TIẾNG CHIM SÂU
Trong lùm dâm bụt tiếng chim sâu
Nó đói lòng kêu – hay nó sầu?
Đất nước thanh bình cha mẹ mất
Non sông gấm vóc bạn thân đâu?
Lao đao mấy trận thời thơ ấu
Lận đận bao phen thuở bạc đầu
Lẽ bóng ẩn hình nơi bụi rậm
Cuối đời ôm lấy một niềm đau.
ĐỘC HÀNH
Lời bình: Châu Thạch
Múa xuân sắp đến, thi văn ngập tràn trên các trang mạng như những vườn đơm hoa tươi đẹp ngoài đời. Trong những vườn văn chương đó có tiếng kêu nhỏ bé của con chim sâu đã làm lòng tôi rung động.
Chim sâu là loài chim tầm thường, yếu ớt, chuyền cành trong tiếng kêu chip chip nhỏ nhoi. Nhà thơ Độc Hành đã dùng tiếng chim sâu để thay thế tiếng lòng chất chứa niềm đau, và nhờ đó âm vọng của tiếng chim nói lên biết bao tâm sự.
Vào đề với tiếng chim sâu kêu trong lùm cây dâm bụt tác giả đã nhân cách con chim sâu cũng có tâm hồn:
Trong lùm dâm bụt tiếng chim sâu
Nó đói lòng kêu- hay nó sầu?
Hai câu thơ làm rung động lòng ta vì hình ảnh con chim bé bỏng đang kiếm ăn, nhưng nó còn làm cho lòng ta se lại vì nó biết sầu. Tác giả hỏi nhưng là khẳn định vì ai cũng biết con chim sâu là hình ảnh con người, nó không chỉ đói, không chỉ sầu mà chim sâu vừa đói vừa sầu như những mảnh đời bất hạnh .
Bước qua hai câu trạng, con chim sâu đã biến thành người thật, vì nó mang hoàn toàn số phận của con người hẩm hiu sau cuộc chiến:
Đất nước thanh bình cha mẹ mất
Non sông gấm vóc bạn thân đâu?
Ở câu mở tác giả đã giới thiệu con chim sâu vừa đói vừa sầu, qua câu trạng tác giả thổ lộ cái nguyên nhân mà chim sâu sầu. Cái nguyên nhân nầy chính là nỗi đau thế hệ không ai không biết, nó được gắn vào tâm trạng con chim sâu nhỏ bé làm cho lòng người cảm thấy thống thiết thêm lên.
Hai câu luận gói trọn một đời người gian truân, và chữ “đói” dùng cho con chim sâu có thể được nhấn mạnh nơi đây:
Lao đao mấy trận thời thơ ấu
Lận đận bao phen thuở bạc đầu
Một đời người được bao năm mà “ Lao đao mấy trận thời thơ ấu /Lận đận bao phen thuở bạc đầu” có nghĩa là mãi trầm luân không thể ngóc đầu lên . Hai câu luận mở rộng thêm nỗi buồn của con chim sâu vừa cô đơn vì không có người thân, vừa mệt mỏi vì vật lôn với đời khiến cho bóng dáng con chim sâu vô cùng đơn chiếc, đáng thương trong lùm cây dâm bụt hay đó là hình ảnh con người lầm lủi một mình nơi góc phố hoặc chốn thâm sâu.
Hai câu kết tác giả cho con chim sâu ẩn hình nơi bụi rậm để ôm lấy niềm đau:
Lẽ bóng ẩn hình nơi bụi rậm
Cuối đời ôm lấy một niềm đau.
Đã ẩn hình nghĩa là trốn nơi bụi rậm tại sao chim còn kêu để người đời nghe được? Bởi vì nó không hót mà nó kêu nghĩa là nó đang rên rỉ. Niềm vui thì có thể dấu đi nhưng nỗi đau khó mà không rên rỉ. Con chim sâu trốn mình trong bụi rậm như con người lánh xa cuộc đời đen bạc và nó phải kêu vì đói vì đau như con người thở than vì cuộc đời đắng cay quá độ. Hai câu kết trầm xuống trong âm điệu nhưng lại ngân lên trong cõi lòng ta tiếng thơ thánh thót như tiếng chuông vọng buồn trong buổi hoàng hôn u ám của cuộc đời.
Đặc tính của thơ Đường là cô đọng, xúc tích. Đây là một bài thơ cô đọng vì tóm lược đau buồn của cả thế hệ trong tiếng kêu chim sâu, súc tích vì chứa trong lời thơ biết bao nhiêu ý nghĩa chỉ từ một tiếng chim kêu. Độc Hành là đi một mình, có lẽ cũng giống con chim sâu cô đơn nầy vậy ./.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment