Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 19, 2014

ĐỌC “TIẾNG CHIM SÂU” , THƠ ĐỘC HÀNH - Châu Thạch




                                         
TIẾNG CHIM SÂU

Trong lùm dâm bụt tiếng chim sâu
Nó đói lòng kêu – hay nó sầu?
Đất nước thanh bình cha mẹ mất
Non sông gấm vóc bạn thân đâu?
Lao đao mấy trận thời thơ ấu
Lận đận bao phen thuở bạc đầu
Lẽ bóng ẩn hình nơi bụi rậm
Cuối đời ôm lấy một niềm đau.

ĐỘC HÀNH


 Lời bình: Châu Thạch

Múa xuân sắp đến, thi văn ngập tràn trên các trang mạng như những vườn đơm hoa tươi đẹp ngoài đời. Trong những vườn văn chương  đó có tiếng kêu nhỏ bé của con chim sâu đã làm lòng tôi rung động. 

Chim sâu là loài chim tầm thường, yếu ớt, chuyền cành trong tiếng kêu chip chip nhỏ nhoi. Nhà thơ Độc Hành đã dùng tiếng chim sâu để thay thế tiếng lòng chất chứa niềm đau, và nhờ đó âm vọng của tiếng chim nói lên biết bao tâm sự.

Vào đề với tiếng chim sâu kêu trong lùm cây dâm bụt tác giả đã nhân cách con chim sâu cũng có tâm hồn:

                   Trong lùm dâm bụt tiếng chim sâu
                   Nó đói lòng kêu- hay nó sầu?

          Hai câu thơ làm rung động lòng ta vì hình ảnh con chim bé bỏng đang kiếm ăn, nhưng nó còn làm cho lòng ta se lại vì nó biết sầu. Tác giả hỏi nhưng là khẳn định vì ai cũng biết con chim sâu là hình ảnh con người, nó không chỉ đói, không chỉ sầu mà chim sâu vừa đói vừa sầu như những mảnh đời bất hạnh .

         Bước qua hai câu trạng, con chim sâu đã biến thành người thật, vì nó mang hoàn toàn số phận của con người hẩm hiu sau cuộc chiến:

                                Đất nước thanh bình cha mẹ mất
                                Non sông gấm vóc bạn thân đâu?

          Ở câu mở tác giả đã giới thiệu con chim sâu vừa đói vừa sầu, qua câu trạng tác giả thổ lộ cái nguyên nhân mà chim sâu sầu. Cái nguyên nhân nầy chính là nỗi đau thế hệ không ai không biết, nó được gắn vào tâm trạng con chim sâu nhỏ bé làm cho lòng người cảm thấy thống thiết thêm lên.

         Hai câu luận gói trọn một đời người gian truân, và chữ “đói” dùng cho con chim sâu có thể được nhấn mạnh nơi đây:

                                Lao đao mấy trận thời thơ ấu
                                Lận đận bao phen thuở bạc đầu

        Một đời người được bao năm mà “ Lao đao mấy trận thời thơ ấu /Lận đận bao phen thuở bạc đầu” có nghĩa là mãi trầm luân không thể ngóc đầu lên . Hai câu luận mở rộng thêm nỗi buồn của con chim sâu vừa cô đơn vì không có người thân, vừa mệt mỏi vì vật lôn với đời khiến cho bóng dáng con chim sâu vô cùng đơn chiếc, đáng thương trong lùm cây dâm bụt hay đó là hình ảnh con người lầm lủi một mình nơi góc phố hoặc chốn thâm sâu. 

          Hai câu kết tác giả cho con chim sâu ẩn hình nơi bụi rậm để ôm lấy niềm đau:

                                 Lẽ bóng ẩn hình nơi bụi rậm
                                 Cuối đời ôm lấy một niềm đau.

         Đã ẩn hình nghĩa là trốn nơi bụi rậm tại sao chim còn kêu để người đời nghe được? Bởi vì nó không hót mà nó kêu nghĩa là nó đang rên rỉ. Niềm vui thì có thể dấu đi nhưng nỗi đau khó mà không rên rỉ. Con chim sâu trốn mình trong bụi rậm như con người lánh xa cuộc đời đen bạc và nó phải kêu vì đói vì đau như con người thở than vì cuộc đời đắng cay quá độ. Hai câu kết trầm xuống trong âm điệu nhưng lại ngân lên trong cõi lòng ta tiếng thơ thánh thót như tiếng chuông vọng buồn trong buổi hoàng hôn u ám của cuộc đời.

           Đặc tính của thơ Đường là cô đọng, xúc tích. Đây là một bài thơ cô đọng vì tóm lược đau buồn của cả thế hệ trong tiếng kêu chim sâu, súc tích vì chứa trong lời thơ biết bao nhiêu ý nghĩa chỉ từ một tiếng chim kêu. Độc Hành là đi một mình, có lẽ cũng giống con chim sâu cô đơn nầy vậy ./.
                                                           Châu Thạch 

READ MORE - ĐỌC “TIẾNG CHIM SÂU” , THƠ ĐỘC HÀNH - Châu Thạch

THƯƠNG NHỚ HOÀNG SA - Trường Hải Lê Văn Đông

(Cảm xúc nhân ngày tròn 40 năm Hoàng Sa bị TQ
cưỡng chiếm 19/1/1974- 19/1/2014)




Các hải đội thuyền nan thời nhà Nguyễn,
Vượt phong ba đi cắm mốc chủ quyền.
Hoàng Sa, Trường Sa – khúc ruột của đất liền,
Thăm thẳm trùng khơi nỗi niềm đau đáu!


Bao thủy thủ hùng binh hòa xương máu,
Nước biển mặn thêm vị mặn máu người!
Cốt tủy  tan lặn vào lòng trai biển,
Nuôi lớn thành châu báu gửi đời sau!


Các dân binh biển đảo sống chết có nhau,
Bởi đại dương mọi khởi nguồn bão tố.
Thương xót anh hùng, cố hương làm mộ gió,
Hồn linh thiêng về phù hộ quê nhà!


Mấy trăm năm rồi Hoàng Sa, Trường Sa ơi,
Núm ruột yêu thương của lòng Đất Việt!
Nào ngờ một ngày thư hùng quyết liệt,
Một chín bảy tư – Tàu cưỡng chiếm Hoàng Sa!


Đường lưỡi bò chín khúc chúng đặt ra,
Lè lưỡi máu kẻ tham lam lấn biển!
Năm 88, vây Trường Sa đánh chiếm,
Đảo Gạc Ma trận chiến đỏ máu người!


Tròn 40 năm đi mãi Hoàng Sa ơi,
Tên huyện đảo nay đang nằm trên giấy!
Dấu hỏi lớn xoáy vào lòng dân tộc,
Biết bao giờ quần đảo lại về ta ?

Đỉnh Sơn , 19/1/2014
Trường Hải Lê Văn Đông



READ MORE - THƯƠNG NHỚ HOÀNG SA - Trường Hải Lê Văn Đông

TÂM XUÂN - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)





TÂM XUÂN
(Thơ & trích đoạn khơi sáng tư tưởng Đại thừa)

Giọt Sương Xuân 

Giọt sương long lanh
Lấp lánh Vĩnh Hằng
Thức nhành mai dậy
Huy hoàng sắc xuân. 

***

Lễ Chùa Đầu Xuân (*)
(Thơ thiếu nhi)

Không đì đùng pháo nổ
Ngày xuân thật hiền hòa
Tiếng chuông chùa chúc Tết
Lời bình yên ngân nga

Em lên chùa lễ Phật
Cầu năm mới thiện lành
Bớt tham sân si mạn
Thêm nụ cười tâm xuân

Em lên chùa lễ Phật
Nghe chan chứa tình người
Yêu từng lời cây cỏ
Thương từng trái tim đời…

Không đì đùng pháo nổ
Ngày xuân thật hiền hòa
Tiếng chuông chùa chúc Tết
Lời bình yên ngân nga.
---
(*): “Có thể có tinh thần tôn giáo mà không theo tôn giáo
nào, tín ngưỡng nào”. (Đường về minh triết; Tuệ Thiền).
----------
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)


-----------------------------
PHẦN ĐỌC THÊM
(GÓP PHẦN KHƠI SÁNG TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA) 

* Một ngày nào đó của thiên niên kỉ thứ 3, con người sẽ hỏi đâu là sự khám phá quan trọng nhất của thế kỉ 20 đối với nền văn minh Tây phương, khi ấy câu trả lời không phải là sự khám phá ra năng lượng nguyên tử, cũng không phải là sự khám phá ra những vũ trụ song đối, mà chính là sự khám phá về trạng thái tự do tối thượng của bản thể con người. (Question de Albin Michel số 77/1989; Nguyễn Thế Đăng dịch).

* Tuyên ngôn Venise của UNESCO nói: “Khoa học hiện đại đã tiến đến một biên giới, nơi đó sự gặp gỡ của khoa học Tây phương với minh triết truyền thống tâm linh Đông phương là điều tất yếu. Sự gặp gỡ chắc chắn xảy ra đó sẽ đem lại cho nhân loại một nền văn minh mới”. (Báo Giác Ngộ số 15/1991).

* (…) Kết luận được rút ra từ thí nghiệm này là hết sức đặc biệt: con lắc Foucault điều chỉnh hành trạng của nó không phải theo môi trường tại chỗ của nó, mà là theo các thiên hà xa xôi nhất, nghĩa là theo toàn vũ trụ, bởi vì hầu hết khối lượng nhìn thấy của vũ trụ không phải nằm trong các ngôi sao ở gần mà trong các thiên hà xa xôi. Nói cách khác, cái được chuẩn bị xảy ra ở Trái đất đã được quyết định trong khoảng vô tận của vũ trụ, nghĩa là cái đang xảy ra trên hành tinh nhỏ bé của chúng ta phụ thuộc vào tổng thể các cấu trúc của vũ trụ.
   Tại sao con lắc Foucault lại có hành trạng như vậy? Cho tới nay người ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Nhà triết học và vật lí học người Áo Ernest Mach (mà tên của ông đã được dùng làm đơn vị đo các vận tốc siêu thanh) đã thấy ở đó một loại hiện diện khắp nơi của vật chất và ảnh hưởng của nó. Theo ông, khối lượng của một vật - đại lượng đo quán tính của nó, tức là khả năng chống lại sự thay đổi trạng thái chuyển động - là kết quả tác động của toàn vũ trụ lên vật này. Đây là cái mà người ta gọi là nguyên lí Mach. Khi người ta cố sức đẩy một cái xe ôtô, thì sự chống lại chuyển động của ôtô xuất phát từ toàn bộ vũ trụ. Mach chưa bao giờ trình bày một cách chi tiết sự tác động bí ẩn đó của toàn vũ trụ và sau này cũng chưa có ai làm được. Cũng giống như thí nghiệm EPR đã xác lập điều đó đối với thế giới nội nguyên tử, thí nghiệm con lắc Foucault buộc chúng ta phải chấp nhận rằng trong thế giới vĩ mô có tồn tại một mối tương tác có bản chất hoàn toàn khác với những tương tác mà vật lí hiện nay đã mô tả; tương tác này không làm xuất hiện lực và cũng như không có sự trao đổi năng lượng, nhưng nó gắn kết toàn bộ vũ trụ với nhau. Mỗi bộ phận đều mang trong nó tính tổng thể và mỗi một bộ phận đều phụ thuộc vào những bộ phận còn lại.
   (…) Sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng = trách nhiệm toàn vũ trụ. Một phương trình thật cân bằng.
   (…) William Blake đã diễn tả một cách hoàn hảo tính tổng thể của vũ trụ bằng các câu thơ sau:
   “Trong hạt cát ta thấy cả vũ trụ
    Trong đóa hoa dại ta thấy cả thiên đường
    Nắm cái vô hạn trong lòng bàn tay
    Và sự vĩnh hằng trong khoảnh khắc”.
(Trịnh Xuân Thuận-nhà vật lí thiên văn. “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”; đồng tác giả: Mathieu Ricard; Phạm Văn Thiều & Ngô Vũ dịch). 

* Nền vật lí này bây giờ đã thấy vũ trụ là một mạng lưới với những liên quan vật chất và tâm linh chằng chịt, mà các phần tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể. (Fritjof Capra-nhà vật lí học. “Đạo của vật lí”; Nguyễn Tường Bách dịch).

* Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng: “Nếu người ta xem xét Thượng Đế không phải trên phương diện thần thánh cá nhân, mà là với tư cách là nền tảng của bản thể, thì các phẩm chất như lòng vị tha có thể được gắn với nền tảng thiêng liêng này của bản thể. Nếu người ta phải hiểu Thượng Đế theo cách này thì sẽ có thể xác lập được những mối quan hệ gần gũi giữa một số yếu tố của tư duy và sự thực hành Phật giáo”. (Mathieu Ricard-nhà sinh học, tu sĩ Phật giáo. Sách đã dẫn-đồng tác giả: Trịnh Xuân Thuận).

* Tất cả các tôn giáo đều gọi tên Thượng Đế theo ngôn ngữ của mình. (Simone Weil-nhà triết học, nhà thần bí học Kitô giáo).

* Các nhà khoa học cũng đang quay lại và hướng sự tập trung vào việc tìm hiểu cách thức suy nghĩ và trạng thái của chúng ta thực sự ảnh hưởng đến lực từ trường bên trong và xung quanh chúng ta. (Karen Nesbitt Shanor-tiến sĩ sinh học.”Trí tuệ nổi trội”; Vũ Thị Hồng Việt dịch).

* Masuru Emoto và các cộng sự đã phát hiện ảnh hưởng của năng lượng tâm ý đối với cấu trúc và chất lượng nước dùng làm thí nghiệm. (Báo Giáo Dục & Thời Đại Chủ Nhật số 47 năm 2006).

* (…) Ở đây chúng ta có thêm một chứng minh là tất cả chúng ta được kết nối với nhau trong cùng một trường ý thức. Các đặc tính của trường này vận hành lúc này và ở đây:
   Trường hoạt động như một tổng thể.
   Nó liên kết các sự kiện cách xa ngay tức thời.
   Nó nhớ mọi sự kiện.
   Nó tồn tại ngoài thời gian và không gian.
   Nó sáng tạo toàn vẹn bên trong mình.
   Sáng tạo của nó lớn lên và mở rộng theo hướng tiến hóa.
   Nó là ý thức.
   (…) Trường ý thức là cơ sở của mọi hiện tượng trong tự nhiên bởi vì khe hở tồn tại giữa mọi electron, mọi ý nghĩ, mọi khoảnh khắc thời gian. Khe hở là điểm khống chế, sự tĩnh lặng ở tâm của sáng tạo, nơi vũ trụ liên kết mọi sự kiện.
    (…) Chúng ta cần nhớ nguồn gốc chung của mình. Tinh thần con người suy thoái khi chúng ta hạn chế mình trong một kiếp người và giam trong một thể xác. Trước hết chúng ta là tâm trí và tinh thần, và điều đó đặt ngôi nhà của chúng ta ra sau các vì sao. (Deepak Chopra-tiến sĩ y học, nhà nghiên cứu tâm linh. “Sự sống sau cái chết: gánh nặng chứng minh”; Trần Quang Hưng dịch).

* Nếu giác ngộ đã làm cho toàn thể vũ trụ rung chuyển sáu cách khác nhau như kinh chép, thì vô minh khi chưa bị hàng phục ắt vẫn có đủ thần lực ấy, dầu rằng vì bản chất và hiệu lực, thần lực ấy diễn ngược lại hẳn với giác ngộ. (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả. “Thiền luận I”; Trúc Thiên dịch).

* (…) Sự sống và cái chết thay đổi luôn là để nhanh chóng thay con người độc ác, ích kỉ và hám danh bằng một người khác với hi vọng, sau khi con người ở Cõi kia bị thần linh “trừng phạt” sẽ đầu thai tái sinh trở thành người tốt hơn, thiện hơn. Vì vậy có lẽ huyền thoại  về địa ngục và thiên đường có cơ sở.
   (…) Thầy Đa-ram nói: Năng lượng linh hồn là năng lượng ở ngoài electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra động đất, rơi thiên thạch….
   (…) Chúng ta cần nhớ rằng, lòng thiện và tri thức sẽ thúc đẩy quá trình hiện thực hoá dự báo tích cực về sự phát triển của loài người; còn cái ác và thói hám quyền có thể dẫn đến thảm hoạ toàn cầu trong tương lai, kể cả ngày tận thế, hoặc tạo điều kiện phát triển yếu tố thụt lùi, dẫn đến hoá hoang.
   (…) Tôi tin rằng, trong tương lai, những lực lượng tích cực trên Trái đất sẽ áp đảo lực lượng tiêu cực và sẽ không có thảm hoạ toàn cầu. (Erơnơ Munđasep-giáo sư tiến sĩ y học, nhà bác học lớn quốc tế. “Chúng ta thoát thai từ đâu”; Hoàng Giang dịch).

* Muốn chuyển hoá thế giới, chuyển hoá sự khốn khổ, chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tất cả sự hỗn loạn khắp nơi thì chúng ta phải chuyển hoá chính bản thân mình. Cuộc cách mạng (tâm lí)  phải bắt đầu được nhóm dậy trong chính tâm tư mình, chứ không phải lệ thuộc vào bất cứ tín ngưỡng hay ý thức hệ nào (…). (Jiddu Krishnamurti-danh nhân giác ngộ. “Tự do đầu tiên và cuối cùng”; Phạm Công Thiện dịch).

* Mười phương thế giới thu vào một điểm hiện tiền; quá khứ, hiện tại, vị lai tụ trong một niệm đương thời. Dù ở giữa hàng chư thiên cũng không có niềm vui nào so được với đây; ở loài người lại càng hiếm lắm. Sự tiến bộ như thế trong đời sống tâm linh có thể thâu đạt được chỉ trong vài bữa, nếu hành giả dốc lòng tu tập. (Bạch Ẩn-thiền sư. Trích trong Thiền Luận II; Daisetz Teitaro Suzuki; Tuệ Sỹ dịch).

* Tột trước cùng sau trở về niệm hiện tiền. (Kinh Lăng Già Tâm Ấn; Thích Thanh Từ dịch).

* Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác. (Kinh Viên Giác). (Tri huyễn là nghe và thấy rõ mọi động niệm của tâm ý. Nghe và thấy rõ vọng tưởng thì vọng tưởng tự tịnh, tánh Viên Giác hiện tiền.- “Thiền tịnh tự tri”; Tuệ Thiền; 4phuong.net).

* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.
   (…) Viên mãn “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung cho hoà bình, công bằng, nhân ái - thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với người.
   (…) “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
   (…) Không tôn trọng phương tiện thăng hoa tâm linh của người khác thì chưa có tâm thái hòa bình và tỉnh thức. (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn).      

READ MORE - TÂM XUÂN - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

LÁ THƯ XUÂN 1969

 


Chiều hôm qua lúc dừng quân đầu núi
Thấy mai vàng hé nở đón xuân sang
Nhìn mây trôi đôi én cánh nhịp nhàng
Anh nhớ lại ;  thế là xuân sắp về rồi đó
Chắc mấy hôm nay em của anh thường ra đầu ngõ
Đón anh về và trông anh lắm phải không
Thấy bóng ai là tim hồi hộp phập phòng
Ngỡ anh đã mang quà về cho em đó
Xuân vẫn sang mùa xuân không pháo nỗ
Mười mấy xuân rồi đất nước vẫn loạn ly
Thôi đi em đừng trông đợi làm gì
Chắc anh sẻ đón xuân ngoài tiền tuyến
Xuân đến kia ôi; mùa xuân còn chinh chiến
Thì cảnh chia ly còn nhiều lắm em ơi
Vẫn biết em trông đợi nhớ nhiều rồi
Nhưng đành chịu biết làm sao em hỡi
Vui lên nghe xin em đừng hờn dỗi
Bảo không về không chừa bánh cho đâu
Giờ anh đang trấn giữ ở tuyến đầu
Nhưng vẫn nhớ thương em nhiều lắm đó
Anh chưa về ai dìu em đi phố
May áo dài mua quà tết cho em
Ai bên em tâm sự lúc lên đèn
Ai đưa đón dẫn dìu em đi lể
Thưở chiến chinh phận làm trai là thế
Quên tình nhà vì nợ nước em ơi
Lửa binh đao đang cháy đỏ lưng trời
Thôi xin hẹn xuân sau mình tái ngộ.

                      Vĩnh – Hoàng
                      Xuân Kỷ Dậu
                           1969

              
READ MORE - LÁ THƯ XUÂN 1969

HÀ-GIANG XUÂN VỀ - thơ Huy Uyên



Băng, sương muối Hà-giang lưng đồi
em một mình đứng bên vách đá
mùa xuân về cổng-trời
Sa-mộc chiều hoa chớm nở .

Em chấm vào tim người cho không thương nhớ
xót xa tình ai đợi mãi chưa về
xóm vắng đen nhà hắt hiu mờ tỏ
con gái M'nông hồn hậu tắm cùng khe .

Mèo-vác cuối đông chùng sương
người ngồi vây quanh bếp lửa
tha thiết nhớ ai cuối năm
xao xuyến trong lòng
ngoài vườn xuân núp bên mép cửa .

Rượu ngô say la-đà mâm mèn-mén
nữa đêm nói chuyện yêu người
ngồi lại cùng nhau nơi biên-viễn
thương ai ngoài gió lạnh sương rơi .

Săm-pun đường xa cả ngày mới tới
ngày cũ xưa máu đổ đạn thù
bỏ lại rừng bao nhiêu đồng đội
Hà-giang máu trào hận ngàn thu .

