Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 5, 2013

THƠ VÕ VĂN LUYẾN

Võ Văn Luyến



rỗng


ước được rỗng bão cuồng ngày vói nõn
thả những giấc mơ nặng nhọc
xóa những hằng số ve vuốt
biến ảo tham lam

mùa động tiếng chim rỗng thời gian
ta với ngất ngây làm gió
tự dưng thương cây mắc cỡ
nuối một vô tình
rỗng cơn đau ánh chớp u minh
xanh nỗi buồn xa ngái
mưa niềm vui rồ dại
lênh đênh rỗng bước mùa

ngậm sương cỏ rỗng tóc thưa
trái trăng rỗng nhịp chuông chùa nhớ quên.


Bữa tiệc của bầy sói

Bầy sói mở tiệc sau cuộc săn mồi
Con mồi quẫy đạp thật lực trước khi chết
Chùm sao trên cao đỏ mắt từ biệt
Sững sờ sau nghìn xưa lấp lánh
Bữa tiệc máu dồn đêm gió lạnh
Thảo nguyên mênh mông, tiếng hú vô chừng
Con cừu đói quên đường về cạm bẫy
Cái chết tình cờ, cái chết rưng rưng

Nhoáng nhoàng còn lại vài mẫu xương
Nằm hiên ngang gối lên màu cỏ mượt
Tuổi thơ chúng khát khao ngày lao lực
Có bao giờ ước thấy thú đau thương?



Mơ nguồn

Mây xa. Đêm xa. Em xa
Thơ chùng. Trăng lạnh. Gối và miền đơn
Yêu thương thổi ngược ngọn nồm
Ta về cuối giấc mơ nguồn. Tìm xưa.



Vĩnh biệt Anh
                 Tưởng nhớ Anh Dương Quang Lưu
                 
 

Lặng lẽ như thời gian
Như mộc quý giữa đại ngàn
Chiều nay đổ xuống!


Chiều mang tên một con người độ lượng
Không mê dụ hình tướng
Không vọng ảo thế quyền

Anh là người hiền
Lấy nhân đức hóa giải tị hiềm
Lấy ánh sáng rọi nguồn cơn bóng tối
Lấy vô ngôn thắp lên nụ cười
Biết nói gì, Chiều ơi!
Anh đi thật rồi
Gió ngừng thổi, sông thôi xuôi về biển
Cơn mưa lặng, buốt phía lời hò hẹn
Nén hương này, xin vĩnh biệt Anh!



Tặng bạn Vũng Tàu
                 Cho LVH

Thằng bạn lắm trò quái quỷ
Độc thân quá nửa đời người
Mê toán, guitar, tin học
Tự dưng mất hút bên trời

Một ngày bỗng con dế* réo
Hắn trách: lâu không gọi, mầy?
Ừ nhỉ! Có đâu rỗi rảnh
Tạc thù nồng nã men cay

Hắn bảo: răng thơ không tặng?
Phổ vài ca khúc cầm tay
Tán phét mãi rồi cũng chán
Hát hò cho các em say

Đùng đùng hắn về thăm quê
Dẫn theo một o Vũng Tàu
Xinh chi mà xinh đến tệ
Cái nhìn sắc lẻm dao cau

Thật lòng ta rất thương hắn
Phải cung lao ái sóng trùng
Từ nay bạn bầu khó gặp
Rượu hòa nước mắt rưng rưng!



Mùa xuân về cưới

một chút rét vừa đủ nhớ
một chút xanh, biếc gió chim về
ngoài kia
lất phất mưa cổ điển
em ảo huyền
đính lên màu hoa
lạ phố

câu thơ tôi hăm hở
giọt nhân gian ấm nồng
đâu phải chơi trò sắc không
mùa xuân về cưới
em biết không?


Về 

Ta về cất vó tơ chùng
Xe mưa cuối dốc cát hung phận người
Một thôi đường. Một chiều rơi
Một hôi hổi nhớ, một rời rợi xưa

Ta về rũ bụi nghi ngờ
Nhặt lên tiếng vọng chuông chùa buồn tênh.


                          VÕ VĂN LUYẾN
READ MORE - THƠ VÕ VĂN LUYẾN

Huy Uyên - Ở BẾN NINH KIỀU - NGÀY Ở LẠI VỚI ĐÀ LẠT


Ở bến Ninh-Kiều 

Hậu-giang ơi bạc lòng chi đến thế
thuyền trôi đi rồi mãi không về
từng nhánh sông cồn cào theo chuyện kể
Meekoong đắng lòng theo trái tim quê.

Tôi nói thương em theo đoạn sông trôi
những bông lục bình tím màu hoang dại
trôi về đâu mà tê tái
khóc cho người hay cả cho tôi.

Qua cầu Cần-Thơ mà tim buốt lạnh
ai đi đâu bỏ lại nỗi nhớ hoài
đường trần xưa đã sầu mọc cánh
để mắt người trong từng giọt mắt ai.

Bến Ninh-Kiều đợi chiều quay về
phương xa bóng người mù mịt
cả đời ai đi không về kịp
em ơi em ! rằng tôi gọi có nghe.

Đi quanh mãi phố đêm ngờ rưng lạnh
mỏi mòn chi cho tội bước chân em
Cần-Thơ ơi tôi mãi đi tim
bến vắng sông trôi hờ hững.

Tội đò quay về mà không có tôi
em bơ vơ tận đất cuối trời
ngồi đếm lại những tháng ngày xa khuất
thôi hết rồi em, tình của tôi ơi !!!

Huy Uyên



Ngày ở lại với Dalat

Mưa từng cơn bay trời Dalat
trên đồi ai đứng đợi mong
ngày nào em vội qua sông
để riêng tôi buồn
mà lòng cũng một trời cay đắng.

Ơi em, hồ-xuân-hương vời vợi trong xanh
xanh mấy thuở anh, em và cuộc tình
thôi rồi ai đưa tay vội hái
để cho hoa buồn và Dalat lặng im.

Bỏ nỗi buồn bên thung-lũng-tình-yêu
vĩnh biệt những lời hò hẹn
người đi mà không hề đến
để riêng ai than-thở-hồ-chiều .

Thôi ơi Dalat buồn da diết
ai đi và ở lại một mình
chiều ngồi bên thác Preen
thoang thoáng đâu đây giọng cười tưởng tiếc .

Xa em, người tìm
đồi xanh, hồ xanh lòng ai không nói
Dalat mắt chiều lời gọi
ngậm mãi trên môi cuộc tình.

Dalat rồi hoa, cây và gió
tình cầm bằng cháy mãi trong tim
chân đi mà lòng cứ ngỡ
con mắt có đuôi đi tìm.

Vĩnh biệt Dalat và một mình .

Huy Uyên
READ MORE - Huy Uyên - Ở BẾN NINH KIỀU - NGÀY Ở LẠI VỚI ĐÀ LẠT

Hồ Trọng Trí và Trần Ngộ - KÍNH VIẾNG HƯƠNG LINH Cụ Bà BÙI THỊ ĐỐC


Thơ điếu Cụ Bà BÙI THỊ ĐỐC, quê quán Hải Lăng, Quảng Trị, thân mẫu của anh Lê Văn Thanh, tạ thế ngày 24 tháng 2 Quý Tỵ, hưởng thọ 98 tuổi,

          KÍNH VIẾNG HƯƠNG LINH

         Mẹ già chín tám tuổi quy tiên.
         Mẫu mực, bao dung đấng mẹ hiền.
         Sống với nhân gian gần thế kỷ.
         Vui cùng quyến thuộc trọn thiên duyên.
         Rời thân tứ đại hồn thanh thản.
         Đến chốn Tây phương cực lạc miền
         Âm cảnh dương gian nào cách biệt.
         Hương linh thường lạc cõi uyên nguyên.

                                           Hồ Trọng Trí
                                           Kim Long, BRVT



PHỤ MẪU TÌNH THÂM

Chín tám mùa xuân mãn phận người
Gia đình con cháu lệ tràn rơi
Cha ơi ! mẹ đã về đoàn tụ
Trần thế con làm kẻ cút côi
Vời vợi công cha dường biển thái
Trùng trùng nghĩa mẹ tựa non khơi
Từ đây trời đất cách xa mãi...
Cánh cửa càn khôn đóng lại rồi !

TRẦN NGỘ
(LÂM ĐỒNG)
READ MORE - Hồ Trọng Trí và Trần Ngộ - KÍNH VIẾNG HƯƠNG LINH Cụ Bà BÙI THỊ ĐỐC

MỘNG VIẾNG MỘ HÀN - thơ liên hoàn tứ thủ của Châu Thạch




                                    

1. Ngày xem tranh ảnh mộ nhà thơ

Đêm đến tâm thần nhập giấc mơ

Hồn bỏ thân phàm về chốn đợi

Phách lìa xác tục đến nơi chờ

Đường lên Ghềnh Ráng trăng soi bóng

Lối đến Đồi Thi nguyệt dát bờ  

Hoa cỏ sương pha màu thảm ngọc

Hàng cau đứng đón ngọn vàng tơ.



2. Hàng cau đứng đón ngọn vàng tơ

Nương gió huyền âm bước lững lờ

Khách tục phiêu diêu tìm lối lạ

Chủ tiên hiển hiện đón đâu ngờ

Nàng Cầm chuốc chén men hương nguyệt

Chàng Tử mời ly rượu vị thơ                        

Dốc ngược hồ trường say với biển

Bãi xa Hoàng Hậu sóng nghiêng bờ.



