Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 19, 2016

SONNET CUỐI MÙA ĐÔNG - thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Ảnh tác giả


SONNET CUỐI MÙA ĐÔNG

Gió bấc không đo lòng quân tử
Mưa phùn sao thấu dạ nữ nhân
Cần mỗi một thôi người không đến
Ối a người đến lại không cần

Ấy ơi, bên ấy bây giờ ấm
Đâu biết bên đây lạnh nửa đầu
Có người ngớ ngẩn vo niềm nhớ
Lăn trái tim mình xuống biển sâu

Ấy ơi, bên ấy đang vào hạ
Rộn ràng hoa nhiệt đới nở bung
Lặng lẽ rét về bên đây úa
Tàn đêm rơi chiếc lá cuối cùng

Sẽ còn những mùa đông khác nữa
Ai ngồi đan nắng tặng ai không?

NGUYỄN NGỌC HƯNG
Trích từ tập thơ CHÚT NẮNG CHO HOA HỒNG,
NXB VĂN HỌC,
2015.

READ MORE - SONNET CUỐI MÙA ĐÔNG - thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Thơ Ngưng Thu: NIỆM KHÚC MƯA XUÂN / XUÂN


Ảnh tác giả.



NIỆM KHÚC MƯA XUÂN

* Chuyển trời ... mưa, mưa lạnh, gió thoảng mái hiên buồn, ta ngồi nhai nỗi nhớ, mây trên trời... mây luông. Khoả vào lòng mênh mông chút tâm tư giá buốt, vách không chừng não nuột, từng kỉ âm vọng về.

* Đông vào hồn thiết thê, giấc mơ đưa vẵng tiếng, vườn sau con chiền chiện cất lời say hương tình. Mùa xuân bỗng giật mình, nụ hoàng hoa chớm nở. Ừ! thì ra mưa nhớ. Ừ! thì là mưa xuân.

* Có chi mà bâng khuâng, có chi mà thê thiết, vạt nắng nào hay biết màu mưa làm nên thơ, hạt mưa làm cơn mơ êm đềm ru khoảng mộng. Cánh đồng thơ lồng lộng, hồn thơ vào phiêu du.

* Đất trời nhớ mùa thu, lá say chiều lá hát, khúc yêu thương dào dạt, thả hồn cơn mưa chiều. Ta nhớ người ta yêu mùa xưa nghe lá rụng... phím dương cầm bung tiếng gọi mùa thu quay về.

* Mưa vào hồn đắm mê, ta say chiều ta nhớ... hạt mưa ơi cứ ngỡ, lạc vào niềm riêng ta. Mưa vào hồn thiết tha, mưa vào hồn câm nín ... Cơn mưa nào an tịnh cho ta vào cơn mưa...


XUÂN

Ôm choàng
lên tháng mười hai
chạm làn đông
buốt bờ vai dương trần
hoàng hoa trước ngõ
tần ngần
rủ rê ong bướm
xa
gần
về qua.
Gió xuân
khẽ lướt hiên nhà
mây xuân thở nhẹ
thơm tà áo xuân
vào mùa
cánh én vòng quanh
tháng giêng về
gọi yến oanh sum vầy.

NGƯNG THU


READ MORE - Thơ Ngưng Thu: NIỆM KHÚC MƯA XUÂN / XUÂN

ANH TẶNG EM - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên


          Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



ANH TẶNG EM
      (Tặng T.)

Anh tặng em những buổi sáng êm đềm
Tiếng chim thánh thót hót bên thềm
Hương hoa bay rộn trong vòm lá
Ngây ngất như là hương tóc em!

Anh tặng em những buổi chiều
Vườn xưa nhà cũ cảnh thân yêu
Sau bao nhiêu tháng ngày phiêu dạt
Về lại chốn xưa buổi quạnh hiu!

    Hải Hậu Nam Định, 12 /1013
              Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ANH TẶNG EM - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên

EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến


      
        
       EM

Ta gạ em cạn chén
Thế là em cạn ta
Nửa đời ta trễ hẹn
Em nồng nàn đốt ta.

Run rẩy, em ghì ta
Quấn vào ta hoang dại
Thẫn người, ta ngây dại
Uống em từng giọt say.

Trời đất như cuồng say
Ngả nghiêng theo nhịp phách
Nửa đời trai trinh bạch
Em nhuộm ta ngả màu.

  Hà Nội, đêm 21 tháng 01 năm 2015
  Đặng Xuân Xuyến

READ MORE - EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (4) - TS Nguyễn Ngọc Kiên


       

            NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ 

            TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ - PHẦN IV

                                                       TS Nguyễn Ngọc Kiên

 (9) Mài sắt nên kim

Thành ngữ “mài sắt nên kim” (铁棒磨成针 / 铁柱磨成针) [thiết bổng ma thành châm / thiết trụ ma thành châm] được lưu truyền rộng rãi như một lời dạy, lời giáo huấn mọi người về ý chí bền bỉ trong công việc nói riêng, trong cuộc đời nói chung.
Đến như sắt mài mãi cũng thành kim, thì bất cứ việc gì cũng có thể làm được, miễn là chúng ta biết chịu khó khổ luyện, biết kiên trì nhẫn nại, không quản gian lao vất vả. Lời giáo huấn biểu hiện qua câu thành ngữ “mài sắt nên kim”, một mặt được nhận thức qua ngôn từ của nó mà mấu chốt là sự đối lập giữa hai hình ảnh sắt và kim, mặt khác, thông qua sự liên hệ tới giai thoại về cuộc đời của nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc – nhà thơ Lý Bạch.
Tương truyền, thuở niên thiếu, Lý Bạch là cậu bé không chịu khó học hành, ham chơi như bao đứa trẻ bình thường khác. Một hôm, cậu bé chán học, lẻn sang chơi ở chân núi phía Đông. Kỳ lạ quá! Trước mắt cậu bé là một bà lão đang cắm cúi mài một thanh sắt bên một tảng đá lớn. “Bà già tóc bạc đến dường kia mà lại chăm chắm mài một thanh sắt để làm gì nhỉ?” Cậu bé hết sức phân vân, bèn rón rén đến bên cạnh cụ già rồi cất tiếng hỏi:
- Cụ ơi, cụ mài sắt để làm gì vậy?
Bà lão ngoảnh mặt lên, hiền từ trả lời:
- Để làm kim khâu cháu ạ.
- Làm kim khâu ư? Thanh sắt thì làm thế nào mà trở thành cái kim khâu được? Cậu bé chất vấn bà lão.
- Mài mãi cũng phải được. Kẻ có công mài sắt thì có ngày nên kim chứ - Bà lão trả lời một cách tin tưởng như vậy.
Lý Bạch nửa tin nửa ngờ hỏi lại:
- Liệu hôm nay có xong được không hở cụ?
Bà lão thong thả trả lời hoà nhịp với động tác mài kim:
- Hôm nay không xong thì mai lại làm tiếp vậy, năm nay không xong thì sang năm tiếp tục làm, ngày lại ngày, già nhất định mài xong.
Nghe đến đây, Lý Bạch chợt hiểu ra và im lặng. Về nhà Lý Bạch thường ngẫm nghĩ về những lời của bà lão mà càng chuyên tâm học tập. Chẳng bao lâu, Lý Bạch trở thành nhà thơ lỗi lạc với những áng thơ Đường tuyệt mĩ, có một không hai trong nền văn học Trung Quốc. Từ đó, trong dân gian lưu truyền câu tục ngữ “Chỉ yếu công phu thâm/ Thiết trụ ma thành châm” (只要功夫深, 铁柱磨成针), nghĩa là “có công mài sắt, có ngày nên kim”; trong đó có chứa thành ngữ “mài sắt nên kim”. Thoạt đầu, nó như một nhận xét về cuộc đời, văn nghiệp của Lý Bạch: từ chỗ lười học, nhờ sự tỉnh ngộ qua cuộc gặp gỡ với cụ già mà siêng năng, kiên trì học tập và cuối cùng trở thành tài. Nhưng dần dần câu tục ngữ “có công mài sắt, có ngày nên kim” được lưu truyền rộng rãi, vượt qua phạm vi của một cuộc đời, một sự nghiệp, trở thành một lời dạy, lời giáo huấn mọi người về ý chí bền bỉ trong công việc nói riêng, trong cuộc đời nói chung.
(Theo chuyện kể của Trịnh Mạnh)


Ở Việt Nam, ngoài thành ngữ “mài sắt thành kim” còn có tục ngữ “có công mài sắt, có ngày nên kim” cũng được sử dụng rộng rãi như một lời khuyên, răn dạy về đức tính kiên trì sẽ dẫn đến thành công, nhưng trên thực tế, ít người biết đến nguồn gốc của nó.

(10) Buôn tảo bán tần
Thành ngữ “buôn tảo bán tần” có xuất xứ từ bài thơ “Thái Tần” (采蘋) của Khổng Tử. Nguyên văn:
于以采蘋?
南澗之濱。
于以采藻?
于彼行潦。
Phiên âm:
Vu dĩ Thái Tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ Thái Tảo
Vu bỉ hàng lạo
Dịch nghĩa:
Đi hái rau Tần,
bên bờ khe phía nam,
đi hái rau Tảo,
bên lạch nước kia.
(Chú giải:
tần: rau lục bình nổi trên mặt nước, người Giang Đông gọi là bèo.
tân: bờ nước.
tảo: rong tụ, tảo ở đáy nước, cọng như ngọn cây thoa, lá như cỏ bồng.
hành lão: cái rãnh nước mưa chảy cuốn đi.
Nước ở phía nam chịu sự giáo hoá của Văn Vương, vợ của quan đại phu năng đi việc cúng tế, người nhà của nàng mới kể lại việc ấy mà khen tặng).
(Theo chú giải của Chu Hy)
Dịch thơ:
Để mà đi hái rau tần,
Núi nam hay mọc ở gần bờ khe.
Tảo kia ta hái luôn về,
Bên đường nước chảy dầm dề sau mưa.
(Bản dịch Tạ Quang Phát)
Theo cách chú giải truyền thống thì câu thơ trên ca ngợi người “vợ hiền dâu thảo”, chăm chỉ hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, “Tảo Tần” tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm hay làm của người phụ nữ. Thành ngữ “buôn tảo bán tần” đã xuất hiện trong Kinh Thi.
Ở Việt Nam, ý biểu trưng của “Tảo Tần” cũng được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn, trong truyện Phạm Tải – Ngọc Hoa:
Sớm khuya chăm việc tảo tần
Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai
Về sau: thành ngữ “buôn tảo bán tần” được dùng với nghĩa rộng hơn, chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ. Chẳng hạn:
Cô Hai buôn tảo bán tần
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
(Ca dao)
……………………
(còn nữa)
 
                                                                   TS Nguyễn Ngọc Kiên
                                                             
READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (4) - TS Nguyễn Ngọc Kiên