Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 24, 2017

THẰNG BÀ LƠN - Ugno.Vn


                Tác giả 
Ugno.Vn


THẰNG BÀ LƠN

Nói là thằng bà lơn chắc nhiều người có chút thắc mắc. Đã là “thằng” mà còn “bà”. Vậy thì hắn là đàn ông hay đàn bà? Xin thưa: Không phải vậy. “Thằng” thì chắc chắn hắn là đàn ông rồi! Còn “bà” ở đây không là gì cả, chỉ là một tiếng đưa hơi nhè nhẹ trong từ phức “bà lơn”. Cả hai tiếng đứng riêng đều không có nghĩa, khi kết hợp lại nó có nghĩa là để chỉ một người hay nói xoắc, nói vui, nói gây cười cho đám đông. Cái  kiểu nói này, ở quê tôi, còn nhiều từ khác như “bà trợn bà trạt”, “bà xàm bà láp”,… Tiếng “bà” phát âm chỉ nhè nhẹ, như nốt nhạc láy ăn theo nốt chính, không tính trường độ trong khuông nhạc. Vì thế khi nói từ “bà lơn” người nghe chỉ nghe tiếng sau nhiều hơn tiếng trước. Chỉ có người quê tôi mới cảm hết hồn quê trong sắc thái ngôn từ loại này khi nghe và nói. 
Thật ra khi nói “thằng bà lơn” là tôi nói theo giọng ông nội bác của tôi. Đúng ra thì tôi phải gọi “thằng bà lơn” là dượng mới phải. Cái ông dượng  rể  này có phần hơi đặc biệt. Cái miệng của dượng không bao giờ kín, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hai cái môi thì dày, mà dượng cố mím cách gì thì cũng không che hết mấy chiếc răng cửa. Có thể vì thế mà dượng nói liên hồi, không để cái miệng đâm da non. Tôi nghĩ đó cũng là cách để dượng che giấu cái miệng trề không mấy đẹp của mình. Tay chân dượng thì lòng khòng. Tướng đi không chữ bát như người khoèo, cũng không chữ nhập như mấy cô người mẫu chân dài trên sàn diễn thời trang. Trông dượng bước đi người ta chỉ thấy hai cái đầu gối luỳnh khuỳnh, bật qua bật lại để đưa cặp chân quạng tiến lên phía trước. Hai cánh tay cán vá của dượng cũng múa may cùng nhịp theo bước chân đi, nghĩa là cũng luỳnh khuỳnh đưa hai cái vai hổ trợ, tung hứng tấm thân lên theo. Dượng cưới cô tôi cũng là một cặp “đôi lứa xứng đôi”. Cái miệng cô tôi không trề lại méo. Đôi môi trên, dưới như hai dấu hỏi, cứ hỏi nhau mãi khi cô tôi nói chuyện. Âm thanh cô phát ra lẹo trẹo như cái băng cát sét bị đầu từ mài  mòn lâu ngày, nghe léo réo cũng vui tai.
Đôi vợ chồng ấy sinh được bốn người con, hai trai, hai gái. Theo vai vế trong nhà thì tôi phải gọi họ là anh, là chị. Các anh chị ấy không ai được hưởng cái gen di truyền của bố lẫn mẹ. Người nào cũng nhìn được, nhan sắc vào loại trung bình trở lên. Ông tôi khi nào nhắc đến ông rể ấy cũng cứ  nói: “Cái thằng bà lơn”. Ngôn từ ấy nhiễm vào tôi từ ngày còn bé, khi lớn lên, cứ nhớ đến dượng, tôi chỉ quen miệng là “thằng bà lơn”. Bây giờ kể lại, o dượng tôi đã chết hết, cáo lỗi với các anh chị ấy, tôi kể  theo ngôn ngữ của  ông tôi, gọi dượng  là thằng bà lơn.
Cái tật bên ngoài là thế mà đám đông nào có thằng bà lơn là không thiếu tiếng cười. Nhìn cái miệng nói, đã cười; nghe nói, càng cười hơn; nhìn o nói cười với thằng bà lơn, hai cái môi đánh dấu hỏi ngặt ngoẹo, thì chỉ còn nước là chết vì cười. Thằng bà lơn là rể trưởng trong nhà. O tôi là con bà vợ trước của ông tôi. Vợ chết, ông tôi cưới thêm bà sau, bà này sinh được một bầy trai gái sừng sộ. Cái thiệt thòi của cô gái tật nguyền ở với mẹ kế, đèo bòng cả bầy em khác mẹ, khiến o tôi đến với thằng bà lơn như là một cách thoát ly. Nồi méo úp vung méo, hai vợ chồng sống hòa thuận, ăn nên làm ra không thua gì ai, nhưng mỗi lần o dượng về giỗ chạp nhà tôi, tôi vẫn nhận ra  có cái gì đó chưa thật thoải mái nơi người o xấu xí này. Những khi ấy, tiếng cười là liều thuốc chữa hữu hiệu cho không khí căng thẳng bao quanh. 
Hôm ấy nhà ông tôi có giỗ cụ cố, con cháu về đông đủ, họ bắt tay vào sửa soạn cỗ cúng. Thằng bà lơn chực chờ cơ hội để xuất chiêu. Ông tôi đang loay hoay trong bàn thờ, xem lại các mâm hoa quả, giấy cúng. Chưa vừa ý, ông gọi vọng ra:
- Tú!... Thập!... (tên cậu em vợ và tên thằng bà lơn) Vô đây!... Coi đây nì!...
- Bẩm tấu cụ… chưa về! Con đây!
- Thằng bà lơn! Nói chi rứa?
Mấy người trong nhà hiểu ra, cười lên. Tấu cụ là Tú cậu. Thằng ba lơn muốn nói với ông tôi là cậu Tú đi chơi chưa về. Cười!... Đó mới là chiêu đầu tiên.
Mấy anh em trai trong nhà đang xúm nhau làm thịt gà, vịt. Một chú nhảy cơn cởn vì ngứa chỗ kín nhưng tay bẩn, không gãi được. Thằng bà lơn gọi vợ chú ấy đang ngồi vo nếp hôn xôi gần đó:
 -  Nè, ra đây diệt mấy con kiến tấn công bộ tổng chỉ huy của dôn (chồng) mi làm nó hứng lên cứ nhảy cởn mãi. Hay mi để rứa cho nó cắn nở to, sung thêm một chút tí nữa cho đã…?
Cả nhà phá lên cười. Chú kia thì hết ngứa. Thím thì đỏ mặt, chối quây quẩy.
Ngồi chò hỏ nhổ lông gà, tự dưng nghe một tiếng “véo von” du dương của ai phả ra  từ cửa dưới, nặng mùi thum thủm. Mọi người nhìn vào thằng bà lơn, nghi là thủ phạm. Hắn không thanh minh, cũng không nhận bản quyền tác giả:
 -   Người mệt người thở. Khu mệt khu cũng  thở, ai nở mắng lại khu !
 Rồi hắn đọc một lèo:
 -  Địt thơm địt tho, mùi thịt kho, mùi quế, mùi trong Huế địt ra, đụng cây cà, cà có trái, đụng con gái, con gái có dôn, đụng đàn ôn, đàn ôn có vợ, địt ra chợ, chợ mới đông, địt sông sông có nước…
  -  Thôi đi thằng bà lơn! 
Tiếng quát của ông tôi đã thay đổi tình hình. Mọi người ngưng tràng cười ngặt nghẽo, tiếp tục công việc. Tiếng cười tưởng là dứt. Nhưng không! Nó lặn vào bên trong, thỉnh thoảng có chị lại phát ra ấm ức những âm thanh ú ớ…ú ớ… kéo dài.
Một o còn trẻ, sắc diện coi cũng tầm tầm bậc trung, cứ tíu tít khoe với các o khác chuyện thằng này, thằng kia tới chọc ghẹo mà o chưa chấm được ai cả. Một bà chị như chạm  mạch khi o này nhắc đến  con người mà chị ta hằng mơ tưởng. Chị kháy lên:
- Rứa thì thằng T. cũng không cưa mày đổ hà?
- Sức mấy mà hắn cưa đổ tau được. Còn lâu!
Bên ngoài thằng bà lơn chen vào:
-   Chừ tui mới biết là da thịt o cứng như da thịt trâu. Cưa cùn răng mà cưa được? Chỉ có dùi đâm mới thủng thôi. Để tui gặp thằng T. coi thử dùi nó có nhọn, có cứng không? O hi?
Cả đám cười bò lăn. O kia chỉ biết đỏ mặt, không nói thêm được lời nào.
Thế đó !… Vân vân và vân vân….
