Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 11, 2013

MỘT THUỞ ÂN TÌNH - thơ Trúc Thanh Tâm


  1-  CA DAO                      
                                    
  Tình quen, đất lạ bơ vơ
  Mới hay sông núi những giờ hỗn mang
  Ta nghe trí nhớ bàng hoàng
  Trăm năm một giấc ngủ tàn trong mê 

  Đời quên, người mãi chưa về
  Sông không bến đợi, nước về lênh đênh
  Ta say, còn nhớ hay quên
  Từ mùa xuân cũ không còn ca dao!

                  
Tranh của họa sĩ Rừng
  2- TÓC  XƯA
  
             Tặng họa sĩ RỪNG

  Vai thon chở nặng trái đời
  Trăng lưu lạc giữa đất trời bao dung
  Áo xưa ẩn nét lặng trầm
  Phải người đã khép kiếp mình dọc ngang

  Đời nhau, một cõi địa đàng
  Một ngày cũng đủ muộn màng đam mê
  Trăm năm nỗi nhớ đi về
  Rừng xưa hồn lá, tóc xưa hồn người!

                   
3-  MAI SAU

Gọi chiều, chiều đã phôi pha
Trăng huyền ảo, gió la đà, mây rơi
Gọi người, người vẫy tay tôi
Mênh mông tôi giữa dòng trôi đời mình

Gọi em, em hé môi tình
Gọi đời, đời đã bình minh nãy giờ
Thơ tôi gói cả ước mơ
Tình tôi còn hẹn bến bờ mai sau!



   4-  PHƯỢNG ĐỎ       

   Thương sao màu nắng quê nhà
   Sầu ta treo nhớ rừng gìa hắt hiu
   Sông quê hát lý chiều chiều
   Gió mê cút bắt, trăng trèo đọt cây

   Nhớ quê hồn thả hương bay
   Về mùa phượng đỏ những ngày yêu em
   Bao năm canh cánh nỗi niềm
   Mới hay sót lại một miền trán nhăn!

                 
 5- VÍ DỤ

Cứ là ví dụ, thơm nhau
Nhỏ có nghe trái nhiệm mầu đang rơi
Sầu riêng, sợ lắm nhỏ ơi
Hãy sầu chung để mắt soi nỗi lòng

Cứ là ví dụ, vợ chồng
Đừng nghe thiên hạ dối lòng, bán mua
Nhỏ cười chúm chím, mây mưa
Sống cùng thi sĩ vẽ bùa, ăn thơ!

TRÚC THANH TÂM

 (Châu Đốc)
READ MORE - MỘT THUỞ ÂN TÌNH - thơ Trúc Thanh Tâm

Hồ Trọng Trí họa thơ Trần Văn Hạng, Thanh Dạ, Thụ Nhân


HOÀNG HÔN TRÊN BIỂN
Họa thơ “Biển Hoàng Hôn” của Trần Văn Hạng

Hoàng hôn trên biển cảnh nên thơ
Sóng vỗ triều dâng vượt bến bờ
Phơn phớt ráng hồng phô cảnh mộng
Mênh mang sóng bạc dậy tình mơ
Cánh buồm no gió vần thơ tỏa
Chèo mái đầy trăng ý chữa mờ
Bến đậu thuyền neo vương ý lạ
Hồn ta bừng dậy bút tràn thơ

 
GIỮ 
Họa thơ “Giữ” của Thanh Dạ

Thu phục Hoàng Sa dạ mãi trông
Tháng ngày khắc khoải xót xa lòng
Biên cương gây hấn tin dồn dập
Biển đảo lấn xâm chuyện chất chồng
Dân tộc chung lưng gìn hải đảo
Trẻ già đấu cật giữ non sông
Quyết tâm giữ vẹn toàn bờ cõi
Giữ dãy Trường sơn giữ biển Đông



