Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 14, 2024

NỬA ĐỜI CỒN HOANG – Thơ Lê Minh Hiền

 

 C:\Users\hien\Pictures\coi tinh.jpg        

 

NỬA ĐỜI CỒN HOANG 

Thơ Lê Minh Hiền

Tưởng nhớ Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952- Aug. 3rd, 1992)

                       

Chiều xưa trời đổ mưa Ngâu 

mùa thu trở lại lá sầu lá rơi 

bàn tay năm ngó thon dài 

gìn vàng giữ ngọc mắt môi duyên hoài 

thà như mấy giọt mưa mây

chưa tan đã tạnh người đi mặc tình 

chiều nay mưa xuống tây hiên 

nhớ người thương nhớ người thương lạ thường 

Tràng giang gợn sóng hoàng hôn 

dẫu lìa cõi ý sợi vương thành sầu 

chiều nay trời lại mưa Ngâu 

người ta bên đó sa mù từ tâm

thôi ta tình đã mù tăm

sợi hồn quấn cuộn từ hôm xa người 

thà như mưa vỡ sương mai       

không còn hơn có nửa đời cồn hoang 

 

Stanton Aug. 8th, 2024 (5:39 mờ sáng!)

L.M.H.

hienlehuong@gmail.com 



READ MORE - NỬA ĐỜI CỒN HOANG – Thơ Lê Minh Hiền

Ca Khúc NHỚ ANH | Thơ: Phạm Phan Lang | Nhạc: Thái Phạm | Ca sĩ: Diệu Hiền

Ca khúc:  Nhớ Anh
Thơ:  PhamPhanLang
Nhạc:  Thái Phạm
Ca sĩ:  Diệu Hiền
Hòa âm:  Quang Đạt
Video:  Thái Pham thực hiên với hình ảnh PL, vườn nhà, núi Ko'OLau và Vịnh Kaneohe trước mặt nhà PL ở Hawaii.

Nhớ anh

Đêm qua anh không viết
Em thấy giận anh rồi
Cả ngày nay mong ngóng
Về đọc thư anh thôi

Nhớ vòng tay âu yếm
Nhớ tia mắt nồng nàn
Nhớ nụ cười trìu mến
Nhớ anh nhớ miên man

Ngày mai anh phải viết
Thư dài hơn gấp đôi
Nếu không em sẽ giận
Sẽ hờn anh chết thôi....

PhamPhan Lang
READ MORE - Ca Khúc NHỚ ANH | Thơ: Phạm Phan Lang | Nhạc: Thái Phạm | Ca sĩ: Diệu Hiền

Trang thơ Trần Đức Phổ: CHỈ TẠI MÙA THU | EM VỀ QUA LỐI NGÕ HOÀNG HOA | VẪN CÒN ĐỢI HỒI ÂM

 

Nhà thơ Trần Đức Phổ

Chỉ Tại Mùa Thu

 

Phải lòng tà áo thướt tha

Gom heo may thổi cho tà áo bay

 

Phải lòng một mái tóc mai

Se mưa sợi ngắn sợi dài tình thâm 

 

Phải lòng đôi má bồ quân

Mùa thu bịn rịn, bước chân khẽ khàng

 

Không! Ta chẳng phải lòng nàng

Tại trời xanh, tại nắng vàng đấy thôi!

.

 

Em Về Qua Lối Ngõ Hoàng Hoa

 

Em đi từ độ tóc còn xanh

Qua chuyến đò ngang, bỏ cuộc tình

Mưa nắng xứ người phai má thắm

Bóng đời bảng lảng kiếp linh đinh

 

Từ đó lòng ta mộng cũng tàn

Bao mùa xuân đến vẫn cô đơn

Chờ em nơi ngõ vườn trăng cũ

Biền biệt phương trời một cố nhơn

 

Em về qua lối ngõ hoàng hoa

Mái tóc thơm hương để gió lùa

Đôi guốc khua tình thời tuổi dại

Lòng ta chua chát nỗi buồn xưa.

 .

 

Vẫn Còn Đợi Hồi Âm

 

Nhà nàng sát vách nhà tôi

Cùng học một lớp, cùng ngồi cạnh nhau

Mười ba mười bốn tuổi đầu

Quả mơ chưa ngọt, quả cau chưa giòn

 

Bên nhà nàng một hoàng hôn

Dường như nàng thoáng chút buồn vu vơ

Tôi về đêm ấy làm thơ

Nhớ mùi hương tóc, nhớ bờ môi xinh

 

Sáng ra xếp lá thơ tình

Để vào cuốn vở lặng thinh trao nàng

Rồi từ hôm ấy hoang mang

Ngập ngừng tự hỏi rằng nàng đọc chưa?