3. Bãi xa Hoàng Hậu sóng nghiêng bờ

Biệt điện thi nhân một khối thơ

Trên  đỉnh thiên quang ngời tượng sáng

Dưới chân nguyệt chiếu lộng đồi mơ

Trầm hương trăm nén không ngơi thắp

Bút lửa ngàn câu há để mờ

Đúng chữ Quy Nhơn: người tựu hội

Danh lam thánh tích đến tôn thờ.



4. Danh Lam thánh tích đến tôn thờ

Mộng suốt canh trường với thánh thơ

Mắt thấy gội trong hồn tục lụy

Tâm nghe rửa sạch tấm lòng dơ

Thỏa hồi tương ngộ vui ngây ngất

Lo buổi phân kỳ sợ  ngẩn ngơ

Cứ mãi dùng dằng chưa bái biệt

Tỉnh bừng giấc ngủ biết mình mơ!



Châu Thạch


READ MORE - MỘNG VIẾNG MỘ HÀN - thơ liên hoàn tứ thủ của Châu Thạch

Nguyễn Đức Tùng - ĐỐI THOẠI VĂN CHƯƠNG - NGUYỄN ĐỨC TÙNG VÀ TRẦN NHUẬN MINH - Phần 1


LỜI DẪN
Thưa quý bạn,
Đối Thoại Văn Chương là kết quả của nhiều tháng trò chuyện trực tiếp và trao đổi thư từ giữa nhà thơ Trần Nhuận Minh và người viết những dòng này kể từ tháng 1, 2012.
Chúng tôi xin gởi lời cám ơn đến các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình mà chúng tôi có dịp nhắc đến hay trích dẫn trong các câu chuyện, cám ơn nhà xuất bản Tri thức đã làm việc hết lòng cho sự ra đời của cuốn sách cuối năm 2012. Nếu có những sai sót hay nhầm lẫn xảy ra, chúng tôi mong đón nhận các góp ý và chân thành mong bạn đọc thứ lỗi.
Sau đây là các trích đoạn tác phẩm dành cho người đọc không có dịp đọc bản in.
Như bạn sẽ thấy, đây là cuộc phỏng vấn- trò chuyện về những vấn đề khác nhau của thơ và thơ Việt Nam. Đối với tôi, trên một khía cạnh nào đó, Đối Thoại Văn Chương cũng là sự tiếp nối của Thơ Đến Từ Đâu, vốn đã được xuất bản thành sách bởi NXB Lao Động và dưới dạng ebook bởi Kệ Sách của Da Màu. Tôi mời các bạn cùng lắng nghe nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhân vật trung tâm, cùng với thơ của anh, thơ của những người khác, và tất cả những suy nghĩ, hồi ức, trăn trở của anh, “vì văn chương và xoay quanh văn chương”, như anh nói.
Tôi hy vọng rằng cuộc trò chuyện, qua nhiều chủ đề, đã diễn ra một cách hào hứng sôi nổi trong gần một năm, không phải không có lúc khó khăn, thậm chí gay cấn vì những khác biệt, nhưng lý thú, giữa hai chúng tôi, nay được ghi lại, sẽ trở thành cuộc trò chuyện giữa chính bạn đọc và nhà thơ Trần Nhuận Minh. Tức là giữa hai phía và nhiều phía của lịch sử, giữa tất cả chúng ta, bao gồm người đọc trong nước và hải ngoại, bao gồm người đọc thuộc các thế hệ và các lập trường xã hội, chính trị, văn học khác nhau, những người bất chấp một thời kỳ đầy khó khăn của thơ ca, vẫn không ngừng yêu mến nó và ủng hộ một nền thơ Việt Nam đi tới, trong sáng, khỏe mạnh, hướng về tương lai.
Vì thơ, tôi thiết nghĩ, dù được viết ở đâu, lúc nào, về bất cứ chuyện gì, tuy có lúc thật riêng tư, nếu là thơ thật sự, được sáng tạo tự do, bao giờ cũng là tiếng nói của tâm hồn dân tộc và của tương lai chúng ta.
Cám ơn tất cả quý bạn,
Nguyễn Đức Tùng 
Vancouver, những ngày đầu năm 2013.


ĐỐI THOẠI THÁNG GIÊNG

(phần một)

1. Nguyễn Đức Tùng:
Xin chào nhà thơ Trần Nhuận Minh.
Cám ơn anh đã nhận lời tham dự cuộc trò chuyện văn chương lâu dài của chúng ta, bắt đầu từ tháng Giêng này.
Trần Nhuận Minh:
Vâng, xin chào anh Nguyễn Đức Tùng, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Rất vui được trò chuyện với anh.

2. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở và thân thiện, thuận theo tự nhiên, nhưng cũng sẽ cố gắng tập trung quanh các chủ đề: thơ Trần Nhuận Minh, thơ của các nhà thơ khác, những hồi ức và suy nghĩ của anh về năm tháng đã qua. Xin mời anh nêu những nhận xét của mình về các vấn đề sáng tác và phê bình trong thơ và trong văn chương đang được dư luận quan tâm.
Như thế, cùng với nhiều người, chúng ta thử đi tìm một phác thảo chân dung của con đường thơ Việt Nam hôm nay.
Trần Nhuận Minh:
Đúng vậy. Tôi cũng hy vọng như thế. Và tất nhiên, cùng với việc bàn về thơ, đôi khi về văn của những nhà thơ, nhà văn khác, tôi cũng sẽ xin bàn về thơ của anh. Bởi ngoài phê bình văn học, với những đóng góp ngày càng sắc sảo từ bàn viết hải ngoại, anh thực sự là một nhà thơ và theo cách hiểu của tôi, là một trong những nhà thơ Việt Nam đáng chú ý ở hải ngoại hiện nay.
Đúng như anh nói, đây là một cuộc đối thoại thân thiện, và tôi muốn nói thêm: hoàn toàn bình đẳng và tự do. Đối với tôi, qua 50 năm cầm bút, biết bao điều cần được giãi bày, vì văn chương và xoay quanh văn chương.

3. Nguyễn Đức Tùng:
Đập giữa lồng ngực tôi như một trái tim 
Hình như lửa âm thầm chứa trong vàng đen 
Đốt cháy ruột gan tôi đến nỗi 
Tôi ngồi đứng không yên
Đó là thơ anh viết về hòn than đá.
Sau mấy mươi năm, hôm nay nhìn lại, thơ đã làm thay đổi cuộc đời anh ra sao?
Trần Nhuận Minh:
Những người sinh cùng thời với tôi, ở xung quanh tôi, nhất là cùng học với tôi, có cuộc đời và số phận khác với tôi, có lẽ là bởi lý do này: tôi hướng đời mình vào thơ. Nỗi buồn, niềm vui, hy vọng, thành công hay thất bại, hay hay dở…đều từ cái gốc này mà ra.
Thuở bé học Kiều, tôi lơ mơ nhận ra có một thế giới khác, một cuộc sống khác đang tồn tại bên cạnh mình, ít đổi thay, cao quý và tốt đẹp hơn nhiều so với cái tôi hằng thấy, hằng nghe… Kiều đã thấm vào tôi như một thứ tôn giáo. Vì thế, tôi gọi quyển Kiều là thánh kinh của tâm hồn tôi. Tôi cứ nghĩ, nếu không có quyểnKiều với những câu thơ huyền diệu của nó, dù tôi không hiểu hết, âm thầm dạy bảo và hướng dẫn tôi từ thuở nhỏ, thì cuộc đời tôi không biết sẽ như thế nào.
Thông thường, tôi điềm đạm, nhún nhường và nếu có bất cứ ai tranh với tôi, hoặc tôi biết là sẽ tranh với tôi, thì tôi xin thua ngay từ trước; cho đến tận bây giờ, vẫn thế. Dù tôi biết chắc chắn là tôi đúng hơn, và có “cái đó” có lẽ là phải hơn…. Thuở bao cấp, tôi không biết “quyển sổ hai đầu” (quyển sổ phân hàng hoá) là cái gì. Khi cơ quan họp để bốc thăm được mua phân phối cái quần đùi hay cái áo may ô, hoặc bánh xà phòng, theo hướng dẫn của cơ quan thương nghiệp, tôi đều vui vẻ không tham gia. Tôi nghĩ: trong chiến tranh có thể chết vì nhau, nay chỉ vì mấy cái lặt vặt này mà phải nhờ đến sự may rủi, thì thực phiền lòng. Tôi làm Tổng biên tập báo, Chủ tịch hội, Bí thư đảng đoàn… với tư cách là trưởng ngành của tỉnh, thực tình tôi chưa được đào tạo một ngày nào. Chính thơ đã đào tạo tôi, đã thay đổi cuộc đời tôi. Vì vậy, tôi đã làm việc hết lòng, với cố gắng cao nhất. Còn có thể va vấp chỗ này, khiếm khuyết chỗ kia, trái ý người này, mất lòng người nọ, trong khi giải quyết một số việc cụ thể nào đó, là điều rất khó tránh khỏi. Tôi đã góp công quan trọng cùng nhiều người, đưa tổ chức do tôi phụ trách, được chọn là một trong năm đơn vị khá nhất nước, được tặng Huân chương Độc lập hạng ba đầu tiên của cả nước trong các tổ chức Hội cấp tỉnh thành, và tờ báo Hạ Long do tôi làm Tổng biên tập, cũng được ban Tư tưởng văn hóa Trung ương chọn là một trong năm tờ báo Hội cấp tỉnh có chất lượng khá nhất, được Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen đầu tiên, trong số các tờ báo Hội cấp tỉnh.
Dù bận thế nào, thơ vẫn là cái thường trực, day dứt, trăn trở khôn nguôi, làm tôi ăn ngủ không yên.
Được, cũng không vui, mà không được, cũng không buồn.
Đó là thiền, tập được cái đó, khó lắm. Tôi cũng cố gắng tập:
Hỡi Đấng Mê Tơi
Bây giờ tôi sạch nợ trần ai 
Vâng, thưa Người 
tôi sạch nợ trần ai 
Những sung sướng 
không còn làm tôi sung sướng 
Những đau khổ 
cũng không còn làm tôi đau khổ…

4. Nguyễn Đức Tùng:
Robin Skelton, nhà thơ Canada, có lần khuyên: nghệ thuật viết tức là nghệ thuật viết lại, viết đi viết lại (the art of writing is the art of rewriting).
Một số bài thơ của tôi, khi viết xong thấy ngon lành vừa ý, nhưng ngày hôm sau đọc lại bỗng thấy đắng cả miệng, ngượng muốn chui xuống đất; còn nếu trước đó chưa kịp gởi cho ai thì thật là một may mắn lớn.
Khi làm thơ, anh viết một lần là xong hay viết đi sửa lại nhiều lần?
Trần Nhuận Minh:
Tôi thường viết một lần. Một lần là xong. Tôi viết ở bất cứ đâu khi bài thơ chợt đến. Có khi tôi mượn người bên cạnh cái bút và đứng lên xé luôn tờ lịch trong phòng của bất cứ ai, và bài thơ lập tức hoàn thành. Cũng có bài thơ viết xong tôi quên, rồi vào một lúc nào đó, chợt nhớ lại hoặc chợt tìm thấy, có thể sửa một vài chữ, cũng có thể không, rồi gửi đăng báo hoặc đưa in luôn vào tập. Ví như bài Tuệ Tĩnh, tôi viết từ 10 năm trước, năm 2001, nên có câu: 600 năm / Mưa nắng Giang Nam không mòn được. Vì cụ Tuệ Tĩnh mất khoảng năm 1400.
Hay bài thơ bốn câu sau đây:
MẤT ĐIỆN
Ngày nóng nhất thị xã vẫn mất điện 
Công dân cởi trần đổ ra đường 
Nhìn nhau cười hê hê 
Ngớ ngẩn như một bầy thú vật…
Tôi viết từ cuối năm 1985. Khi ấy, nơi tôi ở chưa là thành phố. Bây giờ thì thành phố cũng mất điện liên miên. Thấy hơi “nặng”, nên tôi chữa lại:
Mua sắm đã đành nhờ nuôi lợn 
Văn chương nào có mấy ai hay 
Trưa hè thị xã thường mất điện 
Ngực phanh trần, đứng dưới cây…
Nghe “dễ chịu” hơn, phải không? Tôi rất thú câu Văn chương nào có mấy ai hay, nói được hai ý, một là về tác giả, thời gian này, nào có mấy ai viết được hay; hai là về người đọc, bây giờ văn chương nào có mấy ai biết, mấy ai quan tâm. Cái thú của thơ là ở sự đa nghĩa của nó. Tôi rất khâm phục một câu không rõ của ai:Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Chữ cả cuối câu rất tài. Tôi đưa đoạn thơ trên vào bài Bạn đến (1985), in trong tập Nhà thơ áp tải năm 1989, sau đưa in lại trong tập PHỤ LỤC THƠ 2005: Gửi lại dọc đường, vừa in lần thứ 6. Một ví dụ khác: tập Nhà thơ và hoa cỏ khi in lần thứ 19, cả tập chỉ chữa có hai chữ, trong bàiLời từ biệt, cuối tập:
Những câu thơ dằn vặt một đời người 
Chả cần biết có ai còn nhớ nữa 
Cuộc sống này với bao nhiêu 
trắc trở Anh có thể đi mà chả kịp chào
Như vậy, tôi chữa thơ thường xuyên trong mỗi lần tái bản, lần nào cũng chữa, với hy vọng làm cho câu thơ có chất lượng cao hơn…
18 lần trước, đều in: Cuộc sống này với bao nhiêu dang dở… Có người bảo: chữa thế là làm hỏng thơ rồi,dang dở hay hơn, rộng lớn hơn. Nhưng tôi nghĩ trắc trở mới phù hợp hơn với chủ đề của cả tập thơ là số phận của con người, trong một xã hội đầy bất trắc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:
Cái chết vẫn rình ta ở khắp nơi, sau từng cánh cửa 
Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ… 
Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc 
Chỉ tích tắc khôn lường, ta đã hóa người xưa…
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn có một bài thơ rất hay viết về vợ, đại ý là, buổi sáng em xách cặp lồng cơm đi làm, cứ phấp phỏng lo sẽ xảy ra điều gì, bởi rất có thể: Là thôi… có thể mất em trong đời, chỉ đến chiều, thấy vợ về, mới biết là đã qua một ngày bình thường.
Cùng em buổi sáng chia tay 
Thầm mong lương thiện một ngày đón em…
Bài thơ có dấu ấn hiện thực và tâm trạng của cả một thời kỳ rất dài, chả biết từ năm nảo năm nào, cho đến tận ngày hôm nay, vẫn thế thôi. Hãy chỉ nói riêng về tai nạn giao thông. Theo báo cáo của ban An toàn giao thông, trung bình một ngày đêm trong năm, chết khoảng 27 đến 30 người, có năm lên đến 33 người chết trong một ngày (tôi từng làm Tổng biên tập một tờ báo, có trang an toàn giao thông), chưa kể số người bị thương đến tàn phế. Ngay trong chiến tranh ác liệt, không phải ngày nào cũng có số người chết vì bom đạn nhiều đến như thế…

5. Nguyễn Đức Tùng:
Tại sao anh viết?
Trần Nhuận Minh:
Tôi viết vì không thể không viết. Đơn giản thì như thế, nhưng ngẫm lại thì thấy đó là một câu hỏi hệ trọng hơn nhiều. Nó nằm sâu ở tầng đáy của cảm xúc và dưới hình thức này hay trạng thái khác, nó buộc tôi phải hành động, tức là phải cầm bút. Nó góp phần quan trọng tạo dựng tác phẩm văn chương trong một ánh sáng nào đó của thẩm mỹ.
Và với tôi, có hai giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn một, từ khi viết bài thơ đầu tiên (1954) được đăng đầu tiên (1960) đến năm 1986, năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới mà ngay từ năm đó, tôi đã nói rằng, đây là cuộc cách mạng tháng Tám thứ hai và với bản thân tôi, đây là năm sinh thứ hai. Giai đoạn này tôi viết để phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt. Nghĩa là viết cái mà cuộc sống cần ở mình. Chủ đề tư tưởng là các nhiệm vụ chính trị cần phải đạt đến. Nội dung hiện thực là thực tế nó cần phải xảy ra, còn nó có xảy ra thật như thế hay không, điều ấy không quan trọng. Tôi nghĩ, cả một nền thơ của một giai đoạn lịch sử đã được viết trong quan điểm đó, rất trong sáng và chân thành. Chính nhờ thế, mà “Toàn đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt” (Chế Lan Viên). Đến khi thống nhất được đất nước, nhiệm vụ chính trị hoàn thành rồi, thì thơ có hoàn thành được nhiệm vụ nghệ thuật, để tồn tại đến mai sau hay không, lại là vấn đề khác, và nói cho cùng, điều ấy không phải là cái quan trọng nhất. Nếu nó có “hi sinh” thì cũng hy sinh như mọi người lính trong trận mạc mà thôi.
Giai đoạn hai, từ năm 1986, tôi viết về cái mà mình cần phải có ở tác phẩm của mình, nỗi ám ảnh của cá nhân mình trước mọi cái mắt thấy tai nghe, cùng với những tổng kết, trải nghiệm của cả cuộc sống mà mình tích tụ được đến lúc đó, qua lăng kính của chủ nghĩa nhân văn. Không viết được như thế thì mình không sống được bình thường như mọi người.
Trong sách kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007, phần nghĩ về nghề, tôi viết: “Có một nỗi niềm nào đó thực sự ám ảnh anh, buộc anh phải viết ra, nếu không viết ra được với những đặc trưng như thế, như thế… anh hoàn toàn mất thăng bằng. Đối với anh, đó là sự giải tỏa, còn đối với bạn đọc, đó là sự khám phá mới về Cõi Người, với những khát vọng không bao giờ nguôi ngoai…”

6. Nguyễn Đức Tùng:
Khi đọc trường ca Bản Xônat hoang dã, ấn tượng đầu tiên của tôi là về nhịp độ, tốc độ, tiếng Anh gọi là pacing. Pacing là sự chuyển động của câu thơ và toàn bài thơ. Kinh nghiệm của tôi là khi được viết trong một thời gian ngắn, viết một lần là xong, bài thơ dài thường gây ấn tượng dồn nén, gấp gáp, hoang mang mà mãnh liệt. Bộc lộ hết cái tôi ra.
Trần Nhuận Minh:
Tôi cũng có những cảm giác như anh khi viết các tập khác, nhưng riêng tập thơ này thì lại không. Tôi viết rất nhẹ nhàng, thanh thoát và dường như chả bận tâm đến bất cứ cái gì, kể cả thơ, lòng hoàn toàn thanh thản, trong trẻo, có thể nói là tinh khiết. Cảm giác đó trong tôi chỉ duy nhất có trong quá trình viết tập thơ này. Cũng lạ. Anh sẽ nhận ra điều ấy khi đọc trực tiếp tập thơ. Bản Xônat hoang dã 36 bài (hoặc là 36 khúc thức), tôi vận dụng đặc trưng của thể loại sonata âm nhạc vào thơ, thử viết một bản sonata hoàn toàn bằng lời xem như thế nào. Không kể bài Tựa và Bạt có từ trước, tôi đưa vào để mở và kết tập, còn 36 bài trong tập, tôi viết liên tục vào các buổi sáng, khoảng từ 3 giờ 30 đến 6 giờ 30, bởi sau đó, tôi còn phải đến cơ quan trước giờ làm việc. Hơn một tháng thì xong cả tập thơ. Sau này, khi tập thơ đã in ra và bán hết rồi, chả có việc gì phải dậy sớm, vậy mà cứ vào lúc 3 giờ 30 sáng là tự nhiên tôi lại thức dậy…

7. Nguyễn Đức Tùng:
Trong Bản Xônat hoang dã, khí hậu thơ bát ngát, vừa là chuyện thế gian, vừa không còn là thế gian nữa, trở nên ngày một tâm linh, vũ trụ hơn. Có phải đây là khuynh hướng của anh gần đây?
Từ tập Nhà thơ và hoa cỏ đến tập thơ này, có một bước chuyển biến về bút pháp. Anh cũng có nhắc đến một sự kiện trong đời sống riêng của anh, có thể đã ảnh hưởng đến sự chuyển biến ấy.
Trần Nhuận Minh:
Cái âm hưởng của Bản Xônat hoang dã tôi rất muốn ổn định và phát triển, để có thể hình thành một khuynh hướng nghệ thuật, như anh nói, nhưng sau đó, tôi không sao viết tiếp theo cách đó được nữa, dù tôi rất muốn. Nó chỉ xuất hiện trong sáng tác của tôi có một lần…
Thực tình là tôi cũng không biết có phải vì vậy hay không. Nhưng không phải một mà đến bốn nhà thơ đã phát biểu sự suy đoán đó trong hai cuộc tọa đàm về tập thơ này của tôi ở thành phố Hạ Long và thị xã Uông Bí, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Và những ý kiến ấy, cùng với các nhận xét về học thuật, đã đăng lên báo, phát qua đài… Tôi có bài Vô thức, in ở cuối tập Nhà thơ và hoa cỏ, về thời gian sáng tác, là bài cuối cùng của tập thơ này, thuật lại điều đó, để rõ ở cuối bài: viết sau tai nạn giao thông trên đường 5 (Hải Dương), chết lâm sàng từ 22 giờ ngày 05/8 đến 2 giờ ngày 06/8/2001. Câu kết của bài thơ:
Xòe hết ngàn cánh tay, chẳng chạm vào bát ngát Ta rùng mình rơi trong muôn thẳm Cô Đơn…
Sự cố như sau: tôi từ Đà Lạt về, họp hội nghị thường kỳ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, do nhạc sĩ Trần Hoàn, chủ tịch ủy ban triệu tập và chủ trì. Lái xe đón tôi ở sân bay Nội Bài rồi về Quảng Ninh trong đêm, vì sáng sau, tôi phải làm việc với chủ tịch tỉnh. Đêm ấy trời trong, trăng sáng. Đến gần Ghẽ (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), lái xe cho xe dừng bên đường để ngoái tay về phía sau lấy chai nước lọc, thì “rầm” một tiếng, cái xe tải chở hàng từ Sài Gòn ra, lái xe hình như ngủ gật, đã chồm lên 2/3 xe tôi (xe gầm thấp, ở trạng thái không).
Theo biên bản do công an Cẩm Giàng lập, lúc 22 giờ 15 phút, ngày 05/8/2001, thì cái xe tải này di cái xe con của tôi trên mặt đường 55 mét, khi chợt nhận ra cái giải phân cách bằng kim loại phía trước, phân biệt luồng xe ô tô và chỗ dành cho người đi bộ, thì xe tải quặt trái và phanh độc. Xe tôi bay chéo trên không trung 57 mét, qua giải phân cách ở giữa đường, cắm đầu xe xuống ao nông thả muống ở ngoài bên kia đường, cách mép cuối cùng của vệ đường 2,3 mét (tôi ghi tròn số). Chính nhờ cái ao nông thả muống mà chúng tôi thoát chết. Vỏ cái xe con của tôi bị vò nát như cái vỏ trứng, toàn bộ 2/3 xe phía sau, bị cái ba đờ sốc của xe tải kéo giật ra, trống hoác, cái cặp số của tôi để ở cốp xe cũng bẹp rúm… Đầu tôi đập chúi về phía trước và cũng may là đã bị vướng vào đó, nếu không đã bị cái ba đờ sốc kia kéo ngang cổ mà lôi ra. Máu từ miệng và mũi tôi chảy ra đầm đìa… Tôi chết lâm sàng bốn tiếng đồng hồ liền, hoàn toàn không biết gì. Mới hay cái chết cũng nhẹ nhõm và dễ chịu thôi.
Sau khi chụp “cắt lớp” ở bệnh viện Việt Đức Hà Nội, xác định là sọ không bị tổn thương, chỉ rạn xương gò má trái, tôi về cơ quan và làm việc ngay, để giải quyết những công việc tồn đọng trong những ngày công tác xa, dù mặt mũi vẫn sưng tím. Xin nói thêm: Trong những năm công tác Hội, tôi không nghỉ phép hay nghỉ ốm một ngày nào. Khi làm cán bộ quản lý, tôi được chi theo chế độ đi công tác ở Hà Nội, được nghỉ tại khách sạn, tiền ngủ được thanh toán đến mức cao nhất là 250 nghìn đồng một đêm, nhưng tôi chỉ nghỉ ở văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, vì suốt ba khóa, 15 năm liền, khóa nào tôi cũng là ủy viên một ban công tác hay chuyên môn của Hội, với mức chi chỉ có từ 10 nghìn đến 20 nghìn tiền dọn phòng cho một ngày đêm, tiết kiệm cũng không ít tiền cho nhà nước.
Tôi viết văn bản yêu cầu công an không xử lý xe và lái xe tải, tôi cũng không yêu cầu nhà xe bồi thường tiền cho cá nhân mình. Còn cái xe hư nát thì đã có bảo hiểm lo. Nhà xe là phụ nữ, đi áp tải hàng, nói: cháu có phúc mới đâm vào chú (!). Cái xe của chú bay như một chiếc lá khô. Phim Hollywood còn phải gọi bằng cụ. Cháu nghĩ chuyến này cơ nghiệp nhà cháu thế là hết. Anh Phú, công an Cẩm Giàng, người lập biên bản tại hiện trường, nói với tôi: chú qua một tai nạn khủng khiếp như thế mà không chết hoặc không tàn phế, là điều cháu hoàn toàn không thể hiểu được. Chắc là chú phải có một vị nào đó rất thiêng phù hộ. Chú nên tìm mà lễ tạ…

8. Nguyễn Đức Tùng:
Chúc mừng anh. Một sự may mắn khó giải thích.
Một bài thơ đến với anh lần đầu tiên như thế nào?
Trần Nhuận Minh:
Lúc đầu là một ý tưởng bật lên từ cảm xúc, hoặc một cảm xúc bật lên từ ý tưởng, tùy theo cái tác động của đời sống vào mình theo con đường nào. Tôi không rõ ở các nhà thơ khác như thế nào, chứ ở tôi thì tôi thấy rõ hai điều. Một là bài thơ tự đến với tôi. Hai là cùng một lúc nó đến với toàn bộ hình hài mà nó cần được ra đời, bao gồm cả ý tưởng, kết cấu và giọng điệu, trong đó có độ dài ngắn, thể loại, có vần hay không có vần. Bài thơ có thể được làm xong ngay rồi về sau, tôi chỉ chữa các câu chữ.
Đấy là thơ tôi viết từ năm 1986, năm bắt đầu vào công cuộc đổi mới. Trước đó, tôi viết theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Và viết theo yêu cầu của chính trị, tôi viết cũng tận tâm và chân thành hết lòng mình. Chỉ có điều, những bài thơ đó, tôi gọi nó đến theo yêu cầu của tôi, có khi nó đến sớm, có khi nó đến muộn, thường thì nó không tìm tôi mà tôi phải tự đi tìm nó. Nhưng nó đã đến, đều đến trong một tư thế đã tương đối hoàn chỉnh. Như vậy trước và sau đổi mới 1986, trong lao động thơ của tôi, các thao tác nghệ thuật không có gì thay đổi. Chỉ thay đổi ở cách tiếp nhận, để bài thơ được sinh thành sẽ như thế nào. Có nhà phê bình đã nói là tôi lấy năm 1986 làm cái mốc để chia đôi sự nghiệp sáng tác của mình, là nói đúng đấy. Còn lý do thì tôi đã trình bày ở trên. Và hình như trong thế hệ cầm bút cùng thời với tôi, không có ai, sự phân chia đó lại rõ ràng như tôi. Và thái độ cũng quyết liệt như tôi trong việc tự làm lại mình từ đầu:
Ta học chim để sản xuất máy bay 
Học cá để chế tạo tầu ngầm 
Nhưng ta không biết học ai 
Để làm lại bản thân mình…
Nỗi giày vò nghệ thuật ấy day dứt tôi không bao giờ nguôi. Vì thế sau đó, tôi quyết tâm tự đổi mới mình. Vẫn là mình thôi, với một nỗi ám ảnh xuyên suốt là số phận của nhân dân, cuộc thành bại của mỗi đời người, hình thành một hệ thống tư tưởng và thẩm mỹ khác hẳn trước, để sáng tác dài hơi, nhưng mỗi tập mỗi khác, khác về ý tưởng, kết cấu, giọng điệu… nếu không khác thì tôi không viết mà đã viết rồi thì không in ra… Anh có thể nhận ra rất dễ dàng điều đó qua bốn tập thơ cơ bản của tôi là Nhà thơ và hoa cỏ (1986 – 2001),Bản Xônat hoang dã (2003), 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007) và Miền dân gian mây trắng(2008).
Ngoài công việc phê bình, Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ, vậy tôi xin hỏi ngược lại, thơ đến với anh ra sao?

9. Nguyễn Đức Tùng:
Thơ của mỗi người là một dòng sông riêng biệt, có nhiều nguồn. Có khi lộ ra như suối trên đá, có khi chảy ngầm dưới đất như mạch nước, khó nhận biết. Một trong những nguồn suối ấy là nỗi xúc động từ kinh nghiệm có thật trong đời.
Xúc động chứ không phải là ý tưởng, mặc dù nhiều người cho rằng thơ của tôi đầy ắp các ý tưởng.
Có những nguồn gốc rất kín đáo, rất xa xăm, ít người nhận ra. Có lẽ thơ của tôi cũng như thế.
Tôi xin phép được dùng câu chuyện của Kobayashi Issa, một trong những nhà thơ lớn của Nhật Bản, viết trong cuốn sách nổi tiếng của ông về thơ Haiku, để mô tả điều ấy.
Chú tiểu Takamaru, mới mười một tuổi, ra khỏi chùa một buổi sáng mùa xuân với vị sư huynh. Họ đi dọc bờ suối để hái hoa và lá cây. Chú tiểu trượt chân đột ngột té xuống khi đang leo lên cầu, ngã vào dòng sông băng tan, nước chảy xiết. Vị sư huynh hốt hoảng chạy lại nhưng không làm cách nào để cứu kịp, chú bé trồi lên nhiều lần đưa tay vùng vẫy nhưng rồi lại chìm xuống dưới làn sóng hung dữ. Mặc cho tiếng gào khóc của người trên bờ, dòng nước vẫn cuốn phăng chú mỗi lúc một ra xa.
Người trong chùa và thôn xóm đổ xô đi tìm, đốt đuốc suốt đêm dọc hai bờ sông. Cuối cùng người ta tìm thấy chú, đã chết, toàn thân lạnh giá vắt lên bờ đá. Có người tìm được trong túi áo của chú tiểu những thứ vật dụng lặt vặt, mà họ đoán là dành để làm quà cho cha mẹ chú. Họ mang Takamaru về nhà. Cha mẹ chú ngất đi. Không ai nhìn cảnh ấy mà không rơi lệ khóc than. Thế mà buổi sáng ấy chú bé ra khỏi chùa vẫn còn lành lặn, tươi cười.
Hai ngày sau, đứng trước ngôi mộ mới đắp, lạnh cóng trong buổi chiều sương xuống, Issa đã viết bài thơ tanka nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi của ông:
Không một lần nào tôi nghĩ rằng 
Một ngày kia tôi sẽ ném 
Những bông hoa mùa xuân tươi thắm 
Vào đám khói đen này 
Và đứng lùi lại để nhìn nó bay lên 
Biến mất trong bầu trời.
Trần Nhuận Minh:
Câu chuyện anh kể rất cảm động. Và bài thơ thật hay.
Có lẽ thơ đến với anh cũng tương tự như thế chăng?

10. Nguyễn Đức Tùng:
Anh nhớ nhất những bài thơ nào của mình?
Trần Nhuận Minh:
Câu hỏi của anh rất tinh, rất khéo, không thật chú ý sẽ không nhận ra, cũng là cách rất hợp lý để tác giả tự đánh giá những bài thơ có chất lượng cao hơn của mình mà không mang tiếng là thiếu khiêm nhường. Vì vậy, tôi chọn cách đánh giá thơ tôi của những người khác, những đơn vị văn hóa khác, rất có thể họ chuẩn xác và khách quan hơn chăng… Bởi người khác nhớ thơ mình thì vẫn hay hơn là mình nhớ thơ mình, đúng không?
Năm 1990, trong chuyến thăm Liên Xô, theo lời mời của Hội Nhà văn Liên Xô, một chiều cuối tháng 4, nhà thơ Trinh Đường ngồi bên tôi trên đồi Lênin, dưới bóng những cây thông lớn, cao vút, nhìn xuống dòng sông Matxcơva, ông nói một câu, tôi rất nhớ: bài “rất gớm” của cậu là Chiều Yên Tử. Mình không hiểu sao cậu viết được bài ấy. Sau đó ông chọn bài thơ ấy trong 99 bài Thơ Việt thế kỷ XX và trực tiếp viết lời bình. Trung tâm Văn hóa Doanh nhân chọn bài Dặn con, trong khi Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt chọn bài Nguyễn Du, trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX (mỗi nhà thơ được chọn một bài). Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt cùng nhà xuất bản Văn hóa thông tin, in tập Nhà thơ và tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ XX, chọn tôi là một trong 40 nhà thơ “có nhiều cống hiến ở thế kỷ XX” như Lời thưa in ở đầu sách và chọn lại của tôi bài Chiều Yên Tử. Sau đó, hai đơn vị trên, hợp tác xuất bản Thơ hay thế kỷ XX và chọn của tôi hai bài khác: Đứng trên thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, nhớ câu thơ Phúc chu thủy tín dân do thủy của Ức Trai Nguyễn Trãi và bài Phút lâm chung của cụ Hãn. Nhà xuất bản Giáo dục, xuất bản Sách tham khảo đặc biệt dùng trong nhà trường: Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX (thơ trữ tình) do nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chủ biên, với sự tham gia tuyển chọn của nhà thơ Vũ Quần Phương và Quang Huy, chọn của tôi ba bài: Chiều Yên Tử, Nguyễn Du Nhà thơ áp tải. Hội Nhà văn Việt Nam, qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn, in Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX,tôi được chọn năm bài: Chiều Yên Tử, Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long, Thím Hai Vui, Hà Giang  Ông Hủi; trong Tinh tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ XX do nhà thơ Bằng Việt chủ biên, tôi được chọn hai bài làThím Hai Vui  Vạn lý Trường thành ca (người được chọn nhiều nhất là ba bài), chưa kể Tinh hoa thơ Việt(tập I) chọn của tôi 30 bài. Còn thơ tình thì sao? Cũng có đấy. Có hai tập tuyển khác nhau đã được xuất bản, đều có tên là tuyển tập Thơ tình Việt Nam thế kỷ XX, tập này, tôi được chọn một bài Chiều xanh và tập kia, tôi được chọn hai bài Thơ tình ngày không em và Chiêm bao.
Vân vân…
Xin cám ơn các nhà thơ, các nhà thơ nhà văn trong các nhóm tuyển chọn, cám ơn các đơn vị văn hóa và các nhà xuất bản.

11. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi xin nêu nhận xét riêng của mình, có thể khác ý kiến những người đã đọc thơ anh trước tôi: muốn nhìn thấy Trần Nhuận Minh thì phải đi tìm anh trong những bài thơ dài, các trường ca.
Ở thể loại này, tôi nhận ra Trần Nhuận Minh rõ hơn.
Tiếng hạc kêu ngang trời 
Thảng thốt 
Màu thu rối bời hoa tóc tiên 
Lẳng lặng Em. Lẳng lặng Em 
Đấng Mê Tơi đang nói 
Trong im lặng khôn cùng 
Trong sắc chiều bâng khuâng tận đáy 
Trút bỏ tư duy nhuốm bụi 
Trần gian 
Tinh khiết như thuở mẹ sinh ra 
Ta dang hai cánh tay 
Xao xác gió… 
Tiếng gầm của Hư Vô 
Lửa đốt trong xương sống…
Thật lạ so với thơ đương đại Việt Nam ở trong nước.
Tôi nói như thế là trong mối quan hệ so sánh với các bài thơ ngắn hoặc rất ngắn khác của anh. Có một điều gì đó rất khác nhau giữa hai thứ đó, dĩ nhiên không phải chỉ vì chuyện dài ngắn. Anh nghĩ sao?
Trần Nhuận Minh:
Đúng là chưa có ai nhận xét về tôi như anh. Tôi coi đó cũng là một phát hiện. Tôi cũng hơi “bị giật mình” đấy. Một nhận xét “dễ sợ”.
Có lẽ là thế này chăng: thơ ngắn của tôi là thơ thế sự, tôi hướng đến số phận của những người khác (điều đó sẽ được nói kỹ hơn ở các phần sau), nên một thời, có nhà phê bình đã xếp thơ tôi vào xu hướng thơ “hướng ngoại”. Chỉ có ở những bài thơ dài, hay trường ca (như trường ca Đá cháy chẳng hạn), tôi mới bộc lộ trực tiếp và đầy đủ về mình, tư tưởng, quan điểm học thuật, các chặng đường đời với những vui buồn cá nhân như người ta thường thấy trong các hồi ký…
Ngẫm ra, anh nói thế là đúng đấy. Trước anh chưa có ai…

12. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi chú ý đến câu nói của anh “lúc đầu là một ý tưởng bật lên từ cảm xúc, hoặc một cảm xúc bật lên từ ý tưởng”. Điều này có đồng nhất với khái niệm “cảm hứng” (inspiration) thường được nhắc đến không?
Các nhà thơ đều quan tâm đến cảm hứng, theo đuổi cảm hứng suốt đời. Có người cho rằng làm thơ “coi bộ dễ hơn” viết văn, có người thì ngược lại; theo tôi cả hai đều đúng cả. Làm thơ có vẻ nhanh hơn, thậm chí có người một lúc viết được nhiều bài, còn viết truyện ngắn hay tiểu thuyết là một thứ lao động miệt mài ngày này qua ngày khác, mất nhiều công sức, nhưng ngược lại một số nhà văn nổi tiếng tâm sự rằng, họ ngồi vào bàn làm việc mỗi ngày và ngày nào cũng có thể, bắt buộc phải viết được vài trang. Các nhà thơ thì khổ sở hơn: cảm hứng không phải khi nào cũng đến với họ. Nhà thơ Wislawa Szymborska từng dí dỏm: “… nhưng các nhà thơ là tệ hại hơn cả, công việc của họ không sáng sủa tí nào. Một người ngồi ở bàn giấy hay nằm dài trên ghế sofa nhìn trừng trừng lên trần nhà hay bức tường trắng xóa. Thỉnh thoảng anh ta lại viết xuống năm bảy dòng, để rồi chỉ mười lăm phút sau đã gạch phắt chúng đi, và rồi vài giờ khác nữa trôi qua, trong vài giờ ấy tuyệt nhiên chẳng có gì xảy ra cả… ai nhìn thấy cảnh này mà chịu nổi cơ chứ?”.
Làm sao để có cảm hứng? Câu nói của Hoàng Cầm (trong Thơ đến từ đâu), (để sáng tạo) “nhà thơ phải sống rất thơ cuộc đời mình”, theo anh, đúng đến đâu?
Trần Nhuận Minh:
Trước đây tôi cũng nghĩ như Hoàng Cầm. Hiện giờ thì về sáng tác của tôi, tôi vẫn như thế, nghĩa là thơ tôi chính là con người tôi. Tôi cũng nhận ra nhiều nhà thơ như vậy, nhưng không chỉ như vậy. Bởi tôi đã thấy có người, thơ thì rất hiền mà sống rất ác. Chẳng “thơ” một chút nào. Hình như ngày xưa cũng như thế thôi, chỉ có điều mình không biết. Chả biết anh thế nào, chứ tôi, rỗi lúc nào là đọc Nguyễn Du, Nguyễn Trãi lúc ấy. Tôi thấy Nguyễn Du thơ hiền mà người cũng hiền, còn Nguyễn Trãi thì không hẳn thế. Đấy là cái để tôi phân biệt hai cụ. Một Nguyễn Trãi “không hiền một chút nào”, hiện lên rất rõ trong sự hình dung của tôi, khi đọc những câu thơ:
Tuổi cao tóc bạc, cái râu bạc 
Nhà ngặt đèn xanh, con mắt xanh
Hoặc:
Ngoài cửa chim phàm chớ tới kêu…
Vân vân…
Còn Nguyễn Du:
Sống đã chịu nhiều bề phiền não 
Chết lại nhờ hớp cháo lá đa 
Đau đớn thay, phận đàn bà 
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu…
Vân vân…
Về chủ nghĩa nhân văn, cái mà tôi cho là quan trọng nhất của văn chương, tôi đánh giá Nguyễn Du cao hơn nhiều so với Nguyễn Trãi.
Lại nhớ Nguyễn Khải từng nói rằng, tác phẩm của nhà văn là tinh hoa, còn con người của nhà văn là cái thứ cặn bã, có khi tởm lắm. Có lẽ đúng chăng? Tất nhiên là với một số người.
Còn cảm hứng là vô cùng quan trọng. Trong quá trình sáng tạo, bài thơ sống trong cảm hứng của nhà thơ như cá sống trong nước. Nước cạn là cá chết.
Thời gian tôi soạn Bản Xônat hoang dã, cả ngày làm việc, nhiều hôm, bận đến đêm, chả nghĩ gì đến thơ phú. Chẳng cần để chuông đồng hồ, cứ khoảng 3 giờ rưỡi sáng là tự nhiên thức giấc, ngồi vào bàn, lòng trống rỗng. Lúc đó hoàn toàn không biết sẽ viết gì. Tôi đọc đi đọc lại tất cả các bài (hay khúc thức) đã viết trước, sửa chữa câu chữ, nếu có thể. Có bài tôi xóa bỏ luôn. Chỉ 20 hay 25 phút sau, cảm hứng xâm chiếm tôi dần dần và một cái gì đó trong tâm thức của tôi xuất hiện. Và tôi viết về cái đó được ngay, có buổi viết được đến hai bài.

13. Nguyễn Đức Tùng:
Trên đây, anh đã nói rằng: “lấy năm 1986 làm cái mốc để chia đôi sự nghiệp sáng tác của tôi”, như một nhà phê bình đã nhận xét, “là nói đúng đấy. Và hình như trong thế hệ cầm bút cùng thời với tôi, không có ai, sự phân chia đó lại rõ ràng như tôi. Và thái độ cũng quyết liệt như tôi trong việc tự làm lại mình từ đầu”.
Tôi hiểu rằng năm 1986 là thời kỳ đổi mới ở Việt Nam. Việc thay đổi nhận thức của nhà thơ, và do đó, hoặc ít nhất là cùng lúc, sự chuyển hướng sáng tác, trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử, là chuyện đã từng xảy ra. Tôi lấy ví dụ sau năm 1945, một số nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đều có thái độ từ bỏ con đường sáng tác cũ và quyết tâm tự đổi mới mình. Sau năm 1954, một số nhà thơ ở miền Nam, như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, có nhiều thay đổi. Đầu những năm sáu mươi ở miền Bắc, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm chuyển hướng. Sau này ở hải ngoại, các nhà thơ từ Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Viên Linh, Cao Tần, Thi Vũ, Nguyễn Tất Nhiên đến Cao Đông Khánh, Khế Iêm, Lê Thị Huệ, Đỗ Kh, Trân Sa, Thường Quán, Đỗ Quyên, Nguyễn Hoàng Nam… cũng bắt đầu viết khác. Trong khi đó, trong nước, từ giữa những năm tám mươi và chín mươi, thơ Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Hoàng Vũ Thuật, Inrasara, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Lâm Thị Mỹ Dạ, Vân Long, Y Phương, Thi Hoàng, Mai Văn Phấn… cũng khác. Như vậy cần hiểu như thế nào về việc trong thế hệ của anh, “không có ai, sự phân chia đó lại rõ ràng” và thái độ “quyết liệt” trong thơ như Trần Nhuận Minh?
Trần Nhuận Minh:
Các nhà thơ miền Nam và hải ngoại mà anh kể trên, có người tôi không rõ lắm, nhưng các nhà thơ miền Bắc thì tôi rất quen thuộc, họ đã từng bước chuyển hướng và phát triển đúng như anh nói. Nhưng “chia đôi sự nghiệp, trước và sau 1986” thì không ai “rõ ràng” và “quyết liệt” như tôi trong việc làm lại mình từ đầu. Bởi vì chỉ có tôi mới nói trên báo và viết vào sách rằng: xin tự loại bỏ toàn bộ sáng tác 25 năm bao cấp (1960 – 1985) của thơ tôi, với 166 bài thơ và 2 trường ca trong 4 tập thơ. Có tập đến 50 bài đã được tặng giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam, cùng một tập thơ, một tập trường ca đã được tặng hai giải nhất mỗi giải cách nhau 5 năm (1980 và 1985) của Ủy
ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tôi cũng đã làm đúng như mình nói và viết. Và tôi làm lại từ đầu, tự khai sinh lần thứ 2 cùng với công cuộc đổi mới đất nước. Và kết quả của nó như thế nào, anh và các bạn đồng nghiệp của tôi đều đã biết. Sở dĩ 20 năm sau, từ năm 2005, tôi mới chọn lại 28 rồi 29 bài trong 25 năm đó in thành PHỤ LỤC để tham khảo ở cuối sách, chính là vì các cháu sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn cử nhân và thạc sĩ khoa học về thơ tôi, cần hiểu thơ tôi trong một quá trình, nên tôi chọn lại, để các cháu khỏi phải mất công tìm kiếm trong thư viện, và trích ra những bài thơ mà có bài, đọc lại, tôi rất xấu hổ. Bởi trước đây, thơ tôi đăng nhiều báo, in khá nhiều sách, cả riêng và chung. Hầu hết đều là thơ tuyên truyền minh họa, mà ngay năm 1986, với ánh sáng tươi mới của công cuộc đổi mới, tôi mới nhận ra là không phải sở trường của mình. Nhận xét về việc làm này, năm 2006, nhà phê bình văn học, giáo sư Phong Lê đã viết: “Sự loại bỏ quyết liệt để chỉ lấy 28 bài cho 25 năm làm thơ khi soạn Trần Nhuận Minh – Tuyển tập tác phẩm thơ(2005); và chỉ đưa 28 bài này vào Phụ lục thơ của Tuyển, với Lời tác giả: Nếu có sử dụng thơ đã in trước 1986 thì chỉ xin được dẫn từ 28 bài này (P.L. nhấn mạnh), có là cực đoan không, bởi mỗi bài, mỗi quyển ra đời đều được đọc, vừa trong tâm trạng và cảm xúc của hôm nay, lại vừa trong tương ứng với cái thời ra đời của nó.
Dẫu sao thì đó là việc anh đã làm, với một tâm thế dứt khoát, và một ý nguyện đáng quý.”
Tôi rất cảm ơn sự chỉ dẫn của nhà văn – giáo sư Phong Lê. Nhưng ý tôi đã quyết như thế và điều đó đã diễn ra suốt 20 năm nay rồi. Chính nhờ thái độ “quyết liệt” đó, tôi mới có đủ sức để làm lại mình từ đầu.
Các nhà thơ khác cùng thế hệ với tôi, không ai làm như thế. Và tôi tôn trọng họ.