NHỚ QUÊ
Họa thơ “Nhớ Quê” của Thụ Nhân 

Vọng nhớ một thời tuổi bé thơ
Tắm dòng Thạch Hãn mát lòng tơ
Trà Liên quê cũ niềm tha thiết
Sắc Tứ chùa xưa dáng chữa mờ
Nay dẫu tha hương ngoài vạn dặm
Lòng hằng thương tưởng chẳng thờ ơ
Hướng về cố quận mong tìm lại
Vườn ruộng miếu đền cảnh mộng mơ

Hồ Trọng Trí

Kim Long, BRVT 
READ MORE - Hồ Trọng Trí họa thơ Trần Văn Hạng, Thanh Dạ, Thụ Nhân

TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 - Đinh Thanh Hải

Hôm nay, ngày Tết Đoan Ngọ, ngày tết mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ở quê tôi ngày này là ngày tết lớn thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Từ ngày hôm trước, ngày mồng 4 bà con đã đi chợ mua cặp vịt với lễ vật để ăn tết. Những chàng rể tương lai thì đem cặp vịt và lễ vật đến tặng nhà vợ ăn Tết mồng Năm, ngày xưa những chàng rể nghèo khó phải cố vay mượn tiền để mua sắm lễ vật cho gia đình vợ.

Ngày xưa, những ông thầy dạy học trẻ xưa, họ thường ít khi lấy tiền dạy học. Nên vào dịp Tết Đoan Ngọ gia đình học trò mang lễ vật đến tết thầy: gạo, ngô, đôi vịt, hoa quả... Những ông thầy lang chữa bệnh cho dân cũng vậy, bà con mang lễ vật đến cảm ơn đã chữa trị lành bệnh.

Đúng 12 giờ trưa, giờ Ngọ gia đình soạn một mâm lễ vật cúng gia tiên. Tục xưa có truyền lại: đúng 12 giờ trưa đi hái lá cây cỏ đem về phơi làm thuốc để chữa bệnh.

Đây là một dịp để con cái cháu tụ tập về nhà, cùng ăn uống chuyện trò với nhau. Ngày tết Đoan Ngọ lớn thứ 2 sau tết Nguyên Đán. Nếu ai có dịp về quê tôi ngày này, thì toàn bộ cửa hàng, chợ búa bà con họ đóng cửa nghỉ ăn tết.

Quê tôi ở Khe Sanh một vùng núi cao của tỉnh Quảng Trị, nên khi ăn tiệc xong bà con lại đổ về biển tắm mát, vì ngày mồng 5 là ngày hè, nên đi tắm biển thì không còn gì bằng. Thường thì bà con quê tôi hay về những biển: Mỹ Thuỷ, Cửa Tùng, Cửa Việt ... Không khí ở biển ngày tết rất đông, bà con đi tắm biển và mang theo thức ăn.


                                  Thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng


Tiết canh ngon tuyệt


Tiết canh cần có chai rượu
Sáng sớm hôm nay, ở quê ba mẹ hay những người thân điện thoại cho tôi hỏi: Ăn tết mồng 5 ở đâu? Có đi chơi đâu không?... Tôi chỉ cười nói ăn tết trong lòng. Ở Sài Gòn thì ít ai chú trọng đến ngày Tết Đoan Ngọ. Cả ngày đi làm, nên có làm mâm cơm cúng gia tiên đúng giờ Ngọ 12h đâu được? Chiều đi làm về nói vợ làm một mâm nho nhỏ và gọi bà con đến nhâm nhi tý thôi.

Sài Gòn 16-06-2010
(Tết Đoan Ngọ 05 tháng 05)
ĐINH THANH HẢI
.....

PS: Cái tục ăn Tết Đoan Ngọ có ở nhiều nước, chứ không riêng gì Việt Nam.

Trung Quốc: thì theo truyền thuyết Khuất Nguyên: ngày 5/5 ông tự vẫn tại sông Mịch La, Trung Quốc. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại...
Hàn Quốc: là ngày lễ theo truyền thống văn hóa của họ.

Việt Nam: Miền Trung vẫn gọi là Tết Đoan Ngọ, miền Bắc lại gọi là ngày giết sâu bọ

--------------
Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 năm này nhằm vào ngày thứ 4 (12-06-2013 dương lịch)
READ MORE - TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 - Đinh Thanh Hải

TẾT ĐOAN NGỌ TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT - Tiểu Linh



Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ hội cùng diễn ra ở nhiều nước Châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản.

