Tác giả NGUYỄN NGỌC LUẬT |
Năm 1970 tôi
bước chân vào lớp 10C trường Nguyễn Hoàng, mặc dầu đã có bốn năm đệ nhất cấp ở
trường, tức là thuộc hàng ma cũ nhưng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng và rụt rè không
khác mấy với cái ngày đầu tiên bước chân vào lớp đệ thất 2 năm 1966. Bạn cũ từ
lớp đệ tứ2 lên cùng lớp chỉ có một số ít, còn lại là có quá nhiều khuôn mặt
mới, một số bạn từ các lớp dưới lên, một số khác từ các trường quận và trường
tư mới chuyển vào. Vì tính chất đặc thù của dân ban C nên lớp tôi thật muôn màu
muôn vẻ, trăm hoa đua nở.
Quý thầy cô dạy chúng tôi hồi đó rất
được học trò yêu mến vì sự tận tâm tận lực giảng dạy và sự thương yêu học trò.
Những thầy cô ghi dấu ấn sâu đậm nhất lớp tôi hồi đó ngoài cô giáo chủ nhiệm
dạy văn ra còn có thầy dạy Anh văn: Thầy Trần Ngọc Cư
Bốn mươi năm trôi qua, giờ nhìn lại, hồi
tưởng về một thời dấu yêu ngày ấy cho dù kỷ niệm có sâu đậm đến đâu cũng đã
nhạt nhòa theo năm tháng, cái nhớ thì ít, cái quên thì nhiều. Nhưng nhắc đến
thầy thì điều đầu tiên ai cũng cảm nhận được thầy là một thầy giáo dạy giỏi,
tận tụy với nghề, ở trường thầy luôn được phân công dạy các lớp ban C và lớp
tôi được học với thầy hai năm liên tục 10C và 11C tức là từ năm 1970 đến ngày
tan đàn xẻ nghé năm 1972.
Lớp 10C của chúng tôi hồi đó ở dãy E
nằm gần trại MACV tựa lưng vào sân vận động có cửa sổ thật lớn, khung cửa kẻ ô
vuông sơn màu xanh lục. Vì lớp học nằm sát sân vận động đã bị chiếm dụng làm
bãi đáp trực thăng phục vụ chiến trường nên mỗi lần máy bay lên xuống thì việc
học hành bị ngưng lại, thầy trò ngồi chịu trận bị tra tấn bỡi tiếng kêu đinh tai
nhức óc của động cơ máy bay.
Đầu năm học, thầy Kinh giám thị dẫn
thầy giáo dạy Anh văn đến giới thiệu với lớp. Gần bốn mươi cặp mắt đều chăm chú
nhìn thầy giáo trẻ dáng người đầm đậm, đặc biệt là mái tóc cắt ngắn để lòa xòa
ngang trán như các thành viên trong ban nhạc The Beatles lừng danh và trông
thầy khá giống với nhạc sĩ Jo Marcel (Em xin thầy thứ lỗi vì sau này chúng em thường gọi thầy với
nickname như thế không rỏ thầy có biết hay không!)
Thầy làm quen với lớp bằng một tràng
tiếng Anh, cả lớp ngẩn tò te trố mắt nhìn thầy, tôi cũng chỉ hiểu lỏm bỏm đại ý
là thầy đang giới thiệu “thân thế và sự nghiệp” của thầy với lớp nhưng không
thể dịch nguyên văn được, biết cả lớp không tiếp thu được nên thầy đành chuyển
ngữ sang tiếng Việt. Thầy đã có một buổi ra mắt học trò hết sức ấn tượng như
thế.
Thầy có một phong cách dạy học rất đặc
biệt, thầy khuyến khích chúng tôi đàm thoại bằng tiếng Anh trong lớp, chú trọng
thực hành những câu phức tạp gồm nhiều mệnh đề và cách sử dụng thành ngữ vốn
rất phong phú trong tiếng Anh. Bằng phương pháp dạy học sinh động của thầy
chúng tôi tiến bộ trong việc học tiếng Anh rất nhanh, những bạn hơi yếu cũng
phải nổ lực để bắt kịp chương trình. Cũng nhờ vốn liếng tiếng Anh được học rất
bài bản với thầy mà sau này khi ở trong quân ngũ thời gian học ở trường Sinh
Ngữ Quân Đội để chuẩn bị du học tôi tiếp thu bài học khá thoải mái.
Thầy có một điểm rất khác với quý thầy
cô khác là hầu hết thầy cô đều xem chúng tôi là học trò (dĩ nhiên!) nên ít ai
bàn luận chính trị hay bày tỏ chính kiến với chúng tôi, nhưng thầy thì khác,
trong lúc dạy học thầy hay tìm cách bày tỏ chính kiến hay quan điểm của thầy về
cuộc chiến tranh đang diễn ra hết sức tàn khốc trên quê hương. Trong khi hướng
dẫn thực hành đặt câu tiếng Anh thầy hay nhắc đến quân số của các bên tham
chiến, số người thương vong của mỗi trận đánh, số dân thường bị chết trong lúc
chiến trận xảy ra. Thường thì thầy nói đến điều đó với một thái độ đau xót cho
thân phận dân tộc, quê hương đang ngày đêm bị bom cày đạn xới, nhất là những
lúc đang giảng bài thì bị cắt ngang bỡi tiếng máy bay lên xuống sau sân vận
động, những lúc như thế thầy thường ra cửa đứng chau mày với vẻ kham nhẫn và
sau đó thế nào cũng có một lời phê nào đó rất sâu sắc mà trí óc non nớt của
chúng tôi không hiểu hết.
Mùa xuân năm 1972 cơn lốc của chiến
cuộc cuốn chúng tôi mỗi người một ngả, chỉ có một ít bạn tiếp tục việc học hành
là có dịp gặp thầy, còn đa số chúng tôi thì xem như chia tay thầy mà không một
lời từ giả, sau đó vài năm tôi được bạn bè cho biết thầy đang du học tại Mỹ…
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó
mà đã bốn mươi năm trôi qua,mấy năm trở lại đây với sự nhiệt thành của một số
cựu thầy trò Nguyễn Hoàng có tâm huyết, cầu nối giửa những người muôn năm cũ
được nối lại qua những trang sách, những ban liên lạc CHS NH được hình thành ở
những nơi có học trò NH cư ngụ. Thầy trò NH đã có nhiều cơ hội để họp mặt hàn
huyên tâm sự, tình thầy trò cũ trường xưa lại thắm đượm hơn bao giờ hết, tôi
cũng có đi dự họp mặt nhiều lần nhưng chưa một lần gặp lại thầy. Tôi được bạn
bè cho biết thầy đang ở cách đây nửa vòng trái đất, thỉnh thoảng thầy có về gặp
được một số học trò cũ trong đó có một số bạn lớp 11C chúng tôi đang ở Sài Gòn
có duyên may gặp gở thầy.
Tôi chỉ được đọc một số bài thơ bằng
tiếng Anh của thầy được chuyển Việt ngữ trên những trang sách của trường NH,
thời gian gần đây nghe nói sức khỏe thầy giảm sút nên thầy ít về nước. Bao
nhiêu năm xa cách giờ đây nhìn lại cả thầy lẫn trò tuổi đời đều đã chồng chất,
dòng đời đã bãng lãng bóng hoàng hôn, không biết có còn cơ hội gặp lại thầy
không nhưng ký ức về thầy vẫn rất sâu đậm không bao giờ phai nhạt trong tôi.
Nguyễn Ngọc Luật
Cù Bị 3, Châu Đức, BRVT.
ĐT: 01687027065
(Võ Văn Hoa gởi đăng)
No comments:
Post a Comment