14. Nguyễn Đức Tùng:
Anh kể đã viết Bản Xônat hoang dã ở nhà. Nhưng hình như anh cũng làm nhiều thơ trong các chuyến đi xa, trong nước và hải ngoại? Nhiều người cho rằng đi và viết là hai công việc sóng đôi cần thiết.
Trần Nhuận Minh:
Tôi coi bất cứ đi đâu, làm việc gì, cũng là đi sáng tác, phải viết được một hay hai cái gì cho kha khá một chút. Không ít bài thơ của tôi được viết trong các chuyến đi. Và chỉ đi lần đầu mới viết được, lần sau, vẫn cảnh ấy người ấy, nhưng tôi thấy nó rất nhạt, mất hết cảm xúc. Từ đó, tôi không đi đâu lần thứ hai, vì tôi thấy như thế là lãng phí sức của, sức người, chả để làm gì. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng: chùm thơ tôi viết ở Trung Hoa năm 1999, khi lần đầu tiên tôi đặt chân lên các ngả đường của thủ đô đất nước này, làm tôi vui lòng hơn cả. Trong khi các bạn tôi, lúc rỗi rãi, sau giờ làm việc, thì hớn hở rủ nhau tìm mua hàng, tìm quán rượu: Tá vấn tửu gia hà xứ hữu (Ướm hỏi nơi nào có quán rượu? – thơ Đỗ Mục, đời Đường), thậm chí tìm thăm các a múi leng leng (em gái xinh đẹp)… Với tôi, hai cái đó không bao giờ làm tôi quan tâm. Thậm chí còn rất dị ứng. Chả phải tôi kiêng kỵ gì, vì nếu chiều theo cái ham muốn nhất thời đó của lòng mình thì không thể có thơ, nói chi đến thơ hay. Tất nhiên, người khác có thể bắt được cá ở cả hai tay, còn tôi, trời không cho cái năng lực ấy. Hầu hết các bạn tôi cũng vậy. Bằng chứng là các bạn tôi, đâu có thiếu tài, nhưng kết thúc chuyến đi, chỉ có valy hàng nặng và có thể, có cảm giác “lạ” để mỉm cười một mình, còn thơ thì hầu như trắng tay… Xưa nay vẫn thế, trời đã cho anh cái này, sẽ lấy đi của anh cái khác
Có đâu thiên vị người nào 
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai? 
(Nguyễn Du)
Có khi cái bị lấy đi lại cao quý hơn, có ý nghĩa sinh tử hơn. Tôi cũng chỉ mong Trời cho tôi thơ, và thơ tôi làm sao có thể thấm được vào lòng nhiều người, còn ngài có lấy đi bất cứ cái gì của tôi, kể cả bản thân tôi, tôi cũng ưng ngay.
Tôi đã đánh “cược” cả cuộc đời mình vào đấy mất rồi:
Tôi đã tự đánh mất mình 
Tất cả 
Trong một câu thơ 
hờ hững bạn cầm…

15. Nguyễn Đức Tùng:
Tại sao anh lại “rất dị ứng” với rượu và các cô gái Trung Hoa? Tôi tưởng chỉ các chính khách mới phải kiêng cữ các chuyện này?
Khi tôi về nước thăm các bạn tôi, có người thầy thuốc, giáo sư, có người nhà thơ, nhà văn, tôi chẳng thấy ai tỏ ra ngứa ngáy khó chịu khi phải ngồi gần một trong hai thứ này cả.
Trần Nhuận Minh:
Tôi nghĩ: đời của một người, nếu có một chút tài và khá nhiều may mắn, mới may ra làm được một việc có ích cho đời. Biết mình không được thế, nên càng phải cố gắng, cẩn thận như húp canh, thổi lửa. Mọi nhu cầu cá nhân, cố thu lại cho thật nhỏ, để chỉ còn có văn chương có thể gây ra lôi thôi cho mình mà thôi. Tôi ăn thế nào cũng xong, cơm nguội hay nóng, khô hay nát, đều được. Thức ăn ư? Mặn chua đĩa mắm quả cà cũng ngon… Về áo quần, trừ bộ do bà vợ sắm cho để thỉnh thoảng đi đây đi đó, còn thì con đưa cho cái gì cũng mặc, kể cả “bộ diện”, hiện tôi đang dùng, con trai tôi đã dùng rồi, chỉ cần gọn và sạch. Chưa ai thấy tôi phàn nàn về việc ăn mặc bao giờ. Rượu chè, thuốc lá, cà phê… đều không. Cũng chưa ai thấy tôi ở quán xá bao giờ, trừ khi vui tiếp bạn xa về chơi. Hơn 40 năm nay, chưa hề ra chợ. Chưa từng biết karaoke hay massage, tẩm quất là gì? Anh cười ư? Để hiểu tôi và thơ tôi, anh cũng nên biết cả những điều đó nữa. Tôi chả “xấu hổ” hay “tự hào” gì về những thứ đó.

16. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi cũng không biết massage như anh, nhưng thích đi chợ. Thật ra là vợ tôi thích tôi đi chợ thì đúng hơn. Đàn ông hải ngoại không ai không biết vụ này. Anh có nói rằng chùm thơ anh viết ở Trung Quốc năm 1999 làm anh vui lòng hơn cả. Có phải vì chúng hay hơn bài khác, hay vì những lý do riêng như đánh dấu một biến đổi nhận thức? Trong chuyến đi đó anh đã viết ra sao?
Trần Nhuận Minh:
Để chuẩn bị cho chuyến đi, từ trong nước, tôi đã đổi nhiều tiền lẻ rồi nhờ người viết chữ Hán ra giấy cho thật chuẩn những địa điểm tôi cần đến, rồi cứ thế tắc xi đưa tôi đi… Thú thật với anh, trước khi bước lên tắc xi, tôi không hình dung chỉ mươi phút nữa bài thơ ở xứ người sẽ đến với tôi như thế nào… Tôi đã đến phòng trà Lão Xá (ngoài cửa đề “Lão Xá trà quán”), ngồi trên cái ghế xưa ông từng ngồi, uống cái chén trà xưa ông từng uống, với giá tiền rất cao. Sát đó, cạnh cầu thang là sân khấu, đang diễn kịch Lão Xá. Tôi không vào xem, theo tôi thì kịch Lão Xá không hay lắm. Văn của Lão Xá chỉ có cuốn Tường lạc đà (nguyên văn Lạc đà Tường tử) là khá hơn cả, nhưng cũng không thật nổi trội so với mặt bằng của tiểu thuyết Trung Hoa thời ấy, ví như cuốn Gia (Gia đình) của Ba Kim. Tôi cũng ngồi hàng giờ bên bờ hồ Thái Bình, nơi Lão Xá đã tự tử, cái hồ này ở đường Tân Nhai, ngoại ô phía Bắc thủ đô Bắc Kinh… Thông qua cái chết của ông, tôi bộc lộ được những mối quan tâm của tôi về số phận con người trong một thời kỳ lịch sử khủng khiếp nhất và cũng đen tối nhất của nước Trung Hoa vĩ đại.
Văn chương lỗi lạc một thời 
Bể dâu đến thế thì thôi, còn gì…
Cũng chỉ ở đây, nơi các cuộc chiến tranh diễn ra tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại, tôi mới bộc lộ được một quan điểm của mình:
Có lắm anh hùng, 
đất nước bình yên là một điều vĩ đại 
Không cần có lắm anh hùng, 
đất nước vẫn bình yên, còn vĩ đại hơn nhiều…
Cũng chỉ ở đây, bên bờ sông Trường Giang, mây nước mênh mông, tôi mới có đủ can đảm để nói một câu, có lẽ là ưng ý nhất trong cả cuộc đời tôi:
Trường Giang hỡi! 
Ta mong mọi quốc gia bước lên những đỉnh cao mới 
Bằng những bậc thang không có máu người!…

17. Nguyễn Đức Tùng:
Theo anh, kịch Lão Xá không hay lắm. Văn của Lão Xá chỉ có cuốn Tường lạc đà, là khá hơn cả, nhưng cũng không thật nổi trội so với…”, như thế thành công của Lão Xá tập trung ở các tác phẩm nào? Xin cho ví dụ rõ hơn.
Tuy nhiên, trong câu chuyện của chúng ta ở đây, điều tôi quan tâm hơn cả là cái chết do tự tử của Lão Xá trong thời gian cách mạng văn hóa. Nó làm tôi phần nào liên tưởng đến cái chết của Mayakovsky trước đây. Hình như chúng có cùng một nguồn gốc sâu xa là sự cùng quẫn, cuối đường, bi phẫn của số phận những người trí thức mà lòng tin của họ bị phản bội?
Ngồi bên bờ hồ Thái Bình, anh có nhận được một thông điệp nào từ cái chết dành cho các nhà văn?
Trần Nhuận Minh:
Tôi có một kỷ niệm thật đặc biệt với một tác phẩm của nhà văn Lão Xá. Văn học Trung Quốc, giai đoạn 1930 – 1935 có tứ kiệt (Trung Quốc thường xếp “bộ tứ”) là văn bản kịch nói Lôi Vũ của Tào Ngu và ba tiểu thuyết: Ông giáo Chi của Diệp Thánh Đào, 1930, Gia đình của Ba Kim, 1933 (hai tiểu thuyết này đều viết về Thượng Hải) và Tường lạc đà (viết về số phận của anh Tường kéo xe ở Bắc Kinh) 1935 của Lão Xá. Tôi đã đặt mua tại nhà xuất bản được ba tập trên, còn tiểu thuyết Tường lạc đà thì nhà xuất bản cho biết là đã hết sách, chỉ còn sách lưu không bán được. Tìm các hiệu sách đều không có. Tôi “hận” lắm. Tìm đến phòng mượn của một thư viện khoa học, mà tôi không tiện nói tên, rất may thấy danh mục có sách đó. Vì là khách vãng lai, tôi đặt 10 đồng tiền “cược”để mượn Tường lạc đà trong năm ngày. Lương tôi lúc đó là 45 đồng / tháng, và cuối cùng, tôi bằng lòng để lại non 1/4 tháng lương của tôi tại thư viện ấy và ra đi với cuốn sách 296 trang, giá chỉ có 1 đồng 8 hào 8 xu. Giá gạo lúc đó 0 đồng 3 hào / 1 kg. Đó là mùa xuân năm 1964 (sách xuất bản 1963). Quyển sách này hiện vẫn được đặt trước bàn phím của tôi.
Cứ như tôi đọc thì Tường lạc đà không trội hơn Ông giáo Chi, và kém Gia đình, tác phẩm có tính tự thuật của Ba Kim, về đời sống và những nỗi éo le trong một gia đình đại phong kiến (gần với lối viết của cuốn Hồng lâu mộng) đọc không sao rời sách được. Ba Kim viết cuốn này năm ông 27 tuổi và cho đến cuối đời (ông sống 101 tuổi) vẫn là cuốn hay nhất của ông. Nhưng cái đặc sắc mà Lão Xá có, là các tác phẩm của ông “vô cùng Bắc Kinh”, từ cảnh sắc, nhân vật, tính cách, phong tục, mùi vị đất đai cây cỏ, đến các món ăn, ông mô tả rất chi tiết: “hạt dẻ tròn mẩy ngâm với đường cát, xào lên, đến mức cái khói ở đáy nồi cũng ngon”. Viết thế cũng là tài lắm chứ. Đấy là một món ăn Bắc Kinh. Ông còn hai tiểu thuyết tiêu biểu nữa, là Tứ đại đồng đường và Miêu thành ký, nhưng không nổi tiếng lắm, tôi chưa đọc. Còn kịch, tôi đã đọc hai vở nổi tiếng nhất của ông là Trà quán và Cống Long Tu. Trà quán thì không so với Lôi vũ được (dù mọi so sánh đều khập khiễng – nhưng vẫn cần so sánh và so sánh được), còn Cống Long Tu ca ngợi cuộc sống mới, rất bình thường. Tôi nghĩ: ông được đánh giá cao ở nước ngoài, có lẽ là ở cái chất Bắc Kinh đặc sệt đó. Nó có trong mọi tác phẩm lớn nhỏ của ông, dù là kịch hay văn xuôi, nó nói với thế giới về một Trung Hoa, mà Bắc Kinh là rất tiêu biểu. Chưa kể ông là một trí thức, trước khi về nước, đã dạy đại học ở các nước tư bản là Anh và Singapore, ông cũng ít nhiều thổi được cái hơi “tây” ấy vào tác phẩm. Lại nữa, ông đã bị hành hạ rất khủng khiếp trong cách mạng văn hóa…
Khi ngồi im lặng tưởng nhớ ông bên bờ hồ Thái Bình, tôi nghĩ: làm một trí thức, một nhà văn nổi tiếng ở một nước văn hóa vĩ đại, sao mà khốn khổ, cùng quẫn đến thế. Tôi nhớ đến một câu nói rất nổi tiếng của chủ tịch Mao Trạch Đông: Trí thức là cục cứt mà thấy xót xa.
Lão Xá đã chọn cái chết vì không chịu được nỗi đau từ trong đáy lòng, khi đám hồng vệ binh:
Lũ trẻ con lấy thắt lưng da có móc sắt quất vào mặt ông…
Và sau khi ông chết:
Giờ lôi xác ông lên phơi nắng…
Nhưng tác phẩm của ông và lòng tin vào tương lai trong ông không chết.
Ấy là ngày Cái Thiện lên ngôi 
Bạo lực và cường quyền 
Tất cả 
Thành vô nghĩa…
Cái ác, dù xuất hiện ở bất cứ đâu, đều không thể tồn tại lâu dài. Có lẽ đấy là bức thông điệp mà Lão Xá muốn nói với đám chúng ta chăng?
Cầu mong cho ông:
May sao còn có những ngày 
Nắm xương mỏng, dưới đất dày, bình yên…

18. Nguyễn Đức Tùng:
Bài thơ của anh viết về Lão Xá đọc cảm động.
Có lẽ đó là một trong những tác phẩm được viết ở giai đoạn chín nhất của anh.
Còn bài thơ đầu tiên của anh?
Trần Nhuận Minh:
Tôi sinh ngày 20 tháng 8 năm Giáp Thân (1944).
Nếu có thể gọi là “làm thơ”, thì những “bài thơ đầu tiên”, tôi làm từ cuối năm 1954, năm tôi 10 tuổi, đúng tuổi lên 10 sau này, Trần Đăng Khoa trở nên nổi tiếng (1968). Chỉ có điều, thơ Khoa năm lên 10, ở những bài thành công, đã thấy rõ bút pháp của một nhà thơ chuyên nghiệp. Đó quả thực là một điều lạ. Còn thơ tôi, chả kể năm lên 10 làm gì, ngay cả thơ đã đăng báo, đã in sách khi đã lớn, đã nhận được giải thưởng văn học của cấp Trung ương, vẫn có nhiều yếu tố nghiệp dư. Có thể nói, toàn bộ cố gắng của thơ tôi thời gian từ 1960, tức là từ khi đã chính thức đăng báo, được giải thưởng thơ ở cơ sở, tạm gọi là “thành danh” như người ta thường nói, đến năm 1985, vẫn là một quá trình mới vào nghề, với sự vùng thoát ra khỏi phong trào thơ nghiệp dư.
Anh không thể hình dung làng quê tôi vui mừng như thế nào sau ngày hòa bình lập lại (1954). Cả làng, trưa ăn cháo, tối ăn khoai luộc, mà suốt đêm tụ tập uống nước chè tươi á lơ hò lờ… Tôi phải sáng tác những câu hò ấy cho cả làng. Sau này, Khoa không phải làm những việc ấy như tôi. Rất có thể, vì phải sáng tác những câu hò ấy mà tôi trở thành nhà thơ và vô hình trung, mở đường thơ cho chú Khoa sau này.
Thơ tôi phản ánh trình độ “dân trí” của làng tôi ở thời ấy, cái thời một đi không trở lại, đồng thời cũng bộc lộ những nét riêng, không khí xã hội của những năm đầu hòa bình ở vùng đồng bằng Bắc bộ, rất chân thành và cũng rất ấu trĩ.
Tháng 10 âm lịch năm 1954, anh Chiến, bộ đội đánh Điện Biên Phủ, về làng cưới vợ là chị Dự. Hai người ở hai làng khác nhau, đám cưới lại làm mẫu về tổ chức theo lối “đời sống mới”, nên có quy mô toàn xã, với hàng trăm người dự. Từ chiều, người các thôn đã về tụ tập rất đông ở sân nhà bà Bầu, cái sân gạch rộng nhất làng. Chỉ có ăn trầu và uống nước chè tươi. Nước chè tươi nấu từ bảy tám cái nồi mười, rồi để hàng mấy chục cái bát con bên cạnh, ai khát thì cứ ra vục bát vào nồi, múc lấy mà uống. Cuối sân, chỗ trang trọng nhất, có dán lên các tấm cót căng ngang trên các cây cọc tre, rất cao, ảnh cỡ rất lớn của Hồ Chủ tịch, Mao Chủ tịch và ông Malencốp (Liên Xô), cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng mập mạp chứ không thanh thoát như bây giờ. Hai anh chị ngồi trên ghế cưới, oai vệ như chủ tịch đoàn cuộc mit tinh. Anh Chiến mặc áo lính trấn thủ, đội mũ lưới có ngụy trang từng mảnh vải dù xanh màu lá cây, hông đeo trễ khẩu súng lục, làm nhiều cô gái lác mắt; chị Dự quần phíp, áo nâu, đội khăn đen mỏ quạ, môi đỏ quết trầu. Trên đầu hai người là cờ Tổ quốc và ba vị lãnh tụ. Trên cờ là băng vải đỏ cắt chữ vàng: Tổ quốc trên hết, dưới ảnh là tấm băng đỏ thứ haiVui duyên mới không quên nhiệm vụ Tôi, một thằng lỏi, nhóc con, áo nâu, quần giải rút, chân đất, đầu cắt bốc, đến trước mặt hai anh chị, đọc ứng khẩu bài thơ chúc mừng, được vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Rồi tôi quay lại trước đám đông, điều hành cho hàng trăm người của cả xã, vì đây là đám cưới thí điểm, cùng á lơ hò lờ, theo từng câu của bài đó, có thể nói là “vang dội”. Tôi nói điều này không ngoa đâu, bởi cứ sau mỗi ngắt câu, dàn trống cà rùng của đội thiếu nhi (do tôi làm đội trưởng) lại đánh ầm ĩ: tùng tùng tùng, tùng tùng tùng… Anh đừng cười…, kể ra thì cũng đáng cười thật – đúng là như thế đấy. Bài thơ hơn chục câu, mở đầu như sau:
Hòa bình lập lại Đông Dương (tùng tùng tùng / á lơ hò lờ)
Anh Chiến chị Dự (tùng tùng tùng / á lơ hò lờ) kết duyên Châu Trần… (bốn tiếng cuối câu bát, đọc chậm hơn, nhấn từng tiếng, trang trọng hơn, sau đó là tiếng trống và tiếng hò tiếp theo: tùng tùng tùng – tùng tùng tùng / hò lơ, hó lơ, hò lơ hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai hó lơ, ta đi hò lờ…)
Rồi tiếp:
Em là thiếu nhi tuổi xanh 
Chúc cho đất nước hòa bình ấm no… 
Cứ thế đến hết bài.

(còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí Da Màu - Văn Chương Không Biên Giới (damau.org)

READ MORE - Nguyễn Đức Tùng - ĐỐI THOẠI VĂN CHƯƠNG - NGUYỄN ĐỨC TÙNG VÀ TRẦN NHUẬN MINH - Phần 1