Ý nghĩa của tết Đoan Ngọ

Tết  Đoan Ngọ hay tết Đoan Dương, tết giữa năm, tết giết sâu bọ…diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 (Âm lịch). Đoan là bắt đầu, Ngọ hay Dương đều mang nghĩa là lúc giữa trưa, lúc nhiều dương khí. Ngọ cũng là tháng Năm (Âm lịch), khi mặt trời gần trái đất nhất, dương khí thịnh nhất.

Những ngày đầu tháng 5 đồng thời cũng là những ngày giao mùa, mùa nắng sang mùa mưa, lạnh sang mùa nóng. Trong nông nghiệp xưa, đây là những ngày giao vụ từ vụ Chiêm sang vụ Mùa. Những ngày này, các loài sâu bọ cũng bắt đầu sinh sôi nảy nở mạnh mẽ. Người ta truyền nhau nhiều tập tục văn hóa lễ hội, ăn uống, hái lá thuốc… để tạ ơn tổ tiên; cầu cho mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật, ma quỷ quấy phá.

Đặc trưng văn hóa trong ngày này ở các quốc gia

Ở Việt Nam ta, ngày này mỗi nơi có các hoạt động văn hóa và món ăn đặc trưng.

Người Mường vùng Mường Khương có món đặc sản bánh Khúc truyền thống rất ngon. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau Khúc (một chi của họ hoa Cúc), đậu xanh, hạt vừng (mè) rang. Gạo ngâm kỹ, xay nhuyễn cùng rau Khúc rồi nhào thành bột, làm thành bánh có bỏ nhân đậu xanh trộn vừng rang. Bánh được hấp hoặc rán.

Người Kinh miền Bắc thì thường ăm cơm rượu, trái cây và một số loại bánh vào sáng mùng 5 ngay sau khi ngủ dậy để giết hết sâu bọ trong người. Theo người già thì cơm rượu làm cho sâu bọ trong người bị say, phải ngoi lên, trái cây là kết tinh của cây, cũng là các vị thuốc làm tiệt trừ mọi sâu bọ.

Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú  lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác.

Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà để trừ ma tà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai); hoặc có nơi làm thịt Vịt, thịt Ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…

Ở Hàn Quốc, ngày 5 tháng 5 là ngày lễ Dano hay còn gọi là Suritnal (có nghĩa là Ngày dài hay ngày của Trời). Ngày này người ta làm bánh Suritteok và Yaktteok có hình tròn với nguyên liệu cũng từ bột gạo và lá cây Ngải Cứu. Phụ Nữ thường gội đầu bằng thảo mộc, nam giới quấn rễ cây quanh người để trừ tà. Ngày này người ta cũng tham gia các lễ hội đua thuyền, đu quay, đấu vật…, và vào tháng 11 năm 2005 UNESCO đã công nhận ngày lễ Dano của Hàn Quốc là Di sản văn hóa phi vật thể.

Ở Nhật Bản, ngày tết Đoan Ngọ người ta thường treo nhiều cờ cá chép có nhiều màu sắc. Cá chép thành rồng là  ước muốn của các bậc cha mẹ có con trai với mong muốn con mình cũng sớm vượt “vũ môn”. Ngày này, Nhật Hoàng và quý tộc thường tổ chức phát lá thuốc chữa bệnh cho người dân, hoặc tổ chức các hoạt động thể thao như cưỡi ngữa, bắn cung nhằm tiễu trừ ma quỷ. Người dân cũng đi hái lá thuốc,  lấy lá ngải cứu kết thành hình con vật, treo trước cửa nhà, khi nào trong nhà có ai bị đau ốm thì mang xuống sử dụng. Ngày này, người Nhật cũng làm bánh Chimaki giống như bánh ú, bánh tro của Việt Nam ta.

