Truyện ngắn của Hà Văn Đạo
1. “Mày ra đi, không ra mình tao cũng sẽ uống
cạn rượu ở quán Tình Câm này. Uống hết, có lẽ tao chết, tao đang cô độc”. Đúng
19 giờ tối, Lộc nhắn tin, đang ở Nha Trang, chẳng ngần ngừ, tôi lập bập với vội
mấy bộ quần áo nhét vào chiếc ba lô cũ và lên đường. Đêm, biển Phú Yên bỗng cồn
lên những đợt sóng như muốn đánh nát cả bờ cát. Không gặp hơn một tháng mà mặt
Lộc dộc đi, hai đuôi mắt dúm lại như chất chứa cả một chuỗi gào thét nhưng phải
găm xuống để biến thành lặng câm. Hai chai Vodka nhỏ đã nằm lăn lóc trên bàn
nhưng nó vẫn rót ra liên tục và nốc ừng ực. Vừa uống nó vừa lải nhãi: Tao rót
cả một đống vô nghĩa của cuộc đời và uống, tao say, cái say chẳng thằng nào
mang tiền mà mua được, cái say chẳng con ranh nào hiểu được. Mày biết không,
tao ghét sự quê mùa nhưng nhiều lúc tao cũng ngán đến lợm mửa chốn thị thành.
Những lúc đó tao muốn điên. Nhi bỏ tao
rồi, cái con ăn ở hai lòng mà cứ tỏ ra hồn nhiên. Trong 40 lá thư tình chỉ có
10 cái là nó viết cho tao thật còn 30 cái là giả. Vậy mà tao thần thánh nó. Giá
như tao tỉnh ra từ đầu, cái kiểu như ả chỉ xứng với những kẻ lẻo mép, khoác lác
như thằng mặt đen thôi. Nghe nói nằm trong vòng tay thằng mặt đen mà ức. Biết,
vào giờ phút này nói thêm một câu nào cũng sẽ làm cho nỗi uất ức của Lộc thêm
nặng nề nên chỉ còn cách nốc rượu với Lộc.
Cùng rứt áo ra đi từ những xóm nghèo kiết xác ở cái eo Miền Trung quanh
năm nắng gió, cùng lao vào lập nghiệp ở phố thị. Nhanh chóng trải qua sự bồng
bột của tuổi đôi mươi cộng thêm cái thói hay suy tư, bỗng dưng Lộc già đi trước
tuổi, ghét sự khoác lác và sợ nhạt. Tình yêu nó cũng sợ nhạt, muốn quen một ai
nó cũng dò xét vì sợ yêu, yêu không bền, muốn quen một người cao sang
nó lại sợ người ta nói “thấy sang bắt quàng làm họ”, viết ra một chữ nó cũng
đắn đo, sợ nhạt…Những thói quen bất thường đó nhiều khi khiến nó cảm thấy rơi
vào đỉnh điểm của đơn độc. Ngày từ quê khăn gói lên phố nó bắt đầu bén duyên
với Nhi. Hầu như tuần nào nó cũng gửi vài lá thư về cho Nhi. Tôi loáng thoáng
nghe Lộc nói ở gần nhà nó có một thằng tên Tuấn, thằng này có bộ mặt đen ngòm
nên Lộc gọi nó là thằng mặt đen chứ không bao giờ gọi tên. Từ một sự tình cờ vớ
vẩn nào đó, thằng mặt đen được vào thử việc cho một tờ báo nhưng đi đâu cũng
khoác lác là tài năng để dụ gái. Với sự giản dị, quê nửa mùa, Nhi cũng rơi vào
tầm ngắm của Tuấn mặt đen.
Đêm đó, tôi
và Lộc say. Nửa đêm, chó cuối xóm trọ của Lộc bỗng tru lên dữ dội, tôi giật
mình tỉnh dậy và thấy Lộc không còn nằm bên.
Thân nhau mấy năm nhưng nhiều khi vẫn thấy nó khó hiểu. Muốn gì là làm
nấy.
2. Sáng mai,
bắt chuyến xe đò vội vã quay về Nha Trang, đơn độc ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghĩ
đến Lộc, buồn rũ mặt. Nhưng rồi, công việc bận rộn nhanh chóng chìm đi nỗi băn
khoăn về sự ra đi trong im lặng đến khó hiểu của Lộc đêm đó. Bẵng đi một thời
gian, bỗng dưng Lộc xuất hiện ở Nha Trang với một cách sống và bộ dạng khác
trước hoàn toàn. Nó thuê phòng trọ ngay cạnh nhà tôi ở. Bạn thân nhưng tôi thấy
nó như hoàn toàn xa lạ và khó hiểu, suốt ngày say xỉn và ăn nói cộc cằn. Tôi
hỏi nó: “Lâu nay làm gì, sống thế nào, sao mày khác thế?” Nó nhếch mép cười
ruồi, bĩu môi: “Tao ở khắp nơi, làm đủ thứ việc, việc thằng tử tế làm, việc
thằng đểu làm, việc thằng bất tài làm. Bất tin, bất tín… có cả”. Ngay buổi đầu tiên dọn đến ở, tôi đã thấy
Lộc dẫn một ả quán bar mắt xanh mỏ đỏ ăn mặc hở hang về. Thấy tôi ngớ người
ra nhìn, hắn cười ha hả rồi vòng tay xiết vào eo ả gái lấc láo: “Sản phẩm của
sự nhập nhoạng phố thị, đứt gốc quê hương đấy! Ngon không?”. Nói xong, hai đứa
chui tọt vào phòng. 30 phút sau là tiếng cười lả lơi của ả quán bar. Rồi tiếng sột soạt, tiếng lầm giầm, rồi bỗng
thấy Lộc hét lên đuổi đuổi ả quán bar ra khỏi phòng. Nó mở tung cửa, rút chai Vodka trong ngăn bàn
ra tu ừng ực, đảo mắt sang phòng tôi rồi buông một lời nói lấp lửng: “Kịch đời
thật mênh mông, thế mà đời ta luôn là một thằng diễn viên tồi, chỉ đóng được
một vai. Giá như ta là thằng mặt đen”. Nói xong nó quay vào phòng. Vài ngày sau
đó, có chuyến công tác gấp nên tôi chưa kịp tìm hiểu cái gì đã làm Lộc biến đổi
đến vậy. Lúc trở về, tôi lại thấy nó dẫn về một em. Lần này là em sinh viên
chính hiệu. Không thấy xuất hiện tiếng kêu la như lần trước mà toàn đối thoại:
- Em thích đôi lúc suy ngẫm một điều gì đó, giả dụ cái gốc
gác hay sự bền vững của một vấn đề không?.
- Nghĩ làm gì cho nhanh già anh. Cuộc đời này trả có gì bền
vững. Một trí thức và một thằng xe ôm từng tán tỉnh em đã nói với em như thế.
- Vậy, chính kiến em để ở đâu? Trước một tình yêu, giả dụ
là thằng như anh, em nghĩ thế nào?.
- Chính kiến làm khỉ
gì. Nhóm em có gần 10 đứa, yêu đương hay gì đó thì cứ kể toẹt ra với nhau, trao
đổi như một chuyện phiếm luôn. Có lần em bỏ luôn một thằng vì bạn trong nhóm
chê. Thằng đó, hơi giống anh, nhiều khi mặt cứ nhăn nhăn, toàn thích đọc sách
mà còn lầm lỳ, chả giống thằng bồ bạn em lúc nào cũng nhiều tài năng.
- Thế bạn em kiểm nghiệm được cái tài năng của anh ta à? Cái
gốc gác và tiền sử của anh ta nữa?
- Không! Anh ta nói anh ta tài năng và rất ngọt miệng. Có
thằng bạn anh ta, mặt cũng hay trầm ngâm như anh nói bồ bạn em từng đi lừa tiền
và ngủ với nhiều người con gái mà không có tình yêu đến nỗi người ta gọi điện
và đánh văn bản đến cơ quan anh ta. Nhưng anh ta nói “do ghen ăn tức ở”. Anh ta
luôn khẳng định mình tài năng, luôn xưng là nhà báo giỏi nhưng nhiều khi nói
cũng lạ. Ví dụ có lần anh ta nói thân với nhiều quan chức nhưng lại không biết
họ làm ở đâu, thân với nhiều nhà báo nổi tiếng nhưng lại “nhầm hàng” mấy ông
bác sỹ làm thơ kiểu “tay ngang”. Nhưng, bạn em có vẻ khoái lắm.
- Em nghĩ gì về sự hữu hạn của tình yêu? Sự thăng hoa và cảm
xúc?
- Anh lắm chuyện quá, chả nghe sướng tai như bồ của bạn
em. Thảo nào bạn em xui em bỏ anh.
Cuộc đối thoại diễn ra chưa đầy 30 phút chuyển sang cãi vã.
Lộc lại đẩy em sinh viên về và chốt cửa uống rượu, nó vừa uống ngật ngưỡng, đọc
mấy đoạn trong cuốn sách “Triết lý sống chậm” như một kẻ lên đồng. Một lúc sau
im lìm. Như thói quen thường ngày tôi thường kết thúc ngày làm việc hôm nay vào
lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau. Trước khi tắt đèn, tôi ngó sang phòng Lộc, thấy nó
ngồi thu lu giữa căn phòng tối om, trên tay cầm một bó nhang bốc khói nghi
ngút. Tôi gõ cửa để vào nhưng nhất quyết nó không mở cửa và ngồi bất động, mặc
cho tôi cố nài nỉ. Ngày mai, bỗng Lộc lại bặt tăm. Như có linh cảm xấu, tôi sục
xạo khắp nơi tìm Lộc từ những quán bar Lộc hay tới cho đến phòng trọ của vài cô
sinh viên dễ dãi thường qua lại với Lộc nhưng tất cả đều không biết Lộc biến đi
đâu.
3. Quyết định tạm
gác lại công việc, bắt xe về quê Lộc. Trời đêm, lại có mưa phùn, con đường về nhà
Lộc như cứ dài ra hun hút. So với năm năm trước quê Lộc chẳng thay đổi gì,
những căn nhà thấp lè tè nằm cách nhau cả trăm mét, những hàng cây tiêu điều
đến buồn thảm, những dãy núi trơ ra đơn độc, cỏ cây xơ xác. Đang thiếp đi trong
những suy tưởng vẫn vơ, ông tài xế buột miệng: “Cái vùng khỉ ho cò gáy này
không biết bao giờ khá lên được. Trẻ con thì đua nhau nghỉ học, được mấy đứa
bứt mình ra phố thị lập nghiệp thì hơn một nửa trở về thành hư hỏng. Có đứa
đang là sinh viên lại đổ đốn thành gái quán bar, gái nhảy, có đứa cầm bằng cử
nhân lại dính lừa đảo, hút chích, có đứa thì chửa hoang không dám về. Trước
đây, cái làng núi này nghèo khó nhưng người ta thương nhau lắm, chẳng ai biết
nguyên do từ đâu mà nhiều thứ xấu tiêm nhiễm vào đến thế”. Cuối cùng cũng đến
nhà Lộc. Nhưng lạ thay, căn nhà đóng chặt cửa, hoang tàn như hoàn toàn không có
dấu hiệu người ở. Đang phân vân, ông tài xế phân trần: “Chính xác nhà ông
“Chính khùng” đấy, chết hai hôm trước, mồ côi vợ sớm, có hai cha con mà thằng
con lại biệt xứ nên nhà nó hoang thế”. Nghe như điếng người, ông Chính chết lẽ
nào thằng Lộc không biết hay nó biết mà không nói tôi, nếu thế thì thật tệ
quá. Chiếc xe thả tôi xuống cái cổng mọc
đầy cỏ dại. Như không thể tin vào mắt mình, thằng Lộc phía sau tấm phên đã bắt
đầu mục nát, quỳ phục dưới chân linh vị ông Chính. Bốn bề vắng lặng, tiếng gió
đêm như thốc mạnh hơn từng hồi rin rít. Nó ngước mắt nhìn tôi nhưng hai tay vẫn
bấu chặt vào linh vị cha mình, hai hốc mắt đang trân trân bỗng rỉ ra hai dòng
lệ từ từ bò xuống hai hốc mắt. Tôi lặng người đến đỡ cái thân dộc dạc Lộc, bỗng
nó khóc nấc lên như một đứa trẻ. Nhìn nó, tôi biết đã nhiều đêm không ngủ. Mọi
ý nghĩ trách móc Lộc bỗng tan biến, chỉ thấy xót nó đến quặn lòng. Vật vả mãi
rồi nó cũng thiếp đi, trong mê sảng, nó luôn miệng gọi tên ông Chính. Nhớ ngày
Lộc bị đuổi việc khỏi một cơ quan văn hóa huyện vì cái tính “thẳng như ruột
ngựa”, mới chân ướt, chân ráo mà dám tố tội “ăn bẩn” của cán bộ cấp trên. Một
ngày, trời mưa như trút nước, chân hắn nặng như đeo đá, cái quyết định nghỉ
việc với nhiều lý do phi lý do người ta vẽ ra đã làm món tiền gần 10 triệu lo
lót trước đó của ông Chính tan thành bọt biển. Thấy Lộc lếch thếch xách ba lô
về, mặt ông Chính đanh lại, tuôn thẳng vào mặt Lộc một chàng: “Mày đổ cơm xuống
đất mà ăn. Bán bao nhiêu thứ mới lo được chỗ làm, giờ lại thành thế này. Có học
mà giờ về úp mặt vào đít trâu à? Nhục lắm”. Thằng Lộc cũng ngang, nó vặc lại
ông Chính: “Sống mà cúi luồn thì cũng nhục. Sống mà không dám nói thẳng cứ để
bọn hợm hỉnh, bất tài nó vênh vang thì cũng nhục mà chết”. Từ đó cuộc sống hai
bố con Lộc luôn căng thẳng đến ngạt thở. Cuối cùng, nó quyết định bỏ xứ ra đi.
Trước khi đi nó để lại cho ông Chính độc một dòng thư: “Đừng tìm tôi, tôi sẽ
lập nghiệp theo cách riêng của mình”.
4. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Đám tang ông Chính
hầu như cả cái Làng Núi đều đi đưa. Trước khi hạ huyệt, tôi thấy Nhi nước mắt
ngắn dài víu tay Lộc vẻ ân hận nhưng hình như sức chịu đựng của Lộc đã cạn, nó
vô cảm đến lạnh lùng. Xong xuôi hậu sự, dù rất bận nhưng tôi vẫn ở lại với Lộc
một đêm. “Mày nói được chuyện gì thì nói cho nhẹ người, khóc được thì cứ khóc
đi”- Tôi nói Lộc. “Cuối cùng tao vẫn là thằng diễn viên tồi, tao thử nhập vai
khoác lác để thử lừa tiền và tình như thằng Tuấn mặt đen nhưng tao không làm
được. Buồn quá! Tiễn tao đi được 2 tháng, Nhi đã ngủ với thằng mặt đen vì tài
láu cá và lẽo mép của nó. Sợ tao buồn sinh ra bụi đời, chán nản nên bố tao đã
đến xin Nhi hãy cứ giả vờ như đang yêu tao rồi ông ấy đóng giả Nhi viết thư cho
tao, viết xong nhờ Nhi chép lại, đem gửi. Vậy mà, lúc kiếm được một công việc
tử tế tao vẫn hận ông ấy. Thật tệ. Ngày Nhi thất vọng thê thảm với thằng mặt
đen cũng là ngay bố tao hấp hối, ngày mọi việc vỡ lở”- Nước trên mặt Lộc lại
tràn ra.
Buổi sáng,
khi mặt trời bắt đầu ló ra từ phía sau Làng Núi, Lộc dẫn tôi ra giữa một quả
đồi rộng mênh mông nói: “Chẳng biết sao hôm nay tao thấy thanh thản giữa mênh
mông Làng Núi. Thời gian này tao tạm thời quyết định về dạy học ở đây. Tao sẽ
dạy đám trẻ đừng sống như thằng mặt đen, đừng lọc lừa. Tao cũng sẽ viết bằng
những giọt nước mắt mặn chát từ Làng Núi để đám trẻ không quên nguồn cội”. Tôi lên xe, đem theo nhiều ý nghĩ về Lộc.
Hình ảnh Lộc cặm cụi ngồi viết về cái eo Miền Trung kham khổ nhưng đầy đậm
nghĩa tình, rồi hình ảnh lật đật dạy từng con chữ, từng triết lý nho nhỏ cho
đám trẻ trường Làng Núi cứ quẩn quanh trong đầu. Bỗng một niềm vui về Lộc bật
lên thành tiếng.
Hà Văn Đạo
Nha Trang, Khánh Hòa