Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 9, 2020

NỒI SÚP ĐÊM BA MƯƠI TẾT - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả Nguyễn Đại Duẫn


NỒI SÚP ĐÊM BA MƯƠI TẾT
Nguyễn Đại Duẫn


Truyện ngắn


Ba chúng tôi là lính kho. Không phải kho súng đạn, kho lương mà là kho… xi măng. Đơn vị chúng tôi thuộc binh chủng công binh,  làm cầu trên đất nước bạn Lào. Công việc của chúng tôi là xuất nhập kho và gác bảo vệ kho. 
Chúng tôi sinh cùng năm, vào lính cùng ngày, cùng về làm thủ kho, tuy mỗi đứa mỗi quê nhưng quí nhau lắm. Ngoài việc giữ kho chúng tôi còn tăng gia cải thiện bếp ăn. Nào trồng rau, trồng sắn, nuôi gà…Đất vùng này tốt nên rau, sắn lên nhanh lắm. Gà cũng chóng lớn, cơ man nào là mối, giun chúng ăn không xuể. Cứ chiều thứ bảy, cậu Thắng vào bản kiếm xị “cay” về làm một con gà nhậu chơi. Đêm đến, ba cái đầu chụm trên bao gạo miên man trò chuyện. Thắng nói: 
- Xong nghĩa vụ mình sẽ thi vào Đại học Bách khoa, rồi nghiên cứu cái máy phát điện, không cần cắm dây, có hệ tự động làm bóng sáng. Không như chúng mình ở đây, chỉ có điện ở Tiểu đoàn bộ chứ nơi mình tối om. 
Cậu Quảng mơ ước: 
- Sau này mình sẽ thi Đại học Y, làm Bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ kẻo mẹ đau dạ dày thấy thương lắm. 
 Còn tôi, tôi sẽ thi vào Sư phạm. Bố tôi bảo làm nghề dạy học nghèo nhưng thanh cao, được cái đức, cái tâm. Rồi một lúc, cả ba đứa “phì phò” như bệ lò rèn bên đống bát chén chưa dọn. 
Vậy mà đã sắp tết. Đơn vị cho anh em về quê ăn tết gần một nửa quân sô. Lính kho chúng tôi không  được về. Mùa này là mùa khô, thuận lợi cho việc thi công nên kho đầy ắp xi măng, sắt thép.
Hằng, cô bạn gái của Quảng cũng  được về quê ăn tết trong dịp này. Tội cho Quảng, mấy hôm nay cứ thẩn thơ. Hỏi ra mới biết, cậu ta muốn mua món quà làm kỷ niệm cho Hằng mà không có tiền. Chúng tôi đóng quân ở Lào, đơn vị lo cái ăn, cái mặc không phát phụ cấp. Phụ cấp chiến sĩ được Tài vụ Sư đoàn gửi tiết kiệm trên đất Việt, khi ra quân mới được nhận nên muốn mua thứ gì cũng khó khăn. Tôi gợi ý với Quảng: 
- Hay là ta vào bản bán hai con gà trống, mua tấm vải váy Lào làm quà cho Hằng!
Nghe thế  Quảng thích lắm, nhưng vẫn lưỡng lự: 
-  Cậu Thắng không đồng ý thì sao? Cậu ấy cứ chọn mãi hai con gà trống này để chuẩn bị cho đêm ba mươi tết đấy! 
Tôi trấn an: 
- Không sao đâu, mọi việc để tớ lo!
Tôi và Quảng đưa hai con gà vào bản. Đến một cửa hàng nhỏ bên đường, tôi nói: 
- Phò (bố) ơi! Mua giúp cho chúng con hai con cầy phụ (gà trống) này! 
Ông cụ nhìn chúng tôi và nói: 
- Đồng bào không mua bán, đổi chác với bộ đội mô! Nghe vậy chúng tôi thất vọng quá, nhưng phò nói tiếp:  - Cán bộ “hắn” nói, đồng bào với bộ đội là anh em nên chỉ giúp nhau thôi. Bộ đội giúp đồng bào cái con gà thì đồng bào giúp lại bộ đội cái vải này ! 
Thế là có tấm vải, hai đứa mừng lắm.  Chúng tôi về doanh trại của Hằng để Quảng có dịp tặng quà. Tôi giả vờ đi có việc, còn lại Quảng và Hằng…
Chia tay Hằng ra về, chúng tôi không quên gửi lời chúc tết gia đình. Nhìn sắc thái, tôi biết Quảng đang vui lắm, vừa đi vừa huýt sáo rất kêu.
Đêm thượng tuần, trời mờ đục. Ba đứa kê tấm ván bên gốc cây ngồi uống nước. Chuyện về những kỉ niệm tết quê, chuyện về mẹ đang cấy vội mấy sào ruộng khoán cho kịp tết, bố đang chuẩn bị gói bánh chưng…Đang chuyện trò say sưa, bỗng Thắng hỏi:
 - Hôm nay tớ không thấy hai con gà trống đâu, hay chồn nó bắt mất rồi? Tớ mới về Sư đoàn một ngày ở nhà các cậu làm thịt rồi chắc? Chết với tớ đấy! Để tớ xuống chuồng xem sao?
Quang chột dạ, tôi chen vào: 
- Cậu không cần xuống chuồng đâu! Gà, tớ đã om rồi. Ông nội tớ bảo, gà tết phải nuôi om mới tốt.
Rồi tết cũng đã đến. Tối 30, chúng tôi chuẩn bị mâm cỗ đón giao thừa. Mâm cỗ đơn sơ nhưng cũng tươm tất. Nào thịt lợn, giò nạc, cá hộp, bánh kẹo đơn vị mới cấp, chỉ thiếu dưa hành và phong pháo. Mâm cỗ được bày lên, tôi bảo Thắng về đơn vị lấy tiêu chuẩn rượu, trà, thuốc còn tôi với Quảng làm thịt gà.
Thắng đi rồi, chúng tôi ra suối, không phải làm thịt gà mà làm thịt nhái, nhái hai đứa bắt sẵn mấy hôm trước. Hai đứa làm xong cho ít sắn đã nạo nhỏ, ít mỡ và gia vị vào nấu súp. 
Đêm giao thừa, mâm cỗ được soạn lên. Chúng tôi cùng ngồi cầu nguyện  năm mới đến những điều tốt lành. Nhìn mâm cỗ, Thắng hỏi:  
- Sao không thấy thịt gà đâu?
Tôi nháy mắt với Quảng và nói: 
 - Chúng tớ đổi món gà luộc thành gà súp rồi. Chốc nữa thưởng thức thì biết. Món mới học lỏm được từ các nọng (em) trong bản đó! 
Cả ba chúng tôi ăn uống vui vẻ. Món súp “gà” thế mà ngon đáo để. Cậu Thắng múc đến bát thứ ba mà còn thấy thèm. Đến bát thứ tư, cậu ta ăn phải cái xương. Đưa cái xương ra xem, cậu ta nói: 
- Không phải xương gà! Xương gì đây? Rồi hốt hoảng hét lên: - Ôi! xương nhái.
 Thế là nó bỏ bát đũa, nôn ọe. Vào bếp múc nước súc miệng, nhổ nước bọt liên tục. Nhưng than ôi! Tất cả đã vào dạ dày rồi làm sao mà nhái chạy ra được. Thế là nó ọe khan. Rồi nó nổi đóa lên. Nó là đứa “dị ứng” với thịt nhái. Đó là do một buổi đi công tác dân vận về việc an toàn kho cho bộ đội khi đồng bào đốt rẫy. Chúng tôi được dân bản chiêu đãi một món ăn địa phương là nhái ôm măng. Từng con nhái sống thả vào nồi măng chua, nóng quá chúng chui vào ống măng. Con nào không chui được thì ôm lấy khúc măng, mắt trợn trừng trông gớm ghiếc. Nhưng chỉ khách đặc biệt mới được mời đó. Lúc đầu chúng tôi thấy sợ  không dám ăn, sau đói quá, có tý rượu vào rồi ăn cũng thấy ngon. Chỉ có Thắng là không thể nào ăn được. Nó nhìn bát canh rồi chạy ra vườn nôn thốc nôn tháo. Về nhà hai ngày sau mới ăn cơm được. Từ đó hễ thấy nhái là nó “dị ứng”. 
Chúng tôi dọn “chiến trường”. Quảng sợ Thắng biết chuyện  nên cứ lấm la lấm lét. Chờ cho Thắng đỡ cơn “dị ứng”, tôi đến nói sự thật mọi chuyện với nó, nghe ra nó mới chịu im lặng và thông cảm.
 Sáng mồng một tết. Mới tinh mơ, Thắng dậy sớm gọi chúng tôi, rồi nói to: 
- Chà! Hôm qua nhờ nồi súp mà mình đỡ say rượu thì phải! Mọi hôm liên hoan,  nếu uống chừng ấy thì say mèm. Thế mà hay. Nghĩ lại, tớ thấy món súp “gà - nhái” thế mà ngon. Lâu nay mình dị ứng nên không biết chế biến… Giá như bây giờ có một bát mà ăn!
 Tôi với Quảng cùng bật cười: 
 - Mồng một tết mà ăn súp nhái thì ăn cả năm. Ai mà chịu thấu! Thôi đi ông bạn! Chuẩn bị mặc áo quần chỉnh tề về Tiểu đoàn bộ đón năm mới.
  Ra tết, Hằng đến thăm chúng tôi, mang theo bao nhiêu là quà tết. Nhưng thấy Hằng buồn buồn. Tôi đánh bạo hỏi. Hằng phàn nàn với chúng tôi về việc bán gà tết mua quà tặng. Hằng buồn vì lẽ đó. Tôi xin lỗi, do tôi chủ mưu chứ không phải Quảng. Rồi chúng tôi bày quà tết cùng ăn. Hằng vui trở lại huyên thuyên chuyện tết quê nhà. 
Trời tối dần, Quảng và Hằng dắt nhau ra bờ suối tâm sự. Còn tôi và Thắng ngồi dưới gốc cây uống trà, đếm sao, nói chuyện ước mơ sau này xuất ngũ. Ngoài bìa rừng, từng đợt gió ùa về lao xao cành lá, tiếng con suối rì rào như bản nhạc du dương đang xen vào những cảm xúc mùa xuân


Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
Tiểu khu 5, Thị trấn Quán Hàu, H: Quảng Ninh, T: Quảng Bình.
DĐ: 0977194533

READ MORE - NỒI SÚP ĐÊM BA MƯƠI TẾT - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn

CHÙM THƠ VỀ RƯỢU GIÀU CẢM XÚC, NHIỀU TÂM TRẠNG - Nguyễn Duy Quang



CHÙM THƠ VỀ RƯỢU
GIÀU CẢM XÚC, NHIỀU TÂM TRẠNG
Nguyễn Duy Quang


Người ta thường nói những gì nghĩ ra trong lúc say, nói trong lúc say là những gì chân thật nhất. Đó cũng là những bài thơ mà chính tác giả khi say viết hoặc khi tức cảnh sinh tình viết ra để nói lên biết tâm trạng của kẻ say rượu hay nói đúng hơn là say tình. Đã bao giờ bạn ở tâm trạng nhờ men say nói hộ tình yêu. Đã bao giờ bạn nhờ men say mà chiêm nghiệm về một cuộc đời đầy những chới với. Mời bạn cùng sntv.vn thưởng thức những áng thơ về rượu để cùng hòa mình vào cơn say tình này nhé.

Thơ về rượu, nỗi buồn riêng và nỗi buồn nhân thế
Khi nói về thơ về rượu với những cảm xúc buồn của chính tác giả, chiêm nghiệm về nỗi buồn nhân thế thì đều thấm đẫm nhân tình thế thái. Người ta thường nói trà không nên quá 3 người vì sẽ không cảm nhận được cái ngon của trà, cái hay của câu chuyện người nói. Còn thưởng rượu thì cần phải từ 4 người trở lên cuộc vui mới dài mới lâu. Thế nhưng, có những cuộc rượu “độc ẩm” một mình của nhà thơ. Ấy thế mà say, mà đau mà buồn mà tràn đầy cảm xúc xuyến xang khó có thể “tỉnh”ngay được.
Nếu bạn đang yêu, đã yêu hoặc trải qua một cuộc tình dang dở hay đơn giản đang buồn vì “không hiểu vì sao tôi buồn” thì hãy cùng sntv.vn hòa mình trong những áng thơ của nhà văn Đặng Xuân Xuyến dưới đây nhé. Mỗi bài thơ của ông đều để lại cảm xúc chân thật nhất, đảm bảo sẽ nói lên được tâm trạng của chính bạn.

Bài thơ Một tôi

Một chai
Một chén
Một tôi thôi
Một đêm gió quẩn chỗ tôi ngồi
Một bàn tay lạnh quờ vai lạnh
Một tiếng thở dài tôi với tôi!

Cả bài thơ chỉ có 6 câu đều bắt đầu bằng từ “Một”. Như vậy cũng đủ để thấy cái cô đơn hiu quạnh của thi sĩ khi chỉ có chén rượu làm bạn mà thôi. Một chai rượu này to hay nhỏ thì cũng có quan trọng gì. Quan trọng là chỉ có một chén kia. Người uống rượu thật chẳng biết tâm sự cùng ai. Nhất là nó lại trong một không gian không thể hiu quạnh hơn:
Một đêm gió quẩn chỗ tôi ngồi

Cái đêm lạnh ấy, làn gió cứ mãi chuyển quanh một điểm, một phạm vi hẹp là cái chỗ tôi ngồi nhỏ bé. Thi nhân thì cô đơn đến làn gió cũng cô đơn không kém. Tác giả thật tinh tế khi đã nhân hóa cơn gió như một con người đến làm bạn với mình vậy. Nhưng vẫn không thể nói hết được cái buồn nơi đây. Không có ai sẻ chia, chính bàn tay lạnh cóng của mình quờ lên vai của chính mình, buông một tiếng thở dài trong đêm cô đơn.

Bài thơ thật đặc biệt. Ngắn gọn và súc tích với nghệ thuật điệp lại từ “Một” ở mỗi đầu câu. Các câu thơ liên tiếp nhau từ 2 tiếng đến 3 tiếng diễn tả sự cô đơn rồi chuyển sang 3 câu 7 tiếng để kết thúc bằng một hơi thở dài buồn bã. Khi đọc những vần thơ của Đặng Xuân Xuyến, sntv.vn bất giác lại nhớ đến tâm trạng nàng Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du hơn 200 năm trước:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Bài thơ Men đắng

Chót nhấp môi ta trượt bước xuống bùn
Cho nên tay nâng chén mà trong lòng vẫn cảm thấy:
Thon thót sợ vô tình gặp lại.
Tự gật đầu với mình “Ừ ly nữa”, thêm rượu để cố quên đi nhưng:
Cạn ly này có quên được chuyện xưa?
Đau thương đấy đến ngày nào lành sẹo?
Và rồi chuyện xưa cứ hiện về rõ mồn một:
Ừ thì cứ trách ta bạc bẽo
Cứ rêu rao ta ân ái hững hờ
Nhưng đâu phải thế, mà chỉ vì:
Quá thật thà ta ra kẻ ngu ngơ
Ngớ ngẩn cược đời mình nơi kẻ chợ.
Người đã như yêu tinh, như hồ ly mà lại thêm trời cũng ăn ở bất công:
Trời cao xa dung dưỡng lũ yêu hồ
Nên ta đành phải:
Cố vẫy vùng thoát xa khỏi chốn nhơ
Ta chết lặng nửa đời không phân tỏ.

Không chỉ là cuộc rượu một mình bắt đầu một mình kết thúc mà cái đắng không chỉ từ rượu mà ra mà còn là từ cuộc tình tan vỡ. Đau đớn thay, xót xa thay vì cay đắng hơn là một nghĩa vợ tình chồng đã tan vỡ, từ mười lăm năm trước về trong hơi men hôm nay, cũng là men rượu năm đó. Bài thơ đã nói lên một tâm trạng đầy bi phẫn không biết phân tỏ cùng ai, dường như đẩy nhà thơ vào bế tắc. Nhưng nhà thơ uống rượu có say đâu, mà càng tỉnh, tỉnh để nhận ra rằng người đi qua cuộc đời mình cũng chẳng phải tốt đẹp gì. Chẳng qua chỉ là yêu tinh, như hồ ly giữa chốn đời bất công này. Ta uống thêm một chén nữa, rồi lại một chén nữa hướng tới một bình minh đang đợi:
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.

Thơ hay về rượu tràn đầy ý nghĩa và tâm trạng

Những bài thơ về rượu gần như được viết trong cơn say của tác giả. Những cảm xúc từ tận đáy lòng cứ thế tuôn trào theo từng dòng rượu rót ra chén. Đó có thể là lúc nhớ người yêu, day dứt về một lỗi lầm đã gây ra. Đó có thể là một đêm lang thang bước một mình, lặng nghe tiếng bước chân vang trong con ngõ hẻm giữa không gian tịnh mịnh đến nao lòng.

Bài thơ Độc ấm của tác giả Hoàng Thanh Tâm

Lang thang một bước một mìn
Đèn vàng phố vắng bóng hình cô liêu
Nhà tranh trống vắng đìu hiu
Không em không trẻ buồn thiu tiếng cười.

Một mình một chén rượu vơi
Không ai đối ẩm chia lời ủi an
Sương đêm mờ mịt giăng màn
Nuốt vào giọt đắng trái ngang phận người.

Trắng đen nhân thế ở đời
Nghèo khinh giàu trọng thói đời éo le
Hơn thua trân tráo ngựa xe
Đồng tiền tờ bạc tréo ngoe đắng lòng.

Long đong cho kiếp má hồng
Tấm chồng nghèo mạt đèo bồng với ai
Bỏ tình chối nghĩa đắng cay
Ra đi vứt áo mặc ai oán hờn.

Độc ấm không chỉ là nỗi niềm của tác giả mà còn có ý nghĩa về nhân tình thế thái, về một xã hội đầy rẫy sự bất công. Có đâu nào tiếng cười của trẻ nhỏ, chỉ một mình ta với chén rượu vơi đầy mà ngoài kia thì thế đười trắng đen lẫn lộn. Thói đời nghèo thì bị khinh thường mà giàu thì mới được trọng vọng, con người cứ thế chạy theo cuộc đua giàu sang quyền lực để ngồi lên địa vị cao nhất bất chấp tình nghĩa, đạo đức và pháp luật. Đó là cuộc đời “phận bạc má hồng” chót sa vào nơi chẳng có gì là hạnh phúc, sạch trong, một cuộc đời vùi trong đắng cay, oán hận.

Bài thơ Rượu một mình – tác giả Hoàng Trọng Lợi.

Mình ta uống cạn ly này
Nâng lên hạ xuống vơi đầy tình ta
Nhìn sâu trong đáy nhạt nhòa
Đắng cay cay đắng mình ta với đời

Chơi vơi sóng sánh men cay
Quyện vào khói thuốc nhẹ bay vào hồn
Môi hôn miệng chén nồng say
Vàng tay khói thuốc ngất ngây nhớ người

Nụ cười ánh mắt bờ môi
Hình bóng em mãi rạng ngời đáy ly
Làm gì uống hết được đây
Đầy vơi ly rượu vẫn đây bóng hình

Ngước nhìn khói thuốc lung linh
Nụ cười em mãi đẹp xinh rạng ngời
Chơi vơi nỗi nhớ cuồng quay
Say em say mãi anh say một đời.

Bài thơ Rượu một mình nói lên tâm trạng của một kẻ thất tình đang nhớ về người yêu. Một chàng trai nhờ chén rượu mới dám nhớ đến nụ cười, ánh mắt, bờ môi và cả nụ hôn ngọt ngào mà họ đã từng dành cho nhau. Trong ánh mắt đã chợt cụp xuống vì men rượu chàng nhìn thấy nụ cười xinh đẹp rạng người của người yêu. Trong nỗi nhớ cuồng quay quay ấy, anh say men rượu nhưng đúng hơn là say men tình. Say rượu thì có thể tỉnh còn say tình thì “say một đời”.

Bài thơ Em đâu có say

Phố có uống không mà cứ ngả nghiêng say
Em có chuếnh choáng đâu sao lại hồng đôi má
Gió khúc khích cười và thì thầm rất lạ
Hàng cây ven đường cũng xạc xào trút lá ghẹo đêm

Rượu vừa cạn ly cho mắt ướt, môi mềm
Tình chưa uống đã say…khi người vừa kịp đến
Em run rẩy đón môi hôn dại cuồng, vòng tay quấn quýt
Mặc kệ trăng ngượng ngùng, e thẹn nấp trong mây

Chỉ còn đêm đang đồng lõa thôi vì đêm biết em say
Cứ khích lệ trái tim em phải yêu người nồng nàn hơn nữa
Phải gấp gáp nói với người biết bao điều em chưa từng thổ lộ
Bởi chỉ sớm mai thôi, ta sẽ lại lặng im như chưa từng gặp gỡ trong đời

Em muốn được say, dù chỉ một lần thôi
Được tựa vai người đi trên phố đêm ngả nghiêng như thế
Người sẽ nắm chặt tay em, sẽ cùng em vượt nghìn trùng dâu bể….?
Rượu đã vơi và đêm sắp cạn rồi…người có tới cùng em…???

Em đâu có say như là một cuộc trỗi dậy của phái đẹp. Ai nói chỉ có đáng mày râu mới có quyền uống rượu mới được say. Em cũng muốn được say để nói lên tâm trạng của mình, em muốn say để có thể đón môi hô dại cuồng trong vòng tay mạnh mẽ đầy ấm áp của người em yêu. Tình yêu mà em muốn chủ động đến, chủ động thể hiện cảm xúc của mình. Bài thơ là nỗi niềm của cô gái đang yêu, đang chờ đợi người yêu đến bên mình. Uống cạn một chén rượu rồi tự hỏi “người có hay em yêu anh thật nhiều, người đang nơi đâu hỡi người em yêu”.

Vậy đấy. Rượu có thể làm cho chàng đắm chìm trong men đắng của đời mình. Rượu có thể làm cho nàng mạnh mẽ tự tin để hướng đến tình yêu của mình. Thơ về rượu lúc nào cũng vậy, chẳng uống mà say, chỉ đọc mà chếnh choáng. Những cảm xúc cứ thế lẫn lộn, đan xen vào nhau càng làm cho cuộc đời này thêm nhiều màu sắc dưới con mắt của kẻ say rượu, say tình.

Bạn có đang buồn về mối tình không trọn vẹn. Bạn có đang buồn khi cứ phải gồng mình trong cuộc sống đầy bất công này không? Hãy cùng sntv.vn cùng trải qua những tâm trạng, cùng sẻ chia tâm trạng ấy để thấy một màu hồng của tình yêu, tình đời vẫn đang tràn ngập muôn nơi nhé. Đừng để cuộc đời đánh gục bạn. Bạn được phép say nhưng rồi phải tỉnh và mạnh mẽ hơn trước thât nhiều.
*
NGUYỄN DUY QUANG
Địa chỉ: Số 254 Nguyễn Đình Chiểu,
Phường 6, Quận 3, TP HCM.
Điện thoại: 0938 137 131
Email: kenhsntv.vn@gmail.com


READ MORE - CHÙM THƠ VỀ RƯỢU GIÀU CẢM XÚC, NHIỀU TÂM TRẠNG - Nguyễn Duy Quang

NÉM ĐÁ DẤU TAY - Truyện ngắn Thủy Điền

Tác giả Thủy Điền


Ném Đá Giấu Tay

Trời giáp tết, xa xa dạo nầy nhiều mưa phùn. Tiết đông đang dần dà phủ trùm lên phương bắc. Dưới tàng cây cổ thụ trước đình có một người đàn ông tóc hoa râm đang cầm trên tay chiếc máy vi tính bị vỡ kính, ngồi trầm ngâm như đang giận dỗi một điều gì. Bỗng có một cụ non đầu đội khăn đóng, mặc chiếc áo dài đen, tay chống chiếc gậy qua đường, dừng lại.

Ồ! Bác Tào. Sao bác lại ở đây, trời rét thế bác không sợ cúm à? Sao trong nhà không ngồi mà làm việc, bác lạ thế. À, em hiểu ra rồi, bác định tả mùa đông phải không nào?
- Đâu có, anh.
- Thế bác ngồi đây làm gì?
- Tất cả đều là tại cậu hết. Bác Tào trả lời, giọng mếu máo.
- Sao tại em, bác nói gì em không hiểu?
- Cậu về đi, cậu đừng bao giờ cho tôi thấy mặt nữa, tôi nhục lắm rồi.
- Bác nói thế thì em chịu.
- Cậu đi đi, đi nhanh lên cho khuất mắt tôi.
Lão thầy bói sợ hắn nỗi điên lên, ngoe ngoảy đi một nước không dám nhìn lại.

Hơn hai năm nay hắn được nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, hàng tháng lương vô đều đều, mỗi tháng gần năm triệu bạc. Tiền có, thời gian có, ngoài việc phụ vợ bán cháo lợn vào buổi sáng ngoài đầu ngõ, còn bao nhiêu hắn tập trung vào Câu lạc bộ thơ của thôn. Vốn cũng biết làm thơ, hắn muốn tỏ vẻ với bà con nhất là những phụ nữ góa chồng trong thôn thấy hắn là một nhà trí thức tài ba. Bước đầu vào hội người ta phân cho hắn chức vụ  trưởng ban lễ tân. Có nghĩa là mỗi khi có những cuộc họp hay biểu diễn ngâm thơ, hắn có nhiệm vụ pha chè và sắp xếp bàn ghế cho khách ngồi. Dần dần người ta thấy hắn có sáng tác được vài bài thơ và mời hắn đọc, đọc xong dù hay dở, nhưng ai ai cũng vỗ tay hoan nghênh hắn. Từ đó hắn khoái chí và đi đâu cũng tự xưng mình là nhà thơ bẩm sinh. 

Một hôm vào ngày hội thơ, câu lạc bộ có mời một lão thầy bói và là một nhà thơ trẻ tuổi từ xứ Nhãn đến. Trong buổi tiệc giao lưu, khi mọi việc của hắn được hoàn tất, hắn mò đến lão thầy bói và làm quen. Câu chuyện qua lại, lão thầy bói đoán được lòng hắn và nhận hắn làm đệ tử. Hứa hẹn với hắn đủ điều, nào là giới thiệu thơ của hắn lên báo chí, nào giới thiệu hắn gặp gỡ một số nhà thơ mà lão thầy bói từng quen biết để hắn có dịp tiến thân.

Đúng lời hứa, lão thầy bói đã đưa thơ hắn lên mấy tờ báo điện tử, hắn mừng quá về khoe với bà xã và một số bạn bè khắp thôn là tên tuổi hắn bây giờ có mặt khắp Hà Nội và cả trên thế giới nữa. Còn việc giới thiệu bạn bè thi hữu thì lão thầy bói lờ đi, vì sự thật lão cũng chẳng quen biết ai nhiều cả, có chăng là theo nịnh bợ một vài người có tiếng tăm, thì thử hỏi làm sao với thiệu họ cho hắn được chứ và cuối cùng ngoài việc được đăng một vài thơ lên báo còn bao nhiêu hắn làm vật tế thần và bia đỡ đạn cho anh thầy bói mà thôi.

Lão thầy bói thì tài cán chẳng bao nhiêu, nhưng có tật láo khoét, nên thường bị người ta mail đến nhà phê bình. Mỗi khi bị phê bình quá nặng, lão chẳng biết thế nào để đối phó, muốn mắng lại, nhưng không dám, đành "Ném đá giấu tay" và buộc phải điện thoại đến hắn cầu cứu. Hắn thì chẳng biết ất giáp thế nào về sự việc đúng, sai, cứ như con két, cứ mail đến đối phương mà mắng nhiếc và đối phương cũng trả lại mấy phát thí điều muốn bể cái đầu, nhưng hắn bất chấp, mắng là cứ mắng, miễn sao sư phụ hài lòng và đưa thơ hắn lên báo là hắn chịu ngay.

Hắn lo mắng người khác, bỏ bê công việc, không lo tập trung vào phụ bà xã bán cháo lợn. Công việc nhà trước sau chỉ một mình, nhất là những ngày cận tết người ta được nghỉ, quán bà rất đông khách mà chẳng thấy hắn đâu, bà tức quá quát lên: Cả tuần nay ông đi mắng mướn được bao nhiêu tiền ông chỉ cho tôi xem nào, còn riêng việc nhà ông phế mặc cho tôi cả, ông có thấy không? Ông trả lời cho tôi ngay đi, còn không, tôi sẽ cho cái máy mắng của ông ra sân ngay.

Bà mắng gì bà mắng, hắn chẳng hề trả lời, trả vốn gì cả, cứ việc bấm máy tìm mọi cách hạ nhục đối phương để lấy lòng lão thầy bói.

Sau khi buổi cháo lợn ngoài ngõ vừa bán xong, bà về khuân cái máy vi tính của hắn dụt ra ngoài đường, may, cái máy chỉ bị vỡ kính, nhưng vẫn còn hoạt động và bà đuổi hắn ra khỏi nhà.


Thế thì hắn phải đành ngồi dưới gốc cây cổ thụ ngoài đình bấm máy để mắng tiếp. Nhưng rất tiếc dưới gốc cây cổ thụ không có Internet nên đối phương cũng đỡ bực mình.

Thủy Điền 
08-11-2020




READ MORE - NÉM ĐÁ DẤU TAY - Truyện ngắn Thủy Điền