Tôi là ốc
biển, vốn thu mình trong vỏ bọc bình yên. Vậy mà giờ cũng chỉ còn là cái vỏ.
Một cái vỏ xù xì nhưng sắc màu giống như bông loa kèn. Mỗi khi đón gió, đường
xoắn cho tôi âm hưởng vang vang như sóng gọi. Lúc gió lặng, tôi thì thầm như kẻ
đang yêu với bao khát khao cháy bỏng.
Đang sống
yên ổn, một ngày kia biển cồn cào sóng. Những cột sóng cao ngất ngưởng, cuốn
nước từ đáy đại dương hất tung tôi lên bờ cát. Những con tầu tua tủa súng nã
đạn vào nhau. Không có biển, tôi chỉ còn là cái vỏ bị cát vùi. Một ngày biển
lặng, anh lính trẻ thấy xác tôi, nâng niu, giấu vào đáy ba-lô. Chàng trai có
mái tóc vờn gió và khuôn mặt rạng ngời sạm nắng, thỉnh thoảng lại nói với tôi
những lời có cánh như nhắn gửi cho ai đó ở xa lắm… Rồi, tôi cùng anh về thành
phố đầy nắng và những trái thanh long đỏ. Tôi được trao tay cho cô gái có cái
tên đầy mộng mơ, Huyền Thư. Mỗi tối, tôi tận hưởng sự nâng niu, ve vuốt và áp
vào tai với những lời độc thoại mặn nồng trước khi nàng chìm vào giấc ngủ.
Thăng,
người lính biển, trở ra đảo. Tôi ở lại với Huyền Thư trong hộc tủ lúc nào cũng
thoang thoảng mùi nước hoa. Tôi trở thành chứng nhân của những lời tâm tình
trong cách xa và nhung nhớ…
***
…Lần giao
lưu giữa Học viện Hải quân và sinh viên Sư phạm, trò chơi “Đi tìm một nửa của
mình” giúp hai người vô tình ghép hai mảnh xốp có đường cắt zíc zắc thành hình
trái tim. Sáng qua, sau trận bóng chuyền, Thư ào mình xuống biển. Sóng xô kéo
Thư ra xa. Nàng chới với khi chân hụt hẫng. Ráng chòi lên nhưng một đợt sóng
khác ập tới… Rồi Thư thấy mình nằm giữa đôi tay săn chắc. Nàng ngất đi vì sợ và
ngộp thở. Trên bờ cát trắng mịn, lúc chỉ còn Thư và Thăng, cả hai lặng im trong
ánh mắt giao nhau giữa làn gió mặn mòi và ánh nắng chan chứa.
Sau hai
vụ xảy ra đột ngột, một câu hỏi bâng quơ về số mệnh cứ xoáy xoay trong đầu Thư
với một cảm xúc ngọt ngào sâu lắng.
Ngày ra
trường cũng là ngày Thư nhận lời yêu Thăng. Buổi tiễn anh ra đảo nhận nhiệm vụ,
hai người đi dọc bãi biển. Hoàng hôn biển đẹp mặn mà. Những tia nắng nhuộm hồng
mặt biển làm rạng rỡ con sóng nhấp nhô. Lắng nghe biển thì thầm khi trong lòng
dậy sóng những kỷ niệm ngắn ngủi. Thăng lên tầu trong buổi sáng mờ sương đó.Thư
cầm chiếc khăn tay vẫy vẫy cho tới khi con tầu khuất dạng.
Thư trở
thành cô giáo ở ngay nơi sinh thành. Cứ mỗi khi gió biển thổi, đồi cát vàng lại
tự mình vẽ lên những hính hài quái kiệt, mê hồn. Chiều mơn man gió, Thư cùng
học sinh chơi trượt cát. Từ đỉnh đồi, Thư cùng một trò trên tấm nhựa cứng lao
xuống, bỗng đụng phải chàng phó nháy đang loay hoay chọn góc độ. Hai cô trò và
chàng ngã lăn xuống chân đồi. Một trận cười ròn tan và tiếng vỗ tay của đám
“nhất quỉ nhì ma” lọt thỏm giữa đồi cát. Đang mải cười, một cánh tay kéo Thư
đứng dậy. Chiếc máy ảnh tòn ten trước ngực đụng vào vai Thư:
-Xin lỗi.
Cô giáo có sao không?
-Không
sao. Người có lỗi là chúng tôi. Xin lỗi đã làm anh mất cảm hứng.
Sau sự cố
đó, cô trò được chàng phó nháy tự nguyện tạ lỗi hơn chục kiểu ảnh mà anh là đạo
diễn. Trước khi xuống đồi, anh đưa cho Thư tấm card:
-Tôi là
phóng viên. Hiện đang ở khách sạn Sao Mai. Cô giáo rảnh ghé lấy hình cho các
trò nhé.
-Cám ơn nhà
báo. Mai tôi sẽ tới. Xin lỗi lần nữa và cám ơn anh.
Sáng nay,
nhìn tấm card Thư lưỡng lự. Sợ học trò hỏi ảnh và cũng e mình chót hẹn, cô đạp
xe đến khách sạn. Từ xa, Thư thấy anh ta như đang chờ đợi. Chưa kịp xuống xe,
anh đỡ lấy xe vồn vã :
-Cô giáo
đến rồi. Tôi lo cô không tới. Hình cô và các trò đẹp lắm.
Nhà báo có
khác. Thiệt khéo, khen người nhưng lại khen chính mình. Thư thầm nghĩ. Cô bước
theo chiếc xe mà nhà báo đã giành lấy dắt vào bãi gửi. Quầy bar nằm sát bên
sảnh khách sạn:
-Cô… giáo
uống cam vắt nha. Tôi vẫn chưa được biết tên cô. Nước cam sẽ tốt cho làn da vốn
đã mịn của cô giáo lắm đó.
-Tôi tên Thư.
Anh cho tự nhiên. Thư nghĩ: Anh chàng khéo nịnh đầm. Mà sao biết mình thích
nước cam .
Đúng như lời
Thành, mười mấy tấm hình thiệt đẹp. Phải công nhận rằng cũng những đồi cát ấy,
đã nhiều lần chụp hình nhưng Thư chưa lần nào ưng ý. Cô say sưa ngắm quên cả ly
cam vắt đang tan gần hết đá.
-Thư uống
nước đi. Lát về nhà cùng xem với trò cũng được mà.
Thư rời những
tấm hình, nhấp ly cam mát lạnh. Thực ra, Thư lẩn tránh vì cô chưa biết mở lời
ra sao. Mãi sau cô mới tìm được câu hỏi:
-Anh Thành
công tác ngoài này bao lâu?
-Còn tùy Thư
à. Công việc phóng viên không hạn định. Nếu xong đề tài thì quay về, nộp market
ảnh xong lại đi tiếp. Cứ vậy, làm báo mà, bạn đọc ưa gì bọn anh phải đáp ứng.
-Các anh biết
mọi người ưa gì sao? Nghề của các anh thật thú vị.
-Nghề giáo của
Thư cũng thú vị chứ. Người ta gọi là kỹ sư tâm hồn. Lúc nào cũng tươi trẻ vì
luôn tiếp xúc với học trò.
Cứ vậy, Thư
ngồi với Thành ngót hai giờ đồng hồ. Trò chuyện với người am hiểu thật thú vị.
Trước lúc chia tay, Thành tỏ ý định mời Thư làm người mẫu cho số báo Xuân. Thư
chưa nhận lời ngay nhưng cũng không nỡ từ chối. Vẻ bề ngoài mau mắn của Thành
gợn cho Như chút e dè thường có ở cô gái trẻ. Nhưng rồi nó nhanh chóng được
ngụy biện là “bệnh nghề nghiệp”. Đạp xe về giữa trưa nắng, Thư thấy lòng thư
thới nhẹ nhàng. Ngày chủ nhật sau đó, hai người chở nhau trên chiếc xe gắn máy
chầm chậm ra khỏi thành phố thực hiện dự định.
***
-Em không
thể sống xa thành phố, nhất là ra đảo. Nếu đảo là người tình thì anh cứ việc
sống với người tình của mình.
-Anh tắm
nước biển ngay khi chào đời. Càng yêu biển hơn từ khi anh ra đảo. Em biết
không, cây bàng vuông ngoài đó rất lạ. Hoa muống biển nhỏ nhắn, dễ thương.
Trường học dưới tán bàng và cây phong ba mát rượi. Bệnh xá khang trang. Giờ xây
thêm chùa, nhà sư ra hành lễ. Công việc ngoài đó rất cần anh.
Lần thứ ba
Thăng thao thao còn Thư nghe hững hờ… Tôi cứ ngỡ khi yêu, người ta sẽ đi cuối
đất cùng trời miễn là được bên nhau. Trước khi về phép, tôi biết anh mường tượng
chuyến trở lại đảo có Thư cùng đi. Anh và nàng sẽ lên boong tầu ngắm hoàng hôn
buông và đếm sao khi đêm xuống…
Một tuần
phép trôi thật nhanh. Mai anh lên tầu ra lại đảo. Tôi muốn nói rằng Thăng hãy
yên tâm. Gần đây, tuy Thư độc thoại ít hơn. Nhưng mỗi khi áp vào tai, tôi vẫn
nghe tiếng con tim cô thổn thức. Mỗi lần như vậy, tôi thấy khóe mắt Thư đẫm
ướt. Thăng ơi, tình yêu cần thử thách. Có nhà văn từng nói: Sự xa cách trong
tình yêu như gió với lửa. Gió sẽ dập tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa
lớn. Anh có tình yêu lớn? Có tin ốc biển không?...
***
Tờ báo
xuân với trang bìa là hình Thư trong chiếc áo dài màu thiên thanh nền nã. Tấm
hình Thư thích nhất. Xa phía sau Thư, những đồi cát nhấp nhô với lời chú thích
“Cô giáo miền cát trắng”. Cô đón nhận nó với niềm vui xen lẫn sự biết ơn Thành
vô hạn. Cô giữ nó như một báu vật, dự tính sẽ khoe với Thăng vào dịp anh về đón
Tết. Nhưng Thăng vì công việc phải đón Tết ngoài đảo, để lại trong cô nỗi buồn
nặng trĩu trong cảm nhận cô đơn. Rất may, mồng hai Tết, Thành từ thành phố ra.
Hai người quấn quýt bên nhau. Sau khi cùng Thành bên bờ biển, cô trở về mở tủ,
lôi tôi áp vào tai, thì thầm: Thăng ơi, ngoài đảo anh có biết em vừa đón Tết
với ai không? Anh có linh cảm sắp mất em không? Về đi anh, về đi. Tôi chỉ còn
biết áp chặt hơn vào tai cô để như nói lời vỗ về, an ủi.
Trước hè,
Thư vào thành phố Hồ Chí Minh dự Hội thảo chuyên đề: ”Ngành giáo dục nói không
với tiêu cực”. Trên xe đi tham quan một trường trung học ngoại thành, Thư nhác
thấy một dáng người quen quen, chạy xe máy cùng chiều. Phía sau anh, một cô gái
với chiếc đầm ngắn, vòng tay ôm sát sạt, tỳ cằm lên vai. Hai người tình tứ nói
cười thân mật. Nhìn kỹ lại, Thư nhận ra Thành. Cô choáng váng…
Con tầu đưa
Vị tướng Tư lệnh vùng băng băng rẽ sóng. Trên boong, đứng bên vị tướng tóc hoa
râm là một cô gái trẻ. Thư đó. Cô là khách đặc biệt trong chuyến ra đảo lần
này. Tôi nằm yên trong giỏ sách, hồi hộp cùng Thư trở lại đảo xưa. Trong tôi và
chắc chắn cả trong Thư đang dâng trào niềm vui sướng khi trở về với đảo./.
HOÀNG ĐÌNH CHIẾN