Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 11, 2012

TRANG THƠ NHÀ GIÁO HẢI LĂNG - Võ Văn Hoa tuyển chọn

 Trường THCS Hải Thượng

Nằm ở cực Nam của tỉnh Quảng Trị, phòng Giáo dục - Đào tạo Huyện Hải Lăng có gần 1500 Cán bộ Giáo viên- nơi có phong trào dạy tốt và là nơi có nhiều thầy cô giáo đam mê văn chương. Do khuôn khổ của một trang Web cá nhân không thể đăng tải cùng một lúc nhiều bài, mong các bạn đồng nghiệp, đồng văn thông cảm!(VVH)  




MÙA XUÂN VỀ


            Giao thừa! Đếm thời gian bâng khuâng chờ đợi, năm cũ đi qua đón chào năm mới, tết đã đến rồi lấp ló ngoài hiên.

              Mưa vẫn rơi hạt đứng hạt nghiêng. Đông lành lạnh từng cơn gió buốt, không ngăn được nàng xuân vừa đến, với hương sắc thanh âm và ngập tràn nhựa sống, đang từng bước từng bước bên thềm.

              Trước cửa, cội mai già lộc non xanh biếc, điểm hoa vàng lấp lánh trong đêm. Ta đã nghe trĩu cành hoa tím, hương sầu đông thoang thoảng sau vườn.

              Những chú dế hoà dàn đồng ca, cùng hát bài ca ước mơ về mùa hè rau đắng. Tiếng gà gáy gọi nhau từ làng xa xóm vắng, dục thời gian từng phút sang canh.

              Em ơi em mùa xuân đã đến. Nghe bâng khuâng rạo rực tâm hồn. Ta thấy ta trào sôi sinh lực, ta thấy em má thắm môi hồng, và long lanh long lanh mắt biếc.

              Ta chờ em, ta chờ em trong mùa xuân về. 
                                                          
                                                          Nguyễn Quang Nam 
                                               ( CV Phòng GD-ĐT Hải Lăng)

THU XA PHỐ

Anh lại về lối nhỏ bên sông
Bỏ sau lưng mùa thu xa phố
Chút kỷ niệm ngọt ngào muôn thuở
Thoáng nao lòng - chợt nhớ, chợt thương.

Anh lại về lối nhỏ bên sông
Miền quên lãng còn trong kí ức
Bao nghĩa tình có gì đọng lại
Em xa rồi phố cũ buồn tênh 

Anh lại về lối nhỏ bên sông
Như thấy mình lạc miền cổ tích
Cây cầu cũ bắc bờ thương - nhớ
Lục bình ơi! Tím biếc nao lòng!   
                                                    
                                                   Nguyễn Thị Lai  
                                           (GV THCS Hải Chánh)


MỘT CHÚT HUẾ

Giờ đã xa mới thấy mình có lỗi
Gót chân xưa chẳng hẹn ngày về
Thôi còn đó chút nắng mưa dầu dãi
Theo ký ức ngày tháng  chẳng nhạt phai

Có phải chỉ một lần vội vã
Lỡ nhịp cầu làm kẻ tha phương
Giờ đã xa muốn quay về tạ tội
Dòng Hương ơi! trong đục lại vơi đầy

Giờ đã xa bỗng khát nắng đầu mùa
Thèm cơn mưa dai dẳng chiều xứ Huế
Con đò ngang chở mộng về cuối phố
Mơ thấy mình lạc bước chốn Thiên Thai 

Giờ đã xa bỗng thèm quay trở lại
Tìm chính mình trong sương khói phôi pha
Lặng ngắm Trường Tiền soi bóng Hương Giang
Để thấy mình bỗng lớn thêm chút nữa… 
                                          
     

                                              Châu Lệ Chi

                                        (GV THCS Thị trấn Hải Lăng)

 

TÍM

Sân trường lá tím chao nghiêng

Mồng tơi mực tím dành riêng tặng người

Bằng lăng tím một góc trời

Áo ai tím để rối bời lòng nhau

Hoàng hôn tím bởi vì đâu

Chiều hoang biền biệt tím màu nhớ thương!

 

Nguyễn Hữu Trung

(Phó Hiệu trưởng THCS Hải Sơn)

 

NƠI CON ĐẾN


Nơi con đến, ba đã hằng mong ước
Mộng tan vào trong trang giấy tuổi thơ
Rồi ngày mai ai đâu biết chữ “ngờ”
Nó đã bị chôn vùi theo năm tháng.

Đêm trăn trở, đầu xanh thành bạc trắng
Bụi trần gian che lấp tuổi thanh xuân
Cuộc đời ba bao sóng gió gập ghềnh
Bươn chải lắm mong tháng ngày đắp đủ.

Biết chăm bón có ngày hoa cũng nở
Con thay ba bước tiếp dặm đường dài
Và có quyền mơ ước đến ngày mai
Đời con sẽ gấp trăm lần ba hiện tại.

Nơi con đến là nơi ba dừng lại
Chưa một lần mặc chiếc áo sinh viên
Nhưng trong lòng luôn ấp ủ lên men
Biến ước mơ để trở thành hiện thực

Nơi con đến, ba là người tiếp sức
Thổi vào con một ngọn lửa cháy hồng
Mong ở con một ý chí sắt son
Thành sản phẩm mà ba hằng mong ước. 
                             
                                                           Lê Đắc Lay  
                          (GV trường Tiểu học số 2 Hải Ba)


NỔI NIỀM CÔ GIÁO DẠY VĂN

Em có biết:       
            Văn học là nhân học
Nghiệp “trồng người” gian khó trăm năm
Cô dạy văn dạy người nên nghiêm khắc
Lúc bực mình quên cả dáng văn
Em có biết:
              Lúc chấm bài,
                  Cô dò từng con chữ
                       Chữa cho em từng lỗi từng câu
Lúc em nói,           
         Cô nén lòng nhắc nhở 
              Thời gian trôi đi             
                   Bài giảng phải đi nhanh
Rồi có ngày  
         Em xin nghỉ học     
             Mỗi khoảng trống trên bàn là khoảng trống trong cô
Trước mắt em chân trời mơ ước
Em có hiểu nổi niềm cô giáo dạy văn                                                            

                                                             Hồ Thị Mai   
                                                 (GV THCS Hải Lâm)

 
KÍ ỨC XƯA VỀ TÌM
               Tặng các em hs lớp 9 trường THCS Hải Vĩnh


Mùa hè nữa lại về
Bốn năm thành kỉ niệm
Từng hàng cây ghế đá
Bạn gạ tỏ nỗi niềm.

Mới ngày nào bỡ ngỡ
Rụt rè bước chân vô
Lạ bạn, trường, thầy cô
Lạ từng ô cửa sổ.

Rồi ngày cứ tiếp ngày
Chắp cánh những ước mơ
Bao điều thầy cô giảng
Đưa thuyền em sang bờ

Sân trường rộn tiếng ve
Hoa bằng lăng lại tím
Phượng cháy lửa khát khao
Kí ức xưa về tìm.     
                             
                   
                                      Nguyễn Trí Ngọc   
                                                     (GV THCS Hải Vĩnh)

 
EM LÀ MÙA XUÂN 


Anh dừng chân bên lớp học 
                   Giữa chiều thu
Để vài phút ngắm nhìn em  
                  Trên bục giảng
Tập giáo án và vài viên phấn trắng
Giữa cuộc đời tay em dệt mùa xuân.
                  Một phút nghe lòng bâng khuâng
                  Anh ngỡ như mình trẻ lại.
                  Như thuở nào xách cặp tung tăng
                  Đến lớp chăm nhìn cô giảng
Bên ngoài khung cửa sổ
Anh vẫn ngắm nhìn với ánh mắt say mê
Và hiểu vì sao em chọn đúng nghề
Bởi niềm tin em mãi trên từng trang giáo án
Ánh mắt trẻ thơ nhìn theo tin tuởng.
Gieo hạt giống đời tay em nâng niu
Để giữ trọn mùa xuân cho đất nước
Em ơi! Em có biết
Bên ngoài khung cửa sổ
Anh vẫn ngắm nhìn         
                   Với ánh mắt say mê

                     
                           Nguyễn Thị Mỹ Hạnh  
                                                      (GV THCS Hải An) 

READ MORE - TRANG THƠ NHÀ GIÁO HẢI LĂNG - Võ Văn Hoa tuyển chọn

LÀNG NẠI CỬU XƯA VÀ NAY - Võ Nguyên Thủy

Theo Đại Nam nhất thống chí, trong thập niên 60 của thế kỷ XV, chúa Nguyễn đưa dân chúng ở các tỉnh phía Bắc vào khai hoang lập ấp xây dựng dinh Cát ở Ái Tử, huyện Đăng Xương, đạo Quảng Trị (nay là huyện Triệu Phong) lập nên nhiều dinh cơ làng mạc. Làng Nại Cửu là một trong những địa danh được hình thành từ đó. Để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân khai hoang lập ấp, nhân dân đã đóng góp công sức xây dựng ngôi đền thờ vị thành hoàng khai khẩn làng. Ngoài việc thờ 7 vị thiên thần, nhơn thần, đình còn là nơi thờ phụng các vị khoa bảng qua các triều đại.

Đình làng Nại Cửu bây giờ

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đình làng Nại Cửu còn gắn với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của cách mạng. Nơi đây, vào tháng 3/1930 đã diễn ra cuộc họp của Ban vận động thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Trị, đây là sự kiện nhằm chuẩn bị đầy đủ về tổ chức, tư tưởng cho sự ra đời Tỉnh ủy ngày 25/5/1930. Trước ngày 19/8/1945, đình làng Nại Cửu là địa điểm tập trung nhân dân các khu vực lân cận để nghe cấp trên trình bày kế hoạch giành chính quyền phủ Triệu Phong và sau này được Ủy ban cách mạng lâm thời huyện chọn làm điểm tổ chức hội nghị thành lập xã Phong La...

Chi khu Triệu phong đóng trên đất làng Nại cửu,phía nam Chi khu là trường Trung học Triệu phong,phía tây chỉ cách một con đường có Trung tâm huấn luyện Biệt chính (sau này lần lượt đổi tên là Xây dựng nông thôn), có giai đoạn đơn vị Xiti (City) đồn trú tại đây, trong khu vực này có mấy cái lô cốt của Pháp, nơi giam giữ những người tình nghi hoặc những người cọng sản bị bắt hàng đêm vọng ra những tiêng gào hét trong lúc CSĐB tra tấn họ. Phải nói rằng trước năm 1972 đây là khu vực quận lỵ Triệu phong nên khá sâm uất.


Nại Cửu là một làng có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Từ buổi khởi thủy đầu tiên, khai sơn phá thạch, canh điền lập ấp đặt ra hương hiệu cho đến ngày nay đã ngót hơn 500 năm. Trong quãng thời gian đó, nhiều thế hệ con cháu của các bậc tiền nhân đã chung lưng đấu cật xây đắp nên những truyền thống quý báu xứng đáng cho chúng ta hôm nay tự hào và ngưỡng vọng. Tuy nhiên, trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại với không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm, làng xóm, hương hiệu, tập quán, phong tục thì vẫn còn đó song cương vực, địa giới, lăng mộ, đình chùa, miếu vũ và kể cả lòng người cũng lắm sự đổi thay. Việc nhận thức, tìm hiểu cội nguồn đặng hướng tới cái cao đẹp, thiện tâm là nguyện vọng thiết tha của mỗi người dân làng Nại Cửu đang sinh sống trong và ngoài nước. Bài viết này xin góp một vài hiểu biết nhỏ về mảnh đất thân thương trên đôi bờ Vĩnh Định- Làng Nại Cửu.

Lịch sử của một làng, một vùng cũng như một quốc gia, dân tộc là quá trình hình thành và phát triển liên tục qua nhiều năm tháng. Để có được một đất nước thanh bình, một làng xóm yên vui, tổ tiên chúng ta phải trải qua không biết bao nhiêu nỗi thăng trầm dâu bể. Cha ông chúng ta đã phải nếm trải qua vô vàn những cực nhọc, đắng cay. Cùng đoàn kết, gắn bó thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng đổ mồ hôi xương máu giành giật với thiên nhiên khắc nghiệt và với các thế lực áp bức, đô hộ bạo tàn. Trên dặm dài hành trình gian khổ ấy, một bản sắc "con Hồng cháu Lạc" đã được hun đúc, một giá trị văn hóa Việt Nam đã được tích tụ, tô bồi như mạch nguồn cuộn chảy vĩnh hằng với thời gian…

Làng Nại Cửu nguyên là một vùng đất thuộc Châu Ô của vương quốc Chăm Pa. Châu này xưa là đất của một trong 15 bộ Việt Thường của quốc gia Văn Lang (Đại Việt sau này). Đời nhà Tấn thuộc vào quận Tượng Lâm. Đời Hán thuộc quận Nhật Nam và đời nhà Đường là huyện Cảnh Chân. Từ năm 1306, bằng cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị Việt- Chiêm, nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho Vua Chàm là Chế Mân để nhận lấy món quà sính lễ là hai châu Ô- Lý. Sau đó, nhà Trần đổi Châu Ô thành Thuận Châu, Châu Hóa thành Hóa Châu rồi đưa quân lính tới trấn giữ và mộ dân vào đây khai khẩn vùng đất mới. Làng Nại Cửu cùng với rất nhiều làng khác trên địa bàn phía Nam sông Hiếu được hình thành trong bối cảnh đó. Sách "Ô châu cận lục " của học giả Dương Văn An viết năm 1553 đã có ghi tên làng Nại Cửu thuộc vào huyện Hải Lăng của Phủ Triệu Phong. Chính điều này gợi cho chúng ta một suy luận rằng: Làng Nại Cửu phải có từ trước đó (tức là trước năm 1553) thì Dương Văn An mới ghi vào. Hơn nữa đối chiếu với số đời của các họ tộc trong làng (họ cao nhất hơn 20 đời) và xét trên bình diện chung của lịch sử vùng đất Thuận Hóa sau năm 1306 thì có thể đóng khung một thời điểm tương đối chính xác cho sự hình thành làng Nại Cửu là nằm vào trong cuộc đại di dân dưới thời Vua Lê Thánh Tông, tức là vào khoảng từ năm 1476 đến năm 1497.

Gốc gác của những người Việt đầu tiên đến làng Nại Cửu là những người ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Theo một số truyền thuyết còn lưu lại tại các tộc họ thì 6 Ngài thủy tổ làng Nại Cửu gồm: Lê Nghi Dân, Nguyễn Xí, Phan Bá Đạt, Hoàng Phùng Anh, Võ Duy Bẩm, Trần Phái vốn là những vương công, tôn thần của nhà Lê. Do dính líu vào vụ án "Lệ Chi Viên " của Nguyễn Trãi nên các Ngài buộc phải lánh nạn đến vùng Thuận Hóa. Sau khi vượt sông Thạch Hãn, thấy phong thủy hữu tình, đất đai màu mỡ, các Ngài liền rủ nhau chiếm cứ nơi này. Đến đời Lê Thánh Tông, khi nhà Vua ban chiếu chiêu an, các Ngài liền trao toàn bộ sự nghiệp cho con cháu còn mình phụng mệnh trở về đất Bắc và qua đời luôn ở đó. Con cháu trên vùng đất mới suy tôn các Ngài làm tiền khai khẩn và tiếp tục hợp lực để khai hoang lập ấp, hình thành nên cương vực địa giới của làng. Từ đây cái tên Nại Cửu chính thức ra đời (sau này có thời kỳ còn có thêm tên gọi là Nại Diên). Nại Cửu có nghĩa là bền lâu đã phản ánh cô động ý chí, cốt cách của những con người vào định cư ở một vùng đất xa lạ, hiểm nguy, đồng thời cũng là hoài bão, khát vọng vươn tới cái đẹp, cái trường tồn vĩnh hằng cho cả cộng đồng đang tồn tại và con cháu kế nghiệp ở tương lai. Tưởng nhớ công ơn của các Ngài tiền khai khẩn, dân làng đã lập miếu thờ tại khu vực xóm Ngoài và hàng năm vào các dịp tế lễ đều tổ chức nghinh rước về đình làng rất long trọng. Trải qua thời gian và chiến tranh ly loạn, các tư liệu thành văn, các bộ gia phả đã từng được biên soạn, sao chép, lưu giữ, thậm chí là các dạo sắc phong tặng Tiền khai khẩn của nhà nước phong kiến cũng đều bị tiêu tán, mất mát hầu như toàn bộ. Do vậy hiểu biết của con cháu hôm nay đối với các bậc tiền nhân hết sức ít ỏi mơ hồ. Hậu thế ghi ơn người mở nghiệp chỉ là niềm tôn vinh thành kính trong sự lưu giữ truyền thống về một mảnh đất hương hỏa ngàn đời của cha ông.

Noi gương tiên tổ, tiếp bước tiền nhân, các thế hệ con dân làng Nại Cửu trong suốt quá trình phát triển đã tạo ra được mối đoàn kết bền chặt giữa các tộc họ, góp sức xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê hương và sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa. Chính từ mảnh đất này, rất nhiều người đã lên đường vào cuộc Nam tiến mở nước vĩ đại của các triều đình phong kiến Đại Việt; theo anh em nhà Tây sơn vung gươm đạp đổ mọi thế lực quân chủ bạo tàn, đánh đuổi bè lũ xâm lược thu non sông về một mối. Đặc biệt, khi kinh đô Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi xa giá ra Quảng Trị, lên sơn phòng Tân sở hạ chiếu Cần Vương, một số văn thân, sĩ phu làng Nại Cửu đã đứng lên tham gia phò Vua cứu nước. Khi phong trào Cần Vương thất bại, Vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp lưu đày biệt xứ, có người đã bị bắt, số khác lui về ẩn dật sống cuộc đời thanh bạch tại làng, quyết không chịu cam tâm làm tay sai cho giặc và bè lũ phản dân hại nước…


Trên những dặm đường đi lên cùng đất nước, làng Nại Cửu đã có những văn nhân hiển vinh đường khoa cử được ghi tên vào bảng vàng, bia ký của triều điình phong kiến, những nhân vật cách mạng lỗi lạc đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tiêu biểu phải kể đến Ngài thượng thư Trần Thoại, đỗ "Đệ nhất giáp tiến sĩ thám hoa cập đệ tam danh" tại khoa thi đòi Vua Lê Hiển Tông (năm 1739). Ngài Võ Tử Văn, đổ phó bảng đưới triều Vua Tự Đức. Đồng chí Trần Bỉnh, cán bộ cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa. Đồng chí Trần Quỳnh, phó Thủ tướng nước cộng hòa XHCN Việt Nam.v.v. Thời kỳ sau năm 1975 cho đến nay, vượt lên trên những khó khăn về kinh tế, người dân Nại Cửu vẫn thắt lưng, buộc bụng để nuôi dưỡng và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông. Hiện tại, toàn làng có hơn 600 người là cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân đang công tác tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, có một đội ngũ giáo viên đông đảo lên đến hàng trăm người và đươc coi là một "hiện tượng" hiếm có ở tỉnh Quảng Trị. Lực lượng ưu tú này đang đóng góp tích cực vào sự đổi thay, phát triển của quê nhà. Đặc biệt, họ đang cùng toàn thể con dân của làng cả ở trong và ngoài nước nâng niu, gìn giữ, tô bồi cái bản sắc văn hóa quý báu của người Nại Cửu, đó là truyền thống trọng học, trọng lễ nghĩa; đức tính hiền hòa, nhân ái; tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó và một tấm lòng thủy chung son sắt, "ly hương bất ly tổ".

Xuân mới đã bừng lên trên đôi bờ Vĩnh Định. Nắng ấm đang dâng tràn từ xóm Rôộc, xóm ngoài đến Đèo Pheo, Bàu Chúa, Giàng Xay… Người Nại Cửu dù đi đâu ở đâu hãy luôn hướng về quê hương nguồn cội, để mảnh đất nơi chúng ta cắt rốn, chôn rau mãi luôn trường cửu, đẹp giàu như niềm mong của Tiên Tổ.
Võ Nguyên Thủy
Đài PTTH Quảng Trị
READ MORE - LÀNG NẠI CỬU XƯA VÀ NAY - Võ Nguyên Thủy

ĐỌC LẠI THƠ MÌNH - Hùng Vĩnh Phước

 
Bao nhiêu năm làm thơ để xó
Hôm nay lục lại đọc thơ mình
Phía sau từng câu mỗi chữ
Là nỗi dại khờ từ thuở sơ sinh.
 
Nghe như thử là thằng chán nản...
Đâu phải vậy, người ơi
Ta vẫn yêu thương
Vẫn thiết tha đời
Đã nhiều bận chở dại khờ đi đổ
Thuyền vẫn ắp đầy
Đổ mấy cũng không vơi!

Hùng Vĩnh Phước
hungvinhphuoc@yahoo.com
READ MORE - ĐỌC LẠI THƠ MÌNH - Hùng Vĩnh Phước

Chùm thơ của cụ Đặng Xuân Diệu


Cụ Đặng Xuân Diệu là một lão nông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp và tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneve năm 1954. Sau khi đất nước thống nhất, cụ về hưu và trở lại sống với bà con bản quán bên cánh đồng làng Lương Điền, xã Hải Sơn để nghe lúa hát rì rào và hưởng gió đồng mát rươị quanh năm. Căn nhà đơn sơ của cụ không chỉ là quán nhậu dân dã với món ốc bươu và rượu gạo dành cho những anh nông dân muốn giản gân cốt sau một ngày đồng  áng mệt nhọc mà còn là nơi tụ họp của những tay có máu thơ trong làng bởi cụ là một người yêu thơ và làm thơ để giải khuây. Cụ có tập vở sưu tầm những bài thơ hay của những nông dân trong làng, kể cả những người đã về thiên cổ hơn nửa thế kỷ hoặc những  người đã đi  lưu lạc tha phương cầu thực chưa bao giờ trở lại thăm làng.

VNQT xin giới thiệu chùm thơ hai bài lục bát với câu chữ mộc mạc nguyên xi của cụ.

LỜI KHUYÊN

Sống nên có xóm có giềng
Lỡ khi tắt lửa tối đèn có nhau
Hoặc khi sổ mũi đau đầu
Thiên tai đạo tặc, nghèo giàu tương thân
Bà con xa láng giềng gần
Câu ca dao ấy gieo vần từ lâu
Nơi ta cắt rốn chôn rau
Mở mắt chống cửa thấy nhau hằng ngày
Tình thương như bát nước đầy
Đừng để chao chọng tình này ai ơi!


TÔI YÊU QUÊ TÔI

Lương Điền có cây phong lưu
Có người không biết từ đâu đưa về
Tương truyền của cụ Thị Khuê*
Lấy từ nước bạn đem về trồng đây
Trải bao năm tháng dạn dày
Trải bao bom đạn Mỹ Tây dập vùi
Cây vẫn sống giữa đất trời
Vươn cao tỏa bóng cho đời xinh tươi

Lương Điền quê của tôi ơi!
Trăm năm vẫn nhớ ơn người cưu mang
Tôi yêu những lũy tre làng
Tôi yêu tất cả những hàng cây xanh
Tôi yêu những mái nhà tranh
Tôi yêu bến nước mái đình cây đa
Tôi yêu giòng nước Thác Ma
Hàng năm bù đắp phù sa cho đời
Tôi yêu tất cả con người
Hai sương một nắng vẫn cười vẫn vui
Tôi yêu đồng ruộng quê tôi
Lúa ngô khoai sắn nuôi tôi tháng ngày
Lòng tôi như nước tràn đầy
Muốn ốm tất cả vào tay của mình.

* Cụ Khuê tên thật là Lê Ông Khư, là con nuôi của một người Pháp, làm quan đến chức Thị,  bà con kiêng  Khư mà gọi là Khuê. Cụ lấy hai cây phong lưu  từ bên Lào về trồng trước sân đình làng, nay chỉ còn một cây và trở thành cây cổ thụ đã gần 200 tuổi.

Đặng Xuân Diệu
Thôn Lương Điền, xã Hải Sơn,
 huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị





READ MORE - Chùm thơ của cụ Đặng Xuân Diệu

Chùm thơ họa - Võ Làng Trâm biên tập



TÌNH ĐỜI
 
Xưa nay phú quý mấy ai thừa,
Rủng rỉnh đầy mình cứ mãi ưa.
Của cải đầy kho lo sợ thiếu,
Tiền tài chật két ngại còn chưa.
Đối nhân tằn tiện tay ôm túi,
Xử thế qua loa miệng hứa bừa.
Tình nghĩa có chăng, tăng lợi nhuận,
Buôn thần bán thánh mánh không chừa !
                              Võ Làng Trâm



Các bài họa
 
 NHẮC NHỞ
 
Nhắc nhở cho nhau mãi chẳng thừa
Mặc dù lời thật ít ai ưa !
Nghĩa nhân kiểm điểm còn nguyên vẹn?
Trí tín trau giồi đã đủ chưa?
Lúc xuống, khăng khăng gìn khảng khái
Khi lên,cương quyết tránh chơi bừa.
Trăm năm giữ vững tâm ngời sáng
Bia miệng đời sau phải nể chừa.
                             Sông Thu
 
THÓI ĐỜI
 
Không nói sai ngoa, chẳng nói thừa
Người thường ngay thẳng, mấy ai ưa?
Thói đời đổi trắng, khi thời thiếu
Nhân nghĩa thay đen, lúc vận chưa
Chán cảnh đẩy đưa lời cợt nhã
Thương thân quạnh quẻ sợ yêu bừa
Anh hùng hữu hảo bao người nhỉ ?
Tục tử phàm phu phải né chừa…
                                    Thu Vân
 
 
CHẲNG CHỊU CHỪA
                 
Thế sự “hơi đâu” chuyện thiếu thừa
No cơm ấm áo lại càng ưa
Túi tham không đáy, nhiều đâu đủ
Dục vọng đầy dư mấy vẫn chưa
Đục nước thả câu hòng bắt cá
Béo Cò no dạ cứ làm bừa
Hạ hồi phân xử, vào nằm khám
Gương trước việc sau, chẳng chịu chừa ?
                             Ngọc Ẩn Nhi Huyền
 
QUẢ ĐU ĐỦ
 
Trời đất sinh ra chẳng thiếu thừa
Gọi là đu đủ được người ưa.
Da vàng căng mọng là đang chín
Xanh vỏ mủ thòng vẫn cứ chưa
Người khỏe vô tư xơi bổ dưỡng
Thai nhi chú ý chớ dùng bừa.
Xin mời thưởng thức nguồn sinh tố
Ăn hết bạn ơi chớ để chừa .
                       Lương Thế Hùng
 
 
CHỐN SÂN SI
 
Vàng bạc tràn kho chẳng thấy thừa
Vinh hoa phú quý lắm người ưa
Tiệc tùng sớm tối đàn không dứt
Vũ hội thâu đêm rượu vẫn chưa
Kiếm cớ ngày ngày lo nịnh hót
Tìm mưu tháng tháng trốn cày bừa
Lên xe xuống chó rồi buồn hận
Kiếp sống phù hư ấy hãy chừa !
                          Sonata

READ MORE - Chùm thơ họa - Võ Làng Trâm biên tập