Chuyện về thằng bà lơn thì không kể hết. Ở cái làng này, nói bà lơn như là một cách giải trí khi có đám đông. Có diễn viên thì phải nói đến công chúng. Công chúng không hưởng ứng, tham gia vào thì diễn viên cũng không sao vào vai được. Làng ấy không phải chỉ có một thằng bà lơn, còn nhiều thằng bà lơn khác. Cái cười bằng mười thang thuốc bổ. Châm ngôn ấy được bà con làng tôi tôn sùng như lẽ sống. Gặp nhau là cười. Gặp nhau mà không cười được với nhau thì cứ ấm ức, chưa thông. Cái cách đặt tên cho con của từng nhà cũng là một biểu hiện tính bà lơn. Thuở ấy người làng tôi chưa có khái niệm khai sinh con với chính quyền. Đẻ con ra, đầy tháng thì cha mẹ mua cua trứng cúng ba bà mười hai mụ xin đặt tên con. Mà đặt tên sao để không trùng tên những người thân đã chết. Cái tên mụ cho để gọi hằng ngày chỉ nôm na, khác với những tên văn hoa ghi trong bổn sổ họ. Mỗi nhà có một dãy tên lũ con, có chọn lựa liên kết để dễ gọi, dễ nhớ. Nhà này thì Bứa, Khế, Ngọt, Rớt, Kiến, Bùi. Nhà kia thì Lụt, Lội, Bơi, Chốn, Ghe, Nốôc, Tròng, Chèo. Có nhà khi đẻ đứa thứ hai đã cho là đủ, thế mà còn ra thêm mấy đứa nữa. Bầy con nhà ấy có dãy tên: Hòa, Đủ, Thôi, Thêm, Thẻo, Nữa. Thằng bà lơn dượng tôi thì con không nhiều, chỉ bốn người mà cái tên kêu lên tục tĩu quá, không tiện nói được ra đây. Mỗi khi tới bữa, thằng bà lơn đứng trước cổng, gọi bầy con về ăn cơm thì cả xóm đều cười rũ rượi. Sau này, khi mấy anh chị đã biết xấu hổ, những cái tên tục tĩu ấy được gọi âm trại, gần gần với tên cũ thành ra Lùn, Kịch, Đốc, Khư. Thế đó, ai có công sưu tầm những dãy tên con theo từng gia đình của làng tôi thì không chỉ được uống mười thang thuốc bổ mà còn gấp mấy mươi lần như thế.  
Không phải chỉ có mấy đám choai choai bà lơn với nhau. Các cụ, các mụ cũng bà lơn đáo để. Nói chơi như thật. Nói chuyện thật tưởng như nói chơi. Có người bị bà lơn chuy chạm nọc, giận tím mặt mày. Nhưng đó cũng là dịp cho những người còn lại trong đám cười bò lăn. Ở cái làng hay cười ấy, nhìn vào, người ta tưởng cuộc sống chỉ có tiếng cười. Không! vẫn có nước mắt. Họ cười  cả trên những đau thương, mất mát. Những khi ấy, tiếng cười là nguồn động lực làm nước mắt vơi đi, con người gần gũi và yêu thương nhau nhiều hơn, đỡ đần nhau vượt qua thử thách. Qua hai cuộc kháng chiến, cái làng ấy bị chà đi, xát lại không biết bao nhiêu lần, vẫn tồn tại với bản sắc riêng đầy cá tính.Và số phận thằng bà lơn dượng tôi chọc cười người khác nhưng nước mắt chảy ra cũng không ít. Lần kháng chiến chín năm, mấy đứa con  dượng tôi còn nhỏ nhưng một đứa cũng chết không toàn thây với người cậu trong một đêm đại bác xẻ đôi ngôi nhà, nổ trên miệng hầm trú ẩn. Non mười năm tạm yên, căn nhà  rường ba gian gãy đôi của dượng được “xóc lại” thành cái nhà vuông chân trò, nho nhỏ, xinh xinh đúng qui cách với mười sáu cái cột chật cứng như nêm. Chiến tranh trở lại, anh Kịch, thằng con trai còn lại, đúng tuổi quân dịch, bị bắt vào lính Cộng Hòa rồi chết trận. Trong một trận càn lớn, làng tôi bị xóa sổ, lửa cháy ngút trời, cả làng không còn một căn nhà sót lại. O chết cùng với mấy chục người dân khác, thây người chôn từng dãy, bây giờ không biết cái mộ nào là của o.
Trước đây, chỉ một lần đưa đám ông tôi là tôi thấy thằng bà lơn lăn vài giọt nước mắt trên má. Hôm ấy dượng mặc đồ tang, đứng trước quan tài ông tôi, mếu máo không thành tiếng khóc. Mà hay! Cái miệng thằng bà lơn lại kín và trông đẹp ra. Tôi cứ nghĩ nếu dượng biết khóc mãi như thế chắc người sẽ khá hơn. Nhưng có lần, sau đó khá lâu, tôi gặp dượng trong đám dân làng ở trại tạm cư, tôi thấy dượng khóc mùi mẫn. Khi ấy, cái ý nghĩ trước đây của tôi về dượng là không đúng tí nào. Cái thằng bà lơn trước đây khóc tiễn ông tôi thì đẹp mà bây giờ thấy dượng tôi khóc vì mất vợ, mất nhà thì thật não nùng. Khi còn niềm vui thì còn thấy cái đẹp. Khi cuộc đời chỉ toàn nỗi buồn, thằng bà lơn hết bà lơn được, cuộc đời khá lên sao được. Bom đạn thì có ghi  rõ nơi sản xuất tận các nước đâu đâu, xa lắm, mà vợ con dượng, căn nhà, ngôi làng nơi dượng sống, gần gũi bên mình, bom đạn đã lấy đi hết. Dượng một mình sống đơn độc với những con người xa lạ trong trại tị nạn. Bên ngoài tiếng bom đạn còn gầm rú ở nơi xa. 
Thanh bình trở lại quê tôi mang theo nỗi vui buồn thời bao cấp, làm ăn theo tiếng kẻng tập thể. Dân làng li tán trong chiến tranh trở về ở chật kín các nương vườn. Theo đám người hồi cư, dượng tôi trở về làng, dựng ngôi nhà lá trên mảnh vườn xưa. Dượng sống một mình. Những căn nhà lá của dân làng vội vàng dựng lên, càng ngày thêm xác xơ với cái bụng người đói lả khoai sắn. Một thời gian, chừng nửa dân làng lại bỏ ra đi tìm cuộc sống tốt hơn nơi các vùng kinh tế mới. Đến  khi đất nước chuyển mình, một số người trẻ tuổi tiếp tục ra đi  tìm cuộc sống đổi thay ở chốn thị thành. Còn lại ở  quê hương chỉ là lớp người già  và một ít gia đình không nở rời xa nơi lưu giữ mồ mả tổ tiên. Dượng tôi trong số người ở lại và chết cô độc ở làng quê. Đứa con gái ở xa, nghe tin dữ về đưa ma thì dân làng đã chôn cất dượng. Ngày đưa đám dượng không có tiếng cười bà lơn. Một nhúm người lặng lẽ đưa dượng  ra nghĩa địa cuối làng dưới bầu trời xám xịt đầu đông. 
Những năm gần đây, dân làng đi xa làm ăn, phần lớn đều khá giả. Ly hương không ly tổ, họ thường xuyên trở lại thăm quê, xây dựng từ đường thờ tự. Dọc theo các đường làng chi chít nhà thờ họ, nhà thờ nhánh, nhà thờ chi, nhà thờ từng gia đình… tính ra nhiều hơn số nhà  ở của cư dân bản quán. Không khí ngôi làng rộn ràng tiếng cười bà lơn  ngày xưa, nay đượm màu âm khí nặng nề. Tôi vào ngôi nhà thờ bằng lá nho nhỏ của ông dượng bà lơn ngày xưa, đẩy nhẹ khung liếp tre chắn làm cửa, bước vào. Từ lâu không người thăm viếng, bàn thờ đầy bụi bặm. Hình o dượng tôi  lồng chung trong một khung gỗ có mặt kiếng đen ố bụi bẩn, đặt ngồi đó nhìn ra như chào hỏi tôi. Ngậm ngùi trước màu khói hương lạnh lùng bay lên giữa trưa hè mà tôi có cảm giác là rất lâu rồi nó không được tỏa ra trong không gian này, tôi như nghe lại những lời bà lơn của dượng ngày xưa còn vang đâu đó trong căn nhà lá hoang phế. Tôi lại thấy o cười ngặt nghẽo với hai cái môi trên, môi dưới tru tréo như hỏi tôi điều gì.
Tôi khép cửa ra ngoài, mỉm một nụ cười bà lơn chào o dượng tôi rồi cúi mặt cất bước.

  UGNO.VN
Tháng 10/2011

No comments: