Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 7, 2019

PHAN THIẾT ƠI! NGƯỜI CÓ ĐỢI CHỜ - Thơ Nguyễn Hồng Linh - Nhạc Giao Tiên - Thể hiện Ca sĩ Nguyễn Đông




PHAN THIẾT ƠI! NGƯỜI CÓ ĐỢI CHỜ?
Nguyễn Hồng Linh

Phan Thiết ơi! Người có đợi chờ?
Nắng biển chiều nay dệt ý thơ
Đồi Dương xưa chúng mình hò hẹn
Sóng biển lao xao tím chiều mơ

Lầu Ông Hoàng, ngày xưa còn đó
Trăng ngàn Hàn Mặc Tử kiêu sa
Mộng Cầm ơi! Nàng còn có nhớ?
Tiếng đàn quyện gót vọng ngân nga

Hàng dừa xoã tóc nghiêng trong nắng
Mũi Né em về nhớ tình anh
Phi lao vi vút vang trong gió
Biển chiều như chào đón tình xanh

Đồi Hồng ơi! Sao nàng đẹp thế
Cát vàng như thiêu đốt tim ta
Cát ơi! Đừng chôn vùi tình nhé
Hạt cát tình người... giọt bay xa

Phan Thiết mùa thu dệt tình thơ
Lá vàng xào xạc góc đồi mơ
Có người chờ đợi nơi phố biển
Cầm tay anh nói... rất mong chờ

Đỗ Mai mùa này ra hoa chưa?
Thu về em lại nhớ tình xưa
Nhớ ngày đùa vui bên sóng biển
Góc phố chiều nao gió gọi mùa

Nhớ quá Phan Thiết, Phan Thiết ơi!
Tha hương vẫn mong nhớ ngày về
Có ai đợi chờ em không nhỉ?
Phương xa nhạt nắng giọt sầu mê.

Stuttgart, 02.08.2017

READ MORE - PHAN THIẾT ƠI! NGƯỜI CÓ ĐỢI CHỜ - Thơ Nguyễn Hồng Linh - Nhạc Giao Tiên - Thể hiện Ca sĩ Nguyễn Đông

KÝ ỨC THÁNG NĂM - Thơ Văn Thiên Tùng




KÝ ỨC THÁNG NĂM

Tết Đoan Ngọ - Mồng Năm hằng lưu dấu
Tuổi thơ mình với tục lệ xưa từng
Tàn canh tư tay liềm lủi vô rừng
Bứt cây- lá phơi khô dành nấu uống

- Lá mồng Năm ắp đầy công năng sống
Là tinh hoa trời đất cấp dưỡng cây
Sau một đêm sinh khí tụ tích đầy
Làm lá mát uống tựa y thần dược…

Tiệc cộ bày dẫu ngày sau hay trước
Nồi bánh đúc đặc sản khéo khắt dằm
Rượu nếp chưng truyền thống tự ngàn năm
Xôi đậu nếp - chè kê đặc quánh đũa

Nồi xáo vịt - bún quê hương ném tỏa
Thịt heo phay - nước mắm chấm pha gừng
Cá nục tươi - hấp cuốn quả béo lừng
Nuốt một đĩa - rau thơm cùng vả... chát

Mâm cổ lắm vị sắc quy tính mát
Dâng tổ tiên báo hỷ vụ mùa xong
Sau cộ này tất bật việc ruộng đồng
Lo vụ tới với lưng còng nắng xát

Đời nông dân công việc đồng tất bật
Chiếc áo tơi - đường đọi vốn theo mình
Thêm bù* nước bên hông đậm ý tình
Tăng sức lực để cày sâu cuốc bẩm …

Ai cũng biết ! sau tiết trời Tiểu Mãn
Là lúc vào đỉnh điểm hạ nóng sao
Với tháng năm hiếm có giọt mưa nào
Nẳng xém da - gió Lào xua rát rạt…

Tuổi thơ ai… cũng đã từng nếm trãi
Hương vị quê… mặn chát - ấm - cay nồng
Năm tháng qua luân mùa chuyển chất chồng
Làm chất liệu
                       điểm- sắc màu
                                               cuộc sống…

                             Quảng Trị, 30.5.2017
                         Mai Vân Văn Thiên Tùng

READ MORE - KÝ ỨC THÁNG NĂM - Thơ Văn Thiên Tùng

VỀ TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ MAI - Đặng Xuân Xuyến


  
              Nhà văn Lê Mai




VỀ TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ MAI

Biết nhà văn Lê Mai qua nhà thơ Nguyễn Khôi và blog Trang Đặng Xuân Xuyến cũng đã giới thiệu một số bài thơ và 7 truyện ngắn của ông nên khi nhà thơ Nguyễn Khôi có nhã ý muốn trang nhà đăng lại bài Nguyễn Khôi cảm nhận về thơ Lê Mai - người bạn, người em tri kỷ của ông - tôi đã đắn đo khá nhiều, bởi blog Trang Đặng Xuân Xuyến không đăng lại những bài đã đưa lên trang nhà, đang hiện diện trên trang nhà nhưng trước tấm chân tình dành cho người bạn, người em của nhà thơ lão niên làm tôi cảm động. Dù lưng rất đau, tôi cũng cố ngồi đọc để viết đôi lời giới thiệu về một số truyện ngắn của nhà văn Lê Mai đã đăng trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến.

*

Quyền Được Rên là một truyện ngắn hay, tạo được nhiều chú ý trong dư luận. Lúc sinh thời, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên đã không tiếc lời ca ngợi: - “Có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng “Quyền được rên” của nhà văn Lê Mai có thể xếp trên “Sống mòn” của Nam Cao;  vì “Sống mòn” viết về cuộc đời của ông giáo Thứ rất khổ cực trước cách mạng tháng Tám. Ở đây nhân vật chính là Hoàng không những vô cùng cực khổ mà còn phải chịu trăm đắng ngàn cay! “Quyền được rên” còn xếp trên “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, có dung lượng mấy trăm trang, cuối cùng chỉ đi tìm câu trả lời vì sao mình bị tù. “Quyền được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang, nhưng nó có tầm tư tưởng rất lớn của một tiểu thuyết. Nó được viết ra không phải để gây thù chuốc oán hoặc khắc sâu thêm mối hận thù. Mà nó rất bao dung để nhớ lại một thời ấu trĩ!” (Quyền Được Rên - Một Kiệt tác của nhà văn Lê Mai ; Nguyễn Ngọc Kiên). Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là trong trường hợp đem so sánh Quyền Được Rên với Sống Mòn của Nam Cao, Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn thì thật khiên cưỡng. Tôi nghĩ, vì yêu Lê Mai quá mà Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên đã “xếp” Quyền Được Rên “có thể” trên Sống Mòn nhưng anh “còn xếp trên “Chuyện Kể Năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn” thì thật khó hiểu. Anh lý giải: “Quyền được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang, nhưng nó có tầm tư tưởng rất lớn của một tiểu thuyết.”, theo tôi là không thuyết phục vì truyện ngắn là truyện ngắn, tiểu thuyết là tiểu thuyết, không nên vì quý mến nhau mà ưu ái khen như thế, hơn nữa, “Chuyện Kể Năm 2000” thực ra là hồi ký của Bùi Ngọc Tấn được viết dưới dạng tiểu thuyết nên các yếu tố văn chương như: thủ pháp, cốt truyện... không được tác giả chú trọng như các yếu tố: tư liệu, giãi bày..., đem 2 thể loại văn học này đặt cạnh nhau để so sánh về giá trị văn chương hay về chủ đích sáng tác... đều không thỏa đáng. Nhưng công bằng nhận xét thì Quyền Được Rên là một truyện ngắn viết bạo tay và hay, có sức khái quát sâu và rộng về QUYỀN CON NGƯỜI bị xúc phạm trắng trợn ở cái chế độ luôn ra rả đề cao QUYỀN CON NGƯỜI, làm lu mờ nhiều truyện ngắn được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải.

Mặt Trời Xanh là câu chuyện của tình người còn sót lại, lắng lại ở một ông quan to lúc cuối đời muốn chuộc lại những lỗi lầm của kiếp làm quan bằng vài việc rất đời, rất người. Cốt truyện chỉ đơn giản là vậy, không đao to búa lớn, không lên gân triết lý về nhân sinh quan ở đời. Và người kể chuyện, cũng không cố dụng công sắp xếp những tình tiết của câu chuyện, không chú trọng tô vẽ diễn biến tâm trạng của nhân vật, cứ chậm rãi dẫn bạn đọc vào truyện bằng lối kể chuyện thủng thẳng, chân chất để tái hiện câu chuyện một cách tự nhiên, chân thực. Vì thế, người đọc thấy thương và tiếc cho “cậu học trò” đã ngộ được đạo làm người nhưng lại chậm và “sai thời điểm”, thấy tin và trân quý những lời bộc bạch thật tận đáy lòng của vị “khách quan” “người gày gày, da mai mái nhưng thần thái vẫn rực lên những nét quyền uy, lịch lãm” với thầy giáo cũ.

Nhập truyện tự nhiên, diễn biến truyện cũng tự nhiên, hợp lý. Chủ đích của nhà văn Lê Mai qua Mặt Trời Xanh đã thành công: TÌNH NGƯỜI LÀ VĨNH CỬU. Chỉ tiếc, ở đoạn kết truyện: “Đặt lá thư xuống bàn ông Nhân thờ thẫn ngứơc cặp mắt hoen rỉ nhìn vào khoảng không mờ ẩm trước mặt. Không gian bổng chuyển màu ngọc bích xanh suốt mang mang... và phía xa, xa thẳm của không gian ngọc bích một đốm sáng nhập nhoà nhấp nháy như vẩy như gọi ông... mông lung, mờ ảo. Ông vật người ra nghế cố ghìm tiếng thở dài. Tiếng thở buồn, tê tái như hơi thở của rừng già heo hút.”, nhất là ở những dòng cuối cùng để khép lại truyện, khi nhà văn đặc tả hình ảnh thầy giáo Nhân: “Ông vật người ra nghế cố ghìm tiếng thở dài. Tiếng thở buồn, tê tái như hơi thở của rừng già heo hút.” đã hướng câu chuyện chuyển mạch, đẩy truyện sâu vào BI, khiến niềm tin vào TÌNH NGƯỜI tưởng vẫn còn sức sống âm ỉ trong đời sống xã hội thông qua sự thức ngộ của “cậu học trò làm quan” lúc cuối đời sẽ lan tỏa bỗng thành mong manh. Truyện kết thúc với gam màu tối, u ám. Vô tình, dù không có chủ ý nhưng hình ảnh thầy giáo Nhân ở kết truyện như thế đã ít nhiều giảm chủ đích tích cực của nhà văn.

Tìm Cha Trong Gương là truyện ngắn đề cập đến những di chứng sau cuộc chiến tranh giữa 2 miền Nam - Bắc. Đây là mảng đề tài những nhà văn cùng thế hệ với Lê Mai hay khai thác vì có nhiều “mảng miếng” để các nhà văn thi thố “dụng võ”. Viết về đề tài này, Lê Mai lên án chiến tranh ở góc nhìn khác với số đông, được phản ánh qua câu chuyện về những thân phận (ruột thịt) bị ly tán bởi hệ lụy của chiến tranh và sự ươn hèn, tệ bạc của thói đời, lòng người. Truyện phát triển bằng cách sắp xếp những cuộc đối thoại giữa các nhân vật trong hành trình tìm lại người thân, và trong hành trình đó, nhà văn chỉ “khách quan” gạch đầu dòng thật trung thực những cuộc đối thoại, rồi thi thoảng “chêm” vào đôi ba lời dẫn chuyện. Thật tiếc là tôi chưa được đọc 3 tiểu thuyết: Tẩu Hỏa Nhập Ma, Bạn Cùng LớpThời Gian Xuẩn Ngốc của Lê Mai nên khi đọc truyện ngắn này đã có những băn khoăn không biết có phải đấy là chủ ý của nhà văn không chú trọng vào miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật? hay miêu tả nội tâm nhân vật không phải là điểm mạnh của nhà văn Lê Mai nên diễn biến Tìm Cha Trong Gương được nhà văn sắp xếp là những cuộc đối thoại giữa các nhân vật bằng những gạch đầu dòng liên tiếp?! Nhưng với bố cục truyện chặt chẽ, tiết tấu truyện nhanh và mạch lạc như thế, khiến truyện ngắn Tìm Cha Trong Gương cuốn hút được người đọc thì tôi nghĩ đấy có thể là chủ ý của nhà văn Lê Mai chứ không phải do sự vụng về của tác giả.

Hoa Trạng Nguyên là truyện ngắn được viết theo thủ pháp phúng dụ, mượn chuyện bà Lan Phương thủ thỉ trước 2 ngôi mộ: với Thiện, là bạn, cũng là người bà yêu nhưng dứt khoát không chọn làm chồng; với Thiên, là bạn, cũng là chồng, tuy không yêu nhưng bà nhất tâm chọn làm chồng, về những chuyện bà đã cùng họ (Thiên và Thiện) trải qua, khi tuổi đã xế chiều, lúc lắng lòng đã buông bỏ tất cả những ham hố sân si mới tĩnh tâm ngộ ra được, để ám chỉ cái bản ngã của con người thật mong manh trước những cám dỗ của vật chất, trước những toan tính ma mãnh mà khốc liệt đến trần trụi của kiếp người. Lê Mai đã thành công với truyện ngắn Hoa Trạng Nguyên khi phản ánh cuộc đấu tranh giữa lý trí và dục vọng, giữa tốt với xấu, giữa cao cả với thấp hèn....

Những hình ảnh ở đoạn kết truyện được nhà văn khắc họa thật đẹp, giàu tính nhân văn, đượm triết thuyết của đạo làm người trong cõi vi vô: Con người ta tất thảy đều sẽ trở về với cát bụi. Mọi tranh quyền đoạt lợi dù có được thì rồi cũng thành hư vô. Chỉ có sự vô tư, trong sáng của đạo làm người mới trường tồn, bất biến trước mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian, không gian:

“Bà Lan Phương từ từ đứng dậy, bẻ một nhành cây trạng nguyên bên mộ chồng cắm sang mộ bạn. Rồi cắm trước mộ bạn một tấm bia nền đen trên khắc hai câu thơ không đầu, không cưối, không tác giả lấp lánh ánh vàng:

...Vì anh khát một bát nước trong    
Nên phải uống cạn dòng sông đục...

Xong xuôi bà Lan Phương lững thững ra về. Hình như lòng bà thanh thản hơn và thiên nhiên làng quê hình như cũng thế”.

Cún Khóc, là truyện ngắn hài hước, ngộ nghĩnh về chuyện “có một nhà nọ” nuôi mèo để bắt chuột nhưng mèo lại ma mãnh thông đồng với lũ chuột đã thành tinh để lòe chủ nhà, bỡn cợt chủ nhà khiến chủ nhà phải nuôi chó thay mèo bắt chuột. Và rồi, chó trung thành là thế, mẫn cán là thế cũng bị lũ chuột đã thành tinh qua mặt, diễu cợt, chấp nhận bất lực mà gầm gừ “đau đớn” ngước nhìn “trên xà nhà, nóc nhà có tới bốn năm con chuột đang khả ố trêu ngươi”. Chuyện hài nhưng hay mà đau ở chỗ: Mèo được tạo hóa ban cho đầy đủ sức mạnh của thiên chức dùng để bắt chuột, diệt chuột thì lại quay sang “bắt tay” “câu kết” với lũ chuột đã thành tinh cùng diễn trò, bỡn cợt chủ nhà. Chó trung thành, mẫn cán, căm ghét lũ chuột, quyết tiêu diệt lũ chuột tới cùng nhưng vì sức mạnh của thiên chức bắt chuột, diệt chuột không có nên đành nhìn lũ chuột ngang ngược hoành hành mà ngậm ngùi nằm “khóc” vì bất lực.

Đọc Cún Khóc khiến người ta liên tưởng tới vấn nạn tham nhũng và thực trạng diệt trừ tham nhũng đang diễn ra trong xã hội Việt Nam nó hài hước mà xót xa, đau đớn làm sao. Ở truyện ngắn này, với lối viết nhẹ nhàng, hài hước, nhiều ẩn dụ... nhà văn Lê Mai đã mang đến cho bạn đọc nụ cười chua chát đi cùng những giọt nước mắt xót xa về chuyện của đời nhưng không phải là chuyện chỉ của riêng nhà “người ta”.
*  
Nhìn chung, 7 truyện ngắn của Lê Mai trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến đều được viết với văn phong giản dị, câu chữ trong sáng. Tình tiết của truyện được sắp xếp nhẹ nhàng, hợp lý, các xung đột cũng rất ít khi được đẩy đến gay gắt, một mất một còn để truyện có điểm bùng nổ như Quyền Được Rên. Tuy vậy, 7 truyện ngắn của nhà văn Lê Mai đều rất đáng để bạn đọc bỏ công sức tìm kiếm.

Định cố viết giới thiệu đủ 7 truyện ngắn của Lê Mai đã đưa lên blog Trang Đặng Xuân Xuyến nhưng vì lưng tôi đau quá, cũng không thể để bài viết này dở dang lâu thêm nên 2 truyện ngắn: Hình Như Trong Sữa Có MáuCho Nó Có Đạo Đức xin được giới thiệu với Quý bạn đọc vào dịp khác.

                                    Hà Nội, ngày 06 tháng 06.2019
                                         ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - VỀ TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ MAI - Đặng Xuân Xuyến

BỂ DÂU - Thơ Trần Văn Hạng


Tác giả Trần Văn Hạng


                       BỂ DÂU

      Vọng vang sóng biển rì rào
Gió khua cành liễu lao xao gợi buồn
      Thương ai vào cúi ra luồn
Một đời khắc khoải cánh chuồn mỏng manh
      Thương người nắng sớm chiều hanh
Một mình lăn lội lênh đênh mạn thuyền
      Thương hoài khoan nhặt tiếng quyên
Đêm trường vò võ mắt huyền chờ mong
      Thương bao thân phận long đong
Năm canh thao thức bên song đợi chờ
      Thương sao cánh vạc bơ vơ
Kêu sương thảng thốt bên bờ canh thâu
      Thương mình chẳng biết về đâu?
Lạc loài trong chốn bể dâu tình người
      Nhớ thương vật đổi sao dời
Canh khuya một bóng bên trời gió ngân...
                       Trần văn Hạng 
                        (Đông Hà, QT.)

READ MORE - BỂ DÂU - Thơ Trần Văn Hạng

VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI | TÌNH CHỪ | Thơ Chu Vương Miện

Nhà thơ Chu Vương Miện

VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI
Chu Vương Miện
-
rẻ như bèo *
viết mỏi cả tay lẫn cả chân
rụng rời cả mình
cong cả đuôi
mèo vẫn hoàn mèo
nghèo vẫn hoàn nghèo
có anh xơi cơm bằng tay
có anh đói meo
cứ mãi mãi 1 kiếp ku li
xưa thời phong kiến
sĩ phu sĩ thê nho sĩ
phủ phịc trước bệ
và chỉ only quỳ
mòn sân tướng phủ huyện
thời này đi đoong
thì giới văn nhân nghệ sĩ
đa số là khóc o cười
vừa khom lưng vừa cúi đầu
o dám ấm ức
miệng ngậm hột thị
chỉ cười ruồi
đủ mọi thời
vào luồn ra cúi
chỉ đồng tình cùng vỗ tay
1 chuyện văn chương thôi cũng nhảm **
trẻ già lớn nhỏ giống nhau thôi ?
bằng bằng trằc trắc nom mà chán
hết cà lơ chăm lại lẫn hời
thời thế lem nhem lâu dài quá
100 năm rơm cỏ rạ tơi bời
nhà văn An Nam khổ như chó ***
số phận phơi trần 1 trò chơi

* thơ Tản Đà
** thơ Tú Xương
*** thơ Nguyễn Vỹ
-

TÌNH CHỪ

hạt muối mặn chu choa còn mặn
củ gừng cay khiềng miết vẫn cay ?
bây chừ giở Nhật giở Tây
dở Tàu đở Chệt dở Tày dở Dao
lỡ Mường lỡ Mán " lỡ Miêu
dở H'Mông Mèo " dở Quảng Tiều Kinh
quẩn đi lại tới xứ Nùng
Hà Tu Hà Cối Hà Đầm Mương Nhai
Mông Dương 3 Chẽ xứ ngoài
lối xưa Trà Cổ ngó hoài Đông Hưng
Tiên Yên ngay Quỷ Môn Quan
nhìn mông Mũi Ngọc thù & căm còn hoài ?
hạt muối mặn muôn đời còn mặn
củ gừng cay hoạn nạn càng cay
cầy tơ cùng lọai giả cầy
thứ thiệt thứ giả vẫn say lòng ngừơi
thương nhau 9 bỏ làm 10
mà sao ? thường khóc hơn cười mà đau
*
Quảng An Châu có sông Lục Đầu
Cần Thơ Phụng Hiệp 7 nhánh sông sầu cò bay
rộn ràng chợ nổi miền tây
nhánh qua Rạch Miểu cầu xây mất rồi
đời ta mấy chục năm giời
đổi qua đổi lại kiếp người kiếp ta ?
hết La rồi lại lạc đà
hết thân cửu vạn lại là cu ly porter
vời trông cửa biển não nề
nhớ truyện Kiều nhớ Nguyễn Du nát lòng
thương thay con khỉ đánh vòng
rắn chuyển ra rồng rồng chuyển ra giun
bình thường bỗng chốc hóa điên

Chu Vương Miện

READ MORE - VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI | TÌNH CHỪ | Thơ Chu Vương Miện

CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY | Truyện ngắn | LÊ YÊN


CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY
Truyện ngắn
LÊ YÊN 

    Người đàn ông ngồi lặng yên như dõi về một nơi xa xôi nào đó. Trước mặt là ly cà phê không đường sánh đậm, thói quen thức đêm của những ca trực. Bên kia con đường nhà thờ với tháp chuông cao lấp lánh ánh đèn. Noel đang về, trong ông một nôn nao khó tả… Chợt có một giọng trẻ con khẽ khàng:
   - Ông ơi! Đánh giày không ông? Giật mình, ông quay sang nhìn cậu bé đánh giày, ánh mắt chừng khựng lại như bắt gặp một hình ảnh quen thuộc trong ký ức.
   - Ừ, em đánh giày dùm tôi!
                                                      *****

    Nó! Cậu bé đánh giày trong ký ức của ông ngày xưa rất nghèo. Cha mất sớm, chỉ còn mẹ và nó. Cuộc sống khó khăn trong xóm lao động nghèo. Cha là một nhà giáo, nên ước mơ của cha là nó được học hành nên người. Trước khi mất, cha còn dặn mẹ đừng để nó thất học. Ngày đó còn nhỏ nhưng nó đủ khôn để cảm nhận sự mất mát không có gì bù đắp được.
   Mẹ tần tảo với gánh chè rảo quanh con phố. Đêm về hai chân mỏi nhừ, đau nhức! Nó thương mẹ quá! Một ngày nó nói với mẹ suy nghĩ cứ len lỏi trong đầu nó:
   - Mẹ! con học buổi sáng, chiều, tối mẹ cho con đi đánh giày kiếm tiền phụ mẹ nhé.
   Đang nằm mẹ ngồi bật dậy:
   - Việc đó để mẹ lo. Con chỉ cần tập trung học thật tốt là mẹ vui rồi.
   - Mẹ à! Con hứa học giỏi, mẹ cho con giúp mẹ được không?
   - Không được!
   Mẹ cao giọng, nó giật mình không dám nhìn mẹ. Nhà có hai mẹ con, mẹ lúc nào cũng nhẹ nhàng, thương yêu nó như thương luôn phần của cha nó.
   Mẹ quay mặt đi, hình như mẹ khóc, nó không dám nhắc lại chuyện đó nữa.
   Mùa đông năm đó mẹ bịnh. Không còn đi bán dạo được nữa, mẹ bày ra đầu ngõ xóm trọ. Chiều nào nó cũng phụ mẹ dọn hàng, gánh chè của mẹ ít hơn hồi bán dạo nhiều. Đêm đó nằm ôm lưng mẹ như mọi khi, nó không sao ngủ được, đánh bạo nói với mẹ:
   - Mẹ ơi! Mẹ cho con kiếm tiền phụ mẹ nhé! Chừng nào mẹ khỏe con sẽ không làm nữa, con mười một tuổi rồi còn gì. 
   Nó đã lên lớp sáu. Không còn là học sinh tiểu học, nó thấy mình đủ lớn để có thể phụ mẹ trong mọi việc, tự hứa với lòng: “Không để mẹ thất vọng.”
   Mẹ quay lại, nâng đầu nó lên cánh tay, nhìn nó thật lâu như suy nghĩ, rồi tiếng:
   - Mẹ không yên tâm khi để con ra ngoài kia một mình.
   - Con đi với thằng Út con thím Ba sát bên nhà mình, mẹ đừng lo.
   - Con hứa với mẹ không ảnh hưởng việc học, không về quá chín giờ đêm. Được không? 
   - Dạ, con hứa với mẹ.
   Nó đã trở thành cậu bé đánh giày như thế đó! Bữa đầu tiên đi làm mẹ ra đầu ngõ đón nó, hỏi rối rít:
   - Con mệt không, đói bụng không?
   Mẹ ôm vai nó xiết chặt, lần đầu tiên nó đi một mình không có mẹ, ngoài việc đi học.
   Vô nhà nó đưa tiền cho mẹ nói:
   - Hôm nay con làm được nhiêu đây, mũi nó phổng lên, cảm giác sung sướng vì đã giúp được mẹ.
   Những đồng tiền lẻ được mẹ vuốt thẳng. Đêm nằm mẹ ôm nó vào lòng, mắt nhắm nhưng nó biết mẹ không ngủ. Nó nghe được tiếng thở dài của mẹ dù rất khẽ.
   Công việc cứ thế, nó quen dần từng gốc phố, từng quán cà phê quen thuộc gần khu nhà trọ. Có những đêm nó phải đi xa hơn để kiếm khách đánh giày. Mẹ mỗi ngày một không khỏe, nó hỏi thì mẹ trả lời:
   - Ừ, mẹ chỉ bị cảm thôi!
  Tối qua mẹ ho nhiều, nó cảm giác bất an nhưng đi đánh giày về mệt, vừa nằm xuống là ngủ ngon lành.
                                                          *****
   Mẹ với gánh chè đầu ngõ dù nắng hay mưa…
   Một tháng nay mẹ không đi bán nổi. Mẹ bịnh liệt giường, mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào tiền nó kiếm được. Nó đi xa hơn, cố gắng kiếm thêm tiền để thuốc thang cho mẹ. Nó mang theo bài học ngày mai, tranh thủ lúc vắng khách vừa đi vừa học, không muốn mẹ buồn, lo. Tối đi về ngang qua hàng cháo, nó mua cho mẹ chén cháo trắng và cái hột vịt muối mẹ thích ăn. Còn nó bưng tô cơm nguội hồi trưa vừa ăn vừa kể cho mẹ nghe đủ chuyện, có lúc mẹ cười nhẹ như hơi thở.
   - Mẹ, thằng Út rủ con ngày mai qua bên khu nhà thờ, lễ giáng sinh đó mẹ, chắc kiếm được nhiều tiền.
   - Con đừng đi xa quá và đừng về trể.
   - Dạ con biết rồi. Nói xong nó quay qua ôm lưng mẹ thiu thiu ngủ, cảm giác bình yên, hạnh phúc khi còn có mẹ bên mình.
   Chiều nay thằng Út rủ đí sớm hơn mọi ngày, nó háo hức… Xóm đạo vui hơn tết, nhà nào cũng có hang đá lấp lánh ánh đèn. Vừa qua tới đã có ngươi gọi:
   - Ê! Hai thằng nhỏ. Vô đây đánh giày nè!
   Thằng Út nháy mắt với nó như thầm bảo “Hôm nay vô mánh rồi đây!” Nó vui trong bụng nghĩ sẽ kiếm được nhiều tiền cho mẹ. Hai đứa hắn làm không nghỉ tay, đến khi vắng khách nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ. Nó nghĩ đến mẹ đang trông ở nhà, định đi về. Tiếng thằng Út:
   - Đức nè! Coi hang đá chút về.
   Nó tần ngần… dù trong bụng rất muốn. Thằng Út lại lên tiếng rủ rê:
   Coi chút thôi. Không lâu đâu!
   Thằng Út vừa nói vừa kéo tay nó đi về phía nhà thờ. Nó nghĩ bụng: “Ừ. Thì coi một chút, chắc không lâu đâu.” Và thế là hai đứa chen vào để được đứng gần hơn coi cho rõ. Thật đẹp…! Nó nghĩ phải mẹ không bịnh đã đưa nó đi lễ. Nó nhớ ngày còn ba. Cả nhà cùng đi lễ. Bữa đó mẹ nấu một món ngon để ăn mừng giáng sinh. Nó say sưa ngắm nhìn, hình ảnh một gia đình trọn vẹn đầy yêu thương… Chắp hai tay cầu nguyện xin Chúa cho mẹ mau khỏi bịnh… Nó chỉ còn có mẹ là người thân duy nhất trên đời. 
   Sực tỉnh nhìn đồng hồ trên tháp nhà thờ, đã 10 giờ. Lật đật vừa đi vừa chạy, không chờ thằng Út. Nó nghĩ: “Chắc mẹ trông lắm…” Hôm nay làm được nhiều tiền hơn mọi ngày, mua cháo cho mẹ xong. Ngang qua hàng bánh bao bên đường, nó dừng lại mua một cái tự thưởng cho mình, định bụng lát về nhà ăn với mẹ cho vui. Gấp gáp cho mau về nhà… Trước mắt nó, dưới ánh đèn đường vàng mệt mỏi, một ông lão đang co ro, trên tay là chiếc nón chìa ra cầu xin sự bố thí… Lại gần, tần ngần một chút, nó lấy cái bánh bao mới mua, nhìn ông lão rồi lại nhìn cái bánh bao… Cuối cùng nó cũng làm được điều mà mình muốn làm.
   - Ông ơi! Con mời ông. Bánh bao còn nóng, ông ăn ngon miệng. 
   Nói rồi nó đặt bánh bao vào chiếc nón của ông lão rồi ù chạy… Ông lão chưa kịp nói lời cám ơn đã mất hút bóng nó qua một khúc cua. Nó chạy nhưng cảm thấy lo, chưa khi nào về trể như bữa nay. Vừa về tới đầu xóm, cảm giác khác thường. Bà Tám ve chai vừa thấy nó đã la lên: 
   - Thằng Đức mày mau lên, mẹ mày… Rồi bà nín bặt…
   - Mẹ con làm sao???
   Cảm giác có chuyện chẳng lành. Nó chạy nhanh vào nhà. Nhà ở cuối xóm, mọi ngày nó vẫn thường dọn hàng sao hôm nay con đường dài ra. Nó lao vào nhà như một cơn gió lốc, sà xuống bên mẹ gọi hốt hoảng:
   - Mẹ ơi! Mẹ. Con về rồi.
   Mọi người trong xóm tụ tập trước cửa. Ông Tư đi tới đi lui lo lắng nắm tay nó…
   Giọng mẹ thiều thào, hụt hơi:
   - Con về rồi.
   Nó bắt đầu cảm thấy sợ, ôm chặt mẹ rồi òa khóc:
   - Con xin lỗi mẹ, tại con mê chơi nên về trể.
   - Con không có lỗi. Người có lỗi là mẹ. Con chỉ là một đứa trẻ. Sau này mẹ không ở bên con lo cho con được nữa rồi…
   - Mẹ! Mẹ nói gì con không hiểu.
   Mẹ đặt tay nó vào tay ông Tư rồi nói:
   - Trăm sự nhờ anh thương thằng Đức. Từ nay nó là con của anh. Tôi đội ơn anh nhiều.
   Những lời mẹ trăn trối gợi lại cho nó hình ảnh cuối cùng của cha lúc sắp bỏ mẹ con nó mà đi. Lòng đau như cắt, nó ôm mẹ chặt hơn như dành lại sự sống sắp bị cướp đi… Mẹ nó rướn người lên gom hết chút sức tàn:
   - Mẹ yêu con!
   Giọng nói như gió thoảng đi vào tâm nó suốt cả cuộc đời. Nó gào lên:
   - Mẹ ơi! Đừng bỏ con. Con xin me. Mẹ ơi!
   Mặc cho nó gào thét, bàn tay mẹ nắm lấy tay nó từ từ lỏng ra… Tiếng gào khóc xé lòng. Trên đôi mắt chưa nhắm của người mẹ còn lăn dài nước mắt. 
   - Mẹ ơi! Mẹ bỏ con một mình sao???
   Mẹ không trả lời! Không ai trả lời nó. Như con thú nhỏ bị lôi xềnh xệch tách rời mẹ, nó sợ hải hết khóc rồi rên ư ử… Nó ước gì được đi cùng mẹ. Chén cháo trắng nó mua về cho mẹ lật đật sớt ra tô để trên bàn đã lạnh tanh…
   Xóm trọ ngày thường mạnh ai nấy sống. Nhìn thấy thằng bé mồ côi ai cũng xót xa… Mọi người bàn tính chung tay lo hậu sự cho mẹ nó. Có lẽ cái chết có sức liên kết những người xa lạ với nhau. Nó là mối dây khơi gợi tình người bên trong những bề ngoài khác nhau. Tiếng khóc mất mẹ của một đứa trẻ xé toang màn đêm. Sự bình yên trốn đi và gió nén tiếng thở dài…
   Đám tang mẹ nó rồi cũng qua. Hài cốt mẹ được gởi trong nhà thờ, đặt bên cạnh ba nó. Ông Tư đưa nó về nhà. Đồ đạc được gói ghém, đem theo di ảnh của ba, mẹ. Trước đây lúc còn sống, mẹ hay nói chuyện ông Tư cho nó nghe. Ông tốt bụng, thương người. Ông Tư là chủ xóm trọ này, nhưng rất gần gũi, thân thiện. Nhà nào có chuyện ông đều ra tay giúp. Chính vì lẽ đó không ai muốn dọn đi…
   Đã hai ngày nó lúc tỉnh lúc mơ. Nó không muốn tỉnh để chấp nhận sự thật ngoài sức chịu đựng. Đang lơ mơ nó nhìn thấy mẹ bên cạnh: “Con trai ngoan, dậy đi học thôi!” Mừng quá! Nó bật dậy, hốt hoảng gọi: “Mẹ! Mẹ ơi!”
   Nhưng mẹ nó chỉ còn là sợi khói mỏng hư ảo… Bàng hoàng. 
   Phải, mẹ trong tâm trí nó đã không còn. Nhưng giấc mơ của cha và mẹ vẫn còn…
   “Nó phải đi học…!” Người ta chỉ mơ khi ngủ, còn với nó là một giấc mơ thức tỉnh. Là hy vọng là hoài bão, là ước mơ của đấng sinh thành đã khuất… Giấc mơ thức tỉnh đó đã tồn tại từng ngày, là động lực để nó bước tiếp… Có những lúc nó tưởng chừng gục ngã với sự tuyệt vọng, với cái đói…
Ông Tư tuy tốt bụng nhưng mọi việc trong nhà đều một tay bà Tư làm chủ. Ngoài giờ đi học nó phải làm việc luôn tay với cửa hàng tạp hóa. Tới bữa cơm nó phải trông coi cửa hàng rồi ăn sau, dọn dẹp luôn. Có khi chẳng còn gì để ăn cho ra bữa… Có lần đi giao hàng cho bà bác bên kia lộ, bụng nó lại sôi lên vì đói trong cái se lạnh của tiết Đông sang. Tấm áo phong phanh bay phần phật theo cơn gió, thân thể gầy nhom như lạc đi trong sự mênh mông… Bất chợt nhìn thấy ổ bánh mì ai đó ăn dở dang quăng bên cạnh thùng rác… Nhìn trước ngó sau xem có ai để ý không, nó nhặt vội khúc bánh mì còn trong bọc ny lon, lầm lì, ăn ngấu nghiến…
   Bụng nó đã không còn réo lên vì đói. Nhưng tâm nó bị đè nặng một ám ảnh sự nghèo đói nô lệ… Nó quyết tâm! Một quyết tâm khiến nó không còn là một đứa trẻ hồn nhiên vô tư như bao đứa trẻ khác. Nó phải học. Phải tiếp tục giấc mơ thức tỉnh cho cuộc đời…
*****

   Cậu bé đánh giày ngày xưa bây giờ là một vị bác sĩ giỏi. Ông đã chọn một bịnh viện vùng quê, đem cái tài, cái tâm mình phục vụ những bệnh nhân ngèo. Ông không muốn có thêm những đứa trẻ mồ côi giống như mình. Noel năm nào ông cũng trở lại nơi này đốt nhang viếng cha mẹ. Góc cuối nhà thờ là nơi ngày xưa ông hay ngồi lặng đi để tỉnh lại, để tìm sự an bình trong những lúc buồn tủi nhất, đau khổ, tuyệt vọng nhất mà ông trải qua tưởng chừng không thể trên con đường mưu sinh… 
   Ông Tư đã không còn. Bà Tư già yếu, mừng rỡ mỗi khi ông về thăm. Trước đây bà không cho ông được tình thương một người mẹ… Nhưng bà đã cho ông cái gọi là gia đình dù có tạm bợ…
   Chuông điện thoại reo, nhìn số điện thoại ông chợt bối rối…
   - A lô! 
   - Dạ, anh Đức.
   - Thy gọi anh.
   Ông ấp úng chưa tìm ra từ để nói, thì đầu dây bên kia…
   - Thy chúc anh bình an.
   Một khoảng lặng… Ông nói nhẹ…
   - Thy cũng bình an.
   Lại thêm một khoảng lặng…
   - Cám ơn anh!
   - Cám ơn Thy.
   Sự im lặng như nghe rõ tiếng thở dài từ đầu dây bên kia… Sự im lặng như soi thấu phần sâu nhất trái tim ông… Một tình yêu không trọn vẹn. Thy đã có chồng, vì ông đã chọn đại ngàn làm nơi chia sẻ yêu thương, sau thời gian làm bác sĩ thực tập. Nơi mưa ngập, nắng gắt với từng cơn gió khô khốc đã níu chân ông. Thy đã khóc rất nhiều khi lần cuối đến thăm ông. Đêm dưới trời lộng gió, trăng soi bóng hai người lặng yên. Lòng ông đau như cắt khi phải lựa chọn. Gia đình Thy muốn ông về thành phố… Quá khứ đau khổ, đói rét khiến ông xót xa khi nhìn sự thiếu thốn của người dân nơi đây. Nơi mà không có vị bác sĩ nào muốn ở lại. Họ cần ông.
Một cuộc gọi để biết người vẫn khỏe. Năm nào cũng một câu chúc bình an. Chỉ thế thôi! Ông nghe như đêm bớt lạnh. Tình yêu giúp cho cuộc sống trọn vẹn hơn. Không có tình yêu con người trở nên tật nguyền… Tình yêu ở trong tâm, và mỗi người thể hiện nó một cách khác nhau. Đã đến lúc ông nên đóng cửa phần đời đó lại, để cho Thy hạnh phúc trọn vẹn và để ông yêu thương người phụ nữ phía trước mắt trong mái nhà sắp tới của ông.
   Cậu bé đánh giày được ông lì xì tờ tiền mới, toét miệng cười lấp lánh niềm vui…
   Bước xuống con phố quen thuộc, chuông nhà thờ đổ từng hồi thánh thót. Lễ nửa đêm bắt đầu. Mùa giáng sinh đánh dấu một sự khởi đầu tốt đẹp. Trong cái lạnh đêm đông, ông kéo cao cổ áo từng bước chậm hòa vào giòng người tiến vào nhà thờ. Cảm giác nôn nao như có ai đó đang chờ… Ngày mai ông trở về nơi ông đã chọn. Để sống, để yêu thương… Và nơi đó là gia đình ông, là anh em… Một vùng quê nghèo…! 

Mùa Giáng Sinh - 12/18. 
Lê Yên




READ MORE - CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY | Truyện ngắn | LÊ YÊN