Một câu chuyện tháng Tư đáng nhớ
PHẠM XUÂN DŨNG
Tạp chí Điện tử Lao dộng và Công đoàn – laodongcongdoan.vn
25/04/2022 09:04
Trong ngày hôm qua dịch giả Nguyễn Khắc Phước, một người Quảng Trị sống ở Đà Nẵng có nhờ tôi (và có lẽ một vài anh em khác nữa) ở quê nhà đăng một thông tin lên trang cá nhân tìm người của một người bạn là một cựu binh quê Quảng Nam hiện sống ở Đà Nẵng.
|
Người cựu binh ấy là ông Trần Thượng Liên (ở quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Ông kể rằng năm Mậu Thân 1968, khi còn trai trẻ, là bộ đội đóng ở Triệu Phong (Quảng Trị). Khi đang ở làng Bích La Đông, trong khi giao tranh, súng anh hết đạn, một người lính đối phương nhìn thấy anh, giương súng lên nhưng rồi không bắn.
Anh nhanh chóng chạy lẫn vào đám đông và được một chú bé khoảng 10 tuổi cũng nhanh nhẹn mở cửa cho anh vào nhà ẩn nấp. Nhờ vậy, anh được cứu sống. Anh không kịp hỏi tên chú bé chỉ thoáng thấy trên da có vết nám như vừa bị bỏng. Thế thôi, một khoảng khắc trong muôn vàn khoảnh khắc của một cuộc chiến kỳ lạ...
Nhưng dù vậy, khoảnh khắc ấy lại là một vết son không thể phai mờ trong tâm cảm người lính Trần Thượng Liên. Nhớ lại sự kiện không thể nào quên của đời mình, ông đặt tên con là Bích La, để nhớ về một ngôi làng Quảng Trị trong binh lửa.
Và bây giờ, khi tuổi tác gần đất xa trời, qua thông tin trên mạng xã hội, ông muốn gặp lại chú bé ân nhân đã cứu sống mình. Nhà văn Nguyễn Khắc Phước đã từng kể lại câu chuyện này trên đặc san "Tình quê" của Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng.
Đọc câu chuyện này lại nhớ đến đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Thị Xuân Phượng cũng quay lại Vĩnh Linh sau hơn nửa thế kỷ và cũng đau đáu muốn tìm lại đứa bé mà bà đỡ đẻ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Bố mẹ đã lấy tên bà Xuân Phượng đặt tên cho con mình.
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử với rất nhiều cung bậc cảm xúc và không ít ngổn ngang tâm sự, câu chuyện riêng của một người lính bình thường có lẽ rất dễ trôi đi trong dòng thời sự, nhất là ở vùng quê từng là hai bờ giới tuyến. Nhưng nhiều người lại không nghĩ thế...
Hàng chục người làng Bích La Đông đã chia sẻ thông tin rồi hàng trăm người quan tâm tương tác và kiếm tìm cậu bé năm xưa, không biết đó là ai, còn sống hay đã chết, hoặc đã lưu lạc phương nào.
Câu chuyện có lẽ chỉ có hai người biết với nhau, tưởng chừng mất hút sau hơn nửa thế kỷ với bao biến thiên lịch sử, nay lại trở về tươi rói tình người và "gõ cửa" những ai đang sống, đang quan tâm đến thế thái nhân tình.
Sẽ có người hỏi thế bao năm ông Liên sao không về Bích La Đông tìm lại ân nhân? Câu hỏi bật ra cũng là điều dễ hiểu nhưng chuyện đời có bao nhiêu điều cuốn chúng ta đi, đâu dễ thực hiện ý nguyện nào đó của mình.
Ông Lê Văn San, một người dân Bích La Đông, tâm tình: "Chúng tôi đang tìm lại cậu bé ngày xưa. Không phải để nói chuyện ơn nghĩa gì cả, mà đó là câu chuyện nhân tình".
Nếu tìm lại được và có một cuộc tái ngộ chắc chắn cảm động thì câu chuyện tháng Tư thêm một kết thúc có hậu và viên thành. Nhưng dù không được vậy thì nó minh chứng một điều: Dân tộc Việt luôn trọng tình nghĩa, làm ơn không cần báo đáp, nhưng chịu ơn thì cũng không bao giờ quên, sống có trước có sau mà chúng ta hay gọi điều đó là chung thủy.
Đạo lý thường hiện lên giản dị, chân thực, không chút màu mè và cảm động như chúng ta đã thấy, khiến cuộc đời này lại ánh lên thêm một niềm nhân nghĩa và tiếp thêm năng lượng sống tích cực cho không chỉ một đôi người.
Phải chăng đó cũng là một thông điệp nhân văn của tháng Tư đáng nhớ.
P.X.D.