Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 2, 2015

TÌM EM TRONG NGUYÊN TIÊU - thơ Mai Thanh





TÌM EM TRONG NGUYÊN TIÊU

Tìm em trong Nguyên Tiêu
Nghe hồn reo rạo rực
Nghe hổn hà lồng ngực
Nghe con tim phập phồng

Tìm em trong phiêu bồng
Nghe lời thơ bay bổng
Nghe lòng mình thấp thỏm
Nghe bước chân rộn ràng

Em hướng Tây đi sang
Anh hướng Đông vòng lại
Từ Khuê Môn em tới
Từ Giếng Thơ anh vào

Tìm nhau trong thanh cao
Tìm nhau trong nguyên khí
Tìm nhau trong thi trí
Tìm nhau trong thi tình

Đây rồi, anh đã gặp mình
Yếm âu đôi mắt, bồng bềnh thi nhân
Cầm tay em, dạ lâng lâng
Cùng nhau nhập bước – bàn chân gọi mời
Ngắm em, say… ánh mắt cười.

                                       MAI THANH



From:  maithanh01.52@gmail.com


READ MORE - TÌM EM TRONG NGUYÊN TIÊU - thơ Mai Thanh

PHƯƠNG ÁO TRẮNG - thơ Châu Thạch






PHƯƠNG ÁO TRẮNG

                        Châu Thạch



Anh cứ mơ về thời quá khứ

Mái trường xưa thành gạch vụn lâu rồi

Áo trắng xưa bay về phương trời áo trắng

Bỏ Cổ Thành loang lỗ một vầng trăng.



Anh cứ mơ về thời quá khứ

Bụi cỏ xôn xao dưới gót ngọc sân trường

Áo trắng bồng bềnh phố nhỏ mờ sương

Em cứ đi, đi về phương trời áo trắng.



Phương áo trắng mờ trong dĩ vãng

Bóng em nhoà thành cả một chân trời

Chăn chiếu anh nằm gánh hết chơi vơi

Đêm choàng tỉnh, đêm lạnh lùng cô quạnh.



Có một bửa anh thấy đời hết lạnh

Ngày hội cựu học trò ta được đứng bên nhau

Bốn mươi năm áo trắng đã thay màu

Em âu yếm nhìn anh đầu bạc trắng.



Rồi em đi bỏ lại anh khoảng lặng

Con đường xưa lau trắng ngập trong mơ

Anh lại lang thang tháng đợi năm chờ

Những đêm mộng anh đi về phương trời áo trắng .

                                                CT


From: truongvantran@hotmail.com


READ MORE - PHƯƠNG ÁO TRẮNG - thơ Châu Thạch

VẾT THƯƠNG MÙA CŨ - thơ Trần Ngọc Hưởng





Vết thương mùa cũ  



Cũng đành để gió cuốn trôi,

Chỉ còn phảng phất chút mùi hoàng lan.

Ngỏ rêu xưa lá rụng vàng,

Ta ngồi đợi giữa mênh mang biển tình.



Cũng đành để gió cuốn nhanh,

Khép đôi tà lụa mỏng manh buổi nào

Bên vườn đứng đợi chiêm bao,

Trái tương tư đã héo rũ màu từ ly.



Cũng đành để gió cuốn đi,

Mười năm tình mộng còn gì nữa đâu!

Bến xưa tre trúc bạc đầu,

Chia cùng ai chút biển dâu lòng người.



Cũng đành để gió cuốn thôi,

Tình là sợi khói giữa trời đục trong.

Còn đâu một thoáng hương nồng,

Lòng dưng không bỗng mênh mông như là…



Cũng đành để gió cuốn xa,

Tình ơi một thuở đậm đà còn đâu.

Vuốt sao phẳng được nếp nhàu,

Vết thương mùa cũ còn lâu mới lành



Trần Ngọc Hưởng


From:  mrtranvansau@gmail.com



READ MORE - VẾT THƯƠNG MÙA CŨ - thơ Trần Ngọc Hưởng

XUÂN GIỮA SƯƠNG MÙ - thơ Hoàng Anh 79


Sương mù Thành Cổ. Ảnh Mai Lĩnh



XUÂN GIỮA SƯƠNG MÙ

Xuân về trên phố em xa phố
Ta ngậm ngùi ta để tiễn đưa 
Khúc nhạc yêu thương xưa một thuở
Đâu đây vọng lại mấy âm thừa

Xuân về trên phố xuân ly biệt
Lặng lẽ mình ta đếm lá sầu
Hun hút đường mây chim mải miết
Rớt đời từng giọt thời gian đau

Bỏ phố em về miền viễn xứ
Đường quen còn sót một mùi hương
Kỷ niệm chôn vùi nơi cổ mộ
Tay ta ôm chút mộng vô thường

Có lẽ mùa xuân qua vội vã
Em vui sau một chuyến sang sông
Lỡ mai có gặp thành xa lạ
Ta vẫn còn say với rượu nồng

Rồi mai ta bỏ con phố cũ
Rày đây mai đó bước lãng du
Đêm trắng rừng hoang nghe gió hú
Nhìn xuân đang ngủ giữa sương mù!

Ngày  14/1/2015
Hoàng Anh 79


From:  homanhphihung.mt@gmail.com

READ MORE - XUÂN GIỮA SƯƠNG MÙ - thơ Hoàng Anh 79

MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 11 – Thơ Trúc Thanh Tâm




31. HUẾ TRONG TA

Áo em tím cả Tràng Tiền
Qua trường Đồng Khánh để quên hẹn hò
Thần Kinh, ta nợ tới giờ
Chưa quên gốc phượng bên bờ Sông Hương !


32. BAN MÊ NHỚ

Cây Kơnia, suối Ea Nuôl
Ta bên ngã sáu lạc đường Ban Mê
Chưa đi giáp quán cà phê
Nên còn để ý gái Ê Đê hoài !


33. HƯƠNG HOA SỮA

Hồ Hoàn Kiếm, trắng sương bay
Bên em phơi phới tháng ngày xuân xanh
Vẫn hương hoa sữa đưa tình
Mai xa Hà Nội, gọi mình nhớ thương !

TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )


From: tructhanhtaam@yahoo.com
READ MORE - MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 11 – Thơ Trúc Thanh Tâm

BẠN GIÀ - truyện ngắn Trạch An- Trần Hữu Hội






BẠN GIÀ
                 
Trạch An- Trần Hữu Hội

    - Ối trời, mày đi đâu lâu nay?
    Đang cặm cụi chăm tỉa cho chậu mai dự định sẽ đem vào chưng trong phòng khách mấy ngày tết, bất chợt Phúc xuất hiện trước mặt, Tấn trợn tròn mắt hỏi, còn Phúc thì nở nụ cười làm sáng lên gương mặt khắc khổ nhăn nheo.
     Gần ba mươi năm rồi, từ ngày hắn bỏ nơi này ra đi, nói với Tấn là trở vào trong Sài gòn hay đâu đó, tìm một cuộc sống dễ dàng hơn bởi hắn đã quá chán cái chốn rẫy nương nắng gió này.
     Cả hai cùng sinh ra từ Quảng Trị, một tỉnh miền Trung giáp ranh với vĩ tuyến 17. nơi con sông ngăn chia hai miền Nam Bắc, sự kiện lịch sử này xảy ra hai năm trước khi cả hai chào đời. không phải sinh ra cùng một nơi. Tấn ở huyện Triệu Phong, một vùng lúa gần biển còn Phúc ở Cam Lộ, một huyện vùng cao.
      Chiến tranh liên miên và rồi năm 1972, khi phe bên kia tấn công vào tỉnh lỵ này, họ chạy vào Huế, rồi Đà Nẵng, ở trong những trại tạm cư. Chuyện về lại chốn chôn nhau cắt rốn ngày càng xa vời, vả lại rồi cũng đạn bom tang tóc bởi chiến tranh chưa thôi, nhiều gia đình cùng nhau di dân, vào khai hoang lập cư trong vùng rừng núi này, dưới sự chăm lo của một Linh Mục.
      Đoàn xe chở họ vào đây, trong số đó có hai cậu trai, đi ngang qua nhiều nơi mà chúng chỉ biết đến trong những bài học Địa Lý. Núi đồi khe suối và những bãi biển trải dài ven quốc lộ làm cả hai thích thú sôi nổi chuyện trò. Lúc này hai cậu trai vừa xong lớp chin cấp trung học.
      Ba năm ngồi cùng nhau nơi ngôi trường tạm bợ bằng gỗ và tôn được dỡ từ trại lính Mỹ ở Cam ranh, rôi thi tú tài, cả hai cùng hí hững khi kết quả kỳ thi được dán nơi văn phòng trường: Phúc đổ hạng Bình, Tấn kém Phúc, chỉ hạng Thứ. Phúc vào Đại học sư phạm Sài Gòn, ngành Khoa Học. Tấn lên Viện Đại Học Đà Lạt, cũng khoa sư phạm, ban Việt- Hán.
      Chưa tròn niên khóa thì biến cố 75 ập đến. Tấn không thể tiếp tục việc học hành, anh trở về với gia đình. Cha đi học tập cải tạo, là lao động chính trong nhà, anh vừa đi nghĩa vụ khai hoang, thủy lợi… vừa giúp mẹ làm rẫy. Phúc ỏ lại Sài gòn tham gia các phong trào Thanh Niên, nghe đâu là một trong những phần tử tiến bộ của đoàn Thanh Niên Thành phố, có lần được tuyên dương trên báo Sài Gòn!
        Tấn không còn nhớ là bao lâu rồi, một lần đi buôn vào Sài gòn, nghe người quen nói là Phúc làm gì đó trong nhà Văn Hóa quận Một, anh tìm đến và rồi một trận cải vả xãy ra giữa hai người mà đại để là Phúc trách Tấn đi buôn như thế là tiếp tay vơi gian thương làm lũng đoạn thị trường…Còn Tấn, anh bất lực không cãi lại được trước những từ ngữ, lập luận xa lạ mà Phúc đưa ra, anh chỉ đơn giản muốn cho Phúc hiểu rằng là không đi buôn thì không có cái gì ăn, kể cả nước mắm! 
        Đêm đó Tấn ra ga Bình Triệu, nằm gối đầu lên ba cái bao tải đựng mỳ lát cuộn lại mà hận thằng bạn, những lý luận về kinh tế nghe thật chặt chẻ nhưng không có đếu nào phù hợp với thực tế của cuộc sống nơi Tấn ở. Phúc không chịu nhận ra là cái đói khổ hầu như đã tràn khắp nông thôn.
        Một hôm, Phúc trở về sau năm sáu năm, nói là từ trại giam về, không biết sao lại lạ đời như thế! Thì ra là hắn nhiệt tình phấn đấu, nhưng lại làm việc theo cảm tính nên giải quyết một việc gì đó sai nguyên tắc phải vào trại giam một năm vì tội thiếu trách nhiệm. Giờ hắn tiếc là đã bỏ không theo cho hết đại học!
        Bà mẹ già nua mừng thấy lại con, em gái hắn lấy chồng nhưng cùng ở trong nhà để hôm sớm chăm lo cho mẹ. Đã về chốn này thì phải làm nông, hắn ra sức làm rẫy nhưng thu nhập sau khi nộp cho Hợp Tác Xã còn lại quá ít, không đủ ăn, vừa làm rẫy hắn vừa theo thắng em rễ học nghề thợ mộc cũng chẳng nên cơm cháo gì, chỉ đi rừng khai thác gỗ lậu, tuy cực nhưng cũng còn có đồng vào đồng ra.
        Đâu dược mấy năm, hắn lại đi, lần này hắn đi lâu quá nên ai cũng đoán già đoán non là hắn vượt biển hay bị tai nạn, bệnh hoạn, chết chốn nào rồi. Mẹ hắn mất cũng không biết nơi nao mà nhắn tin!
        Thế nhưng hôm nay hắn lại về, vào những ngày cuối năm và đang đứng trước mặt Tấn!
        Bên bàn rượu, hai mái đầu không còn xanh như ngày cùng nhau ngồi chung ghế nhà trường, hồi cùng nhau vào rừng khai thác gỗ, chung chia khổ cực ở tuổi thành niên. Tóc cả hai giờ đã bạc nhiều!
        Tấn ngồi nghe Phúc kể lại những tháng ngày hắn bỏ nơi này ra đi, vào Sài gòn sống cùng những kẻ không nhà.
      
                                                             oOo
        Phúc khoanh hai tay co gối, một cơn gió nhẹ làm sương đêm thêm lạnh, bình trà bằng thiếc của cái quán vỉa hè không đủ giử hơi nóng, đã lạnh ngắt từ lúc nào! Anh ao ước có một góc nhỏ nào đó, đẩy chiếc xích lô vào rồi ngã lưng kéo một giấc qua đêm. Lâu nay anh khá yên ấm dưới cầu thang của chung cư Thanh Đa. Đêm nay lại có đợt truy quét những người không hộ khẩu, làm nhốn nháo những kẻ vô gia cư trú ngụ nơi đây, thưòng thì vài hôm có khi cả tuần rồi đâu lại vào đó, nhưng lần này xem ra quyết liệt hơn, cả chục chiếc xe chở đám vô gia cư về quận ngay trong đêm.
       May cho Phúc vì đêm nay có một người khách, thăm thân nhân nằm bệnh viên Chợ Rẫy, giữ anh lại để chở bà ta về sau khi thăm xong. Trở về chung cư, từ xa anh đã biết tin truy quét, anh quay lại đạp về Bình Triệu, nơi đây là nhà ga nên dễ dàng cho ai muốn lẩn tránh những cuộc kiểm tra hộ khẩu.
        -Nhà cậu ở đâu?
        Tiếng bà cụ bán nước hỏi, ý chừng đã khuya sao không thấy Phúc có ý ra về.
        -Dạ con ở trên quận Tám, nhưng đạp xe vùng này, thỉnh thoảng mới về nhà. Mấy hôm ngủ lại bên Thanh Đa nhưng hôm nay kẹt kiểm tra hộ khẩu!       
        -Gần sáng rồi hay cậu cho xe vào đây, góc này, ngủ đi rồi mai tính. Tôi cũng vào ngủ một chút.
        Bà cụ dẹp gọn mấy chiếc chế rồi cúi lưng lòn vào chái nhỏ, trên chiếc giường hẹp, đứa cháu ngoại ngáy say sưa, bà vén mùng nhìn vào rồi đưa tay xoa lên cái bụng bầu đã quá to, thở dài, nhẹ nhàng nắm xuống, trong lòng lo lắng nghỉ đến ngày sinh của nó!
        Mười sáu tuổi, đang yên đang lành, hằng ngày bán gánh xôi trong nhà Ga lâu nay, mấy tháng trước, thấy cái nút áo chổ rốn không cài được bà mới tá hỏa, thì ra nó đã mang bầu bốn tháng. Hỏi thì nó khóc bảo là nó thương một thằng buôn gạo ở Tuy Hòa, ngủ với nó hai lần, hắn nói là sẽ đưa bà chị vào xin bà ngoại, đưa cả hai bà cháu ra ngoài ấy làm ăn, nhà hắn rất nhiều ruộng. Từ khi biết con bé có bầu, hắn còn đi buôn theo những chuyến tàu chợ, con bé cũng yên lòng. Nhưng mấy tháng nay rồi không thấy vào ra, đêm nào con bé cũng lang thang tìm ở Ga, trông từng chuyến tàu chợ. Cuối cùng, con bé hỏi đám con buôn Tuy Hòa mới biết là hắn tình nguyện đi nghĩa vu quân sự rồi!
        Bà cụ đã quá quen với những chuyện muộn phiền trong cuộc dời khốn khổ, cam phận chấp nhận thêm chuyên dại dột của đứa cháu, nhưng bà lo lắm, cái bụng quá to so với vóc người ốm yếu xanh xao của nó!
        Sau hôm ấy, Phúc ở lại cùng bà già, mái chái của bà vậy mà êm ấm, lại được bà lo cho những bữa ăn tươm tất, bà xem Phúc như con. Quen với những kẻ không nhà cửa, phần nhiều ăn nói tục tằn thô lỗ, thấy Phúc khác xa họ, bà mừng thầm trong lòng, dầu sao cũng có một người đàn ông giúp bà trong lúc này lúc nọ. nhất là ngày trở dạ tới đây của đứa cháu ngoại côi cút!
                                                         oOo

        Phúc sửa lại mấy cái bao đồ đạc linh tinh, nhét gọn vào dưới ghế của chiếc xe đò rồi ngồi xuống bên bà Tư. hai cánh tay bà ôm gọn đứa cháu trai vừa sinh ba tháng nay, nó sẽ gọi bà bằng bà cố! Hình ảnh mẹ nó rên la rồi thét lên, trợn tròn hai mắt, tay chân buông thỏng trong cáí đêm trở dạ kinh hoàng đó làm bà rơi nước mắt. Đứa bé cất tiếng khóc khi vừa lọt ra ngoài cũng là lúc mẹ nó tắt thở.
        Khi Phúc đạp cuốc xe cuối trở về thì con bé trở dạ rên rĩ, anh quên mình là đàn ông, chạy ra nơi đám đông người chờ tàu, hét loạn xạ: “ Có ai biết đỡ đẻ không vào giúp cho cháu tôi với!”. “Cô ơi, dì ơi làm phúc…”
        Một bà khá tuổi ăn mặc sạch sẽ đứng lên, tất tả theo Phúc về cái chái, con bé rên la đau đớn, Phúc chỉ cho người đàn bà vào rồi thấp thòm ở ngoài. Anh chạy vào sau tiếng thét cùng lúc với tiếng khóc. Bà Tư ôm cái xác nóng hổi của cháu ngoại, còn người đàn bà thì lau cho đứa bé nhăn nheo…
        Phúc cùng bà Tư chôn con bé nơi một nghĩa địa ở Bình Phước. Bà Tư không còn bán linh tinh, suốt ngày ôm thằng bé đi xin sữa ngoài ga.
       Mấy ngày nay bà Tư buồn hơn, chiếu lại, khi ăn cơm, bà vừa nựng đứa bé, nói với giọng nghèn nghẹn:
       -Dì tính vế dưới đó con ạ, dì già rồi, nó là con trai, ở trên này lớn lên dễ hoang tàng hư hỏng, dưới quê vậy mà không đến nỗi nào, có bà con chòm xóm…cháu cứ ở lại đây cho đến khi nào người ta đuổi…Hừm, băm mấy bốn chục năm về lại, ai còn ai mất mà cậy nhờ đây!
        Phúc khó ngủ, lũ muổi đâu đêm nay như kéo lại nhiều hơn, anh lững thửng ra ga, tìm tới cái chiếu bán cà phê gọi một ly, ngồi xếp bằng trên chiếu, đốt thuốc nhìn vu vơ.
        Phúc nghỉ tới bà Tư, sáu mươi mấy tuổi rồi, giờ về quê làm gì nuôi đứa cháu? Nó lớn lên với sông rạch Miền Tây có khá hơn chốn này không nếu chẳng có ai chỉ bày cho nó, hay rồi cũng bỏ lên Sài Gòn, hay đi đâu đó lang thang!
        Sương xuống lành lạnh nhưng sân ga vẫn bình thường với sinh hoạt ồn ào cố hữu, Phúc trở về, nằm lên chiếc xích lô, vẫn còn nghe tiếng thở dài của bà Tư. Anh thiếp đi với ý nghỉ: Cùng bà Tư vế miền Tây, anh sẽ nuôi dạy thằng bé cho dù thể nào!
                                                         oOo

        Lâu rồi, Tấn chỉ uống rượu cầm chừng, nhưng hôm nay anh uống thật tình cùng Phúc. Anh nhìn bạn, gương mặt Phúc ngồ ngộ, nhòe nhòe như qua một lớp gương:
        -Mày không nghỉ dến bà già và em gái ngoài này à?
        -Mấy năm sống vật vờ tao nhớ lắm, nhưng cái đêm nằm nghe tiếng thở dài của dì Tư tao thấy thương cuộc đời cô quạnh của bà và thằng bé mới chào đời. Bà già và em gái thì xa, ngay bên minh đây cũng hai phận người một bà già một trẻ thơ. Thôi thì cũng một kiếp người mà tao phải đi qua, con đường nào cũng là đường, tao chấp nhận cưu mang. Giờ thì ổn rồi. nó cứ đòi về thăm quê nội, ừ thì cho nó về, sang năm nó ra trường, lo cho nó một chỗ làm, rồi vợ, rồi con…Trong cõi vô thường, cổ thụ có khác gì phù dung!
        Như sực nhớ ra đều gì, Tấn hỏi Phúc:
        -À mà sao hồi ấy mày ở tù?
        -Tao bán chiếc xe hơi nằm đống mấy năm trong sân phòng Văn Hóa cho tụi Chợ lớn, mua gạo chia cho anh em ăn tết!
       -Mày vẫn thích gì làm đó?
       -Ừ cái tính rồi, thấy thích thì làm, ít khi cân nhắc phân vân, không sao thay đổi, mà tao cũng chẳng nghĩ đến chuyện phải thay đổi. Thôi tao về kẻo thằng bé lo.
       -Ở lại, ở lại với tao, tụi mình nằm chung như cái hổi trai trẻ. Qua tết là tụi mình sáu chục rồi, có chết cũng được ghi là “hưởng thọ” thay vì “hưởng dương” trên tờ cáo phó, mau thiệt!
       -Ừ mau thiệt, đi ngủ, mày còn gác như hồi xưa không?
       -Bỏ lâu rồi nhưng đêm nay tau kẹp cổ mày cho nó sướng.
       -Ừ, cho mày kẹp.
       Hai cái thân già xiêu vẹo dìu nhau đi trong bóng đêm mờ mờ hơi sương, lành lạnh buổi cuối đông.     
                                                   
                                                                          Sài Gòn, 18 tháng 1 năm 2015.
                                                                                Trạch An-Trần Hữu Hội
        
From: trachan555@yahoo.com.vn
READ MORE - BẠN GIÀ - truyện ngắn Trạch An- Trần Hữu Hội

THƠ ĐỌC CHIỀU CUỐI NĂM - Thế Lộc





THƠ ĐỌC CHIỀU CUỐI NĂM
        Gởi cố đ/u Bùi Ngọc Hiệp 
   
Cuối năm đọc lại trang thơ cũ
Như có đông phong thổi buốc hồn
Như tóc ai bay chiều bến đợi
Như tình giục giả buổi hoàng hôn

Đọc bài thơ cũ ôi, buồn quá
Như thấy thân mình chốn bể dâu
Tóc đã đơm hoa đầu bạc trắng
Ngậm ngùi đau rát chuyện nông sâu

Cuối năm đọc lại trang thơ cũ
Như thấy bóng mình chấp chới quay
Lặn ngụp giữa dòng đen trắng ấy
Ta bà trần trụi đến chua cay

Cuối năm úp mặt trang thơ cũ
Khóc cuộc bể dâu quá phủ phàng
Thương hải biến vi ... đời vẫn chảy
Chuyện buồn thế tục cứ mang mang

Cuối năm đọc lại trang thơ cũ
Để thấy lại mình giống gả điên
Giất mộng Nam Kha chưa tỉnh ngũ
Hồ đồ chữ nghỉa... học làm duyên

Cuối năm tìm lại hương thơ cũ
Sấp ngửa bên đời nợ áo cơm
Vợ bệnh, thân già, nhà thiếu vắng
Vài câu thơ phú ý lơm chơm

Cuối năm đọc lại trang thơ cũ
Ước thấy bạn hiền vắng mấy thu
Những người đã chết khi còn sống
Đã đến cùng ta chén tạc thù.

31,01.2015
THẾ LỘC

From:  theloc108@yahoo.com.vn


READ MORE - THƠ ĐỌC CHIỀU CUỐI NĂM - Thế Lộc

PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ VỀ TIẾNG CHIM ĐÊM - Ngọc Diễm




NGỌC DIỄM
Phạm Ngọc Thái với bài thơ về tiếng chim đêm
                         Trích tác phầm "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại"                                                                     Nxb Văn hoá Thông tin 2014                                              
                               
TIẾNG RÚC CHIM ĐÊM
                              
Những tối trăng ngời, dưới ánh sao khuya                              
Anh vẫn đắm mình về phương ấy                                
Những câu thơ như ngôi sao bùng cháy                                
Và cuộc chia ly đã hoá cánh buồm...

Con chim đêm rúc mãi ngoài cây
Nó nói gì không biết?
Chắc con mái ham nơi vui thú khác
Đã không về. Con trống gọi suốt đêm...

Chim gọi đàn - Anh gọi tên em
Năm tháng, nắng mưa, non ngàn, bão tố
Có lẽ nào em không về nữa?
Để hồn anh hoang mạc, bơ vơ.

Đã xa rồi. Mùa dĩ vãng trăng mơ…
Đời vui vẻ cuốn theo dòng gió bụi
Bao ý nghĩa trong cuộc đời tồn tại
Thành quách loài người em thiêu trụi thành tro!

Ngàn năm xưa cho tới bây giờ
Ta muốn hỏi đến muôn đời sau nữa:
Mọi giá trị vĩnh hằng, nếu có
Sẽ là gì? Khi thiếu vắng em ta!

Con chim đêm run rẩy bóng xanh già
Anh bổi hổi một thời qua vọng lại
Và tất cả đã trở thành trống trải

Sao em lại phụ bạc tình, con mái thương yêu?

                                             Phạm Ngọc Thái       
           
  Lời bình: 

     Trong đêm tiếng con chim nào đó kêu xé lên, nó rúc từng hồi thảm thiết. Con chim có nỗi gì? Một tiếng kêu lẻ bóng, cô đơn giữa khoảng không vắng lặng:
                    Con chim đêm rúc mãi ngoài cây
                    Nó nói gì không biết?
      Mới chiều chúng còn có đàn, có đôi? và nhà thơ nào đó đã viết: 
                   Một tiếng chim ca sáng cả rừng 
     Nhưng đấy là tiếng chim chào bình minh buổi sớm, nó đã trở thành thông lệ theo bản năng véo von của loài chim sau giấc ngủ một đêm dài. Đằng này, Tiếng Rúc Chim Đêm là tiếng kêu phát ra từ trái tim đau đớn của con chim:
                    Chim gọi đàn - Anh gọi tên em
                    Năm tháng, nắng mưa, non ngàn, bão tố
      Tiếng chim gọi người yêu náo động vào trong tâm trạng của nhà thơ. Tiếng nó khắc khoải, rền rã vượt qua cả không gian, thời gian, năm tháng, nắng mưa, non cao, rừng rậm. Ý nói về sự sống muôn đời của con người. Tình yêu là ánh sáng, là ý nghĩa của sự tồn tại. Ở đoạn thơ đầu, cái tiếng rúc con chim trống như nỗi lòng cô quạnh của người con trai:
                    Chắc con mái ham nơi vui thú khác 
                    Đã không về. Con trống gọi suốt đêm...
      Cái đêm ấy không hiểu vì sao con mái không về, hay nó đã bỏ đi theo người tình khác? Con chim đực cứ gọi, gọi mãi trong vô vọng. Cũng nỗi lòng đó đứng trên thềm nhớ của không gian mênh mông, nhà thơ đã nhớ về em:
                    Đã xa rồi. Mùa dĩ vãng trăng mơ…
                    Đời vui vẻ cuốn theo dòng gió bụi 
     " Dĩ vãng trăng mơ..."  là mơ trong bóng trăng xưa. Tuy nói  "mùa dĩ vãng" nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc tươi đẹp đã vụt qua, còn lại trong hoài niệm. Hai câu thơ trải ra trong đời, cuốn đi theo chiều gió. Cuộc sống không chỉ có những năm tháng hạnh phúc của tình yêu, mà còn là một vòng cát bụi cuộc đời. Nhà thơ khắc khoải:
                    Có lẽ nào em không về nữa?
                    Để hồn anh hoang mạc, bơ vơ
      Bài thơ đã được tạo nên từ hai mảng màu: Từ cõi trăng mơ đến dòng cát bụi... là một mảng "màu đời" - Chất liệu lấy ra từ trong hiện thực của cuộc sống. Còn mảng màu thứ hai, ý thơ nhảy vọt lên thăng hoa để bao quát cả bể thế thái nhân tình:
                    Bao ý nghĩa trong cuộc đời tồn tại
                    Thành quách loài người em thiêu trụi thành tro!
      Mặt sau ý nghĩa nhân bản của tình yêu, mặc nhiên nó phủ định cả chiến tranh, tội ác. Sự thánh thiện đã tạo lập nên đoạn thơ này là ở lý đó, nó đâu có dừng lại chỉ ở lòng đam mê  trai gái thông thường. Nó tôn sùng sự thiêng liêng của ái tình, để sang đoạn thơ thứ tư đã triết lý:
                    Ngàn năm xưa cho tới bây giờ
                    Ta muốn hỏi đến muôn đời sau nữa: 
      Nội chiến nước Nga để làm gì? Thế giới I, Thế giới II và còn đe doạ cả Thế giới III nữa, để làm gì? Người trinh nữ (nói theo hình tượng) chẳng phải là vẻ đẹp thần thánh nhất, ngôi miếu thờ thiên đường nhất hay sao? Cuộc đời chỉ yêu, con người chỉ yêu, thế giới chỉ yêu...có hơn không?

                     Mọi giá trị vĩnh hằng, nếu có
                    Sẽ là gì? Khi thiếu vắng em ta!
     Không có tình yêu tất cả là vô nghĩa. Triết lý thế đấy, đó chính là đạo của thi ca! Tôi xin phân tích tiếp về đoạn thơ cuối cùng:
                    Con chim đêm run rẩy bóng xanh già
                    Anh bổi hổi một thời qua vọng lại
                    Và tất cả đã trở thành trống trải
                    Sao em lại phụ bạc tình, con mái thương yêu?
      Con chim trống vẫn run rẩy cất tiếng kêu rúc lên trong vòm xanh. Trên bờ bến nhân gian, tiếng gọi của con chim ấy còn vọng mãi vào những năm tháng xa xôi vô cùng, vô tận kia. Như anh gọi em, như chàng gọi nàng...
      Có thể sau đó con chim mái đã quay về và nó thanh minh với con chim trống rằng: Con mái nó không phụ tình! Chỉ bởi cuộc sống ngày nay kiếm miếng ăn khó khăn quá nên đã phải đi xa rồi bị lạc, lỡ đêm không về kịp được. Nó hờn giận với con chim trống đã không thông cảm cho nỗi khổ nhục của nó thì thôi, lại còn buông ra những lời oán trách nghĩ xấu cho nó. Thật là không phải lối!
      Tiếng Rúc Chim Đêm là một bản tình ca, nó đã đưa tình yêu lên tận đỉnh tháp cao xa của loài người. Vì nếu như không có niềm đam mê tột cùng của hạnh phúc gái trai, thì chắc con người sẽ chẳng khác nào những giống sinh linh nhung nhúc lâm vào cái cảnh bị tâm thần, loạn trí,  khắp toàn cầu sẽ phủ toàn một màu băng tang trắng.
      Tình yêu - còn để con người quên vợi đi những tâm địa độc ác. Người ta không cần đến chiến tranh, con người sẽ không tham vọng bóc lột nhau nữa,  thế giới sẽ chỉ vang lên tiếng gọi của hoà bình. Đó cũng chính là linh hồn, ý tưởng chân dung của bài thơ "Tiếng rúc chim đêm" này.

       ND.

 . Trong mục "Thế giới thi ca Phạm Ngọc Thái  -  với lời bình của nhiều tác giả" tr.282-286.

From: <ngocthai1948@gmail.com>


READ MORE - PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ VỀ TIẾNG CHIM ĐÊM - Ngọc Diễm