Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, November 1, 2014

CẢM XÚC KHI XEM BỘ PHIM - thơ Hồng Tâm



Cảm Xúc Khi Xem Bộ Phim

Một bộ phim tôi đã xem rồi
Có những cảnh khóc cười, dang dở
Có những cảnh biệt ly đau khổ
Bởi chiến tranh khói lửa mịt mù

Anh lính về!
Tìm người yêu, đồng đội năm xưa
Bên mộ người tình lòng hoá đá
Cuộc chiến tranh lấy đi tất cả
Một tình yêu hứa hẹn đợi chờ

Đồng đội anh biết tìm nơi nao
Nhớ ngày xưa chia đôi từng điếu thuốc
Một chén cơm ngon buồn vui chia sẻ
Các Anh đi mãi mãi không về

Tôi tưởng anh xoá hết nỗi sầu
Dưới mái nhà lòng anh quặn thắt
Trái tim anh! Như có ai bóp chặt
Đứa con thơ không biết nói cười

Xem phim xong, lòng thoáng ngậm ngùi
Khi chiến tran, đất nước mình chia cắt
Sau cuộc chiến người còn kẻ mất
Để vết thương sâu suốt cuộc đời

Phim hết rồi! Tôi hiểu tình thương
Yêu quê mình, yêu tấm bản đồ chữ S
Tôi yêu lắm con người nước Việt
Giống Rồng Tiên, con cháu vua Hùng

Hồng Tâm
(Điện thoại: 01285990757).
Hội viên hội Văn học nghệ thuật huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Địa chỉ: 46 ấp Rừng Dầu xã Tiên Thuận huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh.
Email: lyminhly456@gmail.com.
READ MORE - CẢM XÚC KHI XEM BỘ PHIM - thơ Hồng Tâm

ĐOÁN SỐ TỬ VI KHOA HỌC KHOA HỌC HAY MÊ TÍN? - Nguyễn Hồng Trân

            


ĐOÁN SỐ TỬ VI KHOA HỌC KHOA HỌC HAY MÊ TÍN?
                             
       Môn phái "số tử vi" (STV) từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam ta từ thủa xa xưa và cũng không ai biết được chính xác nó đã xuất hiện ở nước ta vào thời kỳ nào. Tuy vậy, qua các sách vở lưu truyền lại, người ta cũng đã biết ông Tổ sư của môn phái STV này là do ông Trần Đoàn tức là Hi Di Tử thời nhà Tống Trung Quốc (năm 966-980) sáng lập ra. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Qúy Đôn cũng xác nhận như thế. Về sau, các nhà Tử Vi học cứ diễn dịch, triễn khai dần dần thành một môn Tử Vi chính thống. Ở Việt Nam ta cũng xuất hiện một số sách về STV của các tác giả như Vân Đằng Thái Thử Lang, Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Mạnh Bảo v.v...

       Cách thức lập lá số và phép luận giải rất bài bản, công phu. Cơ sở phương pháp luận của STV  là dựa vào thuyết "ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH". Do đo,vấn đề STV làm cho nhiều người xưa và nay càng thêm quan tâm tìm hiểu. 

      Thực ra vấn đề STV có hay, dở ra sao còn phụ  thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố khả năng, tài nghệ của người lý giải. Còn về mặt khoa học nó đạt mức độ nào cũng chưa ai đánh giá, tổng kết một cách khách quan, sát thực.

      Theo quan điểm của các nhà chiêm tinh học Trung Quốc đã cho hay rằng: mỗi con người ta sinh ra trong một thời điểm nào đó (năm, tháng, ngày, giờ  âm lịch) thì đều có các vì sao tương thích trong vũ trụ tác động vào cơ thể của người ấy và làm ảnh hưởng đến toàn diện cuộc đời nhân sinh về trí tuệ, tình cảm, sức khỏe, sở trường v.v... Từ đó, các nhà Tử Vi học đã nghiên cứu , sắp xếp và quy định được 14 vì sao chính và 97 sao phụ. Tất cả các loại sao đều được phân vị theo quy tắc kết hợp hoặc riêng biệt và tác động lên 12 cung đời của từng người trong bản đồ lá STV. Đó là các cung:   Bổn mệnh, Phụ mẫu, Phúc đức, Điền trạch, Quan lộc, Nô bộc, Thiên di, Ách tật, Tài bạch, Tử tức, Phu thê, Huynh đệ .
  
       Cung mệnh được an vị đầu tiên theo tháng và giờ sinh, còn các cung sau lần lượt theo chiều thuận kim đồng hồ mà định vị trong từng ô của lá số theo thứ tự: mệnh, phụ mẫu, phúc đức ... còn có cung thân không cố định riêng,là cung ngụ cư tại một cung nào đó, tuỳ theo đặc điểm của lá số Cung thân an vị cũng theo tháng và giờ sinh như cung mệnh chỉ khác là chiều tính giờ thì ngược lại.

       Các sao chính có 14 sao. Sao Tử  vi làm chủ hệ. Nó được an vị theo ngày sinh và phụ thuộc vào bản cục của đương số còn các sao khác phụ thuộc vào sao Tử Vi và định cư theo quy tắc riêng. Thí dụ: Sao Thiên phủ bao giờ cũng ở vị trí đối xứng qua đường chéo Dần - Thân của lá số. Nếu Tử Vi ở Tý thì Thiên phủ ở Thìn; Tử vi ở Tuất thì Thiên phủ ở Ngọ v.v... 14 sao chính được sắp xếp thành  hai vòng trong các ô của lá số.

      Vòng thứ  nhất bắt đầu từ sao Tử Vi (cách 3 ô) đến sao Liêm trinh (cách 2 ô)đến sao Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương (cách 1 ô) đến Thiên Cơ. Vòng thứ hai từ sao Thiên Phủ; tiếp Thái  m, Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát (cách 3 ô) đến Phá Quân.

      Các sao phụ có nhiều loại như Tả Phù, Hữu Bật, Văn Xương, Văn Khúc, Tuần, Triệt v,v... mỗi loại sao an vị theo cách riêng của nó.

      Quá trình luận giải lá STV gồm 2 bước: Bước đầu là sơ giải, bước sau là tinh giải. Bước sơ giải là xem xét yếu tố Sinh - Khắc giữa bản Cục và bản Mệnh như thế nào. Nếu Cục sinh Mệnh thì Mệnh thịnh Vượng. Thí dụ: Cục  Hỏa, Mệnh Thổ; Nếu Cục khắc Mệnh thì Mệnh suy. Thí dụ: Cục Thủy, Mệnh Hỏa. Sau đó phải xem sao Tử Vi đóng ở cung nào để biết ý nghĩa thuộc tính thuận nghịch ra sao ? Nếu sao Tử  Vi đóng tại cung Tý, Hợi, Mão, Dậu là bình địa (tức là bình thường); tại Sửu, Mùi là đắc địa (thuận lợi); tại Thìn, Tuất là vượng địa (khá thuận lợi);tại Dần, Thân, Tỵ Ngọ là Miếu địa (rất thuận lợi). Còn 13 sao chính khác thì có thêm thuộc tính hãm địa (bất lợi).

      Trong bước sơ giải này cũng phải liên hệ với các cung đời(Mệnh, Phụ, Phúc...) cung chi (Tý, Sửu, Dần, Mão...) để có được những thông tin về ý nghĩa.

      Lưu ý rằng: các cung chi thì luôn luôn cố định, còn các cung đời thì di động tùy thuộc vào cung mệnh mà các cung khác xếp đặt liên tiếp theo sau (như đã nêu ở trên). Riêng cung Thân là cung ngụ cư vào một cung khác nào đó thì phải chịu ảnh hưởng lớn vào cung ấy. Chẳng hạn Thân cư ở cung Mệnh  thì có nghĩa bản thân tự lập, tự làm nên sự nghiệp; nếu Thân cư ở cung Thê thì được nhờ vợ, phụ thuộc nhiều vào vợ, vợ định đoạt mọi việc trong nhà; Thân cư ở cung Quan lộc là nhờ vào con đường công danh, sự nghiệp mà phát đạt, có uy quyền tín nhiệm. Thông thường cung Thân được luận giải cho người từ 30 tuổi trở lên.

       Sang bước thứ hai là bước tinh giải. Bước này là giải tỷ mỷ, phải cân nhắc mức độ ảnh hưởng của từng sao chính và sao phụ ở trong từng cung, kết hợp với các phép xung chiếu, hợp chiếu để giải đóan. Trong đó quan trong nhất là xung chiếu (tức là dựa vào các sao có trong cung đối xứng qua tâm lá số).  Thí dụ: cung xung chiếu của cung Dần là cung Thân. Quá trình luận giải từng cung đời chủ yếu là phân tích ý nghĩa của từng sao trong cung chủ định rồi liên hệ với tính chất các sao trong xung chiếu rồi tổng hợp lại thành nội dung của vấn đề giải được. Chẳng hạn về cung Mệnh, Thân thì phải giải được về cốt cách, tinh thần, tính tình, vận mệnh, thọ yểu ra sao; cung Ách  tật thì giải xem về sức khỏe, bệnh tật, tai họa ở mức độ nào; cung Tử tức là xem con cái nhiều ít, con đầu trai hay gái, con cái dễ nuôi hay khó nuôi, có được nhờ con cái không v.v...
            
      Sau khi giải xong 12 cung đời là giải sang Đại hạn (10 năm) và Tiểu hạn (1 năm) để biết một số điều tác động đáng kể trong vòng hạn đó đến bản thân như thế nào...
            
     Qua gần 20 năm quan tâm tìm hiểu và luận giải STV cho nhiều người để nghiên cứu thực chất của vấn đề này, chúng tôi thấy rằng: tỷ lệ giải đúng theo sách so với thực tế chỉ đạt tới khoảng 60%  là cao nhất (đối với các cung Mệnh, Thân, Quan lộc, Tài bạch, Thiên di, Ách tật); các cung khác chỉ đúng khoảng 50% . Riêng các cung Phụ Mẫu, Phúc đức, Điền trạch tỷ lệ đúng là thấp nhất, chỉ độ 30%  mà thôi. Xin nêu dẫn chứng một trường hợp kỳ lạ là kết quả giải 2 lá STV cho hai anh em ruột mà một người thì bố mẹ thọ bách niên giai lão, còn người kia thì bố chết sớm, mẹ đi thêm bước nữa.
            
      Qua những thực tế mâu thuẫn đó, chúng tôi thấy rằng về cách thức luận giải lá STV theo sách vở xưa và nay của Tàu và ta thì thấy rằng vẫn có một cái gì đó chưa ổn. Những kết quả của luận giải có nhiều chỗ mâu thuẫn với thực tế của cuộc đời. Mặc dù quy trình tạo lập lá số và cách thức luận giải nội dung rất là bài bản; có quy tắc chặt chẽ, rõ ràng. Chính nhờ đó mà các nhà toán tin học của Việt Nam ngày nay đã tiến hành lập trình, tạo ra được các phần mềm chấm STV chạy được trên các máy vi tính hiện nay. Một trong những phần mềm STV có giao diện màn hình lá STV đầu tiên là phần mềm cuả Bảo Trân (ở Canada). Nhưng tiếc thay về phần luận giải lá số thì khó mà tin được. Vì kết quả giải ra thường cứ trùng lặp, giống nhau nhiều về nội dung trong những lá số khác nhau. Có lẽ "từ điển giải mã" của các nhà Tử vi học ngày xưa vẫn còn có những chỗ khiếm khuyết mà lâu nay chưa ai đủ điều kiện nghiên cứu thật sâu để bổ sung hoàn chỉnh. Cũng không phải vì thế mà chúng ta nghi ngờ rằng STV  là phương sách giả tạo của các nhà chiêm tinh học phong kiến thời xưa để nhằm ổn định tâm lý, đạo đức cho mọi người trong xã hội. Bởi vì các nhà Tử vi học không dễ dàng gì mà đánh lừa được nhiều nhà thông thái trong xã hội. Qua thực tế, cái gì thực sự  nghiệm đúng được nhiều thì người ta mới tin tưởng và nó mới tồn tại được  lâu dài. Chẳng hạn chuyện thực về Trần Thái Tông đã giải đoán STV và biết trước đuợc ngày mất của mình là ngày mồng một tháng tư năm Đinh Sửu (1277)[Sách Đại Việt sử kí toàn thư quyển V, trang 39]. Mặt khác, cũng không phải vì một số điều giải đoán STV chính xác với thực tế mà chúng ta quá sùng bái STV đến mức mê tín. Từ đó dễ sinh ra những tâm lý lo âu, sợ hãi hoặc vui sướng, lạc quan hão huyền. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đến hạnh phúc gia đình và quan hệ  bà con, bạn bè trong xã hội. 
           
      Trải qua thực tế nhiều năm khảo sát, nghiên cứu vấn đề giải đoán STV, chúng tôi xin mạnh dạn nêu lên mấy ý kiến sau đây:
           
     * Môn phái Tử vi học, theo chúng tôi nghĩ là nó có tính khoa học. Bởi vì nó dựa theo phương pháp luận là thuyết âm dương ngũ hành phương Đông - Thuyết này đã được nhiều Hội đồng khoa học của các nước thừa nhận và đã ứng dụng vào y dược học, châm cứu, luyện tập dưỡng sinh, trong lịch pháp, trong thời vụ nông nghiệp v.v... có hiệu quả.
           
    * Cách luận giải STV có vẻ thâm thúy nhưng chưa tạo được những mạch tư duy lôgích giữa những diễn biến của các vấn đề khi luận giải. Do vậy, có nhiều trường hợp phát sinh mâu thuẫn thì không giải quyết được. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì ngày xưa những thầy Tử vi học viết sách luận giải theo chủ quan suy đoán  của mình. Lúc đó chưa đủ các điều kiện về phương pháp toán học như bây giờ để rà xét lại những kết quả giải đoán mà hoàn chỉnh và tối ưu hóa dần.
            
    * Ngày nay, chúng ta có thuận lợi về các phương tiện hiện đại thì có thể đi sâu để tìm ra được bản chất của vấn đề. 
            
      Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian không xa nữa, những ai đã quan tâm đến vấn đề này thì cùng nhau hợp lực nghiên cứu để có thể đi đến thống nhất được ý kiến về giải đoán STV là khoa học hay là mê tín. Hiện nay thì tôi vẫn cho rằng giải đoán STV là còn bí ẩn khó hiểu và chỉ mang màu sắc khoa học mà thôi.

                                                            Nguyễn Hồng Trân
           



READ MORE - ĐOÁN SỐ TỬ VI KHOA HỌC KHOA HỌC HAY MÊ TÍN? - Nguyễn Hồng Trân

NGÀY VỀ - Thơ Mai Hoài Thu, nhạc Vĩnh Điện, ca sĩ Ngọc Quy

READ MORE - NGÀY VỀ - Thơ Mai Hoài Thu, nhạc Vĩnh Điện, ca sĩ Ngọc Quy

NÉN NHANG GỞI NHÀ THƠ KIÊN GIANG - thơ Trúc Thanh Tâm



Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014)


NÉN NHANG GỞI NHÀ THƠ KIÊN GIANG

Chiếc lá cuối thu vừa mới rụng
Gió mang hơi hướm của mùa xưa
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Áo cưới ai bay trước cổng chùa

Đời đen đủi như tiền và lá
Vẫn nặng lòng người đẹp bán tơ
Cánh cò trắng muốt miền thơ ấu
Sông nước Kiên Giang mấy điệu hò

Anh đi bỏ lại trời dâu bể
Giang hồ khép lại kiếp tài hoa
Chiều nay bìm bịp kêu nước lớn
Thương đất An Biên - Hà Huy Hà

Xin đốt nén nhang tình tri kỷ
Sài Gòn nhớ lắm những chiều mưa
Vỉa hè góc phố vài ly đế
Nhìn áo em bay giữa gió lùa !

31.10. 2014

TRÚC THANH TÂM
READ MORE - NÉN NHANG GỞI NHÀ THƠ KIÊN GIANG - thơ Trúc Thanh Tâm

LÚA SẠ MIỀN NAM - thơ Phan Minh Châu




LÚA SẠ MIỀN NAM
(Kính viếng hương hồn nhà thơ KIÊN GIANG)

HOA TRẮNG THÔI CÀI LÊN ÁO TÍM 
HỒI TRỐNG TRƯỜNG LÀNG cứ chảy miên man
Một thời LÚA SẠ MIỀN NAM
QUÊ HƯƠNG THƠ ẤU con tằm chăn tơ
ÁO CƯỚI TRƯỚC CỔNG CHÙA xưa
Tiếng chuông thánh lễ buổi đưa tiễn người.
MEN RỪNG PHẤN LÁ rưng rưng
MÀU CHIỀU XUYÊN NGUYỆT THÔN từng xót xa
Thương từ NGƯỜI ĐẸP BÁN TƠ
NGƯU LANG CHỨC NỮ, CON ĐÒ THỦ THIÊM.
Để SƯƠNG PHỦ NỬA CHỪNG XUÂN
CHÉN CƠM SÔNG NÚI mịt mùng trăng pha
CHIA ĐỀU HẠNH PHÚC xót xa
Theo DÒNG NƯỚC NGƯỢC bôn ba chợ đời
LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ gương soi
Ông đi để lại hình hài KIÊN GIANG.

(Chữ in là tác phẩm của ông)

PHAN MINH CHÂU
2/6 LÊ HỒNG PHONG NHA TRANG KHÁNH HÒA

d.đ 0922992662
READ MORE - LÚA SẠ MIỀN NAM - thơ Phan Minh Châu

“HOA BẦN THÔI RỤNG XUỐNG PHÙ SA” - Lê Trúc Khanh


“HOA BẦN THÔI RỤNG XUỐNG PHÙ SA” 


Lê Trúc Khanh


1. 

Tôi làm quen với “Chương trình thi văn Mây Tần” trên đài phát thanh Sài Gòn từ thập niên 60 của thế kỷ trước qua bài thơ ‘QUÊ NGOẠI”.Mấy chục năm dài trôi qua,bây giờ đọc lại, mới thấy rõ những vụng về trong vần điệu, ngôn từ…của thơ thời học trò hồn nhiên,trong sáng.Nhưng tôi yêu quí bài thơ vô cùng , bởi nhờ nó mà tôi mới có cơ hội gặp gỡ, gắn bó lâu dài với một nhà thơ lớn miền Nam : Kiên Giang-Hà Huy Hà.



Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014)
Bài thơ được diễn ngâm liên tục hai kỳ trong chương trình “Thi văn Mây Tần”. Sau đó, qua phần nhắn tin, anh Kiên Giang muốn gặp tôi để thực hiện môt cuộc phỏng vấn về nhóm Về Nguồn-Tây Đô mà tôi và một số anh em văn nghệ tại Cần Thơ như Huyền Vân Thanh, Trân Khanh. Lăng Cảnh Huy… sáng lập từ năm 1964... Tôi và anh Lê Hà Uyên lên Sài Gòn để trả lời phỏng vấn. Cần Thơ-Sài Gòn chỉ hơn trăm cây số, nhưng phải qua hai phà Cần thơ, Mỹ Thuận lại thêm những bất trắc của đoạn đường thời chiến, nên dù đi từ sáng sớm mà đến xế trưa anh em tôi mới tới Sài Gòn! Nơi gặp là môt quán cà phê nhỏ nằm trên đường Phát Diệm, cạnh tòa soạn báo Tin Sáng lúc bấy giờ. Điều tôi không ngờ được là trong buổi chiều hôm đó, tôi lại vô cùng vinh hạnh được diện kiến đến hai ngôi sao trên khung trời văn nghệ miền Nam: nhà thơ Kiên Giang và nhà văn Sơn Nam. Bằng thái độ hết sức chân tình, hai anh đã hỏi thăm chúng tôi về những hoạt động văn nghệ ở Cần Thơ, trao đổi về các sáng tác của nhóm Về Nguồn. Tôi không thể nào quên được buổi chiều hôm ấy dù đã trên 40 năm với bao nhiêu sao dời vật đổi. Hình ảnh những bậc đàn anh văn nghệ lại rất mực gần gũi, khiêm tốn ngay cả với những thế hệ đi sau-cho đến hôm nay-vẫn mãi là một ấn tượng khó phai trong lòng tôi. Suy cho cùng, bài học về đạo lý làm người nầy, chắc hẳn đâu chỉ riêng tôi, mà còn cho bao nhiêu người làm văn nghệ trong cuộc sống hôm nay. Cũng trong chiếc quán nghèo đó, ngồi cạnh bàn chúng tôi, còn có diễn viên điện ảnh La Thoại Tân và nhà văn đang "ăn khách” Nghiêm Lệ Quân. Những người “muôn năm cũ” đó, giờ ai còn, ai mất, hay đang trôi dạt nơi xứ lạ trời xa?

Tác giả Lê Trúc Khanh
Từ lần gặp gỡ nầy, tôi được hai anh hết lòng giúp đỡ. Qua anh Kiên Giang, tôi có dịp làm quen với bao nhiêu người bạn văn nghệ khắp miền đất nước: Trần Ngọc Hưởng, Như Uyên Thủy, Mặc Tuyền, Ngô Nguyên Nghiễm, Việt Chung Tử… Năm 1970, tôi và các bạn thực hiện tạp chí KHƠI DÒNG, thì cũng chính hai anh Kiên Giang và Sơn Nam góp tiếng với các sáng tác của mình mà không hề đòi hỏi một đồng nhuận bút.Kiên Giang với bài thơ “Lúa sạ miền Nam” và Sơn Nam với truyện ngắn “Người đẹp Cần Thơ”. Đây là những sáng tác của hai anh chưa từng đăng trên bất kỳ tạp chí, nhật báo nào ở miền Nam. (Lúc đó, tập thơ “Lúa sạ miền Nam” của Kiên Giang cũng chưa xuất bản). Nếu bạn là những người làm văn nghệ ở miền Nam trước 1975, hiểu được vị trí của hai cây “cổ thụ” nầy trên văn đàn, thì bạn mới biết đây là một góp mặt lớn lao và ý nghĩa đến dường nào. Cũng từ sự động viên của hai anh, tôi đã cùng các anh chị em văn nghệ tại Cần Thơ cộng tác với Đài phát thanh Cần Thơ để thực hiện “Chương trình thi văn Về Nguồn”, hoạt động liên tục từ năm 1968 cho đến tháng 4 năm 1975.

2.

Từ sau 1975, anh em chúng tôi như những nhánh sông đời trôi về vạn nẻo. Nhóm Về Nguồn xẻ đàn tan nghé, mỗi người một cuộc đời riêng. Tôi mỏi mòn chạy theo "nghiệp dĩ”, gắn với nghề dạy học. Con đường xa tăm tắp, nặng nợ áo cơm, thêm bao nhiêu đổi thay sau 1975, đã làm cằn khô trong tôi những ước mơ, nhiệt tình về văn nghệ. Đôi khi nhớ quay quắt kỷ niệm một thời, nhớ bạn bè... nhói lòng, nhưng cũng cố quên... Với ước mơ ngày đất nước thanh bình của một người trẻ lớn lên từ ly loạn, trong bài viết nhân kỷ niệm 7 năm (1971) thành lập nhóm Văn nghệ Về Nguồn-một nhóm văn nghệ học trò-tôi đã nói lên cảm xúc tự lòng mình :“Ngày nào thôi làm văn nghệ,tôi sẽ bắt chước Kiều Phong, đưa A Châu về bên kia ải Nhạn Môn quan chăn cừu độ nhật. Kiều Phong rữa tay gác kiếm, bỏ một bên những ân oán giang hồ. Tôi sẽ hứa với nàng là chẳng làm thơ nữa, nếu có chăng là đặt vài câu lục bát để nàng thay ca dao hát ru con ngủ".  Cái ước mơ mang hơi thở “kiếm hiệp Kim Dung" có pha chút ngông nghênh thời trai trẻ đến hôm nay phần nào đã bị thời gian ma chiết. Nhưng cũng có lẽ chính ước mơ nầy đã thắp lại ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Một điều lạ là những năm đầu tiên sau 1975, tôi lại gặp anh Kiên Giang nhiều hơn. Anh thường xuống Cần Thơ và lần nào cũng ghé nhà tôi.Trong những lần đó, anh luôn động viên phải gắng “giữ lửa”, gắng đi tiếp con đường văn nghệ. Cũng trong những lần đó, tôi mới hiểu thêm một phần về sự thủy chung, ân nghĩa trong trái tim nhà thơ lớn. Lần nào, anh cũng rũ tôi (có khi có cả anh Lê Hà Uyên), đến thắp hương cho cố nhân trong bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”.Trong ngôi nhà nhỏ nằm phía sau nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ, anh thường ngồi yên lặng nhìn lên chân dung người đã mất sau làn khói hương nghi ngút. Hai người con của chị hiện sống ở đây –đều là giáo viên- rất hiền hành, mực thước, rất quí trọng nhà thơ và gọi anh là cậu. Một điều cũng rất lạ là tên anh em trong gia đình đều bắt đầu bằng vần Tr..( Ba của các em cũng có tên Trinh, giống như tên nhà thơ Kiên Giang).Có phải chăng từ một góc sâu thẳm trong trái tim người con gái xóm đạo vẫn là nỗi hoài niệm khôn nguôi về một mối tình thời học trò thơ dại?

Ít nhất một lần, anh Kiên Giang rủ tôi cùng theo anh vào nghĩa trang Công giáo viếng mộ người xưa. Nhìn anh đứng lặng lẽ thật lâu trước ngôi mộ trong buổi trưa cuối năm vắng ngắt, lòng tôi dâng lên bao nỗi cảm hoài tha thiết. Hình như hôm đó, trời đất đã chuyển mùa, gió bấc phương Nam đủ làm se lạnh lòng người, mái đầu nhà thơ qua mấy mươi năm xuôi ngược giang hồ cũng đã ngã màu sương gió. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra cái phù du của kiếp người, cuối cùng rồi cũng lấp vùi trong cát bụi thời gian.Và cũng trong khoảnh khắc đó, càng thấm thía hơn hai câu thơ của anh:

“Trong lòng con- giữa màu hoa trắng,
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!”.

Mấy năm sau nầy,vì tuổi tác, anh Kiên Giang ít có dịp lên xuống Cần Thơ.Giật mình khi chợt nghĩ nhà thơ đã vượt tuổi tám mươi.Đọc báo, nghe tin anh bị người khác mượn danh làm chuyện không tốt do anh ưa để mất điện thoại di động, càng ngậm ngùi hơn khi nhớ lại cuộc gặp gỡ năm nào chỉ như là giấc mộng! Tuổi già làm cho ta dễ nhớ, dễ quên, con đường “phiêu bạt giang hồ” của người thi sĩ tài hoa ấy cũng ngắn lại như con đường thời gian của một kiếp người mong manh , là hạt bụi trong vũ trụ vô cùng. Nhưng tôi tin rằng, với tâm hồn đầy ắp lòng nhân ái đó, Kiên Giang vẫn mãi mãi là một “ hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”…

3.

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo nằm ven bờ sông Tiền bốn mùa miên man sóng vỗ.Từ những năm thơ ấu, trong tâm hồn đứa học trò nhà quê nhiều mơ mộng đã không biết bao lần bâng khuâng khi nhìn những cánh hoa bần rụng xuống trường giang.Hồi đó, tôi chưa quen và cũng chưa được đọc bài thơ nào của anh Kiên Giang.Sau nầy, khi đã vào Trung học có dịp biết đến tập thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”, tôi rất tâm đắc mấy câu thơ anh viết trong bài “Đẹp Hậu Giang” :

Nếu cô thôn nữ ngừng câu hát,
Nếu bạn thương hồ bặt tiếng ca
Đờn nguyệt không hòa câu vọng cổ
Hoa bần thôi rụng xuống phù sa.

Có lẽ những câu thơ nầy tác giả viết ra từ nguồn rung cảm về những tiếng hát câu hò một thời trên sông nước miền Nam. Khi tôi vừa lớn lên, cũng là lúc chinh chiến tràn lan, tiếng đạn nổ bom gầm đã giết chết bao âm thanh ngọt ngào, trong trẻo của những chàng trai, cô gái miệt vườn cất lên trong những đêm trăng trải dài theo từng vàm sông,ngọn rạch. Nhưng, bất chấp qui luật khắc nghiệt của những đổi thay từ cuộc sống, bất chấp chiến tranh, và ngay khi cả tiếng đàn nguyệt lắng sâu vào quá vãng, thì hoa bần vẫn rụng xuống phù sa! Có phải chăng đó chính là nguồn mạch quê hương, là tự tình dân tộc vẫn âm thầm cuộn chảy trong trái tim ta khi bao lượn sóng đời cứ muốn xô dạt ân nghĩa, thủy chung về cuối trời quên lãng?

Và cũng phải chăng cánh bông bần mang sắc trắng tinh anh đó, cũng chính là tấm lòng của những con người nặng nợ văn chương như Sơn Nam, Kiên Giang, như bao nhiêu đứa con của vùng đất phương Nam,góp hương làm đẹp cho đời rồi cuối cùng âm thầm gửi trọn kiếp nhân sinh cho mạch đất phù sa ngọt ngào ân tình quê mẹ?

Bài viết ngắn ngủi nầy xin được gửi đến anh, một đàn anh văn nghệ mà tôi vô cùng yêu mến và trân trọng.Mấy mươi năm gặp gỡ và quen biết quả thực không nhiều so với đất trời vô tận, nhưng riêng tôi, là những tháng năm đầy hạnh phúc. Anh Kiên Giang ơi, biết đến bao giờ anh em mình mới có dịp qua chuyến đò Xóm Chài trong buổi hừng đông, bỏ lại sau lưng thành phố Cần Thơ rộn ràng xe ngựa để anh viết trọn những dòng thơ đầy lãng mạn: “Cô lái đò ngang cười chúm chím-Thầm trêu hàn sĩ lúc sang sông”?....
                    

                                          Cần Thơ, những ngày cuối năm.
                                                          LTK
*****
Trần Ngọc Hưởng gởi từ email: mrtranvansau@gmail.com.
READ MORE - “HOA BẦN THÔI RỤNG XUỐNG PHÙ SA” - Lê Trúc Khanh

CHÙM LỤC BÁT SỐ 17 - Trúc Thanh Tâm



CHÙM LỤC BÁT SỐ 17

1. CUỘC ÂN TÌNH

Bao năm tính cuộc ân tình
Ta lời số phận tóc mình sương pha
Vườn cau, mây trắng phía nhà
Còn đâu cục đất còn là quê hương !

2. BÓNG HOÀNG HÔN

Đưa em về lũy tre làng
Bùi ngùi chỉ thấy bóng hoàng hôn rơi
Người thân theo đất đi rồi
Dường như đâu đó còn lời mẹ ru

3. GIẤC CHIÊM BAO

Phong trần tỉnh giấc chiêm bao
Biển khơi từng đợt sóng trào bờ xa
Trăng ru điệu nhớ đêm qua
Lệ nào chảy xuống lòng ta ngậm ngùi !


                  TRÚC THANH TÂM
READ MORE - CHÙM LỤC BÁT SỐ 17 - Trúc Thanh Tâm

Thế Lộc - ĐỌC THƠ PHX HOÀI HƯƠNG: THÔI ĐÀNH NHƯ LÁ RỤNG



THÔI ĐÀNH NHƯ LÁ RỤNG

Bên song tôi ngồi đếm lá
Như đếm hoài nỗi cô đơn
Ở đây tuyết buồn sương giá
Mỗi ngày, mỗi nhớ, nhớ hơn

Một đời bôn ba tay trắng
Chỉ còn quay quắc trong tim
Ngày xưa ngọt ngào mưa nắng
Nhớ hoài, thêm nhớ, buồn thêm

Tha hương quê người lưu lạc
Hoài đau, chân cứng đá mềm
Tình, tình mỗi ngày xơ xác
Thôi đành lá rụng bên thềm.

Phx HOÀI HƯƠNG


Phx Hoài Hương
     Chiếc lá vừa rời cành, chao mình giữa trời chiều nhạt nắng, cơn gió heo may thoáng hiện báo hiệu mùa Thu đã về cùng những chiếc lá vàng run rẩy trên cành cây và những cơn mộng mị của mùa Thu cùng cung trầm của thi ca diễm tuyệt. Ở đó, người thi nhân trầm mặc hơn với hơi thở dập dồn trong lồng ngực nhiểm hương sắc thời gian.

Phải chăng một hình bóng, một dư hương, một mái tóc bồng bềnh ở cuối chân trời cùng sắc hồng của đất trời giao hoan, gợi cho thi nhân một nỗi buồn nhè nhẹ?
    
Phải chăng nỗi cô đơn trống vắng của một nhân thể đang ly hương viễn xứ làm cho ta chạnh lòng bởi tiếng kêu buồn trong sâu thẳm tâm hồn?

 Hoài Hương đã xếp từng chiếc lá và đếm hoài không hết nỗi cô đơn trong tận cùng nhung nhớ của những ngày làm lưu dân nơi xứ lạ quê người. Nỗi cô đơn trống vắng một vòng tay ôm, một giọng nói, một tiếng dép lẹp xẹp trong buổi chiều thoi thóp hoàng hôn và một dáng người quen thân vào ra mở cửa để khuấy động không gian đặc quánh của nỗi cô đơn dằng dặc.
    