 

Bể dâu nào có ai ngờ

Tình tôi từ ấy - bây giờ lặng câm

Tôi còn chờ đợi hồi âm

Nàng đi bỏ lại thăng trầm đời tôi!

 
--

tranducpho

 

READ MORE - Trang thơ Trần Đức Phổ: CHỈ TẠI MÙA THU | EM VỀ QUA LỐI NGÕ HOÀNG HOA | VẪN CÒN ĐỢI HỒI ÂM

NON MAI (Kỳ 1/2) - Yến Thọ

 


 

NON MAI

(Trích từ  tập sách KHẢO VỀ QUẢNG TRỊ, 

tác giả LÊ ĐỨC THỌ)

 

Người Quảng Trị từ nhiều đời nay đã khá quen thuộc với cặp đôi sông núi Non Mai - Sông Hãn. Non Mai đi kèm với sông Hãn là đất nước, là giang sơn, là địa linh, là khí thiêng và là biểu trưng văn hóa của một vùng đất Quảng Trị. 

Cặp đôi sông núi được chọn làm biểu tượng văn hoá này thuộc về người Việt, văn hoá Việt, do người Việt định dạng, tôn vinh và có quá trình định hình chính thức kể từ khi thủ phủ, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh (dinh, trấn, đạo) Quảng Trị được thiết lập ven bờ sông Thạch Hãn. 

Sông Thạch Hãn (石捍江/Thạch Hãn giang/sông Hãn/Nguồn Hàn - long mạch chủ của toàn vùng Quảng Trị thì không ai là không biết, bởi lẽ nó hiển hiện trên Quốc lộ 1 đi qua thị xã Quảng Trị nhỏ nhắn, nên thơ, gần với Thành cổ mà người Quảng Trị cũng như khách thập phương đều ít nhất có một lần ghé đến. Thạch Hãn là dòng sông có dòng chảy rộng dài đi qua nhiều vùng địa hình, nhiều khu vực hành chính từ rừng xuống biển; từ đồi núi xuống đồng bằng; từ thượng nguồn về hạ lưu; từ các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số đến các xóm thôn người Việt; từ kẻ mọi xuống kẻ ruộng, kẻ chợ, kẻ biển. Sông Thạch Hãn còn là dòng sông chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, văn hoá, nơi chứng kiến bao nổi thăng trầm dâu bể của lịch sử, con người và thời cuộc. Thế nhưng, Non Mai/núi Mai Lĩnh thì không phải ai cũng có cơ hội, điều kiện, cơ duyên để một lần được đặt chân lên chốn này. Sông thì hiện hữu, gắn bó mật thiết với từng phận người vì nước là nguồn sống sinh hoạt, sản xuất, đi lại; còn núi thì thường mờ xa tận đâu đó, nơi hang sâu, rừng thẳm, ít hoặc thậm không mấy liên quan đến đời sống con người nên nếu không vì một mục đích cụ thể thì dù kể cả những người sống trong khu vực cũng chẳng mấy quan tâm. 

Chính vì thế, Non Mai/núi Mai Lĩnh ở đâu?, nhiều năm nay là câu hỏi ít có lời đáp thoả đáng.

Non Mai có lên chữ Hán là Mai Lĩnh sơn 枚嶺山 - Núi Mai Lĩnh. Trong các tài liệu thư tịch cổ viết chữ Mai là 枚, với nghĩa là cái, quả, gốc cây; hoặc theo nghĩa là cái vú chuông; còn nhiều làng xã trong dân gian lại viết chữ Mai là 梅, với nghĩa là cây mơ, cây mai hoặc với nghĩa là mùa. Cả hai nghĩa của từ này đều được các nhà văn nghệ hiểu theo mỗi người mỗi cách. Chữ Lĩnh 嶺 trong từ Mai Lĩnh nghĩa là đỉnh núi có thể thông ra đường cái. Như vậy. Mai Lĩnh hiểu theo nghĩa chiết tự Hán - Nôm thì đó là ngọn núi hình vú chuông có thể thông ra đường cái hoặc cũng có thể hiểu nó là ngọn núi có gắn (hoặc có liên quan) với cây mơ/mai và có thể thông ra đường cái

Nhà thơ Lương An diễn nghĩa hai từ Mai Lĩnh đầy chất tuỳ hứng thi ca và cho là “Mai Lĩnh, cái tên chữ của nó có nghĩa là “ngọn núi vú chuông”, hai sườn cân đối, chóp chĩa thẳng nhọn lên trời, dường như đánh vào thì sẽ thành tiếng ngân xa nghìn dặm. Từ Đông Hà, theo đường số 9 đi lên, khi qua khỏi Tân Lâm, hễ gặp sông Thạch Hãn thì thấy nó. Núi và sông như đôi tri kỷ không rời nhau, tăng thêm vẻ đẹp cho nhau. Mùa xuân hoa mai nở vàng, hoa chè nở trắng hai bên sườn thoai thoải. Một mùi hương dịu tỏ xa, ướp thêm hương vị cho dòng nước thêm trong, thêm thơm ngát” 1).

Tác giả Đinh Xuân Vịnh khi biên soạn “Sổ tay địa danh Việt Nam” thì diễn theo tên chữ Mai là hoa mai và định vị: “Mai Lĩnh (hay Mai Lãnh) ở huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, trên đường quốc lộ 9, ở km 40, bên sông Thạch Hãn, núi ở huyện Hướng Hoá, đầy mai vàng” 2).

Tuy nhiên, nói và viết vậy nhưng không chắc rằng các nghệ sĩ này đã từng đến Mai Lĩnh, hoặc ít nhất có một cơ hội nào đó từng đặt chân lên Non Mai.

Nhà Văn Xuân Đức trong một đề án xây dựng khu văn hoá - du lịch Mai Lĩnh của Sở VH - TT Quảng Trị đã cất công đi tìm núi Mai Lĩnh và sau một “hành trình khám phá” đầy ngoạn mục cùng nhiều dẫn liệu đầy cảm tính từ các nhân chứng và từ chính tác giả đã đi đến khẳng quyết rằng Động Ngài - ngọn núi mà thư tịch cổ gọi là Động Mang/Mang Sơn (芒山) 3) là núi Mai Lĩnh/non Mai: “Động Ngài (kể cả hòn đá vôi cao đẹp phía đầu và cả dãy động nhấp nhô kéo về tận phường Mai Lĩnh), chính là động Mai Lĩnh. Như vậy, ta có thể ghi lên bản đồ vùng đó những dãy núi chính như sau: Phía bắc và tây bắc là dãy núi Kalu, phía đông là Động Toàn, phía nam là Động Chè, tất cả bọc lấy khu Mai Lĩnh” 4).

Trong tập bản thảo “Tên những đường phố Đông Hà”, tác giả Hoàng Hữu Phong cũng định vị núi Mai Lĩnh một cách khá cụ thể nhưng đầy cảm tính: “Mai Lĩnh có đỉnh cao 118m so với mặt thuỷ hải chuẩn, nơi đó có một diện tích 38 ha là kho đá quý. Dưới chân vùng núi Mai Lĩnh có khe Động Chè, bắt nguồn từ Động Chè phía nam núi Mai Lĩnh, thường có nước quanh năm đổ về nguồn Hàn. Mai Lĩnh ở về phía tây nam và cách huyện lỵ Đakrông khoảng 3km” 5).

Công cuộc lần tìm về với Mai Lĩnh trên thực địa đã được các cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Quảng Trị (cả một số người yêu mến và tò mò về Mai Lĩnh của Trung Tâm Bảo tồn DT&DT) dưới sự hỗ trợ thông tin của những bậc cao niên và sự hướng dẫn của người những người thợ rừng, thợ sơn tràng làng Xuân Lâm, Na Nẫm (Triệu Nguyên) trong 2 đợt:

 

+ Đợt 1: Ngày 20 tháng 10 năm 2004 6). 

+ Đợt 2: Ngày 15 tháng 8 năm 2010 7).

Tìm về với núi Mai Lĩnh/Non Mai đối với những người nghiên cứu thuộc thế hệ hiện nay tuy là sự mò mẫm nhưng không có gì khó khăn nếu người muốn tìm chịu khó leo núi và chịu khó định hướng trước lối tư duy của mình. Điều này không có gì phức tạp và cũng không thể là gì khác hơn ngoài việc căn cứ vào cả hai nguồn tư liệu: văn tự và hồi cố. 

Về mặt văn tự, các nhà địa chí triều Nguyễn tuy không mô tả cụ thể về Mai Lĩnh sơn mà chỉ ghi lại một dòng ngắn ngũi, vắn tắt: “Núi Mai Lĩnh ở phía tây huyện Thành Hoá” 8) vì có lẽ không ai có điều kiện để lên đến núi này khi mà núi cao, rừng rậm, lắm thú dữ; còn nhìn từ dưới lên thì không thể dễ dàng xác định. Nhưng các bản đồ vẽ về thế sông, hình núi của từng vùng trong địa hạt Quảng Trị thì được cước chú khá rõ về địa điểm.

Bản “Thừa Thiên toàn đồ” 9) lập thời Tự Đức là tài liệu được coi là cổ nhất hiện biết có chú bằng chữ Hán khá nhiều các ngọn núi trên khắp địa hạt Quảng Trị như: Tá Linh sơn, Hắc Thạch sơn, Mang sơn, Mai Đàn sơn, An Thái sơn...; trong đó có Mai Lĩnh sơn (枚嶺山). Địa điểm của Mai Lĩnh sơn nằm về phía nam Mang sơn 芒山 (tức Động Ngài - núi thiêng của người Vân Kiều, nằm trên hữu ngạn của sông Đakrông) và về phía tây bắc của An Thái sơn 安泰山; bên hữu ngạn của Thạch Hãn giang nhưng cách một quảng khá xa chứ không sát bờ sông. Phía đông núi Mai Lĩnh là sông Thạch Hãn; hai phía bắc và tây là sông Đakrông lượn vòng.




Bản đồ “Đăng Xương, Hải Lăng nhị huyện hạt” lập thời Đồng Khánh tuy không cước chú núi Mai Lĩnh khi vẽ ngọn núi ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, được coi là nơi phát nguyên của con sông này; nhưng trong khu vực của núi có chú Mai Lĩnh phường 枚嶺坊 nằm trên sông Thạch Hãn cùng với Trinh Thạch phường 貞石坊 - hai làng Việt hình thành sớm nhất trên vùng thung lũng Ba Lòng. Bản đồ này cho thấy núi Mai Lĩnh nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Và vì có núi Mai Lĩnh nên một phường hiệu của người Việt trong quá trình chuyển đổi tên gọi đã mang tên ngọn núi. Điều này cũng cho thấy tên Mai Lĩnh sơn hầu như chỉ được các nhà địa chí triều Nguyễn (hoặc những người biết chữ Hán) đặt cho từ thế kỷ XIX (cụ thể là thời Tự Đức) với một hàm ý rất Hán; còn trước đó, núi hoặc không có tên hoặc chỉ mang một danh xưng nào đó theo cách gọi của dân gian như: Động Trăn, Động Chấn, hay động Ché. Bởi vì, trước khi được đổi thành phường Mai Lĩnh thì từ thế kỷ XVIII, đơn vị hành chính này đã mang tên phường Mai Hoa 枚花坊. Có phường Mai Hoa nhưng không có núi Mai Hoa. Vậy là cơ sở để có thể tiếp cận danh xưng của Mai Lĩnh là từ Mai Hoa. Khi có được tên núi Mai Lĩnh thì tên phường Mai Hoa cũng thay đổi theo tên núi. Hành trình ngoạn mục này chỉ xảy ra từ thời Tự Đức (vì các nhà địa chí thời Gia Long mặc nhiên đã không nói gì đến tên núi hay phường Mai Lĩnh) và do những nhà địa chí, những trí thức Hán học người Việt dựng đặt, vinh danh làm cho tên cục mịch, quê mùa dân gian Động Ché, Động Trăn... trở thành tên kiêu sa, đài các của một ngọn núi được chọn làm biểu trưng: Mai Lĩnh sơn, xứng đôi với một dòng sông vốn cũng được Hán hóa rất cao độ: Thạch Hãn giang. Điều này cũng lý giải tại sao Tá Linh sơn còn có tên là Động Voi Mẹp; Linh sơn còn có tên là Động Lòi Reng; còn Mai lĩnh sơn thì chỉ gọi là non Mai - một danh từ được đánh bóng đầy tính biểu tượng. 

“Thừa Thiên toàn đồ” và “Đăng Xương, Hải Lăng nhị huyện hạt đồ” (cùng với các bản đồ về đạo Quảng Trị trong “Đồng Khánh địa dư chí”) có thể nói là những cơ sở đáng tin cậy để đi tìm địa điểm toạ lạc của núi Mai Lĩnh. 

Hai bản sơ đồ của 2 tác giả người Pháp là Delvaux và H. Pirey khi dựng lại kiến trúc thành Tân Sở vào năm 1914 và 1942 10) có cước chú đường đi Mai Lĩnh từ Cam Lộ lên băng qua khu vực thành hướng về phía nam theo đỉnh động Ho để vượt đèo 365 vào Ba Lòng, xuống Na Nẫm, Xuân Lâm.

