Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 30, 2020

BÀ NGOẠI GARINE CỦA TÔI - Truyện ngắn của Karin Karakasli - Người dịch: Nguyễn Khắc Phước

Karin Karakasli sinh ở Istanbul năm 1972. Bà tốt nghiệp ngành Dịch thuật và Phiên dịch từ Trường Ngoại ngữ của Đại học Bo’sazici. Từ năm 1996 đến 2006, bà làm việc tại  tuần báo Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia Agos với tư cách là biên tập viên, trưởng phòng biên tập và chuyên mục trên cả hai trang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Bà đã hoàn thành bằng thạc sĩ Văn học So sánh. 
Sách của bà bao gồm một cuốn tiểu thuyết dành cho trẻ em tên là “Ay Denizle Buluşunca” (Khi mặt trăng gặp biển),1997, các tuyển tập truyện ngắn “Başka Dillerin Şarkısı” (Những Ca Khúc Của Những Ngôn Ngữ Khác), 1999, và “Can Kırıkları” (Mãnh Vụn Trái Tim), 2002, tác phẩm thơ “Her Kimsen SANA” (DÀNH TẶNG BẠN Dù Bạn Là Ai), tiểu thuyết “Müsait Bir Yerde İnebilir Miyim?” (Làm Ơn Cho Tôi Bước Ra Đâu Đó?), 2005.
Bà đứng thứ ba trong Cuộc thi Truyện ngắn của Nhà sách Gençlik năm 1994, và bà tiếp tục giành giải nhất vào năm 1995, và đã được trao Giải thưởng Nhà văn trẻ Yaşar Nabi Nayır năm 1998. Cuốn sách “Dört Kozalak” (Bốn Nón Thông) của bà được đặt tên là Sách dành cho giới trẻ năm 2014. Bốn Nón Thông kể chuyện về bốn sinh viên mặc dù nguồn gốc gia đình khác nhau nhưng đã giúp nhau vượt qua nhiều khó khăn trong học tâp. Cuốn sách gần đây nhất của bà, “Insufficient Funds”, được xuất bản năm 2015.
Bà là đồng tác giả của cuốn sách nghiên cứu “Türkiye hède Ermeniler: Cemaat, Birey, Yurttaş” (Người Armenia ở Thổ Nhĩ Kỳ: Cộng đồng, Cá nhân, Công dân).
Hiện bà đang sống ở İstanbul, là giảng viên dịch thuật tại Trường Đại học Yeditepe, giáo viên dạy ngôn ngữ và văn học Armenia tại Trường Trung học Armenia.

*
BÀ NGOẠI GARINE CỦA TÔI
Truyện ngắn
KARIN KARAKASLI (Thổ Nhĩ Kỳ)
Nguyễn Khắc Phước dịch. 

Mang lại niềm vui và tin lành cho mọi người, đừng cự tuyệt họ,
Mở đường và đừng làm cho con đường trở nên quá khó khăn.
                                                                  Tiên tri Muhammad.

Trong tim tôi, tất cả vị trí quan trọng nhất đều dành cho bà ngoại tôi. Chúng tôi có ngôn ngữ đặc biệt bí mật. Ký ức của tôi về bà bị manh mún và chỉ đến hôm nay các mảnh ghép ấy chuyển vị trí và chúng tạo thành một tổng thể, bỗng chốc tràn vào tâm trí tôi. Bà ngoại  Kadriye Nene của tôi, người nổi tiếng có mái tóc đen tuyền. Tất nhiên, vào thời điểm tôi biết bà, tóc bà đã bạc, nhưng trong những bức ảnh chụp với ông ngoại tôi, mắt bà đen láy, tóc bà đen nhánh, đen như chim quạ.
Tôi chưa bao giờ biết ông ngoại Tashin của tôi. Ông mất vì bệnh tim ở tuổi chưa già lắm, hai năm trước khi tôi chào đời. Cái chết đột ngột của ông khiến bà tôi sụp đổ. Bà không thể sống trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm đè nặng tâm hồn bà. Bà chuyển đến ở với chúng tôi và giúp chăm sóc tôi.    
Ngay cả nhiều năm sau, mỗi khi có cuộc họp mặt gia đình và câu chuyện xoay quanh ông ngoại tôi, bao giờ bà cũng đầy nước mắt. Qua lời bà, tôi cảm thầy bà dành cho ông tôi lòng biết ơn nhiều hơn là tình yêu. “Tashin yêu quý không bao giờ nói lời không hay về tôi,” bà nói. “Tôi hy vọng ông ấy đang nghỉ ngơi ở cõi yên bình.”
Nghe vậy, cậu tôi thường xen vào, “Có ai nói gì không hay về mẹ đâu, phải không mẹ?” 
Bà là một phụ nữ ngoan đạo, thường xuyên cầu nguyện. Bà cầu nguyện cho những người thân yêu của mình với lòng chân thành và tôn kính thực sự đối với Chúa. Ở khu phố của chúng tôi, mọi người đều biết những lời cầu nguyện của bà luôn được Chúa nhậm. Bạn bè và bà con thường đến để yêu cầu bà cầu nguyện cho điều ước của họ trở thành sự thật. Bà thường dành những đêm thánh Kandil và Kadir để cầu nguyện. Bà không thể chịu đựng khi thấy những người thân yêu chia tay. Cảm thông với những cuộc chia tay như vậy, bà thường dâng lời cầu nguyện tới Allah, “Xin Ngài hãy giúp họ được tái hợp vững bền.”
Giọng bà trong như pha lê. Vào buổi tối, chúng tôi thường tắt tivi và yêu cầu bà hát cho chúng tôi nghe. Bà hát những bản ballad và dân ca rất hay. Bà không từ chối yêu cầu của chúng tôi nhưng tôi chưa bao giờ nghe một nốt nhạc nào từ vùng Erzurum hoặc miền Đông từ môi bà. Một buổi tối, tôi nài nỉ nghe cho được, nhưng mẹ tôi vẫy tay biểu tôi im. “Con biết rằng bà sẽ làm bất cứ điều gì cho con, cháu cưng của bà,” bà tôi nói sau một phút im lặng, vẻ đau khổ. “Đừng yêu cầu bà hát những bài hát đó,” bà nói. “Erzurum là một vết thương bà mang trong lòng.” Tôi đành thôi hỏi tại sao.

