Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 14, 2015

TẾT QUÊ - Lê Khánh Mai


Tác giả Lê Khánh Mai


Tết quê 

Xuân còn mê mải ngọn gió đông
khẳng kheo cây khát, nẩy chồi non
mất mùa xóm nhỏ buồn xao xác
khuyết hao cả dáng áo nâu sồng

Lom khom đôi bóng ở trên gò
lui cui dãy cỏ những nấm mồ
thắp hương vái lạy hồn chín suối
cho người mặt đất  được  cơm no

Mấy trẻ loai choai rời sách vở
vác vó ra sông xếp gối chờ
cất lên mẻ cá về ăn tết
quà bánh ngày xuân chẳng dám mơ

Nâng niu chị nhặt nhành cau lép
vài lá trầu vàng quẩy chợ xa
sắm đôi oản nếp về dâng Phật
ngũ quả hoa tươi cúng Ông bà

Mái rạ loe hoe bếp lửa hồng
như con mắt thức mỏi mòn trông
bâng khuâng mẹ nhắc người xa xứ
quê nghèo, con cháu có về  không?

LÊ KHÁNH MAI


Trích từ tâp thơ
GIẤC MƠ HÁI TỪ CƠN GIÔNG
NXB Hội Nhà Văn
2008
Tác giả gởi tặng


READ MORE - TẾT QUÊ - Lê Khánh Mai

Khảo cứu loạn bàn - Chu Vương Miện





Chữ nghĩa Việt Nam xứ người càng ngày càng mai một, và chữ nghĩa trong nước càng ngày càng triển khai. Chúng tôi không phải là người làm công việc phê bình đúng hay sai. Theo đại văn hào Lỗ Tấn thì chả có con đường nào cả, thiên hạ đi riết rồi thành con đường. Bài "Loạn Bàn" này có tính cách góp vui cho bà con anh em đỡ buồn ngủ, thế thôi, chứ không mong là một bài Loạn Bàn giá trị.

Chữ Khảo thường đi đôi với chữ Cứu và chữ Đả. Bây giờ chúng tôi sẽ từ từ phân tích từng chữ một.

Khảo: - Nói giản đơn là dùng biện pháp mạnh thô bạo để phải khai ra những điều gì bí ẩn còn dấu diếm, mà nhà chức trách cần phải biết. Khảo là hỏi cung phạm nhân bằng cách dùng dụng cụ thời xưa thì bằng kim, như trong phim Hoàn Châu Cách Cách. Công chúa Hoàn Châu là con ngoại hôn của vua Càn Long với người đẹp Hà Tử Vi khi ngài du Giang Nam, và vua có tặng cho nàng một cái quạt có vẽ hoa Thược Dược, trên quạt có viết một bài thơ. Mười tám năm sau thì Hà Tử Vi chết và nàng sai con gái là Hoàn Châu mang chiếc quạt vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh tìm cha là vua Càn Long. Giữa 2 cha con thi mọi việc đều ô kê, nhưng với bà Hoàng Thái Hậu [mẹ vua ] thì vấn đề được đặt ra "sợ có gian tế trà trộn vào hoàng gia dòng Ai Tân Giác La nên bà sai một bà cung nữ có tuổi ngày ngày 2 lần tra hỏi công chúa Hoàn Châu bằng cách là bắt cởi hêt quần áo ra nằm xuống một chiếc phản, rồi bà cung nữ dùng Kim Châm dài cỡ một tấc đâm loạn xạ trên lưng, trên đùi Cách Cách cho đau đớn, chớ không phải châm cứu để chữa bệnh, không có kết quả cụ thể. Kế đó thì đến một cái màn là dùng những thanh tre kẹp vào những ngón tay của hai bàn tay rời dùng dây kéo xiết lại cho dập nát bàn tay. Kết quả thì Hoàn Châu Cách Cách đúng là con ruột của vua Càn Long nhưng sau những lần tra khảo thì Hoàn Châu không còn là Mỹ Nhân số một nữa mà chỉ là người tàn tật. Về Nam tù nhân thì được xử trí như sau: Đây là truyện đời nhà Bắc Tống , khi cái hộp đựng Trân Châu Kỳ, tức là cái hộp đựng mảnh áo giáp của Triệu Kiểm Điểm xé ra rồi dùng miệng cắn cho tay chẩy máu viết lời cam kết với Sài Vinh (tức vua nhà Hậu Chu) là sẽ bảo vệ thái tử lúc đó mới 5 tuổi giữ mãi mãi ngôi nhà đại Chu, nhưng sau đó thì Sài Vinh chết Triệu Khuông Dẫn tạo ra binh biến nơi Trần Kiều, đoạt ngôi của ấu chúa, thì cái hộp Trân Châu Kỳ đựng cái mảnh áo giáp này khi không bị mất tích.Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn sợ cái sự thật này phổ biến ra ngoài dân gian nên cho bắt những kẻ liên hệ, giam vào ngục và dùng lửa đỏ đốt cho chiếc kìm bằng sắt cháy hồng lên, dùng kìm kẹp vào thịt tù nhân vừa cháy vừa khét lẹt.

Khảo là chỉ dùng "dụng cụ” như roi, gậy, xích sắt, dây, nước điện .... để hành xác kẻ tội phạm, chịu đau đớn không nổi làm sao phải khai ra những sự thật.

Đả là tả, tiếng Tàu có nghĩa là đánh bằng tay, đá bằng chân không dùng tới dụng cụ, nhưng tả có khi lại nặng tay nặng chân hơn là khảo, vì bên Đông Y có thuốc gia truyền "Trặc Đả Hoàn " để xoa bóp bôi vào những chỗ bị thương trặc chân hoặc trặc tay. Khảo thì bị đau đớn chút đỉnh chứ đả tức là tả thì tả tơi hoa lá như chiếc mền rách, bởi thế người Tàu có một món ăn tổng hợp gọi chung chung là tả pín lù là một món ăn hầm bà làng xắn cấu, lộn xộn chỉ biết ăn thôi chớ không rõ nó là thứ gì, thịt hay chân hay cẳng hay tay, lòng heo hay lòng bò.

Cứu: có nghĩa là cứu xét cho rõ ràng sự việc, không để cho ai bị oan uổng, ngoài ra lại còn có nghĩa là nạn nhân bị tra khảo đấm đá nhiều quá, "tẩm quất” hỏi thăm sức khỏe kỹ quá dẫn đến bất tỉnh nhân sự lăn ra chết giấc, chết giả hoặc thật, nhẹ là đổ nước lạnh vào mặt cho tỉnh lại, hoặc là nhai thuốc cứu mớm vào mồm cho nạn nhân hay chở đi nhà thương, bệnh viện cấp cứu lai tỉnh không thì nạn nhân đi chầu trời.

Sau đây là một ít từ ngữ bà con xa gần đến từ Khảo:

Khảo cứu đôi khi còn gọi là cíu (kíu) hoặc kéo, chả hạn như trong truyện Thủy Hử lúc đó thì Dương Chí làm chức Chế Sư có nhiệm vụ đi tải đá hoa về xây cung điện cho nhà vua, không may lúc đó thuyền đi qua vùng Thái Hồ bị bão nặng qua, 10 thuyền đá hoa bị chìm hết xúống đáy hồ, chín vị chế sư về báo cáo nên chỉ bị phạt nhẹ, còn Dương Chí thì dông luôn, mười năm sau mớ về trình diện Cao Thái Uy để phục chức thì được Cao Điện Suý trả lời làm vầy:
-Chuyện phục chức là chuyện nhỏ, nhưng phải chờ nhà nước mướn thơ lặn xuống đáy hồ để mang những tảng đá đó lên, kiểm tra khảo cíu lại xem có đúng là Hoa Thạch Cương không cái đã, phải cho lấy búa đập ra xem xét thật kỹ chớ đá vôi, than đá thì làm sao, vậy Dương chế sư cứ về nhà (qui an) đợi tin mừng.

Khảo chứng: phải kiếm ra cho đủ bằng chứng, chứng cớ rõ ràng như ban ngày ban mặt.

Khảo cổ: là đào xác chết lên, chỉ khám xét từ đầu tới cổ mà thôi (còn dưới cổ thì không cần khảo, chỉ cần xem chiếc so thuộc loại nào, người vượn Bắc Kinh hay Nam Kinh), và kế đó là răng (răng thiệt hay răng giả, răng bạc hay răng vàng).

Khảo của: là dùng biện pháp tích cực tra tấn dã man để đương chịu đau không thấu mà đành khai ra là nơi chôn dấu tiền bạc của cải .
Khảo dị: nghiên cứu các văn bản liên hệ của nhiều tác giả viết về một tác phẩm có chuẩn không hay viết rất là dị hợm, dị òm .
Khảo hạch: là cứ nhằm cái hạch bị xưng của đối tượng mà mình cầm roi hay cây cứ nhằm chỗ nhược đó mà uýnh túi bụi vào.
Khảo luận: là bài viết về cách tra khảo như thế nào, đánh đấm ra sao, cho nó hợp lý (logic), chả hạn, khảo đàn bà thì dùng hoa hồng mà khảo.

Khảo sát: là đánh tới chết luôn (như sát phu sát thê).

Khảo thí: là đánh bừa, đánh bãi, đánh thi cô hồn.

Khảo giá: là đi chợ mà cả xem giá cả hôm nay cao thấp như thế nào, đặc biệt là xem giá bao nhiêu một ký để mua về xào tôm thịt.
Khảo tra là lội xuống ao cá tra, bắt 1 con thiệt bự lên rồi để nằm trên thớt mà tra hỏi "muốn chết bằng cách nào? "
                                                        Chu Vương Miện


READ MORE - Khảo cứu loạn bàn - Chu Vương Miện

DÃ QUỲ ĐÀ LẠT - Tuyền Linh





Dã quỳ Đà Lạt

Sao em không chịu ngủ đông
Thức chi ? vương sợi tơ lòng thi nhân
Ngó xa rồi lại nhìn gần
Vàng em trải thảm kín chân núi đồi

Nhấp nhô như ngọn sóng dồi
Gió lay động mãi bồi hồi lòng tôi
Em về trải lụa xa xôi
Tôi, Em cút bắt rong chơi dốc tình ?

Tên em, tên thật Dã Qùy ?
Sắc hoa dịu nhẹ vàng y nắng chiều
Tình em phủ kín lưng đèo
Cho ai qua đó đỡ heo hút buồn

Dưới trời nắng gội mưa tuôn
Vẫn tươi nhan sắc, vẫn luôn thắm tình
Em qua triền lũng Di Linh
Dạo đèo Bảo Lộc, gieo tình Prenn

Dọc theo quốc lộ đi lên
Em về Đà Lạt ghi tên tuổi mình
Những con dốc nhỏ xinh xinh
Em đều hiện diện đượm tình nước non

Một lòng một dạ sắt son
Sân ga Đà Lạt vẫn còn có em
Mù sa Thung Lũng Tình Yêu
Em cười gieo nắng dập dìu giai nhân

Dã Qùy ơi, xin tri ân !
Muôn năm Đà Lạt vẫn cần có em

 *
Tuyền Linh

tuyenlinh_nguyenthi@yahoo.com.vn
READ MORE - DÃ QUỲ ĐÀ LẠT - Tuyền Linh

MẸ ĐƠN THÂN - Hồng Tâm



Mẹ Đơn Thân 
(thân tặng các bà mẹ đơn thân)

Làm mẹ đơn thân cực lắm người ơi
Vừa làm cha, làm mẹ sao mà vất vả
Không phải vì tấm lòng cao cả
Vì đường tình duyên trắc trở chông gai

Mẹ đơn thân lo suốt tháng ngày
Cho con đầy đủ sợ con mình thiếu thốn
Cho con mình ăn học đến nơi , đến chốn
Sợ bạn con mình trêu ghẹo " kẻ không cha"

Trải qua bao năm, nắng mưa làm bạn
Chốn cô phòng lạnh lẽo những ngày đông
Mẹ đơn thân cũng lắm ước mong
Như bao người khác mơ một mái ấm

Nhưng điều đó xa vời vợi lắm
Có ai hiểu, thương tình "mẹ đơn thân"

Hồng Tâm 
( Lý Thị Minh Tâm - Bến Cầu - Tây Ninh )
Email: lyminhly456@gmail.com


READ MORE - MẸ ĐƠN THÂN - Hồng Tâm

TA TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA - Phan Phụng Thạch, Cao Hữu Điền, Trần Quang Lộc

           







              Thơ: Phan Phụng Thạch.
              Nhạc: Cao Hữu Điền.
              Tiếng hát: Trần Quang Lộc.
              Video clip: Phú Đoàn.

    TA TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA


     Ta trở lại con đường xưa áo lụa
     Hàng cây cao đứng đợi các em về
     Các em chưa về cây già bóng xế
     Ta cũng buồn đi giữa nắng lê thê

     Những chuyến đò ngang qua về Thừa Phủ

     Còn chở tình bên nớ tới bên ni
     Ta mỗi bước càng thêm dài nỗi nhớ      
     Những chiều mưa sớm nắng các em về

     Từ bờ bên ni nhìn qua Thành Nội

     Phượng đã tàn rụng xuống buổi đầu thu
     Làm sao quên những ngày qua bóng tối
     Lửa kinh thành ngùn ngụt khói âm u

     Ta trở lại giữa sân trường ngày cũ

     Lòng hoang vu nhớ cỏ dại ven đường
     Ôi những con đường cây già lá úa
     Có điều chi muốn nói với quê hương

                                  Phan Phụng Thạch







READ MORE - TA TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA - Phan Phụng Thạch, Cao Hữu Điền, Trần Quang Lộc