Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 24, 2017

MẸ ĐI LẤY CHỒNG - Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả và cháu

MẸ ĐI LẤY CHỒNG
Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Tiếng võng kẽo kẹt, lời bà Hoa ru cháu cứ nghèn nghẹn phát ra trong căn nhà trống vắng nghe buồn:
- Ầu ơ! Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai ?
Cu Tèo năm nay vừa tròn 5 tuổi, nó ở với bà  một năm nay. Tuy nhà bà cái ăn cái mặc  cũng không dư dả gì nhưng nó là đứa bé hay ăn hay ngủ nên chóng lớn lắm, nói trộm vía, cả năm nay thằng bé chẳng có hề biết nhức đầu sổ mũi là gì.

Cúc là tên con gái của bà Hoa, bà đặt tên Cúc vì nghe người ta bảo cúc là tên của một loài hoa đẹp, có nhiều điều may mắn trong đường đời. Cúc lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, tuy nhà nghèo nhưng Cúc cũng lớn phổng phao không kém những đứa bạn trong làng. Cúc giống mẹ  nhất là cái nước da mịn  màng, mái tóc óng mượt. Đêm đêm tiếng chó sủa oang oang đầu xóm là  bà đoán  trai làng đến chơi nhà bà để tán tỉnh Cúc.
Ở cái miền sát vùng biên giới dạo này rộ lên buôn lậu hàng bên kia biên giới tràn sang. Bao nhiêu chàng trai cô gái đã bỏ công việc nương rẫy, tay nải, ba lô chui lủi theo những lối mòn ngõ ngách, ít người qua lại để khuân hàng, gom hàng về bán.
Mua một lời bốn năm , Cúc giàu phất lên. Rồi Cúc cũng lấy chồng, mở nhà hàng ăn uống. Được cái thùy mị, nết na, xinh đẹp nhà hàng của Cúc ngày càng đông khách. Khách đến nhà hàng Cúc không chỉ vì món ăn ngon đặc sản núi rừng mà còn được ngắm nhìn, tán tỉnh cô chủ hàng xinh đẹp gái một con. Cuộc sống gia đình ngày càng sung túc, làm ăn suôn sẻ, mọi tiện nghi trong nhà toàn là những thứ đắt tiền, mẹ Cúc cảm thấy mãn nguyện lắm.
Cái sự đời nó vốn là vậy! Có tiền bắt người ta phải nghĩ cách đẻ ra tiền. Cúc bàn với chồng mở khách sạn, khu vui chơi giải trí… Chồng Cúc bảo:
- Thôi em ạ! Không biết bao nhiêu cho đủ. Chúng ta có được cơ ngơi này là anh cũng thấy thỏa mãn rồi. Bây giờ chúng ta tập trung vào chăm chỉ làm ăn, nuôi con khôn lớn là được. Hơn nữa vốn đầu tư vào việc đó cũng không nhỏ.
- Anh không làm thì để tôi làm! Không thể làm người phục vụ mãi, tôi phải là bà chủ…làm bà chủ! Hiểu không?
Nói là làm. Cúc dồn vốn, vay thêm ngân hàng, bạn bè… Và rồi khách sạn cũng được khai trương, khu giải trí cũng được mở cửa chào đón mọi người. Cúc thực sự trở thành bà chủ từ đó. Thuê người làm, Cúc chỉ việc theo dõi thu chi và tiếp khách. Có tiền Cúc có thêm nhiều bạn bè, váy mới. Những cuộc vui cứ dài dài hơn ...
Nhưng sự đời đâu có được như ai muốn!
Đặc sản rừng rồi cũng khan hiếm và bị cấm, buôn bán qua đường biên cũng bị kiểm soát gắt gao hơn trước nên việc làm ăn ngày càng khó khăn Khách sạn, quán ăn, khu vui chơi ngày một ít khách, thu nhập càng ngày càng sa sút. Rồi tiền trả lãi ngân hàng, tiền nợ bạn bè …bao nhiêu thứ tiền đều phải trả.
Ngân hàng đến thế chấp nhà nghỉ, quán ăn… Cúc sập tiệm. Cúc buồn lắm. Những ngày đó đối với Cúc như địa ngục trần gian. Cúc sống trong căng thẳng với thực tại, chồng thì ngày nào cũng uống rượu cho khuây đi những ê chề. Rồi những trận chửi bới, ẩu đả của hai vợ chồng cứ diễn ra hằng ngày khiến cuộc sống bế tắc lại càng bế tắc hơn.
Trong số khách cho Cúc vay vốn có một gã họ Đặng ở bên kia biên giới, hắn có mái tóc hoe hoe, dựng đứng như bờm ngựa nên bọn đàn em của hắn hay gọi “Đặng bờm”. Hắn giàu có qua cách ăn mặc, qua trang sức đeo trên người, qua cái nhìn khinh khỉnh của một gã giang hồ. Gã quen biết Cúc qua việc cung cấp hàng tươi sống, đặc sản rừng. Hôm nay hắn rủ mấy đứa đàn em “cưỡi”con xe sang trọng đến đòi nợ Cúc. Hắn cao giọng:
- Thế nào cô em? Món nợ mà em vay dạo nọ bây giờ đã đến hạn phải trả rồi đấy! Và hắn nhìn sang chồng Cúc: - Nếu không có tiền trả nợ thì…e hèm… thế chấp người đẹp này…Ha ha ! Hắn cười một cách đễu cáng.
Hai vợ chồng Cúc vái lạy, năn nỉ gã một thôi một hồi xót xa thểu não. Gã cũng dịu đi làm ra vẻ thương xót. Gã nói:
- Thôi được! Tao sẽ cho vợ chồng chúng mày khất nợ nhưng với một điều kiện. ..! Rồi hắn nói nhỏ điều gì đó với Cúc.
Cúc vắng nhà thường xuyên để đi làm ăn với gã. Cu Tèo gửi cho bà ngoại chăm. Còn chồng Cúc kiếm được việc gì thì làm việc đó. Ngày tháng cứ thế trôi dần. Cúc cũng xoay xở và cũng trả được dần những món nợ. Nhưng Cúc vắng mặt nhiều hơn, chẳng còn ngó ngàng gì đến chồng con. Từ chỗ làm ăn được Cúc sinh ra coi thường chồng, mắng nhiếc chồng là đồ ăn hại, bám váy vợ. Chồng Cúc nghĩ lại những lúc làm ăn như diều gặp gió, do vợ không nghe mình mà ra nông nỗi này thì uất ức lắm nên uống rượu càng nhiều, chửi bới càng nhiều. Những lúc thấy vợ lên xe với gã họ Đặng là máu gen tức trong người sôi lên.
Một hôm đi uống rượu về, nghe mấy người bạn gặp vợ đi nhà nghỉ với gã họ Đặng ở ngoài thị trấn thì chàng điên lên. Về nhà chưa kịp nói gì với vợ, anh chàng tát vợ mấy cái té nhào:
- Mày là đồ…!
Chưa nói dứt câu, Cúc cướp lời:
- Anh nói tôi là đồ gì hả…? Nhờ cái đồ, đồ… đó mà anh có tiền trả nợ, có cái ăn để anh sống đến bây giờ, nếu không anh cũng chết đói lâu rồi!
Và không chết đói, chồng Cúc chết trong một vụ tai nạn do bị say rượu.
Cúc với tên họ Đặng kia không đính ước, không yêu thương nhưng đám  cưới vẫn diễn ra, rồi cũng thành vợ chồng  mặc cho mẹ khuyên can, người đời dị nghị.
Cúc gửi con cho mẹ chăm sóc và theo “Đặng bờm”làm ăn một năm nay, thỉnh thoảng mới gửi ít tiền cho mẹ chi tiêu.
Mẹ không rõ Cúc làm việc gì, nhưng Cúc thì rõ. Cúc cùng gã họ Đặng lập một đường dây buôn người sang biên giới. Đường dây của Cúc gồm năm tên, có luật lệ khắt khe và bí mật lắm. Thỉnh thoảng chúng về nước để mua chuộc dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin đi làm ăn bên kia với tiền lương cao. Nhưng khi sang bên kia biên giới thì họ bị bán cho chủ khác, hay bị bắt làm gái mại dâm mà họ không hề hay biết. Hoặc bọn họ mua bán trẻ con, nghe đâu bán để mổ lấy nội tạng, Thật là một lũ độc ác...!
Bà Hoa mấy hôm nay ngã bệnh. Tèo tha thẩn chơi môt mình ngoài sân không dám đi đâu xa vì bà dặn dạo này có người bắt cóc trẻ con, không được đi với người lạ. Nhưng Tèo có biết bắt cóc trẻ con là gì, mà từ cái ngày mẹ bỏ đi lấy chồng đến giờ có ai chơi với Tèo đâu . Đang nghĩ vẩn vơ thì có người đến sau lưng:
- Này bé con, người nhà đi đâu mà lại chơi tha thẩn một mình? .
Nghe cu Tèo nói là bà ngoại ốm, tên người lạ mừng lắm. Thế là thời cơ đã đến, lão lấy trong túi xách một phong kẹo to đùng cho Tèo, Tèo mừng lắm, đã lâu không được ăn kẹo, ngữi mùi kẹo thơm lừng thì Tèo không dứt đi được.          
          Người lạ bảo:
- Mày đi theo tao thì không những có kẹo mà còn có đồ ăn ngon, áo đẹp nữa.
Cu Tèo thích lắm, nhưng phải hỏi bà xem sao đã. Người lạ bảo nếu không đi bây giờ là hết phần đó. Thế là cu Tèo theo gã.
Cái tin Tèo bị mất tích lan đi khắp thôn, xã. Bà Hoa khóc nhiều lắm, bà không biết đứa cháu mình giờ ở đâu, sống chết ra làm sao? Bà nhờ bà con lối xóm đi báo tin cho công an tìm đứa cháu hộ bà.
Cu Tèo bị người lạ cõng đi, đi mãi, đi mãi rồi cũng đến chỗ được ăn ngon. Nhưng Tèo nhớ bà ngoại, rồi cu Tèo đòi về, rồi Tèo khóc. Không biết người lạ cho Tèo uống thứ nước gì đó mà Tèo ngủ thiếp đi. Người lạ nghỉ lại quán bên đường chờ trời tối sẽ vượt biên. Theo kế hoạch nếu hắn dụ dỗ hoặc bắt  được người thì nhóm của Cúc sẽ nhận người và trả tiền cho hắn tại biên giới.
Sau khi nghe tin báo có người bị bắt cóc, bộ đội biên phòng đã kết hợp với công an địa bàn lên phương án cứu người. Các anh dự đoán, tên bắt cóc chưa đi xa vì đưa theo cháu nhỏ, phương tiện vượt qua biên ải hiểm trở. Mọi phương án đã được đặt ra và ai nấy vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.
Đang cõng đứa bé mê man trên vai trong màn đêm đen ngòm, sắp sửa đặt chân lên biên giới, tên bắt cóc hí hững chuyến này trót lọt thế nào cũng mua cho “con bồ” bộ áo váy và đưa nó du lịch một chuyến như đã hứa. Phía trước phát ra tín hiệu của bọn nhận hàng, hắn mừng lắm, sắp thoát rồi. Bỗng, có tiếng lệnh dõng dạc:
- Tất cả đứng im! Các anh đã bị bao vây, không được chống cự!
Tên bắt cóc hoảng quá bỏ đứa bé xuống và bỏ chạy. Mấy tên trong nhóm của Cúc cũng đồng loạt chạy trốn.  Cúc bị trượt ngã, đầu va vào gốc cây đau quá nằm xuống.
Theo như phương án được vạch sẵn, các anh bộ đội và công an ở vòng ngoài đã đón lỏng bắt gọn cả toán chỉ riêng Cúc chưa bị phát hiện.
Cu Tèo đã tỉnh lại sau mấy tiếng đồng hồ mê man do uống thuốc ngủ, hoảng hốt cu Tèo khóc thét lên và gọi bà.
- Thôi cháu nín đi, đừng khóc nữa, rồi các chú sẽ cho cháu về với bà! Thế cháu tên gì, mẹ cháu đi đâu mà cháu phải ở với bà?
Thằng bé trả lời trong sụt sùi:
- Cháu tên Tèo, còn mẹ cháu nghe bà bảo đi công tác ở đâu xa lắm!
- Thế bà cháu tên gì? Cháu có biết tên mẹ không?
- Bà cháu tên Hoa, còn mẹ, bà cháu bảo tên một loài hoa gì đó…! À, phải rồi hoa cúc, Cúc là tên mẹ cháu đó!
Nằm bên gốc cây nghe đứa bé nói vậy Cúc như đang thấy mình bay bổng lên trời, mong lung, đau nhói. Phải rồi, thằng Tèo con Cúc đó chứ còn ai nữa. Đã một năm nay không gặp nó, không biết giờ đây nó như thế nào? Rồi Cúc cũng thầm mừng cho buổi làm ăn xui xẻo hôm nay. May mà bị bắt nếu không cu Tèo sẽ bị bán đi rồi cuộc đời nó ra sao, có ai mà biết được rồi nó có bị mổ lấy nội tạng không? Bao nhiêu suy nghĩ cứ vảng vất trong đầu Cúc. Đứa bé lại khóc thét lên, nó đói, nó muốn về với bà. Nước mắt Cúc trào ra, Cúc nghĩ nếu ra đầu thú rồi thế nào cũng sẽ bị đi tù, đi tù thì khổ lắm, nhục lắm! Nhưng thoát được thì mình sẽ đi về đâu, rồi cu Tèo sẽ sao đây? Thôi đành mặc cho số phận vậy…!  Cúc đứng dậy chạy về phía các anh bộ đội biên phòng và công an đang làm nhiệm vụ. Cúc vừa chạy vừa gọi:
- Đừng bắn! Tôi xin đầu thú các anh…! Vừa dứt lời, Cúc chạy vội đến ôm chầm lấy đứa bé khóc nức nở:
- Tèo ơi! Mẹ đây, mẹ Cúc của Tèo đây, mẹ đã về với Tèo rồi đây!
Cu Tèo nhìn mẹ lạ lẫm qua ánh đèn pin, nhưng cái tình mẫu tử đã truyền sang đứa trẻ như một phản xạ của con người. Nó lờ mờ nhận ra mẹ, rồi không cầm lòng được nó khóc to hơn, hét to hơn:
- Mẹ, mẹ thật rồi, mẹ về với bà với con đi, chắc giờ này bà đang lo lắng và buồn lắm…!