Động Ho nằm về phía nam thành Tân Sở và cũng là phía nam làng Lộc An (Cam Chính) vùng Cùa. Về phía nam Động Ho (Động Mặt Nạ) cũng là làng Na Nẫm, Xuân Lâm (Triệu Nguyên) nằm bên tả ngạn Thạch Hãn. Đường từ Cùa băng qua Tân Sở, vượt đèo 365 đến Bình Trị có một nhánh xuống Na Nẫm, một nhánh xuống Ba Lòng. Nhánh xuống Ba Lòng ở khu vực Làng Hạ. Nhánh xuống Na Nẫm qua sông Thạch Hãn ở làng Xuân Lâm rồi theo khe Làng An lên Mai Lĩnh đến Trại Cá (phía tây núi Mai Lĩnh, bên sông Đakrông). Con đường này từ khi có đường nối từ Quốc lộ 9 ở KM 41 vào vùng Ba Lòng thì không còn được phát huy vai trò đầy đủ của nó. Nhưng từ xa xưa và nhất là thời Pháp thì đây cũng chính là một tuyến quan trọng của con đường thượng đạo xuyên sơn. 

Đường từ Cùa vượt đèo 365 qua Ba Lòng lên Mai Lĩnh theo khe Làng An đến Trại cá do tỉnh trưởng Quảng Trị là Nguyễn Văn Đông cho mở và xây các cầu cống vượt khe vào những năm 1958 - 1959. Nguyễn Văn Đông có một đồn điền ở vùng Cùa; nay vẫn còn dấu tích một ngôi biệt thự cũ của gia đình Tỉnh Đông nằm bên trái đường đèo Cùa. Để thuận lợi cho việc khai thác gỗ, các loại lâm đặc sản từ vùng núi rừng phía tây bao la, Nguyễn Văn Đông đã cho đầu tư mở mang và thiết lập nên một con đường nối Cam Lộ với Cùa và Ba Lòng lên thượng nguồn sông Đakrông. Con đường này được hoạch định dựa trên cơ sở con đường mòn từ Cùa lên Mai Lĩnh đã hình thành từ trước đó. Đây chính là con đường thượng đạo - con đường mà ngự đoàn Hàm Nghi đã đi khi rời khỏi thành Tân Sở qua thung lũng Ba Lòng (Xuân Lâm), lên Mai Lĩnh vượt sông Đakrông sang Trại Cá (Tà Long) để lên Lao Bảo, qua Lào sau ngày 26-7-1885. 

Con đường này người dân vùng Ba Lòng quen gọi là đường Bà Cả (chị cả của Tỉnh Đông). Tuy nhiên, việc mở con đường từ Làng An đi Trại Cá thực hiện nửa chừng thì bỏ dỡ do chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Ngày nay, những người thợ rừng vùng Ba Lòng vẫn sử dụng để đi lên Động Trăn, Động Chấn, Mai Lĩnh để khai thác gỗ. Dấu tích để lại của con đường này là 4 mố cầu xây bằng đá và xi măng vượt khe còn có các tên là Cầu 1, Cầu 2, Cầu 3, Cầu 4.

_________________________________________

(1)Lương An. Non Mai sông Hãn. Tuyển tập Lương An. Nxb Thuận Hoá, Huế 2004, tr. 552.

(2)Đinh Xuân Vịnh. Sổ tay địa danh Việt Nam. Nxb Lao Động, 1996. tr. 332.

(3)Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. T1. Sđd, tr. 134.

(4)Xuân Đức. Một số ý kiến có tính chất đề dẫn tại Hội thảo về địa chỉ khu Mai Lĩnh và đề án xây dựng khu văn

(5) Hoàng Hữu Phong. Tên những đường phố Đông Hà. Hội người cao tuổi Đông Hà. Bản thảo, 2006, tr. 64.

(6) Tham gia đợt khảo sát lần này có: Lê Đức Thọ - Lê Đình Hùng - Nguyễn Quang Chức - Lê Chí Tài - Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Duy Hùng; với sự cung cấp thông tin của ông Đỗ Văn Dược, 75 tuổi và sự dẫn đường của anh Đỗ Việt Hà, 40 tuổi, người thôn Xuân Lâm.

(7) Tham gia đợt khảo sát này có: Lê Đức Thọ - Cái Thị Vượng - Nguyễn Cường - Hoàng Ngọc Thiệp - Nguyễn Thị Cẩm Lệ; với sự dẫn đường của Nguyễn Văn Quỳnh  và  Trần Văn Kỷ.

 

(Còn tiếp) 


READ MORE - NON MAI (Kỳ 1/2) - Yến Thọ