Bà và ông ngoại quê ở Erzurum. Bà là một đứa trẻ mồ côi. Ông chú của ông ngoại tôi đã đưa bà về, lúc ấy là cô cô bé Nene nghèo và không thân thích. Nene kết hôn với ông ngoại tôi và đến Istanbul năm 17 tuổi. Bà  không bao giờ kể về cha mẹ mình. Bà xem cha mẹ nuôi của mình như cha mẹ ruột và thường nói về họ. Tôi quyết định hỏi mẹ tôi về việc ấy. “Mẹ có bao giờ thắc mắc về ông bà cố ngoại không? Mẹ không muốn biết sao?” “Không, thắc mắc làm chi cho bà bực mình,” mẹ trả lời, mắt chăm chú vào đồ đang rửa. “Bà không bao giờ biết cha mẹ thật của mình. Còn hỏi gì nữa không?” Mẹ tôi nhúng cái bình sạch vào thau nước lần thứ hai.
Hồi còn bé, một trong những thú vui tôi thích nhất là được ngồi yên ở một góc phòng khách vào những ngày bà tôi mời bạn bè đến uống trà. Tôi chỉ cần kiên nhẩn im lặng thì thế nào cũng có một bà cúi xuống nói “Ồ, Pasha, cháu chóng lớn lắm nhé!” Tôi được ăn bao nhiêu bánh Kurabiye tùy thích. Đó là những ngày hạnh phúc. Nằm cuộn mình trong góc, nghe những người hàng xóm buôn chuyện, tôi thường ngủ thiếp đi. Nhưng một ngày nọ, tôi không thể nuốt được miếng nào. Tiếng nói, tiếng cười the thé thông thường đã nhường chỗ cho sự im lặng căng thẳng, ngột ngạt. Không buồn ngủ nữa. Tôi bối rối nhìn họ.
Trước lúc ấy tiếng cười vẫn rộn ràng và bánh trái vẫn bề bộn. Một bà muốn lấy túi xách của mình nhưng nó xa quá nên ra hiệu cho người bên cạnh lấy giúp. Người lấy giúp nắm lấy cái túi, cố gắng nâng nó lên, đưa nó cho chủ nhân và nói, “Cái gì ở trong mà nặng thế này? Nặng hơn một xác một người Kitô giáo!”
Âm thanh của câu nói đó vang khắp phòng với độ chính xác dường như được tinh chỉnh. Trong phút im lặng tê liệt đó, con dao đã bay, sáng lấp lánh như lưỡi kiếm và đâm vào tim bà ngoại tôi. Tôi nhìn thấy con dao, tôi nghe thấy tiếng rít bay trong không khí. Bà tôi nhảy lên và áp hai tay lên ngực. Tôi khá chắc rằng nếu bà cho tôi thấy lòng bàn tay, chúng sẽ đặc quánh máu. Tuy nhiên, khi cánh tay của bà cuối cùng buông xuống, không thấy máu me gì. "Xin các bạn tha lỗi cho tôi…” bà nói trong hơi thở nghẹn ngào. Quay lưng lại với những người phụ nữ, bà rút vào phòng. “Để con lấy nước trà cho mẹ nhé,” mẹ nói và đi về phía bếp, những ly trà va chạm nhau kêu leng keng trong khay trên tay mẹ..
 “Xấu hổ chưa, Selma!” Bà lớn tuổi nhất, Hüsniye, nói. “Chị ngốc quá! Làm thế nào chị có thể nói một điều như vậy trước mặt Kadriye?” Mặt Selma chuyển sang màu đỏ. “Tôi không có ý đó, chị Hüsniye! Đó là câu thành ngữ,và tôi chỉ buột miệng vậy thôi!” Bà Hüsniye chuẩn bị nói tiếp khi bà ấy nhận ra rằng tôi vẫn ở trong phòng, nhìn họ với đôi mắt mở to. Bà  ấy ngừng nói. Những người phụ nữ lập tức nối lại cuộc trò chuyện như những người lính nhận được một mệnh lệnh bí mật.
Vào buổi tối ngày hôm đó, tôi thấy bà ngoại gục đầu vào vai mẹ tôi, khóc. Câu nói của họ đã khiến ngoại không còn muốn giao tiếp nữa và bây giờ người phụ nữ mạnh mẽ này khóc trên vai cô con gái của mình như một đứa trẻ nhỏ. Qua một vết nứt ở cửa, tôi nghe mẹ nói, “Trái tim của mẹ thật nhân hậu, mẹ ạ. Đừng tự làm khổ bản thân vì một người vô ý vô tứ đó. Nhớ khi con còn nhỏ, lúc bạn bè và con đang chơi bên ngoài gây ồn ào, hãy nhớ mẹ đã tức giận như thế nào khi một người hàng xóm gọi con là đồ lại cái? Nhớ mẹ nói gì không? 'Đợi đó, tao sẽ lộn ruột mày ra  ngoài cho mầy xem!' Người phụ nữ đó sợ quá phải thụt vô nhà! Hôm đó, mẹ đã dạy con thế nào là một người phụ nữ mạnh mẽ.” Bà tôi cười, tỏ vẻ xấu hổ. Tôi rón rén bước vào phòng ngủ để nghe tiếng họ cười rúc rích với nhau. Trước khi ngủ thiếp đi, tôi tưởng tượng mình đang tìm từ điển, xóa sạch những từ làm tổn thương ngoại tôi. Tôi không biết những từ đó có nghĩa gì, hoặc tại sao chúng lại làm ngoại buồn như vậy. Không biết chúng gây ra chuyện gì. Nếu chúng làm tổn thương bà thì chúng phải bị tiêu diệt. Tôi chĩa súng nước vào các trang từ điển. Nước phun ra và mực trôi đi, để lại những trang giấy sạch sẽ. Sạch đến độ trắng tinh .
Những giấc mơ về thế giới thời thơ ấu của tôi chẳng ăn thua gì bởi những điều làm bà ngoại của tôi thất vọng vượt xa giới hạn của một cuốn từ điển. Vào một dịp nọ khi tôi lên sáu hoặc bảy tuổi, chúng tôi cùng đi phố để mua sắm. Ngoại nắm chặt tay tôi như thường lệ. Tay còn lại chúng tôi cầm túi nhựa phất phơ sột soạt. Ngoại tỏ ra là  người lắng nghe trung thành nhất của tôi và tôi huyên thuyên kể về một trong những cuộc phiêu lưu không bao giờ dứt của tôi. Ngay lúc đó, một tiếng nổ vang lên. Bà tôi sững người. Cái túi nhựa trong tay bà rơi xuống đất nhưng bà chẳng quan tâm, đôi mắt bà dán chặt vào nơi khác. Tôi buông tay bà và đi nhặt cái túi lên, nhưng bà không chú ý. Tôi lại nắm tay bà - tay bà lạnh như nước đá. Cố gắng hiểu chuyện gì không hay đang xảy ra, tôi hướng mắt về tòa nhà mà bà đang nhìn chằm chặp ấy. Tôi không biết đó là nhà gì. Không phải là nhà ở. Cũng không phải là một cửa hàng. Nhưng bà ngoại bị hút hồn, bà hoàn toàn quên sự có mặt của tôi. Bà ngây người ra nhìn, dường như ngôi nhà cũ vô hồn đó là những người bạn mà bà đã không gặp trong trong nhiều năm. “Mình đang ở đâu, ngoại ơi?” tôi hỏi. Khi nghe tiếng của tôi, bà tỉnh lại, như thể từ một giấc mơ, nhìn tôi và những chiếc túi trên tay tôi. “Đưa mấy cái túi ấy cho bà.” Lấy túi xong, bà kéo tôi vào sát bà và tiếp tục đi. Mọi sự trở lại như cũ. Nhưng tôi vẫn bị kích động. “Cái nhà gì vậy, ngoại?” Tôi hỏi lại. “Đó là nhà thờ người Armenia,” bà nói nhỏ. “Con biết chúng ta cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo chứ? Còn họ thì cầu nguyện trong nhà thờ Kitô giáo.”
Trong một lần khác không bao giờ tôi quên. Hồi ấy tôi là một thiếu niên đang học tại lycée, đang mệt dứt hơi vì khóa học về cách mạng. Bà tôi giúp tôi học từ khi tôi học tiểu học và thường xuất hiện trước cửa phòng tôi với một ly nước cam trong tay. “Cháu  đang học gì vậy, Hakan?” Tôi nhìn vào tiêu đề của chương: “Vấn đề Armenia và cuộc chiến với người Armenia.” Có gì đó bảo tôi không nên cho bà biết. Tôi chỉ trả lời, “Chỉ là lịch sử thôi, ngoại ơi, nhàm chán lắm!” Chính lúc đó, cô em gái bé bỏng của tôi xía vào, “Cháu đọc được, để cháu đọc nhé!” Nó giật cuốn sách và đọc một cách háo hức:
 “Khi người Nga tiến đến Đông Anatolia trong những năm đầu của Thế chiến thứ nhất, người Armenia có cơ hội nổi dậy. Đã chuẩn bị trước khi chiến tranh bắt đầu, các nhóm phiến quân Armenia tham gia cùng với người Nga. Cuộc nổi dậy đầu tiên xảy ra ở Zeytun (Süleymanlı) vào ngày 17 tháng 8 năm 1914. Những người lính Armenia ở Ma-na đã cầm vũ khí của họ cùng tham gia, và bắt đầu tấn công các ngôi làng Thổ Nhĩ Kỳ, giết hại nhiều cư dân. Vào tháng 4 năm 1915, những người Armenia nổi loạn ở Van đã tàn sát khu vực dân cư Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, chính phủ Ottoman đã đưa ra quyết định rằng người Armenia ở Đông Anatolia sẽ được di cư sang Syria, nơi không có nguy cơ chiến tranh vào thời điểm đó (Luật Tehcir, ngày 14 tháng 5 năm 1915). Mục tiêu của người Armenia là yêu sách đòi lãnh thổ các vùng Kilikya (Ukurova), Maraş, Erzurum, Bitlis, Van, Harput và Diyarbakır và tạo thành một bang của riêng họ. Người Armenia đã không từ bỏ mục tiêu này cho đến ngày nay. Trong nỗ lực để thực hiện điều này, họ tiếp tục ủng hộ các hành động khủng bố đe dọa đến sự thống nhất của đất nước chúng ta.”
Trong khi em tôi đọc, tôi ngồi cúi mặt, hai tay ôm đầu. Tôi không dám nhìn ánh mắt của bà tôi, chắc chắn đang tràn trề nước mắt. Em gái tôi thiệt ngu ngốc. Nhưng giây lát sau, tôi giật mình khi nghe Elvan hỏi, “Tại sao ngoại lại cười?” Nó hỏi đúng; một nụ cười nở trên khuôn mặt bà tôi. Đó không phải là nụ cười hạnh phúc. Nụ cười đó làm tôi nghĩ đến Mona Lisa, một nụ cười cam chịu khi đối mặt với đau khổ. “Bao lâu nay họ viết như vậy à?” Bà nhìn chằm chằm xuyên qua chúng tôi, dường như nói với một người vô hình khác. “Có nhiều người Armenia hàng xóm ở Erzurum. Họ là những người tốt, chăm chỉ. Bà chưa bao giờ thấy bất kỳ dấu hiệu gì là  ‘khủng bố’ ở họ vào lúc ấy và bà cũng không thấy dấu hiệu ‘khủng bố’ gì ở người Armenia mà chúng ta biết bây giờ. Có thực họ viết vậy không?" Bà đứng dậy và loạng choạng đi về phòng.
Nhiều năm sau, khi truyền hình và báo chí gào thét những báo cáo về “các tổ chức khủng bố của người Armenia,” thì bà tôi không còn biết gì nữa. Các bác sĩ thấy không cần phải can thiệp. Vẫn ở nhà, bà ngoại tôi lặng lẽ bắt đầu một hành trình dài, thoát khỏi đau khổ. Trong những ngày cuối cùng, bà thường nói chuyện trong giấc ngủ, nhưng tôi không thể hiểu được một từ nào. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng không có ý nghĩa gì trong tiếng thì thầm của bà, rằng bã đã lú lẫn rồi, lưỡi bà đang cố tạo ra âm thanh, nhưng khi tôi lắng nghe kỹ hơn một chút, tôi nhận thấy những từ ngoại ngữ, một thứ tiếng liên tục như nước chảy và nghe như một bài hát. Tôi nghĩ ra một số câu hỏi và tối hôm đó tôi hỏi mẹ, “Có phải bà ngoại nói tiếng Armenia không?” Mẹ không ngạc nhiên, cũng không ngần ngại khi trả lời, “Đúng vậy.” “Có bao giờ ngoại kể cho mẹ nghe chuyện ngày xưa của ngoại không?” Mẹ tôi vuốt ve bàn tay bà một cách yêu thương, biết rằng bà sẽ sớm ra đi. "Chỉ một lần. Ngoại nói như thể mọi chuyện không liên quan gì đến ngoại, như thể ngoại chỉ chứng kiến ​​điều đó. Ngoại kể với mẹ về người thân, vườn cây, hoa màu, bánh mì nướng ở nhà, làm thế nào ngoại trải nệm sạch ra mỗi đêm. Sau đó, máu, toàn là máu, tiếng thét gào, rồi đi tỵ nạn cùng với hàng xóm và rời xa mãi mãi, biết rằng sẽ không bao giờ trở lại.”
“Tên ngoại bằng tiếng Armenia là gì?” tôi hỏi mẹ. Một nụ cười làm sáng lên khuôn mặt hiền dịu của mẹ tôi, đôi mắt mẹ tràn ngập ánh sáng. Giống như một mật khẩu, mẹ tôi nói nhỏ, chậm rãi và rõ ràng, “Garine. Ngoại của con là Garine Yaya.” “Garine,” tôi nhìn bà và lặp lại. Thân xác của bà ở với chúng tôi nhưng linh hồn bà đã ở rất xa. Mẹ tôi lại nói, “Garine bằng tiếng Armenia có nghĩa là Erzurum."
Hai ngày sau, bà ngoại tôi qua đời. Sau lễ cầu nguyện Namaz giữa trưa, bà được đưa từ nhà thờ Hồi giáo Şişli đến lô đất nghĩa trang của gia đình tại Zincirlikuyu và chôn cất bên cạnh người chồng yêu dấu của bà. Sau đám tang, tôi đến nhà thờ Armenia, nơi bà đã đứng nhiều năm trước, sợ quá nên không dám vào bên trong. Tôi đã thắp một ngọn nến lớn cho Garine Yaya của tôi, cho bà cố và ông cố, cho anh chị em của bà và tất cả những người thân yêu mà bà đã mất, và tôi đã cầu nguyện rất lâu. Khi tôi chuẩn bị rời đi, một bà già người Armenia vào nhà thờ cùng với một người bạn, cùng nói một ngôn ngữ như nước chảy. Và đôi mắt của bà. Đôi mắt của bà ấy giống như đôi mắt của bà ngoại tôi. Tôi mỉm cười và cúi đầu chào bà. Bà đáp lại một cách lịch sự và nụ cười của bà làm lộ ra những nếp nhăn đẹp lão.
Bà ngoại Garine Yaya đã nhìn thấy tôi, linh hồn của bà đã vuốt ve tôi. Tôi hít một hơi thật sâu.
Karin Karakasli
***

Nguyễn Khắc Phước dịch từ bản tiếng Anh của Ayça Türkoğlu, “Garine”, đăng trên https://www.wordswithoutborders.org/issue/october-2017-turkish-short-stories

READ MORE - BÀ NGOẠI GARINE CỦA TÔI - Truyện ngắn của Karin Karakasli - Người dịch: Nguyễn Khắc Phước

HOA TUYẾT - Cảm nhận của Lê Yên với thi phẩm CÀNH XANH GIỌNG SẦU - Thơ Nguyễn Hồng Linh


Cảm nhận của Lê Yên với thi phẩm 
CÀNH XANH GIỌNG SẦU 
Thơ Nguyễn Hồng Linh


HOA TUYẾT



 Ai đi xa cũng nhớ một Sài Gòn với hai mùa mưa, nắng. Nhớ gió heo may lùa qua đỉnh mùa đông the thắt, se lạnh… Chỉ một thời gian ngắn thôi, cái lạnh làm tái đôi môi héo hắt sẽ rời đi bất chợt như lúc đến giữa một sáng thức giấc. Co người vùi trong chăn ấm chợt ngỡ ngàng… Cái lạnh cho ta cảm giác thật thú vị như ăn một que kem giữa trời nắng gắt. Nó vừa đủ để nao lòng, để bồi hồi nhớ… Có quá nhiều điều để nhớ… Ngồi bên khung cửa, hứng ngọn gió lùa nghe mưa rơi rả rích… Tôi nhớ đến nàng ấy! Ở một nơi thật xa xôi, tuyết rơi trắng xóa ngập trời. Thơ như người bạn cho nàng gởi tâm tư giữa mưu sinh đời thường. Đó là nữ sĩ Nguyễn Hồng Linh. Tôi gọi nàng là “Đóa hoa tuyết” giữa mênh mông…

Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh
 Mở bản thảo tập thơ “Cành xanh giọng sầu” của tác giả ra xem. Bài đầu tiên nàng ấy viết về mẹ... Chỉ mới khổ thơ thứ hai, những con chữ trên bàn phím đã bối rối dưới đôi bàn tay. Tôi hít một hơi thật sâu để nuốt những nghẹn ngào đang trào dâng. Một vòng tròn sinh tồn lặp lại… Ngày xưa con nép vào lòng mẹ ấm áp trong sự ủ êm. Ngày nay con làm mẹ… Chợt thấy thương mẹ vô vàn. Mẹ ơi! Phải chi con được ở bên mẹ gần hơn, lâu hơn.
  “Tiếng ru con ầu ơi nhà bên cạnh
    Con chạnh lòng nhớ mẹ ngẩn ngơ
    Mẹ khuất xa rồi con thương nhớ
    Ánh mắt dịu hiền bên võng đong đưa…”
    (Nhớ mẹ)
 
Từ những bước chân chập chững vào đời, bước chân đó vững vàng hơn, những bước xa hơn… Trong tâm nàng nặng trĩu yêu thương. Biển và bờ cát, nơi ngọn sóng đùa bước chân nàng tuổi mới lớn, nơi những con sò làm bạn với nàng nằm nghe gió hát mỗi chiều. Bức tranh quê thật ngọt ngào: “Anh yêu tiếng “dạ” xuyến xao/ Dạ! Thôi em dạ ngọt ngào anh yêu/ Anh yêu khói tỏa lam chiều/ Mục đồng thổi sáo cánh Diều triền đê” (Hương Quê). Tất cả nhắc nhớ về quê hương, khi tiết Đông sang, rồi những tia nắng ấm áp đầu tiên của mùa Xuân đến, nàng thèm quắt quay hương vị tết quê nhà… Xa lắm xứ người…!
  “Xuân này xa xứ
   Con nhớ mẹ nhớ quê
   Nhớ quá Xuân ơi!
   Con vẫn mãi chưa về
   Khúc hát ân tình cho tim mình nao nức
   Xuân tha phương nghe lòng tiếng vọng hoài hương
  (Xuân tha phương nhớ quê hương)

 Tất cả là một chiếc nôi êm ấm, mẹ và quê hương đã cho nàng lớn khôn. Rồi trái tim biết rung lên những nhịp luyến ái. Nàng yêu một cách đằm thắm với nỗi nhớ nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm… Mọi vạn vật trên thế gian đều có sự tương quan, kết nối mới cân bằng tồn tại. Tình yêu cũng không ngoại lệ. Mỗi người yêu theo cách riêng mình. Có kiểu tình yêu đằm thắm và ngược lại, yêu như chiến trường… Họ tranh hơn, thua, được, mất. Chiếm hữu và thực dụng… Tất cả là một cảm xúc tạm bợ, vậy mà lắm kẻ mộng tưởng điên đảo làm mất phương hướng một tình yêu đích thực.
 Xuân Diệu nói: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm/ Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì.” Còn nữ sĩ Hồng Linh thể hiện trạng thái yêu thật dịu dàng, thật dễ thương, đủ để quắt quay, nao lòng khách đa tình.
   “Con chim sáo nhỏ nhớ anh
    Nụ cười đi vắng cành xanh giọng sầu
    Ngoài trời từng hạt mưa ngâu
    Lá xanh đã ngậm vàng- sau vườn nhà”
    (Cành xanh giọng sầu)
 
Tương quan giữa tình yêu đó là cho và nhận. Khi thiếu đi một vế ta rơi vào trạng thái thất tình… Sự khao khát yêu và được yêu không được thỏa mãn khiến đau khổ dày vò để rồi thấy chiều thênh thang, thấy đêm sâu thẳm giữa cô đơn dội lại tiếng thạch sùng tắc lưỡi thở dài. Trong thực tại ta không thể sống an ổn. Đối diện với cô đơn giúp ta nhìn lại chính mình, đó là cơ hội để chữa lành vết thương lòng tìm lại sự bình yên.

Nhà văn Lê Yên

Đôi khi ta bắt gặp người cho ta ấn tượng ban đầu rất tốt. Họ nắm bắt suy nghĩ của ta rất nhanh, cho ta cảm giác gần gũi, thân quen. Tạo một sự tin tưởng. Họ là người thông minh, hoặc ta đã phơi bày tâm ý quá rõ ràng và nhiều điểm tương đồng khác, khiến ta ngỡ như mình đã gặp tri kỷ. Với thời gian từng lớp tâm lý sâu thẳm bên trong có điều kiện sẽ hiển hiện và bức màn bí mật được tháo xuống. Tôi nhớ một câu trong Truyện Kiều: “Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?” (Nguyễn Du).
 
Đã là tri kỷ, bắt gặp nhau ở con người chân thật nhất, gần như hóa thân với những ân tình trao tặng, để rồi trở nên một phần trong nhau.
 Thật khó để có một tri kỷ.
 “Đơn côi đơn côi!
   Khóc đời truân chuyên
   Trăm năm một chữ nhân duyên
   Có duyên không nợ ưu phiền ngổn ngang”
   (Vàng Xưa)
 
Mùa Đông nơi xứ người, tuyết rơi trắng cả khung trời, nàng như đóa hoa tuyết cô đơn chờ mùa Xuân để rồi tan đi, chuyển từ trạng thái này qua trạng thái khác. Hoa tuyết không còn lạnh lùng nữa mà tan chảy dưới nắng mai để rồi róc rách qua ghềnh thác, cảm xúc nàng gửi vào thơ bật lên âm điệu như những nốt nhạc… Thanh âm đánh động ký ức. Nàng như bờ cát chờ sóng vỗ về yêu thương. Những cơn sóng bạc lòng rong chơi xa thẳm bến bờ… Vậy, nhưng trong nàng chỉ có tin yêu và hoài vọng về một cố hương. Nơi những con sò cô đơn giữ nỗi nhớ, dưới đêm ngắm sao trời chiêm nghiệm một tình yêu.
  “Em nhớ anh… Giấu mình trong vỏ sò nằm yên đó
  Cơn sóng nào vô tình xô đẩy mãi bờ xa
  Cứ ngỡ rằng… Cuộn mình giấu kín nỗi chờ mong
  Lòng bình lặng theo đêm dài lắng đọng”
  (Lời tình gửi đến biển)
 
Đối với nữ sĩ Hồng Linh thơ như duyên phận. Không biết từ lúc nào nàng bén duyên con chữ, cứ thế cảm xúc đi vào tâm tư rồi trải dài qua từng cung bậc… Ngọt ngào, tha thiết hay nồng nàn cháy bỏng đã tạo nên một nét rất riêng trong thơ tác giả. Đọc để rồi say… Say cái dịu dàng của phụ nữ Á Đông hay lịm chết trong cuồng nhiệt của lối sống phương tây. Tất cả tạo nên một lực hút chạm đến trái tim người yêu thơ.
  “Lửa tình bừng bừng… cháy
    Lửa tình bừng bừng … đốt
    Anh thắp sáng lửa yêu khát vọng
    Lửa khắc sâu trong linh hồn em…”
    (Lửa Tình)
 
Thật mãnh liệt… Bạn và tôi hãy trải nghiệm một cảm xúc khác… Nàng sâu lắng như đêm huyễn hoặc với dáng vóc dịu dàng và nụ cười nhẹ quyến rũ là cả một bề sâu âm trầm như biển cả…
  “Đêm trắng - góc cô đơn - đang réo gọi
   Góc tình buồn - đêm huyền hoặc chơi vơi
   Góc tương tư - đang quay quắt tim buồn
   Góc sâu lắng - vẫn thầm mong người đến…
   (Góc Khuất)
 
Tôi đọc, đọc mê say từng câu từng chữ trong mỗi bài thơ với những sắc màu khác nhau, lấp lánh phản chiếu nội tâm đẹp từ tác giả… Lại muốn diễn giải theo những thăng hoa, lãng mạn bất ngờ… Bất kể dù nàng thơ đang cười hay khóc… Thêm một đoạn nữa nhé! Rất hay…
  “Ai sẽ khóc vì ta, dù nghìn trùng xa cách
   Ai đơm hương cho gió thoảng tình nồng
   Dù ta gỡ tơ hồng, đem tình đi vứt bỏ
   Giọt ái ân vẫn ướt đẫm, góc chiếu chăn”
   (Đắp mộ tình xa)
 
Nữ sĩ Hồng Linh tham gia nhiều trang văn học trên mạng xã hội và các web trong và ngoài nước, được nhiều độc giả yêu thích… Thơ với nàng như hơi thở… Sáng tác không ngừng nghỉ khiến thi tác rất đa dạng. Tôi tin tác giả sẽ bước những bước dài trên con đường văn học và dâng tặng cho đời những thi phẩm đầy giá trị đẹp như “Đóa hoa tuyết” giữa mênh mông cuộc đời…
 
Xin được giới thiệu với bạn đọc nữ sĩ HỒNG LINH với thi phẩm CÀNH XANH GIỌNG SẦU.
                                                                          SàiGòn 2/12/19
                                                                                      LÊ YÊN

READ MORE - HOA TUYẾT - Cảm nhận của Lê Yên với thi phẩm CÀNH XANH GIỌNG SẦU - Thơ Nguyễn Hồng Linh

TỰ TÌNH - Thơ Nhật Quang


Photo: Nhật Quang.

TỰ TÌNH 

Nón em che dáng lụa
Gió rối vạt tóc mây
Ta bâng khuâng từ thuở
Hương nắng thơm vai gầy

Em hong mùa ân ái
Phơi hồng dấu môi ngoan
Mắt xanh thời con gái
Gợi dấu yêu nồng nàn…

Ta gởi hồn lãng đãng
Phím loan buồn mênh mang
Giọt Guitar trầm lắng
Nhỏ nỗi đau muộn màng

Thu gieo lời thổn thức
Heo may chạm giấc mơ…
Em như đời hư, thực
Ta phiêu lãng dại khờ

Hồn rong rêu đá mục
Đếm vời tháng năm trôi
Đời rớt ngang đáy vực
Nghe hồn chợt chơi vơi.
.
                      Nhật Quang

              
              











READ MORE - TỰ TÌNH - Thơ Nhật Quang

BẠN CŨ - Thơ Trần Đức Phổ



Bạn Cũ

Bạn cũ quen nhau lúc ấu thơ
Vẫn còn thân thiết mãi bây giờ
Cho dù cuộc sống nhiều thay đổi
Vẫn gọi tao mày như thuở xưa

Có đứa làm quan ở tỉnh nhà
Không giàu nhưng chẳng kém người ta
Cũng xe hơi Nhật, nhà mặt phố
Cũng uống sâm banh, hút xì-gà

Có đứa lênh đênh giữa biển trời
Quen mùi nước mặn, nắng trùng khơi
Sóng to gió lớn không nao núng
Dù có gian nguy vẫn mỉm cười

Có đứa khôn ngoan giỏi bán buôn
(Hẳn là không phải kẻ gian thương!)
Đầu tư, tiếp thị theo thời thế
Đại biểu doanh nhân của phố phường.

Có đứa làm nông nối nghiệp nhà
Điền viên vui thú, lánh phồn hoa
Chồng cày vợ cấy đời êm ấm
Hạnh phúc xuân xanh mãi đến già

Có đứa thành danh đỗ giáo sư
Nghiêm trang, đỉnh đạc vẫn khiêm từ
Học trò yêu quý, người thân trọng
Chẳng thèm cầu cạnh chút danh hư

Riêng mình một kiếp vẫn lông bông
Sắt chẳng thành kim, cải đã ngồng
Thấm thoát tóc xanh đà bạc trắng
Xứ người đời cứ mãi tay không!


--

tranducpho
READ MORE - BẠN CŨ - Thơ Trần Đức Phổ

VỚI CHỊ, ANH TA KHÔNG LÀ GÌ CẢ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân


VỚI CHỊ, ANH TA KHÔNG LÀ GÌ CẢ
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân

          -Với chị, em là em gái của chị, mãi mãi là máu mủ, là tình thân, là không gì có thể chia cắt được. Còn anh ta, tới giờ phút này, đã không còn là gì cả.
Tôi đọc đâu đó một câu chuyện giống mình, trong câu chuyện đó, người chị gái cũng nói với em gái của mình câu đó, rằng: "Chị có thể vì em mà làm mọi việc, kể cả là nhường lại cậu ấy. Em phải biết là em là em gái của chị, là tình thân của chị. Còn cậu ấy, đến giờ phút này, chẳng là gì hết.” Hệt như câu nói chị tôi đã nói với tôi ngày xưa. Trong giờ phút đó, tim tôi nhói nỗi đau mà tôi biết rõ tên, chỉ khác là trước mặt tôi bây giờ không còn có chị ve vuốt đầu xoa khen tôi giỏi nữa.
Chị lớn hơn tôi hai tuổi, cái khoảng cách tưởng chừng như rất nhỏ ấy vì cha mẹ không còn bỗng chốc như kéo dài ra. Chị thay mẹ chăm sóc tôi, thay cha làm trụ cột cả gia đình. Chúng tôi sống trong “xóm mồ côi” từ khi tôi lên bốn, khi ba mẹ mãi không trở về sau một chuyến đi biển cùng rất nhiều người khác trong xóm. Những đứa trẻ bé thơ bỗng chốc trở thành côi cút sau một lần nổi giận của tự nhiên. Những người lớn còn lại trong xóm chung tay đỡ đần những đứa trẻ mất cha mất mẹ, tuy nhiên vì xóm tôi cũng nghèo nên chỉ có thể thêm miếng cơm đôi đũa chứ không thể nói là đủ đầy, nhiều đứa trẻ bỏ học, nhiều đứa khác bỏ xóm kiếm kế sinh nhai. Khi chị lên mười, chị đã nói với tôi:
          -Dù trong xóm mình nhiều đứa trẻ bỏ học em cũng không được bỏ. Chị nhất định sẽ để em tới trường.
           Nghe một đứa trẻ lên mười nói thế thì thật nghị lực nhưng người ta ái ngại. Năm chị mười hai chị bắt đầu đi ở đợ và gửi tiền đều đặn về cho tôi, gửi cả tiền cho chú Hy – người trông nom tôi, và năm tôi lên mười, tôi lần đầu tiên bước vào lớp một. Và cứ thế. 
          Năm chị hai mươi, chị dẫn tôi bỏ xóm lên phố, nơi tôi có thể bắt đầu tương lai rộng mở với việc đỗ đại học Sư phạm. Chị làm công nhân ở một nhà máy giày, mà trong tổ làm của chị mỗi chị là trẻ nhất. Chị được lòng của những người làm chung đến độ họ hay tạt nhà cho đồ ăn, khi miếng gạo khi quả dưa, những thực phẩm mà công nhân rau cháo chia nhau. Những lúc đó, tôi vẫn hay nghe họ khen tôi đã đỗ đại học và tặc lưỡi khi tiếc cho chị, dường như họ biết chị rất thông minh và làm cô giáo là ước mơ mà chị vì tôi mà bỏ. Những lúc thấy tôi ái ngại:
          -Gía như người đỗ đại học là chị thì tốt rồi, vì em không thông minh như chị, không thể thực hiện mơ ước chị
          -Đừng nói bậy và cứ gắng tới đâu thì tới. Ưoc mơ chị đã có em thực hiện và dù được hay không em đã gắng hết sức mình, chị thực sự không có gì nuối tiếc nữa.
          Và rồi chị yêu, mối tình đầu của chị qua những lời chị kể dường như là một người đàn ông yêu thương chị nhiều lắm. Khi tôi vòi gặp mặt thì chị bảo cần thời gian chín chắn mới giới thiệu với tôi, thế nhưng nhìn ánh mắt lấp lánh của chị, tôi biết chị đã yêu rất thật lòng. Ba năm chị yêu người ta, ba năm tôi mòn tai và có phần cảm mến người mà tôi nay mai sẽ gọi là anh rể. Thế rồi tôi tốt nghiệp, thế rồi anh bắt đầu hay lui tới nhà tôi. Chị biền biệt suốt ngày, chị nhờ anh thay chị chăm tôi. Ban đầu chỉ là những vui vẻ mà chúng tôi cố tình tạo dựng, sau lửa gần rơm, tôi và anh bắt đầu cảm mến nhau. 
          Nói thật chúng tôi không hề có ý định phản bội chị, thậm chí chúng tôi còn tự cho nhau khoảng cách để xa nhau, chúng tôi lảng tránh  nhau nhưng điều đó chỉ càng làm chúng tôi cồn cào khi thiếu nhau. Tôi và anh ban đầu chỉ là những chia sẻ để hiểu nhau sau này về sống chung nhà dễ thở, lâu dần mọi buồn vui của chúng tôi đều có nhau và… Và tất nhiên rồi chị biết, mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên càng khó xử. Tôi xin được việc rồi ra ở riêng, cắt đứt mọi liên lạc với cả chị và anh và không biết hai người như thế nào. Vì tôi hổ thẹn và vì tôi nghĩ chị cao cả cách mấy cũng không thể nào tha thứ nổi cho người chị đã hi sinh cả cuộc đời cướp lấy người chị thương. Rồi tôi đổ bệnh, rồi trong lúc nhập nhòa giữa tỉnh và thực, tôi thấy hình bóng chị nhào tới ôm lấy tôi:” Với chị, em là em gái của chị, mãi mãi là máu mủ, là tình thân, là không gì có thể chia cắt được. Còn anh ta, tới giờ phút này, đã không còn là gì cả.”. Tôi chỉ nhớ tôi đã khóc rất rất nhiều.
          Chị nói với tôi chị không hận anh vì người anh yêu bây giờ là tôi. Chị cũng biết chị không thể làm tròn bổn phận một người yêu để ở bên cạnh anh tháng ngày.
           -Nếu không thể cho người mình yêu hạnh phúc hoặc nếu người ta đã thay lòng, nếu níu kéo mình sẽ chỉ là người đau khổ thôi. Chẳng phải chị cao thượng đâu, mà chị cũng có nghĩ cho mình nên mới vậy
Sau đó chúng tôi lại về ở với nhau. Tôi không tiếp tục tình yêu với anh 
Vì rất nhiều lí do khác không chỉ vì riêng chị, còn chị vẫn ở cạnh lắng lo cho tôi. Năm chị ba mươi, chị lấy chồng, một anh góa vợ nhưng là một người chị quyết giảnh cả cuộc đời. Hai năm sau, tôi cũng lấy chồng, cả tôi và chị đều không lấy người chúng tôi đã cùng thương nhớ năm xưa. 
          Việc yêu thương anh thi thoảng chúng tôi vẫn nhắc lại nhưng chưa bao giờ chúng tôi cho đó là một sai lầm, nó như một bài học cho chúng tôi và để thử thách tình cảm của chị em tôi. Và nếu có thể, chúng tôi vẫn muốn gặp lại anh, ngồi uống café nói chuyện như những người bạn và hẳn là khi tất cả đều đã có một gia đình riêng, chúng tôi sẽ cười đùa nắc nẻ khi nói về chuyện tình cảm đó.

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định


READ MORE - VỚI CHỊ, ANH TA KHÔNG LÀ GÌ CẢ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân