người quản đốc và tôi lãng ra ngoài phòng tiếp tân.

Theo sự dàn xếp trước với ông bà Nguyễn và gia đình, tôi bảo lãnh cho Tony về nhà năm ngày trong dịp lễ Tạ Ân. Khi chiếc xe rẽ vào sân trước vừa dừng lại, ông bà Nguyễn và cả gia đình ùa ra ôm chầm Tony. Trong phòng khách sáng lên với hoa đèn có đủ mặt gia đình, ông Nguyễn ôm vai Tony, với một chút khó khăn nhưng đầy thương yêu và quyết đoán, ông nói như chưa từng nói với con mình trong quá khứ:

- Ba xin lỗi con. Ba mẹ và cả nhà ai cũng thương con hết, con biết không?

Thằng bé cúi đầu, nói tiếng Việt như lần đầu biết nói:

- Dạ. Con xin lỗi ba mẹ...

Khi tôi khéo léo kiếu từ để trả lại không khí đầm ấm đoàn tụ của gia đình, Tony ngập ngừng, nói với:

- Bác ơi! Bác xin cho con về nhà. Con muốn đi học lại.

 Môi trường xã hội như phương Tây, cha mẹ dạy con theo cách của mình như ông bà Nguyễn, hệ thống bảo vệ và giáo dục thanh thiếu niên như Hoa Kỳ là hình ảnh một “dĩa xà lách văn hóa” nhìn thì đẹp nhưng chưa chắc đã là ngon hay có khi khó nuốt nếu không cùng khẩu vị. Tony cũng như hàng vạn những người trẻ tuổi Việt Nam lớn lên nơi xứ người, mỗi ngày một xa lạ dần với nguồn cội. Đã có người ví người Việt tha hương cũng mang tâm sự của đàn cá Hồi, cứ năm năm theo sự luân chuyển của suối nguồn tự tại, bản năng tự nhiên lại thôi thúc quay về nguồn cội. Thác ghềnh, gió to, sóng dữ và những gian nguy sinh tử chờ chực khắp nơi trên đường về không ngăn được động lực sinh tồn vô hình vươn dậy.

Mùa Thanksgiving nơi xứ người, nghĩ về quê hương nguồn cội, mình lại lẩn thẩn tự hỏi mình đã ở đâu từ bốn nghìn năm trước và sẽ về đâu qua bốn nghìn năm sau. Dẫu là hư vô hay luân hồi chuyển hóa, lẽ đâu sự có mặt hôm nay lại chỉ là một cuộc tình cờ.

                                 Sacramento, mùa Thanksgiving 2012 
                                                                        Trần Kiêm Đoàn
trankiemdoan@yahoo.com

READ MORE - Trần Kiêm Đoàn – CHIỀU THANKSGIVING NGHĨ ĐẾN CUỘC TÌNH CỜ

NHỚ VỀ NGƯỜI THẦY XƯA - Nguyễn Văn Trị

Tác giả NGUYỄN VĂN TRỊ và phu nhân



Đó là thầy Trần Ngọc Cư, giáo sư dạy tiếng Anh của lớp 10 & 11C trong hai năm cuối cùng chúng tôi học tại trường trung học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị.


Thầy TRẦN NGỌC CƯ
Đã mấy mươi năm từ giã mái trường xưa, cuộc đời lắm biến động đổi thay, ký ức về thời cắp sách đến trường hao mòn theo thời gian, nhưng tôi vẫn nhớ rõ về Thầy trong cách nhớ rất “riêng tư” của mình.

Thầy từ Huế ra Quảng Trị đem theo cung cách dạy sinh ngữ rất sống động và nhân sinh quan rất mới lạ đến với chúng tôi, những đứa học sinh Ban C, thường ra vẻ tự hào khi mang vào lớp những cuốn sách Triết hoặc tiểu thuyết của những nhà văn có tên tuổi.

Thầy Trần Ngọc Cư  khi ra dạy trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị tuổi rất còn trẻ, nhưng tư duy chính trị thì rất “già”. Thầy là tuýp người không khuất phục trước cái bất công, độc tài. Tính Thầy bộc trực, không biết lấy lòng ai nên khi nói chuyện có thể làm cho người nghe phật lòng, nụ cười nhếch mép như pha lẫn chút khinh bạc thói rỡm đời  hay diễu cợt một thứ gì đó. Thầy thích nghe đài BBC, VOA, và có thể cả đài “Tiếng nói Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” nên thường chỉ thêm cho chúng tôi những thuật ngữ kinh tế, chính trị báo chí tiếng Anh thời đó hay sử dụng. Nhờ vậy vốn liếng tiếng Anh thời trung học vẫn theo tôi và một số bạn cho đến tận bây giờ. Tôi vẫn còn nhớ như in các từ tiếng Anh như: Phái Bộ Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên (The Four-Party Joint Military Commission), Lập Trường Bốn Không của Nguyễn Văn Thiệu (The Four-No Stand), Luật Người Cày Có Ruộng (The Land to the Titlers Law) . . . và còn những tiếng lóng các chính trị gia người Mỹ thường gọi dân tộc chậm tiến họ coi khinh là The two-leg animals (động vật 2 chân) . . .

Thầy là người đã dạy cho tôi cách học tiếng Anh bài bản nhất: Làm quen và viết theo các mẫu câu, học không chỉ một từ đơn mà tìm hiểu thêm các từ liên quan (family words), trích các câu danh ngôn, lời phát biểu hay của các nhân vật nổi tiếng như Nehru, Lincoln, Luther King . . . đã giúp vốn liếng từ vựng của tôi ngày càng thêm phong phú.

Cái dáng đi nghiêng nghiêng, cái nhún vai khinh mạn thế sự, tiếng Anh chuẩn mực, kho từ vựng chính trị cuả Thầy luôn được cập nhật, ngôn ngữ Thầy dùng với học trò :  “tôi và các em”, luôn là những đặc điểm khi  nhớ về Thầy. Cũng như tôi,  các bạn cùng lớp cũng có những cảm nhận giống tôi khi nói về Thầy.

Xin góp một câu chuyện liên quan đến Thầy đã xảy ra rất lâu mà tôi không bao giờ quên: 

Năm học lớp 11C, một buổi sáng mùa đông trời mưa và rét, một việc không bình thường xảy ra với tôi trước giờ Việt văn của Thầy Phạm Sửu (Thầy Sửu mất năm 1972): thầy giám thị vào lớp kiểm tra đồng phục và huy hiệu. Mùa Đông ở quê mình rất lạnh,  học sinh đi học đều mặc áo len hoặc áo khoác bên ngoài, còn áo trắng đồng phục thì mặc bên trong. Hôm ấy có một anh bạn cùng lớp không mặc áo trắng và bên ngoài lại choàng một chiếc áo khoác nhà binh cũ. Anh bị thầy giám thị phát hiện và đuổi ra khỏi lớp. Tôi vốn được biết anh này là lính xây dựng nông thôn giải ngũ về, gia đình nghèo, từ quê lên tỉnh học. Tôi thấy nhẫn tâm về cách kỷ luật này nên buộc miệng nói: “Lối giáo dục phi giáo dục” khi thầy giám thị đi qua chỗ tôi. Nghe được câu này, thầy ấy quay lại hỏi: “Đứa nào vừa nói?”, và sau đó thì tôi bị một cái thước mộc quất vào người . . . Hậu quả là trong giờ Việt văn tôi nhận giấy cấm túc đuổi học mấy hôm . . . Giờ tiếp theo là của Thầy Cư. Khi nghe các bạn kể về chuyện xảy ra, Thầy đã phát biểu một câu mà đến giờ tôi không thể nào quên. “Giờ của thầy cô nào thì tôi không biết, nhưng giờ của tôi, bảo em ấy cứ vào học”.

Tưởng đâu sẽ được học với Thầy hết năm 11,  nhưng thế sự đã xoay vần và thầy trò chúng tôi mỗi người lưu lạc một phương trời.

Sau 32 năm (1972-2004) thầy trò có cơ duyên hội ngộ. Buổi tương phùng sao bồi hồi và cảm động quá. Món quà của cuộc sống dành cho tất cả chúng ta đấy các bạn ạ! Học trò của Thầy ngày xưa có người đã có cháu nội, ngoại, thậm chí có bạn trông còn già hơn Thầy. Nhưng có sá gì chút dấu ấn của thời gian khi ngộ ra rằng “thời gian kia là vị khách đi qua muôn đời” (Quang âm giả bách đại chi quá khách). Cái quan trọng nhất là tình cảm của thầy trò chúng ta, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, vẫn luôn mãi ấm như là ngày xưa.

Trong mắt em Thầy là một người có tài năng (sau 1973 Thầy được học bổng Fullbright qua Mỹ học và định cư luôn), thời trẻ nuôi  hoài bão và l‎‎ý tưởng về một tương lai sáng lạn cho đất nước Việt Nam. Về già Thầy sống đời lặng lẽ bình dị, thỉnh thoảng làm thơ, dịch sách báo như là thú vui tao nhã.

 Em nghĩ đến Thầy với sự quý mến và lòng biết ơn vì Thầy đã truyền cho em hứng thú học tiếng Anh. Nhờ học với thầy nên em biết cách tự học khi không đến trường và thời VN mở cửa đã sử dụng ngoại ngữ này để tìm cho mình một vị trí trong xã hội. Học trò của Thầy không làm vương làm tướng gì, nhưng tất cả đều làm Người Chân Chính.

Mong Thầy mãi an nhiên tự tại và sức khỏe dồi dào.


NGUYỄN VĂN TRỊ
nvtri1955@yahoo.com

READ MORE - NHỚ VỀ NGƯỜI THẦY XƯA - Nguyễn Văn Trị

DẤU ẤN KHÓ PHAI - Nguyễn Ngọc Luật

Tác giả NGUYỄN NGỌC LUẬT


        Năm 1970 tôi bước chân vào lớp 10C trường Nguyễn Hoàng, mặc dầu đã có bốn năm đệ nhất cấp ở trường, tức là thuộc hàng ma cũ nhưng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng và rụt rè không khác mấy với cái ngày đầu tiên bước chân vào lớp đệ thất 2 năm 1966. Bạn cũ từ lớp đệ tứ2 lên cùng lớp chỉ có một số ít, còn lại là có quá nhiều khuôn mặt mới, một số bạn từ các lớp dưới lên, một số khác từ các trường quận và trường tư mới chuyển vào. Vì tính chất đặc thù của dân ban C nên lớp tôi thật muôn màu muôn vẻ, trăm hoa đua nở.
         Quý thầy cô dạy chúng tôi hồi đó rất được học trò yêu mến vì sự tận tâm tận lực giảng dạy và sự thương yêu học trò. Những thầy cô ghi dấu ấn sâu đậm nhất lớp tôi hồi đó ngoài cô giáo chủ nhiệm dạy văn ra còn có thầy dạy Anh văn: Thầy Trần Ngọc Cư
         Bốn mươi năm trôi qua, giờ nhìn lại, hồi tưởng về một thời dấu yêu ngày ấy cho dù kỷ niệm có sâu đậm đến đâu cũng đã nhạt nhòa theo năm tháng, cái nhớ thì ít, cái quên thì nhiều. Nhưng nhắc đến thầy thì điều đầu tiên ai cũng cảm nhận được thầy là một thầy giáo dạy giỏi, tận tụy với nghề, ở trường thầy luôn được phân công dạy các lớp ban C và lớp tôi được học với thầy hai năm liên tục 10C và 11C tức là từ năm 1970 đến ngày tan đàn xẻ nghé năm 1972.
         Lớp 10C của chúng tôi hồi đó ở dãy E nằm gần trại MACV tựa lưng vào sân vận động có cửa sổ thật lớn, khung cửa kẻ ô vuông sơn màu xanh lục. Vì lớp học nằm sát sân vận động đã bị chiếm dụng làm bãi đáp trực thăng phục vụ chiến trường nên mỗi lần máy bay lên xuống thì việc học hành bị ngưng lại, thầy trò ngồi chịu trận bị tra tấn bỡi tiếng kêu đinh tai nhức óc của động cơ máy bay.
         Đầu năm học, thầy Kinh giám thị dẫn thầy giáo dạy Anh văn đến giới thiệu với lớp. Gần bốn mươi cặp mắt đều chăm chú nhìn thầy giáo trẻ dáng người đầm đậm, đặc biệt là mái tóc cắt ngắn để lòa xòa ngang trán như các thành viên trong ban nhạc The Beatles lừng danh và trông thầy khá giống với nhạc sĩ Jo Marcel (Em xin thầy thứ lỗi  vì sau này chúng em thường gọi thầy với nickname như thế không rỏ thầy có biết hay không!)
        Thầy làm quen với lớp bằng một tràng tiếng Anh, cả lớp ngẩn tò te trố mắt nhìn thầy, tôi cũng chỉ hiểu lỏm bỏm đại ý là thầy đang giới thiệu “thân thế và sự nghiệp” của thầy với lớp nhưng không thể dịch nguyên văn được, biết cả lớp không tiếp thu được nên thầy đành chuyển ngữ sang tiếng Việt. Thầy đã có một buổi ra mắt học trò hết sức ấn tượng như thế.
         Thầy có một phong cách dạy học rất đặc biệt, thầy khuyến khích chúng tôi đàm thoại bằng tiếng Anh trong lớp, chú trọng thực hành những câu phức tạp gồm nhiều mệnh đề và cách sử dụng thành ngữ vốn rất phong phú trong tiếng Anh. Bằng phương pháp dạy học sinh động của thầy chúng tôi tiến bộ trong việc học tiếng Anh rất nhanh, những bạn hơi yếu cũng phải nổ lực để bắt kịp chương trình. Cũng nhờ vốn liếng tiếng Anh được học rất bài bản với thầy mà sau này khi ở trong quân ngũ thời gian học ở trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị du học tôi tiếp thu bài học khá thoải mái.
         Thầy có một điểm rất khác với quý thầy cô khác là hầu hết thầy cô đều xem chúng tôi là học trò (dĩ nhiên!) nên ít ai bàn luận chính trị hay bày tỏ chính kiến với chúng tôi, nhưng thầy thì khác, trong lúc dạy học thầy hay tìm cách bày tỏ chính kiến hay quan điểm của thầy về cuộc chiến tranh đang diễn ra hết sức tàn khốc trên quê hương. Trong khi hướng dẫn thực hành đặt câu tiếng Anh thầy hay nhắc đến quân số của các bên tham chiến, số người thương vong của mỗi trận đánh, số dân thường bị chết trong lúc chiến trận xảy ra. Thường thì thầy nói đến điều đó với một thái độ đau xót cho thân phận dân tộc, quê hương đang ngày đêm bị bom cày đạn xới, nhất là những lúc đang giảng bài thì bị cắt ngang bỡi tiếng máy bay lên xuống sau sân vận động, những lúc như thế thầy thường ra cửa đứng chau mày với vẻ kham nhẫn và sau đó thế nào cũng có một lời phê nào đó rất sâu sắc mà trí óc non nớt của chúng tôi không hiểu hết.
         Mùa xuân năm 1972 cơn lốc của chiến cuộc cuốn chúng tôi mỗi người một ngả, chỉ có một ít bạn tiếp tục việc học hành là có dịp gặp thầy, còn đa số chúng tôi thì xem như chia tay thầy mà không một lời từ giả, sau đó vài năm tôi được bạn bè cho biết thầy đang du học tại Mỹ…
          Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã bốn mươi năm trôi qua,mấy năm trở lại đây với sự nhiệt thành của một số cựu thầy trò Nguyễn Hoàng có tâm huyết, cầu nối giửa những người muôn năm cũ được nối lại qua những trang sách, những ban liên lạc CHS NH được hình thành ở những nơi có học trò NH cư ngụ. Thầy trò NH đã có nhiều cơ hội để họp mặt hàn huyên tâm sự, tình thầy trò cũ trường xưa lại thắm đượm hơn bao giờ hết, tôi cũng có đi dự họp mặt nhiều lần nhưng chưa một lần gặp lại thầy. Tôi được bạn bè cho biết thầy đang ở cách đây nửa vòng trái đất, thỉnh thoảng thầy có về gặp được một số học trò cũ trong đó có một số bạn lớp 11C chúng tôi đang ở Sài Gòn có duyên may gặp gở thầy.
         Tôi chỉ được đọc một số bài thơ bằng tiếng Anh của thầy được chuyển Việt ngữ trên những trang sách của trường NH, thời gian gần đây nghe nói sức khỏe thầy giảm sút nên thầy ít về nước. Bao nhiêu năm xa cách giờ đây nhìn lại cả thầy lẫn trò tuổi đời đều đã chồng chất, dòng đời đã bãng lãng bóng hoàng hôn, không biết có còn cơ hội gặp lại thầy không nhưng ký ức về thầy vẫn rất sâu đậm không bao giờ phai nhạt trong tôi.

                                                                          Nguyễn Ngọc Luật

Cù Bị 3, Châu Đức, BRVT. 
ĐT: 01687027065

(Võ Văn Hoa gởi đăng)
READ MORE - DẤU ẤN KHÓ PHAI - Nguyễn Ngọc Luật

THƠ CHÂN DUNG - Phạm Xuân Dũng


41. Thái Đào
                                                                 

Nghe tiếng trống trận nhớ chàng Từ Hải
Thắng giặc rồi gục ngã trước phồn hoa
Mượn chuyện cổ, một đi không trở lại
Ai có về sông Dịch nhắn Kinh Kha.  








42. Đỗ Trung Quân
                     
                     
    Quê hương là chùm khế ngọt
    Em còn biết hát phượng hồng
    Nhưng mà mai này nghỉ học
    Em mơ được sống Sài gòn.











43. Phạm Đình Ân


     Cứ mơ màng theo huyền ảo rồng bay
     Nhìn Văn điển, nghĩa trang nghi ngút khói
     Quên cả trên đỉnh đầu nắng xối
     Rơi xuống mộ người một sợi tóc tình nhân.








44. Đỗ Trọng Khơi


      Muốn trèo lên nắng mà đi
      Muốn du theo gió mà về với nhau
      Con chim thiêng vẫn bay mau
      Để người thơ đợi nhiệm màu xa xôi.








45. Trương Nam Hương


    Còn đây hè phố tuổi thơ
    Nhớ tuổi hai mươi tình tự
    Khúc hát của người xa xứ
    Lão ông Văn miếu hát hoài .









46. Mai Văn Phấn


  Ai ngờ chiếc lá có gai
  Nhỏ to mấy giọt nắng phai cuối mùa
  Gọi tìm tôi thưở dại khờ
  Về thương tôi của bây giờ tinh khôn.








47. Nguyễn Xuân Khánh


  Bài học Hồ Quý Ly vẫn còn nóng hổi
  Đừng gây thêm chính sự phiền hà
  Đừng ra rả những điều giả dối
  Mặc kẻ thù xâm phạm nước Nam ta.








48. Nguyễn Khắc Phục


   Vào ngôi đền còn cầu may chứng khoán
   Lũ vô đạo  vỗ ngực mình ngoại phạm
   Thành phố không bị chiếm, thật không?
   Để còn ngồi viết ký sự Thăng long.





49. Nguyễn Sĩ Đại


  Ba đời nông dân, ba đời áo lính
  Vẫn quẩn quanh sau luỹ tre làng
  Mùa hạ mất điện rồi, mùa màng lo nắng cháy
  Không yêu nổi họ hàng, yêu chi nổi nhân dân.








50. Nguyễn Văn Đắc


     Làm người nhờ cái rốn
    Và cách rốn một gang
    Rượu vào thơ ngả ngớn
    Xin em đừng nghi oan. 






PHẠM XUÂN DŨNG
Đài PTTH Quảng Trị
READ MORE - THƠ CHÂN DUNG - Phạm Xuân Dũng