Ở Trung Quốc thì người ta hay gói bánh chưng (trước đây gọi là bánh Kê nếp) vừa để ăn, vừa để biếu lẫn nhau. Một số nơi người ta ăn trứng muối & uống rượu Hùng Hoàng để tiễu trừ tà ma. Những đứa trẻ được quấn chỉ ngũ sắc, mang giày hình hổ…để cầu chúc cho trẻ được khỏe mạnh. Người dân vùng núi thì lên rừng hai lá thuốc. Các khu vực sông Tương, Trường Giang…thì người ta tổ chức đua thuyền Rồng rất náo nhiệt. Các cơ quan trong ngày này đề nghỉ việc và mọi người cũng ghé thăm nhà, chúc lẫn nhau tết nhau.

Nguồn gốc tết Đoan Ngọ bắt đầu từ chủng Việt?

Nguồn gốc của tết Đoan Ngọ mở mỗi nước, mỗi nơi có khác nhau nhưng cũng có nhiều nét ương đồng.

Ở Trung Hoa, từ cuối đời Đông Hán, nhiều người đã cho rằng, tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ cái chết của Khuất Nguyên, một vị quan nước Sở. Do chán chường vì khuyên can vua Sở không nên tin vào nước Tần không thành và bị đầy đi xa xứ, ông đã ôm đá nhảy xuốn sông Mịch La (một nhánh sông Tương ở Hồ Nam, Trung Quốc) tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5. Đời vua sau tiếc thương nên làm đồ cúng tế, mang ra sông thả xuống. Ông hiện về báo mộng đồ cúng tế bị cá ăn hết nên nhà Vua đã cho gói bánh, cột chỉ nhiều màu thả xuống sông cho cá sợ không ăn. Từ đó dần thành ra tập tục, bao gồm cả lễ hội đua thuyền rồng của Trung Quốc vào ngày này hàng năm.

Theo một truyền thuyết khác thì tết này liên quan đến chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên tiên. Truyện gần giống Từ Thức lên tiên của Việt Nam. Ngày mùng 5 tháng 5 hai chàng Lưu, Nguyễn vào rừng hái thuốc, gặp tiên rồi cùng sánh duyên. Nửa năm trở về thì cảnh vật, con người đã ra thiên cổ, hai chàng đành bỏ đi đâu không ai biết. Từ đó, người ta dùng ngày ngày 5 tháng 5 tưởng nhớ hai chàng.

Ở Hàn Quốc, tết Đoan Ngọ cũng là để tưởng nhớ một vị tướng tên Gulwon thời vua Hwe, triều đại Cho Sun (TK 13 đến 19), bị địch bắt và tự vẫn để giữ khí tiết trung quân đúng ngày mùng 5 tháng 5. Nếu sự kiện trên là có thật thì tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc mãi từ thế kỷ 13 mới bắt đầu có.

Ở nước ta, tết Đoan Ngọ có tên là tết Giết sâu bọ, tết Giữa năm. Không biết ngày này bắt đầu từ khi nào nhưng trong ca dao Việt có câu:

“Tháng năm là tết Đoan Dương
Nhớ ngày Giỗ mẹ Việt thường Văn Lang”

Theo đó, mùng 5 tháng 5 là ngày giỗ quốc mẫu Âu Cơ. Nhà nhà sắp cơm, bánh để cúng tế, tưởng nhớ tổ tiên. Như vậy ngày giỗ quốc mẫu của Việt Nam phải có từ trước thời Khuất Nguyên cả nghìn năm. Hơn nữa, nước Sở xưa vốn có khối dân Bách Việt chủng Yueh (chủng Việt) chiếm đa số và nắm quyền bính, mà Khuất Nguyên là người nước Sở nên hoàn toàn có thể tin Khuất Nguyên là một người gốc Việt.

Nếu theo Nông Lịch của ông bà ta, mỗi năm của ta bắt đầu từ tháng 11 âm lịch (Một, Chạp, Giêng, Hai…), tức là bắt đầu vào vụ lúa Chiêm. Đầu tháng 5 là kết thúc vụ Chiêm, bước vào đầu vụ Mùa. Đây là giai đoạn bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ. Như vậy, ngày này là ngày đặc trưng của nền Văn hóa Lúa nước, khác xa với Văn hóa Lúa mạch. Vì thế, ngày này rất có thể là được bắt đầu bởi Việt tộc chứ không phải Hán tộc, mà chúng ta còn gọi là Tết giữa năm. Người Việt hoàn toàn có thể tự tin rằng Đoan Ngọ hoàn toàn là tết truyền thống của dân tộc Việt mình.

Tiểu Linh
lnguyen647@gmail.com



READ MORE - TẾT ĐOAN NGỌ TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT - Tiểu Linh

ÁI NGẠI TRĂNG - Nguyễn Thanh Bá họa thơ Lê Đình Lộng Chương


ÁI NGẠI TRĂNG

Họa bài “Đêm Trăng Cảm Tác” của Lê Đình Lộng Chương

Rồi có khi nào nhớ tới không
Những ngày bắt bướm dọc bờ sông?
Để chiều lẻ bước bâng khuâng đợi
Để tối cô phòng ấp ủ mong
Sương xám giăng giăng chùng cánh nhạn
Gió heo rười rượi lạnh hương đồng
Vườn xưa thơ thẩn buồn riêng bóng
Mắt ngắm trời xa ái ngại trăng.

                      Nguyễn Thanh Bá



ĐÊM TRĂNG CẢM TÁC

Đã cuối mùa trăng em biết không?
Anh về ngủ lại ở bên sông
Bãi khuya thao thức chùm hoa sữa
Nước sớm tràn lan nỗi nhớ mong
Sương lụa giăng tơ mờ ảo núi
Thuyền trăng rắc bạc ở trên đồng
Chèo ai quẫy nước sang ngang sớm
Nhỏ xuống dòng trong những giọt trăng.

                            Lê Đình Lộng Chương


READ MORE - ÁI NGẠI TRĂNG - Nguyễn Thanh Bá họa thơ Lê Đình Lộng Chương

GỬI EM…GỬI MỘT BÀI THƠ – Nguyễn An Bình



Nắng chao nắng tắt ngậm ngùi
Người về người cũng khôn nguôi nỗi buồn
Lá vàng lá đỏ bay tuôn
Mưa lên mưa xuống mưa luồn qua tim.


Đường xưa đường mất chân chim
Tôi trông tôi đợi lá nghiêng nắng vàng
Mây bay mây rẽ hai hàng
Mắt em mắt có lệ tràn như mưa?


Gửi em gửi một bài thơ
Áo xưa áo trắng phất phơ một đời
Trăng khuya trăng rụng xuống đồi
Tôi ngồi tôi ngủ như người mộng du.


Trăm năm trăm tuổi đời mù
Yêu em yêu chết mai dù mất nhau
Em xưa em có tình đầu
Tôi xưa tôi rụng trái sầu trong tim.

Nguyễn An Bình
READ MORE - GỬI EM…GỬI MỘT BÀI THƠ – Nguyễn An Bình

BÊN ĐỜI CÒN CÓ NHAU - thơ Hoàng Yên Lynh



Gặp lại nhau giữa phương Nam nắng gió
Mấy mươi năm biền biệt bóng chim câu
Chuyện ngày xưa lỗi vận mấy vần thơ
Hai ta đã ngậm ngùi giấc mộng lỡ.

Gặp lại nhau cuối đường tình tan vỡ
Tóc trắng rồi chân mỏi đếm thời gian
Quán bên đường có nghe lòng xao xuyến
Khung trời nào với nỗi nhớ mênh mang.

Chẳng trách nhau, chẳng trách tình oan trái
Chuyện cuộc đời dâu bể mấy ai hay
Giữ cho nhau ánh mắt chiều lặng lẽ
Trăng xế rồi kỷ niệm mãi chưa phai.

Gặp lại nhau bên đường đời thấm mệt
Biết bao giờ mình thấy lại đời nhau
Giấc mơ nào cũng cung sầu chia biệt
Trăm năm đành xin mãi gọi cố nhân. 

HOÀNG YÊN LYNH

BR-VT 7.2012
READ MORE - BÊN ĐỜI CÒN CÓ NHAU - thơ Hoàng Yên Lynh