Giọng bà ngoại ru cháu nghe buồn, nghèn nghẹn như đang ốm. Phải rồi cơn gió Đông đầu mùa chiều nay đã đánh thức cái bệnh viêm xoang của bà, do bà quên quàng chiếc khăn cho ấm cổ.
Đêm vắng lặng, tiếng kẽo kẹt của chiếc võng càng làm cho lòng bà nặng trĩu hơn. Không biết rồi đây Cúc có ăn năn hối lỗi, cải tạo tốt để sớm về với bà với thằng Tèo? Không biết rồi cuộc sống của bà, của cu Tèo sẽ ra sao…?
          Ngoài kia, gió to dần, vi vút, xào xạc những tàu chuối khô, đôi mắt bà Hoa tự dưng ngấn lệ, chỉ có tiếng cu Tèo ngáy đều đều trong vòng tay của bà.

Nguyễn Đại Duẫn
Hội VHNT Trường Sơn;                 
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, Huyện Quảng Ninh,Tỉnh Quảng Bình;
DĐ: 0977194533;
nguyenduanqh@gmail.com
                                                                            





READ MORE - MẸ ĐI LẤY CHỒNG - Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

EM ĐÃ VỀ CHƯA - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính râm và ngoài trời
           Hiệp Kim Áo Tím


EM ĐÃ VỀ CHƯA

Thu đã đi rồi em về chưa
Phố núi đông về vắng cơn mưa
Áo tím xưa vương màu nhung nhớ
Ta nhớ thương em ... mấy cho vừa

Một cụm hoa vàng ẩn trong sương
Dã quỳ e ấp nở bên đường
Bên hồ đơn lẻ màu hoang vắng
Một thoáng buồn vui ai vấn vương

Em xa đã mấy mùa mưa nắng
Cay đắng tình ta em thấu chăng?
Đường xa dẫu gập ghềnh cách trở
Em hãy về ta say ngắm trăng

Em đã về chưa - gió trở mùa
Mang theo cái lạnh tím hoa mua
Ta giữ màu áo buồn muôn thuở
Mặc kệ thời gian cứ cợt đùa

Em đã về chưa thăm chốn mơ
Ta đắm mình trong cõi sương mờ
Dệt mộng cho đời bao mơ ước
Chợt nhớ một thời... buồn vu vơ

                   Hiệp Kim Áo Tím 
                 Đà Lạt, 25/10/2016

READ MORE - EM ĐÃ VỀ CHƯA - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

NHỮNG MÙA VÀNG YÊU THƯƠNG - Phan Nam giới thiệu sách mới của Hồ Huy Sơn






Những Mùa Vàng Yêu Thương

Biết bao kỷ niệm thời thơ ấu được nhà văn Hồ Huy Sơn gửi gắm vào từng trang sách trong tác phẩm mới “Đi Qua Những Mùa Vàng” đầy xúc động, chân thực.

Từng được biết đến là một cây bút với nhiều tác phẩm dành cho tuổi hoa, Hồ Huy Sơn đã phác họa những thanh âm vô cùng trong trẻo và dịu dàng qua hai lăm tản văn ngắn, đi kèm đó là tranh minh họa dễ thương, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các độc giả nhỏ tuổi. Phải là người có một đôi mắt quan sát rất tinh tế, dẫu là những chuyển động nhỏ bé đi qua ký ức, đều để lại trong tâm khảm nỗi niềm nhung nhớ khắc khoải, chực chờ trào dâng. Sức cuốn hút trong “Đi Qua Những Mùa Vàng” dường như không nằm trên bề ngoài con chữ có phần sần sùi thô mộc, mà tác động đến độc giả ở vết lằn đầy hư ảo, cồn cào trong sâu thẳm mỗi người. Nếu đang buồn thì con chữ của anh dang đôi tay ấm áp xoa dịu tâm hồn; nếu đương vui thì trang viết lại giúp chúng ta sẻ chia dư vị ngọt ngào; còn ai trống vắng đọc lên sẽ lấp đầy tâm hồn bằng một trái tim quảng đại, dạt dào thương yêu. Ở đó, có những xáo trộn trong không gian và thời gian, nhưng chung quy vẫn nằm trong nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ tuổi thơ “dữ dội” để lại trong lòng anh hoài niệm đáng yêu, lòng chân thành với người, với đời. Lật mở từng trang sách, ta có thể bắt gặp mùa gặt gặt trải dài tuổi thơ, dòng sông Mai Giang trong vắt, với tặng phẩm là mùa sứa quyến rũ, món cà muối xứ Nghệ đầy tuyệt thú, nồi cá kho đồng thơm lừng của mẹ, những chú tò he ngày cận tết, que kem “đổi” ngọt ngào, chiếc áo len mùa đông của chị, củ khoai nướng lem luốc...

Bức tranh ấu thơ lại được ùa về với biết bao mảng màu đan xen, bầu trời tuổi thơ vụng dại khốn khó được anh chắt chiu qua từng trang viết. Để rồi qua bao mùa gió, bao khoảng thời gian hư hao, con chữ kết tinh sóng sánh với một tấm lòng sắt son tận hiến của tác giả. Nhà văn Hồ Huy Sơn đã bóc tách con chữ đến tận gan ruột, và sau đó xâu chuỗi lại trong từng mảnh lụa mềm mại, êm ái. Dẫu cảm xúc chợt thoáng qua như làn gió bao mùa thu cũng đủ làm lòng ta thảng thốt: “Bỗng nhiên thèm được ngồi ở đâu đó, một nơi nào đó thật yên tĩnh với một người hiểu mình. Và chỉ cần ngồi đó, không cần nói gì, không cần những cái nắm tay để tránh rét, không cần những ánh nhìn ấm áp (...) Cứ ngồi vậy, im lặng và hiểu nhau. Im lặng để nghĩ về nhau. Thế cũng hạnh phúc lắm rồi” (Xúc cảm mùa thu).

 Đọc sách của Hồ Huy Sơn, ta sẽ tìm thấy mình an nhiên, cõi lòng vô cùng dịu nhẹ để sống chậm lại với từng nốt lặng, để cảm nhận và yêu thương nhiều hơn. Khi trồng một cây xanh, ta có cơ hội được hưởng bầu không khí trong lành, có thêm công việc làm là tưới nước, chăm chút cho cây. Và tác giả Hồ Huy Sơn cũng đang lặng lẽ gieo thêm những mầm xanh, những hi vọng, những quả ngọt thấm đẫm hương vị trong từng trang viết. Anh viết hoàn toàn bằng cảm xúc, để cảm xúc xâm chiếm lý trí, tựa như dòng thơ đang tuôn chảy ở đầu ngọn bút. Ký ức đã thực sự cộng hưởng và thăng hoa để dâng lên một mùa vàng cho đời, chờ đón độc giả gặt hái.

PHAN NAM

(Đọc “Đi Qua Những Mùa Vàng”, Hồ Huy Sơn, NXB Kim Đồng tháng 5.2017)

READ MORE - NHỮNG MÙA VÀNG YÊU THƯƠNG - Phan Nam giới thiệu sách mới của Hồ Huy Sơn

ĐỐT THƯ TÌNH - Thơ Trương Thị Thanh Tâm



Đốt Thư Tình
          
Ừ, anh cứ đốt đi anh
Những thư tình ta đã viết
Những ngọt ngào ta từng gởi cho nhau
Như anh đã
Đưa ảnh tôi cho người ta xé
Là lúc lòng tôi cạn kiệt yêu anh

Ừ, xé đi, anh xé đi
Hay là anh hãy cứ đốt
Chỉ vậy thôi... một cuộc tình
Mặc đời tôi, mặc con nước lênh đênh
Mất nhau rồi
Giữ để chi!
Cho đớn đau đời lục bình trôi nổi
Như nhánh bần de, vẫy tay chào dòng nước cạn

Ừ, tôi vẫn biết, lòng anh giờ thay đổi
Khi bướm ong đã rỏ lối đi về
Đến sau rồi là thấp chớ không cao
Tôi phải đâu
Là người anh mai mối trầu cau

Tôi dại dột
Nên đem tình so sánh
Cứ ngỡ rằng mình cho là được nhận
Nào ngờ đâu, chữ tình thay đổi dấu
Huyền đổi sắc
Nên đành dang dỡ, thế thôi anh!

Ừ, anh đốt đi thư tình ta đã viết!

             Trương Thị Thanh Tâm

                           Mỹ Tho
READ MORE - ĐỐT THƯ TÌNH - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

CHIÊM BAO MỘNG TRẢ CHO NGƯỜI - thơ Trúc Thanh Tâm


   

 CHIÊM BAO MỘNG TRẢ CHO NGƯỜI
  (Riêng tặng bạn thơ Tịnh Đàm, Vũ Miên Thảo và Hà Nhữ Uyên.)

 Về đây thấy lạ mặt người
 Qua sông ngày đó chìm rồi đò xưa
 Cuộc đời sáng nắng chiều mưa
 Trầm luân sao cứ lọc lừa bủa vây

 Bốn phương tám hướng đường mây
 Biết đâu lối rẽ đường ngay mà về 
 Hồn còn lạc giữa trần mê
 Cám ơn thần thánh bên lề tử sinh

 Ta còn nợ một ân tình
 Vẫn chưa sám hối lời kinh yêu người
 Thế gian kẻ khóc người cười
 Yêu người độ lượng giữ đời cho nhau

 Đừng mơ chi đến kiếp sau
 Kiếp này gian dối đủ đau lắm rồi
 Đá vàng giọt nước mắt rơi
 Chiêm bao mộng trả cho người vào quên !

 TRÚC THANH TÂM
  (Châu Đốc)
READ MORE - CHIÊM BAO MỘNG TRẢ CHO NGƯỜI - thơ Trúc Thanh Tâm

CHÙM THƠ CUỐI THÁNG 10 - Huy Uyên





Ở Pennsyl em có nhớ tôi ?

Vẫn tiếng rì rào chân sóng biển
Mây trắng quanh em đã bay rồi
Mười năm xa nhau trời Đà-Nẵng
Ở Pennsyl em có nhớ tôi ?

Đã qua đi những dấu chân người
Tình xưa cũ coi như đã mất
Vọng lại quanh đây một giọng cười
Em một mình hanh hao thu vàng vọt.

Nước mắt ai cùng biển chiều đầy gió
Còn lại gì ơi em dấu yêu 
Bến phà xưa quên một thời An-Hải
Bên kia sông sắc nắng phai chiều.

Còn lại bàn tay vẩy vội thôi
Môi hôn ai se lòng sợi tóc
Em ném con tim xa nữa đời
Đứng nhìn sông trôi ra biển cả.

Bâng khuâng nổi niềm lưu-khách
Những nụ hồng nở muộn sớm mai
Dịu dàng e-ấp
Màu rêu xưa che phủ tháng năm dài.

Hạnh-phúc em con mắt có đuôi
Chim xưa giờ quên về tổ
Ngày hai ta lạc mất xa rồi
Chặng cuối đường ai còn đứng ngó .

Dấu trong tim nổi đau tình cũ
Mai sau biết có ngày về...


Đường về chợ Mai còn xa lắm

Quán rượu chiều mưa qua Đập-Đá
Bên người tình cũ mãi chưa say
Bao năm vọng hoài tình cố-xứ
Ly rượu buồn quên đi tháng ngày.

Này uống đi ơi người một thuở
Gặp lại nhau có làm mắt chiều se
Môi xưa còn thắm hồng hai má
Có dấu nỗi buồn kín trong dáng chiều.

Ta bạc lòng cuối phố khuya buồn
Đường về chợ Mai còn xa lắm
Ta muốn quên đời qua nụ hôn
Sao lòng bỗng dưng thêm cay-đắng.

Ừ rượu khiến ta say quá đổi
Mặt em hồng bên chén rượu cay 
Ta hồ trở lại thời trai trẻ
Dấu cổ-tích quên một phận người.

Hồ dể bấy năm gặp người xưa
Chôn chặt trong tim bao ngày tháng
Chiều mưa quán rượu bóng quay về
Thương em cả một đời lận-đận.

Có biết ta buồn chiều-rượu-say
Em rót dùm ta thêm chén nữa
Cố-nhân bỏ lại ở phương này
Ta say cả một trời thương-nhớ.

Thôi em chén này là chén cuối
Em có buồn có nhớ ta không ?

                           Huy Uyên
                         (24-10-17)

READ MORE - CHÙM THƠ CUỐI THÁNG 10 - Huy Uyên

NGÀY XƯA TUỔI HỒNG - Thơ Lệ Hoa Trần





NGÀY XƯA TUỔI HỒNG

Giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má
Chiều đứng nhìn xa…. biển rộng Đại dương
Nhớ quê hương, nhớ biết mấy, vô lường
Nơi phương đó….một vùng trời đầy kỷ niệm
 
Nơi một thuở, thời tuổi xuân mực tím
Gốc phượng hồng, ghế đá gởi trao thư
Nơi buồn, vui, hò hẹn, tiếng giả từ
Còn in nét đậm đầy trong ký ức
 
Giơ tay cao vội lau dòng nước mắt
Muốn ngăn từng kỷ niệm buổi xa xưa
Muốn quên đi hình ảnh tuổi mới vừa
Nhưng, chẳng biết mưa lòng tuôn…tuôn chảy
 
Ôi ! Hai tiếng quê hương- thời con gái
Sao nặng tình, vương vấn mãi quanh ta
Bởi, thế nên khi mỗi buổi chiều tà
Là đôi mắt cứ dầm dề lệ ứa
 
Thương quê quá, thương thương từng…từng đứa
Của ngày nào chung bước mái trường xưa
Dẫu cho trời tháng chín lắm cơn mưa
Tay che nón, miệng vui cười khúc khích.
 
                                           Lệ Hoa Trần
                                           22-10-2017

READ MORE - NGÀY XƯA TUỔI HỒNG - Thơ Lệ Hoa Trần

TÔI TRỞ THÀNH DỊCH GIẢ - Đoàn Mạnh Thế



                Dịch giả Đoàn Mạnh Thế


TÔI TRỞ THÀNH DỊCH GIẢ

Năm 1992, tôi cùng ông bạn “cố tri”, thời học phổ thông đến hiệu sách Ngoại Văn (Tràng Tiền, Hà Nội) tìm mua cuốn Đại Từ Điển Từ Hải (Biển từ) do Trung Quốc xuất bản. Loay hoay ở quầy sách Hán Ngữ, tôi tìm được 4 hộp sách “Kho Tàng Tri Thức Khoa Học” gồm 20 cuốn, do Nhà xuất bản Thiếu Niên Nhi Đồng Giang Tô (Trung Quốc) xuất bản. Thấy tôi cứ tần ngần, xem kỹ từng cuốn sách, ông bạn bảo tôi: - “Tao tặng mày bộ sách đó. Mang về Hải Phòng, đọc để ôn lại tiếng Trung, nâng cao trình độ Hán Ngữ, giúp cho việc dạy Trung Văn của mày.!”
Vài ngày sau, hết kỳ nghỉ hè, tôi trở về Hải Phòng với một đống sách tiếng Trung, vừa đọc để giải trí, để nâng cao trình độ Hán Ngữ, vừa làm tài liệu tham khảo thêm cho việc giảng dạy ở Trung tâm ngoại ngữ tiếng Trung.
Thời gian dạy tiếng Trung của tôi rất ít. Một tuần chỉ có 3 buổi nên thời gian rảnh của tôi cũng khá nhiều. Tôi dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để đọc những cuốn sách mới mua. Cuốn đầu tiên tôi đọc là cuốn Khám Phá Bí Mật Trái Đất, đã cuốn hút tôi, tạo nhiều cảm hứng để tôi đọc tiếp Động Vật Hoang Dã Diệu KỳThế Giới Vật LýVòng Quanh Thế Giới Diệu Kỳ... Càng đọc, càng thấy hay, tôi càng biết thêm nhiều chữ mới. Tôi bèn ghi chép lại thật cẩn thận những điều tôi đã đọc, hy vọng vợ con mình sẽ đọc để biết thêm những điều mới lạ. Nhưng thật đáng tiếc, con ở xa, còn vợ thì không bao giờ mó đến sách.
Suốt 4 năm ròng, số bản thảo tôi viết cứ tăng dần lên tới vạn trang, bụi bám đầy.
Vào thời điểm ấy, việc sửa chữa tàu ở Xưởng của vợ tôi sa sút. Mỗi ngày đi làm chỉ nửa buổi nên lương của vợ tôi cũng giảm xuống một nửa. Công việc ở Trung Tâm Ngoại Ngữ cũng gặp trục trặc, tôi thành kẻ thất nghiệp.
Sau một tháng thất nghiệp, còn vợ tôi thì bán thất nghiệp, cô ấy nói với tôi: - “Ông thất nghiệp tháng nay rồi. Còn tôi cũng bán thất nghiệp tháng nay. Bây giờ lương của tôi chỉ còn một nửa, không nuôi thêm được ông đâu. Ông về Hà Nội với các con ông đi. Chúng nó phải có trách nhiệm nuôi ông. Giờ tôi lo cho cái thân tôi cũng đủ mệt rồi.”. Tôi giật mình ngơ ngác, nhưng cũng trấn tĩnh rất nhanh: - “Ừ. Mai tôi về Hà Nội, cố tìm việc gì làm chứ ở đây thì khổ bà. Con cái tôi cũng không trông đợi gì chúng nó cả. Bà cố giữ sức khỏe đấy.”
Cả đêm đó tôi không tài nào chợp mắt được vì lo lên Hà Nội sẽ sống thế nào vì vợ tôi nhắc đi nhắc lại tiền cho thuê nhà trên Hà Nội (nhà của bố mẹ tôi để lại) tôi không được đụng đến, phải gửi đủ về Hải Phòng để cô ấy giữ, phòng khi vợ chồng về già không được con cái hiếu thảo.
Bốn giờ sáng hôm sau, tôi ra ga đi tàu về Hà Nội, không quên mang theo đống bản thảo, với hy vọng sẽ gặp được anh Đoàn Mạnh Phương, Trưởng Ban Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên mà có lần tôi xem ti vi thấy chương trình giới thiệu anh là nhà thơ trẻ, rất tài hoa và tốt tính, để nhờ anh ấy đỡ đầu mấy đầu sách, lấy nhuận bút mà sống.
Sáng sớm thứ 2, đầu giờ làm việc, tôi đến Ban Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên ở phố Bà Triệu, tìm gặp anh Đoàn Mạnh Phương và đề đạt ý kiến của mình. Anh Đoàn Mạnh Phương rất vui vẻ, hồ hởi nhận lời sẽ xem bản thảo, rồi hẹn tôi tuần sau đến nhận kết quả.
Thứ 2 tuần sau, tôi lại đến Nhà xuất bản Thanh Niên để nhận kết quả. Gặp cháu Thủy, biên tập viên, cháu nói: - “Sách bác viết hay lắm. Cháu chưa thấy tác giả nào đưa 4 bản thảo lại được duyệt in cả 4 bản thảo như trường hợp của bác. Anh Phương dặn cháu nói với bác tuần sau đến xem trang bìa, nếu bác thấy hợp, anh Phương sẽ cho in ngay.”.
Tôi mừng quá, cám ơn cháu Thủy rồi ra về.
Tuần sau, tôi đến xem bìa sách: Khám Phá Bí Mật Trái ĐấtĐộng Vật Hoang Dã Diệu KỳThế Giới Vật LýVòng Quanh Thế Giới Diệu Kỳ... Bìa sách trình bày đẹp, phù hợp với nội dung cơ bản của cuốn sách. Tôi hỏi Đoàn Mạnh Phương: - “Thời gian in ấn có lâu không? Khoảng bao lâu thì ra sách?”. Đoàn Mạnh Phương trả lời: - “Làm các thủ tục xét duyệt thì lâu, còn in ấn bây giờ hiện đại nên nhanh lắm. Khi nào sách nhập kho hoặc ra cửa hàng, em sẽ báo anh đến nhận sách biếu và tiền nhuận bút.”. Anh Phương còn động viên tôi: - “4 cuốn này, nhuận bút cũng khá đấy! Gặp em là anh may lắm đấy. Sau này anh thành người nổi tiếng, đừng có quên công thằng em đã đỡ đầu cho mấy tác phẩm đầu tay đấy.”. Tôi cám ơn rồi chào Đoàn Mạnh Phương ra về, lòng vui mừng khôn xiết, khấp khởi mừng thầm, chờ đợi những “đứa con tinh thần ra đời”.
Hơn tháng sau, Đoàn Mạnh Phương điện, bảo tôi đem thêm bản thảo đến để anh giới thiệu cho đối tác. Tôi đem 2 bản thảo Khí Công Bách Nhật Thông và Hóa Học Thần Kỳ đến Nhà xuất bản Thanh Niên giao cho Đoàn Mạnh Phương. Anh hẹn tôi khi nào có kết quả sẽ thông báo. Tôi hỏi Phương về tiến độ của 4 bản thảo trước, anh bảo tôi vài tháng nữa sẽ ra sách. Tôi cám ơn Phương ra về với niềm tin sẽ sớm có nguồn sống.
Thời gian trôi đi, từ tâm trạng phấn chấn sẽ có nhuận bút để sống đến tâm trạng chờ đợi, chán nản, vì đã hết năm 1996, rồi qua cả năm 1997 mà 4 bản thảo vẫn chưa ra được sách. Tôi hết hy vọng sống bằng dịch sách. Lại tiếp tục lo kiếm công việc để tồn tại. Sống bằng sự nhờ vả, cưu mang của bạn bè mấy năm qua, tôi cũng ngại lắm nên nghĩ, vay tiền bạn bè mua chiếc xe máy chạy xe ôm nhì nhằng kiếm sống vậy.
Giữa lúc chán nản nhất thì tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, anh báo tin: - “Sách đã về đến cửa hàng rồi. Anh đến Nhà sách Bảo Thắng, ở 276 phố Huế, gặp anh Đặng Xuân Xuyến để nhận sách biếu, rồi đến nhà xuất bản để nhận tiền nhuận bút.” Anh Phương còn dặn đi dặn lại: - “Anh đến nhận sách biếu, ký nhận rồi đến em nhận nhuận bút, không chuyện a chuyện b gì với Đặng Xuân Xuyến đấy.”. Tôi mừng quá, cám ơn Đoàn Mạnh Phương rồi vội đạp xe đạp đến gặp anh Đặng Xuân Xuyến.
Đó là vào giữa năm 1998, lần đầu tiên tôi gặp Đặng Xuân Xuyến tại Nhà sách Bảo Thắng ở 276 phố Huế, Hà Nội.
Cảm giác ban đầu, đập ngay vào mắt tôi: Cửa hàng bày biện rất khang trang, rất nhiều sách, nhiều chủng loại... Và ông chủ Nhà sách là một chàng trai trẻ, điển trai, chỉ trạc tuổi con trai lớn của tôi, tiếp tôi rất niềm nở. Qua trò chuyện, tôi cảm nhận được sự trung thực, tử tế ở con người Đặng Xuân Xuyến.
Hơn một tiếng đồng hồ, ngồi đợi Đặng Xuân Xuyến tiếp khách: Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, nhà thơ Ý Lan, Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, họa sỹ Trần Đại Thắng... tôi mới biết anh còn là tác giả của gần chục đầu sách nên tôi hy vọng anh có thể giúp đỡ tôi trong lĩnh vực xuất bản sách. Đối với tôi, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và bỡ ngỡ. Tôi giở hết kinh nghiệm học được từ những bản dịch về tướng thuật mà tôi đã dịch cho khách, lặng lẽ ngồi “xem tướng” Đặng Xuân Xuyến. Và căn cứ vào những nét tướng của anh thì anh là người trọng tình trọng nghĩa, sống trung thực và tử tế. Tôi tin tôi đã tìm được người thực sự sẽ giúp đỡ mình. Quả nhiên, tôi dự đoán chính xác. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của Đặng Xuân Xuyến, tôi đã ra khá nhiều đầu sách (27 đầu sách) và tiền nhuận bút trở thành nguồn sống khá sung túc của tôi ở đất Hà Thành.
Hôm đó, gặp được nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, tôi rất vui, nhất là khi biết chị cũng đang công tác ở nhà xuất bản Thanh Niên nên tôi mạnh dạn đến làm quen và nhờ chị giúp đỡ. Chị bảo tôi: - “Bên em chỉ cấp giấy phép, còn ra sách, phát hành sách... là bên đối tác nên bản thảo, anh chuyển đến nhờ cậu Xuyến ra sách là hợp lẽ nhất. Xuyến ít tuổi nhưng sống đàng hoàng với bạn bè lắm. Khi đã nhận lời giúp ai việc gì, cậu ấy sẽ tận tâm tận lực nên anh nhờ cậu ấy là đủ rồi.” Tôi thầm cám ơn cơ duyên trời đất đã cho tôi gặp Đặng Xuân Xuyến.
Ngồi nói chuyện với Đặng Xuân Xuyến, tôi càng cảm nhận được sự thẳng thắn ở con người anh. Không rào trước đón sau, Xuyến bảo: - “Cách đây ba tháng, anh Đoàn Mạnh Phương chuyển đến 4 bản thảo nhờ em ra sách nhưng em từ chối vì mảng đề tài này bên em ra nhiều rồi, e sách sẽ khó bán, nhưng anh Phương nói anh là người bà con của anh ấy nên em đành nhận lời. Nhuận bút em đã chuyển đủ 10 triệu theo đề nghị của anh Phương. Còn sách tác giả thì theo thỏa thuận, mỗi tác phẩm em gửi anh 10 cuốn nhưng đây là 4 tác phẩm đầu tay của anh nên em biếu thêm mỗi tác phẩm 15 cuốn để anh tặng bạn bè cho thoải mái. Nếu anh em mình có duyên cộng tác tiếp thì nhuận bút sẽ thỏa thuận cụ thể theo từng bản thảo.”. Tôi cám ơn Đặng Xuân Xuyến rồi đạp xe đến nhà xuất bản Thanh Niên để nhận nhuận bút. Số tiền nhuận bút (10 triệu), tuy không lớn nhưng theo mệnh giá tiền lúc bấy giờ thì 10 triệu đó đủ cho tôi trang trải cuộc sống trong vòng 4 hoặc 5 tháng nên tôi rất phấn chấn.
Gặp nhà thơ Đoàn Mạnh Phương ở cổng nhà xuất bản, tôi mừng lắm, chưa kịp rủ anh đi ăn trưa để cám ơn thì nhà thơ đã nói: - “Giờ em có việc đột xuất nên không lên phòng làm việc với anh được. Anh ký xác nhận đã nhận đủ tiền nhuận bút vào tờ giấy biên nhận này. Khi khác rảnh, mời anh đến phòng em nói chuyện nhé.”. Cầm 5 triệu Đoàn Mạnh Phương đưa, tôi thắc mắc: - “Anh thấy cậu Xuyến bảo đã chuyển cho Phương đủ 10 triệu nhuận bút rồi, sao Phương chỉ đưa anh có 5 triệu?”. Đoàn Mạnh Phương cười cười rồi vỗ vai tôi: - “Đúng là cậu ấy có đưa cho em 10 triệu nhưng tiền nhuận bút của anh chỉ có 5 triệu thôi. Còn 5 triệu, em chi cho biên tập viên đọc bài, sửa bài, nhiều khoản phải chi lắm...”. Cầm 5 triệu Đoàn Mạnh Phương đưa, tôi buồn vì niềm vui của mình bị giảm mất một nửa.
Mấy hôm sau, tôi mang tập bản thảo Thiên Nhiên Những Điều Kỳ Bí, số trang tương đương như các bản thảo trước, đến gặp Đặng Xuân Xuyến. Cầm bản thảo, anh cặm cụi đọc khoảng nửa tiếng rồi nhận lời sẽ ra sách giúp tôi. Anh hỏi tôi có cần ứng nhuận bút không? Hay đợi sách ra rồi nhận nhuận bút cả thể. Tôi thật thà hỏi: - “Cuốn này chú cũng lấy giấy phép xuất bản bên chỗ nhà thơ Đoàn Mạnh Phương à?”. Xuyến bảo: -“Vâng!”. Tôi mạnh dạn hỏi: - “Nhuận bút cuốn này anh được bao nhiêu?”. Xuyến cầm tập bản thảo, ngó số trang, bấm máy tính rồi trả lời: - “Cuốn này có thể em để giá bìa 30.000đ. Anh nhân 10% của 1.000 cuốn với giá bìa 30.000, là 3 triệu tiền nhuận bút. Ngoài tiền nhuận bút, anh nhận thêm 15 cuốn sách tác giả.”. Tôi vội hỏi: - “Mấy cuốn trước Xuyến trả nhuận bút cho anh bao nhiêu?”. Xuyến trả lời: - “Em đã chuyển đủ 10 triệu nhuận bút cho anh Đoàn Mạnh Phương khi nhận bản thảo. Anh chưa đến nhận nhuận bút chỗ anh Đoàn Mạnh Phương à?”. Tôi liền hỏi: - “Thế còn tiền chi cho biên tập viên đọc bài, sửa bài và các chi phí khác thì thế nào?”. Xuyến bảo: - “Đọc bài, sửa bài là công việc của biên tập viên, đã có nhà xuất bản trả lương. Còn chế bản, in ấn, nộp quản lý phí xuất bản, nộp lưu chiểu và phát hành là việc của bên em.”. Để chắc chắn, tôi hỏi lại Xuyến tiền nhuận bút 4 cuốn trước của tôi có đúng là 10 triệu không? Xuyến cười, bảo: - “Anh cứ đến gặp anh Đoàn Mạnh Phương. Anh ấy sẽ giao đủ cho anh 10 triệu.”. Cảm giác lúc bấy giờ của tôi thật hẫng hụt, chua xót. Tôi không ngờ Đoàn Mạnh Phương lại cư xử với tôi như thế. Tôi đã thật lòng kể gia cảnh của tôi và nhờ người anh em cùng họ giúp đỡ. Tôi cũng đã rất tin tưởng và cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được người anh em cùng họ, sống tình cảm, chân thật và rất thương người như Đoàn Mạnh Phương đã nói, vậy mà sự thật lại bẽ bàng thế này... Thấy thái độ của tôi khác lạ, Xuyến ái ngại: - “Anh bị sao thế? Em thấy thần sắc anh lạ lắm, hình như là anh đang buồn phiền, bực tức một chuyện gì đó?”. Tôi đành kể lại chuyện nhận nhuận bút chỗ nhà thơ Đoàn Mạnh Phương. Xuyến lặng người một lúc rồi hỏi: - “Em thấy anh Phương nói anh với anh ấy là anh em bà con mà?”. Tôi kể cho Xuyến nghe gia cảnh của tôi và mối quan hệ của tôi với Đoàn Mạnh Phương chỉ là người chung họ chứ không có họ hàng. Xuyến không nói gì. Một lúc sau, Xuyến bảo tôi: - “Theo em, chuyện của anh với anh Đoàn Mạnh Phương cũng không nên nhắc lại nữa. Bản thảo này và các bản thảo sau của anh, em sẽ đăng ký ở nhà xuất bản khác cho tiện.”.  
Khoảng tháng sau, tôi mang đống bản thảo đã dịch từ dưới Hải Phòng đến nhờ Xuyến ra sách. Nhìn đống bản thảo (15 cuốn), anh lắc đầu, nói mảng đề tài này bên anh ra sách đã nhiều nên giới thiệu tôi đến các nhà sách khác để chào bản thảo. Anh ghi rất cẩn thận địa chỉ, điện thoại từng nhà sách và mong tôi sẽ được những nhà sách đó cộng tác. Lần theo địa chỉ, tôi đến cô Mão ở Đinh Lễ, cô Miên ở Hàn Thuyên, anh Dũng ở Lý Thường Kiệt, anh Dương Tất Thắng ở Hàng Chuối, cô Chung ở Bà Triệu... ai xem bản thảo cũng khen hay nhưng đều lắc đầu vì không hợp với mảng sách nhà sách nên không giúp tôi được. Chán chường, tôi quay lại gặp Xuyến, nói thật sự việc để mong anh giúp ít nhiều. Có lẽ thấy bộ mặt tôi thiểu não quá nên Xuyến nhận lời giúp tôi 5 bản thảo. Anh khuyên tôi nên tóm tắt nội dung cuốn sách sẽ dịch đến chào các nhà sách, khi có khách hàng rồi thì hãy dịch để đỡ tốn công sức, vật chất. Tôi làm theo lời khuyên của anh, và đã dịch cho nhà xuất bản Giáo Dục được 5 bản thảo, dịch cho anh Dương Tất Thắng ở Hàng Chuối 6 bản thảo...
Sau nhiều năm làm việc với Đặng Xuân Xuyến, chúng tôi trở nên thân thiết như anh em. Tôi rất cám ơn Đặng Xuân Xuyến đã giúp tôi xuất bản nhiều (27) đầu sách: Có loại sách phổ biến kiến thức khoa học, sách tham khảo, sách chính trị, sách thâm cung bí sử... có loại sách về văn hóa tâm linh như phong thủy, tướng số... Càng làm việc với Xuyến, tôi càng khâm phục Xuyến. Anh thật sự là một người có vốn kiến thức sâu rộng. Có lần đọc bản thảo về phong thủy tôi soạn, anh góp ý: - “Chỉ vì hướng cửa phòng vệ sinh ở buồng ngủ không tốt cho cung Tử Tức mà anh tư vấn đập bỏ phòng vệ sinh là không ổn. Thứ nhất sẽ ảnh hưởng tới kết cấu ngôi nhà, thứ 2 sẽ gây lãng phí về vật chất, thứ ba sẽ bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp này, anh nên tư vấn treo một bức tranh phong cảnh, che kín phòng vệ sinh là được.” Hay như khi đọc bản thảo về tướng thuật, anh góp ý: - “Theo năm tháng, con người sẽ thay đổi, già đi và khuôn mặt cũng khác đi nhiều nhưng ánh mắt, nụ cười, nhất là ánh mắt thì thay đổi rất ít, cực ít. Để nhận ra người lâu năm mới gặp lại thì phải căn cứ vào ánh mắt, nụ cười chứ không thể căn cứ vào khuôn mặt, giọng nói. Xem bàn tay cũng vậy. Dù có những điểm chung nhưng vẫn có sự khác biệt giữa tay con trai và tay con gái nên khi soạn, anh phải chỉ ra những khác biệt đó, cứ chung chung như thế này thì không được vì sẽ sai, sẽ không chính xác.
Đáng tiếc, sau này công nghệ thông tin phát triển mạnh, điện thoại thông minh, Aipel, máy tính xách tay... ra đời. Văn hóa đọc bị lấn át, nhiều nhà sách, nhà xuất bản phải đóng cửa. Để bảo toàn đồng vốn, năm 2011, Xuyến quyết định sẽ giã từ nghề sách, từ đó, tôi mất đi nguồn thu “ngân sách” cho tuổi già.
Từ khi từ bỏ công việc phiên dịch, hướng dẫn du lịch (1996) để bước chân vào công việc biên dịch, tôi đã học được nhiều bài học bổ ích. Tôi cứ tưởng đây là công việc đơn giản, quan hệ chỉ cần có giữa tác giả với nhà xuất bản nhưng tôi đã nhầm. Người tạo điều kiện nâng đỡ các tác giả thực ra là các nhà sách, các đối tác quan trọng của các nhà xuất bản chứ không phải là các nhà xuất bản. Cho đến giờ phút này, 2 bản thảo Khí Công Bách Nhật Thông và Hóa Học Thần Kỳ vẫn chưa ra được sách vì nhà thơ Đoàn Mạnh Phương không làm ở nhà xuất bản Thanh Niên nữa, và theo lời anh Phương thì “2 bản thảo đã bị ai đó lấy trộm.”.
Ngay nhà xuất bản Giáo Dục cũng vậy. Cuốn sách Những Chuyện Lý Thú Về Địa Lý Tự Nhiên đã được giám đốc nhà xuất bản ký duyệt giao cho chi nhánh ở Đà Nẵng in, nhưng từ năm 2002 đến nay (2015) cũng không thấy hồi âm, mặc dù tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi về bản thảo Những Chuyện Lý Thú Về Địa Lý Tự Nhiên nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi sách đã ra năm 2005 (căn cứ vào cuốn TÁC GIẢ SÁCH NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC 1957 - 2007 - xem ảnh minh họa) nhưng tiền nhuận bút thì tác giả vẫn chưa nhận được.
Ngẫm lại quãng thời gian làm dịch giả, tôi cám ơn anh Đặng Xuân Xuyến, anh Dương Tất Thắng, anh Đoàn Mạnh Phương và các Nhà xuất bản: Giáo Dục, Văn Hóa Thông Tin, Văn Hóa Dân Tộc... đã giúp đỡ tôi có được những tác phẩm ra đờiđể có được nguồn thu nhập cho cuộc sống của tôi những năm qua.
Tôi vô cùng cảm tạ bạn đọc đã chịu khó đọc bài viết này.
Tôi cũng hy vọng văn hóa đọc sẽ sớm trở lại như ngày xưa để những trang sách sẽ đem lại những niềm vui và kiến thức cho mọi người!

ĐOÀN MẠNH THẾ 
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0169.627.9729

READ MORE - TÔI TRỞ THÀNH DỊCH GIẢ - Đoàn Mạnh Thế