Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 24, 2017

MẸ ĐI LẤY CHỒNG - Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả và cháu

MẸ ĐI LẤY CHỒNG
Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Tiếng võng kẽo kẹt, lời bà Hoa ru cháu cứ nghèn nghẹn phát ra trong căn nhà trống vắng nghe buồn:
- Ầu ơ! Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai ?
Cu Tèo năm nay vừa tròn 5 tuổi, nó ở với bà  một năm nay. Tuy nhà bà cái ăn cái mặc  cũng không dư dả gì nhưng nó là đứa bé hay ăn hay ngủ nên chóng lớn lắm, nói trộm vía, cả năm nay thằng bé chẳng có hề biết nhức đầu sổ mũi là gì.

Cúc là tên con gái của bà Hoa, bà đặt tên Cúc vì nghe người ta bảo cúc là tên của một loài hoa đẹp, có nhiều điều may mắn trong đường đời. Cúc lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, tuy nhà nghèo nhưng Cúc cũng lớn phổng phao không kém những đứa bạn trong làng. Cúc giống mẹ  nhất là cái nước da mịn  màng, mái tóc óng mượt. Đêm đêm tiếng chó sủa oang oang đầu xóm là  bà đoán  trai làng đến chơi nhà bà để tán tỉnh Cúc.
Ở cái miền sát vùng biên giới dạo này rộ lên buôn lậu hàng bên kia biên giới tràn sang. Bao nhiêu chàng trai cô gái đã bỏ công việc nương rẫy, tay nải, ba lô chui lủi theo những lối mòn ngõ ngách, ít người qua lại để khuân hàng, gom hàng về bán.
Mua một lời bốn năm , Cúc giàu phất lên. Rồi Cúc cũng lấy chồng, mở nhà hàng ăn uống. Được cái thùy mị, nết na, xinh đẹp nhà hàng của Cúc ngày càng đông khách. Khách đến nhà hàng Cúc không chỉ vì món ăn ngon đặc sản núi rừng mà còn được ngắm nhìn, tán tỉnh cô chủ hàng xinh đẹp gái một con. Cuộc sống gia đình ngày càng sung túc, làm ăn suôn sẻ, mọi tiện nghi trong nhà toàn là những thứ đắt tiền, mẹ Cúc cảm thấy mãn nguyện lắm.
Cái sự đời nó vốn là vậy! Có tiền bắt người ta phải nghĩ cách đẻ ra tiền. Cúc bàn với chồng mở khách sạn, khu vui chơi giải trí… Chồng Cúc bảo:
- Thôi em ạ! Không biết bao nhiêu cho đủ. Chúng ta có được cơ ngơi này là anh cũng thấy thỏa mãn rồi. Bây giờ chúng ta tập trung vào chăm chỉ làm ăn, nuôi con khôn lớn là được. Hơn nữa vốn đầu tư vào việc đó cũng không nhỏ.
- Anh không làm thì để tôi làm! Không thể làm người phục vụ mãi, tôi phải là bà chủ…làm bà chủ! Hiểu không?
Nói là làm. Cúc dồn vốn, vay thêm ngân hàng, bạn bè… Và rồi khách sạn cũng được khai trương, khu giải trí cũng được mở cửa chào đón mọi người. Cúc thực sự trở thành bà chủ từ đó. Thuê người làm, Cúc chỉ việc theo dõi thu chi và tiếp khách. Có tiền Cúc có thêm nhiều bạn bè, váy mới. Những cuộc vui cứ dài dài hơn ...
Nhưng sự đời đâu có được như ai muốn!
Đặc sản rừng rồi cũng khan hiếm và bị cấm, buôn bán qua đường biên cũng bị kiểm soát gắt gao hơn trước nên việc làm ăn ngày càng khó khăn Khách sạn, quán ăn, khu vui chơi ngày một ít khách, thu nhập càng ngày càng sa sút. Rồi tiền trả lãi ngân hàng, tiền nợ bạn bè …bao nhiêu thứ tiền đều phải trả.
Ngân hàng đến thế chấp nhà nghỉ, quán ăn… Cúc sập tiệm. Cúc buồn lắm. Những ngày đó đối với Cúc như địa ngục trần gian. Cúc sống trong căng thẳng với thực tại, chồng thì ngày nào cũng uống rượu cho khuây đi những ê chề. Rồi những trận chửi bới, ẩu đả của hai vợ chồng cứ diễn ra hằng ngày khiến cuộc sống bế tắc lại càng bế tắc hơn.
Trong số khách cho Cúc vay vốn có một gã họ Đặng ở bên kia biên giới, hắn có mái tóc hoe hoe, dựng đứng như bờm ngựa nên bọn đàn em của hắn hay gọi “Đặng bờm”. Hắn giàu có qua cách ăn mặc, qua trang sức đeo trên người, qua cái nhìn khinh khỉnh của một gã giang hồ. Gã quen biết Cúc qua việc cung cấp hàng tươi sống, đặc sản rừng. Hôm nay hắn rủ mấy đứa đàn em “cưỡi”con xe sang trọng đến đòi nợ Cúc. Hắn cao giọng:
- Thế nào cô em? Món nợ mà em vay dạo nọ bây giờ đã đến hạn phải trả rồi đấy! Và hắn nhìn sang chồng Cúc: - Nếu không có tiền trả nợ thì…e hèm… thế chấp người đẹp này…Ha ha ! Hắn cười một cách đễu cáng.
Hai vợ chồng Cúc vái lạy, năn nỉ gã một thôi một hồi xót xa thểu não. Gã cũng dịu đi làm ra vẻ thương xót. Gã nói:
- Thôi được! Tao sẽ cho vợ chồng chúng mày khất nợ nhưng với một điều kiện. ..! Rồi hắn nói nhỏ điều gì đó với Cúc.
Cúc vắng nhà thường xuyên để đi làm ăn với gã. Cu Tèo gửi cho bà ngoại chăm. Còn chồng Cúc kiếm được việc gì thì làm việc đó. Ngày tháng cứ thế trôi dần. Cúc cũng xoay xở và cũng trả được dần những món nợ. Nhưng Cúc vắng mặt nhiều hơn, chẳng còn ngó ngàng gì đến chồng con. Từ chỗ làm ăn được Cúc sinh ra coi thường chồng, mắng nhiếc chồng là đồ ăn hại, bám váy vợ. Chồng Cúc nghĩ lại những lúc làm ăn như diều gặp gió, do vợ không nghe mình mà ra nông nỗi này thì uất ức lắm nên uống rượu càng nhiều, chửi bới càng nhiều. Những lúc thấy vợ lên xe với gã họ Đặng là máu gen tức trong người sôi lên.
Một hôm đi uống rượu về, nghe mấy người bạn gặp vợ đi nhà nghỉ với gã họ Đặng ở ngoài thị trấn thì chàng điên lên. Về nhà chưa kịp nói gì với vợ, anh chàng tát vợ mấy cái té nhào:
- Mày là đồ…!
Chưa nói dứt câu, Cúc cướp lời:
- Anh nói tôi là đồ gì hả…? Nhờ cái đồ, đồ… đó mà anh có tiền trả nợ, có cái ăn để anh sống đến bây giờ, nếu không anh cũng chết đói lâu rồi!
Và không chết đói, chồng Cúc chết trong một vụ tai nạn do bị say rượu.
Cúc với tên họ Đặng kia không đính ước, không yêu thương nhưng đám  cưới vẫn diễn ra, rồi cũng thành vợ chồng  mặc cho mẹ khuyên can, người đời dị nghị.
Cúc gửi con cho mẹ chăm sóc và theo “Đặng bờm”làm ăn một năm nay, thỉnh thoảng mới gửi ít tiền cho mẹ chi tiêu.