Nỗi niềm thương biết mấy Hà-giang
Sùng-trà hẹn người trở lại
Khâu-vai mãi đợi chờ những cặp tình-nhân
Xa lắm giọng buồn Mã-pí-lèng mây khói .

Em mãi chảy theo giofng Nho-quế
hoang dại đêm soi bóng ngực trần
dưới trăng em lặng buồn chải tóc
vách đá trên cao bổng giận-hờn hơn .

Tết em về sông Lô
dãi lụa xanh vắt ngang núi Cấm
cây rừng chuyện trò cùng mây
hắt hiu đường về còn xa , xa lắm .

Dưới đồi nhà sàn ai ánh đèn leo lét
bên rừng đám ruộng mây giăng
Nên Hà-giang chiều đi không hết
Hồ-noong lung linh
cuối ngày đội dù em sang .

Hà-giang treo nữa giấc mơ lên trời
Cô-tiên tắm trần miền Quản-bạ
đào tiên giờ bay quanh trời chơi vơi
tay người dịu ngọt sờ hai dòng sữa .

Hà-giang ruộng đồi chạy quanh chân núi
em ở lại đây trải tình theo sương
mây về rồi sao mà xuân quá vội
bỏ lại mình ai xa xót bên đường .



Huy Uyên
READ MORE - HÀ-GIANG XUÂN VỀ - thơ Huy Uyên

TÌNH SI - thơ Đan Thụy



Xuân bên em
Mai có vàng nụ thắm
Xuân ở đây
Đào sớm nhuộm hoa hồng
Xuân nồng nàn sắc hương hoài cảm
Tóc hoàng hôn sương ướt mỏng manh hồn

***

Em dấu điều gì trong nỗi nhớ
Hàng mi hờ khép chút riêng tư
Xa xăm quá!
Ngày xưa trong ký ức
Dấu yêu không về
Rưng rức giọt vu vơ

***

Em dấu điều gì trong tim nhỏ
Cắn hạt buồn ngơ ngác dáng xuân phai
Xô anh vào vũng lầy đau nắm nuối
Thăm thẳm sâu đêm lửng đợi ban mai

***

Ta yêu em
một tình yêu rất thật
Mối tình câm ngay ngáy tháng năm chờ…
Dấu tình từ mắt tròn xoe ánh chớp
Khắc dại khờ
trong cung bậc tình si ...

Đan Thuỵ


Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh Cosinco
Hoà Thành - Tây Ninh
ĐT 0918266282
Email : damhaitn@gmail.com 
ĐT : 0918266282

READ MORE - TÌNH SI - thơ Đan Thụy

Thơ Trúc Thanh Tâm - KHÔNG THỂ CHẾT NHỮNG CON NGƯỜI THỰC CHÂT



Không thể thiếu những cội nguồn dân tộc
Không thể thiếu chất nhựa trong cây
Không thể thiếu những con tim và khối óc
Đã đấu tranh, nuôi dưỡng thế hệ nầy ! 

Không thể để vườn hoa đầy cỏ dại
Không thể để tàn cây che nắng mặt trời
Phải sống với cuộc đời bằng tuổi trẻ
Cho nụ cười nở mãi những bờ môi !

Không thể thiếu những tình yêu nồng cháy
Không thể thiếu tình người dù hạnh phúc, thương đau
Không thể ví cuộc đời như tặng phẩm
Đem trưng bày và biếu xén lẫn nhau !

Không thể thiếu lòng nhân và chất xám
Hãy yêu người như thuở mới yêu nhau
Không thể chết những con người thực chất
Cho bây giờ và cho cả mai sau !


TRÚC THANH TÂM
READ MORE - Thơ Trúc Thanh Tâm - KHÔNG THỂ CHẾT NHỮNG CON NGƯỜI THỰC CHÂT

TỰ CẢM CUỐI NĂM - La Thuỵ


                        
    
                                    
                                       
 
               TỰ CẢM CUỐI NĂM
 
         Dặm trường rong ruổi ngựa phi
  Thời gian vút cánh xuân thì hụt hao
         Chồn chân dừng bước bên cầu
   Lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
         Cánh buồm lộng gió ước mơ
   Băng qua sông biển cập bờ nơi nao ?
         Vọng âm sóng vỗ dạt dào
   Bên chiều đông tận nắng đào dần phai
         Hoa tóc sương muối đang cài
   Tàn niên tự cảm thoảng bay tiếng lòng 
                                               La Thuỵ
 
READ MORE - TỰ CẢM CUỐI NĂM - La Thuỵ