Tuyết buồn sương giá cùng cái lạnh của không gian, đâu bằng cái lạnh buồn của một người đàn bà chưa tìm ra chân lý cuộc đời và sự nghiệp, đang vất vả mưu sinh nơi xứ người, và... ta ray rức không nguôi khi nghe Hoài Hương trang trải nỗi lòng:

     Bên song tôi ngồi đếm lá
     Như đếm hoài nỗi cô đơn
     Ở đây tuyết buồn sương giá
     Mỗi ngày, mỗi nhớ, nhớ hơn.

Và một ngày qua là một ngày mang đầy ưu tư trăn trở trong cuộc sống mưu sinh, Hoài Hương đã nghiêng đôi vai gầy gánh nợ áo cơm có lẽ rất sớm và còn cho đến cuối cuộc phong trần. Bây giờ, khi đã mỏi mệt, Hoài Hương nhìn lại bước đường đã qua, cuộc tình đã qua, chẳng còn gì, chẳng có gì cho sự nghiệp đã xây dựng bao nhiêu năm và Hoài Hương đưa tay phát một cử chỉ như cam chịu với số mệnh.

     Một đời bôn ba tay trắng
     Chỉ còn quay quắc trong tim.

Con tim Hoài Hương còn rung động, máu trong tim Hoài Hương còn nóng đang đưa nuôi cơ thể như chị đang cưu mang người thân nơi quê nhà, bởi con tim chị hừng hực nhớ thương người ở lại.

Nỗi nhớ không nguôi ngoai, làm sao quên được những tháng năm đơn độc lo toan bộn bề đầy khó nhọc nhưng cũng ngọt ngào đến dễ thương, từng giọt mưa tí tách ngoài hiên đêm, từng sợi nắng lung linh trong ngõ hẹp. Chị nhớ da diết, nhớ hoài, nhớ hoài như mật ngọt như gừng cay, nhưng không ủ rủ. Và Hoài Hương đã bước qua nỗi buồn như kẻ nhàn du trên hoang đảo. Dù sao thì cái ngày xưa ấy vẫn còn đọng lại cùng nỗi nhớ mông mênh của kỷ niệm ban đầu, buồn, vui, nhung nhớ.

     Ngày xưa ngọt ngào mưa nắng
     Nhớ hoài, thêm nhớ, buồn thêm.

Thân gái dặm trường, một thân lưu lạc dễ mấy ai. Trong tâm hồn đơn lẻ ấy đã đong đầy nghị lực để trụ vững cho đến hôm nay viết nên những dòng tâm tư về tình yêu và cuộc sống nơi đất khách quê người, như tiêng kêu của loài vượn khi xa đàn lạc bạn. Tiếng kêu vang vọng bên kia sườn núi làm cho ta bàng hoàng xót xa:

     Tha hương quê người lưu lạc
     Hoài đau,  chân cứng đá mềm

Có lưu lạc mới nếm mùi trần thế, vậy hãy nâng nhẹ chiếc lá vừa lìa cành trên lòng bàn tay xòe rộng để thấy không gian bao la và cuộc đời hữu hạn và cảm nhận tuổi thơ ta bên quỹ thời gian gần cạn kiệt. Hoài Hương vốn sống hồn nhiên, vô tư và hát khúc tình ca theo nhịp đập con tim, như con vành khuyên đậu trên giò lan buổi sáng hót những khúc tình ca làm bàng hoàng nhân thế. Và để dòng chảy thời gian cứ âm thầm bềnh bồng chở tình người qua đi năm tháng với bao khát khao ấp ủ trong lòng.
    
Nhưng... tình người đa đoan đã rạch trong tim Hoài Hương một vết dài sâu thẳm để con chim Họa Mi trong khu vườn thơ ca đầy hoa thơm cỏ lạ không còn vô tư như ngày xưa cũ mà bàng hoàng xa xót:

     Tình, tình mỗi ngày xơ xác
     Thôi đành lá rụng bên thềm.

Chao ôi, thương xót vô bờ, chuyện người thợ săn và con chim sâu nhỏ làm cho ta bồi hồi day dứt suốt trong THÔI ĐÀNH NHƯ LÁ RỤNG và mùa Thu như không còn nữa để thời gian dừng lại trong tháng Bảy mưa Ngâu.

     Cảm ơn người thơ Hoài Hương đã cho người đọc một bài thơ hay.
                                      


                                        Đà Nẵng, ngày 31.10.2014
                                                  THẾ LỘC
READ MORE - Thế Lộc - ĐỌC THƠ PHX HOÀI HƯƠNG: THÔI ĐÀNH NHƯ LÁ RỤNG