Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 5, 2018

MẮT ĐỜI GIỮA CUỘC BỂ DÂU - Thơ - Mặc Phương Tử


MẮT ĐỜI
GIỮA CUỘC BỂ DÂU


Ước mơ chi cõi thiên đường
Về lo chăm sóc mảnh vườn diệu tâm
Đời thường khuya sớm thâm trầm
Hoa thơm, trái ngọt, pháp âm nhiệm mầu.


Đã rằng; trong cuộc bể dâu!
Cõi lòng thanh thoát, tươi màu thời gian.
Nhục vinh, mấy nhịp cung đàn
Tơ chùng, phím loạn, nghe hoang nỗi sầu!


Rồi mai mốt, nữa... ra sao?
Con đường hẹp lối dẫn vào hư vinh
Thương ta nên phải nghĩ mình
Lối đi dù nhỏ, nhưng tình mênh mông.


Đời đi như một dòng sông
Chở phù sa đến khắp cùng bờ xa
Tình thơ, tình nước non nhà
Tình muôn dặm ruỗi, tình hoa cỏ nầy.


Bóng hình, hình bóng rồi đây
Bóng nghiêng, hình có đứng ngay bao giờ!
Ta về dưới ánh trăng thơ
Nghe dư âm vọng bên bờ tử sinh.


Câu kinh kệ, nhịp chày kình
Vó câu muôn dặm đăng trình mây qua
Ta về lại mảnh vườn ta
Sớm hôm chim hót, cỏ hoa tươi màu.
Mắt đời giữa cuộc bể dâu!


South Dakota, lập đông 2018.

MẶC PHƯƠNG TỬ

READ MORE - MẮT ĐỜI GIỮA CUỘC BỂ DÂU - Thơ - Mặc Phương Tử

SÂU LẮNG VẦN THƠ TUỔI HỌC TRÒ - Phan Nam đọc thơ Nguyễn An Bình



SÂU LẮNG VẦN THƠ TUỔI HỌC TRÒ
Phan Nam

Trong dòng chảy ngược xuôi của cuộc sống với bao bộn bề lo toan, thật hiếm khi chúng ta có thời gian hồi tưởng, suy niệm về quá khứ, về tuổi học trò tinh khôi trong trắng, vô ưu vô lo. Nhà thơ Nguyễn An Bình, thi sĩ kỳ cựu của đất phương Nam đắm đuối với trang viết, đặc biệt là mảng thơ về tuổi học trò và đã cho ra đời nhiều thi phẩm được đông đảo độc giả yêu thơ đón nhận: Còn một chút mưa bay (2013), Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ (2016) và mới đây là tập sách Hạ đỏ lên trời (NXB Hội nhà văn 2018). Khung trời hoa mộng với sân trường, bảng đen, phấn trắng, hoa phượng, sợi tóc, cơn mưa, tà áo, tiếng ve, nắng vàng, mây trắng… ẩn hiện chập chờn qua từng dòng thơ êm ả, dịu ngọt chảy tràn trong tim người đọc, qua từng khung ảnh nhạt nhòa thời gian. Có nhiều thơ xuất bản từ trước năm 1975, sau một thời gian vắng bóng, nhà thơ Nguyễn An Bình trở lại độc giả với tập thơ Còn một chút mưa bay và từ đó đến nay ông miệt mài sáng tác, toàn tâm toàn ý với thi ca, với con chữ. Thơ ông nhịp điệu, nhẹ nhàng, lãng mạn và tràn tiếng nhạc, tựa như những mầm cây đang thổn thức, cựa quậy bên trong tâm hồn, mặc kệ sương gió thời gian phủ kín mái đầu thi sĩ. Lật mở tập thơ, có thể bắt gặp hành trình thi ca của ông dài như đường phượng bay, thổi qua từng trang ký ức: Rồi cũng chia tay đường phượng bay/ Làm sao đếm hết lá trên vai/ Một trời mưa nhỏ rơi trong mắt/ Ai nhặt giùm tôi trên ngón tay? (…) Sợi tóc nào vương mùa hạ cũ/ Có người về nhớ chuyện trăm năm/ Một mai trang sách vàng nhung nhớ/ Mới thấy đêm khuya lạnh chỗ nằm (Xa rồi đường phượng bay). Phải có một trái tim nhạy cảm, sâu sắc, khắc khoải mới có thể viết nên những vần thơ đằm thắm, tình cảm như thế, và phải có một tấm lòng dành trọn cho mái trường xưa cũ mới có những vần thơ tiếc nuối, u hoài như thế:
Ngôi trường cũ tôi không về kịp nữa/ Nhớ mái vòm rêu phủ bóng thời gian/ Bầy sẻ nâu thôi không còn ríu rít/ Trường trăm năm trơ gạch ngói hoang tàn
Tàn lim xanh đâu còn nghe chim hót/ Rải hoa vàng cho sắc nhớ thêm tươi/ Trái phượng già cuối mùa chưa kịp rụng/ Em có về thương nhớ tiếng ve rơi
Từng viên gạch vẫn đỏ tươi màu đất/ Dẫu trăm năm luôn giữ mãi tình hồng/ Bao vôi vữa đâu chôn vùi ký ức/ Trong dòng đời chìm nổi bến đục trong (Trường cũ)
Ngoài thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, ngũ ngôn có lẽ là thể thơ được ông yêu thích, tính cô đọng, hàm súc và mềm mại chảy vào bài thơ rất tự nhiên, mộc mạc: Phượng hồng còn thắp lửa/ Đỏ một trời tương tư/ Tiếng ve rền khung cửa/ Gõ từng nhịp thiên thu (Về đâu những mùa hạ xưa); Em có nghe cỏ hát/ Bốn mùa nở đầy hoa/ Tim treo lời mật ngọt/ Đỏ tươi màu phù sa (Có một thời yêu nhau). Cởi bỏ chiếc áo học trò để bước vào đường đời đầy giông bão, quăng quật khiến cảm xúc chai sần, tàn lụi, thế nhưng có một người thầy giáo cũ vẫn ngày đêm nâng niu xúc cảm, nâng niu khát vọng chạm đến mọi ngóc ngách tươi đẹp của tuổi học trò thơ mộng, bình yên. Khi đọc từng con chữ được viết ra từ tâm huyết của nhà thơ, cảm xúc tự đâu ùa về, giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên mi ngỡ như vừa mới hôn qua, dòng mực tím vẹn nguyên trên tà áo: Thuở ấy thơ còn thơm mùi sữa/ Xé giấy học trò viết vu vơ/ Bao lần quên mất lời thầy giảng/ Ngoài sân say tiếng chim líu lo (…) Dăm thằng bạn học khoái văn chương/ Mài đũng quần mơ thi văn đàn/ Khoe bài Tuổi Ngọc, Văn, Văn học/ Sóng Thần, Điện Tín, Đuốc Nhà Nam… (Thuở ban đầu ấy). Trở về mái trường xưa, hoa phượng giăng kín ký ức, chảy trong huyết quản, thắp sáng tâm khảm: Chờ em ướt lạnh chỗ nằm/ Tóc rơi lời hẹn xa xăm không đành/ Bao mùa mắt lá còn xanh/ Trôi theo nỗi nhớ lên nhành phượng xưa (Phượng yêu). Bàng bạc trong thơ Nguyễn An Bình là dòng thời gian đong đầy nhịp thở, bóng hình người xưa khao khát yêu thương, nỗi nhớ đông đặc khuấy động từng trang ký ức, khúc hát xa xăm vang vọng trôi qua cõi người. Tất cả chỉ còn rung lên từng hồi giữa thinh không nhiệm màu, muốn quên đi tất cả nhưng càng quên lại càng nhớ, càng xóa nhòa lại càng hiện rõ, thực khiến người ta phải động lòng. Lòng cố níu ước gì mưa không dứt/ Sao mưa cứ đùa rắc nhẹ xuống từng cơn/ Tay muốn giữ nhưng dòng đời vẫn chảy/ Con nước vô tình thả vạt tóc buông (Mưa tháng sáu), khép lại tập thơ trong dòng chảy miên man, vô tận...
PHAN VĂN NAM


READ MORE - SÂU LẮNG VẦN THƠ TUỔI HỌC TRÒ - Phan Nam đọc thơ Nguyễn An Bình

CẢI MẦM - Thơ - Hạnh Phương















CẢI MẦM

Thân mềm, trắng, nõn như tơ 
Tự thân mềm trắng, nõn bài thơ đất trời! 
Lá xanh chở ánh sáng ngời 
Trinh nguyên đặt  bước vào: bước thơ! 


Người gieo cả gió mùa thu 
Cả hương xuân, ngát bốn mùa phận em 
Cả mùa hạ nắng qua rèm 
Cả mùa đông lạnh trước thềm chờ xuân … 
Ơi hồn mầm nụ thanh tân! 
Ơi nhân sinh! Đẹp vô ngần tháng năm! 
Đêm nao đêm chẳng là rằm 
Ngày nao ngày chẳng viên tâm em à … 
Em lung linh ở trong ta 
Em trinh nguyên cả chiều xa sớm gần … 
Cùng em, mỗi mỗi thanh tân 
Cùng em mỗi tuyết tinh thần trắng phau …

               HẠNH PHƯƠNG

                5.10.2018

READ MORE - CẢI MẦM - Thơ - Hạnh Phương

GIỚI THIỆU "MỘT THỜI" - Tập thơ của Nguyên Lạc





MỘT THỜI
Thơ Nguyên Lạc
Trình bày:  T. Vấn & Bạn Hữu
Tranh bìa và minh họa Ái Lan Công Tằng.
Xuất bản & ấn hành: T. Vấn & Bạn Hữu 2018
Phụ lục:
-- Văn: Nhận xét của nhà bình thơ Châu Thạch và Nhã My Sương Lam. Tâm tình của tác gi
-- Nhạc:  những bài thơ phổ nhạc: Mộc Thiêng phổ thơ Nguyên Lạc
Sách dày 268 trang, dạng điện tử (Ebook)
Copyright @ T. Vấn & Bạn Hữu, Nguyên Lạc
               ~~oOo~~

TỰA CHO THI TẬP MỘT THỜI
                                               T.Vấn
Đọc thơ Nguyên Lạc, nghĩ về những cuộc hành xác tự nguyện
Nguyên Lạc, như những người miền Nam cùng thời với mình, thuộc về một thế hệ rất không may trong lịch sử Việt Nam cận đại. Đi lính, đi tù, rồi đi làm kiếp lưu vong vì không thể sống được trên quê hương mình. Mỗi chặng đường đã qua, mỗi một thời đã sống, đều được Nguyên Lạc ghi lại. Trong tim. Trong óc. Ghi sâu, ghi kỹ đến độ không thể nào quên được, dù có lúc rất muốn. Lâu dần, những “một thời” ấy đã trở thành phần không thể thiếu trong quãng đời còn lại, dù như tên gọi, chúng đã qua, đã là quá khứ. Bà mẹ nó dòng sông chết tiệt!/Cố quên đi. vẫn ròng lớn trong đầu.
Thế là, cũng giống như một số người cùng thời, Nguyên Lạc chọn văn chương làm chỗ cất giữ những thứ không thể quên được ấy trong đời mình. Cất đi, cho nhẹ lòng. Và, có lẽ, cũng nhẹ cả người khi cuối đời cất bước ra đi về miền miên viễn.
Thế là, bầu trời thi ca hải ngọai lại có thêm một tiếng đọan trường kêu trời thất thanh, tiếng kêu bi thiết, uất ức của con chim bị buộc phải xa bầy, lẻ bạn. Tiếng kêu dồn nén từ bao nhiêu năm, nay mượn những vần thơ mà thắp ngọn đèn ký ức/soi hồn tôi nỗi  sầu!
*
Thơ Nguyên Lạc, giản dị, không cầu kỳ rắc rối, không làm dáng trí thức, không gồng mình đổi mới, không mượn chữ người khác làm của mình. Nói cách khác, thơ Nguyên Lạc là “của Nguyên Lạc”, không lẫn vào với bất cứ ai.
 Đọc thơ Nguyên Lạc, người đọc biết ngay tác giả hẳn đã phải tắm và uống nước sông Tiền, sông Hậu từ lúc còn trong bụng mẹ.
Dòng máu nam bộ chảy trong tim con người Nguyên Lạc như thế nào, dường như đã lộ hình lộ dạng như thế ngay trong mạch thơ Nguyên Lạc. Và đi thẳng vào tâm hồn người đọc:

Đã cố dặn lòng. thôi tôi ơi!
Ra đi. là đã biệt li rồi!
Quê hương ngút mắt. đoài. phương ấy
Vẫn mãi trong tôi bóng nguyệt đầy!

Máu nam bộ của Nguyên Lạc còn tỏ rõ hơn ở những bài lục bát-ca dao. Một phần vì hơi hướm ca dao. Phần khác nhờ ở bản lĩnh cứng cáp của Nguyên Lạc trong cách gieo chữ và vần lục bát.  Ở khía cạnh này, Nguyên Lạc khá tự tin khi mạnh dạn cho ca dao và thơ “ăn nằm” với nhau, như thể đôi ta (ca dao và thơ Nguyên Lạc) trời sinh ra là để “nên nghĩa lục bát”:

Buồn trông con nhện té ao
Con cá vội đớp lòng sao ngậm ngùi
Ngẫm tôi cũng té lâu rồi
Lụy đời vì bởi mắt người lá răm

Vẳng khuya cá đớp bóng trăng
Hồn tôi người đớp bao lần biết không?
Huơ tay chỉ lạnh chỗ nằm
Chiếu chăn xô lệch mất tăm người rồi!

Máu nam bộ của Nguyên Lạc mộc mạc đến thô nhám ở chỗ “có sao nói dzậy người ơi”, không màu mè, không lựa lời cho ra vẻ:

Bà mẹ nó chữ tình chết tiệt!
Mãi theo ta suốt một kiếp đời

Bà mẹ nó chữ tình chết tiệt
Ta rủa mi
Khốn kiếp!
Chết đi!

Câu chửi thề vuột ra trong cơn “tức tối”, vậy mà cũng thành thơ. Hay dở tùy cảm quan người đọc. Nhưng khó có thể chối cãi đó là thơ, thơ Nguyên Lạc.
Bấy nhiêu đủ để thơ Nguyên Lạc có được một chỗ riêng của mình trong khu vườn thi ca muôn màu muôn sắc.
*
Ở hải ngọai bây giờ, người đọc (sách) rất ít. Người đọc thơ lại càng ít hơn nữa. Nhưng so với các thể lọai văn học khác như tùy bút, phiếm, truyện ngắn, truyện dài v..v…, thơ có lợi thế hơn ở chỗ . . . ngắn. Màn hình chiếc máy điện thọai thông minh (vật bất ly thân của mọi người già trẻ lớn bé) đủ chứa gọn một bài thơ. Và vì thế, thơ (xuất hiện trên facebook, một nơi ai cũng quen nhau) có nhiều người đọc (hơn là khi thơ được in thành tập sách). Và nếu bài thơ ấy hay (hiểu theo nghĩa làm rung động người đọc với chỉ vài câu được đọc lướt qua trên mặt máy điện thọai), nó sẽ lan truyền đi khá nhanh (ít nhất là nhanh hơn những phương tiện quy ước như khi nó xuất hiện trên một trang web, hay thư điện tử).
Theo như tôi được biết, Nguyên Lạc, tuy không còn trẻ nữa, nhưng đã rất nhanh nhạy với sinh họat facebook và biết cách tự giới thiệu thơ của mình. Và cũng qua tính cách nam bộ “thật thà” của anh, tôi biết và tin rằng, Nguyên Lạc đã chứng minh, ngày nay, không phải mọi người đều ngỏanh mặt với thơ phú. Nếu thơ của anh có hồn, nếu anh biết cách “đem hồn mình hớp hồn người đọc”, dù chỉ một lần, tức là anh đã có được một độc giả trung thành. Họ sẽ đọc (thơ) anh, góp ý với anh, và hơn nữa, truyền bá thơ anh.
Để được như vậy, Nguyên Lạc hẳn phải chứng tỏ một bản lĩnh mà nhiều người làm thơ hằng mơ ước, dù để có được bản lĩnh ấy, người làm thơ đã phải tự hành xác mình như nhà tu hành khổ hạnh tìm sự cứu rỗi cho linh hồn bằng cách hy sinh mọi lạc thú con người.
Nguyên Lạc tự hành xác mình như thế nào, tôi có thể đóan được qua những bài thơ anh gởi đi, rồi tiếp theo đó là những sửa, sửa và sửa. Trong những cơn hành xác, người làm thơ có tìm thấy được lạc thú hay không, tôi không biết. Nhưng chắc chắn, sau một bài thơ hòan chỉnh, là một cảm giác sướng khóai đến mệt lã cả châu thân.
Huống hồ gì, giờ đây, Nguyên Lạc có cả một tập thơ “hòan chỉnh” gởi đến độc giả. Tôi hoan h  được góp tay, cùng với Nguyên Lạc, đưa đứa con tinh thần của anh đến với người đọc.
T.Vấn
(Tủ Sách Điện Tử T.Vấn & Bạn Hữu)
...........
*Những chữ in nghiêng (italic) trong bài là thơ trích trong thi tập “Một Thời” của Nguyên Lạc.
                    ~~oOo~~
LỜI DẪN NHẬP CỦA NGUYÊN LẠC

     ~~oOo~~

1. MỜI ĐỌC ĐÔI BÀI:

QUÊ HƯƠNG
CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH
CHUYỆN DÒNG SÔNG QUÊ TÔI
LK Bà Mẹ Nó Chữ Tình Chết Tiệt!
LIÊN KHÚC TÌNH CHÉN THƯƠNG ĐAU
QUÊ HƯƠNG VỜI NHỚ
Thơ Tình Mùa Phượng (2)
Trầm Tư
2. TOÀN THI TẬP MỘT THỜI (PDF)
Nguyên Lạc: MỘT THỜI (thi tập)
EBOOK - PDF
.........
@. Lời ghi thêm của tác giả thi tập:
-- Sẵn sàng tặng cho các Hội Từ Thiện nào muốn in thành sách hoặc register với Amazon lập quỷ giúp trẻ em khuyết tật, nghèo đói, các thương binh trong cuộc chiến (nam và bắc) v.v...  Xin L/L tác gi: stevenguyen6739@gmail.com

READ MORE - GIỚI THIỆU "MỘT THỜI" - Tập thơ của Nguyên Lạc