Mẹ không rõ Cúc làm việc gì, nhưng Cúc thì rõ. Cúc cùng gã họ Đặng lập một đường dây buôn người sang biên giới. Đường dây của Cúc gồm năm tên, có luật lệ khắt khe và bí mật lắm. Thỉnh thoảng chúng về nước để mua chuộc dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin đi làm ăn bên kia với tiền lương cao. Nhưng khi sang bên kia biên giới thì họ bị bán cho chủ khác, hay bị bắt làm gái mại dâm mà họ không hề hay biết. Hoặc bọn họ mua bán trẻ con, nghe đâu bán để mổ lấy nội tạng, Thật là một lũ độc ác...!
Bà Hoa mấy hôm nay ngã bệnh. Tèo tha thẩn chơi môt mình ngoài sân không dám đi đâu xa vì bà dặn dạo này có người bắt cóc trẻ con, không được đi với người lạ. Nhưng Tèo có biết bắt cóc trẻ con là gì, mà từ cái ngày mẹ bỏ đi lấy chồng đến giờ có ai chơi với Tèo đâu . Đang nghĩ vẩn vơ thì có người đến sau lưng:
- Này bé con, người nhà đi đâu mà lại chơi tha thẩn một mình? .
Nghe cu Tèo nói là bà ngoại ốm, tên người lạ mừng lắm. Thế là thời cơ đã đến, lão lấy trong túi xách một phong kẹo to đùng cho Tèo, Tèo mừng lắm, đã lâu không được ăn kẹo, ngữi mùi kẹo thơm lừng thì Tèo không dứt đi được.          
          Người lạ bảo:
- Mày đi theo tao thì không những có kẹo mà còn có đồ ăn ngon, áo đẹp nữa.
Cu Tèo thích lắm, nhưng phải hỏi bà xem sao đã. Người lạ bảo nếu không đi bây giờ là hết phần đó. Thế là cu Tèo theo gã.
Cái tin Tèo bị mất tích lan đi khắp thôn, xã. Bà Hoa khóc nhiều lắm, bà không biết đứa cháu mình giờ ở đâu, sống chết ra làm sao? Bà nhờ bà con lối xóm đi báo tin cho công an tìm đứa cháu hộ bà.
Cu Tèo bị người lạ cõng đi, đi mãi, đi mãi rồi cũng đến chỗ được ăn ngon. Nhưng Tèo nhớ bà ngoại, rồi cu Tèo đòi về, rồi Tèo khóc. Không biết người lạ cho Tèo uống thứ nước gì đó mà Tèo ngủ thiếp đi. Người lạ nghỉ lại quán bên đường chờ trời tối sẽ vượt biên. Theo kế hoạch nếu hắn dụ dỗ hoặc bắt  được người thì nhóm của Cúc sẽ nhận người và trả tiền cho hắn tại biên giới.
Sau khi nghe tin báo có người bị bắt cóc, bộ đội biên phòng đã kết hợp với công an địa bàn lên phương án cứu người. Các anh dự đoán, tên bắt cóc chưa đi xa vì đưa theo cháu nhỏ, phương tiện vượt qua biên ải hiểm trở. Mọi phương án đã được đặt ra và ai nấy vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.
Đang cõng đứa bé mê man trên vai trong màn đêm đen ngòm, sắp sửa đặt chân lên biên giới, tên bắt cóc hí hững chuyến này trót lọt thế nào cũng mua cho “con bồ” bộ áo váy và đưa nó du lịch một chuyến như đã hứa. Phía trước phát ra tín hiệu của bọn nhận hàng, hắn mừng lắm, sắp thoát rồi. Bỗng, có tiếng lệnh dõng dạc:
- Tất cả đứng im! Các anh đã bị bao vây, không được chống cự!
Tên bắt cóc hoảng quá bỏ đứa bé xuống và bỏ chạy. Mấy tên trong nhóm của Cúc cũng đồng loạt chạy trốn.  Cúc bị trượt ngã, đầu va vào gốc cây đau quá nằm xuống.
Theo như phương án được vạch sẵn, các anh bộ đội và công an ở vòng ngoài đã đón lỏng bắt gọn cả toán chỉ riêng Cúc chưa bị phát hiện.
Cu Tèo đã tỉnh lại sau mấy tiếng đồng hồ mê man do uống thuốc ngủ, hoảng hốt cu Tèo khóc thét lên và gọi bà.
- Thôi cháu nín đi, đừng khóc nữa, rồi các chú sẽ cho cháu về với bà! Thế cháu tên gì, mẹ cháu đi đâu mà cháu phải ở với bà?
Thằng bé trả lời trong sụt sùi:
- Cháu tên Tèo, còn mẹ cháu nghe bà bảo đi công tác ở đâu xa lắm!
- Thế bà cháu tên gì? Cháu có biết tên mẹ không?
- Bà cháu tên Hoa, còn mẹ, bà cháu bảo tên một loài hoa gì đó…! À, phải rồi hoa cúc, Cúc là tên mẹ cháu đó!
Nằm bên gốc cây nghe đứa bé nói vậy Cúc như đang thấy mình bay bổng lên trời, mong lung, đau nhói. Phải rồi, thằng Tèo con Cúc đó chứ còn ai nữa. Đã một năm nay không gặp nó, không biết giờ đây nó như thế nào? Rồi Cúc cũng thầm mừng cho buổi làm ăn xui xẻo hôm nay. May mà bị bắt nếu không cu Tèo sẽ bị bán đi rồi cuộc đời nó ra sao, có ai mà biết được rồi nó có bị mổ lấy nội tạng không? Bao nhiêu suy nghĩ cứ vảng vất trong đầu Cúc. Đứa bé lại khóc thét lên, nó đói, nó muốn về với bà. Nước mắt Cúc trào ra, Cúc nghĩ nếu ra đầu thú rồi thế nào cũng sẽ bị đi tù, đi tù thì khổ lắm, nhục lắm! Nhưng thoát được thì mình sẽ đi về đâu, rồi cu Tèo sẽ sao đây? Thôi đành mặc cho số phận vậy…!  Cúc đứng dậy chạy về phía các anh bộ đội biên phòng và công an đang làm nhiệm vụ. Cúc vừa chạy vừa gọi:
- Đừng bắn! Tôi xin đầu thú các anh…! Vừa dứt lời, Cúc chạy vội đến ôm chầm lấy đứa bé khóc nức nở:
- Tèo ơi! Mẹ đây, mẹ Cúc của Tèo đây, mẹ đã về với Tèo rồi đây!
Cu Tèo nhìn mẹ lạ lẫm qua ánh đèn pin, nhưng cái tình mẫu tử đã truyền sang đứa trẻ như một phản xạ của con người. Nó lờ mờ nhận ra mẹ, rồi không cầm lòng được nó khóc to hơn, hét to hơn:
- Mẹ, mẹ thật rồi, mẹ về với bà với con đi, chắc giờ này bà đang lo lắng và buồn lắm…!

Giọng bà ngoại ru cháu nghe buồn, nghèn nghẹn như đang ốm. Phải rồi cơn gió Đông đầu mùa chiều nay đã đánh thức cái bệnh viêm xoang của bà, do bà quên quàng chiếc khăn cho ấm cổ.
Đêm vắng lặng, tiếng kẽo kẹt của chiếc võng càng làm cho lòng bà nặng trĩu hơn. Không biết rồi đây Cúc có ăn năn hối lỗi, cải tạo tốt để sớm về với bà với thằng Tèo? Không biết rồi cuộc sống của bà, của cu Tèo sẽ ra sao…?
          Ngoài kia, gió to dần, vi vút, xào xạc những tàu chuối khô, đôi mắt bà Hoa tự dưng ngấn lệ, chỉ có tiếng cu Tèo ngáy đều đều trong vòng tay của bà.

Nguyễn Đại Duẫn
Hội VHNT Trường Sơn;                 
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, Huyện Quảng Ninh,Tỉnh Quảng Bình;
DĐ: 0977194533;
nguyenduanqh@gmail.com
                                                                            





No comments: